Biến đổi quan niệm hôn nhân của người tày ở cao lộc, lạng sơn

Những biến đổi trong quan niệm hôn nhân của người Tày ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn diễn ra trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự biến đổi này chưa làm mất đi các giá trị văn hóa tộc người nhưng có những ảnh hưởng, tác động sâu sắc theo cả hai khía cạnh: tích cực và tiêu cực. Bài viết đi sâu phân tích quá trình biến đổi trong quan niệm về hôn nhân cũng như các nội dung cụ thể của nó qua số liệu điều tra, điền dã thực tế tại 3 thôn: Bản Vàng (xã Cao Lâu), Bắc Đông II (xã Gia Cát) và Khối 5 (thị trấn Cao Lộc), huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian từ 2011 – 2015.

Từ xưa đến nay, việc kết hôn không chỉ có ý nghĩa với đôi nam nữ mà còn là mối quan tâm của cả gia đình, dòng họ hai bên. Tuy nhiên, sự thay đổi về thời gian và không gian sống đã kéo theo những thay đổi mà trước hết là trong mô hình tìm hiểu hôn nhân và quyền quyết định hôn nhân. Cao Lộc là một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn. Với vị trí địa lý tự nhiên rất đặc thù: bao quanh thành phố Lạng Sơn; có cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc; thị trấn Đồng Đăng – trung tâm thương mại, buôn bán, trao đổi sầm uất giữa nước ta với nước bạn… Với điều kiện như vậy, sự biến đổi văn hóa truyền thống, nhất là các phong tục, tập quán lâu đời của người Tày ở Cao Lộc nói chung, tập quán hôn nhân và nghi lễ cưới xin nói riêng đang diễn ra rất đa dạng, trên cả chiều rộng lẫn chiều sâu với một tốc độ, phạm vị và mức độ mạnh mẽ.

1. Biến đổi về cơ hội lựa chọn hôn nhân

Đối với đồng bào dân tộc nói chung, người Tày ở Cao Lộc nói riêng, do đặc thù địa bàn sinh sống thường ở các vùng núi cao, giao thông đi lại khó khăn, sinh kế chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi nên điều kiện và nhu cầu di chuyển ra khỏi khu vực sinh sống không cao. Do đó phạm vi lựa chọn hôn nhân thường bó hẹp trong phạm vi thôn/làng bản. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã phá vỡ và vượt khỏi phạm vi làng, xã. Theo đó, việc lựa chọn hôn nhân cũng biến đổi về không gian do tính di động nghề nghiệp và di động xã hội của các cá nhân tăng lên. Nhiều thanh niên Tày ở vùng nông thôn ra thành phố học tập hoặc tìm kiếm công ăn việc làm tại các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp mới. Họ không quay về nông thôn mà kết hôn với những người quen biết từ nhiều vùng khác nhau, thậm chí là người nước ngoài và sinh sống tại nơi làm việc của họ. Như vậy, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa chính là cơ sở, điều kiện mở rộng phạm vi lựa chọn hôn nhân.

Kết quả điều tra tại 3 xã ở huyện Cao Lộc cho thấy, phần lớn các cặp vợ chồng kết hôn với nhau đều nằm trong phạm vi một thôn, bản. 56,9% số người trả lời (NTL) cho biết họ sinh ra tại xã họ đang sống và 48,1% vợ hoặc chồng NTL cũng sinh ra cùng xã với họ; 18,3% số NTL sinh ra tại xã khác cùng huyện; 15,6 % số NTL sinh ra tại huyện khác trong tỉnh. Theo đó, tỷ lệ sinh cùng huyện của vợ hoặc chồng NTL tương ứng là 20,4%, cùng tỉnh là 17,6 %, thuộc tỉnh khác là 7,4%. Cụ thể tại 3 điểm điều tra, số cặp đôi có vợ hoặc chồng cùng thôn/bản chiếm tỷ lệ cao nhất là Bản Vàng, chiếm 74,3% so với 45% ở Bắc Đông II và 18,5% ở Khối 5.

Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giao lưu, mở cửa đã phần nào tác động đến không gian lựa chọn hôn nhân của người Tày ở Cao Lộc hiện nay. Không gian lựa chọn hôn nhân không chỉ bó hẹp trong một thôn bản, mà đã mở rộng phạm vi ra các xã, huyện và tỉnh khác. Tuy nhiên, tác động này lên các điểm nghiên cứu cũng không giống nhau. Ở các điểm nghiên cứu gần với thành phố, nơi quá trình giao lưu diễn ra mạnh hơn thì chịu sự ảnh hưởng lớn hơn. Thị trấn Cao Lộc là địa bàn sát với thành phố Lạng Sơn, từ trung tâm thành phố đến trung tâm huyện chỉ khoảng 3 km, là trung tâm chính trị – hành chính của huyện, cũng là một trong những khu vực diễn ra hoạt động buôn bán, trao đổi thương mại sôi động của tỉnh, vì có các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia; các cặp chợ đường biên… nên số NTL có vợ hoặc chồng ở tỉnh khác chiếm tỷ lệ 11,1%, cao hơn so với 6,5% ở Gia Cát và 5,7% ở Cao Lâu. Dù vậy, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, không gian lựa chọn hôn nhân tuy có biến đổi nhưng còn chậm hơn so với các yếu tố khác. Phạm vi giao tiếp của người Tày ở Cao Lộc nói riêng, của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đặc biệt ở khu vực nông thôn còn rất hạn hẹp, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra còn chậm chạp.

2. Biến đổi về các hình thức tìm hiểu trước khi kết hôn

 Kết quả khảo sát các hình thức tìm hiểu hôn nhân của người Tày ở Cao Lộc hiện nay cho thấy: mặc dù phần lớn các cuộc kết hôn diễn ra trong phạm vi làng, xã, nhưng có đến 39,4% các cặp vợ chồng đều khẳng định có thời gian làm quen và tìm hiểu trước khi đi tới hôn nhân. Điều này đã chứng tỏ tự do tìm hiểu, yêu đương đang trở thành xu hướng trong hôn nhân của thanh niên Tày hiện nay. Đây chính là một điểm khác biệt lớn so với việc cha mẹ sắp đặt hôn nhân truyền thống ở người Tày trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn 27,5% số người được hỏi cho biết, cuộc hôn nhân của họ là do bố mẹ giới thiệu; 25,7% do sắp xếp, hứa hôn. Tỷ lệ các hình thức tìm hiểu khác chiếm thấp hơn: 8,3% cùng nơi làm việc; 8,3% qua bạn bè giới thiệu; chỉ có 1,8% do làm mối. Đáng lưu ý là trong số tất cả người được hỏi không có cặp vợ chồng nào tìm hiểu đi đến kết hôn do quen biết ở nơi vui chơi giải trí. Điều đó cũng chứng tỏ thực trạng về sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc ở miền núi còn rất khó khăn, thiếu thốn. Các địa điểm tổ chức vui chơi, giải trí thường xuyên cho thanh niên nam nữ còn rất hạn chế, thường thì mỗi xã chỉ có một nhà văn hóa. Tuy nhiên, do nội dung và hình thức hoạt động nghèo nàn nên không thu hút được thanh niên tham gia vào các hoạt động. Nhà văn hóa xã chủ yếu là nơi hội họp của đồng bào khi có vấn đề gì cần thảo luận, xin ý kiến. Do đồng bào sống chủ yếu ở vùng nông thôn, thậm chí là các xã sát biên, việc học lên cao rất khó khăn, chủ yếu học xong trung học cơ sở là ở nhà làm nông nghiệp nên ít tham gia vào sinh hoạt trong các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan nhà nước…

 3. Biến đổi về độ tuổi kết hôn lần đầu

 Kết hôn sớm là một trong những đặc điểm nổi bật trong hôn nhân truyền thống của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao. Đặc điểm này do nhiều nguyên nhân, cả khách quan, chủ quan; các điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, tập quán, trình độ, nhận thức, tâm lý tộc người… Tuy nhiên, so với nhiều tộc người thiểu số khác, vấn đề tảo hôn ở người Tày nói chung, người Tày ở Cao Lộc nói riêng hiện nay không còn là vấn đề bức xúc được đặt ra, chỉ còn 11% tỷ lệ NTL kết hôn dưới 18 tuổi. Có thể nói, độ tuổi kết hôn ngày càng muộn không chỉ là xu hướng kết hôn của người Tày mà là xu hướng chung của nhiều dân tộc hiện nay, nhất là với người Kinh. Đây là sự thay đổi tích cực, bởi điều đó không chỉ đảm bảo về mặt pháp luật mà còn thể hiện ý thức hơn về trách nhiệm gia đình.

Độ tuổi kết hôn cũng có sự chênh lệch giữa 3 địa bàn nghiên cứu. Đối với thôn Bản Vàng, nam nữ kết hôn ở độ tuổi 18 – 22 chiếm tỷ lệ cao nhất với 50% so với 39,1% cùng độ tuổi này thôn Bắc Đông II và 40,7% ở thị trấn Cao Lộc. Ngược lại, ở độ tuổi từ 23 – 30, Cao Lâu lại chiếm tỷ lệ thấp nhất với 36,1%, Gia Cát chiếm 47,8% và 55,6% ở thị trấn Cao Lộc. Cao Lâu cũng là địa bàn có tỷ lệ nam nữ kết hôn dưới 18 tuổi cao nhất chiếm 13,9%. Tỷ lệ này ở Gia Cát là 13,0% và ở thị trấn Cao Lộc giảm đột ngột, chỉ còn 3,7%. Như vậy, người Tày ở những bản xa trung tâm huyện, nơi tiếp xúc với cuộc sống đô thị mờ nhạt hơn, tuổi kết hôn thấp hơn khu vực đô thị hay ven đô thị. Thêm vào đó, ở khu vực trung tâm huyện hiện nay có nhiều cán bộ, công chức công tác trong các cơ quan, ban, ngành của huyện Cao Lộc có tỷ lệ cán bộ người Tày cao thứ hai sau người Kinh. Việc thoát ly đi học rồi công tác trong cơ quan nhà nước đã góp phần kéo dài thời gian sống độc thân, vì thế tuổi kết hôn của những đối tượng này cao hơn nhiều so với những người đồng tộc làm ruộng cùng khu vực cư trú.

4. Biến đổi tiêu chuẩn ưu tiên khi lựa chọn bạn đời

Nếu như trong hôn nhân truyền thống trước đây, nam nữ có thể lấy nhau mà không có giai đoạn yêu đương, hoặc đã yêu nhau là tiến đến hôn nhân thì nay nhiều thanh niên phân biệt giữa yêu và lấy là hai vấn đề khác nhau. Hôn nhân ngày nay biến đổi theo hướng thỏa mãn nhu cầu tình cảm của các cá nhân nhiều hơn là thỏa mãn nhu cầu của gia đình, dòng họ. Sự biến đổi trong quan niệm về hôn nhân tất yếu sẽ kéo theo những biến đổi trong tiêu chí lựa chọn bạn đời. Kết quả điều tra cho thấy, 3 yếu tố chiếm tỷ lệ cao nhất trong tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời hiện nay là: có đạo đức tốt, có sức khỏe, người mình yêu. Trong đó đạo đức vẫn giữ vị trí quan trọng nhất khi lựa chọn đối tượng để tiến tới hôn nhân (chiếm 85,0%); tiếp theo chọn người mình yêu làm vợ, làm chồng cũng được đa số NTL đồng tình (chiếm 85,0%), và yếu tố sức khỏe vẫn luôn được coi là một trong những tiêu chuẩn không thể thiếu khi quyết định kết hôn với một người nào đó (chiếm 75,0%). Có thể nói, đây chính là những yếu tố cốt lõi, những tiền đề cơ bản nhất để xây dựng hạnh phúc gia đình. Như vậy, quan niệm về hôn nhân nói chung, tiêu chí lựa chọn bạn đời nói riêng của người Tày ở Cao Lộc, Lạng Sơn đang biến đổi theo xu hướng ngày càng tiến bộ.

 Những năm gần đây, với sự phát triển của kinh tế thị trường và quá trình mở cửa, giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng diễn ra mạnh mẽ, người Tày ở Lạng Sơn cũng như ở Cao Lộc, nhất là ở các khu vực có cửa khẩu với Trung Quốc diễn ra sự thay đổi lớn trong sinh kế. Ngoài sinh kế truyền thống là trồng trọt và chăn nuôi, xuất hiện nhiều hình thức sinh kế mới: buôn bán, cẩu pỉnh, làm thuê, cho thuê đất đai, mặt bằng, cửa hàng… Khoảng vài ba năm trở lại đây, thanh niên nam nữ Tày ở Lạng Sơn có xu hướng xuống các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh làm công nhân ở các khu công nghiệp. Yếu tố biết làm ăn trở thành một trong những tiêu chí ngày càng được thanh niên nam nữ quan tâm trong lựa chọn bạn đời. Như vậy, yếu tố kinh tế đã và đang dần trở thành một trong những tiêu chí lựa chọn bạn đời. Đây chính là cơ sở nuôi dưỡng tình yêu, xây dựng hạnh phúc gia đình theo hướng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ hiện nay. Yếu tố phải là người đồng tộc, một trong những tiêu chí đặt lên hàng đầu trong hôn nhân truyền thống của người Tày cũng đã không còn quan trọng như trước kia.

 Như vậy, có thể nhận thấy, xu hướng lựa chọn bạn đời của người Tày hiện nay vừa tiếp nối được những tiêu chuẩn lựa chọn của hôn nhân truyền thống vừa hình thành những tiêu chuẩn lựa chọn mới phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Sự áp đặt hôn nhân từ gia đình và tập thể, vốn là đặc trưng của hôn nhân truyền thống suy giảm dần; hệ tiêu chuẩn cá nhân, biểu hiện của xã hội hiện đại ngày càng rõ nét. Các giá trị cốt lõi của con người là đạo đức và sức khỏe vẫn luôn được duy trì, coi trọng; đồng thời những giá trị mới như nghề nghiệp ổn đinh, điều kiện kinh tế cũng ngày càng được coi trọng trong hôn nhân.

 5. Biến đổi trong quyền quyết định hôn nhân

 Hôn nhân của người Tày hiện nay không chỉ diễn ra một chiều áp đặt từ cha mẹ xuống các con mà có thể nói tác động nhiều chiều, trong đó, đôi trẻ đã trở thành chủ thể chính trong việc quyết định hạnh phúc của mình. Kết quả điều tra cho thấy, xu hướng chủ đạo hiện nay là con cái quyết định, hỏi ý kiến cha mẹ, chiếm tỷ lệ cao nhất (65%); tỷ lệ bố mẹ quyết định hoàn toàn giảm chỉ còn 5% so với 70,8% trước năm 1975. Tuy nhiên, xu hướng bố mẹ quyết định hoàn toàn chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng không có nghĩa là quyền quyết định hôn nhân chuyển hoàn toàn sang con cái. Điều này cho thấy, mặc dù việc kết hôn của người Tày ở Cao Lộc hiện nay đã biến đổi theo xu hướng cha mẹ ngàydù việc kết hôn của người Tày ở Cao Lộc hiện nay đã biến đổi theo xu hướng cha mẹ ngày càng tôn trọng tình cảm, sự lựa chọn và hạnh phúc của các con nhưng việc lựa chọn bạn đời cho con cái vẫn tiếp tục là công việc của gia đình chứ không hoàn toàn chỉ là công việc của cá nhân. Việc con cái quyết định, hỏi ý kiến cha mẹ cũng phản ánh sự gắn bó, tin cậy và trân trọng của con cái đối với cha mẹ. Nhưng dù nguyên nhân nào thì việc có được sự nhất trí, đồng thuận của cha mẹ cũng là tiền đề, cơ sở tạo nên sự hòa thuận trong cuộc sống của tất cả các thành viên trong gia đình sau này.

Như vậy, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, nền kinh tế thị trường và sự giao lưu với văn hóa các dân tộc đang tác động mạnh mẽ và làm biến đổi văn hóa truyền thống của người Tày ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn nói chung, trong đó có tập quán hôn nhân, cưới xin. Sự biến đổi này chưa làm mất đi những yếu tố nền tảng của văn hóa truyền thống nhưng đang/ có những ảnh hưởng khá sâu sắc theo cả 2 chiều tích cực và tiêu cực. Không gian lựa chọn hôn nhân ngày càng được mở rộng đồng nghĩa với việc thanh niên nam nữ Tày ngày càng có nhiều cơ hội hơn trong tìm hiểu, lựa chọn cho mình một người bạn đời phù hợp. Sự gia tăng tính bình đẳng, tự do trong quyền quyết định hôn nhân thể hiện họ ngày càng chủ động hơn trong quyết định hạnh phúc lứa đôi. Tuổi kết hôn lần đầu ngày càng được nâng lên; các tiêu chí lựa chọn bạn đời đang dần hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì quan niệm hôn nhân của người Tày ở Cao Lộc vẫn bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Sự dễ dãi trong lựa chọn hôn nhân dẫn đến những hiện tượng: vi phạm nguyên tắc ngoại hôn dòng họ; quan hệ tình dục trước khi kết hôn… làm mất đi sự thiêng liêng trong tình yêu, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình, đồng thời cũng làm xói mòn những giá trị truyền thống tốt đẹp trong hôn nhân của người Tày. Vì vậy, cùng với tiếp thu những nhân tố mới, tiến bộ cần quan tâm hơn nữa đến việc giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp trong quan niệm hôn nhân truyền thống của người Tày.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017

Tác giả : GIANG THỊ HUYỀN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *