Vai trò của người mẹ xtiêng trong việc giáo dục con cái

Người Xtiêng tại Thiện Hưng, Bù Đốp, Bình Phước là cộng đồng hình thành từ lâu đời và trải qua nhiều giai đoạn lịch sử. Người Xtiêng tại đây theo chế độ mẫu hệ, cư trú tại nhà vợ sau hôn nhân, vai trò của ông cậu rất quan trọng, con gái được thừa kế tài sản. Chính sách Nhà nước, đạo Tin lành, giao lưu tiếp biến văn hóa với người Kinh đã tác động mạnh đến đời sống văn hóa, tinh thần, quan niệm của người Xtiêng, đặc biệt là vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Thông qua việc mô tả và phân tích vai trò người phụ nữ trong gia đình mà đặc biệt là việc giáo dục con cái sẽ thể hiện phần nào sự thay đổi về vị thế của người phụ nữ trong bối cảnh hiện nay.

1. Người Xtiêng xã Thiện Hưng

Xã Thiện Hưng có tổng diện tích tự nhiên 4935,3 ha, là xã vùng sâu vùng xa thuộc huyện Bù Đốp, nằm ở phía Bắc đường ĐT 759 cách thị trấn Phước Long 5 km. Người Xtiêng sinh sống ở đây từ lâu đời, tuy nhiên do hoàn cảnh lịch sử và chiến tranh họ đã đi chuyển đến nơi khác sinh sống, rồi quay lại cư trú thuộc khu vực xã Thiện Hưng vào những thời điểm khác nhau. Đến năm 1985, khi thực hiện chính sách của Nhà nước về việc cấp đất định canh, định cư cho người dân tộc thiểu số, xã Thiện Hưng cũng đã hệ thống, phân chia lại địa bàn hành chính các thôn thuộc xã. Trên cơ sở đó, thôn Thiện Cư được thành lập, là khu vực cư trú mới của đa số người Xtiêng tại xã với gần 200 hộ. Như vậy có thể thấy, hoàn cảnh lịch sử, bối cảnh xã hội, chính sách của Nhà nước đã tác động lớn đến sự hình thành, phát triển cũng như văn hóa của cộng đồng Xtiêng tại xã Thiện Hưng.

Qua khảo sát thực tế, phụ nữ Xtiêng có trình độ học vấn không cao. Đối với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, đa phần không biết đọc và viết nên chỉ làm rẫy, các công việc trong gia đình. Nhóm phụ nữ trẻ hơn (từ 30 – 40 tuổi) trình độ học vấn ở bậc tiểu học chiếm tỉ lệ cao bên cạnh làm việc nhà, chăm sóc con cái thì họ thường đi cạo mủ cao su, lột vỏ điều thuê để kiếm thêm thu nhập. Nhóm phụ nữ đi làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp có độ tuổi từ 16 – 30, có học vấn tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông. Một số ít các phụ nữ có học vấn cao hơn như trung cấp, cao đẳng, đại học thường làm các công việc hành chính, giáo viên.

Người Xtiêng nhóm Bù Đéc nói chung và người Xtiêng ở xã Thiện Hưng nói riêng tính quan hệ dòng họ theo dòng mẹ, vì vậy, người phụ nữ giữ quyền quyết định chính trong các việc của gia đình, cư trú sau hôn nhân tại nhà/ gần nhà của người vợ, ông cậu có vai trò quan trọng trong việc thực hành các nghi thức dòng họ, ghi nhớ các tập tục riêng của dòng họ mình. Theo ông Điểu Hiền ở thôn 7, xã Thiện Hưng cho biết: “Trong gia đình, người đàn ông lớn tuổi nhất sẽ đứng đầu gia đình quản lí con cháu. Người phụ nữ lo bếp núc, củi, gạo. Đồng bào ở đây theo chế độ mẫu hệ nên người phụ nữ có quyền quyết định trong hôn nhân, người đàn ông phải ở rể. Vì họ quan niệm người phụ nữ là người chân tay yếu mềm đi về nhà chồng không làm được gì… nên phải ở với bố mẹ chăm nom, ai thương thì về làm rể. Tuy nhiên, bây giờ làm rể trong khoảng thời gian đầu thôi, khi chưa biết xây dựng gia đình, còn khi biết rồi sẽ tách ra ở riêng nhưng cũng phải gần nhà bố mẹ vợ để cha mẹ vợ chăm nom”.

2. Vai trò của phụ nữ trong giáo dục con cái

Các nhà nghiên cứu đều khẳng định, giáo dục là chức năng quan trọng của gia đình vì đây là môi trường đầu tiên trong quá trình xã hội hóa của mỗi con người. Thông qua gia đình, các thành viên lĩnh hội được các giá trị cơ bản của cuộc sống, chuẩn bị những hành trang để hòa nhập với cộng đồng. Cha mẹ giữ một vai trò không ai có thể thay thế được trong việc giáo dục con cái. Cuộc sống của cha mẹ chính là trường học đầu tiên của con trẻ về các giá trị của cuộc sống gia đình, điều chỉnh mình trong các mối quan hệ. Có thể nói, những nền móng cơ bản của nhân cách, những sở thích, suy nghĩ về cuộc sống đều được hình thành ngay trong cuộc sống gia đình. Vậy, vai trò người mẹ ở chế độ mẫu hệ trong việc giáo dục con cái như thế nào, có thay đổi gì trong bối cảnh hiện nay?

 


Người phụ nữ Xtiêng. Ảnh internet 

Giáo dục con cái trong xã hội truyền thống

Khi tiến hành phỏng vấn các cộng tác viên lớn tuổi người Xtiêng về việc họ đã học được những gì từ cha mẹ của mình, phần lớn các ý kiến nhận được đều đồng ý về việc cha và mẹ cùng dạy dỗ con cái nhưng người mẹ là người chịu trách nhiệm chính. Điều này cũng dễ hiểu vì người mẹ chăm sóc đứa trẻ từ khi còn nhỏ đến khi lớn nên gần gũi hơn, dễ dàng trong việc dạy bảo con những điều hay lẽ phải. Ngoài ra, trong gia đình người Xtiêng Bù Đéc, người phụ nữ đảm nhiệm tất cả các công việc trong nhà nên việc nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái thuộc về trách nhiệm của người mẹ.

Có thể thấy, vai trò của người mẹ rất quan trọng trong việc góp phần hình thành nhân cách, cung cấp những kinh nghiệm sống, kiến thức về thế giới xung quanh, định hướng việc làm cũng như cách hành xử phù hợp với chuẩn mực xã hội. Việc dạy dỗ con cái bao gồm cách cư xử với mọi người trong gia đình, giữ gìn và thực hiện các phong tục truyền thống của dòng họ; những kiến thức dân gian về thế giới tự nhiên, vũ trụ; cách đi rừng, làm nhà, phát rẫy, săn bắt (đối với con trai); làm rẫy, nấu cơm, chăm sóc gia đình (đối với con gái). Do tính chất công việc khác nhau giữa nam và nữ nên những công việc do người cha đảm nhận sẽ dạy cho con trai và người mẹ sẽ dạy cho con gái, tuy nhiên việc phân định này không quá rạch ròi.

Đối với việc cư xử trong gia đình, thực hiện các lễ nghi văn hóa truyền thống, thường được người mẹ dạy dỗ bằng những lời dặn dò, răn dạy và từ đó những người con quan sát và thực hiện. Riêng với việc trước khi lập gia đình, chủ yếu là dạy cách cư xử, làm quen với gia đình mới, về cuộc sống vợ chồng phải tôn trọng, nhường nhịn nhau chứ không dạy về chuyện vợ chồng, vì theo giải thích của người Xtiêng việc này là chuyện của tự nhiên.

 Những biến đổi trong giáo dục con cái

 Hiện nay, với sự phát triển của hệ thống giáo dục, quan niệm mới về việc học đã tác động đến chức năng giáo dục của người Xtiêng. Điều dễ dàng nhận thấy nhất là người mẹ và người cha đều tham gia vào việc giáo dục con cái và có trách nhiệm khác nhau. Nếu như trước đây, trách nhiệm giáo dục con cái thường được người mẹ đảm nhận thì hiện nay người cha đã chú tâm hơn, cùng vợ mình giáo dục con cái. Khi khảo sát các cá nhân tại xã Thiện Hưng về việc giáo dục con cái trong gia đình, các ý kiến thu được cho biết, mẹ chiếm tỉ lệ cao (49,2%), kế đến là cha và mẹ (42%), tỉ lệ cha tham gia vào giáo dục con cái không nhiều (13,3%).

Tuy nhiên, muốn tìm hiểu sâu xa hơn, tạm chia việc giáo dục, dạy dỗ thành 2 mảng: 1 là giáo dục về mặt học vấn, 2 là giáo dục kỹ năng sống, cách ứng xử trong gia đình, xã hội. Hầu hết các cộng tác viên cho rằng, việc dạy dỗ con cái cách sống, ứng xử trong gia đình, xã hội, cách làm ăn hầu hết đều do cả cha lẫn mẹ giáo dục, một số ý kiến cho biết thường xin ý kiến của cha khi tính toán cách làm ăn, công việc vì cho rằng cha đi nhiều và biết nhiều hơn mẹ chỉ thường ở nhà. Về mặt giáo dục, do trình độ học vấn của các bậc cha mẹ không cao, hoặc được học nhưng không sử dụng đến nên kiến thức đã dần mai một, vì vậy rất khó khăn trong việc dạy con cái học chữ, thông thường những đứa trẻ học ở bạn bè, thày cô. Riêng nhóm cha mẹ ở độ tuổi trẻ, có trình độ học vấn gặp ít khó khăn hơn khi dạy chữ cho con.

3. Kết luận

 Những miêu tả và phân tích ý kiến của người dân về giáo dục con cái đã cho thấy có sự biến đổi về vai trò người phụ nữ Xtiêng trong gia đình nói chung và việc giáo dục con cái nói riêng. Nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi do sự thay đổi về nhiều mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội người Xtiêng. Điều này cũng đã tác động lớn đến nhận thức, suy nghĩ của người phụ nữ Xtiêng, ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của bản thân; có mong muốn nâng cao trình độ học vấn, tăng cơ hội giao lưu, tiếp xúc xã hội, được chồng con tin tưởng và chia sẻ các công việc trong gia đình. Phụ nữ trẻ Xtiêng hiện nay đa số đều biết đọc, biết viết tiếng phổ thông, có nhiều cơ hội giao lưu tiếp xúc bên ngoài nên mạnh dạn hơn trong giao tiếp, thể hiện ý kiến cá nhân và chủ động hơn trong việc đưa ra các quyết định quan trọng cho cuộc sống của mình. Ngoài ra, một số phụ nữ Xtiêng có trình độ học vấn, chuyên môn (như giáo viên, y tá) còn đóng góp vào việc giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền về y tế, vệ sinh cho người dân trong cộng đồng.

                                                          

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : CHU PHẠM MINH HẰNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *