Phong tục cưới hỏi của người dao đỏ ở tuyên quang

Dự án di dân nhằm giải phóng vùng lòng hồ thủy điện Na Hang, Tuyên Quang được thực hiện từ năm 2002 – 2004. Qua hơn 10 năm, cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong đó có người Dao đỏ tại nơi tái định cư đến nay đã đi vào ổn định. Từ khảo sát thực tế, so sánh với tài liệu nghiên cứu về văn hóa của người Dao trước khi di dân, chúng tôi nhận thấy đồng bào rất linh hoạt, chủ động trong việc thay đổi một số quan niệm, tiếp nhận những yếu tố mới, làm cho việc tổ chức lễ cưới trở nên vui vẻ, sinh động hơn, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa trên quê hương mới.

Phong tục, nghi lễ cưới

Trước lễ cưới

Sau thời gian tìm hiểu, đôi trai gái sẽ báo cáo với bố mẹ hai bên. Trước tiên, nhà trai phải cử người sang nhà gái để thưa chuyện, xin tên tuổi, ngày sinh của cô gái về để nhờ thày lấy lá số. Nếu kết quả lá số cho thấy đôi trai gái hợp nhau thì nhà trai sẽ lại cử đại diện sang nhà gái lần thứ 2. Sau khi nhà trai thông báo cho nhà gái biết lá số của đôi trai gái hợp nhau, nếu đồng ý thì hai bên gia đình sẽ cùng thỏa thuận về khoản lễ vật thách cưới. Do quan niệm gả – bán, người Dao thường đưa ra yêu cầu thách cưới rất cao gồm lễ vật phải có bạc trắng, thịt lợn, gạo, rượu, quần áo, trang sức cho cô dâu. Tùy từng gia đình, các khoản lễ vật có thể nhiều ít khác nhau. Một số gia đình có thể đòi đến 100 đồng bạc trắng, mấy tạ lợn, mấy xách rượu… Hiện nay, nhà gái thường thách từ 6 đến 30 đồng bạc trắng, 1 đến 5 xách rượu (20 – 100 lít),  60 – 100kg lợn, gạo tẻ, gạo nếp, đôi gà trống, mái, bộ trang phục cô dâu đầy đủ theo truyền thống. Do khan hiếm đồng bạc trắng nên nhà trai có thể tìm 6 đồng, số còn lại thì thay bằng vòng cổ, vòng tay hoặc quy ra tiền mặt (800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng). Nếu nhà trai không làm được trang phục cưới cho câu dâu thì cũng có thể đưa tiền (khoảng 5 – 7 triệu đồng) để nhà cô dâu tự chuẩn bị. Hiện nay, trang phục của cô dâu không nhất thiết phải là trang phục mới, có thể dùng bộ trang phục của bà hoặc mẹ chồng để lại. Khi đã thống nhất, hai gia đình sẽ ghi chép danh mục lễ vật vào bản giao ước, đại diện mỗi bên giữ một bản để cùng thực hiện, đối chiếu. Khi nhà trai trả hết lễ vật thì bản giao ước sẽ được hủy. Nhà trai cũng hỏi nhà gái về số người sẽ đưa cô dâu về nhà chồng, thời gian ở lại để chủ động lo chi phí thuê xe, sắp xếp ăn uống, chỗ nghỉ cho đoàn nhà gái. Theo phong tục, tùy khoảng cách xa, gần mà đoàn nhà gái sẽ ở lại    1 – 3 ngày, thường là ăn 3 bữa, ngủ 1 đêm. Hai gia đình cũng thông tin cho nhau về thành phần các thành viên gia đình mình. Nhà trai sẽ phải chuẩn bị thịt lợn, gà, xôi gửi biếu ông bà nội, ngoại, bố mẹ, ông cậu, anh chị em của cô dâu vào hôm cưới. Còn cô dâu, khi về nhà chồng cũng phải có quà tặng ông bà nội ngoại, bố mẹ, cô bác, anh chị em ruột của chồng.

Chọn được ngày cưới, nhà trai sẽ chủ động sang thông báo cho nhà gái (hiện nay, nhiều người gọi đây là lễ ăn hỏi). Lần này, nhà trai mang lễ vật thách cưới như trong bản thỏa thuận giữa hai nhà. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn hoặc thời gian gấp, chưa chuẩn bị đủ đồ thách cưới, nhà trai có thể mang đến trước một phần lễ vật. Phần còn lại, nhà trai sẽ trả vào hôm cưới. Cũng có trường hợp, vì quá nghèo, nhà trai chỉ chuẩn bị một lễ nhỏ để xin dâu, gồm: 1 cặp gà, 1 xách rượu, 10kg gạo nếp, tẻ, 4 đồng bạc trắng, một ít tiền mặt. Những thứ còn thiếu sẽ được nhà gái cho ghi nợ đến nhiều năm sau. Hầu như các trường hợp được hỏi, vì lý do này hay lý do khác, nhà trai thường không đưa hết lễ vật cho nhà gái trong hôm ăn hỏi. Họ thường để lại bạc, một phần tiền mặt để trả cho nhà gái hôm diễn ra đám cưới, tại nhà trai. Ngoài ra, trong lễ vật còn có 3 mảnh vải màu. Mảnh vải màu chàm dùng tặng cha mẹ cô gái ngay hôm đó. Hai mảnh vải đỏ, xanh sẽ được đưa lại khi cô dâu đến nhà chồng. Xong phần lễ vật thách cưới, hai gia đình sẽ thống nhất ngày, giờ đưa, đón cô dâu về nhà chồng.

Lễ cưới

Đây là ngày cô dâu về nhà nhà chồng, cũng là ngày nhà trai mời cỗ họ hàng, làng xóm. Nghi lễ quan trọng nhất với gia đình có hôn sự là lễ cúng báo tổ tiên. Lễ vật cúng tổ tiên phải có 2 con lợn từ 60 – 80kg, được mổ trong nhà bếp, không mổ ngoài trời. Trong gian nhà chính, trước bàn thờ tổ tiên, gia đình kê 1 cái bàn để sắp lễ, bao gồm: 1 con lợn đầy đủ bộ phận với buồng gan luộc chín, 1 cốc cắm hương, 1 nhúm gạo, 1 chén nước chè, 7 chén cơm, 5 chén rót rượu, tiền giấy bản. Một thày cúng chính (đã cấp sắc, mặc áo dài đỏ, đầu quấn khăn) làm lễ trình bày với ngọc hoàng, tổ tiên 13 đời (ghi trong gia phả). Cùng lúc đó, một mâm lễ khác được bày ở bên cạnh, phía trước mâm chính, gồm: 1 con lợn đầy đủ bộ phận, 1 cốc cắm hương, 1 chén nước, 5 chén rót rượu, tiền giấy bản (không có gạo, cơm). Người làm lễ này là thày cúng phụ, mời tổ tiên 3 đời (tổ tiên trên bàn thờ) về uống rượu, nhận lễ của gia đình. Trong quá trình làm lễ, thày cúng thi thoảng gõ chũm chọe, thổi sừng trâu, di chuyển theo nhịp điệu, còn gọi chủ nhà đốt tiền giấy để gửi cho tổ tiên. Lễ cúng có thể kéo dài từ chiều đến khuya.

Vào ngày cưới, quan trọng nhất là giờ cô dâu ra khỏi nhà mình, giờ cô dâu bước vào cửa nhà chồng. Giờ được chọn phải là giờ lành, không trùng với giờ sinh của các thành viên trong gia đình. Trước đây, nhà trai không đi đón dâu mà chỉ có nhà gái đi đưa dâu. Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, hầu như ở tất cả các đám cưới, chú rể đều trực tiếp đến nhà gái để đón dâu. Đoàn đón dâu của nhà trai thường là số người lẻ, từ 5 người trở lên; gồm có chủ hôn, là người có vai vế cao trong họ hoặc trong gia đình, có tài ăn nói, một người nữ ăn nói được, nhanh nhẹn, gia đình suôn sẻ, cùng với chú rể, phù rể, một vài người bà con hoặc bạn bè. Trước kia, chú rể mặc trang phục màu chàm đơn giản, nay thường mặc bộ vest, cài hoa trước ngực áo, đầu quấn khăn, cổ đeo 2 vòng bạc có 2 tua len đỏ dài phía sau gáy.

Bên nhà gái, thày cúng làm lễ báo tổ tiên, phép chú lên khăn trùm đầu của cô dâu để mọi việc tốt lành, đi đường không ai quấy nhiễu. Sau khi đại diện nhà trai xin dâu, cô dâu chú rể phải lạy tổ tiên, lạy bếp lò trước khi đi. Đến giờ lành, đoàn đưa dâu sẽ ra khỏi cửa, gồm có: trưởng đoàn, bố mẹ, bác, chú, phù dâu, họ hàng, chị em, bạn bè… của cô dâu. Số người đi đưa dâu phải là số chẵn, sắp xếp theo nguyên tắc nam giới đi trước, phụ nữ đi sau. Cô dâu mặc trang phục cưới truyền thống rực rỡ với những bông len đỏ, vàng quanh cổ áo, yếm đỏ thêu với hàng khuy bạc trước ngực, đầu quấn khăn, trùm một tấm vải đỏ che mặt. Phù dâu là một cô gái chưa chồng, nhỏ tuổi hơn cô dâu, sẽ dắt cô dâu suốt quãng đường về nhà chồng.

Dọc đường, đoàn đưa dâu cũng có nhiều kiêng kỵ: nếu gặp đám ma, người bị tai nạn thì đoàn phải trả tiền lẻ xin qua; nếu gặp máng nước bắc qua đường thì đi phía trên, không đi phía dưới máng; gặp nhà gần đường phải đi quá trước nhà, không đi phía sau; nếu trong năm đó cô dâu có hạn, phải làm lễ giải hạn trên đường trước khi vào nhà chồng…

Về tới cổng nhà trai, nhà gái đưa hai mảnh vải đỏ, xanh cho người chủ bếp để thông báo cho mọi người biết đoàn đưa dâu đã đến. Trước đây, sẽ có một đội 8 – 10 người cùng thổi kèn, đánh trống, nhảy múa để chào đón đoàn đưa dâu. Theo phong tục, đoàn nhà gái phải đợi ở ngoài, đến giờ tốt mới được vào cửa chính.

Đến giờ tốt, bà mối sẽ dắt cô dâu vào nhà. Một chậu nước được để sẵn ở giữa cửa chính, cô dâu sẽ được em trai, em gái họ của chú rể rửa chân trước khi vào nhà. Bà mối dắt cô dâu, phù rể dắt chú rể đến trước bàn thờ tổ tiên. Lúc này, thày cúng làm lễ kính báo để tổ tiên nhận mặt con dâu, phù hộ cho đôi trẻ được hạnh phúc, làm ăn tốt, sớm sinh con trai. Chủ hôn nhận 2 chén rượu từ thày cúng, đưa cho cô dâu, chú rể uống đổi chén cho nhau, hướng dẫn vái lạy tổ tiên 10 lần. Một lần gồm đứng vái 2 lượt, quỳ vái 2 lượt. Khi chú rể quỳ vái, bà mối sẽ đỡ cô dâu nhún gối, hạ thấp người 2 lượt. Vái lạy xong, chủ hôn đưa cho chú rể một cái đĩa đựng 2 chén rượu, chú rể, cô dâu lại tiếp tục vái lạy 2 lần. Sau nghi lễ này, chủ hôn, bà mối dắt cô dâu, chú rể vào buồng tân hôn. Nghỉ ngơi một lát, cô dâu, chú rể sẽ ra tiếp khách trước khi vào tiệc cưới.

Thường bữa cỗ đầu tiên sau khi cô dâu về nhà chồng là bữa tiệc chính, có đầy đủ họ hàng hai bên nội ngoại, hàng xóm, bạn bè xa gần của gia chủ có hôn sự. Khách nhà gái được bố trí ngồi riêng mâm, mỗi mâm sẽ có một đại diện nhà trai tiếp. Cô dâu, chú rể phải tới từng mâm để chúc rượu, cảm ơn người lớn, họ hàng, bạn bè hai bên. Cỗ cưới truyền thống chủ yếu là những món chế biến từ thịt lợn, thịt gà, xôi, đậu tương, măng… Hiện nay, cỗ có thêm nhiều món mới như: trứng vịt lộn, thịt bò, thịt ngựa xào sả, tôm chiên xù, mực xào sả ớt… Ngoài bữa tiệc chính, nhà trai sẽ căn cứ vào thỏa thuận từ trước giữa hai bên gia đình để lo chỗ ngủ (nếu ở lại qua đêm), cùng các bữa ăn cho đến khi đoàn nhà gái ra về.

Sau bữa tiệc chính, hai họ uống rượu, trò chuyện, hát páo dung hoặc nghỉ ngơi vài tiếng. Nhà trai tiếp tục dọn ra 2 – 3 mâm cỗ trong nhà chính. Họ mời rượu nhau để cảm ơn, nhờ dạy bảo thêm cho đôi vợ chồng trẻ. Một phần quan trọng của bữa cơm này là hai gia đình sẽ kiểm lại, đối chiếu bản giao ước xem nhà trai đã trả đủ lễ vật thách cưới chưa. Nếu nhà trai chưa trả đủ thì phần còn lại sẽ trả luôn hoặc xin nợ. Thông thường, nhà trai trả lễ vật cho nhà gái vào hôm ăn hỏi nhưng vẫn giữ lại một phần là 4 – 6 đồng bạc, một ít tiền mặt để trả nốt vào hôm cưới. Ông chủ hôn rót 2 chén rượu để vào đĩa rồi chuyển cho bố mẹ cô dâu. Bố mẹ cô dâu uống rượu xong thì kiểm tra lễ vật. Có trường hợp, nhà gái nghi ngờ đồng bạc không đúng là đồng tiền bạc cổ nên trả lại nhà trai. Khi đó, nhà trai nhận lại đồng bạc, trả cho nhà gái 800.000  đồng tiền mặt. Nếu nhà trai trả hết lễ vật thách cưới thì sẽ hủy bỏ bản giao ước.

Nghi lễ cuối cùng của lễ cưới là cúng nhập họ cho cô dâu. Lễ vật cúng gồm 2 đùi lợn, 2 con gà, rượu, tiền giấy. Thày cúng sẽ xin tổ tiên chấp nhận cô dâu chính thức là con cháu của gia đình, dòng họ.

Sau lễ cưới

Sau lễ cưới 30 ngày, đôi vợ chồng trẻ sẽ mang gà, rượu về nhà ngoại để lại mặt. Theo phong tục, trong phạm vi 30 ngày đó, cô dâu chỉ làm việc trong nhà, không được đi thăm hỏi các nhà trong họ, trong làng, không được về nhà mẹ đẻ.

Sau khi kết hôn, người vợ phải cư trú bên nhà chồng, chịu sự chi phối, tuân thủ các nguyên tắc của nhà chồng. Tuy nhiên, ngoại lệ, theo thỏa thuận của hai gia đình từ trước khi cưới, có người chồng sang ở rể bên nhà vợ tạm thời (từ 1 đến 3 năm) hoặc ở rể đời. Khi nhà gái không có con trai hoặc ít con trai thì sẽ đề nghị nhà trai cho cưới rể. Nếu nhà trai đồng ý cho con trai đi ở rể đời thì có quyền thách cưới. Nhà gái sẽ phải thực hiện các phong tục, nghi lễ như đối với gia đình có con trai đi cưới vợ. Sau khi cưới, chàng trai sẽ cư trú bên nhà vợ, đổi tên họ theo bên vợ, có quyền kế thừa tài sản nhà vợ, có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên nhà vợ. Hết thời gian ở rể, đôi vợ chồng có thể ra ở riêng hoặc sang cư trú bên nhà chồng.

Cưới xin của người Dao trong bối cảnh tái định cư

Với những thay đổi về môi trường tự nhiên, xã hội, cùng với quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa tộc người, sự tác động từ công nghiệp hóa, đô thị hóa, người Dao một mặt vẫn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người, mặt khác có những thay đổi, thích ứng cho phù hợp với điều kiện mới. Điều này thể hiện rõ trong phong tục, nghi lễ cưới xin.

Các phong tục, nghi lễ truyền thống luôn được giữ gìn, phục hồi. Đó là trang phục, cấp sắc, tết nhảy, những nghi lễ cộng đồng, tri thức về thuốc nam, những bài hát páo dung… Trong khoảng 5 năm trở lại đây, với người Dao tái định cư, bên cạnh xu hướng hòa nhập văn hóa, việc hướng tới phục hồi, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống là khá rõ rệt. Có thể nói, bên cạnh việc chủ động lựa chọn, tiếp nhận những cái mới, thì truyền thống vẫn như một dòng chảy xuyên suốt trong tâm thức của người Dao.

Khi tái định cư, điều kiện xã hội của người Dao chuyển từ làng bản khép kín sang có sự cộng cư, đan xen với nhiều dân tộc. Bên cạnh đó, điều kiện sản xuất, hệ thống giao thông, phương tiện thông tin liên lạc thuận lợi cũng giúp người Dao có cơ hội tiếp xúc, giao lưu trực tiếp với nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong quá trình giao lưu, tiếp biến này, tất yếu sẽ dẫn đến thực tế hòa nhập văn hóa chung, làm giàu thêm văn hóa truyền thống. Đây là quá trình tiếp nhận, biến đổi một cách từ từ để thích ứng với bối cảnh tái định cư nói riêng, bối cảnh của cả nước nói chung.

Trong cưới xin, người Dao đã có một số thay đổi về quan niệm. Nếu trước kia, việc lấy lá số rất quan trọng, nhiều khi quyết định đôi trẻ có thể đi tới hôn nhân hay không, thì hiện nay, rất nhiều người có suy nghĩ khác. Họ cho rằng, các con đã ưng nhau rồi, nếu lấy lá số không hợp thì khổ con, lại suy nghĩ nhiều, không vui. Chính vì thế, nhiều gia đình vẫn xin ngày sinh của cô gái nhưng không cần lấy lá số. Tương tự, đối với việc thách cưới, đồ sính lễ. Nếu gả con gái cho tộc người khác thì sẽ theo phong tục bên nhà trai, gả con gái cùng tộc người thì vẫn thách cưới những lễ vật đã giảm đi nhiều, vì họ cho rằng thách cưới ít thì con gái về nhà chồng sẽ dễ sống hơn. Nếu trước đây nhà trai phải tìm đủ số đồng bạc theo yêu cầu thì nay chỉ cần 4 – 6 đồng (trả ơn sữa mẹ, công sinh thành), số còn lại có thể quy ra tiền mặt, lý do là vì đồng bạc hiện nay rất hiếm, đắt, mua rồi lại không biết có phải đồng bạc thật không. Nếu ngày trước, nhà gái nhất định phải ngủ lại nhà trai, ăn 3 – 4 bữa cơm mới về thì nay do đường sá, phương tiện nhanh, cũng để tránh vất vả cho nhà trai, đa phần nhà gái chỉ ăn 1 – 2 bữa cơm rồi về luôn trong ngày.

Về trang phục cưới, hầu như các cặp đôi đều chụp ảnh cưới tại ảnh viện. Song song hai xu hướng chụp ảnh với trang phục truyền thống, chụp cả Âu phục (vest, váy cưới). Trong thời gian diễn ra lễ cưới, sau khi thực hiện các nghi lễ chính: đón dâu, vào cửa, làm lễ nhận tổ tiên… với trang phục truyền thống, cô dâu chú rể, bố mẹ hai bên có thể mặc trang phục tân thời (váy công sở, áo dài, váy cưới…) để tiếp khách, mời rượu.

Rạp cưới, ban nhạc, người dẫn chương trình được thuê trọn gói. Rạp trang trí theo cách khá phổ biến ở thành phố, các vùng lân cận với trần, rèm, cổng kết hoa, sân khấu, tháp rượu. Phông cưới được in bằng bạt có hình cô dâu chú rể. Ban nhạc sống phục vụ từ tối hôm trước đến hết ngày hôm sau. Sau các nghi lễ chính, người dẫn chương trình làm vai trò dẫn dắt toàn bộ hội hôn: trao nhẫn, rót rượu sâm banh, bố mẹ, họ hàng tặng quà cho đôi vợ chồng, đốt pháo hoa điện…

Ở đây, vai trò của chủ thể văn hóa (người Dao) trong việc chủ động thích ứng văn hóa ở điều kiện tái định cư, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước rất quan trọng. Dù quá trình thích ứng diễn ra nhanh hay chậm đều xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, chủ quan như đã nói nhưng một trong những điểm quan trọng đó là vai trò của chủ thể văn hóa. Những biến đổi để thích ứng một mặt để phù hợp với điều kiện mới, một mặt đáp ứng chính yêu cầu sinh hoạt vật chất, tinh thần của người Dao trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra từng ngày trên phạm vi cả nước.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017

Tác giả : ĐỖ THỊ KIỀU NGA

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *