TÁC ĐỘNG CỦA PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG MỚI ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VÀ CHÍNH SÁCH GIA ĐÌNH Ở NHẬT BẢN

1. Tác động của phương tiện truyền thông mới (PTTTM) đối với đời sống xã hội Nhật Bản

Việc sử dụng máy tính cá nhân rộng rãi đã bắt đầu từ năm 1995 và sự xuất hiện của internet ở Nhật Bản được biết đến vào năm 1996 (1). Số liệu năm 2006 từ các nguồn báo cáo quốc tế (IPPS, IMF, MICS) cho thấy số lượng máy tính trên đầu người là 54,15%, số lượng điện thoại cố định là 37,7%, số lượng thuê bao điện thoại di động là 76,6% và số lượng sử dụng internet là 68,5% (2). Thời điểm năm 2006, tỉ lệ sinh viên Nhật Bản truy cập internet nhằm tìm kiếm thông tin là 22,3% (so với mức 52,3% ở các nước OECD), điều này khiến Nhật Bản cảm thấy lo lắng về khả năng khai thác mạng của sinh viên Nhật Bản trong khi nước này có đầy đủ điều kiện về công nghệ và thiết bị (3).

Đối với điện thoại di động, một cuộc điều tra của Văn phòng nội các chính phủ Nhật Bản năm 2013 đưa ra con số 51,9% học sinh cấp hai có điện thoại cầm tay (4). Cùng với sự tiến bộ của công nghệ thông tin, việc sử dụng điện thoại di động có kết nối internet đã trở thành công cụ giao tiếp phổ biến đối với trẻ vị thành niên và lan sang cả lứa tuổi ít hơn khi chúng chưa hiểu được những rủi ro do sử dụng quá thường xuyên, đặc biệt là chứng nghiện  internet. Các nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên Nhật Bản gặp các vấn đề tiêu cực khi sử dụng internet nhiều hơn so với thanh thiếu niên Trung Quốc (5).

Nhật Bản sử dụng thuật ngữ keitai để nói về điện thoại di động, với ý nghĩa là tự do di chuyển nhưng mật thiết và có thể mang vác theo người, là một vật dụng cá nhân cho phép liên kết xã hội liên tục. Nhìn chung, lợi ích rõ rệt của việc sử dụng điện thoại di động và kết nối internet là giúp những thành viên trong một gia đình có thể liên lạc thường xuyên và ngay lập tức (6). Ngược lại, điều tra của kênh NHK Bunken năm 2004 cho biết một khía cạnh khác, rằng rất nhiều thanh niên ở nhóm 20-24 tuổi cảm thấy không thể sống thiếu keitai, thậm chí cảm thấy cần hơn các kênh thông tin từ tivi, đĩa CD và giao tiếp với gia đình, bạn bè (7).

Điện thoại di động còn là cuộc cách mạng tạo ra không gian riêng cho thanh thiếu niên (8). Người Nhật vốn sống trong không gian nhỏ và chỉ có một đường dây điện thoại dành cho tất cả các thành viên trong gia đình. Một phần vì việc lắp đường dây điện thoại cố định ở Nhật khá tốn kém, nhưng quan trọng hơn, việc giao tiếp bằng điện thoại di động có thể thực hiện thông qua nhắn tin, hoặc nói chuyện ở không gian của riêng mình, nên việc thanh thiếu niên Nhật Bản sử dụng điện thoại di động phổ biến là điều dễ hiểu.

Một thực tế diễn ra trong xã hội Nhật Bản là vào những năm 2000-2001, nếu bạn đi tàu điện, bạn sẽ nhìn thấy hầu như tất cả hành khách đều mang theo một cuốn truyện tranh hay một cuốn sách ưa thích nào đó, dĩ nhiên họ cắm cúi đọc. Năm năm sau đó, xã hội thay đổi, những cuốn sách trên tay của hầu hết hành khách đi tàu được thay bằng những chiếc điện thoại di động.

Và vào những năm gần đây, hành khách đi tàu vẫn sử dụng điện thoại di động nhiều, nhưng tỉ lệ đọc sách tăng lên. Đặc biệt những cuộc đối thoại trên tàu cũng diễn ra thường xuyên hơn, ngược lại với quy tắc bất di bất dịch của người Nhật Bản là nên im lặng nơi công cộng. Tuy chưa có một thống kê chính thức nào liên quan đến việc người Nhật Bản sử dụng điện thoại cho mục đích gì là nhiều nhất, nhưng qua quan sát trên khoảng 100 chuyến tàu điện từ tháng 4 đến tháng 10-2017, đa số thanh niên đi tàu dùng điện thoại chơi điện tử, khoảng trên 40% người trung niên chơi điện tử (9). Dùng điện thoại di động với mục đích xem thông tin, nhắn tin liên quan công việc đa số rơi vào người nhiều tuổi. Một nghiên cứu cho biết có tới hơn 60% thành viên tham gia cộng đồng trực tuyến chia sẻ những thông tin từ cộng đồng với gia đình và bạn bè ngoài đời thực. Như vậy, quan hệ tích cực với những mối liên kết vốn dĩ lỏng lẻo (cộng đồng trên mạng xã hội) đem lại tác động tích cực đối với những mối liên kết chặt chẽ ngoài đời (gia đình và bạn bè). Miyata K. và cộng sự (10) tiếp cận ảnh hưởng của PTTTM tới quan hệ trong đời sống con người từ các loại hình PTTTM. Theo đó, việc gửi email qua máy tính để bàn có thể mở rộng mạng lưới xã hội, nhưng nếu một người muốn duy trì những mối quan hệ thân tình và bền chặt thì hay gửi email qua điện thoại di động có kết nối internet hơn. Tuy những PTTTM như tivi, internet, mạng xã hội… đã tác động lớn đến mỗi thành viên trong gia đình và xã hội về suy nghĩ cũng như cách ứng xử hàng ngày, nhưng những phương tiện truyền thông truyền thống như thư tay, bưu thiếp… vẫn tồn tại trong xã hội như một nét đẹp văn hóa, sự tự hào của người Nhật Bản trước sự biến đổi.

Theo thống kê của chương trình Phát thanh tiếng Nhật, Đài Tiếng nói Việt Nam, trong khoảng thời gian chiến tranh chống Mỹ cứu nước (1972-1975), mỗi tháng chương trình này nhận được khoảng hơn 5000 lá thư tay từ thính giả Nhật Bản gửi về. Những năm gần đây, tuy số lượng thư tay gửi ít hơn, nhưng cũng lên đến gần 1000 thư/1 năm. Nội dung những bức thư động viên, ca ngợi sự anh dũng của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh, đánh giá cao nỗ lực trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Trong khi đó, tại Nhật Bản mỗi dịp năm mới đến, những người thân thiết hoặc những tổ chức, ban ngành đều gửi thiếp chúc mừng năm mới đến đối tác của mình, hay cô Hiệu trưởng của một cơ sở dạy thêm nào đó gửi lời chúc mừng năm mới học sinh thông qua bưu thiếp. Tuy nhiên, số lượng viết thư tay chủ yếu tập trung ở lứa tuổi cao niên (từ 60 tuổi trở lên). Nhưng có thể khẳng định rằng, xã hội Nhật Bản hiện đại vẫn tồn tại những phương thức truyền thông truyền thống, bởi phương thức truyền thông truyền thống này thể hiện được tình cảm gần gũi, quý trọng, nâng niu của người truyền tin đối với người nhận tin. Và không ngẫu nhiên, tất cả học sinh tiểu học, trung học của Nhật Bản mỗi lần đi thực tế (khoảng 3 ngày), đều phải viết một tấm bưu thiếp để gửi cho cha, mẹ sau ngày đầu tiên của kỳ thực tế. Ý nghĩa ở đây thật lớn khi tấm bưu thiếp trở thành sợi dây liên kết tình cảm, thông tin về sự an toàn đối với đối tượng tiếp nhận thông tin. Đây không chỉ là văn hóa gia đình mà là văn hóa làm người được trang bị đầy đủ nhân cách và tài năng đối với mỗi thành viên trong gia đình để tạo nên một xã hội hoàn hảo trong tương lai.

Wasida Y. và cộng sự có một phát hiện khác biệt về tác động của PTTTM đối với việc hình thành những mối quan hệ gia đình mới ở xã hội Nhật Bản liên quan tới sự tự do của phụ nữ. Kể từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 TK XX, phụ nữ Nhật được khuyến khích tham gia thị trường lao động toàn thời gian thay vì ở nhà làm công việc nội trợ. Điện thoại di động ra đời trở thành công cụ hữu ích, giúp phụ nữ tuy phải ra khỏi nhà thường xuyên nhưng vẫn có thể duy trì trao đổi với gia đình. Con gái có thể ở nhà bạn bè đến đêm muộn, miễn sao gọi điện hoặc gửi thư điện tử bằng điện thoại di động có kết nối internet về cho mẹ. Ý nghĩ có điện thoại di động là luôn luôn được kết nối với gia đình đã tạo ra chuẩn mực xã hội mới ở Nhật Bản. Phụ nữ Nhật không còn phải gắn chặt với ngôi nhà và điện thoại di động vì thế được coi là biểu tượng của phong cách sống tự do (11).

2. Một số chính sách về gia đình ở Nhật Bản chịu sự tác động của các phương tiện truyền thông, trong đó có PTTTM, bài học cho Việt Nam

Nhật Bản trải qua nhiều thăng trầm khi tỉ lệ sinh tăng và giảm trong suốt TK XX. Năm 1920, số dân Nhật Bản xấp xỉ 56 triệu người, chạm mốc 100 triệu vào năm 1967 và đạt đỉnh cao 125 triệu năm 1995. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, Nhật Bản chứng kiến những năm có tỉ lệ giảm sinh mạnh. Giữa những năm 1970, số lượng phụ nữ tham gia thị trường lao động tăng lên khiến cho tỉ lệ kết hôn muộn cũng tăng, kéo theo tỉ lệ sinh giảm. Năm 1989 được gọi là năm có “cú sốc 1,57”, vì đó là năm con ngựa đặc biệt, không phù hợp với việc sinh con gái nên người dân không có kế hoạch sinh con trong năm đó. Năm 1995, gần 50% phụ nữ trong độ tuổi 25-29 chưa kết hôn, trong khi con số ở nam giới là gần 70%. Khác với các nước phát triển khác, Nhật Bản hiếm có trường hợp sinh con ngoài hôn nhân. Điều này có thể dự đoán được tình hình dân số Nhật Bản trong tương lai: dân số già, mức sinh thay thế thấp. Tình trạng sinh ít con phổ biến ở khu vực thành thị (12).

Tìm hiểu lý do khiến cho tỉ lệ sinh ngày càng giảm, chính phủ đưa ra các hiện tượng cơ bản bao gồm tỉ lệ kết hôn cả ở nam và nữ đều giảm, tuổi kết hôn lần đầu tăng dần khiến cho việc sinh con bị đình trệ. Đằng sau các hiện tượng trên là một loạt các nguyên nhân như: nhiều phong cách sống mới xuất hiện, phụ nữ tham gia xã hội và thị trường lao động mong muốn thay đổi mô hình phân công lao động theo giới vốn có, một số bạn trẻ do dự không muốn từ bỏ cuộc sống tự do và sự lo lắng về tương lai của Nhật Bản (13).

Nhật Bản cho rằng tỉ lệ sinh giảm sẽ trở thành yếu tố đe dọa phát triển kinh tế và tìm các biện pháp để khuyến khích những người ở độ tuổi sinh đẻ sinh con. Tháng 12-1994, chính phủ Nhật Bản đưa ra chính sách Kế hoạch thiên   thần (14) nhằm đối phó với tình trạng giảm tỉ lệ sinh sẽ diễn ra trong TK XXI. Chính sách ban đầu được thiết kế áp dụng trong vòng 10 năm, tính từ năm 1995.

Mục đích của Kế hoạch thiên thần là khuyến khích phụ nữ sinh thêm con bằng cách tạo điều kiện cho họ có thể sắp xếp việc nhà một cách dễ dàng hơn và vẫn có thể tiếp tục công việc xã hội. Một mặt, có kế hoạch tăng cường số lượng các cơ sở giữ trẻ mầm non, giảm bớt gánh nặng chăm con cho những bà mẹ không tham gia thị trường lao động, mở ra các trung tâm chăm sóc trẻ ốm, trông giữ trẻ sau giờ tan học và tư vấn những vấn đề của trẻ cho cha mẹ.

Cách thức thực thi chính sách:

Kế hoạch thiên thần được triển khai rộng rãi trên nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục và truyền thông. Các sáng kiến của kế hoạch này đều hướng tới việc hỗ trợ làm giảm gánh nặng chăm sóc con cái, tiến tới mô hình cha mẹ cùng chăm sóc con và chia sẻ việc nhà, tạo điều kiện giúp đỡ về môi trường làm việc cho các cặp vợ chồng.

Năm 1999, một chiến dịch có quy mô lớn diễn ra ở tất cả các kênh truyền thông bao gồm truyền hình, truyền thanh, báo giấy và mạng    internet nhằm thúc đẩy chiến lược phân công lao động bình đẳng theo giới, theo đó, người cha phải dành thời gian nhiều hơn trong việc chăm sóc con cái.

Bức ảnh một nghệ sĩ với mái tóc dài, bế con có mặt trên 48 tờ báo lớn của Nhật, được in một triệu bản treo ở nơi công cộng, và hơn 5000 bản được phát tay cho những người yêu cầu. Cuộc vận động tốn kém khoảng hơn 500 triệu yên với thông điệp: “Nam giới mà không chăm sóc con cái thì không được gọi là bố”. Những dòng chữ khác: một xã hội có thể nắm giữ giấc mơ của một gia đình và việc chăm sóc con cái; hãy dành thời gian nhiều hơn cho con; mong muốn một xã hội thực hiện hỗ trợ việc nuôi dưỡng trẻ em. Chiến dịch đã truyền cảm hứng cho hàng loạt các hoạt động truyền thông của nhiều nhóm hành động khác, những bài viết được chia sẻ là những câu chuyện có thật về việc chăm sóc con cái trong gia đình của bạn đọc, những lá thư tâm sự được gửi đến các tòa soạn báo, tờ báo Asahi Shinbun còn dành hẳn một seri với chủ đề “người cha vắng mặt”… (15).

Bộ Giáo dục tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ đối với giáo dục và nuôi dưỡng trẻ trong gia đình trên phạm vi toàn quốc. Chương trình này bao gồm bốn trụ cột: thứ nhất là một hệ thống tư vấn, các đường dây nóng, các hoạt động truyền thông nhằm hỗ trợ cha mẹ và ông bà trong việc nuôi dưỡng con cháu; thứ hai, tạo ra một mạng lưới nuôi dưỡng trẻ; thứ ba, tạo cơ hội để cha mẹ và con cái hoạt động cùng nhau; thứ tư, tạo ra các cơ hội để người cha tham dự nhiều hơn vào đời sống của con.

Trong mô hình vai trò giới trung tâm thời hiện đại của Nhật Bản, Bộ Giáo dục coi mẹ là người giữ vai trò giáo dục con (16), nên để thúc đẩy vai trò của cha trong gia đình, năm 1994, Bộ đã thực hiện chương trình với tên gọi “Dự án hỗ trợ người cha tham gia vào giáo dục con trong gia đình” ở tất cả các cấp địa phương. Dự án từng bước giúp cha hiểu về sự phát triển của trẻ nhỏ và khuyến khích họ tham gia nhiều hơn trong các công việc gia đình. Tính đến năm 1996, dự án được thực hiện ở 17 địa phương với 32 cuộc hội thảo và hơn 2000 lượt tham gia. Người đứng đầu hội thảo có thể là các giáo sư, các đại diện tổ chức phi chính phủ, chuyên gia dinh dưỡng, nhà tư vấn giáo dục… Nội dung các hội thảo cũng khá rộng, bao gồm kỹ năng làm cha mẹ có ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ như thế nào, sự tham gia của cộng đồng trong việc giáo dục trẻ, tâm lý bị bắt nạt ở trẻ, người cha có thể tham gia giáo dục con như thế nào, tổ chức các chuyến đi tới nơi cha làm việc và vai trò của người cha trong việc tạo ra cuộc sống gia đình nhiều màu sắc…

Như vậy, để thực hiện Kế hoạch thiên thần trong vòng 10 năm, Nhật Bản đã thực hiện rất nhiều bước.

Thứ nhất, xác định đâu là những bên liên quan tới chính sách, bao gồm cha mẹ có con nhỏ, đặc biệt là mẹ, trẻ em nhỏ tuổi, những chuyên gia về phúc lợi trẻ em và gia đình, giáo viên mầm non và hệ thống mầm non, chính quyền các cấp, hệ thống cung cấp dịch vụ chăm trẻ phi chính thức, các công ty mong muốn xây dựng dịch vụ trông giữ trẻ, những doanh nghiệp có nhân viên có nhu cầu nghỉ phép chăm con hoặc giãn thời gian làm việc để chăm con, những người hưởng lợi khi cho phép trông giữ trẻ quá giờ…

Thứ hai, hoạt động truyền thông trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng và PTTTM đối với phụ nữ không bắt đầu bằng việc khuyến khích phụ nữ sinh con, mà bắt đầu bằng việc tìm hiểu suy nghĩ và những khó khăn phụ nữ gặp phải để có sự hỗ trợ hợp lý.

Thứ ba, Nhật Bản kết hợp tuyên truyền, thuyết phục và dùng luật pháp để có thể thi hành được kế hoạch ở cả những đối tượng không được hưởng lợi từ Kế hoạch thiên thần, ví dụ người tuyển dụng lao động.

Kế hoạch thiên thần chú trọng việc hỗ trợ phụ nữ chăm sóc con, từ đó giúp phụ nữ có thể cân bằng giữa công việc và gia đình. Quan điểm này được củng cố bởi kết quả nghiên cứu của Lee S.P. (17), trong đó khẳng định rằng hệ thống chăm sóc trẻ em của Nhật Bản cần hỗ trợ phụ nữ để họ có thể đi làm và được giảm bớt gánh nặng gia đình. Tuy nhiên, theo Schoppa L., phụ nữ tham gia thị trường lao động sẽ có cuộc sống dễ dàng hơn khi nhà nước thực hiện mở rộng các cơ sở trông giữ trẻ em, nhưng không có bằng chứng rõ ràng về việc khi phụ nữ được hỗ trợ để có cuộc sống dễ dàng hơn thì họ sinh thêm con. Từ khi Kế hoạch thiên thần ra đời vào năm 1994, tỉ lệ sinh của Nhật bản không hề có dấu hiệu khả quan, thậm chí rơi xuống mức 1,39 vào năm 1997 và 1,25 vào năm 2005. Thực ra, nhiều nghiên cứu nhận thấy hầu hết các chính sách khuyến khích tăng tỉ lệ sinh ở các quốc gia đều có hiệu quả rất thấp (18), vì vậy Nhật Bản không phải là ngoại lệ.

Bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng các chính sách về gia đình

Thứ nhất, thời điểm thực hiện Kế hoạch thiên thần là thời điểm kinh tế Nhật Bản đang có dấu hiệu trì trệ. Nhiều chính quyền địa phương cảm thấy miễn cưỡng và do dự trong việc thực hiện đầy đủ kế hoạch này, một phần vì các khoản ngân sách của địa phương đã dành cho các hoạt động của Kế hoạch vàng (chương trình thúc đẩy việc chăm sóc người già tại gia đình). Bởi vậy, sự thất bại trong nhiều mục tiêu của Kế hoạch thiên thần trước hết do thời điểm bắt đầu kế hoạch đã vướng phải nhiều trở ngại.

Thứ hai, Kế hoạch thiên thần được xây dựng bởi chuyên gia trong hội đồng tư vấn, nhưng đồng thời, vấn đề gia đình cũng là chủ đề sống động gây nhiều tranh cãi trên báo chí, các cuộc đàm thoại trên truyền hình, mạng xã hội, thậm chí trên bàn ăn, ngoài quán bia… Ở đó, người ta thường đổ lỗi cho phụ nữ là nguyên nhân khiến tỉ lệ sinh thấp, ví dụ các cô gái trẻ thích kiếm tiền nhưng vẫn ở nhà cùng bố mẹ, tiêu tiền cho việc đi du lịch châu Âu và mua những thứ đồ thời trang đắt tiền chứ không muốn ổn định, không muốn có trách nhiệm với cuộc sống bao gồm kết hôn và sinh con… Văn hóa Nhật Bản vốn dĩ xây dựng hình tượng người phụ nữ thành công phải là người mẹ của gia đình và trách nhiệm nuôi dạy đứa con nằm trên vai người phụ nữ. Không chỉ vậy, mặc dù nhu cầu đưa ra nhiều loại hình trông giữ trẻ em là cần thiết, nhưng bản thân định hướng của Bộ Y tế và Phúc lợi vẫn là trẻ em dưới sự chăm sóc của mẹ trong ba năm đầu đời là tốt nhất, thể hiện trong quan điểm “sự bí ẩn của ba năm đầu đời” (19). Bộ Y tế và Phúc lợi đang nỗ lực xây dựng các cơ sở trông trẻ theo Kế hoạch thiên thần, nhưng nhiệm vụ chính vẫn là đảm bảo sức khỏe và phúc lợi, sẽ có nhiều ý kiến không đồng tình với việc cha mẹ đi làm và bỏ con ở các cơ sở trông trẻ trong nhiều giờ đồng hồ. Vì thế, yếu tố văn hóa đối với phụ nữ Nhật Bản còn rất mạnh và việc thực hành Kế hoạch thiên thần để tác động tới sự thay đổi văn hóa cần nhiều thời gian, công sức.

Thứ ba, mô hình người cha làm trụ cột kinh tế vừa là mô hình phân công lao động theo giới ở Nhật Bản, vừa xuất phát từ nhu cầu thị trường. Chừng nào các doanh nghiệp chưa tuyển dụng nhân viên nữ với mức lương tương ứng so với nam, kể cả sau khi phụ nữ nghỉ sinh con và chăm con nhỏ, thì bản thân mô hình người cha làm trụ cột kinh tế không thể tự thay đổi được. Phụ nữ sau khi có bằng cấp và tìm được việc làm tốt, nếu không chấp nhận bị chuyển sang công việc nhàm chán và lương thấp, thì họ buộc phải lựa chọn đánh đổi việc lập gia đình và sinh con. Hoặc phụ nữ nếu đã có con sẽ không muốn sinh thêm con, vì khoảng thời gian ở nhà chăm con khiến họ gặp khó khăn để quay trở lại công việc cũ. Vì vậy, trừ khi thị trường lao động thay đổi, kể cả nếu nhà nước có đầu tư nhiều tiền hơn nữa cho các trung tâm trông giữ trẻ em thì phụ nữ Nhật vẫn không muốn sinh thêm con. Lập luận này được chia sẻ bởi nhiều nhà nghiên cứu như Boling P., (20); Schoppa L., (21)… Cụ thể, chính sách quy định “doanh nghiệp phải đưa ra những cơ hội làm việc khác nhau và linh hoạt cho phụ nữ trong thời gian con nhỏ, như vậy nhân viên sẽ được thoải mái thời gian với con hơn”, điều này có thể hiểu rằng phụ nữ có con nhỏ sẽ được giao những công việc bán thời gian, công việc có thể làm tại nhà, hoặc những công việc giống như nhân viên tạm thời. Như đã phân tích, đây chính là những khó khăn mà phụ nữ có con nhỏ phải đối mặt khi quay trở lại làm việc (22).

Thứ tư, sinh thêm một đứa trẻ ở Nhật Bản không đơn giản. Chi phí từ khi thăm khám mang thai, đến khi đứa trẻ ra đời cần có bảo hiểm y tế, chi phí cho giáo dục phổ thông và giáo dục đại học rất tốn kém, khiến cho không hẳn các gia đình không muốn sinh thêm con, mà không đủ khả năng đảm bảo kinh tế cho việc chăm sóc và nuôi dạy đứa trẻ đến khi trưởng thành (23).

Thứ năm, công tác tuyên truyền vận động người dân trên các phương tiện truyền thông chưa đạt hiệu quả.

Vì vậy, Kế hoạch thiên thần hay bất kỳ chính sách nào muốn thành công cần phải giải quyết được các yếu tố văn hóa, kinh tế và truyền thông. Nhà nước cần đặt chính sách trong sự vận động thay đổi của bối cảnh kinh tế, xã hội, thậm chí phải đánh giá lại lịch sử.

Ở trường hợp Nhật Bản, nhiều nhà nghiên cứu có suy nghĩ khác biệt với suy nghĩ của chính phủ. Như Erlich P. (24) viết trên tờ Japan Times, ông cho rằng chính phủ Nhật Bản nên khuyến khích mô hình gia đình nhỏ như hiện nay, nhưng cần có chính sách kéo dài tuổi nghỉ hưu. Điều này có thể phải trải qua một khoảng thời gian quá độ, khi số người làm việc chưa kịp chống đỡ cho số người nhận lương hưu. Nhưng dần dần, nếu thực hiện chính sách này sau một thời gian, sự thiếu hụt này sẽ được khỏa lấp, đặc biệt khi công nghệ ngày càng phát triển, thể chất con người được nâng lên, giúp cho người già cũng có thể kéo dài thời gian làm việc hơn. Ngoài ra, việc cho phép nhập cư lao động từ nước ngoài cũng là một giải pháp giúp Nhật xử lý được vấn đề thiếu lao động. Higuchi Keiko (25) coi vấn đề giảm tỉ lệ sinh là lẽ tự nhiên tất yếu và là dấu hiệu của việc Nhật Bản đã đạt được tiêu chuẩn của hạnh phúc, chứ không phải là sự khủng hoảng (26).

_____________

1, 6. Itō M. và cộng sự, Personal, Portable, Pedestrian: Mobile Phones in Japanese Life, MIT Press, 2005, 357 pages.

2, 3. Kamimura K. và cộng sự, Japan. In Arinto P. B. và cộng sự (Ed.) Digital Review of Asia Pacific 2009-2010. IDRC, Jun 3, 2009, 392 pages.

4, 5. Nagamatsu M. và cộng sự, Adolescent health, development and the public health response in Japan, in Cherry A. L. và cộng sự (Ed.), International Handbook on Adolescent Health and Development: The Public Health Response, Springer, Nov 9, 2016, 537 pages.

7. Ducke I., Civil Society and the Internet in Japan, Routledge, Mar 6, 2007, 208 pages

8. Gordon J., The cell phone: An artifact of popular culture and a tool of the public sphere, in Kavoori A. P. và cộng sự (Ed.) The Cell Phone Reader: Essays in Social Transformation, Peter Lang, 2006, 246 pages.

9. Bùi Mạnh Hùng, Phó giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam tại Nhật Bản.

10. Miyata K. và cộng sự, Causal relationship between Internet use and social capital in Japan, Asian Journal of Social Psychology. Volume 11, Issue 1, March 2008 , Pages 42–52.

11. Wasida Y. và cộng sự, Media life cycle and consumer-generated innovation, in Craig V. S. (Ed.) Information Communication Technologies: Concepts, Methodologies, Tools, and Applications: Concepts, Methodologies, Tools, and Applications, IGI Global, Apr 30, 2008, 4288 pages.

12, 13, 15, 16, 19, 24 . Glenda S. R., Pinning hopes on Angels: reflections from an aging Japan’s urban landscape, in Goodman Roger (Eds) Family and Social Policy in Japan, Cambridge University Press, 2002, pag 76-81.

14. Tuy chưa có một giải thích nào chính thức, nhưng tên gọi Kế hoạch thiên thần có thể bắt nguồn từ hình ảnh thiên sứ dễ thương trong hộp bánh Morinaga Caramel, hoặc bắt nguồn từ việc so sánh trẻ em với thiên thần. Như vậy, thiên thần còn có ý nghĩa như một biểu tượng (Glenda S. R., 2002, tr.57).

17. Nghiên cứu của Lee S.P. (2014) dựa trên bộ số liệu giai đoạn 1971-2009 đánh giá mối quan hệ giữa số lượng cơ sở trông giữ trẻ, tỉ lệ tham gia thị trường lao động của nữ và tỉ lệ sinh ở Nhật.

18. Gavin J. và cộng sự, Fertility in Pacific Asia: Looking to the future, in Paulin Straughan, Angelique Chan, Gavin Jones (Ed.) Ultra Low Fertility in Pacific Asia: Trends, Causes and Policy Issues, Routledge, 2008, pag 211.

20. Boling P., Policies to support working mothers and children in Japan, in Rosenbluth Frances McCall (Eds) The Political Economy of Japan’s Low Fertility, Stanford University Press, 2006.

21. Schoppa L.,The Demographic challenge: A Handbook about Japan, 2008, p639-652. Booksandjournals.brillonline.com.

22. Lee S. P., Childcare availability, fertility and female labor force participation in Japan, Journal of the Japanese and International Economies, Volume 32, June 2014, Pages 71-85.

23. Chapple J., The Dilemma Posed by Japan’s Population Decline, Electronic journal of contemporary japanese studies, Discussion Paper 5 in 2004.

25. Herao K., Contradictions in Maternal roles in contemporary Japan, In Theresa W. Devasahayam & Brenda S. A. Yeoh (Ed.), Working and Mothering in Asia: Images, Ideologies and Identities, NUS Press 2007.

26. Bài viết trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ 2017-2018: Tác động của phương tiện truyền thông mới đối với xây dựng văn hóa gia đình.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7 – 2018

Tác giả : VŨ DIỆU TRUNG – PHAN HUYỀN DÂN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *