Thơ văn xuôi việt nam, những chặng đường phát triển


         Ngay ở tên gọi, thơ văn xuôi đã thể hiện đặc trưng thể loại, đặc điểm mang chất lưỡng tính. Đó là thể thơ giao thoa giữa thơ và văn xuôi. Thơ văn xuôi ra đời bởi “nhu cầu tự thân của thời đại” (Dương Kiều Minh), bởi nhu cầu tìm kiếm một hình thức thể hiện được những cảm xúc, trạng thái tâm lý phức tạp của con người trong xã hội hiện đại. Cùng với thời gian, thơ văn xuôi trở thành một trong ba hình thức cơ bản của thơ ca (hai hình thức khác là thơ cách luật và thơ tự do).

Mới mẻ, có nhiều đột phá với dáng vẻ hiện đại và táo bạo nên thơ văn xuôi trở thành đối tượng được quan tâm. Và rất nhiều người đã đi tìm cho nó một khái niệm đầy đủ. Đã, đang và sẽ có rất nhiều tranh cãi khi trả lời câu hỏi: Thơ văn xuôi là gì?

Trên thế giới đã có nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu đưa ra quan niệm của mình về thơ văn xuôi. Chẳng hạn, trong lời giới thiệu Thơ văn xuôi: Hợp tuyển quốc tế, Michanel Benedikt cho rằng thơ văn xuôi là “một thể tài thơ, được viết bằng văn xuôi một cách chủ ý, và được đặc trưng bởi việc sử dụng mạnh mẽ hầu như tất cả mọi phương diện của thơ ca, trong đó bao gồm hầu hết các phương tiện của luật thơ, ngoại trừ sự ngắt dòng”.

Ở Việt Nam, ngay từ Thơ mới, các nhà thơ đã cố gắng nhận mặt đặt tên cho thể loại này nhưng chưa có được khái niệm làm thỏa mãn tất cả mọi người. Có tác giả trong cuốn Thơ trữ tình Việt Nam 1975 – 2000 đã viết “Thơ văn xuôi là loại thơ trữ tình có cấu trúc câu giống văn xuôi, câu nọ tiếp câu kia không xuống dòng, gần như không vần, nhịp điệu không mang đầy đủ tính chất cố định, mạch câu chảy tràn không chịu ràng buộc theo niêm luật nào, là sự dãn ra của các hình thức thơ tự do, rất dạt dào tình ý và cảm xúc” (1). Khái niệm này đã nêu được khá đầy đủ đặc điểm hình thức và nội dung của thơ văn xuôi. Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng, khiến cho thơ văn xuôi chứa đựng và phản ánh một dung lượng hiện thực lớn của cuộc sống, đồng thời phản ánh được rõ nhất tư tưởng của nhà thơ, ấy là ngôn ngữ thơ, thứ ngôn ngữ chứa đựng những trường liên tưởng, suy tưởng mở rộng.

Khi thưởng thức và nghiên cứu thơ văn xuôi, dễ nhận thấy rằng thơ văn xuôi rất gần gũi và có sự giao thoa với một số thể loại văn học khác như túy bút văn họcthơ tự do. Ranh giới giữa chúng không phải lúc nào cũng thật rõ ràng. Song, để xác định nội hàm khái niệm thơ văn xuôi, chúng tôi nghĩ, cần phải chỉ ra ranh giới giữa thơ văn xuôi và các thể loại trung gian đó.

Thơ văn xuôi là một thể loại sinh sau đẻ muộn trong tiến trình lịch sử văn học thế giới.

Trên thế giới, nhiều ý kiến đồng ý rằng, thơ văn xuôi đã được thử nghiệm từ TK XVIII hay Gaspard de la nuit của Aloysiuss Bertrand mới là tác phẩm đầu tiên hiện diện chính thức trên thi đàn với tư cách thơ văn xuôi thì cũng phải đến khi tác phẩm của Baudelare xuất hiện (năm 1855: tập Paris u buồn (Paris Spleen), năm 1858: tập Những bài thơ đêm và sau đó năm 1867: tập Những tiểu phẩm thơ văn xuôi) mới giành được sự thừa nhận rộng rãi. Và một trong số những tác phẩm thơ văn xuôi xuất sắc nhất chính là tập Hoa đăng (xuất bản năm 1886) của Rimbaud.

Cuốn Những bức vẽ bằng phấn màu của Stuart Merrill, một tuyển tập thơ văn xuôi Pháp lần đầu tiên được dịch sang tiếng Anh xuất bản ở New York năm 1890 đã giới thiệu đến công chúng nói tiếng Anh những bài thơ văn xuôi rất đặc sắc. Trong những năm tiếp theo, thơ văn xuôi bắt đầu thu hút được sự yêu thích của các nhà thơ trong trường phái suy đồi. Các đại diện chính của thơ văn xuôi Anh trong những năm cuối TK XX gồm Ernest Dowson, William Sharp và Oscar Wilde. Trong hoàn cảnh chung của mỹ học tự ý thức, thơ văn xuôi, yếu tố đặc trưng hóa sáng tác của các nhà văn trong những năm 1880 và 1890, rất tự nhiên đã trở thành thể loại được ưa chuộng hơn nhờ kỹ xảo khéo léo và phong cách tinh tế.

Nhắc đến thơ văn xuôi thế giới TK XX không thể không kể đến những bậc thày như Walt Whitman, R.Tagore, Edgar Allen Poe, Max Jacob, James Joyce, Amy Lowll, Gertrude Stein, và T.S.Eliot. Hiện nay, các nhà thơ William Carlos Williams, Russell Edson, Robert Bly, Charles Simic, Rosmarie Waldrop là những tác giả đã thử nghiệm thành công thể thơ này.

Từ giữa TK XX đến nay, một loạt nhà thơ trên thế giới từ Âu sang Á đã sáng tác thơ văn xuôi, trong đó có người đã đoạt giải Nobel văn học như nhà thơ Pháp Saint John Perse (1960).

Ở Việt Nam, thơ văn xuôi đi vào đời sống văn học từ những thập kỷ đầu của TK XX, qua sáng tác của các nhà thơ mới giai đoạn 1932-1942. Trong công trình hợp tuyển Thi nhân Việt Nam in năm 1942, Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết: “Phong trào thơ mới lúc bột phát có thể xem như một cuộc xâm lăng của văn xuôi. Văn xuôi tràn vào địa hạt thơ, phá phách tan tành”. Đấy là nói đến ảnh hưởng của văn xuôi nói chung, một dấu hiệu của công cuộc hiện đại hóa văn học Việt Nam, khi mà trước đây, trong thời trung đại, văn chương Việt Nam chủ yếu phát triển ở lĩnh vực thơ ca. Trong bối cảnh đó, thơ văn xuôi của phương Tây được coi là một trong những con đường giải phóng cho thơ ca Việt Nam thoát khỏi sự ràng buộc của các quy tắc thơ cũ.

Thơ văn xuôi ở Việt Nam chỉ thực sự được đánh dấu khi một số sáng tác trong thời kỳ thơ mới ra đời như Giọt sương hoa của Phạm Văn Hạnh, Giọt mưa rơi, Đất thơm của Nguyễn Xuân Sanh, Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử…

Nhìn vào sự hình thành và phát triển, có thể chia các chặng đường phát triển của thơ văn xuôi Việt Nam thành 4 chặng như sau:

Hoài Thanh, Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã gọi sự tiếp xúc của người Việt với văn hóa phương Tây là “một cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ”(2) Và với người nghệ sĩ lúc bấy giờ thì “phương Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong hồn ta”(3). Tản Đà, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận…, “mỗi nhà thơ Việt hình như mang nặng trên đầu năm bảy nhà thơ Pháp”, chắc chắn họ không thể nào không chú ý đến thơ văn xuôi. Thơ văn xuôi đã xâm nhập vào thơ mới từ con đường thơ tượng trưng, siêu thực… của phương Tây.

Tác giả Nguyễn Văn Hoa, Nguyễn Ngọc Thiện, bằng quan điểm của mình, đã tuyển chọn 16 tác giả với 24 tác phẩm thơ văn xuôi giai đoạn trước tháng 8-1945 trong cuốn Tuyển tập thơ văn xuôi (Việt Nam và nước ngoài). Số lượng này cũng chứng tỏ rằng thơ văn xuôi đã thực sự được những nhà thơ lãng mạn quan tâm, thử nghiệm. Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng, Nguyễn Xuân Sanh… đã có những áng thơ văn xuôi rất tinh khiết, trong đó ta thấy thấp thoáng bóng dáng thơ Paul Éluard: Cảm thu của Đinh Hùng, Giọt mưa rơi của Nguyễn Xuân Sanh,…

Các tác phẩm thơ văn xuôi thời kỳ này còn chịu nhiều ảnh hưởng của thơ ca Pháp, đồng thời cũng thấp thoáng bóng dáng văn biền ngẫu của văn học trung đại Việt Nam. Những nhà thơ sáng tác thơ văn xuôi ở giai đoạn văn học trước 1945 như những người mở đường cho một thể loại văn học mới ở Việt Nam.

Từ 1945 đến 1975 thơ văn xuôi tiếp tục được phát triển. Trong tổng số 110 nhà thơ, trong cuốn Tuyển tập thơ ăn xuôi (Việt Nam và nước ngoài) ở phần “sau 1945”, chúng tôi thống kê được khoảng 17 tác giả có những tác phẩm thơ văn xuôi sáng tác ở giai đoạn 1945 – 1975. Ngay từ đầu thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã xuất hiện những bài thơ văn xuôi như Đêm mít tinh của Nguyễn Đình Thi, Nhớ của Hồng Nguyên, Nhớ máu của Trần Mai Ninh. Một số nhà thơ nổi tiếng khác đã sáng tác các tác phẩm thơ văn xuôi như Đặng Đình Hưng, Phạm Hổ, Thép Mới, Chế Lan Viên… Bạn đọc của một thời mấy ai không biết đến bài thơ Cành phong lan bể của Chế Lan Viên, bài thơ được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất cho thể loại thơ văn xuôi ở Việt Nam. Một cái ngoặc của Đặng Đình Hưng, Nơi dựa cuả Nguyễn Đình Thi,… cũng là những tác phẩm thơ văn xuôi rất đáng lưu ý.

Từ thơ mới đến 1975, thơ văn xuôi ở Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể. Chúng ta không thể không ghi nhận những ý thức cách tân nghệ thuật của những nhà thơ thế hệ này.

Từ năm 1975 trở đi thơ văn xuôi ở Việt Nam có sự tiếp nối và phát triển mạnh mẽ. Số lượng người sáng tác ngày một lớn hơn. Thơ văn xuôi đã có mặt trong sáng tác của hàng loạt các nhà thơ thế hệ chống Mỹ và trong sáng tác của những nhà thơ xuất hiện sau 1975. “Hiện thực của một thời chiến trận đã được thể hiện với một quy mô và bề dày đáng kể, thông qua hình ảnh của những người lính. Người đọc không chỉ thấy sự hy sinh gian khổ, lòng dũng cảm ngoan cường mà còn thấy những nghĩ suy, trải nghiệm, thấy được muôn mặt tình cảm trong cuộc đời phong phú của những người lính chiến”(4) Đó là: Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh,…

Chỉ riêng trong cuốn Tuyển tập thơ văn xuôi (Việt Nam và nước ngoài) chúng tôi đã thống kê được 43 tác giả thơ sáng tác vào giai đoạn 1975 – 1986 trên tổng số 110 tác giả thơ được người tuyển chọn đặt ở phần sau 1945. Điều này chứng tỏ rằng thơ văn xuôi đã thực sự trở thành một phần trong sáng tác của các nhà thơ thế hệ này. Có những tác giả thơ trước sau vẫn chỉ viết thơ văn xuôi, như Lê Văn Ngăn.

Về mặt nội dung, hiện thực của cuộc sống, những trạng thái tình cảm trong tâm hồn vừa cụ thể, vừa phức tạp của con người sau chiến tranh và trước cuộc sống mới đã đi vào thơ văn xuôi bằng những trải nghiệm chất chứa bao suy tưởng của các nhà thơ. Người đọc sau những bài thơ ấy không thể không ám ảnh, nghĩ suy, trăn trở.

Ngôn từ, cách ngắt nhịp, cú pháp thơ văn xuôi đến chặng này đã có nhiều sự cách tân. Ngôn từ mới lạ, táo bạo, thể hiện rõ dấu ấn phong cách của nhà thơ.

Thơ văn xuôi giai đoạn 1975 – 1985 là một bước phát triển của thể loại trong tiến trình văn học Việt Nam nói chung. Sự phát triển của nó khiến chúng ta hy vọng về một thể loại văn học không ồn ào nhưng lại rất đáng chú ý này.

Từ 1986 đến nay, là thời kỳ đột phá trong tiến trình phát triển của thơ văn xuôi và thơ văn xuôi đã dần khẳng định được chỗ đứng trong thơ ca Việt Nam. Cuộc sống mới với những bộn bề, gai góc và cả những thách thức mới đã khiến ngày càng nhiều người tìm đến với thơ văn xuôi bởi nó truyền tải được những cảm xúc phức hợp của con người trước thời thế, nhất là những người trẻ. Thế hệ của những người trẻ luôn muốn nói lên tiếng nói của chính mình, tiếng nói bản thể. Lớp trẻ có phần dễ hòa nhập với thơ văn xuôi vì đó là lối thơ phóng khoáng, dễ có được cảm giác tự do. Có lẽ vì tất cả những điều đó và còn hơn thế nữa khiến những bài thơ văn xuôi, những người làm thơ văn xuôi trở nên nhiều hơn. Những người đã từng làm thơ văn xuôi (trước 1986) nay vẫn tiếp tục làm thơ văn xuôi. Thế hệ thơ trẻ (lớp nhà thơ xuất hiện vào những năm 90 của TK XX) hầu hết đều thử nghiệm thể loại thơ này và nhiều người thành công với nó.

Khảo sát cuốn Tuyển tập thơ văn xuôi (Việt Nam và nước ngoài) chúng tôi tiếp tục nhận thấy sự phát triển của thơ văn xuôi Việt Nam qua số lượng các nhà thơ có những sáng tác bằng thơ văn xuôi. Kết quả cho thấy số lượng người sáng tác ngày càng nhiều hơn. Riêng ở giai đoạn 1986 đến nay, số lượng các nhà thơ sáng tác trước 1986 tiếp tục làm thơ văn xuôi ở giai đoạn sau (29 tác giả) cộng với số lượng các nhà thơ thế hệ sau đổi mới (21 tác giả) đã cho thấy thơ văn xuôi ngày càng phát triển.

Cuốn Tuyển tập thơ văn xuôi (Việt Nam và nước ngoài) được xuất bản từ 1997. Đến nay đã hơn 10 năm, rất nhiều người trẻ tuổi làm thơ tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng mở rộng và lớn mạnh của thơ văn xuôi trong tiến trình phát triển thơ ca hiện đại Việt Nam. Họ làm thơ văn xuôi để được trải lòng mình một cách đầy đủ hơn, rõ nét hơn. Họ làm thơ văn xuôi để những hiện thực phức tạp của cuộc sống được mở ra từ những điểm nhìn khác nhau, để những biến thái tinh vi, những rung cảm phức tạp trong tâm hồn của con người hiện đại sẽ được nhìn bằng cái nhìn nhiều chiều hơn.

Những nhà thơ trẻ muốn lấy thơ văn xuôi để mong muốn giải quyết những vấn đề và những nhiệm vụ lớn của thời đại, cũng như để thể hiện những khát vọng và tình cảm mãnh liệt của cá nhân. Đây cũng là một sứ mạng của thơ văn xuôi. Vì thế tiềm năng của nó là rất lớn. Nhưng cũng vì thế mà thơ văn xuôi có phần kén độc giả.

Có thể thấy rằng, thơ văn xuôi từ 1945 đến nay là một bước tiến dài của thể loại. “Nó thực sự để lại những dấu ấn riêng khi nhìn nhận gương mặt các tác giả thơ ở từng thời kỳ cụ thể”(5). Chúng tôi nghĩ thơ văn xuôi có triển vọng phát triển ở nước ta. Bạn đọc có quyền hy vọng vào thể loại văn học này ở Việt Nam. Thời đại mới sẽ mở ra tâm thế mới.

 _______________

1. 4. 5. Nguyễn Văn Hoa, Nguyễn Ngọc Thiện, Tuyển tập thơ văn xuôi (Việt Nam và nước ngoài), Nxb Văn học, Hà Nội, 1997, tr.87, 116.

              2, 3. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1998. tr.15, 17.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 336, tháng 6-2012

Tác giả : Vũ Quỳnh Loan

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *