Mẫu người văn hóa trong tiểu thuyết “đàn trời”


 

Mẫu người văn hóa có vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu tính cách nhân vật cũng như lý giải cuộc đời và số phận của họ trong tác phẩm. “Trước hết phải thừa nhận rằng, xã hội Việt Nam mới chỉ trải qua hai làn sóng là nền văn minh nông nghiệp kéo dài hàng nghìn năm và văn minh công nghiệp vừa chớm đến, còn làn sóng thứ ba, văn minh tin học, thì còn đang vỗ ở đâu đấy xa bờ. Tương ứng với hai làn sóng trên là hai văn hóa nông thôn và đô thị, hay văn hóa nông nghiệp và công nghiệp. Đứng về mặt phát triển con người như là nguồn gốc và mục đích của văn hóa thì từ hai làn sóng ấy xuất hiện hai mẫu người văn hóa (ít nhiều mang tính phổ quát, tuy ở Việt Nam còn ít nhiều lưỡng thể như các nàng tiên cá, tiên – cá) là con người tập đoàn và con người cá nhân”(1).

Văn hóa độc đáo của trung du miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng đã tạo nên những mẫu người đặc trưng. Những mẫu người này được thể hiện trong tiểu thuyết Đàn trời của nhà văn Cao Duy Sơn một cách rõ nét. Dấu ấn văn hóa được thể hiện ở đây không chỉ là yếu tố bề ngoài như trang phục, ngôn ngữ, còn là chiều sâu trong tính cách, suy nghĩ của con người. Đặt tác phẩm Đàn trời của Cao Duy Sơn vào những làn sóng mà tác giả Đỗ Lai Thúy nói tới, có thể thấy các mẫu người ở đây thuộc văn minh tin học đang bắt đầu hình thành. Sau khi khảo sát hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết Đàn trời, chúng tôi thấy nổi bật nhất là sự xuất hiện của ba mẫu người văn hóa: mẫu người văn hóa miền núi truyền thống, mẫu người văn hóa rạn vỡ và mẫu người văn hóa tha hóa.

1. Mẫu người văn hóa miền núi truyền thống

Mẫu người văn hóa miền núi truyền thống so với mẫu người văn hóa đồng bằng Bắc Bộ có khá nhiều điểm tương đồng. Những mẫu người này đều được hình thành trên cơ sở cấu kết cộng đồng của văn hóa nông nghiệp. Họ đều mang những tính cách như giàu tình cảm, đoàn kết, có tinh thần tương thân tương ái…, nhưng mặt khác cũng có những điểm khác biệt. Ở đây, chúng tôi muốn thông qua so sánh đó để làm nổi bật lên đặc trưng của mẫu người văn hóa miền núi truyền thống và những biểu hiện của nó trong tác phẩm.

Người miền núi hay người đồng bằng đều sinh hoạt tạo thành một khu vực gọi là bản, làng. Dân cư trong cùng bản, làng dựa vào nhau mà sống, hỗ trợ nhau trong sinh hoạt, lao động, sản xuất cũng như trong chống giặc, cướp và thú dữ. Nếp sống hàng nghìn đời ấy đã tạo cho họ tinh thần tương trợ, yêu thương, đùm bọc nhau, ăn sâu vào tính cách. Tình yêu thương ấy được thể hiện tập trung nhất qua hai nhân vật lão Mạc và mụ Sắn Pì. Hai con người, hai số phận nhưng ở họ đều tập trung những gì tốt đẹp nhất của con người miền núi: giản dị, chân thành, thẳng thắn và yêu con người.

Lão Mạc, một con người mang đầy đủ nét đặc trưng của người dân tộc miền núi phía Bắc. Ông là chứng nhân lịch sử, là biểu tượng của truyền thống văn hóa tốt đẹp: “Thức thầm ơn, cái ơn cao như núi của tía, một người ngay thẳng và nhân hậu”(2). Lời nói của lão không phải lời hoa mỹ, xã giao mà là tâm can lão: “Trời đất một năm làm ra bốn mùa nhưng Mạc này không bao giờ như thế, chỉ một lòng nghĩ tốt về nhau, và luôn tin lão cũng như ta”(3). Lão dành tình yêu thương không chỉ cho bạn bè, người thân, còn dành cho cả kẻ thù, đó chính là tấm lòng độ lượng, vị tha của tâm hồn cao thượng. Khi đối mặt với Hoóng già, lão Mạc căm hận đến tận xương tủy bởi hắn đã gây ra bao bi kịch cho gia đình lão, lão muốn giết Hoóng nhưng với bản chất độ lượng nên lão vẫn chăm sóc cho hắn. Lão là biểu tượng của nét đẹp văn hóa trong tiểu thuyết này.

Ở nhân vật Sắn Pì ta tìm thấy những phẩm chất tốt đẹp đằng sau vẻ bề ngoài thô kệch, thậm chí là xấu xí. Cuộc đời mụ hiện lên qua những dòng hồi tưởng từng mảng một như khi người ta vẽ một bức tranh. Từng nét vẽ giản dị hiện lên nhưng tạc lên một tầm vóc lớn của một con người biết sống đẹp: “Hình dung Sắn Pì chẳng mấy ưa nhìn. Đúng ra mụ phải là đàn ông mới hợp lẽ! Mép có râu, tuy không đen như đàn ông nhưng có màu hung hung như lông bò. Tệ nhất trên thân thể mụ không phải là những bộ phận thô kệch đó, mà là bên chân phải của mụ, nó làm mụ nổi bật mỗi khi di chuyển (4). Cái tên của mụ là một cái tên vô nghĩa nhưng cuộc đời mụ lại ý nghĩa với mọi người. Cả đời mụ là một chuỗi lưu đầy về thể xác và linh hồn. Cuộc đời ấy gắn với những không gian xa lạ, với những bất trắc và một lời hứa đeo đẳng không nguôi. Cũng như lão Mạc, Sắn Pì là người ngay thẳng, phân minh. Mụ sẵn sàng hy sinh cả tuổi trẻ, cả cuộc đời để nuôi một đứa trẻ xa lạ (Thức) nên người. Sắn Pì trọng tình nghĩa hơn vật chất, trọng lời hứa hơn tiền bạc. Phẩm chất này không phải do giáo dục, rèn luyện, bởi mụ côi cút từ nhỏ không ai dạy dỗ. Điều này chỉ có thể lý giải bằng tính cách nguyên sơ, đẹp đẽ vốn có trong tâm khảm của con người miền núi phía Bắc. Mụ cũng như rừng núi, hoang sơ, giản dị nhưng lại ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Qua mẫu người văn hóa truyền thống này, chúng ta không chỉ thấy sự am hiểu, yêu thương của nhà văn Cao Duy Sơn với con người quê hương mình mà còn thấy chiều sâu, những giá trị nhân văn của tác phẩm.

2. Mẫu người văn hóa rạn vỡ

Nếu lão Mạc, Sắn Pì là biểu tượng của mẫu người văn hóa truyền thống thì những người như Vương, Thức… là kiểu người văn hóa rạn vỡ. Lão Mạc, Sắn Pì là những mẫu người được miêu tả trọn vẹn, bền vững như những giá trị không thay đổi, còn Thức, Vương như những mảnh văn hóa truyền thống đang mong manh trước biến thiên thời đại, đang sợ hãi trước xâm lấn của văn minh đô thị. Chúng tôi muốn dùng cụm từ mẫu người văn hóa rạn vỡ để khái quát nhóm nhân vật này, cũng như phản ánh những thay đổi trong đời sống của đồng bào miền núi phía Bắc trong tiểu thuyết Đàn trời.

         Mẫu người rạn vỡ cũng là những người con của rừng núi, sinh ra trong cái nôi văn hóa của các dân tộc Việt Bắc. Họ mang đầy đủ phẩm chất của mẫu người truyền thống nhưng có một điểm khác, mẫu người này lại là những trí thức trẻ, được tiếp xúc nhiều với văn minh đô thị và văn hóa phương Tây. Mặc dù chưa được định hình một cách cụ thể nhưng họ chính là con người của thời đại mới, là đứa con trong cuộc hôn nhân giữa cái cũ và cái mới, giữa văn hóa truyền thống và văn hóa phương Tây. Nhưng khi chưa định hình một cách cụ thể, con người mới chưa hình thành, thì họ mới chỉ là mảnh vỡ được lắp ghép từ hai nền văn hóa cũ, mới trong quỹ đạo vận động của lịch sử.

Trong tiểu thuyết Đàn trời, mẫu người này là trung tâm của mọi vấn đề, luôn gắn không gian phố thị với những nét văn hóa truyền thống mong manh, đang dần vụn vỡ trước sức tàn phá thô bạo của văn minh phương Tây. Đặc tính đầu tiên của họ là nỗi cô đơn, lạc lõng. Người miền núi nào cũng thường cô đơn bởi quanh năm sống với núi, với rừng, nhưng nỗi cô đơn của mẫu người văn hóa rạn vỡ này mang tính chất và cảm quan khác. Những con người này cô đơn tận sâu thẳm tâm hồn bởi họ lạc lõng giữa cũ và mới. Họ là những trí thức trẻ, giàu hoài bão, khát vọng, đồng thời cũng nhạy cảm, dễ tổn thương như những người miền núi chân chất. Tâm hồn dễ tổn thương ấy tiếp xúc với cái mới xô bồ, hỗn loạn như những tấm kính trong va chạm với sắt thép, dần rạn nứt. Đây cũng chính là nỗi đau, day dứt, giằng xé giữa bước chuyển mình của thời đại. Vương, một trí thức trẻ, một nhà báo, một nhà văn tài năng, nhiệt huyết, khát khao đi tìm chân lý cuộc đời mình. Nỗi đau của anh một phần từ mối tình dang dở, nhưng phần nhiều là do va chạm trong tâm hồn giao thoa, phản chiếu xung đột văn hóa. Hay nói cách khác, mẫu người này vẫn đang băn khoăn giữa quá khứ yên bình, với thực tại xô bồ, chạy trốn hay đối mặt? Có lẽ đây cũng chính là lý do những nhân vật này một mặt hướng tới tương lai, muốn cống hiến hết mình, một mặt lại hoài niệm, muốn chạy trốn cuộc đời. Thị phi, đấu đá, tranh giành quyền lực khiến anh đôi khi tuyệt vọng, chán nản để phải ôm lấy nỗi cô đơn, những hoài niệm và những trang văn của mình mà sống. Mối tình đẹp đẽ, những năm tháng tuổi trẻ chỉ còn là kỷ niệm, anh giờ đây thờ ơ, lãnh đạm với đời. Đó là cảm giác hiện sinh, đau đớn trước thực tại đang rạn vỡ và từng mảnh vỡ ấy găm vào trái tim đa cảm của anh. Vương sợ sự thật, sợ hiện thực nên anh chạy trốn chính cõi lòng mình, ôm ấp những yêu thương của ngày xưa. Số phận của Vương không phải là cá biệt mà là mẫu số chung của con người nuối tiếc quãng đời đã qua, hay nuối tiếc những giá trị của một nền văn hóa cũ với tiếng sáo hoài niệm của tình yêu để xoa dịu những vết đau của mình, không đủ bản lĩnh vượt qua trở ngại và vượt qua chính mình. Mẫu người văn hóa rạn vỡ này luôn cô đơn bởi quá nhạy cảm và yếu đuối về tinh thần. Nhạy cảm bởi họ căm ghét cái xấu, cái ác. Họ không thích nghi, hòa nhập được với nó, chống lại thì cảm thấy tuyệt vọng, muốn chạy trốn nó. Thức cũng là một trí thức trẻ như Vương nhưng nỗi đau trong lòng anh lớn hơn rất nhiều bởi tâm hồn anh đang bị rạn vỡ. Thức mồ côi cha mẹ, từ những ngày tháng sơ sinh đã lang bạt cùng Sắn Pì từ Bắc vào Nam. Ở anh hội tụ đủ phẩm chất của một người miền núi chính gốc: mạnh mẽ, cứng cáp, bản lĩnh. Thức mạnh mẽ hơn Vương dù cuộc đời anh trải qua muôn vàn sóng gió, nhiều lần chết hụt và mất đi người thân yêu… Anh chiến đấu không thỏa hiệp với cái ác, nhưng sâu thẳm trong trái tim ấy cũng là nỗi cô đơn, tan vỡ trước cuộc đời đen bạc, trước xô bồ cuộc sống: “Từ đây anh hóa thành câm lặng. Trở về Bình Lãng. Ngày ngày chìm trong rượu cơ hồ nỗi đau sẽ vơi dần nhưng râu tóc cứ mãi dài ra cùng với căn bệnh trầm uất tưởng không bao giờ chấm dứt”(5). Thức có yếu đuối nhưng không chìm sâu như Vương, Thức nhanh chóng thức tỉnh, sau đó lại lao vào đối mặt với cuộc đời, bởi vậy anh khốn khổ hơn, bị đẩy vào tù, tuyệt lộ phải lên Ngườm Kim tìm vàng. Có những lúc anh tuyệt vọng tưởng như hóa điên. Trong lời nói của anh thể hiện rõ cảm nhận về xung đột văn hóa giữa cái cũ và cái mới: “Đôi khi tớ cũng có cảm giác như cậu bây giờ, cứ nghĩ chúng mình những đứa con trai, con gái Tày cùng được sinh ra trên rừng núi, thấy mỗi ngày cái chất tốt đẹp dân tộc mình lại bị hóa đi một chút, lòng trung thực bị lợi dụng cứ méo dần mà lòng xót xa”(6). Với những con người văn hóa rạn vỡ, họ ý thức rất rõ nguy cơ những giá trị tốt đẹp đang mai một, hiểu rõ sứ mệnh và vai trò của mình nhưng bất lực. Càng cố vùng vẫy, càng cảm thấy cô đơn lạc lõng. Sự xâm lấn ồ ạt của văn hóa mới, những tiêu cực của nó như chiếc vòng kim cô xiết chặt họ. Họ cô đơn bởi họ là số ít, còn nhiều người khác đã sớm hòa vào dòng lũ tiền bạc. Thật khó đánh giá xấu hay tốt đối với văn hóa cũ hay mới, tất cả đều tồn tại hai mặt của nó, nhưng có điều trong quá trình tiếp biến văn hóa, con người dễ học cái xấu hơn, bởi với cơ chế thị trường nó là đồng tiền, là quyền lực.

Ngoài Vương và Thức, Diệu cũng là một mẫu người rạn vỡ trong nỗi đau, băn khoăn, lạc lõng. Nàng lạc lối giữa hai cuộc tình cũ và mới cũng như băn khoăn giữa truyền thống và hiện đại. Nàng mãn nguyện với cuộc sống hiện tại nhưng cũng không ngừng day dứt về những kỷ niệm xưa cũ. Trước định kiến của Tuệ về mình, Diệu đau đớn nhưng không oán trách. Nàng một mặt muốn lần tìm quá khứ trong trẻo, một mặt muốn gìn giữ hạnh phúc gia đình. Diệu là biểu hiện của thay đổi quan niệm truyền thống, giữa một bên là trinh tiết và một bên là quyền hạnh phúc của con người: “Đức hạnh ư? Xin gửi lại cho quá khứ, còn mình chắc sẽ khóc, khóc thật lâu, thật nhiều cho hả nỗi buồn đau bao năm chất chứa trong lòng”(7).

Tuy mẫu người rạn vỡ là biểu trưng cho lạc lõng, cô đơn và bế tắc, nhưng họ không tuyệt vọng. Cuộc giao tranh giữa cũ và mới, cả Thức, Vương, Diệu đều có những phút giây nhìn về tương lai với những kỳ vọng, nhưng cuối cùng họ lại quay về với quá khứ, với suy tư trong thẳm sâu cõi lòng mình. Khái quát về mẫu người này được gói trong một vài từ: khát vọng, hoài bão, bất lực, dở dang, cô đơn, lạc lõng. Có một điều đáng trân trọng là họ một lòng hướng tới những điều tốt đẹp, muốn cải tạo và thay đổi cuộc sống. Khi vượt qua rạn vỡ, vượt qua được nỗi cô đơn, họ sẽ trở thành những con người tiêu biểu của thời đại mới.

3. Mẫu người tha hóa

Văn hóa bao gồm cả tốt và xấu, cả cao cấp và thứ cấp. Khi có xâm lấn về văn hóa thì cả mặt trái và phải của nó sẽ ảnh hưởng đến con người. Không tự chủ được sẽ đánh mất mình và trở thành con người tha hóa. ở đây, chúng tôi muốn khảo sát mẫu người tha hóa của thời kỳ văn hóa sau đổi mới 1986.

Mẫu người tha hóa ở giai đoạn này cũng phản ánh xung đột giữa văn hóa cũ và mới như mẫu người rạn vỡ. Tuy nhiên, vấn đề khác biệt ở đây, nếu mẫu người rạn vỡ là những trí thức trẻ, hiểu biết, khả năng tự chủ cao thì những mẫu người tha hóa thường là những người thiếu hiểu biết, dễ bị cám dỗ, yếu tố truyền thống trong sâu thẳm không bền vững. Mẫu người này phản ánh những nguy cơ phá hoại truyền thống văn hóa, đại diện cho cái ác, cái xấu trong tác phẩm. Đặc điểm chung của mẫu người này là hám danh, hám lợi, đắm chìm trong tiền bạc, dục vọng. Đứng trước cơn bão kinh tế thị trường, trước những cám dỗ, họ đánh mất mình hoặc trở nên tồi tệ hơn so với cái xấu lúc ban đầu. Họ, trong tác phẩm, là những nhân vật có quyền lực, tiền bạc, địa vị, sức mạnh nhưng thiếu đi tình người. Đầu tiên phải kể đến vị Chủ tịch tỉnh Đinh Xuân Ấn. Hắn sẵn sàng chạy theo tiếng gọi của dục vọng một cách mù quáng, bất chấp luật pháp và lương tri. Trước khi leo lên chức Chủ tịch tỉnh thì Đinh Xuân Ấn vốn là một tay buôn lậu. Điều này có nghĩa là cái gốc văn hóa truyền thống tốt đẹp vốn không tồn tại trong hắn. Cái gốc rễ vốn đã mục ruỗng lại bị cơn bão kinh tế thị trường tác động khiến hắn càng sa ngã và dấn sâu vào vũng bùn tội lỗi.

Một chân dung nữa là Lương Nhân cũng được mô tả với những việc làm đê tiện không kém: “Một thằng buôn lậu, một thằng đồ tể, một thằng chuyên buôn thuốc phiện cánh hầu với chủ tịch Đinh Xuân ấn, gã ấy cũng là một lưu manh có hạng mà thôi”(8). Kiểu người này đang làm đảo lộn thang giá trị đạo đức bởi sự xâm lấn của đồng tiền, của văn hóa phương Tây. Mẫu người tha hóa này còn bao gồm cả những kẻ dưới đáy xã hội, làm công cụ chém giết cho Lương Nhân. So sánh để thấy thì số phận của chúng vừa đáng thương, vừa đáng giận. Nhận thức kém nên chúng chỉ biết chạy theo tiếng gọi của vật chất, của đồng tiền. Đó là Hoóng già, thằng Thang, thằng Thín… Xuất phát điểm của chúng đều là những bi kịch và kết thúc cũng bằng bi kịch.

Cũng thuộc mẫu người tha hóa, nhưng Tuệ là một trí thức. Hắn hiểu biết, có bằng cấp, nhưng đó là một kiểu trí thức bất tài, lệch lạc: “Tuệ có cái mẽ dễ bắt mắt bề trên, có kiến thức nói dựa, hóng hớt, phỉnh phờ, có cái vẻ công tư bặt thiệp nhưng thực chất chỉ là thứ văn hóa làng lộn chộn với phố…”(9). Hắn không làm điều ác nhưng lại tiếp tay cho những kẻ bất lương để giữ cái ghế chức vị của mình. Địa vị, quyền lực làm hắn trở nên đớn hèn. Thực ra hắn mới đang trên con đường tha hóa do sự nhu nhược, tham lam của mình gây nên. Cuộc đời của Tuệ cũng là cuộc đời dang dở. Hắn cũng là kẻ băn khoăn giữa cũ và mới. Một mặt hắn yêu Diệu, lấy Diệu, nhưng một mặt hắn đau khổ vì quá khứ của Diệu. Hắn cảm thấy mình là kẻ phải nhận những gì thừa thãi của cuộc đời khi lấy một người vợ không còn trong trắng. Phải chăng cũng chính điều này đã khiến Tuệ lao vào vòng trụy lạc để đánh mất bản thân mình. Vấn đề này cho thấy cái nhìn về xung đột giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, về trinh tiết của người phụ nữ. Con người chịu sự giao thoa giữa hai tư tưởng và băn khoăn giữa hai quan niệm. Tuệ luôn căm thù, hằn học với Vương bởi quá khứ của anh với Diệu. Con người khi sống trong hận thù sẽ dẫn đến tha hóa: “Hình dung ngày nào Diệu từng là của hắn, Tuệ chợt thấy hờn ghen chất chứa rừng rực như lửa, bồn chồn như dao búa muốn đốt cháy và đập nát nó hóa tro tàn, than bụi. Sao cái ngày đó ta dễ dàng chấp nhận nàng đến vậy? Để đến giờ mỗi lần nghĩ tới trong ta lại đắng cay và ân hận ê chề. Ngày ngày giáp mặt Vương, muốn cắt cái chức của nó mà chưa nghĩ ra cách nào. Liệu nhân chuyện này có là cơ hội? Có thể lắm! Tuệ chợt sững người, trong đầu nảy toan tính”(10).

Qua việc khảo sát các mẫu người văn hóa, có thể thấy cái nhìn sâu sắc của Cao Duy Sơn trong việc lý giải các hiện tượng của đời sống xã hội hiện đại qua việc xây dựng những mẫu người hiện đại. Và chính điều đó đã khiến Đàn trời phản ánh chân thực đời sống con người miền núi phía Bắc trong những năm gần đây qua những bức chân dung sinh động và đầy chân thực.

_______________

2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10. Cao Duy Sơn, Đàn trời, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006, tr.139, 209, 235, 149, 61, 94, 454, 56, 95.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 357, tháng 3-2014

Tác giả : Nguyễn Đức Hạnh – Cao Thị Thu Hoài – Cao Thành Dũng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *