Nguyễn ngọc tư- chất văn gây ảo giác

Là một trong số những nhà văn đương đại viết về Nam Bộ gây được tiếng vang trên văn đàn TK XXI, Nguyễn Ngọc Tư, bằng những truyện ngắn mang âm hưởng mộc mạc, liêu trai và thấm đẫm tình người, đang dần trở thành một hiện tượng của nền văn học Việt Nam. Con người trong lối xây dựng nhân vật của nhà văn, không chỉ đơn thuần là phương tiện để thể hiện cảm xúc. Đôi khi, con người còn là chất xúc tác để nhà văn kết nối những cảm xúc riêng rẽ. Lắm khi, con người trong văn Nguyễn Ngọc Tư cũng mơ hồ như cảnh vật và cũng thoắt ẩn, thoắt hiện trong một lối văn chương đầy cảm xúc. Với kiểu xây dựng nhân vật đầy phóng khoáng, khắc họa tính cách nhân vật mang đậm chất Nam Bộ, đưa đẩy mạch truyện từ tốn nhưng đầy hư ảo, Nguyễn Ngọc Tư luôn tìm đến độc giả với một phong thái tự tin và để lại dấu ấn mơ hồ nhiều vương vấn về số phận con người.

         Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư giúp cho con người tìm lại những điều chân phương, bản ngã của chính mình, để từ đó nhận ra giá trị của cuộc sống. Thông qua những con người bình thường, những nỗi buồn mênh mang, tác giả mang lại những cảm xúc tốt đẹp, về cuộc đời, về con người, dẫu cho đời người phải trải qua trăm đắng ngàn cay.

         Tìm đến những số phận nhỏ nhoi, bé mọn

         Số phận con người trong văn Nguyễn Ngọc Tư khi thì chơi vơi, bấp bênh, vương kín nỗi sầu nhân thế, lúc lại khát khao, cồn cào tìm nơi neo đậu. Nguyễn Ngọc Tư để cho nhân vật của mình chìm trong nỗi cô đơn đến cùng cực, không lối thoát, nỗi cô đơn đông đúc: “Ngày ngày kẹt giữa đám đông, chen chúc trên những con đường đông nghịt người, nhiều khi tôi giật mình, trời ơi, họ kia, đồng loại mình kia, sao mình lại cô đơn đến rã rời…” và nhà văn dường như nhận thấy được cả cái cảm giác kỳ lạ, cái cảm giác “chỉ mình trên đời này, chỉ một mình… Chẳng ai là tri âm, chẳng ai cả…” (Biển người mênh mông) (1). Câu chuyện của ông già Sáu và chàng trai Phi, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một số phận. Họ tình cờ gặp gỡ, neo đậu với nhau chỉ một phần đời rồi lại tiếp tục đi. Ông già lặn lội 40 năm để tìm lại người vợ đã bỏ đi. Còn chàng trai, anh biết đi đâu, về đâu? Người bà thân yêu của anh đã mất, bến bình yên cuối cùng không còn nữa. Thân phận hai con người đó chênh vênh, đơn côi đến tội nghiệp. Biển người thì mênh mông mà họ vẫn chẳng thể tìm được bến đỗ cho cuộc đời mình.

         Trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư, ta bắt gặp những con người quen thuộc, vẫn thường thấy ở đâu đó dọc triền sông nước Nam Bộ. Những con người ấy, tưởng như thân thuộc đến ngỡ ngàng, mộc mạc, chất phác nhưng đôi khi, ở họ lại trở nên xa xăm và đầy khắc khoải. Những con người bé nhỏ ấy, lúc nào cũng chìm đắm trong nỗi buồn, hốt hoảng và chơi vơi đến kỳ lạ: “Tôi thường đón gió chướng về với một tâm trạng lộn xộn, ngổn ngang, mừng đó rồi bực đó… Mỗi lần gió về lại cảm giác mình mất một cái gì đó không rõ ràng, không giải thích được, như ai đó đuổi theo đằng sau, tôi gấp rãi gấp rãi nói, gấp rãi cười, gấp rãi khi ngày bắt đầu rụng xuống” (Hiu hiu gió bấc) (2). Câu chuyện tình buồn của những người con trai, con gái còn rất trẻ, đầy hoài bão nhưng nông nổi như Hảo, Hoài hay anh Hết. Đó chỉ là những con người bình thường nơi sông nước Cà Mau và câu chuyện tình của họ cũng chẳng phải hiếm gặp. Nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư, chuyện tình trong mùa gió bấc ấy lại hiện lên với tất cả vẻ da diết và cứ hư hư, thực thực đến ngỡ ngàng. Những chiếc ghe chở đầy hàng hóa, những buổi chợ nổi tấp nập người bán, kẻ mua, những mùa nước lên, nước xuống và thấp thoáng đâu đó là những câu chuyện của những người bán buôn tứ xứ, lúc thì nhấp nháy niềm vui, khi lại tràn ngập nỗi buồn, thoảng qua như chính tính cách con người miền sông nước Cà Mau ấy.

         Người dân Nam Bộ có khi chỉ là một ông già, lặn lội hàng chục năm trời, chấp nhận làm mọi thứ nghề, mong sao gặp gỡ nhiều người, có thể đi đây đi đó, để tìm lại đứa con của người vợ đã bỏ đi, để tự minh oan cho tình yêu thương mấy chục năm trời của mình dành cho con (Cải ơi). Có lúc, mối tình thầm lặng của ông Chín Vũ dành cho bà đào Hồng ở ngôi nhà Buổi chiều chưa một lần được đáp trả suốt 46 năm đằng đẵng, cho đến tận cuối đời (Cuối mùa nhan sắc). Đó có thể là sự trùng phùng đầy xót xa và nhuốm màu định mệnh của người phụ nữ đã lỡ dở một chuyến đò với chính người đàn ông đã từng là kẻ được chồng cô thuê để giết cô nhiều năm về trước (Một trái tim khô). Mỗi câu chuyện lại kể cho người nghe về một khía cạnh của cuộc đời. Những cuộc đời bé nhỏ và mộc mạc ấy đều làm dấy lên trong lòng mỗi người một nỗi xót xa và thương cảm. Người ta càng hiểu rõ hơn, bất chấp những sóng gió cuộc đời, vẫn cần lắm tình yêu thương dành cho nhau.

         Đọc văn Nguyễn Ngọc Tư, ta như cảm được nỗi nhớ sông da diết của Thủy, của Giang, của ông Chín (Nhớ sông), nỗi nhớ dòng của người con gái đã vì cha mà neo đậu bên sông Đập Sậy. Để rồi, nỗi nhớ sông, nhớ cha, nhớ em, nhớ cả những tấp nập chợ nổi và day dứt không nguôi về người con trai bên ghe bạn thuở nhỏ, lại cồn cào trong lòng cô gái miền sông nước ấy. Cuộc đời của cô bé nhỏ lắm, rồi cũng chỉ tìm một tấm chồng, một nơi neo đậu cho cuộc đời bấp bênh sông nước như biết bao nhiêu người con gái khác. Vì sao những cô gái như Giang, Thủy (Nhớ sông), như Út Nhỏ, Thể (Nhà cổ), như Hảo (Hiu hiu gió bấc) vẫn phải vùng vẫy trong nỗi buồn tê tái của nhân gian, trong lòng như cồn cào, muốn thoát ra khỏi những ràng buộc của cuộc đời một người con gái? Họ mới chỉ trút bỏ hình hài của một cô bé, sự ngây thơ vẫn còn vương trên dáng đi, nhịp bước, vẫn còn quẩn quanh trong suy nghĩ non nớt, mơ hồ. Nhà văn dường như chưa muốn đẩy những cô bé ấy ra khỏi vòng tay của cha mẹ, rời khỏi nơi chốn quen thuộc suốt một thời thơ bé, chia xa mối tình đầu vụng dại, để tìm đến một chốn xa lạ. Nguyễn Ngọc Tư gieo vào lòng người đọc sự bâng khuâng cho số phận của từng nhân vật, giúp họ càng thấm thía hơn nỗi xót xa. Nhưng hơn hết, nhà văn còn thắp lên trong tâm hồn người đọc ngọn lửa của niềm tin, dù đi bao xa, dù trải qua bao biến cố, con người vẫn còn có nơi để trở về.

         Bằng cách đề cập đến những số phận người con gái đong đầy nỗi xót xa và những dự cảm mong manh cho tương lai, nhà văn đã đẩy những bất hạnh đó lên cao trào bằng Đánh mất cô dâu, Sổ lồng hay Đảo. Nguyễn Ngọc Tư đã để cho câu chữ cứ thế vượt ra khỏi những khuôn khổ thông thường của việc kể chuyện, nó như là lời than thở, xen lẫn những tiếng nức nở cho số phận của người con gái. Người đọc bị cuốn vào câu chuyện, như được tận mắt chứng kiến cuộc đời đó, con người đó và nỗi xót xa đó. Để cho sự đồng cảm càng trở nên bâng khuâng, nhà văn đã biến hóa câu chữ và cảm xúc, khiến cho những câu chuyện thêm phần thi vị. Độc giả cảm nhận được cả nỗi niềm, khát khao và sự vùng vẫy cố thoát ra khỏi những trói buộc về hoàn cảnh của nhân vật nữ. Nguyễn Ngọc Tư thắp lên hy vọng trong những số phận bé nhỏ của người con gái, để họ tìm thấy cho cuộc đời mình chút ánh sáng, dù là le lói, nơi cuối chuỗi ngày tăm tối đã đi qua.

         Sự thương cảm và xót xa cho số phận của từng nhân vật được thể hiện kín đáo trong văn Nguyễn Ngọc Tư, không ồn ào hay phô trương, mà mộc mạc và dung dị như cuộc sống. Cái tình Nam Bộ thấm trong từng câu chữ, người đọc cứ thế dần cảm nhận và chợt nhận ra đó là một phần cuộc sống.

         Vương nỗi sầu nhân thế

         Người đọc dường như chưa bao giờ bắt gặp khái niệm vui trong văn Nguyễn Ngọc Tư. Các tác phẩm là cả một nỗi buồn triền miên, len lỏi trong từng con chữ, loang rộng mênh mang như những vòng tròn nước khi viên sỏi ném xuống lòng hồ. Nỗi buồn ấy cứ thấm dần, nhức nhối không thôi qua từng dòng chữ. Người đọc như tìm thấy sự đồng cảm trong nỗi buồn của tác giả, cứ như thể nỗi sầu ấy đặc trưng cho từng tác phẩm, giúp người đọc thấu hiểu hơn về một chất văn Nam Bộ, chất văn Nguyễn Ngọc Tư.

         Nhà văn ném nỗi buồn vào từng câu chữ, để nỗi buồn ấy len lỏi cả vào tâm khảm và khơi gợi những chiều sâu suy tưởng về nhân tình thế thái. Để rồi, như một sự sắp đặt khôn khéo, ta thấm cái rã rời, bải hoải của những kiếp người luẩn quẩn mãi trong gói tối của những nỗi đau. Hành trình của sự ảo giác tâm hồn với văn Nguyễn Ngọc Tư bắt đầu. Nỗi sầu ấy chẳng buông bỏ một ai, vương vấn vào tâm khảm những con người tưởng như đã quay lưng lại trần thế (Củi mục trôi về). Cả những chú tiểu, vì lẽ sinh tồn, vì muốn bám trụ lại nơi trần thế, mà chấp nhận xuống tóc đi tu, để rồi không thể dập tắt được cái bản năng mới lớn, trỗi dậy khi cận kề một người con gái (Những mùa trăng ướt). Đi sâu vào khắc họa nội tâm nhân vật, những câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư thấm đẫm nỗi buồn. Nỗi buồn len lỏi vào tận những nơi chốn ngỡ đã bình yên, thanh thản như cửa chùa. Ở đó, vẫn còn những con người mang nặng tâm can trần tục. Cái hay là tác giả đã phát hiện ra những nỗi buồn trần thế, những vương vấn trần tục còn đang níu kéo tâm hồn của họ và thể hiện điều đó bằng giọng văn đầy sự xót xa, đồng cảm với con người. Nguyễn Ngọc Tư khiến cho người đọc hiểu ra rằng, bên trong cái vẻ bề ngoài của những con người bị số phận đưa đẩy, phải tìm đến nương nhờ cửa Phật, còn ẩn chứa những tâm hồn khát khao được sống đúng với bản ngã của mình, một con người trần tục đúng nghĩa, khát khao được sống một cuộc đời bình yên theo cách mà họ mong muốn.

         Nỗi sầu đôi khi vỡ ra từng mảnh, găm vào tâm khảm con người, để họ đau xót, quay lại kết tội, dị nghị nhau. Người đàn ông tóc đã ngả hai màu phải lặn lội gió sương, chỉ mong tìm lại được người con của vợ mình, đã lưu lạc đâu đó. Dù chỉ là một người cha hờ, nhưng chưa bao giờ tình yêu thương của ông vơi cạn, dù phải tìm kiếm mải miết suốt mấy chục năm trời hình bóng đứa con. Ông chỉ đau đáu mong muốn tìm lại, để giải thích cho con hiểu về tình thương của người cha hờ, bao nhiêu năm chỉ biết gói gọn trong hai tiếng “Cải ơi!” xé lòng (Cải ơi!). Câu chuyện giản dị ấy gợi nên trong tâm tưởng người đọc niềm tin vào tình người, vào tình cảm ấm áp chất chứa trong hai tiếng gia đình.

         Ngay cả khi kể về nỗi buồn, Nguyễn Ngọc Tư vẫn duy trì chất văn chương ảo giác, lối viết nhẩn nha, từ tốn và hờ hững ấy. Thế nhưng những nỗi buồn trong văn của Nguyễn Ngọc Tư chẳng vì thế mà không da diết, cứ chảy trôi miên man như những con sông Cà Mau, tràn cả ra khỏi những câu chữ. Dường như bất kỳ chuyện gì được đề cập đến cũng có thể ẩn chứa nỗi buồn. Một người con trai bỗng dưng biến mất khỏi cuộc đời của một cô gái (Biến mất ở Thư Viên), một mối tình dang dở vẫn day dứt suốt cả cuộc đời (Đi bụi) hay đứa trẻ chơi vơi sau cuộc chia ly của cha mẹ, đang muốn tan biến như chưa từng có trong đời (Ấu thơ tươi đẹp). Trong bất kỳ câu chuyện nào, nỗi buồn cũng ngự trị trong giọng văn, câu chữ. Nỗi sầu xa xăm, mơ hồ gây ảo giác của văn Nguyễn Ngọc Tư.

         Nỗi buồn cứ nhói lên trong tâm trí người đọc bởi những số phận được đề cập tới trong từng câu chuyện. Nhưng sau đó là sự lắng lại với từng kiếp người, như cuộc đời của chú bé Sói (Ấu thơ tươi đẹp) và nỗi buồn ly tán của cha mẹ. Chú bé ấy với đôi mắt lúc nào cũng buồn, thái độ cộc cằn và cả những suy tư trước tuổi. Tuổi thơ của chú bé đã bị đánh rơi đâu đó ở một sân ga xa lạ, đang mải miết đi tìm một cuộc đời khác, không đau khổ, day dứt như thế này. Nhà văn đã để cho Sói bước xuống một sân ga xa lạ, bước ra khỏi cuộc đời u tối của cậu. Biết đâu, sau quyết định đó, cậu sẽ khác, sẽ điểm tô cho cuộc đời của mình những vầng sáng. Biết đâu, khi lìa xa những con người đã từng làm mình tổn thương, cậu sẽ thoát khỏi nỗi sầu nhân thế. Nhà văn, bằng cách đó, đã thắp lên niềm hy vọng cho Sói, cũng như cho người đọc về một tương lai tươi sáng hơn cho những mảnh đời bơ vơ, lưu lạc.

         Nỗi buồn cứ bám riết trong từng tác phẩm, nhất là những câu chuyện kể về miền sông nước, mà Nhớ sông là một trong những chuyện như thế. Xoay quanh cuộc đời của ba bố con ông Chín trên một chiếc ghe trôi nổi trên sông nước, nhà văn khắc họa nỗi buồn mênh mang và cuộc đời nổi trôi của ông Chín, Giang và Thủy. Bằng chất văn đầy ảo ảnh, Nguyễn Ngọc Tư thể hiện được nỗi buồn của họ, cuộc sống quẩn quanh, bế tắc, những niềm vui chưa kịp lóe lên đã vụt tan biến bởi nỗi lo lớn hơn cho cuộc sống.

         Có thể những câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư không thay đổi được thực trạng xã hội một cách mạnh mẽ, nhưng một phần nào đó, bằng những cố gắng thể hiện lòng nhân ái trong lối xây dựng nhân vật và cách kể chuyện, nhà văn đã làm cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống, dù chỉ bé nhỏ thôi, cũng trở nên lung linh và thật đáng trân trọng. Nỗi buồn, dù vẫn tồn tại đâu đó trong các tác phẩm, nhưng nó không còn quá ám ảnh bởi chen vào đó, có cả những gam màu tươi sáng, lấp lánh niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn.

          Những tác phẩm không tìm ra hồi kết

         Ảo giác trong văn Nguyễn Ngọc Tư làm người đọc không hiểu được lúc nào tác giả muốn kết truyện. Mạch cảm xúc cứ nhẩn nha, dịu dàng trôi theo sự kiện. Lối kể chuyện của nhà văn từ tốn nhưng đầy ma mị, mang lại cho người đọc những cảm giác khó gọi thành tên. Bất chợt, tác phẩm kết thúc nhưng vang vọng lại những dư âm, khơi gợi lên từ sâu thẳm trong lòng người đọc những thanh âm xúc cảm đầy ảo ảnh.

         Hầu như các nhân vật chỉ tình cờ gắn cuộc đời họ lại với nhau, để rồi mỗi người lại đi về miền xa xăm, nơi họ đánh mất nhau, chỉ còn vương lại những hoài niệm mơ hồ. Người đọc như chợt tỉnh cơn mê chập chờn, như bị đánh thức dậy sau một giấc mơ dài, mà dấu vết vẫn còn vương trên từng nét mi, sự ngỡ ngàng vẫn còn in hằn trên khuôn mặt. Nguyễn Ngọc Tư kết mà như không hề kết truyện, để câu chuyện vẫn tiếp diễn mãi trong tư tưởng và cảm xúc của người đọc, tiếp tục đưa họ lang thang trong miền đất hồi tưởng, gieo vào lòng người đọc cảm xúc không dễ gọi tên.

         Trong cách đặt tựa đề cho các tác phẩm, Nguyễn Ngọc Tư cũng đã thể hiện điều ấy: Cánh đồng bất tận, Biển người mênh mông, Lưu lạc, Đi bụi Mải miết theo mạch truyện, chìm đắm trong những suy tư không có điểm dừng, người đọc rơi vào sự sắp đặt cảm xúc của Nguyễn Ngọc Tư lúc nào không hay. Lúc này, nhà văn mặc sức tung hứng cảm xúc của ngưởi đọc, mặc sức lôi cuốn những cảm xúc ấy đi theo những hướng đẩy đưa của mạch truyện và gây ảo giác cho người đọc.

          Những cái kết, dù không tìm thấy trong văn Nguyễn Ngọc Tư, nhưng người đọc vẫn thỏa mãn với những cảm xúc bồng bềnh, nhẹ nhàng mà thấm thía, khi Hiu hiu gió bấc, Nhớ sông, Một trái tim khô, Mùa mặt rụng, Đảo hay Vị của lời câm khép lại. Đó cũng chính là chất gây ảo giác trong văn của Nguyễn Ngọc Tư.

         Nhà văn thường để ngỏ những lối thoát cho nhân vật của mình. Đôi khi là những lối thoát thực sự, như trong Ấu thơ tươi đẹp, hình ảnh chú bé Sói đã chọn cách thoát ly cuộc sống bấp bênh để tìm một con đường riêng. Hay chỉ là sự biến mất hư ảo, cách tìm lối thoát lặng lẽ cho mối quan hệ không hồi kết như Biến mất ở Thư Viên.

         Truyện Nguyễn Ngọc Tư không ồn ào, không có những tình huống gay cấn, không duy trì lối kể chuyện đi sâu vào tình tiết. Đơn giản, nhà văn khai thác những ngóc ngách thẳm sâu trong tâm hồn con người, vẽ lên trang sách những cảm xúc mong manh, mơ hồ nhưng rất đỗi thân thuộc. Giọng văn ấy đầy tính ma mị, liêu trai, một chất văn dễ gây ảo giác cho tâm hồn. Nhưng vượt lên trên những cảm xúc ấy, truyện của Nguyễn Ngọc Tư giúp cho những cảm xúc mãnh liệt về tình người và lòng nhân ái được thức dậy và tìm ra bến đỗ. Đọc văn của Nguyễn Ngọc Tư để tìm thấy tính người trong đó, để tìm ra điểm sáng đầy nhân văn trong mỗi cuộc đời đầy tăm tối, con người có thể thấu hiểu nhau hơn, có thể đến với nhau bằng tình yêu thương nguyên thủy như thuở ban đầu. Văn Nguyễn Ngọc Tư là loại văn đọc nhiều lần mới thấm, mới cảm được hết, để rồi cứ lặp đi, lặp lại trong tâm trí người đọc những câu hỏi về nhân tình, thế thái, những câu hỏi luôn khao khát tìm được câu trả lời.

         _____________

         1, 2. Tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2005, tr.98, 26.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 375, tháng 9-2015

Tác giả : TRỊNH PHƯƠNG THU

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *