Thể vãn hai, vãn ba, từ đồng dao đến thơ thiếu nhi

Với nỗ lực đưa thơ về gần với thế giới tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo, thơ thiếu nhi Việt Nam hiện đại tìm về ngọn nguồn đồng dao như một tất yếu. Bằng sự nhạy bén, tấm lòng tâm huyết, các tác giả đã khẳng định một trong những nguyên tắc quan trọng khi sáng tác thơ cho thiếu nhi là sáng tác dựa trên cơ sở tiếp thu tinh túy của những bài đồng dao dân gian để thơ cho các em tràn đầy sự hồn nhiên, mỗi bài thơ giống như một trò vui khiến các em “không chán, không sợ nó” (Trần Quốc Toàn). Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy thơ thiếu nhi chịu ảnh hưởng từ phương thức tư duy đồng dao trên nhiều phương diện, trong đó có sự vận dụng sáng tạo thể vãn hai, vãn ba.


Đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng, gắn với trò chơi của trẻ em. Trẻ em là chủ thể sáng tác, đồng thời là chủ thể tiếp nhận tiểu loại văn học đặc biệt này. Vì thế, nội dung, hình thức đồng dao mang tính chất hồn nhiên, chất phác, phù hợp với tâm sinh lý trẻ nhỏ. Đại bộ phận đồng dao đều được làm theo thể thơ ngắn, xưa gọi là thể vãn, gồm vãn hai (hai chữ), vãn ba (ba chữ), vãn bốn (bốn chữ), vãn năm (năm chữ), vãn sáu (sáu chữ), phổ biến nhất là vãn bốn (bốn chữ). Thể vãn hai, vãn ba tuy xuất hiện không nhiều nhưng mang vẻ độc đáo riêng biệt, chỉ tồn tại duy nhất ở đồng dao (không có ở ca dao). Ở phương diện nào đó, có thể xem đây là những hình thức thơ đặc trưng của đồng dao đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển các thể thơ hiện đại sau này. Như dòng chảy bền bỉ vắt qua thời gian, đến thơ thiếu nhi hiện đại, thể thơ hai chữ, ba chữ vẫn được kế thừa, bởi: “Không phải các nhà thơ lớn tuổi hay các em không có thể, không biết sáng tạo các hình thức thơ khác cho mới lạ hơn mà chính tâm lý, sinh lý, cách tư duy thơ của các em đòi hỏi kiểu tổ chức bài thơ, nhịp thơ như vậy” (1). Nhà thơ Võ Quảng lại nhấn mạnh: “Thơ cho các em có thể có nhiều hình thức, mỗi câu từ hai chữ cho đến năm, mười chữ. Nhưng điều cần chú ý là hình thức thơ cho các em nên dựa trên những hình thức vốn có của dân tộc” (2). Điều này cũng cho thấy sự đóng góp của các tác giả trong quá trình phát huy truyền thống thơ ca dân gian trên hành trình hiện đại hóa thơ viết cho thiếu nhi.

1. Thể vãn hai và thơ hai chữ

Trong đồng dao, thể n hai xuất hiện rất ít, chủ yếu có trong lời một số bài đồng dao gắn với trò chơi như: Chuyền thẻ, Trồng chanh. Dạng thức thơ hai chữ lại được phục sinh khá mạnh mẽ trong thơ thiếu nhi. Xét về mặt cấu tạo, thơ hai chữ có hình thức ngắn gọn, nhịp thơ chậm rãi như lời kể chuyện tâm tình, các câu thơ bắt vần ôm quyện trong một dòng liên tưởng, phù hợp với việc thể hiện những chiêm nghiệm, suy tư hay những khám phá lý thú về đời sống muôn màu. Bài thơ Sen nở của Phạm Hổ có thể coi như minh chứng tiêu biểu cho dạng thức này. Phạm Hổ lặng lẽ quan sát để giúp bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ thơ tìm kiếm câu trả lời cho một hiện tượng mà bình thường ít ai để ý: nụ hoa nở thành bông hoa như thế nào. Như ông từng tâm sự: “Khi tôi viết Gà con và quả trứng hay Sen nở, tôi đã soát kỹ, đúng là tôi đã viết lại những điều tôi ngạc nhiên từ bé. Sao cái trứng nằm im như hòn đá kia bỗng dưng lại biến thành con gà, sao những trái mít con sau vườn nhà tôi nó lớn nhanh như vậy, những bông hoa lan nở nhanh như vậy, nhưng mà tôi rình xem vẫn không nhìn thấy” (3). Rồi từ chuyện nụ nở thành hoa mà ông nghĩ đến sự trưởng thành của mỗi con người theo năm tháng cuộc đời:

                    …Con ơi

                    Sen nở

                    Như con

                    Lớn lên

                    Ngồi rình

                    Mà xem

                    Nào ai

                    Thấy rõ!

                    Chỉ biết

                    Sen nở

                    Và con

                    Lớn lên!

                                 (Sen nở)

Sen nở cũng là bài thơ Phạm Hổ tâm đắc nhất trong sự ngiệp sáng tác của mình. Tác phẩm đạt đến chiều sâu về mặt tư tưởng nhưng không phải những lời cao xa, sáo rỗng mà thấm nhuần trong từng câu chữ như lời nói ân cần. Góp phần làm nên thành công đó, chắc chắn phải bàn đến cách lựa chọn thể thơ rất đỗi tinh tế của ông: thể thơ hai tiếng, nhịp đều đều, gợi nhịp đập của con tim, vừa mãnh liệt, vừa khiêm tốn lặng im. Nhịp đập ấy phải chăng cũng là những nhịp đời để rồi qua đó, các em thấu hiểu hơn ý nghĩa sự lớn lên của mình qua từng ngày, từng giờ.

Gần gũi với Sen nở, bài thơ Bàn tính cầu thang của tác giả Phan Cung Việt mô phỏng lại thể vãn hai của đồng dao diễn tả nhịp bước đi của đứa trẻ từ những bước chập chững đầu tiên để rồi đến với chân trời cao rộng, làm nên sự nghiệp trong đời. Nhà thơ có cách so sánh thật đặc biệt, ví cầu thang với một bàn tính, giúp em biết “Tính cộng/ Bước lên/ Tính trừ/ Bước xuống” và theo những bậc cầu thang ấy, tương lai rạng rỡ hiện dần trước mắt em:

                  Cầu thang

                  Lên đều

                  Từng bậc

                  Như em

                 Lớp một

                 Rồi lên

                 Lớp hai…

                                 (Bàn tính cầu thang)

Đọc hai bài thơ trên, ta có cảm giác phảng phất như nhịp đếm của bài đồng dao Chuyền thẻ: “Cái mốt/ Cái mai/ Con trai/ Con hến/ Con nhện/ Chăng tơ/ Quả mơ/ Quả mít…

Với nhịp 2/2 đều đặn, Trúc Chi đưa người đọc trôi theo dòng âm thanh kỳ ảo, trở về với ký ức tuổi thơ lắng nghe Chú dế đàn:

                  Nửa đêm

                  Tiếng rền

                  Dịu dàng

                  Sau ghế

                  Chú dế

                  Áo nâu

                  Rung râu

                  Kéo nhạc…

Từng câu thơ đan cài nhau như những nốt nhạc trong bản giao hưởng đặc biệt. Bằng sự quan sát tinh tế, tâm hồn nhạy cảm, nhà thơ đã phát hiện ra sức lao động âm thầm, lặng lẽ mà bền bỉ, say mê của một chú dế, một nghệ sĩ kéo đàn trong đêm khuya thanh vắng. Trúc Chi đã thể hiện một cái nhìn đầy tính nhân văn: những giọt âm thanh nhỏ vào lòng đêm của một sinh vật nhỏ bé cũng là sự sáng tạo nghệ thuật góp phần làm đẹp thêm cho cuộc sống.

Ngoài những bài thơ trên, thể thơ hai chữ còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác. Những tác phẩm này mượn hình thức vãn hai của đồng dao nhưng lồng ghép trong đó chất liệu của cuộc sống hôm nay nhằm cung cấp cho các em hiểu biết về một số sự vật, hiện tượng trong cuộc sống như: Hạt mưa (Lâm Thị Mỹ Dạ), Hạt thóc (Nguyễn Đức Mậu), Củ cà rốt (Phạm Hổ), Cây mít (Vũ Ngọc Phác)… hoặc đưa đến cho trẻ nhận thức mới mẻ từ những điều giản dị hàng ngày như: Cái hôn (Lâm Thị Mỹ Dạ), Gốc mùa xuân (Mai Ngọc Uyển), Đồng cỏ (Võ Văn Trực)… Điều đặc biệt là những kiến thức, nhận thức ấy được diễn đạt giản dị, hồn nhiên và dễ hiểu, phù hợp với tư duy trẻ thơ. Bản thân các tác giả cũng thể hiện được năng lực sáng tạo cá nhân trên thể thơ đặc biệt này.

2. Thể vãn ba và thơ ba chữ

Tương tự thể vãn hai, thể vãn ba trong đồng dao cũng không có nhiều, phần lớn tồn tại trong phần lời của những bài ca vui chơi (Xỉa cá mè, Nhắc cò cò, Giã chày một…) hay những bài ca tập làm người lao động (Trồng cây dừa, Bàn tay đẹp, Út tiên…). Thể vãn ba thường được sử dụng khi mô phỏng các động tác, hành động trong trò chơi của trẻ, tạo âm điệu vui tươi, náo nức, cầm nhịp cho cuộc chơi. Nắm bắt được thế mạnh này, thể vãn ba của đồng dao được các nhà thơ thiếu nhi hiện đại vận dụng khá nhuần nhụy, mang đến cho thơ vẻ đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, thậm chí trong một số trường hợp, thật khó để phân biệt được đâu là đồng dao, đâu là thơ, như các bài: Một ông trăng, Bắp cải xanh, Na (Phạm Hổ), Cây dây leo (Xuân Tửu), Chuồn chuồn kim (Xuân Hoài), Mùa lúa chín (Nguyễn Khoa Đăng), Chim gõ kiến (Nguyễn Như Mai). Chẳng hạn một đoạn thơ trong bài Một ông trăng khi so sánh với đồng dao:

                 Một bầu trời

                 Một ông trăng

                 Mỗi một tháng

                 Một lần tròn…

                 (Một ông trăng – Phạm Hổ)

Nhìn vào sự đối sánh trên, có thể thấy, các bài thơ không chỉ láy lại thể vãn ba của đồng dao mà ngay cả những yếu tố khuôn hình như: vần, nhịp cũng in bóng đồng dao rõ nét. Trong một số trường hợp khác, thể vãn ba được vận dụng theo hướng sáng tạo, nghĩa là bên trong hình thức tưởng như quen thuộc, các tác giả lại chọn lọc hình ảnh mới, thổi hồn cho câu chữ, biến bài thơ thành một trò chơi đầy hứng khởi. Bởi với trẻ em, các em thích vừa hát, vừa chơi để “trò chơi thêm vui vẻ, thêm tưng bừng, chơi dài không chán” (Thanh Tịnh).

Dựa trên âm điệu rộn rã của bài đồng dao: “Xỉa cá mè/ Đè cá chép/ Chân nào đẹp/ Thì đi buôn”, tứ thơ Mời vào được Võ Quảng đan dệt từ những hình ảnh sinh động nghe thật vui tươi:

                       – Cốc, cốc, cốc

                       – Ai gọi đó?

                       – Tôi là Thỏ

                       – Nếu là Thỏ

                        Cho xem tai…

                                               (Mời vào)

Ba khổ thơ nối tiếp như những phân cảnh trong trò chơi ú tim, qua đó các em có thể vừa nghe, vừa hình dung ra các con vật với những hình ảnh tiêu biểu nhất. Tất cả hợp lại tạo nên bức tranh cuộc sống sinh động, kích thích sự tìm tòi, khám phá trong trí tuệ của các em. Chơi mà cũng là để học, đó không chỉ là bài học nhận thức, học cách ứng xử lễ phép, lịch sự mà còn là bài học biết cảnh giác trước kẻ xấu.

Trò Chồng nụ chồng hoa cũng khiến những đứa trẻ tham gia thích thú không kém:

            Chồng chồng nụ

            Chồng chồng hoa

            Cao cao là

            Ai nhảy nhỉ?

               (Chồng nụ chồng hoa – Định Hải)

Thể thơ ba chữ kết hợp với biện pháp điệp ngữ khiến chúng ta hình dung được không khí sôi nổi, hào hứng của trò chơi. Nhịp thơ nhanh, mạnh, khỏe khoắn gợi nhắc đến lời đồng dao vui nhộn: “Giã chày một/ Hột gạo vàng/ Giã chày đôi/ Đôi thóc mẩy”. Trong vui chơi, phải chăng lời thơ cũng đã chắp cánh thêm cho niềm vui tâm hồn, cho trí tưởng tượng của các bé thăng hoa cùng với sự phát triển tư duy, ngôn ngữ.

Trong hình thức vãn ba, Hà Huy Tuấn nối kết những âm thanh tưởng tượng của Những quả chuông gió thành khúc đồng dao độc đáo. Từ âm thanh lanh canh của quả chuông gió giản dị treo bên cửa, tâm hồn trẻ thơ nghe vang vọng biết bao điều lý thú. Những quả chuông không còn vô tri, vô giác mà sống động như thế giới con người, có chuông em hiền hòa, chuông chị nghịch ngợm, đặc biệt là chuông ông bà, chuông cha mẹ vỗ về yêu thương quanh bé:

                  Quả chuông mẹ

                  Hát dân ca

                  Quả chuông cha

                  Bài học mới

                          (Những quả chuông gió)

Thể thơ ba chữ được sử dụng rộng rãi trong nhiều sáng tác thơ thiếu nhi có lẽ vì thích hợp với tâm lý vui tươi, rộn ràng của các em nhỏ. Có thể bắt gặp hình thức thơ này trong nhiều bài thơ hay khác như: Chị chổi tre, Ai dậy sớm (Võ Quảng), Na (Phạm Hổ), Chiếc mo cau (Định Hải), Cây dây leo (Xuân Tửu), Tập tầm vông, Trâu lá đa (Lữ Huy Nguyên), Con bướm vàng (Trần Đăng Khoa). Các tác giả am hiểu khá sâu sắc nhu cầu thưởng thức của trẻ, trên cơ sở đó sáng tác những tác phẩm vừa giàu ý nghĩa vừa đậm chất thơ, mang phong vị đồng dao hồn nhiên, trong trẻo. Mỗi bài thơ như một trò chơi, một khúc hát “dẫn dắt các em vào thế giới của những mối quan hệ với thiên nhiên, vạn vật và con người” (4).

Như vậy, trên chặng đường hình thành và hoàn thiện về mặt thể loại, thơ thiếu nhi Việt Nam hiện đại đã chủ động kế thừa, vận dụng thành công các thể thơ dân gian truyền thống, trong đó có thể vãn hai, vãn ba từ kho tàng đồng dao. Hiểu được đặc trưng tâm lý và đặc điểm tiếp nhận văn học của trẻ, tác giả thơ thiếu nhi đã tận dụng triệt để hình thức câu thơ ngắn, mang tính tạo hình cao, kết hợp với nhịp thơ tươi vui, nhí nhảnh mô phỏng hành động vui chơi chạy nhảy của trẻ trong quá trình diễn xướng đồng dao. Từ đó, các tác giả đã sáng tạo nên những vần thơ sinh động, được các em yêu thích. Bên cạnh đó, người cầm bút cũng có ý thức cách tân, sáng tạo để thơ phù hợp với nội dung thẩm mỹ mới. Sự hài hòa giữa nội dung và hình thức biểu đạt đó đã góp phần không nhỏ làm nên sức sống lâu bền cho mỗi bài thơ trong đời sống tinh thần của các em.

_______________

1, 3. Bàn về văn học thiếu nhi, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 1983, tr.57, 22.

2. Vân Thanh, Văn học thiếu nhi Việt Nam (Nghiên cứu, lý luận, phê bình, tiểu luận  – tư liệu), Nxb Kim Đồng, Hà Nội, tr.726.

4. Lã Thị Bắc Lý, Giáo trình Văn học trẻ em, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2012, tr.92.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016

Tác giả : TRẦN THỊ MINH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *