Sự vận động thể loại của đường luật bát cú sau khi du nhập vào thơ việt nam


1. Xung quanh khái niệm thơ Đường luậtthơ Đường luật Việt Nam

Thơ Đường luật

Do thơ Đường luật là thể thơ ngoại nhập từ Trung Quốc nên người Việt Nam tiếp nhận toàn bộ những quy định cách luật do các thi nhân đời Đường đề ra. Vì thế, khái niệm thơ Đường luật từ bao đời nay được sử dụng khá thống nhất. Tuy nhiên vẫn có lúc, khái niệm này chưa được dùng chính xác, thậm chí có sự nhầm lẫn với các khái niệm khác.

Cách nhầm lẫn phổ biến nhất là nhầm khái niệm thơ Đường luật với khái niệm thơ Đường như Lạc Nam (Phan Văn Nhiễm) trong Tìm hiểu các thể thơ (1995).

Một số khác lại nhầm khái niệm này với khái niệm luật thi như Phạm Huy Toại trong Đường luật chỉ nam (1952). Ngay trong cuộc đấu tranh mới – cũ của thơ ca những năm 1932 – 1945, khái niệm này ít nhiều cũng đã bị đồng nhất với khái niệm thơ cũ hay đánh đồng với khái niệm thơ cổ điển

Với những trường hợp như Lạc Nam, Phạm Huy Toại, sự nhầm lẫn do không nắm chắc kiến thức về lý luận, dùng theo thói quen. Còn sự nhầm lẫn với thơ cổ điển do thơ Đường luật đã có sự gắn kết lâu đời với thơ ca cổ điển Việt Nam, giữ vị trí độc tôn trong suốt thời trung đại. Vì thế, thơ Đường luật đã đại diện cho thơ cổ điển từ góc độ thể loại.

Còn sự nhầm lẫn với khái niệm thơ cũ, có phức tạp hơn. Bởi đây là một khái niệm mới phát sinh ở đầu TK XX, do phái mới đặt ra để phân biệt với thơ mới. Ngay từ năm 1942, trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân, khi tìm cách xác định lại các khái niệm thơ mới, thơ cũ, đã cho rằng cái danh hiệu thơ cũ đã dùng nhiều lần nhưng cuối cùng vẫn mỗi người hiểu một cách. Vì thế khi mới ra đời, khái niệm này được phái mới dùng để chỉ lối thơ Đường luật (chủ yếu là lối thất ngôn bát cú trên các báo công khai hồi đó), còn phái cũ lại nhân việc thơ Đường luật bị phê phán mà đồng nhất thơ cũ với thơ cổ điển.

Sau này nhân tìm hiểu phong trào thơ mới, nhiều học giả đã xác định lại khái niệm thơ cũ để phân biệt với khái niệm thơ Đường luật. Trần Đình Hượu viết: “Đồng nhất thơ cũ với Đường luật thì họ phải phủ nhận cả Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, cả những nhà thơ Trung Hoa mà chính họ cũng tôn sùng” (1). Còn Nguyễn Tấn Long lại khẳng định: “Từ trước đến nay đã có nhiều người nói đến và cắt nghĩa thơ mới, thơ cũ. Họ phân tách cái khác biệt về hình thức và nội dung giữa hai thứ thơ ấy. Nói đến thơ cũ họ nhìn thẳng vào thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú, cũng chỉ gọi thể thơ ấy là cũ mà thôi… Còn cũ hơn thơ Đường luật nữa, vẫn không bị lấy nó làm đối tượng của thơ mới. Thế thì cái mới, cũ chỉ là hai danh từ để chỉ sự thay đổi của nền thi ca trong một thế hệ chứ không phải để minh định hình thức và nội dung giữa hai thể thơ” (2).

Thơ Đường luật phải được hiểu đúng là khái niệm loại thể, phân biệt hoàn toàn với các khái niệm vừa nêu. Theo chúng tôi, nên thống nhất theo cách hiểu như sau: “Thơ Đường luật (thơ cận thể) là thể thơ cách luật ngũ ngôn hoặc thất ngôn được đặt ra từ đời Đường ở Trung Quốc. Có ba dạng chính: thơ bát cú (mỗi bài tám câu), thơ tứ tuyệt (mỗi bài bốn câu) và thơ bài luật (dạng kéo dài của thơ Đường luật), trong đó thơ bát cú, nhất là thơ thất ngôn bát cú (mỗi bài tám câu, mỗi câu bảy chữ) được coi là dạng cơ bản, vì từ nó có thể suy ra các dạng khác…” (3). Có thể thấy đây là một định nghĩa khá chính xác, vừa giải thích được thời điểm, địa điểm ra đời, vừa xác định rõ những quy định cách luật mà các thi nhân đời Đường đặt ra. Thực chất khái niệm thơ Đường luật dùng để chỉ một thể loại thơ ca, chứ không phải một thời đại, một loại hình hay một trào lưu thơ ca. Không thể nhầm nó với khái niệm thơ Đường (một khái niệm rộng, dùng để chỉ toàn bộ thơ ca được sáng tác vào đời Đường (618-907) thời đại hoàng kim của lịch sử phát triển thơ ca Trung Quốc). Cũng không thể nhầm với khái niệm luật thi, dùng để chỉ loại thơ thất ngôn bát cú cách luật mà nhiều sách lý luận đã xác định rõ. Càng không thể nhầm với khái niệm thơ cổ điển, bởi theo tác giả Trần Đình Sử, thơ cổ điển ở đây không đơn giản là thơ thời cổ xưa, hay thơ của trường phái cổ điển chủ nghĩa, mà là thơ thuộc loại hình thơ ca cổ điển.

Thơ Đường luật Việt Nam

Thơ Đường luật Việt Nam là thơ do người Việt Nam sáng tác theo thể thơ Đường luật. Xét yếu tố văn tự, thơ Đường luật Việt Nam bao gồm thơ Đường luật bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Xét số lượng câu trong bài, bao gồm: tứ tuyệt, bát cú và trường thiên. Xét số lượng chữ trong câu, bao gồm: thất ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn pha lục ngôn. Về căn bản thơ Đường luật Việt Nam tuân thủ những quy định cách luật của thơ đời Đường, đời Tống. Tuy nhiên, về niêm, luật, vần, đối, và bố cục của một bài Đường luật, khi đưa vào thi cử ở Việt Nam, nhiều quy định đã trở nên khắt khe hơn.

Về Đường luật bát cú (luật thi), bao gồm: ngũ ngôn bát cú, thất ngôn bát cúthất ngôn xen lục ngôn. Ở Trung Quốc, Đường luật bát cú được hình thành, hoàn thiện cùng với Đường luật tứ tuyệt, còn ở Việt Nam, Đường luật bát cú lại xuất hiện, thịnh hành muộn hơn.

Về Đường luật tứ tuyệt (luật tuyệt) bao gồm: thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt, bán cổ bán luật. Đây là thể loại xuất hiện sớm nhất trong dòng Đường luật ở Việt Nam. Tuy nhiên, do việc xác định rõ phạm vi khái niệm của luật tuyệt được tiến hành khá muộn nên ngay cả với những người sáng tác, đôi khi khái niệm này còn bị nhầm lẫn với khái niệm thơ tứ tuyệt nói chung.

2. Ý nghĩa thi pháp của Đường luật bát cú

Đường luật bát cú là sản phẩm của tư duy nghệ thuật thơ Trung Quốc thời nhà Đường. Đây là lối thơ cơ bản, thông dụng nhất, vì ở Trung Quốc tuy thơ tứ tuyệt xuất hiện trước thơ bát cú, nhưng việc điều phối thanh điệu lại bắt đầu từ bát cú.

Về cơ bản, Đường luật bát cú lấy 8 câu làm chính. Mỗi câu gồm 5 hoặc 7 chữ. Thơ 7 chữ 8 câu gọi là: thất ngôn bát cú, hay là: thất ngôn luật thi, gọi tắt là: thất luật. Thơ 5 chữ 8 câu gọi là: ngũ ngôn bát cú (ngũ ngôn luật thi), gọi tắt là: ngũ luật.

Về những quy định cách luật, Đường luật bát cú có 5 điểm chính là: niêm, luật, vần, đối và cách bố cục. Niêm nghĩa là dính, luật nghĩa là quy tắc. Trong luật thi, niêm chỉ sự kết dính các câu thơ theo trục dọc, luật chỉ quy tắc phối thanh để liên kết các câu thơ theo trục ngang. Xét về ý nghĩa thi pháp, sự liên kết giữa niêm và luật trước hết tạo cảm giác bài thơ như một tấm gấm được dệt bởi các sợi kinh (dọc), vĩ (ngang) đều đặn không thể mắc lỗi. Đặc biệt yêu cầu về niêm là câu 8 phải niêm với câu 1 (các câu khác từng cặp một 2 – 3, 4 – 5, 6 – 7, 1 – 8), thể hiện tính chất chỉnh thể khép kín của bài luật thi, không thể thêm vào hoặc bớt đi. Hơn thế, trong một bài Đường luật bát cú, hiện tượng cứ 3 câu thì vị trí các chữ có thanh bằng, thanh trắc được lặp lại cho thấy sự hô ứng giữa các bộ phận trong chỉnh thể. Quy định này làm cho bài thơ về mặt âm điệu tuy không phong phú, đa dạng, nhưng rất hài hòa, êm ái, phù hợp để thể hiện trạng thái tĩnh.

Những yêu cầu về đối của một bài Đường luật bát cú cũng rất nghiêm khắc. Đối làm cho cấu trúc bài thơ thêm cân đối hài hòa, tự nó xác lập quan hệ giữa các liên thơ, ý thơ mà không cần các từ quan hệ. Có nhiều câu thơ, ngoài ý nghĩa tự thân còn có một phần ý nghĩa được gửi gắm ở câu đối diện.

 Vần cũng là một nét quan trọng trong Đường luật bát cú. Khác với luật, vần chỉ có một quy định dứt khoát là trừ câu thơ đầu có thể tính đến chuyện hiệp vận, vần luôn rơi vào câu thơ số chẵn. Những câu thơ số lẻ không bao giờ hiệp vận. Điều này tạo thêm một sự đối lập nữa về mặt cấu trúc giữa câu thơ số lẻ và câu số chẵn.

3. Sự vận động của Đường luật bát cú sau khi du nhập vào Việt Nam

Đối với những quy định cách luật của một bài Đường luật bát cú, về lý thuyết cơ bản, người Việt Nam vẫn lấy những quy định của các thi nhân đời Đường và một phần đời Tống làm chuẩn. Các sách nghiên cứu lý luận và văn học sử Việt Nam vẫn nhắc tới năm điểm cơ bản là: niêm, luật, vần, đối và cách bố cục giống như quy định của các thi nhân đời Đường. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, sáng tác thơ Đường luật ở Việt Nam, đối với riêng Đường luật bát cú, có nhiều điểm hoàn toàn không phải được định ra từ đời Đường hoặc đời Tống. Có thể do yêu cầu thi cử, yêu cầu phổ biến quy cách làm thơ luật, yêu cầu gọi tên, hoặc bộc lộ tư tưởng tình cảm khác mà người Việt Nam trong quá trình sử dụng đã biến đổi thể thơ ngoại nhập này bằng nhiều cách.

Tác giả Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức đã phân tích những cách thay đổi khác nhau trong các bài thơ Đường luật. Từ việc phối hợp thể lục ngôn với thể thất ngôn Đường luật dẫn tới một thể thất ngôn xen lục ngôn đặc biệt của Việt Nam, đến việc phối hợp nhiều thể thơ Trung Quốc với thể thơ Việt Nam để tạo thành một thể thơ hỗn hợp. Ví dụ bài Bồ đề thắng cảnh thi gồm ba khổ, “khổ đầu là một bài lục ngôn bát cú cách luật; khổ hai là một bài thất ngôn cách luật, họa lại đúng 5 vần bài lục ngôn trên: khổ ba 18 câu lục bát gián thất biến cách…” (4).

Bên cạnh đó, có những thay đổi lại không xuất phát từ nhu cầu Việt hóa thể loại ngoại nhập. Chẳng hạn những quy định về cách đối, về niêm, vần, luật của thơ Đường luật bát cú. Thậm chí, có những điểm còn chưa xác định nổi là do các thi nhân đời Đường định ra hay do các thi nhân Việt Nam trong quá trình sử dụng đã căn cứ vào văn bản sáng tác mà cụ thể hóa thành tên gọi.

Gần đây, trong một công trình nghiên cứu chuyên biệt các tác giả Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử đã đặt vấn đề nghi vấn về bố cục của một bài thơ Đường luật. Các thuật ngữ đề, thực, luận, kết không phải đã xuất hiện từ thời nhà Đường, cũng không phải được quy định từ thời nhà Tống. “Ít nhất cho đến ranh giới Minh – Thanh, quan niệm về sự xắp xếp ý tứ trong một bài luật thi vẫn còn khá uyển chuyển; mặc dù đã xuất hiện các khái niệm khởi, thừa, chuyển, hợp, nhưng họ không hề gắn một cách cứng nhắc các phần cần có ấy của một bài luật thi với những câu cụ thể” (5). Trong khi đó, qua các công trình nghiên cứu và giới thiệu thơ Đường luật ở Việt Nam, hầu hết đều theo mô hình 2/2/2/2 và đặt tên cho bốn phần đó là đề, thực, luận, kết, đồng thời gắn cho mỗi phần một nhiệm vụ xác định.

Như vậy, tác giả Nguyễn Khắc Phi vẫn chưa chỉ ra được những quy định cụ thể về bố cục một bài Đường luật bát cú mà Từ điển văn học đưa ra là do người Việt Nam tự đặt tên trên cơ sở những mô hình có sẵn hay do các học giả Trung Quốc khởi xướng? Ông chỉ có thể khẳng định: liên là đơn vị hết sức cơ bản của luật thi còn đề, thực, luận, kết không phải là bố cục cố định của một bài Đường luật bát cú.

Năm 1998, nhà thơ Quách Tấn có nói đến vấn đề bố cục của luật thi, giải thích khá kỹ rằng: “Khi luật thơ mới ra đời, các câu thơ trong bài không có tên, Đường nhân chỉ gọi là câu nhất nhị, câu tam tứ, câu ngũ lục, câu thất bát mà thôi. Đến đời Tống (960 – 1297), Nghiêm Vũ mới đặt tên câu nhất nhị gọi là khởi liên hay phát cú (cũng gọi là phát đoan), câu tam tứ gọi là hạm liên, câu ngũ lục gọi là cảnh liên, câu thất bát gọi là lạc cú hay kiết cú. Qua đời Nguyên (1234 – 1368), Dương Tái đổi tên câu nhất nhị gọi là phá đề, chia bài thơ làm bốn phần là khởi (hay khai), thừa, chuyển, hiệp và dạy: khởi như mở cửa thấy núi, đột ngột tranh vanh, hoặc như mây ngàn từ trong hố bay ra, nhẹ nhàng thong thả; thừa như con rắn cỏ, sợi dây chuyền, chẳng đứt chẳng rời; chuyển như sóng lớp muôn mảnh, tất có nguồn cao đổ xuống; hiệp như gió quanh khí tụ, ngậm chứa sâu thẳm” (6). Từ ý kiến của các tác giả Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Quách Tấn, có thể thấy rõ ràng việc nhận xét về sự chặt chẽ bố cục của luật thi trước đây chưa hẳn đã chính xác, sự sắp xếp các liên thơ là do yêu cầu diễn đạt, ý tứ quy định chứ không phải là vấn đề thuần túy hình thức.

Ngoài ra, khi xem xét vấn đề vần trong luật thi cũng vậy. Do đặc điểm ngôn ngữ chi phối, nhẽ ra vần trong thơ Đường luật Việt Nam đơn giản hơn nhiều so với vần trong thơ Đường luật Trung Quốc. Nhưng ở Việt Nam từ khi có thơ Đường luật xuất hiện đến hết TK XIX chưa có một quyển sách nào nghiên cứu về thi vận, nên cả thơ Đường luật Hán và thơ Đường luật Nôm đều dựa vào các sách quan vận của Tàu làm lý thuyết. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào đặc điểm ngôn ngữ, có thể thấy vần trong thơ Đường luật Việt Nam cũng có nhiều điểm khác với vần trong thơ Đường luật Trung Quốc. Trong khi người Trung Quốc căn cứ vào ngũ thanh để chia ra 106 bộ vần, thì người Việt Nam lại dựa vào 6 thanh để chia làm hai loại: vần bằng và vần trắc. Mặt khác để gieo vần được chỉnh đốn, người Việt Nam còn dựa vào khuôn để sắp xếp các bộ vận. Chẳng hạn cùng một khuôn an, có những tiếng như: bàn, bán, bạn, bản, bãn, ban. Những tiếng này được chia làm hai loại vần: ban, bàn là những tiếng đồng thanh, đồng khuôn cùng một bộ vần, đều là vần bằng. Còn những tiếng: bạn, bãn, bán, bản cũng đồng một khuôn tuy khác thanh nhưng vẫn cùng một bộ vần, là vần trắc… Thơ Đường luật Việt Nam ít dùng vần trắc, nhưng với vần bằng, cũng có nhiều bài không theo quy tắc đồng khuôn. Thậm chí có những bài không theo quy tắc đồng khuôn vẫn được đánh giá rất cao. Chẳng hạn như bài Thu vịnh của Nguyễn Khuyến (7).

Như vậy, từ việc sáng tác một bài Đường luật bát cú đến gọi thành tên những yêu cầu cụ thể, để hiểu về niêm, luật, vần đối, bố cục… là cả một chặng đường dài gần chục thế kỷ. Trong chặng đường đó có rất nhiều bài lại không thể áp dụng các tên gọi này một cách hợp lý. Vì vậy, người phân tích, bình giảng cũng như người nhận dạng đặc điểm của thể thơ này có lẽ nên tùy cơ ứng biến, xem xét từng vấn đề trên cơ sở thực tế sáng tác chứ không nên hoàn toàn căn cứ vào lý thuyết của luật thi Trung Quốc cũng như Việt Nam.

______________

1. Trần Đình Hượu, Cái mới của Thơ mới từ xung khắc đến hòa giải, Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1993, tr.61.

2. Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến, Quyển hạ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1996, tr.48, 49.

3. Từ điển văn học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983-1984, tr.379.

4. Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức, Các thể thơ ca và sự phát triển của hình thức thơ ca trong văn học Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.20.

5. Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử, Về thi pháp thơ Đường, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 1997, tr.54

6, 7. Quách Tấn, Thi pháp thơ Đường, Nxb Trẻ, TP. HCM, 1998, tr.40, 36.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : TRẦN THỊ LỆ THANH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *