Con người hành động trong thơ rabindranath tagore

Rabindranath Tagore là ngôi sao sáng của nền phục hưng Ấn Độ, được coi như mặt trời của Ấn Độ, nhà khai sáng vĩ đại, đỉnh cao của văn hóa nhân loại. Bằng chính cuộc đời và qua sáng tác của mình, ông đã hướng con người tới triết lý hành động, góp phần thức tỉnh trong nhân dân Ấn Độ ý thức tự do dân chủ khi màn khói sương thần bí của tôn giáo bao phủ đất nước này trong suốt mấy nghìn năm. Những vần thơ của R.Tagore đã đưa người dân Ấn Độ ra khỏi thói quen thụ động, trầm mặc trong màn khói sương siêu hình, thần bí, để chủ động đi tìm cái đẹp, hạnh phúc trong cuộc đời.


Suốt cuộc đời, R.Tagore đã cất lên những bài đạo ca để tôn vinh, tỏ lòng sùng kính đối với con người. Những sáng tác của ông luôn xuất phát từ lòng yêu thương con người. Bằng tình yêu con người nồng nàn, ông đã cố gắng hiểu, bày tỏ những quan niệm của mình về con người. Con người trong sáng tác của R.Tagore không tìm cách chối bỏ cuộc đời, không rời khỏi cuộc sống nhân sinh để tìm đến sự giải thoát, cõi thanh tịnh, cõi vô cùng. Ngược lại, con người chủ động tìm đến với cuộc đời, chủ động thâm nhập vào cõi đời, khao khát được sống mãi trong hiện thực muôn màu muôn vẻ. R.Tagore không tin vào bất cứ một tôn giáo nào, ông tiếp thu tinh hoa từ truyền thống tốt đẹp, gạt bỏ cái xấu, cái bảo thủ cùng với việc đón nhận những tư tưởng tiến bộ của chủ nghĩa nhân đạo phương Tây và sáng tạo cho mình một tôn giáo riêng tôn giáo của con người. Ông nói: “Tôi không thuộc về giáo phái nào hết mà cũng chẳng nghiêng về một đức tin đặc biệt nào cả” và “Thượng đế đối với chúng tôi không phải là thượng đế xa vời. Người thuộc về ngôi nhà của chúng tôi, cũng như đền chùa của chúng tôi. Chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi của Người trong các mối quan hệ tình yêu và tình thương và trong các lễ hội, vui mừng của chúng tôi…”. Theo R.Tagore thì thượng đế là của cõi đời, cõi nhân sinh, tồn tại, hòa nhập vào con người, sinh ra con người và chính là con người. Thượng đế có trong chính cuộc đời con người, đồng thời bản thân con người đã là thượng đế. Ông coi cuộc đời con người là hành trình đi gặp thượng đế trong chính mình. Cuộc hành trình ấy chỉ đến đích khi con người ra sức hành động sáng tạo, hòa mình vào cuộc đời thực để không chỉ đón nhận tặng vật của tạo hóa mà còn phải biết cho đi. Đề cao bản ngã, R.Tagore kêu gọi con người phải từ bản ngã để sáng tạo mở rộng bản sắc của mình, khẳng định sự tồn tại trong cõi đời, hướng tới một cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Con người hành động trong thơ R.Tagore tìm cách hành động trong nội tâm, giải phóng mình ra khỏi những ràng buộc của tôn giáo. Tất cả những giáo lý của tôn giáo quy định về đẳng cấp, luân hồi – nghiệp báo, bổn phận… là những vật cản con người đến với tự do. Để giải thoát, đưa con người đến với tự do thì cần phải giải phóng cho tâm hồn hồn con người khỏi ám ảnh của những giáo lý tôn giáo đó. Bằng tình yêu cuộc sống nồng nàn, bằng trí tuệ tuyệt vời, R.Tagore đã nhận thức, lý giải lại những vấn đề quen thuộc của tôn giáo: thượng đế, giải thoát, thiên đường, địa ngục, sự sống, cái chết… đưa tất cả những vấn đề trừu tượng, siêu hình về với cái cụ thể, gắn liền với cõi nhân sinh, cuộc đời thực. Trong thơ R.Tagore, hình ảnh con người suốt cả cuộc đời là hành trình dài không mệt mỏi tìm đến với thượng đế. Thượng đế là trung tâm được con người ngưỡng vọng hướng tới: “Lòng tôi khao khát nhập vào bài ca người hát, song hoài công cất tiếng chẳng thành” (Bài 3, Lời dâng, Đỗ Khánh Hoan dịch).

Trong niềm ngưỡng vọng của mỗi con người, Thượng Đế mang dáng dấp của đấng quyền năng tối cao thần bí xa xôi. Nhưng đối với R.Tagore, thượng đế không ở đâu xa lạ mà là nguồn vui, nguồn an ủi, là tình yêu thương đã mang lại cho con người khả năng hành động. Thượng đế có ở khắp nơi, đang triển khai trong cuộc sống bất tận, triển khai trong bản thân mỗi con người:

Người ở nơi kia, nơi nông dân đang vật lộn cùng đất cứng, nơi công nhân đang xẻ đá làm đường… Người tự buộc mình mãi mãi với chúng ta.

(Bài 11, Lời dâng, Đỗ Khánh Hoan dịch)

 Người là bầu trời và cũng là tổ ấm. Ôi người đẹp vô ngần! Nơi ấy, trong tổ ấm tình yêu của người lấy sắc màu, âm thanh, hương thơm, ấp ủ linh hồn.

(Bài 67, Lời dâng, Đỗ Khánh Hoan dịch)

Trong thế giới này lao động ồn ào và nhọc nhằn, huyên náo vì đấu tranh, giữa đám đông hối hả lăng xăng, tôi sẽ đứng trước người chiêm ngưỡng dung nhan.

(Bài 76, Lời dâng, Đỗ Khánh Hoan dịch)

Thượng đế với R.Tagore chỉ là một ý niệm trừu tượng nhưng hiện thân thành muôn hình muôn vẻ của cuộc sống. Bằng sự thấu thị, khả năng lóe sáng, ông đã nhận thấy vẻ đẹp của thế giới thực tại. Những vần thơ mang âm hưởng sùng kính của R.Tagore không nhằm giải quyết vấn đề huyền bí trừu tượng mà để kéo về với cuộc đời thực. Ông khẳng định hành trình đến với thượng đế là hành trình tìm đến với cuộc đời thực. Thế giới hiện hữu là hiện thân của thượng đế, con người trong hành trình tìm đến với thượng đế không có cách nào khác là hòa mình vào cõi thực, vào cuộc sống của con người thể hiện cái vô hạn trong cái hữu hạn, tuyệt đối hóa sự liên thông tinh thần giữa con người và thượng đế:

Say nhừ vì nguồn vui ca hát, tôi quên bẵng thân mình

Tôi gọi người là bạn, Thượng Đế của lòng tôi.

(Bài 2, Lời dâng, Đỗ Khánh Hoan dịch)

Bằng sự nhận thức này, con người đã làm được một cuộc giải phóng tinh thần lớn lao, thoát khỏi u mê ràng buộc của tôn giáo để hòa mình vào cõi đời, nhận thức được giá trị của cuộc đời. Đây là hành động tự tinh thần mang giá trị nhận thức, thức tỉnh đối với con người, để từ đó thôi thúc con người hướng tới xây dựng cõi niết bàn không ở đâu xa mà ngay trên cuộc đời trần thế.

Con người hành động trong quan niệm của R.Tagore cũng đòi hỏi mãnh liệt đấu tranh chống phân biệt đẳng cấp, đòi hỏi tình yêu tự do, đòi lại giá trị chân chính cho con người. Trong quan niệm của R.Tagore, con người được sinh ra từ ước mơ, từ trong những hy vọng thương yêu của thế gian và thượng đế. Trong mỗi con người đều có báu vật quý giá của cuộc đời này là viên ngọc tình yêu bừng sáng trong trái tim. Viên ngọc ấy thuộc về con người một cách tự nhiên, không thể mất, không thể dấu. Nó làm cho con người được sống thực là mình, là khởi đầu và cũng là đích cuối cùng của cuộc đời mỗi con người.

Khẳng định tình yêu là thiên tính của con người, thuộc về con người một cách tự nhiên, trong những vần thơ, ông luôn ca ngợi tình yêu tự do, ca ngợi tình yêu của con người, những đòi hỏi vô cùng, vô tận, không ngừng nghỉ của con người trước tình yêu:

Cõi đời ơi, khi tôi đã chết rồi

Thì trong cõi vắng lặng của người

Chỉ một lời này còn lại:

Tôi đã từng yêu.

(Bài 277, Những con chim bay lạc, Đào Xuân Quý dịch)

Những vần thơ của R.Tagore luôn hướng vào tâm hồn con người, đi sâu vào thế giới nội tâm để khám phá những rung động tinh tế của con người khi yêu với những khát khao hòa hợp của hai tâm hồn. Tìm thấy được ý nghĩa của mình trong tình yêu là con người đã tìm đến được với thiên đường ngay trên cõi nhân sinh:

Có phải trái tim anh đã một mình phiêu du qua bao thời đại qua bao thế giới chỉ để tìm em?

Có phải cuối cùng lúc anh tìm được em, niềm khao khát bao năm trong anh đã kiếm yên bình tuyệt đối trong mắt, trên môi, trên suối tóc chảy dài và trong giọng nói dịu dàng của em?

(Bài 32, Tâm tình hiến dâng, Đỗ Khánh Hoan dịch)

Tình yêu là sự hòa hợp giữa hai tâm hồn, là nhân tính thiêng liêng mà con người cần đến nó như cần khí trời để hít thở. Một trong những hình thức mãnh liệt nhất trong tình yêu là sự dâng hiến, sự sáng tạo trong tình yêu. R.Tagore luôn đề cao hành động hy sinh, dâng hiến tất cả cho tình yêu và tình yêu thầm lặng là biểu hiện cao nhất của tình yêu, là tình yêu cao cả nhất, đáng trân trọng nhất:

Tình yêu thầm lặng là tình yêu thiêng liêng, tình yêu rực sáng như chân châu trong bóng mờ của trái tim ẩn kín. Trong ánh sáng của ban ngày kỳ lạ, tình yêu lại lu mờ một cách thảm thương.

(Bài 56, Tâm tình hiến dâng, Đỗ Khánh Hoan dịch)

Con người luôn khao khát không ngừng được hiến dâng mãi mãi cho tình yêu, hiến dâng hết mình không đòi hỏi và sự sáng tạo là biểu hiện cao nhất của sự dâng hiến. Theo R.Tagore, trong tình yêu sự hiến dâng chưa đủ mà cần  sáng tạo để đem lại sự mới mẻ sự hấp dẫn trường tồn:

Em đã tự hiến mình cho tình yêu một lần và mãi mãi

Nhưng như thế vẫn còn chưa đủ.

Mà vì tình yêu ấy

Em còn phải hằng ngày tạo ra những quà tặng mới

(Bài 15, Người thoáng hiện, Đào Xuân Quý dịch)

Bên cạnh những vần thơ trữ tình tinh tế, lãng mạn bay bổng, thơ R.Tagore còn là những vần thơ đầy sức chiến đấu, giàu chất hiện thực với khao khát giải phóng nhân dân Ấn Độ khỏi những luật lệ khắt khe của tôn giáo, sự chà đạp của đế quốc thực dân. Ông được coi là người lính canh vĩ đại của nhân gian, luôn trăn trở hướng về vận mệnh của đất nước Ấn Độ và thế giới, cống hiến đời mình cho lý tưởng cao đẹp duy nhất:

Ta có thể hiến đời ta cho lòng tin tưởng:

Hòa bình là có thực

Lòng thiện là có thực

Sự hòa hợp muôn đời là có thực

 Để thực hiện lý tưởng ấy, R.Tagore kêu gọi người dân Ấn Độ hướng về lao động để giúp cho con người vận động thoát khỏi lối sống thụ động, thực sự hòa nhập với cuộc đời. Ông đề cao khả năng đối mặt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách của con người và khẳng định chính trong lao động con người mới bộc lộ hết những phẩm chất của mình, con người sáng tạo ra chính mình. Từ đó, ông kêu gọi tinh thần đấu tranh của con người, đấu tranh chống lại chế độ phân biệt đẳng cấp, những luật lệ hà khắc, đấu tranh cho tình yêu tự do và khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của con người trong tính thiện.

Cuộc đời R.Tagore đã trải qua giai đoạn lịch sử với nhiều biến động của đất nước Ấn Độ và thế giới. Hơn bao giờ hết ông hiểu rằng chính đế quốc thực dân đã gây nên mọi đau khổ cho nhân dân Ấn Độ và nhân dân thế giới. Căm thù đế quốc thực dân, khát vọng tự do, hòa bình cho tất cả các dân tộc trên thế giới đã được ông phản ánh trong thơ qua hình tượng nổi bật là con người hành động:

Hãy đến đây hỡi các dân tộc trẻ trung

Hãy tuyên bố đấu tranh giành tự do trở lại

Hãy giương cao ngọn cờ của lòng tôi không ai lay chuyển nổi

Hãy giành lấy đời mình bắc qua những chiếc cầu

Tiếp nối qua những vực hằn thù trong lòng đất

Sâu thẳm và cùng nhau tiến bước.

(Luồng phá hoại mù quáng cuồng điên)

Hình tượng xuyên suốt trong các sáng tác của R.Tagore là hình tượng con người hành động. Hình tượng con người hành động chứa đựng trong đó những tư tưởng chủ quan của R.Tagore, thể hiện khát vọng giải phóng con người Ấn Độ. Con người hành động trong nội tâm tìm tự do trong tâm hồn, sự thức tỉnh con người trong ý thức, sự nhận thức lại những vấn đề quen thuộc của cuộc sống. Con người trong thơ R.Tagore đã mạnh dạn lên tiếng đòi lấy tình yêu của mình, đắm say, dâng hiến đến tột cùng trong tình yêu. Không những thế con người còn luôn ý thức phải không ngừng sáng tạo để làm mới tình yêu của mình. Con người trong hành động hướng ngoại dám đối mặt với mọi khổ đau của cuộc đời và ý thức được rằng hạnh phúc chỉ có thể có khi con người dám đấu tranh.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : LÊ THỊ BÍCH THỦY

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *