Khuynh hướng giấu nhạc tính của thơ văn xuôi


Thơ văn xuôi là một thể thơ có hình thức trình bày là văn xuôi hay mang dáng dấp văn xuôi (1). Yếu tố văn xuôi xuất hiện ở đây dù chỉ với vai trò là véc tơ định loại, nhằm phân biệt thể thơ này bên cạnh thơ cách luật, thơ tự do nhưng sự hiện diện của nó thật sự đã chi phối đáng kể đến những phẩm tính của thơ, trong đó có cả vấn đề nhạc tính. Nói đến thơ là nói đến nhạc. Bởi, nghe một bài thơ là tiếp nhận trực tiếp dòng chảy âm thanh, một cuộc hòa điệu bên trong giữa trái tim và giai điệu, tiết tấu của chính bài thơ đó. Ngay khi đọc, kể cả đọc thầm thì âm vang của cuộc hòa điệu ấy vẫn hiển hiện trong tâm tưởng. Vì vậy, thơ cũng được xem là nghệ thuật của giai điệu, tiết tấu chứ không riêng gì âm nhạc. Cấu trúc thơ là cấu trúc âm thanh tiềm ẩn bên trong lớp vỏ ngôn từ, là cấu trúc âm vang.

Nhạc tính trong thơ được tạo lập từ những hạt nhân phổ quát: vần, nhịp, thanh, ngữ điệu cá nhân, bao gồm cả yếu tố niêm và đối. Nhìn chung, nó nổi trên bề mặt văn bản. Để tạo nên nhạc tính cho thơ, mỗi yếu tố đó đều có vai trò nhất định. Chẳng hạn như vần. Loại vần bằng –  trắc có vai trò định hình đường nét giai điệu  – bằng phẳng hay chênh vênh, liền mạch hay đứt gãy, nhẹ nhàng thanh thoát hay dồn nén, khắc khoải. Vần lưng – vần chân cũng thế. Ở vị trí lưng chừng dòng/ câu thơ, vần lưng có khả năng tạo tiếng vang xa, làm cho giai điệu trở nên du dương hơn do phía sau còn dư các âm tiết. Ngược lại, vần chân ở vị trí cuối dòng/ câu, có vai trò kết thúc một âm đoạn hay bước sóng, tạo ra tiếng vọng – một sự hồi tưởng âm thanh theo chu kỳ đều đặn. Hay về nhịp điệu. Nhịp điệu chính là tiết tấu thơ, nó thường được xét theo hình thái nhịp chẵn – lẻ. Theo tác giả Châu Minh Hùng, nhịp chẵn thuộc âm (tĩnh), khi đóng vai trò chủ âm tạo ra thứ tiết tấu mềm mại, ung dung, nhịp thơ chuyển động liên tục, lan tỏa như những con sóng đại dương. Còn nhịp lẻ thuộc nhịp dương (động), ở vai trò chủ âm, tạo thứ tiết tấu mạnh, gấp gáp, nhịp thơ vừa chuyển động lại vừa tái hồi. Để tiết tấu bài thơ không đơn điệu, hay có thể phát huy được thế mạnh từng loại nhịp, người sáng tác cần có sự điều phối đan xen linh hoạt hai kiểu nhịp này.

Thơ Việt cổ có nhạc tính khá đơn điệu do luôn bị bó buộc trong những mô hình âm luật chặt chẽ. Thơ Mới đã làm một cuộc cách mạng với những cải biến và phá chuẩn trên nền âm luật đó. Giai điệu Thơ Mới là thứ giai điệu uyển chuyển, mềm mại bởi mạch cảm xúc tự nhiên và sự phối điệu tinh tế của ngữ âm tiếng Việt. Nhiều câu thơ của Thế Lữ, Xuân Diệu, Bích Khê, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử… luôn được xem là minh chứng đầy thuyết phục về sự tinh tế trong hòa phối âm thanh tạo nên thứ nhạc lời mà cũng là nhạc lòng thật độc đáo. Thơ văn xuôi chính thức ra đời từ phong trào thơ này. Một thể thơ được hình thành từ ý thức đi tìm một lối thơ có thể mang chở được những cái ý thật có trong tâm khảm của mình… không bị bó buộc bởi niêm luật gì hết. Song, không bị bó buộc bởi niêm luật nhưng nó không thể khước từ đặc trưng thể loại, tức phải có tính nhạc. Tình già được xem là bài thơ đầu tiên chọc thủng thành trì thơ cũ đã khoác chiếc áo mới này, nhưng thể thơ này sau đó vẫn dừng lại là những thể nghiệm lẻ tẻ. Liệu điều đó có liên quan gì đến nhạc tính của nó? Theo chúng tôi là có. Một thể thơ mới mẻ, không có một mô hình âm luật chặt chẽ nên khó làm, khó thành công là đương nhiên. Người đọc lúc bấy giờ vốn quen với lối thơ có vần, có nhịp, nhạc điệu du dương, trong khi thơ văn xuôi với hình thể câu văn xuôi kềnh càng, lại không ngắt dòng, không chú ý đến vần điệu, khó nhớ, khó thuộc và cũng không thể ngâm nga.

Trong những yếu tố làm nên nhạc tính của thơ, thơ văn xuôi chỉ chú trọng nhiều đến nhịp điệu và thanh điệu. Tuy nhiên, nhịp điệu ở thơ văn xuôi không dễ nhận diện bởi nó không phải là những bước thơ cố định theo mô hình lẻ – chẵn. Nó tự do và khó xác định, chủ yếu là nhịp ý (nhịp ý tưởng, hình ảnh, cảm xúc), chứ không phải nhịp lời (nhịp âm thanh). Nhịp lời là những kết cấu âm thanh được lặp lại một cách đều đặn thể hiện ở những hình thức ngữ âm, tiết tấu câu thơ, số lượng âm tiết, lặp hay đối ứng về từ vựng, ngữ pháp, vần, thanh điệu… Loại nhịp này nổi trên bề mặt câu chữ nên dễ nhận biết và nó cũng tác động trực tiếp vào thính giác, đem đến cho người đọc cảm nhận về sự chuyển động âm thanh đều đặn, du dương, khơi gợi những cảm xúc thẩm mỹ. Do đó, những câu văn, câu thơ có nhịp lời trội bao giờ cũng rất giàu nhạc tính. Còn nhịp ý được tạo lập bởi sự lặp lại có tính chất chu kỳ của các yếu tố thuộc bình diện nội dung như các môtip, hình ảnh, trạng thái, cảm xúc hay ý tưởng nghệ thuật. Loại nhịp này cũng có khi nổi trên bề mặt nhưng phần nhiều nó tồn tại ở mạch ngầm văn bản, nằm ở cảm xúc, ấn tượng hay trường liên tưởng của thi nhân. Phạm vi khảo sát nó thường không dừng lại ở câu, đoạn mà là toàn văn bản. Do đó, so với nhịp âm thanh, nhịp ý nghĩa khó nhận diện hơn. Và nếu nhịp âm tác động trực tiếp vào thính giác thì nhịp ý lại tác động trực tiếp vào tư duy, khơi gợi những hình ảnh biểu tượng gián tiếp của thị giác, xúc giác đem đến cho người đọc những cảm giác về sự vận động nhịp nhàng của hình tượng cảm xúc, của thế giới cuộc sống đang được phản ánh trong tác phẩm. Khi nói đến nhịp điệu, thường chỉ hay xét nó ở bình diện nhịp lời, nhịp âm thanh. Với thơ văn xuôi, hình thức văn xuôi của văn bản thơ đã khiến nó không thể tập trung vào khai thác mặt âm thanh của ngôn từ như ở các thể thơ khác. Nó cũng không phân dòng, có chăng chỉ phân đoạn (dạng điển hình nhất của thể loại), chủ yếu lệ thuộc vào ý. Hơn nữa, tìm đến thể thơ này là người sáng tác muốn tìm đến một hình thức biểu hiện có tính tự do hơn cả thơ tự do, một thể thơ thoát ra mọi ràng buộc của thi luật để có thể áp sát đời sống cũng như tâm tư con người. Chính những điều này đã làm tiêu giảm đáng kể nhịp âm thanh. Song, tiêu giảm chứ không phải là không còn tồn tại. Thật sự nó vẫn được duy trì ở mức độ linh hoạt, nhất là với thơ văn xuôi tiền hiện đại.

 Về thanh điệu, thơ văn xuôi vẫn coi việc phối thanh là cần thiết để tạo sự hài hòa. Song, ở đây nó cũng không tuân theo luật bằng – trắc mà cũng hòa phối rất tự do theo cảm xúc của nhà thơ. Nghiên cứu thơ văn xuôi chúng tôi nhận thấy, vẫn tồn tại những bài thơ văn xuôi có vần nhưng số lượng này cũng không nhiều và thường chỉ xuất hiện trong vài đoạn, vài câu của bài. Có thể nói, yếu tố văn xuôi trên hình thể của thể thơ đã chi phối nhiều trong việc tạo nên nhạc tính cho nó, nhạc của thơ văn xuôi chủ yếu là thứ nhạc bên trong, nhạc của cảm xúc, của tâm hồn. Chính vì vậy, khuynh hướng giấu nhạc tính cũng là một đặc trưng nổi bật của thơ văn xuôi. Những câu thơ sau đây của Chế Lan Viên, dù có đến 18, 19, 20 âm tiết nhưng vẫn ngân nga, luyến láy, vẫn hết sức mềm mại, du dương. Song, nếu đem đặt cạnh những câu thơ giàu nhạc tính của Thơ Mới, ta có thể thấy sự khác nhau trong biểu hiện của nó:

Mây trắng/trời trong/đêm thủy tinh//

Linh lung/bóng sáng/bỗng rung mình///

(Nguyệt cầm – Xuân Diệu)

Xanh biếc màu xanh/bể như hàng nghìn thu qua/còn để tâm hồn nằm đọng lại//

Sóng như hàng nghìn trưa xanh/trời đã tan xanh ra thành bể/và thôi không trở lại làm trời//

Nếu núi là con trai/thì bể là phần yểu điệu nhất của quê hương/đã biến thành con gái//

Mỗi đêm hè/da thịt sóng sinh sôi///

(Cành phong lan bể – Chế Lan Viên)

Ở hai câu thơ của Xuân Diệu, chất nhạc ta có thể cảm nhận cụ thể qua lối gieo vần luyến láy (tinh – linh – mình, lung – rung, bóng – bỗng), ngắt nhịp đăng đối, phối thanh hài hòa, đặc biệt qua cách chọn âm, điệp âm dày đặc, tất cả có thể bóc tách ra từ lớp vỏ ngôn từ. Điệp phụ âm đầu (trắng – trời – trong, linh – lung, bóng – bỗng), đặc biệt là phụ âm cuối, những phụ âm vang (trắng, trong, đêm, tinh, Linh lungngng bỗng rungnh), rồi những nguyên âm mở (trng, trong, bóng, sáng), nửa mở (mây, tri, đêm, bng). Kỹ thuật tạo hợp âm của Xuân Diệu hết sức độc đáo, nhất là ở câu thứ hai, như phân tích của tác giả Châu Minh Hùng: “Linh lung bóng sáng bỗng rung mình. Sóng âm được tổ chức cân đối hai chiều trên một ngữ đoạn: inh ung – ong – ông – ung inh, âm thanh hồi tưởng âm thanh, sóng âm vồng lên bởi ba thanh trắc nằm giữa để cân bằng trước và sau hai thanh bằng với hình thái vần tương đương, ánh sáng lóe lên cùng với âm ba gờn gợn của nó. Âm – hình – sắc cùng hòa điệu, giao thoa cộng hưởng trong thế giới nguyệt cầm”.

Còn đoạn thơ của Chế Lan Viên, mặc dù nó vẫn bảo lưu được những yếu tố của tính nhạc từ nhịp, vần, thanh và cả phép lặp, song tất cả đều được thể hiện hết sức linh hoạt, tự nhiên. Nhịp thơ dài – ngắn, co cụm hay giãn nở cứ theo cảm xúc của người thơ. Vần cũng hết sức uyển chuyển khi gần khi xa: xét theo bốn câu thì nó là vần gián cách (lại – trời – gái – sôi), xét ở mỗi nhịp thì có 7/11 vị trí hiệp vần (xanh – lại – xanh – trời – trai – gái – sôi) nhưng trong câu thơ dài 20 âm tiết nhìn qua cứ tưởng không vần. Bằng – trắc trong đoạn thơ cũng đắp đổi nhịp nhàng trong nhiều bước nhịp. Có 7 từ lặp lại đến 17 lần trong số 57 tiếng của đoạn thơ, đã tạo nên sự luyến láy, nhấn nhá tự nhiên mà độc đáo. Có thể nói, tính nhạc còn được bảo lưu khá đậm ở đoạn thơ văn xuôi này, nó vẫn nằm trên hình thể của ngôn từ song cách xử lý của nhà thơ đã cho thấy cảm xúc ở đây được chú trọng hơn. Nhà thơ như không hề phụ thuộc vào vần, nhịp mà chỉ quan tâm đến ý tưởng với những liên tưởng bay bổng, cảm xúc dạt dào. Sự ngân nga của đoạn thơ không phủ nhận có phần từ lời thơ nhưng chủ yếu vẫn toát lên từ niềm hân hoan, tự hào của tác giả. Nó là tiếng vọng, âm vang của một giai điệu trái tim thiết tha, ấm nồng.

Khuynh hướng giấu nhạc tính của thơ văn xuôi càng thể hiện rõ hơn ở những sáng tác của hệ hình hiện đại. Những cấu trúc không vần kết hợp với tư duy nhảy cóc, đứt đoạn đã làm mất đi chất du dương, mềm mại của nhạc. Nhạc của nó không phô ra dù ít hay nhiều trên bình diện ngữ âm như dạng những câu thơ trên của Chế Lan Viên mà đa phần chỉ toát ra từ hình tượng của bài thơ, từ cảm xúc của tác giả. Chẳng hạn:

Mỗi đứa trẻ con ngồi ngay trên xác xe tăng bứt cỏ gà chơi trò chọi gà quen thuộc của chúng. Những người yêu nhau nằm trên cỏ, mãi sau này, giây phút thơm mùi cỏ ấy sẽ đi vào đời họ như một trong những kỷ niệm đẹp nhất. Và thằng em tôi năm hai mươi tuổi, em nằm giữa trảng cỏ, miệng ngậm cọng cỏ may, đối diện với buổi chiều ở một dòng sông lạ. Cả buổi chiều và em đều im lặng. Bây giờ, em ở đâu? Tôi biết, chiến tranh chẳng phải trò chơi, mùa xuân ấy đang chuẩn bị những trận tấn công quyết định. Em mới hai mươi tuổi, trong mắt em, cọng cỏ tầm thường bỗng lấp lánh (Cỏ vẫn mọc – Thanh Thảo)

Đoạn thơ trên của Thanh Thảo đã không còn có sự hiện diện của yếu tố vần điệu. Cũng không có sự lặp lại đều đặn các bước sóng âm thanh dù ở một cấp độ nào: âm tiết, thanh điệu, tiết tấu hay cấu trúc, tức kiểu nhịp lời. Chất thơ, chất nhạc ở đây được tạo nên từ chính cảm xúc của nhà thơ, từ hình ảnh của đoạn thơ. Bằng trái tim thấu hiểu, sẻ chia ấm áp, tác giả đã lưu giữ được những khoảnh khắc thật đẹp của cuộc đời: trò chơi chọi gà của trẻ, mùi cỏ thơm thấm đẫm ký ức những kẻ yêu nhau, hình ảnh em tôi, tuổi hai mươi, nằm ngậm cỏ may thanh thản, im lặng ngắm trời chiều nơi dòng sông lạ. Những hình ảnh nên thơ được lưu giữ tạo nên dòng chảy ngọt ngào, làm nên chất thơ chất nhạc ngân nga tâm hồn người đọc. Ở đoạn thơ sau của Nguyễn Quang Thiều, chất nhạc còn khó cảm nhận hơn bởi nó không chỉ tước bỏ hết vần luật, sự đăng đối, hài hòa mà ngay cả những hình ảnh gợi lên chất thơ chất nhạc cũng không có:

Chúng ta từng tìm kiếm mọi con đường, nhưng chưa bao giờ kiếm tìm con đường của cá Giấc mơ chúng ta đầy sự xếp đặt và không dám bay lên những đỉnh cây. Và đêm nay trong tiếng sông và tiếng bầy cá. Chúng ta bỏ những ngôi nhà và đứng dọc hai bờ. Một con cá nổi lên hỏi chúng ta cần gì không? Câu hỏi ấy sẽ làm ta khóc cho tới sáng (Nhân chứng của một cái chết)

Dường như nỗi lo về sự hủy diệt, nỗi day dứt về tình trạng tha hóa của tâm hồn, khi con người sống mà không biết ước mơ, không biết mình cần gì, khao khát cái gì, dường như những vấn đề này không thể nói bằng thứ âm điệu trơn tru, mượt mà, nó phải được nói bằng thứ nhịp trúc trắc, không bằng phẳng, không xuôi tai mới thật sự ám ảnh. Chất nhạc trên phương diện hình thức đã bị xóa. Chỉ còn những xao động của sóng lòng, những ám ảnh trăn trở của tâm hồn tác giả truyền dẫn qua tâm trí người đọc.

Thuộc loại hình thơ, tất thơ văn xuôi cũng phải mang những phẩm tính của thơ. Song, hình thể câu thơ là câu văn xuôi ở đây đã làm cho nó văng xa nhất, ly tâm thể loại xa nhất. Có thể thấy rõ qua cách tiếp cận đề tài, tổ chức câu thơ, bài thơ, cách xây dựng hình tượng thơ hay sự lựa chọn, kết hợp ngôn ngữ… Ngay đến phẩm chất nổi bật nhất của thơ là nhạc tính cũng không ngoại lệ. Nhạc tính của thể thơ này phần nhiều không thể nhận diện ở bề mặt văn bản. Mà ở đằng sau văn bản thì không dễ phát hiện. Trong khi điểm khác biệt rõ nhất giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ văn xuôi, ngôn ngữ đời sống chính là yếu tố này. Và một trong những điểm hấp dẫn, mê hoặc nhất của thơ đối với số đông công chúng cũng chính là chất nhạc du dương của nó. Phải chăng vì đặc điểm này mà thơ văn xuôi vẫn chưa dễ dàng được phổ cập? Đành rằng, đi vào thế giới thơ ca, người đọc không phải chỉ để chìm đắm trong thế giới của du dương nhưng cũng không phải chỉ để nắm bắt một thông điệp. Tìm đến thơ ca là tìm đến sự giao cảm tuyệt vời giữa âm thanh và ý nghĩa, cho dù nó thuộc thể thơ nào. Chính vì vậy, với thể thơ còn khá mới mẻ với số đông công chúng này, thế mạnh của nó là không thể phủ nhận (nhất là khả năng áp sát đời sống cũng như tâm tư con người) nhưng những thử thách dành cho nó thật sự cũng không phải dễ vượt qua.

_______________

1. Theo chúng tôi, thơ văn xuôi là một thể lưỡngnh giữa thơ trữ tình và văn xuôi tự sự. Do đó, cần có cái nhìn linh hoạt về nó. Dạng thức điển hình của thơ văn xuôi là trình bày dưới dạng văn bản văn xuôi tự do. Song, những bài thơ tự do có câu thơ kéo dài quá 11, 12 âm tiết hay những tác phẩm văn xuôi trữ tình giàu chất thơ có dung lượng ngắn cũng có thể xếp vào dạng thơ văn xuôi mở rộng.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ CHÍNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *