Dấu ấn văn hóa trung quốc trong truyện ngắn lỗ tấn

Lỗ Tấn, nhà văn lớn có vai trò đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, từng được Quách Mạt Nhược đánh giá là “trước Lỗ Tấn chưa hề có Lỗ Tấn, sau Lỗ Tấn có vô vàn Lỗ Tấn”. Truyện ngắn là một bộ phận trọng yếu trong hệ thống “trước tác đẳng thân” của Lỗ Tấn, chứa đựng nhiều giá trị nội dung, nghệ thuật phong phú, có ảnh hưởng sâu rộng cả ở trong và ngoài nước. Trong đó, văn hóa Trung Quốc là thành tố quan trọng góp phần làm nên giá trị truyện ngắn của ông.

1. Lý do và mục đích sáng tác

Trong Tựa viết lấy (tập Gào thét, viết tại Bắc Kinh, ngày 3-12-1922), Lỗ Tấn dẫn ra một trải nghiệm bản thân từ thời còn du học ở trường Y học Tiên Đài (Nhật Bản, 1904-1906): “thình lình được gặp trên màn ảnh… Một người bị trói ở giữa, xung quanh là những kẻ đứng xem, người nào người nấy thân thể khỏe mạnh, nhưng vẻ mặt trông rất đần độn. Theo lời thuyết minh, người bị trói làm mật thám cho quân đội Nga, bị quân đội Nhật bắt đem ra chặt đầu thị chúng, còn những người đứng vây xung quanh là đến để thưởng thức cuộc thị chúng long trọng đó” (1). Từ trải nghiệm đó, Lỗ Tấn cho rằng: “Dân mà còn ngu muội, hèn nhát thì dù thân thể có khỏe mạnh, cường tráng chăng nữa, cũng chỉ có thể làm thứ mà người ta đưa ra chém đầu thị chúng và làm thứ người đứng xem cuộc thị chúng vô vị như thế kia mà thôi. Còn như đau ốm mà có phải chết đi ít nhiều thì chưa hẳn đã là bất hạnh. Cho nên, điều chúng ta cần làm trước tiên là biến đổi tinh thần họ, theo tôi hồi đó, muốn biến đổi tinh thần họ, tất nhiên không gì bằng dùng văn nghệ. Thế là tôi định đề xướng phong trào văn nghệ” (2). Ông tìm ra được những người cùng chí hướng định xuất bản một tờ tạp chí lấy tên là Tân sinh, nhưng sau đó họ lần lượt ngãng ra, tờ Tân sinh không thể ra đời. Trải nghiệm “một nỗi buồn chán chưa từng biết đến”, ông đau khổ “gọi cái cảm giác ấy là quạnh hiu”, xác định “phải xua đuổi cho được nỗi quạnh hiu đó” bằng cách “lao đầu vào việc tìm hiểu “quốc dân tính”, hoặc “trở về thời thượng cổ”. Đây có thể là cơ hội để ông nghiên cứu sâu hơn nguồn mạch văn hóa truyền thống Trung Quốc. Tháng 5-1918, trên tờ Tân thanh niên, ông đã đăng truyện ngắn đầu tay Nhật ký người điên, thiên truyện được coi như phát súng lệnh, là lời hịch tuyên chiến chống lễ giáo đạo đức phong kiến. Tác phẩm lên án lịch sử 4000 năm chế độ phong kiến Trung Quốc là lịch sử “ăn thịt người”.

Hơn mười năm sau, trong Vì sao tôi viết tiểu thuyết (in lần đầu trong Kinh nghiệm sáng tác do Nxb Thiên Mã thư điếm xuất bản tháng 6-1933), Lỗ Tấn nói rõ hơn: “Khi tôi chú ý đến văn học, tình hình khác với bây giờ nhiều lắm: ở Trung Quốc, tiểu thuyết không được kể là văn học, người viết tiểu thuyết cũng không thể gọi là nhà văn, cho nên không mấy ai muốn theo con đường đó mà ra mắt với đời. Tôi cũng không có ý định đưa tiểu thuyết vào văn uyển, chẳng qua muốn lợi dụng sức mạnh của nó để cải tạo xã hội mà thôi” (3).

Một cách nhất quán, Lỗ Tấn hoàn toàn không nhận mình là nhà tiểu thuyết. Với ông, tiểu thuyết chỉ là một lợi khí sắc bén có thể lợi dụng để thực hiện mục đích cải tạo xã hội. Mục đích cải tạo xã hội khiến tiểu thuyết Lỗ Tấn không chỉ là biểu hiện của “chủ nghĩa khải mông” giống như Voltaire và Rousseau của phương Tây TK XVIII, mà còn là biểu hiện của cái truyền thống gắn bó hữu cơ giữa vănđạo trong văn học Trung Quốc.

2. Đặt tên tác phẩm

Sáng tác vì mục đích cải tạo xã hội, Lỗ Tấn hết sức tránh cách hành văn lôi thôi. Ông có những truyện ngắn mà ngay từ cách đặt tên truyện đã bao hàm ý nghĩa tư tưởng chủ đề, ý nghĩa đó dần được thể hiện một cách nhất quán trong toàn thiên truyện như: AQ chính truyện, Thuốc, Lễ cầu phúc

Qua lời tựa, có thể thấy chữ “chính truyện” trong nhan đề AQ chính truyện vừa nói được tính nghiêm túc của vấn đề số phận nông dân mà tác giả muốn đặt ra, vừa góp phần làm nổi bật thái độ châm biếm của ông đối với sự mâu thuẫn giữa thực chất vô danh tiểu tốt với cái “phương pháp thắng lợi tinh thần” ở nhân vật chính của tác phẩm này. Cần phải lưu ý chữ “阿” (phiên âm Hán Việt hay bính âm đều đọc như chữ “a” trong tiếng Việt) trong nguyên tác không đơn giản chỉ là một ký hiệu A vô nghĩa như chữ Q đặt sau nó, đây “là tiếng người Trung Quốc dùng để gọi một người nào, khi không cần gọi họ, nhất là những người dưới mình” (4). Còn chữ “Q” (bính âm đọc là “qiu”, đọc như chữ “xiu” trong tiếng Việt), thực ra không liên quan đến cách mà làng Mùi gọi nhân vật này (bính âm: “gui”, đọc gần như “quây” trong tiếng Việt – gồm hai chữ Hán đồng âm: “桂” và “貴”, phiên âm Hán Việt là “quế” và “quý”). Nếu chỉ nhìn vào văn bản dịch mà cho rằng AQ là một cái tên kép, nguyên khối, thì đã làm nghèo nàn ý nghĩa của việc đặt tên tác phẩm và nhân vật ở đây.

Với tác phẩm Thuốc, nhan đề trực tiếp đặt vấn đề tìm phương thuốc cho những căn bệnh khác nhau của các nhân vật trong tác phẩm này. Thuốc chữa bệnh lao cho thằng Thuyên, thuốc chữa bệnh tinh thần (u mê lạc hậu, thiếu giác ngộ, lấy nỗi bất hạnh của người khác làm niềm vui của mình…) cho người dân, thuốc chữa bệnh xa rời quần chúng cho những người theo cách mạng Tân Hợi như Hạ Du…

Lễ cầu phúc cũng là một nhan đề chứa đựng nhiều hàm nghĩa. Chữ “chúc phúc” có nghĩa thứ nhất là cầu chúc (động từ), và nghĩa thứ hai là: lễ cầu phúc (danh từ). Trong đó vừa cầu cho mình, vừa chúc cho người, với ước nguyện, mong muốn trong lòng, cũng như việc thể hiện ra bên ngoài bằng hành động (cung tiến, sửa soạn lễ vật…), quá trình làm việc lâu dài để cầu phúc cho mình sau khi chết đi với những câu hỏi day dứt chưa nhận được sự trả lời thỏa đáng của thím Tường Lâm, cái không khí rộn ràng làm lễ cầu phúc những ngày cuối năm âm lịch của vợ chồng chú Tư, những người dân ở Lỗ Trấn.

Có thể nói, từ cách đặt tên truyện, Lỗ Tấn đã cô đọng, hàm súc, biểu hiện rõ ràng tư tưởng chủ đề, đôi khi là cả nội dung bao biếm từ tản văn, sử truyện truyền thống trong sáng tác truyện ngắn của ông.

3. Đặt tên và miêu tả nhân vật

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lỗ Tấn khá phong phú, nhưng chủ yếu là những người bất hạnh trong xã hội. Có nhân vật có tên,  như: Nhuận Thổ, Phương Huyền Xước, Tử Quyên, Tư Thiền… Có nhân vật không tên    như: “anh đầu vuông”, “anh trán rộng”… Có nhân vật mà đối với văn hóa Trung Quốc thực sự xa lạ, chỉ là một ký tự latinh, thứ ký hiệu vô hồn như Q, D… Một số nhân vật có tên kèm theo biệt hiệu như: “cậu Năm gù”, “lão Nghĩa mắt cá chép”, “Vương sẹo xồm – Vương râu xồm”, “Cao phu tử”, hoặc chỉ là biệt hiệu như: “nàng Tây Thi đậu phụ”, “mụ Com pa”, “lão Tây giả”… Có nhân vật trùng tên với tên tác phẩm, mới nhìn tưởng là tên họ đầy đủ nhưng khi đi vào nội dung truyện mới biết thực ra đó cũng là biệt hiệu như Khổng Ất Kỷ. Loại nhân vật có biệt hiệu dựa trên đặc điểm nhân dạng như: “Năm gù”, “Nghĩa mắt cá chép”, “Vương râu xồm”, “nàng Tây Thi đậu phụ”,  “mụ Com pa”… tạo nên sắc thái đa dạng, dễ nhận biết, đồng thời thể hiện được cách nhìn, cách cảm đối với nhân vật của người bình dân, thường thấy trong khẩu ngữ. Còn loại có biệt hiệu dựa trên chữ nghĩa sách vở như: “Khổng Ất Kỷ” (rút từ những câu được viết trên các thiếp đồ, đã có từ lâu – muộn nhất là đời Minh: “Thượng đại nhân, Khổng Ất Kỷ, Hóa tam thiên, Thất thập sĩ…”) (5), hay chữ “phu tử” trong “Cao Phu tử” (xưa dùng để chỉ thày, học giả)… rõ ràng chứa đựng ý nghĩa châm biếm cái lỗi thời, lố bịch ở các nhân vật chịu ảnh hưởng nặng nề của thứ văn hóa Nho giáo thủ cựu này.

Việc miêu tả nhân vật trong truyện ngắn Lỗ Tấn thường theo lối truyền thần, vốn là nét đặc sắc của nghệ thuật, đặc biệt là hội họa truyền thống Trung Quốc. Trong Kinh Dịch, phần Hệ từ có viết: “Thần dã giả, diệu vạn vật nhi vi ngôn giả dã”, nghĩa là biểu đạt cái ảo diệu (vi diệu) của vạn vật bằng ngôn ngữ, thì gọi là thần (6). Tô Đông Pha, trong sáng tác, rất chú trọng vấn đề truyền thần có lời bàn như sau: “Truyền thần cũng giống như cách xem tướng, muốn nắm bắt được bản chất của người nào, về nguyên tắc là phải ngầm quan sát họ giữa đám đông… Phàm cái thần của con người ta, ai cũng có chỗ biểu hiện hoặc ở mắt mi, hoặc ở mũi mồm” (7). Người Trung Quốc có thành ngữ: Họa long điểm tinh (Điểm mắt tranh vẽ rồng) cũng hàm ý đề cao giá trị của phương pháp truyền thần này.

Trên thực tế, Lỗ Tấn khá thành công trong việc vận dụng phương pháp truyền thần. Trong truyện ngắn Thuốc, qua con mắt của lão Thuyên, người bán thuốc cho lão là: “Một người áo quần đen ngòm đứng trước mặt lão, mắt sắc như hai lưỡi dao chọc thẳng vào lão làm lão co rúm lại. Hắn xòe về phía lão một bàn tay to tướng, tay kia cầm một chiếc bánh bao nhuốm máu, đỏ tươi, máu còn nhỏ từng giọt, từng giọt” (8). Đó là ánh mắt, bàn tay của kẻ đã trơ lì cảm xúc, không còn tình người, coi máu của tử tù như của quý hiếm để tiền trao cháo múc. Khi Cả Khang mới vào quán nhà lão Thuyên sau cuộc mua bán, tác giả cũng không nói tên bác ta ngay, mà mở đầu bằng hình ảnh “một người mặt thịt ngang phè từ ngoài đâm sầm vào… Vừa vào, đã nói oang oang”. Hình ảnh cái “người mặt thịt ngang phè” luôn có giọng “nói oang oang” ấy được lặp lại nhiều lần cùng với việc bác hào hứng kể công, làm như ban ơn cho nhà lão Thuyên vì đã bán cho lão cái bánh bao tẩm máu người “lấy về còn nóng hôi hổi, ăn cũng còn nóng hôi hổi”, “cam đoan thế nào cũng khỏi”… Để bác say sưa “giương cổ” khoe công trạng xong xuôi, tác giả mới cho biết cái tên Cả Khang, trước khi bác ta “cao hứng nói càng to” một chặp nữa về nhân vật Hạ Du vì “thấy mọi người vểnh tai nghe lấy làm thú lắm”. Hay nhân vật AQ trong AQ chính truyện, sau vụ vú Ngò nghĩ mình bị mất việc vì “thằng nhãi con” (cu D), “tức điên lên”, “trong lúc hằm hằm rảo bước, y bỗng giơ cánh tay lên, miệng hát: “Ngã thủ chấp (i i i) cương (i) tiên cương (i i i) nỉ đả !” (9). Khi có ý định “đi đầu hàng cách mạng”, “rồi chả biết thế quái nào mà bỗng y đã tưởng tượng ngay rằng y là người cách mạng, và cả bọn dân làng Mùi đã thành tù binh của y cả rồi !”, “thích chí vô hạn”, y cũng hát lên những câu tương tự. Những câu hát này đều dẫn trong hý kịch Long hổ đấu phổ biến ở vùng Thiệu Hưng đương thời, có ý nghĩa cá biệt hóa tính cách nhân vật điển hình AQ. Nó vừa tô đậm được trạng thái tinh thần phấn khích của một kẻ đang say sưa với thắng lợi trong tưởng tượng, vừa nói lên được sức hấp dẫn của hý kịch đối với y và với dân chúng (phần lớn mù chữ) trong môi trường văn hóa đơn điệu nghèo nàn ở nông thôn Trung Quốc đương thời.

4. Sử dụng những từ ngữ, hình ảnh quen thuộc mang tính biểu tượng

Biểu tượng (symbol) là một hình ảnh, hình tượng, hay một dấu hiệu của sự vật có thể tri giác, được quy ước để biểu đạt một nội dung ý nghĩa nào đó. Khác với loại tín hiệu đơn nhất, cố định về nghĩa, trung tính về sắc thái tình cảm (như biển báo giao thông), biểu tượng văn hóa có khả năng co giãn, mở rộng hoặc thu hẹp nghĩa tùy theo hoàn cảnh, quy ước của cộng đồng, luôn gắn với tình cảm, cảm xúc. Hình tượng văn học cũng có thể trở thành biểu tượng văn hóa, một khi được trừu tượng hóa, chỉ giữ lại nét đặc trưng nổi bật nào đó để chỉ chung cho loại mà nó đại diện. Ví dụ: trong dân gian hiện nay, Chí Phèo đã trở thành biểu tượng của tính hay ăn vạ, Thị Nở trở thành biểu tượng của cái xấu… mặc dù hình tượng Chí Phèo, Thị Nở trọn vẹn không đơn giản chỉ có như vậy. Truyện ngắn Lỗ Tấn có nhiều từ ngữ, hình ảnh mang tính biểu tượng. Có thể dẫn ra nhiều trường hợp thú vị.

Từ lang sói được dùng để đặt tên đất (thôn Lang Sói), hình ảnh chó sói xuất hiện trong nhiều tác phẩm, hình ảnh ánh mắt chó sói mà AQ hồi tưởng khi nhìn thấy “những cặp mắt ghê tởm hơn thế, ghê tởm như chưa bao giờ ghê tởm bằng, vừa lừ lừ, vừa sắc bén, gần mà như xa, theo riết y, không những nuốt chửng lời nói mà chực cấu xé thân hình y” của đám người đi xem người ta hành hình y… Tất cả đều tập trung thể hiện cái man rợ, độc ác của thứ văn hóa “ăn thịt người” mà Lỗ Tấn lên án (Nhật ký người điên, AQ chính truyện, Lễ cầu phúc).

Trong ẩm thực Trung Hoa, bánh bao vốn là một loại bánh làm bằng bột mỳ có nhân, được hấp khi chế biến. Nó giống với loại bánh màn thầu truyền thống của Trung Quốc. Nhân bánh bao được làm bằng thịt hoặc rau. Bánh bao thường được dùng bất cứ bữa ăn nào trong ngày, đặc biệt thường được dùng làm món ăn sáng. Nhưng trong truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn, hình ảnh cái bánh bao không còn ý nghĩa một món ăn thông thường, phổ biến như thế nữa, mà trở thành biểu tượng của thuốc độc, sản phẩm của căn bệnh mê tín, ngu muội của dân chúng Trung Quốc trong trường kỳ lịch sử chế độ phong kiến chuyên chế.

Hình ảnh áo cộc (chỉ hạng khách bình dân, người lao động nghèo) đối lập với áo dài (chỉ hạng khách sang, những kẻ lắm tiền, nhàn rỗi) (Khổng Ất Kỷ). Khổng Ất Kỷ là người độc nhất mặc áo dài mà lại đứng trước quày uống rượu (chỗ đứng của “bọn áo cộc”). Sự khập khiễng giữa trang phục, chỗ đứng ấy góp phần làm nổi bật mâu thuẫn mang tính bi hài, đáng thương ở nhân vật này.

Những vết sẹo trên đầu AQ, Tường Lâm, trên mặt Khổng Ất Kỷ… trở thành dấu hiệu nổi bật về một kiểu nhân vật là nạn nhân của chế độ phong kiến tàn bạo, mục ruỗng (Lê Nguyên Cẩn gọi là kiểu nhân vật dị dạng). Những lời giễu nhại lối văn cử tử, những hư từ chi hồ giả dã được sử dụng khi khắc họa chân dung nhân vật trí thức phong kiến lỗi thời, làm nổi bật hàm ý châm biếm.

Tóm lại, truyện ngắn Lỗ Tấn in đậm dấu ấn văn hóa Trung Quốc. Cái làm nên giá trị, sức hấp dẫn của truyện ngắn Lỗ Tấn không phải chỉ ở việc tiếp thu có chọn lọc các kỹ thuật truyện ngắn nước ngoài, mà chủ yếu là dấu ấn văn hóa, trong đó có nghệ thuật tự sự truyền thống Trung Quốc, biểu hiện trên nhiều phương diện như: lý do, mục đích sáng tác, đặt tên tác phẩm, nhân vật, sử dụng từ ngữ, hình ảnh quen thuộc mang tính biểu tượng. Muốn giải mã đúng và sâu truyện ngắn của Lỗ Tấn, không thể không quan tâm đúng mức những biểu hiện này.

______________

1, 2, 3, 4, 9. Lỗ Tấn, Tạp văn,  Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.451-452, 452, 540, 11, 117.

5. Lỗ Tấn, Truyện ngắn tuyển tập, Nxb Văn học, Hà Nội, 1976, tr.49.

6, 7, 8. Khâu Chấn Thanh, Lý luận văn học, nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1994, tr.138-139, 137-138, 58-59.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 – 2017

Tác giả : TRỊNH ĐÌNH HÀ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *