Biểu tượng cọp trắng – hành trình vượt thoát của những kẻ cùng đinh

Đạt giải Man Booker ngay từ tiểu thuyết đầu tay Cọp trắng (The White Tiger) khi mới 34 tuổi, Aravind Adiga đã mở đầu ấn tượng cho một bộ phận văn học đương đại Ấn Độ. Qua biểu tượng cọp trắng, A.Adiga đã khắc họa một xã hội Ấn hậu thuộc địa đầu TK XXI với sự phân hóa giàu nghèo, nền giáo dục yếu kém, nạn thất học, cơ sở y tế tồi tàn, ô nhiễm môi trường, lối sống ảo tưởng, tham nhũng, phân biệt đẳng cấp, lãng phí nguồn nhân lực… Sẽ không còn thấy trong Cọp trắng những đền đài thiêng liêng, những khu rừng thần bí, các vũ điệu gợi tình của tiên nữ Apsara… mà là một thế giới của bóng tối, thế giới của tồi tàn và cùng khổ. Một Ấn Độ bất công và bất ổn.

Cọp trắng là câu chuyện kể về quá trình lập nghiệp của chàng trai Balram Halwai, con trai người phu xe, thuộc đẳng cấp tiện dân. Xuất thân từ làng quê nghèo đói Laxmangarh, mẹ cha mất sớm, Balram buộc phải nghỉ học để kiếm sống. Cậu bé bắt đầu với công việc phục vụ trong quán trà, rồi chọn nghề lái xe để hy vọng đổi đời. Chàng trai Balram quyết định lên thành phố làm tài xế cho một thương nhân là Ashok. Cuộc đời Balram rẽ sang hướng mới. Cuộc sống bon chen thị thành, khiến Balram ngày càng trở nên lọc lõi. Anh nhanh chóng được chủ tin cậy nhờ vào sự lanh trí, tính chịu khó. Nhưng thân phận tiện dân, sự phân chia khắc nghiệt của đẳng cấp chất chứa quá nhiều tủi nhục, bất công… Với biệt danh cọp trắng (mỗi thế hệ cọp chỉ có một con), Balram – chàng trai nghèo khổ đã biến thành kẻ tinh ranh, quỷ quái, bất chấp thủ đoạn, kể cả giết người. Vậy nên, muốn giàu có, muốn được “sống như một con người”, đã trở thành nguyên nhân thôi thúc Balram ra tay sát hại chủ nhân của mình…

Theo Từ điển Bách khoa toàn thư, hổ (dân gian gọi là cọp) là “loài động vật ăn thịt, sống trong môi trường thiên nhiên hoang dã. Về mức độ hung hãn, sức mạnh hủy diệt, hổ chỉ đứng sau loài sư tử. Hổ có khả năng thích nghi cao với nhiều loại môi trường sống, từ vùng hàn đới Siberia đến vùng đầm lầy ngập mặn của rừng mưa Sundarbans miền Đông Ấn” (1).

Còn theo C.Jung, nhà phân tâm học, hổ là biểu tượng cho lòng căm giận, tính ác. Những hang động tăm tối trong rừng sâu là nơi loài hổ phục mình chờ đợi thời cơ tấn công con mồi. Trạng thái loài hổ ẩn mình biểu thị cho sự kiềm chế cao độ các xung lực bản năng. Sự kiềm chế thụ động luôn tạo ra những phản lực tinh thần ghê gớm nhất, đặc biệt khi mãnh hổ bị giam cầm trong vườn thú.

Trong tâm thức của người châu Á, hổ gợi lên một nỗi sợ hãi mãnh liệt, thần bí. Với văn hóa Ấn Độ cổ, qua các tranh tượng Hinđu giáo, mãnh hổ là chiến xa chở nữ thần Durga xông pha dũng mãnh trên chiến trường; thần hủy diệt Shiva, mình khoác áo da hổ tay bắt ấn, chìm đắm trong trạng thái thiền tịch tĩnh…

Ở Phật giáo Đại thừa, hổ thường xuất hiện bên cạnh hình tượng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, với ý nghĩa là cái ác tự tâm đã được chế ngự bởi đấng giác ngộ. Hình tượng ngài Văn Thù tay cầm gươm báu, ngự trên mãnh hổ biểu thị cho trí tuệ vô song của bậc đại sĩ đã chặt đứt vô minh. Tâm thế lúc nào cũng như mãnh hổ, lăn xả vào cuộc đời nhằm tế độ quần mê. Theo tinh thần Phật giáo Đại thừa, hổ biểu trưng cho trí tuệ, lòng xả thân đem trí tuệ đó thắp sáng nhân sinh.

Từ văn hóa cổ cho đến hiện đại, ở Ấn Độ, hổ luôn là biểu tượng của niềm kiêu hãnh, tinh thần dân tộc. Tuy nhiên, cùng sự kế thừa ý nghĩa biểu tượng từ văn hóa cổ, A.Adiga còn khám phá các tầng ý nghĩa của mãnh hổ ở một góc nhìn khác, góc độ giải thiêng, đặt trong bối cảnh xã hội Ấn Độ hậu thuộc địa.

Câu chuyện trong Cọp trắng kể rằng, trong một lần đi thăm vườn thú quốc gia, Balram đọc tấm biển treo gần chuồng cọp: “Hãy tưởng tượng chính mình ở trong chuồng” (2). Đối với Balram, cảm giác bị giam hãm trong chuồng cọp không quá xa lạ, không cần phải tưởng tượng. Anh hoàn toàn cảm thấy mình làm được. Bởi giữa anh và hổ có sự tương đồng về trạng thái tinh thần phát sinh trong hoàn cảnh giống nhau. Loài hổ bị nuôi nhốt trong chuồng, không thể phát huy bản năng sinh tồn vốn có. Tầng lớp tiện dân bị đối xử như con vật cũng không thể thực hiện thiên chức của một con người. Theo đó, bản năng sinh tồn của giống loài, dù trong hoàn cảnh nào, một khi bị đe dọa cũng cất lên tiếng gầm hủy diệt.

Chàng trai cọp trắng Balram, đại diện cho thế hệ thanh niên Ấn Độ với đầy đủ trí tuệ, nhiều khát vọng. Tuy nhiên, “bóng ma đẳng cấp” vẫn là nỗi ám ảnh đè nặng lên tương lai của những người trẻ tuổi, nhiệt huyết này. TK XXI với sự toàn cầu hóa, đề cao tinh thần khởi nghiệp, đã tạo thành tính cách Balram – một thứ “đất sét nung dở” trong đại công trường Ấn Độ bề bộn, dang dở. Tính biểu trưng từ nhân vật cọp trắng Balram chính là sự ký thác, gửi gắm niềm tin của nhà văn cho thế hệ sau.

Rời trường học, Balram phải đối mặt với cuộc đấu tranh sinh tồn. Đó là thân phận tôi tớ tiện dân, là con tốt thí sau vụ đâm xe gây chết người của ông chủ, là nhân phẩm bị tước đoạt… Con đường học vấn của cọp trắng Balram chỉ còn là mong muốn hư huyễn.

Một lần, Balram, “thể diện và tương lai của đất nước”, cùng với anh trai Kishan đến làm công ở nhà lão Cò để trả nợ số tiền đã vay mượn cho đám cưới linh đình cùng của hồi môn hậu hĩnh của người chị họ. Anh bị đám bạn bè chế giễu: “Loài vật nào mà mỗi thế hệ chỉ có một con?”.     

Rồi một sự cố lạ kỳ xảy ra khi Balram dẫn đứa cháu Dharam dạo chơi vườn thú. Tình cờ Balram lại nhìn thấy cọp trắng. Mãnh hổ như “mắc phải lời nguyền”, liên tục rảo bước sau những thanh tre. Anh bất chợt nhìn thấy đôi mắt hổ “như mắt ông chủ từng nhiều lần bắt gặp mắt anh trong kính xe”. Ánh mắt đó khiến anh tê dại, bất tỉnh. Chính trong khoảnh khắc đó, con hổ đã biến mất khi chạm phải cái nhìn của anh. Hiện tượng bí ẩn này sẽ giải thích cho hành động giết chết ông chủ Ashok cướp của và dùng số tiền cướp được để kinh doanh.

Theo thuyết libido của Freud, bản năng sống là nguồn năng lượng thiết yếu nhằm đảm bảo sự tồn tại của con người, trong đó bao gồm khoái lạc, nhu cầu ăn uống và sinh sản. Libido cho phép mỗi cá nhân có thể tồn tại, duy trì nòi giống. Để đấu tranh sinh tồn, các loài phải buộc phải sát hại lẫn nhau.

Bản năng chết và bản năng sống tuy có vẻ đối lập nhưng lại thống nhất với nhau về bản chất. Do đó, ham muốn chiến đấu, chiến thắng thường xuất hiện trong tình trạng nguy cấp, tồn vong: “Kẻ đang tâm nhìn thấy gia đình mình bị hủy diệt… dám phá cũi sổ lồng… đó phải là một con cọp trắng” (3). Khi con người cảm thấy bản năng sống bị đe dọa, cần gấp hành động mạnh để bảo vệ, thì đó là lúc bản năng hủy diệt gầm rú hung hãn nhất.

Chàng Balram trong khi quan sát cọp trắng, thần kinh bị kích thích cao độ, chất epinephrine trong cơ thể cạn kiệt nhanh chóng dẫn tới ngất xỉu. Bản năng chết từ vô thức đã hoàn toàn chiếm hữu ý thức của Balram, dẫn đến tình trạng bất tỉnh. Theo Cheavalier, nhà nghiên cứu biểu tượng văn hóa thế giới, hổ xuất hiện trong các giấc mơ mang ý nghĩa là “một tiêu điểm của các ham muốn đã trở nên hoàn toàn độc lập, luôn sẵn sàng bất ngờ tấn công xé nát chúng ta… hổ tượng trưng cho ý thức trở nên u tối, do bị tràn ngập bởi làn sóng những ham muốn sơ đẳng nổi lên không kìm giữ được” (4). Như vậy, liên kết các dữ liệu sau sự cố vườn thú, hành động giết chủ của Balram diễn ra trong trạng thái mất kiểm soát của bản năng chết.

Trở thành doanh nhân Bangalore nhưng Balram còn mong có thể mở một trường dạy học mà ở đó “không có gì ngoài thực tế cuộc sống cho lũ trẻ này. Một trường học đầy những cọp trắng, tháo cũi để tấn công Bangalore” (5).

Biểu tượng cọp trắng của A.Adiga còn hướng đến các vấn đề kinh tế, xã hội Ấn Độ hiện đại, trong sự đối sánh với biểu tượng rồng Trung Hoa.

Rồng Hoa cọp Ấn là cặp biểu tượng được thế giới truyền thông sử dụng để nói về sức mạnh của hai siêu cường châu Á hiện đại. Đây không đơn thuần là một slogan, mà còn là cách diễn tả tình thế đối đầu giữa hai quốc gia Trung – Ấn trong ván cờ kinh tế, chính trị toàn cầu. Nếu như Những đứa con của nửa đêm của Salman Rushdie đã góp phần thức tỉnh người khổng lồ Ấn Độ, thì Cọp trắng của A.Adiga là lời cảnh báo về những nguy cơ trong cuộc chiến với con rồng Trung Hoa. Biểu tượng cọp trắng của A.Adiga không chỉ biểu trưng cho sự kìm hãm phát triển của Ấn Độ, mặt khác, nó còn là chìa khóa mở cánh cửa tiềm năng của quốc gia này.

Năm 1991, sau hơn bốn mươi năm bế quan tỏa cảng, nền kinh tế Ấn Độ lâm vào khủng hoảng. Tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,5% mỗi năm. Dự trữ ngoại hối gần như cạn kiệt buộc New Delhi bán đi một lượng lớn số vàng trong ngân khố quốc gia cứu nguy. Sự kiện bóng ma năm 1991 đã buộc chính phủ Ấn Độ nhìn nhận lại đường lối phát triển của mình, tiến hành hàng loạt cải cách, đạt được sự tăng trưởng thần kỳ suốt hai thập niên qua. Nhưng theo Aiyar nhận định, “thậm chí là sau hai mươi năm đổi mới, xã hội và chính trị của quốc gia vẫn như một công trình còn dang dở” (6).

Với đặc tính sinh học, hoạt động săn mồi của hổ không chỉ để kiếm mồi mà còn thỏa mãn bản năng chinh phục của chúa sơn lâm. Hổ tỏ ra thích thú với việc đùa giỡn và ăn thịt những loài vật nhỏ bé, yếu ớt. Khai thác mãnh hổ ở khả năng sát thủ, đó là hành động chinh phục thế lực chống đối chính mình… Dụng ý của A.Adiga, thông qua biểu tượng cọp trắng, chỉ ra đặc tính ganh đua của người Ấn.

Về phương diện kinh tế, Bangalore – trung tâm kinh tế và công nghệ của Ấn Độ bị tấn công bởi loài hổ gợi cho chúng ta liên tưởng đến biểu tượng truyền thông được các phương tiện báo chí đương đại khai thác khi nói về tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng của các đại gia châu Á (GDP tăng bình quân 7,5% mỗi năm). Trong đó, Ấn Độ là một mãnh hổ đang chuẩn bị chộp muồi. Có nhiều yếu tố để cấu thành một con hổ kinh tế Ấn Độ như: sự chín muồi của nguồn nhân lực vàng, công nghệ thông tin, tiếng Anh… Nhất là kinh nghiệm từng trải, khả năng tiếp thu kiến thức mới lẫn sự lọc lõi của lớp doanh nhân người Ấn hình thành trong thời kỳ mở cửa. Trong công trình nghiên cứu chiến lược phát triển của kinh tế Ấn Độ, nhà kinh tế học Aiyar đã dùng hình ảnh cọp để hình dung sự tương phản về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trước và sau đổi mới. Ông liên tưởng đến GDP chỉ tăng 3,5% một năm ở thời điểm trước 1991 ì ạch như một con voi. Các nhà kinh tế học gọi đó là Hindu Rate nhưng “sau hai mươi năm, voi Ấn Độ thực sự đã hóa thành con hổ” (7).

Như vậy, khi tiếp cận biểu tượng cọp trắng dưới góc độ kinh tế, A.Adiga hướng người đọc đến những dự báo về sức mạnh tri thức, ý chí vươn lên của thế hệ thanh niên Ấn Độ TK XXI. Đó là những người đã đưa Ấn Độ từ một quốc gia lạc hậu, phân chia đẳng cấp khắc nghiệt, tiến lên hiện đại với sức mạnh của nền văn minh Veda, để từng bước khẳng định vị thế trong khu vực và trên toàn thế giới.

Cọp trắng của A.Adiga nhấn mạnh tính chất của nền kinh tế tri thức TK XXI. Trọng trách khai dân trí đặt nặng lên vai ngành giáo dục. Tri thức và hiền tài trở thành nguyên khí của quốc gia. Tri thức là lực sống của nền kinh tế thời đại công nghệ. Đồng thuận với quan điểm đó, A.Adiga cho rằng giáo dục có vai trò như một công cụ giải thoát con người khỏi dốt nát, u mê. Tư tưởng tiên tiến này được thể hiện trong biểu tượng cọp trắng, thông qua câu chuyện thành công của doanh nhân Balram, người đại diện của tầng lớp cùng đinh, trong hành trình vượt thoát từ bóng tối ra ánh sáng. Nền giáo dục Ấn Độ được xác định xây dựng trên tinh thần bình đẳng, khai minh, khơi dậy ở người học tình thương, lòng say mê hiểu biết, dám thể hiện tài năng và dám chấp nhận cạnh tranh. Đây cũng chính là đặc điểm của những quốc gia khởi nghiệp mà Ấn Độ là một điển hình.

Biểu tượng cọp trắng trong tác phẩm cùng tên của A.Adiga vừa thể hiện cuộc hành trình vượt lên số phận của một cá nhân, vừa phản ánh vận mệnh của một dân tộc. Đồng thời với nghệ thuật giải thiêng, với hình thức viết thư giả tưởng và với nhân vật hư cấu… tiểu thuyết Cọp trắng là sự kết nối nền văn hóa Veda rực rỡ với toàn cảnh xã hội của Ấn Độ hậu thuộc địa. Giấc mộng Ấn Độ qua các thời đại như bức tranh cuộn được lần lượt mở ra trong Cọp trắng. Giọng điệu châm biếm một cách hài hước trong tác phẩm Cọp trắng của A.Adiga có tác dụng thức tỉnh cho một Ấn Độ mê muội, một Ấn Độ nhược tiểu… Thành công gây bất ngờ và đột phá ấn tượng của tiểu thuyết Cọp trắng giúp chúng ta tìm về truyền thống nhân văn của con người và đất nước Ấn Độ.

___________

1. britannica.com.

2, 3, 6. A.Adiga, Cọp trắng, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2009, tr.201, 201, 349.

4. J.Cheavalier, Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, 1997, tr.442.

5, 7. www.cato.org. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 – 2018

Tác giả : HUỲNH THỊ DIỄM

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *