Bộ quy tắc ứng xử người hà nội văn minh, thanh lịch


 

Những năm gần đây, văn hóa ứng xử của cư dân Hà Nội đã khiến không ít nhà văn hóa phải bận lòng và lo ngại. Một nhà nghiên cứu văn hóa đã đúc kết: “Văn hóa sống ở thủ đô đang thực sự có vấn đề”. Những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống đang làm tổn hại đến hình ảnh của một Hà Nội kinh kỳ. Điều đó đã khiến các nhà lãnh đạo thủ đô hết sức băn khoăn, trăn trở. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thẳng thắn chia sẻ “Với Hà Nội, có lẽ không nhất thiết phải phấn đấu dẫn đầu về mặt kinh tế mặc dù cũng rất cần chú trọng phát triển kinh tế. Cái Hà Nội cần có chính là phải mạnh, phải dẫn đầu về văn hóa, mà văn hóa ở đây hiểu theo nghĩa rộng, là cuộc sống, lối sống, là trật tự, kỷ cương, là văn minh, thanh lịch, hiện đại. Cần phải coi kỷ cương cũng là văn hóa. Tôn trọng pháp luật là thứ văn hóa mà người ta phải mất hàng trăm năm rèn giũa” (1).

Xét thấy vai trò của nền tảng tinh thần xã hội, trong đó văn hóa ứng xử là chìa khóa vạn năng góp phần xây dựng văn hóa lối sống, Sở VHTTDL Hà Nội đã và đang triển khai tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa về định hướng, xây dựng quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người thủ đô thanh lịch, văn minh.

1. Văn hóa ứng xử của người Hà Nội

Từ xa xưa, người dân sống ở kinh thành Thăng Long luôn có sự biến động. Thời nào cũng thế, cư dân Thăng Long có tỷ lệ người nhập cư rất cao, phần lớn là dân tứ chiếng hay còn gọi là dân kẻ chợ. Ở từng thời kỳ, dòng người nhập cư về đây rất tự nhiên, với nhiều nguyên do và động cơ khác nhau. Trước hết, khi lựa chọn Thăng Long làm kinh đô, mỗi vương triều đều kéo theo số lượng không nhỏ người của dòng tộc mình. Ngoài tầng lớp quý tộc, quan lại sống trong thành, còn có một lực lượng khác tập hợp bên ngoài để sản xuất, buôn bán, phục vụ… nhưng cũng chỉ có tính thời vụ. “Hiện nay, số người về Hà Nội ngày càng lớn, mỗi năm bình quân có khoảng 100.000 người nhập cư, cộng với chừng đó trẻ em được sinh ra. Theo đó, quy mô dân số Hà Nội tăng thêm tương đương dân số của một huyện lớn (khoảng 200.000 người) mỗi năm (2).

 Nhiều người băn khoăn đi tìm khái niệm Hà Nội gốc: thế nào là gốc, cư trú bao nhiêu đời được coi là gốc… Theo số liệu khảo sát tại phường Hàng Đào thì chưa đến 9% gia đình sống liên tục 10 đời (khoảng 300-400 năm) (3) ở Hà Nội. Một nghiên cứu khác cho biết: “người Hà Nội gốc chiếm có 7% trong số 4 triệu dân ở thời điểm trước khi Hà Nội mở rộng” (4). Theo tác giả Hà Đình Đức, dân số Hà Nội (tính đến thời điểm 2005, chưa sáp nhập Hà Tây) có 26% gốc Thanh Hóa và 27% gốc Nghệ Tĩnh (5). Người dân từ các miền quê không chỉ mang tới đô thành những sản vật đặc trưng của địa phương, mà còn mang đến cả lời ăn, tiếng nói hiền hòa; lối sống giản dị, khiêm nhường cùng lối ứng xử, giao tiếp niềm nở, ân cần, mộc mạc, ân tình… Điều đó đã làm nên chất Thăng Long – Hà Nội thuần hậu, chất phác, thanh lịch, mà Phạm Đình Hổ đã ca ngợi trong Vũ Trung tùy bút: “Phong tục chuộng thói trung hậu, mọi người hàng ngày giao tiếp với nhau có ý khoan dung, bình dị, giữ thói khiêm nhường. Nếu ai có điều gì sằng bậy, thì chỉ sợ người ta biết mà chê cười. Đến như những kẻ thân quan, quốc thích và những kẻ con em vô lại rong chơi, cũng không dám công nhiên làm càn. Nếu có kẻ nào không theo lễ phép mà làm sằng, thì những bậc phụ lão nhà lương gia lại ngầm đem chuyện ấy để răn bảo con cháu” (6). Như vậy, người Thăng Long – Hà Nội đã sống có lịch có lề từ ngàn xưa. Trong chiều dài lịch sử ấy, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thể hiện qua nếp sống, lề lối ứng xử với môi trường xã hội và tự nhiên, qua những phẩm chất nổi bật đã được định hình, được thừa nhận rộng rãi, đặc biệt là phẩm chất thanh lịch. Đó chính là truyền thống văn minh, văn hiến ngàn năm trong ứng xử của người Hà Nội, góp phần làm nên nền văn hiến Thăng Long.

Là kinh đô của một quốc gia có nền văn minh lúa nước, lẽ tự nhiên, Thăng Long – Hà Nội mang đậm đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp. Văn hóa làng truyền thống đã chắt lọc nên tinh hoa văn hóa thủ đô ngàn năm văn hiến và cũng từ đó hình thành lối sống trọng tình của cư dân nông nghiệp lúa nước. Vì thế, đặc trưng cơ bản trong văn hóa giao tiếp là thái độ trọng giao tiếp, lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử; có ý thức trọng danh dự về mặt chủ thể giao tiếp và đặc biệt quan tâm đến đối tượng giao tiếp, hay hỏi han, quan sát, đánh giá tỷ mỷ từ hình thức đến nội dung; cách thức giao tiếp mềm mỏng, tế nhị với sự hỗ trợ của hệ thống nghi thức lời nói phong phú (7).

Những người sống nhiều đời ở Hà Nội đều cho rằng chất Hà Nội thường bình dị, thầm lặng và kín đáo. Ngay cả những người Hà Nội được coi là gốc thì tổ tiên của họ cũng từ nơi khác đến. Họ đã sống ở đây nhiều đời và nó hình thành nên nền văn hóa Hà Nội, kể cả dưới ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa phương Tây và các quốc gia khác. Điều đó có nghĩa, bản thân cái gốc Hà Nội đã là kết quả của sự pha trộn, kết tinh văn hóa của nhiều vùng miền.

Dù là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hay từ các dòng người nhập cư về Hà Nội, giới trí thức luôn say nghề yêu nghiệp, có chí tiến thủ, vượt mọi khó khăn để học tập và nghiên cứu trở thành lực lượng xung kích trên mọi lĩnh vực. Những tinh hoa, nét đẹp văn hóa đặc sắc của thủ đô đã giúp các văn nghệ sĩ phát huy năng lực sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm sống mãi với thời gian, cống hiến cho sự phát triển của Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung. Các nhà văn, hoạ sĩ, nhà văn hóa yêu Hà Nội đã có nhiều công trình nghiên cứu về thủ đô. Trong đó, số người sống nhiều đời ở Hà Nội như nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi khá hiếm; còn lại phần lớn sinh ra hoặc không sinh ra ở Hà Nội, nhưng quê gốc lại ở nơi khác. Có thể kể đến: nhạc sĩ Văn Cao quê gốc Nam Định, sinh ra ở Hải Phòng; hoạ sĩ Tô Ngọc Vân quê ở Hưng Yên, lớn lên ở Hà Nội; nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh quê Ninh Bình, sinh ra ở Thái Bình; nhà văn Băng Sơn sinh tại Hải Dương, quê ở Hà Nam; nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, Giang Quân quê gốc Hải Dương;… Có những người sinh ra ở Hà Nội nhưng gốc gác lại ở nơi khác như nhà văn: Thạch Lam quê gốc ở Quảng Nam, Vũ Bằng quê ở Hải Dương, Tô Hoài sinh ra ở Thanh Oai và lớn lên ở Hoài Đức (Hà Tây cũ), Nguyễn Khải quê gốc ở Nam Định, hoạ sĩ Bùi Xuân Phái là người Hoài Đức (Hà Tây cũ)…

Khi nói về vẻ đẹp của người Hà Nội, hai chữ thanh lịch dường như đã được đóng đinh, định vị. Thanh là phẩm chất tự thân của mỗi người; thanh cao, thanh đạm, thanh liêm… trong lối sống, tình cảm, tâm hồn; thanh nhã trong ứng xử, nói năng; thanh trong, thanh thoát trong suy nghĩ, tư duy… Còn lịch là lịch lãm, lịch thiệp, lịch duyệt, lịch sự… thể hiện tính cách, phép tắc trong giao tiếp, ứng xử với cộng đồng được xã hội công nhận và ngợi ca. Nét thanh lịch biểu hiện khá rộng, cả về tâm hồn trí tuệ, ở sự tinh tế khôn khéo trong giao tiếp và thị hiếu cảm thụ, hưởng thụ…

Thanh lịch của người Hà Nội thể hiện một lối sống đẹp, một khía cạnh của văn hóa… Về tính cách, người Hà Nội rất khéo léo. Đặc điểm tiêu biểu này chi phối người dân Hà Nội và có sức lan tỏa rất lớn. Về giọng nói, mỗi vùng miền đều có thế mạnh và hạn chế, song giọng Hà Nội được coi là dễ nghe. So với miền Trung, miền Nam, giọng Hà Nội phát âm thường nhẹ và không chuẩn các phụ âm x và s, ch và tr, r,d, gi; phát âm vần ưu, ươu thành iu, hoặc đọc phụ âm r không rung… Giọng miền Trung âm nặng, thường lên bổng xuống trầm ngay trong từng câu ngắn, hay biến thanh (dấu hỏi, dấu ngã, hoặc âm không dấu với dấu nặng). Còn giọng nói Hà Nội có âm lượng vừa đủ, phát âm rõ ràng, tròn vành, thanh, ngọt mà trong, ấm áp, lôi cuốn, truyền cảm có dư vị riêng của vùng Bắc Bộ. Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Kim Thản khẳng định: “Tiếng nói của người Hà Nội là tiêu biểu nhất và kết tinh những gì chung nhất của phương ngôn Bắc Bộ. Nó giàu thanh điệu hơn cả (6 thanh), giàu vần hơn cả: 17 âm chính (nguyên âm), 8 âm cuối (bán nguyên âm và phụ âm), có tới 169 vần (8). Bản thân giọng nói người Hà Nội ngày xưa cũng là tổng thành của nhiều âm điệu khắp nơi mà thành. Cùng với chất giọng hay là lời nói đẹp, cám ơnxin lỗi, nếp gia phong đi chào về hỏi, cách xưng hô phù hợp với tuổi tác kính già, quý trẻ, nụ cười thân thiện thay cho lời chào.

Người Hà Nội có gu thẩm mỹ, thưởng thức khá sành điệu và công phu. Trang phục của họ đẹp, kín đáo, lịch lãm, trang nhã, hài hòa, giản dị. Thiếu nữ Hà Nội xưa dù ở nhà hay ra phố đều mặc áo dài, cặp tóc trễ sau lưng duyên dáng, thướt tha. Ngay cả những cô gái bán hàng rong cũng vậy. Ngày nay, mặc dù có cơ hội được tiếp xúc với nhiều xu hướng thời trang trong nước và thế giới, nhưng người Hà Nội, đặc biệt là thiếu nữ, vẫn chọn cho mình trang phục lịch lãm, trang nhã, duyên dáng, uyển chuyển… và cũng rất kín đáo, tinh tế.

Người Hà Nội sở hữu một kho tàng văn hóa ẩm thực tinh tế, thể hiện ở cách chế biến, thưởng thức, ở tấm lòng người trao, kẻ nhận. Mỗi món ăn Hà Nội đều có hương vị riêng và đặc biệt nhiều món được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực như: phở, bún (thang, ốc, đậu), chả cá, bánh cuốn Thanh Trì, chè kho, cốm Vòng, bánh tôm Hồ Tây…

Nếu miền Trung, miền Nam trước kia thường có thói quen uống cà phê thì nét đặc trưng của Hà thành là chè chén. Quán nước xuất hiện ở Hà Nội rất sớm, lúc đầu chủ yếu phục vụ dân kéo xe ba gác, đạp xích lô, hoặc khách đi tàu xe, sau này, ngồi quán đã trở thành thói quen của cán bộ, công nhân, học sinh, sinh viên… thường tập trung ở cửa cơ quan, xí nghiệp, ga tàu, bến xe…

Bên cạnh uống chè, người Hà Nội còn biết thưởng thức cà phê. Nhiều quán cà phê hiện nay đã và đang trở thành các điểm hẹn văn hóa. Những người đã sống ở Hà Nội thập niên 40 TK XX không quên một số quán cà phê nổi tiếng, như cà phê Giảng, cà phê Nhân, cà phê Lâm Đây là địa chỉ tụ hội nhiều thế hệ văn nghệ sĩ nổi tiếng của Hà Nội.

Một điều rất đặc biệt, văn hóa chè chén, cà phê đã được người Hà Nội phát huy giá trị phù hợp với cuộc sống hôm nay. Nhiều quán trà chanh được mở trên hè phố để phục vụ cho nhiều đối tượng, nhất là học sinh, sinh viên ít tiền. Và các quán cà phê từ đơn sơ đến cầu kỳ mọc lên đang trở thành địa chỉ giao lưu văn hóa phù hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ.

Hà Nội là nơi chịu tác động văn hóa của nhiều quốc gia khác nhau, Con người Hà Nội tuy rất cởi mở với cái mới… nhưng biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của thế giới cho phù hợp với phong cách sống lịch lãm, phong nhã của mình. Vì thế, người Hà Nội luôn giữ được phong thái hào hoa, thanh lịch, nhân ái, khoan hòa, chuộng hình thức, yêu thực chất, nhưng đồng thời rất bản lĩnh, kiên cường.

Người Hà Nội lịch lãm trong giao tiếp, ứng xử, Họ duy trì tình nghĩa bán anh em xa mua láng giềng gần, tối lửa tắt đèn có nhau… Họ sống giản dị không phô trương, hình thức, nên có khi giàu không ai biết, nghèo không ai hay. Qua thời gian, cái hay cái đẹp được giữ lại và phát triển theo cấp sinh hoạt thị thành, tạo nên một lối sống phong lưu của con người lịch thiệp và tinh tế về mọi mặt. Bởi vậy, từ xa xưa người Hà Nội đã có tiếng là khéo léo và lịch lãm. Nhất là đến ngày hội, ngày tết, sự khéo léo và lịch lãm ấy càng được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết.

Tết Hà Nội thâu nạp sự đa dạng của văn hóa muôn phương tụ hội. Chợ hoa Hà Nội đã có từ ngày mảnh đất mang tên Thăng Long. Chợ họp từ ngày 23 tháng Chạp đến đêm Giao thừa. Những người đi chợ hoa đều mặc đẹp bởi ngoài việc mua bán, người đến chợ còn để giao lưu, thưởng thức không khí tết. Chợ hoa tết có nhiều thứ hoa, nhưng hoa được ưa chuộng nhất là đào, quất, cúc, thủy tiên…

Thanh lịch đã trở thành một đặc trưng của đất kinh kỳ. Chính điều đó ràng buộc, quy định những cư dân sống ở đây buộc phải khéo léo, khôn ngoan để làm vừa lòng khách thập phương, thuận lòng người mua, kẻ bán. Vì thế, những cư xử thô lỗ, nói năng sống sượng, lối sống cẩu thả, chộp giật… sẽ không được chấp nhận ở mảnh đất này.

Bên cạnh tinh hoa mà người Hà Nội thu nhận được, còn xuất hiện những mặt trái của văn hóa do một hệ quả của quá trình giao lưu. Điều đó đã khiến không ít người cho rằng, bóng dáng Hà Nội thanh lịch thực sự chỉ còn trong hoài niệm. Theo hoạ sĩ – nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, phong cách sống thanh lịch, ăn uống nhẹ nhàng, nói năng lịch sự, ăn mặc thì giản dị, kín đáo mà tinh tế của người Hà Nội chỉ có từ thời trước chiến tranh phá hoại năm 1965 , cái thời mà Hà Nội chỉ nhỏ bé với vài vạn người ở thành phố và bốn huyện ngoại thành. Gần 50 năm sống ở Hà Nội, cho dù thiếu thốn về ánh sáng, nhưng nghệ sĩ guitar Văn Vượng vẫn cảm nhận được Hà Nội đã khác hẳn xưa, thể hiện từ sự chật chội về không gian sống cho đến tiếng Hà Nội nay đã bị ngọng, chửi thề tục tĩu… Nhiều người yêu Hà Nội đến oặn lòng xót xa “cứ với đà này thì… Hà Nội sẽ mất thương hiệu thanh lịch”… Có nhiều người cứ ngờ ngợ cái hồn cốt Hà Nội. Không ít người hoài nghi về danh xưng Hà Nội văn minh, thanh lịch và cho rằng, người Việt ưa lối nói sáo mòn vốn định hình như một công thức. Cứ chạm tới Hà Nội là nhất định phải đi với thanh lịch

 Thiết nghĩ, văn minh, thanh lịch Hà Nội cần phải được nhìn với thái độ công bằng, khách quan, khoa học để phân tích, lý giải. Sự chỉ trích và cách giải thích có phần vội vàng, thiếu cơ sở cho rằng nguyên nhân của sự xuống cấp về văn hóa là do dòng chuyển cư ồ ạt, hoặc đổ lỗi cho mặt trái kinh tế thị trường… là không biện chứng. Những phẩm chất đã có cần một sự khích lệ đầy đủ, một chính sách văn hóa hoàn chỉnh hơn để khẳng định sức mạnh dẫn dắt của cái đẹp, cái đúng, cái tốt. Hơn nữa, cũng đừng tìm kiếm sự khác biệt trong phẩm chất người Hà Nội so với người ở các địa phương khác, mà nên quan tâm nhiều hơn tới sự kết tinh, tỏa sáng phẩm chất Việt trong mỗi con người thủ đô. Những nét văn hóa Hà Nội cũng là những nét văn hóa đặc trưng nhất của văn hóa Việt Nam.

2. Giải pháp xây dựng quy tắc ứng xử người Hà Nội

           Chú trọng đầu tư văn hóa, để văn hóa thấm sâu vào mọi mặt đời sống cư dân Hà Nội

Công cuộc đổi mới trên địa bàn thủ đô đang đặt ra những yêu cầu mới cao hơn, cấp bách, rõ ràng hơn đối với việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại. Người Hà Nội vừa là người tham gia thực hiện, vừa là người hưởng thụ các thành tựu của công cuộc đổi mới đó. Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trong các quy chế công nhận Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Đơn vị đạt chuẩn văn hóa… Hà Nội đã tích cực xây dựng quy chế, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tuy gặp phải những phản ứng ban đầu, nhưng điều đó cho thấy Hà Nội rất quyết tâm xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện tới từng cơ sở về nếp sống văn minh trong việc cưới. Phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của Hội liên hiệp phụ nữ Hà Nội được cụ thể hóa thành Đề án Văn hóa ứng xử người phụ nữ Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thành đoàn đẩy mạnh phong trào hành động Tuổi trẻ thủ đô sức khỏe, trí tuệ – đoàn kết, sáng tạo – thanh lịch, tình nguyện. Hội Nông dân thực hiện phong trào Nông dân Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại. Báo Hà Nội mới xây dựng chuyên mục Văn hóa ứng xử của Hà Nội và nhiều tờ báo trung ương đã hưởng ứng tích cực và có nhiều hình thức xây dựng văn hóa ứng xử của Hà Nội.

           Xây dựng quy tắc ứng xử phù hợp với 7 nhóm đối tượng

Cuộc vận động xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh khi được cụ thể hóa ở bất cứ cơ quan, đơn vị nào, đều bắt đầu từ cái lõi của văn hóa là văn hóa ứng xử.

Xây dựng quy tắc ứng xử là việc nên làm, nhất là trong thời điểm này. Khi xây dựng quy tắc cần chú ý kế thừa những hương ước cổ của Hà Nội (có từ TK XV); sàng lọc để tiếp nhận, bổ sung xây dựng quy tắc mới gắn với phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa và sau đó nhất thể hóa thành một bộ quy tắc ứng xử chung. Để đạt được mục tiêu, tạo sự chuyển biến đặc biệt, mỗi người dân sống ở thủ đô cần phấn đấu trở thành công dân tiêu biểu; mỗi tổ chức cần nỗ lực tham gia đóng góp để góp thêm căn cứ lý luận và thực tiễn định hướng, xây dựng quy tắc ứng xử tại: cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư, gia đình và nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

            Chú trọng tính nêu gương, đề cao những giá trị nhân văn

Giữ gìn cái đẹp không phải là bảo thủ mà giữ gìn nét đẹp ứng xử, phong thái con người cho đúng nét thanh lịch hào hoa phong nhã của người Hà Nội.

Tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục với phương châm lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Huy động các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền lối sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội xưa và nay.

Chú trọng đầu tư xây dựng và phát huy giá trị các thiết chế văn hóa cho người dân thủ đô.

Phát huy vai trò văn học nghệ thuật trong việc giáo dục lối sống văn hóa của người Hà Nội. Cần có những tác phẩm văn học nghệ thuật, những ca khúc, tranh ảnh, phim điện ảnh, phim truyền hình mang đậm dấu ấn Hà Nội với những nét văn hóa truyền thống xưa và nay, một cách tuyên truyền rất tốt về văn hóa Hà Nội.

Thể chế hóa quy tắc ứng xử xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh vào Luật thủ đô

Luật thủ đô số 25/2012/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 21-11-2012 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Luật thủ đô quy định rõ vị trí, vai trò, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ thủ đô, trong đó Điều 5 đã xác định xây dựng, phát triển thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước. Đây là tín hiệu vui giúp Hà Nội xây dựng bộ quy tắc ứng xử.

Xây dựng lối ứng xử văn hóa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, nhất là trong thời điểm Hà Nội đang tiếp thu, giao thoa với nhiều hình thái văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong dòng chảy văn hóa, người Hà Nội đã và đang cố gắng gạn đục khơi trong, kiên trì thu nạp và dung hòa giữa cũ và mới; gìn giữ những tác phong, lề lối, cách nghĩ hiện đại bên cạnh những nền nếp của người Kẻ Chợ xưa… với tinh thần tiếp thu – sàng lọc – kết tinh – lan tỏa để xây dựng một bộ quy tắc chuẩn mực chung bao gồm cả văn hóa Tràng An và văn hóa xứ Đoài.

_______________

1. Thu Hà, Với thủ đô, văn hóa quan trọng hơn, báo Tuổi trẻ, 10-10-2009.

2. Đinh Văn Thông, Di dân ngoại tỉnh vào thành phố Hà Nội – vấn đề đặt ra và giải pháp, Báo điện tử Đảng Cộng sản, 9-10-2010.

3. Nguyễn Hồng Mai, Chất thanh lịch người Hà Nội, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, số 2, 2010, tr.9-14.

4. Nguyễn Bích Hà, Lịch sử, sự kiện, nhân vật vùng đất Thăng Long – Hà Nội. Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2010, tr.220.

5, 7. Kỷ yếu Hội thảo Người Hà Nội thanh lịch văn minh, do Sở Văn hóa – Thông tin tổ chức ngày 7-10-2005 tại Hà Nội.

6. Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, Nxb Trẻ, Hà Nội,1989, tr.60-61.

8. Nguyễn Kim Thản, Tiếng Việt trên đường phát triển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1982, tr.43.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 352, tháng 10-2013

Tác giả : Lê Thị Bích Hồng

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *