Giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng đạo đức, lối sống


 

Cùng với quá trình phát triển kinh tế thị trường (KTTT), đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) và mở rộng quan hệ quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa, các giá trị văn hóa có những biến đổi nhất định, hàng loạt giá trị mới được hình thành đã tạo điều kiện cho nhân dân tiếp thu các giá trị tốt đẹp của các dân tộc khác để bổ sung cho mình trong xây dựng đạo đức, lối sống. Tuy vậy, vấn đề tư tưởng, đạo đức, lối sống cũng đang đặt ra những thách thức mới…

        Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta khẳng định: nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong sáu đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội mới mà chúng ta xây dựng và một trong những nhiệm vụ hàng đầu của của nó chính là xây dựng tư tưởng, đạo đức và lối sống. Tuy vậy, vấn đề xây dựng đạo đức, lối sống hiện nay đang đặt ra những thách thức mới, đặc biệt là vấn đề kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa (GTVH) truyền thống để xây dựng lối sống mới trong bối cảnh phát triển KTTT, đẩy mạnh CNH, HĐH và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế. Hiện tượng suy thoái đạo đức, lối sống đã và đang diễn ra phức tạp. Những biểu hiện của nó ngày càng rõ nét hơn và đến mức không thể không quan tâm. Khuynh hướng hiện đại hóa theo kiểu Tây hóa, Mỹ hóa và khuynh hướng bảo thủ, phục cổ trong xây dựng lối sống xuất hiện ngày càng nhiều trong một bộ phận không nhỏ thanh niên. Lối sống thực dụng, tham nhũng, lãng phí có xu hướng gia tăng, gây nhức nhối đời sống xã hội. Dự báo về tình hình trong nước trong thời gian tới, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI có ghi: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng”(1).

1. Quan hệ kế thừa và phát triển các GTVH

Theo quan điểm của triết học duy vật biện chứng, phát triển là khuynh hướng chung của mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy con người. Ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật nói lên ba phương diện khác nhau về sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng; trong đó, quy luật phủ định của phủ định biểu hiện khuynh hướng chung của quá trình vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng. Trong quá trình phủ định, cái cũ mất đi, cái mới tiến bộ hơn ra đời thay thế cho cái cũ. Cái mới không loại bỏ toàn bộ cái cũ mà giữ lại những nhân tố tích cực của cái cũ, gia nhập vào cái mới, tạo điều kiện cho cái mới ra đời và phát triển. Nói như V.I.Lênin, đó không phải là sự phủ định sạch trơn mà là sự phủ định coi như vòng khâu của liên hệ, vòng khâu của sự phát triển với sự duy trì cái khẳng định (2). Sự duy trì cái khẳng định không có nghĩa là cái mới tiếp nhận nguyên cái cũ mà nó phải được đổi mới, phát triển, bổ sung để nâng cái được kế thừa lên một trình độ mới. Đây chính là quá trình vừa lọc bỏ vừa giữ lại, đổi mới trong nội dung và hình thức của sự vật, hiện tượng. Cho nên, kế thừa là sự biểu hiện mối liên hệ giữa sự vật, hiện tượng, quá trình trong thế giới (tự nhiên, xã hội, tư duy) khi cái mới thay thế cái cũ nhưng vẫn giữ lại những yếu tố cần thiết của cái cũ cho sự ra đời của cái mới.

Kế thừa có quan hệ biện chứng với đổi mới. Đó là hai mặt thống nhất, bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển. Trong sự ra đời của cái mới luôn có cái cũ được kế thừa, cải biến. Có thể nói, không có cái mới nào ra đời từ hư vô, không liên hệ với cái cũ. Cái mới là hiện thân của các yếu tố tích cực từ cái cũ đã được đổi mới, đồng thời là hiện thân của những đặc điểm, yếu tố của cái mới. Như vậy, trong quá trình phát triển của sự vật, hiện tượng, phủ định biện chứng không chỉ là phủ định có kế thừa mà còn có sự biến đổi thành cái mới. Nhưng cái mới ra đời như thế nào là tùy thuộc rất lớn vào việc kế thừa, đổi mới. Bởi lẽ, nếu kế thừa những yếu tố không phù hợp với cái mới, cái tiến bộ hoặc kế thừa nguyên xi không có cải biến, đổi mới thì cái mới với tư cách là cái tiến bộ, ưu việt hơn cái cũ sẽ không xuất hiện…

Như vậy, kế thừa là một quá trình có tính tất yếu của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội cũng như tư duy con người. Và do vậy, kế thừa trong sự phát triển văn hóa cũng là một quá trình tất yếu. Nói cách khác, muốn cho văn hóa phát triển thì không thể không kế thừa. Tuy nhiên, kế thừa trong văn hóa có nét đặc trưng riêng nó.

Nói đến kế thừa trong văn hóa trước hết là nói đến truyền thống văn hóa. Bởi lẽ, nội dung cốt lõi trong kế thừa văn hóa là cái mới nào ra đời cũng dựa trên cái cũ, cái cũ tạo tiền đề cho cái mới ra đời và phát triển. Không có truyền thống thì sẽ không có hiện tại và tương lai; không có truyền thống thì lịch sử dân tộc sẽ bị đứt đoạn. Truyền thống là cái cầu nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai. Cái quá khứ biến đi bao giờ cũng để lại ít nhiều dấu vết trong dòng chảy vô tận của thời gian. Nó góp phần tạo ra cái hiện tại. Có thể nói, một trong những hình thức quan trọng của cái được kế thừa trong đời sống xã hội là truyền thống, là cái chứa đựng trong bản thân mình những năng lực to lớn để tạo ra cái mới. Cho nên, quá trình hiện đại hóa đất nước không thể không dựa vào truyền thống. Hiện đại là cái tiếp nối truyền thống. Chính cái truyền thống tạo ra một cơ sở hiện thực cho quá trình kế thừa, phát triển. Trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, các dân tộc đều tìm cách giữ gìn, kế thừa, phát triển các GTVH truyền thống và truyền lại cho thế hệ sau. Do vậy, người ta cho rằng, văn hóa chính là bộ gien di truyền của xã hội.

Vấn đề kế thừa văn hóa được V.I.Lênin đặc biệt quan tâm. Ông từng khẳng định, nếu chúng ta không kế thừa và tiếp thu những di sản, thành tựu văn hóa, khoa học kỹ thuật của nhân loại và đặc biệt là chủ nghĩa tư bản thì “chúng ta không có vật liệu nào khác”(3). Nhưng chính V.I. Lênin cũng đã kịch liệt phê phán những quan điểm sai lầm về vấn đề kế thừa, tiếp thu văn hóa theo kiểu chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa hư vô. Biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc là quá đề cao văn hóa truyền thống, phủ nhận sự du nhập thành quả văn hóa tiến bộ của thế giới. Còn biểu hiện của chủ nghĩa hư vô là phủ nhận văn hóa quá khứ – truyền thống. V.I. Lênin đã nhấn mạnh, chúng ta phải tiếp thu toàn bộ nền văn hóa do chủ nghĩa tư bản để lại và dùng nền văn hóa đó để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và V.I.Lênin đã kịch liệt phê phán những người theo phái Văn hóa vô sản, họ muốn xây dựng một nền văn hóa hoàn toàn mới, phủ định sạch trơn, không kế thừa bất cứ thành tựu nào của xã hội trước. Chính V.I.Lênin cho đây là một điều ngu ngốc.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, kế thừa trong phát triển văn hóa là vấn đề có tính tất yếu của mọi nền văn hóa. Tuy nhiên, khác với sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, việc kế thừa văn hóa còn phụ thuộc nhiều yếu tố xã hội khác. Chẳng hạn, điều kiện kinh tế xã hội là yếu tố tác động quan trọng đối với việc kế thừa văn hóa. Ngoài ra, việc kế thừa văn hóa còn chịu tác động bởi các yếu tố từ bên ngoài, đó là sự ảnh hưởng của nền văn hóa nhân loại, văn hóa các dân tộc khác trong quá trình tiếp xúc, giao lưu, hội nhập quốc tế. Nhận thức điều này cho phép chúng ta đi vào xem xét vấn đề kế thừa các GTVH truyền thống dân tộc trong xây dựng đạo đức, lối sống một cách đúng đắn và toàn diện hơn. Có thể nói, chỉ những GTVH được kế thừa mới trở thành GTVH truyền thống, tức sự kết tinh sức sáng tạo, bền vững phản ánh bản lĩnh và sức sống của dân tộc theo chiều dài của lịch sử. Trong lịch sử phát triển văn hóa, ở quá khứ, hiện tại cũng như tương lai, việc kế thừa và phát huy các GTVH truyền thống dân tộc là một tất yếu khách quan. Nếu quốc gia, dân tộc nào đi ngược lại quy luật này thì sẽ dẫn nền văn hóa nước mình đến chỗ suy thoái và tiêu vong. Do vậy, việc kế thừa và phát huy các GTVH truyền thống dân tộc có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển các GTVH mới cũng như trong xây dựng lối sống.

Trong quá trình phát triển văn hóa nói chung và xây dựng đạo đức, lối sống nói riêng, sẽ không thực hiện được một cách tốt đẹp như người ta hằng mong muốn, nếu dân tộc đó phủ định sạch trơn hoặc kế thừa nguyên xi các GTVH truyền thống, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Kinh nghiệm phát triển của nhiều quốc gia cho thấy, không có quốc gia nào phát triển cao về văn hóa, kinh tế mà không kế thừa các GTVH truyền thống dân tộc. Các con rồng châu Á trước đây là một ví dụ. Trong bảng giá trị mà các nước châu Á đề ra để phấn đấu xây dựng nền văn hóa trong xã hội hiện đại đều đề cập GTVH truyền thống. Malaixia chủ trương làm sống lại nền văn hóa bản địa; Brunei đề cao tôn trọng truyền thống và phong tục; Trung Quốc nhấn mạnh xây dựng nền văn minh tinh thần và CNXH mang màu sắc Trung Quốc… Ngày 9-12-1986, Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết 41/187 tuyên bố thập kỷ 1988-1997 là Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa với mục tiêu là nhằm bảo vệ, giữ gìn và làm phong phú các bản sắc văn hóa dân tộc, cổ vũ mọi khả năng sáng kiến cá nhân và tập thể vào việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng và phát triển. UNESCO đã đề cập ba lĩnh vực ưu tiên: bảo vệ và bảo tồn các di sản văn hóa, biến đổi sáng tạo nền văn hóa, giữ gìn và đổi mới GTVH.

Điều này một lần nữa cho phép chúng ta khẳng định: nếu không dựa vào các GTVH truyền thống dân tộc để xây dựng đạo đức, lối sống thì đạo đức, lối sống mới sẽ lai căng, mất gốc, xa lạ với dân tộc. Chúng ta không thể chấp nhận điều đó, bởi nó đi ngược lại với nguyện vọng của dân tộc. Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, con người Việt Nam xây dựng được đạo đức, lối sống cần, kiệm, chịu khó, yêu nước thương nòi, biết hy sinh vì cộng đồng dân tộc, nhân đạo, bao dung… Những giá trị này đã được dân tộc ta dày công kiến tạo và giữ gìn từ thế hệ này qua thế hệ khác. Do vậy, về mặt lý luận, có thể khẳng định rằng, việc kế thừa các GTVH truyền thống dân tộc trong xây dựng đạo đức, lối sống là một quá trình tất yếu.

2. Kế thừa các giá trị VHTT trong xây dựng đạo đức, lối sống

Về mặt thực tiễn, nhân loại đang bước những bước chân đầu tiên vào TK XXI – thế kỷ của những biến đổi về mọi mặt với tốc độ nhanh đến chóng mặt; thế kỷ của thời kỳ văn minh, hiện đại. Người ta lo lắng rằng, làm thế nào để xã hội văn minh, hiện đại đó phát triển mà không đứt đoạn với truyền thống. Có ý kiến cho rằng: “Bước vào ngưỡng cửa của TK XXI, truyền thống lại một lần nữa hiện ra trước mặt các xã hội Đông Á như là hòn đảo trú ẩn và thanh bình trước sự phát triển bão táp của thời đại. Sở dĩ truyền thống có vai trò lớn lao như vậy là vì, truyền thống luôn luôn gợi ý thông minh cho tương lai. Trong truyền thống thường có lời khuyên đắt giá cho tương lai”(4).

Từ đầu TK XX, Jean Jaurès, một lãnh tụ phong trào XHCN Pháp đã nói: “Trung thành với truyền thống không phải là quay trở về những thời kỳ đã tắt như để ngắm nghía một dãy dài những bóng ma, mà trái lại là đem hết sức mình tiến về tương lai, cũng như phải tiến ra biển thì con sông mới trung thành với ngọn nguồn của nó”(5).

Tuy nhiên, thời đại ngày nay, khi mà xã hội hiện đại phát triển đang có nhiều nguy cơ xa rời hoặc đứt đoạn với truyền thống, các giá trị truyền thống luôn ở trong tình trạng bị áp đảo trước cái hiện đại thì việc đề cao các GTVH truyền thống dân tộc cần phải được nhìn nhận với một thái độ tích cực hơn. Bài học kinh nghiệm của thập kỷ quốc tế về phát triển văn hóa và kinh nghiệm của các nước phát triển cao trên thế giới cho thấy rằng, khi tính nhân bản của truyền thống không bị lãng quên, giá trị nhân văn của truyền thống được chú trọng, khai thác thì nó không mâu thuẫn với giá trị hiện đại mà còn làm cho xã hội hiện đại trở nên đa sắc, phong phú và phát triển bền vững hơn. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu ở nước ta, với tính cách là khuôn mẫu văn hóa, các GTVH truyền thống của cộng đồng trong thế kỷ mới đã hiện ra như là một lời khuyên hữu ích, cho ta những bài học kinh nghiệm thực tiễn đắt giá trong quá trình phát triển. Thực tiễn cũng cho thấy rằng, GTVH truyền thống là hành trang không thể thiếu trong hành trình bước vào TK XXI của bất cứ dân tộc nào. GTVH truyền thống một lần nữa lại được con người xem là mạch nguồn của sự phát triển bền vững – giá trị mà loài người đang vươn tới.

Ở nước ta hiện nay, trước sự phát triển của nền KTTT, sự tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các GTVH truyền thống dân tộc có những biến đổi nhất định và đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cho xã hội. Nhiều biểu hiện của đạo đức, lối sống không lành mạnh, xa lạ với đạo lý truyền thống của dân tộc mỗi ngày một rõ nét và có xu hướng phát triển tràn lan. Đồng tiền trên thực tế đã chi phối nhiều quan hệ, trong đó có những quan hệ xưa nay cha ông ta đề cao và không thể đổi lấy bằng tiền. Sự bán rẻ nhân phẩm, che đậy cái xấu, thờ ơ với tệ nạn xã hội, tiếp tay với tội phạm, quan hệ cha con, anh em, chồng vợ và con cái bị đảo lộn… gây bất bình trong xã hội. Không ít thanh niên có lối sống buông thả, thiếu hoài bão, mờ nhạt lý tưởng, thờ ơ đối với cộng đồng, cá nhân vị kỷ, không quan tâm đến chính trị, quay lưng với truyền thống, tham gia vào các tệ nạn xã hội. Tất cả đều xa lạ đối với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Nghiêm trọng hơn là hiện tượng suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức có quyền. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XI nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”(6).

Có thể nói, vấn đề đạo đức, lối sống đang diễn ra rất phức tạp. Các thang bậc giá trị đạo đức văn hóa truyền thống đang bị xáo trộn, trong khi đó đạo đức và lối sống là những giá trị cốt lõi của văn hóa. Do vậy, việc kế thừa và phát huy các GTVH truyền thống trong điều kiện hiện nay để xây dựng đạo đức, lối sống mới có một vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh vấn đề kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống dân tộc để xây dựng đời sống mới: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ; cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý; cái gì mà tốt thì phải phát triển thêm; cái gì mới mà hay thì phải làm. Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn. Đó là mục đích của đời sống mới”(7).

Trong điều kiện phát triển KTTT và mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế hiện nay, chúng ta phải đặc biệt quan tâm, giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa của các dân tộc trên thế giới để làm phong phú thêm nền văn hóa của mình. Bên cạnh đó, cần tích cực đấu tranh chống lại sự xâm nhập của các loại ấn phẩm độc hại, những khuynh hướng của lối sống đề cao phương Tây, lai căng mất gốc, khắc phục tâm lý sùng bái đồng tiền, bất chấp đạo lý, coi thường các giá trị nhân văn có xu hướng phát triển mạnh. Cùng với những ảnh hưởng của KTTT, của toàn cầu hóa, những biểu hiện của lối sống tiểu nông, ảnh hưởng của tư tưởng đạo đức phong kiến cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống người dân ở nước ta.

Nhận thức thực trạng này, Đảng ta đã chủ trương xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa Việt Nam, bảo tồn và phát huy các GTVH truyền thống tốt đẹp của các dân tộc anh em, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại “làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống, thể hiện cụ thể trong sinh hoạt, công tác, quan hệ hằng ngày của cộng đồng và từng con người…, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ”(8).

Như vậy, về mặt lý luận cũng như thực tiễn, việc kế thừa và phát huy các GTVH truyền thống dân tộc trong xây dựng lối sống hiện nay ở nước ta là một tất yếu khách quan. Thiết nghĩ, vấn đề được đề cập một trong những giải pháp góp phần ngăn chặn hiện tượng suy thoái về đạo đức, lối sống, đồng thời xây dựng đạo đức, lối sống mới, con người mới ở nước ta hiện nay.

_______________

1, 8. Đảng CSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.185, 323.

2. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 29, Nxb Tiến bộ, Maxtcơva, 1981, tr.245.

3. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 38, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1997, tr.66.

4. Nguyễn Trọng Chuẩn, Phạm Văn Đức, Hồ Sĩ Quý (chủ biên), Tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.20.

5. Văn Lang, Quỳnh Cư, Nguyễn Anh, Danh nhân đất Việt, tập 1, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1989, tr.11.

6. Đảng CSVN, Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-1-2012, Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

7. Hồ Chí Minh, Tuyển tập văn học, tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội, 1995, tr.152.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 354, tháng 12-2013

Tác giả : Võ Văn Thắng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *