Tiếp biến và hội nhập văn hóa ở việt nam hiện nay


 

Hơn hai thập kỷ qua, sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu hết sức quan trọng. Trong xu thế toàn cầu hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, văn hóa Việt Nam tuy có nhiều cơ hội, điều kiện phát triển mới nhưng cũng phải đối diện với nhiều thách thức nghiêm trọng. Hơn 80 năm kể từ khi ra đời, hơn hai thập kỷ lãnh đạo công cuộc đổi mới, đường lối, chính sách của Đảng về văn hóa không ngừng được hoàn thiện. Tuy vậy, Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới chính sách và hoàn thiện lý luận. Nghiên cứu quá trình tiếp biến và hội nhập văn hóa tác động đến sự phát triển toàn diện ở Việt Nam hiện nay, dưới nhiều góc độ tiếp cận và đối tượng nghiên cứu tiếp biến, thực tế đã và đang đặt ra một số vấn đề cần được làm sáng tỏ thêm.

1. Hệ thống lý thuyết, lý luận về văn hóa, văn hóa và phát triển trong bối cảnh mới

Văn hóa là một phạm trù hết sức rộng lớn, có kết cấu đa dạng và đa tầng. Do vậy, khó để có thể đưa ra một quan niệm hay định nghĩa thật sự toàn diện, thấu đáo về văn hóa. Đã có hàng trăm quan niệm, định nghĩa khác nhau về văn hóa phản ánh những quan điểm, lý thuyết, nhận thức của các nhà khoa học, tư tưởng khi nghiên cứu về văn hóa và con người.

Từ giữa TK XIX ở phương Tây, sự ra đời, phát triển của một số ngành khoa học nhân văn như: dân tộc học, xã hội học, nhân loại học đã làm thay đổi nhiều quan niệm xã hội và nhận thức văn hóa. Theo đó, những cách hiểu văn hóa truyền thống cũng có nhiều biến đổi. Các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực này đã đưa ra những quan niệm mới về văn hóa, có ý nghĩa hiện đại và dần trở thành thuật ngữ quan trọng của các ngành khoa học mới phát triển. Các định nghĩa đó không chỉ cho thấy ý nghĩa rộng lớn của khái niệm văn hóa mà còn thể hiện cách tiếp cận, năng lực tri thức, phạm vi chuyên môn và dấu ấn thời đại của các nhà nghiên cứu (1).

Các công trình nghiên cứu của các học giả phương Tây cũng đã tập trung bàn nhiều về văn hóa Việt trong dòng chảy văn hóa Đông Á. Nhiều công trình trong số đó đã có những ảnh hưởng đến quan niệm khoa học của giới trí thức bản địa. Với khái niệm cultus, các quan niệm, lý thuyết văn hóa phương Tây đã dần lan tỏa đến xã hội Việt. Những công trình này đi sâu nghiên cứu về lý luận văn hóa, những yếu tố chi phối tới phát triển văn hóa, mối quan hệ văn hóa xã hội, những giá trị và xu thế của văn hóa gắn với sự phát triển của nhân loại, về các nền văn minh ngay bên thềm TK XXI, cung cấp những thông tin khoa học, cách thức tư duy và luận giải các vấn đề xã hội và văn hóa. Với tinh thần chọn lọc và phê phán, nguồn tài liệu này chắc chắn sẽ được khai thác khi nghiên cứu những vấn đề lý luận chung về văn hóa.

Trong nhiều công trình, các tác giả đã viết về sự hội nhập văn hóa đồng thời đề xuất khái niệm phát triển bền vững. Ấn phẩm Chiến lược bảo tồn thế giới (IUCN) đã đề ra một phương châm khái quát nhưng thể hiện tầm nhìn lâu dài, có ý nghĩa chiến lược: sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học. Sau đó, nội hàm của phát triển bền vững cũng đã được nhìn nhận rõ ràng hơn, bao quát mà cũng cụ thể hơn, nhấn mạnh đặc biệt đến sự hòa hợp giữa các nhu cầu kinh tế, phát triển xã hội với việc bảo vệ môi trường, các quyết sách về các vấn đề lớn: nước, năng lượng, sức khỏe, nông nghiệp và sự đa dạng sinh thái.

Thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cho thấy, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa là hết sức khăng khít. Tuy tăng trưởng kinh tế luôn là cốt lõi của sự phát triển nhưng phát triển không chỉ bao hàm tăng trưởng mà còn là những thay đổi về chất của một xã hội. Để phát triển, con người luôn đòi hỏi trong mỗi thang bậc của sự tăng trưởng phải đi đôi với việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng sống, môi trường và cảnh quan văn hóa.

Sự phát triển theo đúng nghĩa của nó phải được hiểu là sự phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo đó, sự phát triển kinh tế tạo đà cho phát triển văn hóa, xã hội, mặt khác sự phát triển văn hóa cũng góp phần làm cho các hoạt động kinh tế trở nên nhân văn, bền vững. Trong ý nghĩa đó, việc giải quyết vấn đề tiếp biến và hội nhập văn hóa phải gắn với chiến lược phát triển. Đây là những vấn đề lớn không chỉ được toàn thế giới quan tâm mà còn là nhu cầu tự thân gắn với sự sinh tồn và phát triển bền vững của các quốc gia, dân tộc.

Khái niệm trên hiện đang là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi quốc gia sẽ dựa theo đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa… riêng để hoạch định chiến lược phù hợp nhất. Đối với Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, với mục tiêu tổng quát là tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Trong đó phát triển văn hóa là một nội dung quan trọng.

Mặt khác, Việt Nam đã và đang xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong đời sống văn hóa xã hội, thuật ngữ cũng như khái niệm tác động văn hóa, tiếp biến, hội nhập văn hóa, phát triển, phát triển bền vững… dù được dùng thông dụng trong giới quản lý, nghiên cứu và nhiều tầng lớp xã hội nhưng dường như nội dung, diễn tiến, đặc tính, bản chất, hệ luận… của nó thì lại chưa có được sự thống nhất, luận giải một cách cụ thể, khoa học. Dù khó để có thể hướng đến những đánh giá, nhận thức và phối hợp hành động chung, song đây chính là một đòi hỏi cấp thiết, cả phương diện lý luận cũng như thực tiễn, đối với việc không ngừng nâng cao trình độ lý luận và nhận thức, thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xã hội hiện nay.

2. Các xu hướng, đặc trưng lớn của quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa trên thế giới và Việt Nam trong lịch sử

Các xu hướng lớn của giao lưu, tiếp xúc văn hóa những thập kỷ gần đây đã giành được sự quan tâm của giới nghiên cứu trong nước và quốc tế. Những dự báo có tính chiến lược của nhiều học giả như A.Toffler (Làn sóng thứ ba), S.Huntington (Sự đụng độ của các nền văn minh), F.Fukuyama (Điểm tận của lịch sử), F.Zakaria (Thế giới hậu Mỹ)… đã phân tích các yếu tố tác động đến nền kinh tế và chính trị thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, đồng thời nhấn mạnh đến các yếu tố văn hóa, sự giao thoa văn hóa, văn minh giữa các quốc gia, lãnh thổ trên thế giới.

Những tác phẩm như thế đã cho chúng ta thấy nhiều vấn đề mới trong đời sống nội tại của văn hóa như tác động của khuynh hướng đa dạng văn hóa, đặc biệt là các khuynh hướng mới, còn gây nhiều tranh luận. Trong hoàn cảnh đó, văn hóa cần sự chia sẻ và với tinh thần khoan dung. Toàn cầu hóa về kinh tế cũng kéo theo hiện tượng di dân, sự thu hẹp khoảng cách, mềm hóa biên giới quốc gia, gia tăng giá trị của công dân toàn cầu, khiến cho địa – văn hóa thế giới đã và đang có những thay đổi căn bản.

Với cách tiếp cận đó, rất cần chú ý đến sự chuyển biến của đời sống văn hóa các nước trong khu vực, nhất là Đông Á. Trong đó, Trung Quốc và Đông Nam Á được nhiều học giả biết đến qua những công trình nổi tiếng của A.B.Woodside, O.W.Wolters, Robert W.Compton, Joel S.Kahu Do quy định của nhiều yếu tố, để sinh tồn và phát triển, Việt Nam vừa tiếp nhận những giá trị văn hóa, mô thức Trung Hoa, Ấn Độ vừa vượt lên chính mình để trở thành một nền văn hóa, văn minh độc lập. Đó chính là nhân tố quyết định để bảo vệ nền độc lập dân tộc, đấu tranh vì chủ quyền, vì sự trường tồn của văn hóa Việt Nam (2).

Tìm hiểu những xu thế lớn của sự tiếp biến, hội nhập văn hóa, các nhà nghiên cứu cũng phải luôn nhấn mạnh đến vấn đề bản sắc văn hóa. Trong đó nổi lên hai khuynh hướng: thứ nhất, tách rời giữa bản sắc văn hóa với tiếp xúc và giao lưu văn hóa, chỉ tìm hiểu bản sắc hoặc chỉ chú trọng trình bày quá trình tiếp xúc giao lưu; thứ hai, đặt bản sắc văn hóa dân tộc trong tiếp xúc giao lưu văn hóa…

Với dòng tư duy đó, trong thời đại mở cửa, hội nhập kinh tế, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO, vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc được đặt lên hàng đầu. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có thể dẫn đến những thách thức lớn đối với nhiều nền văn hóa. Thực tiễn nghiên cứu lịch sử văn hóa cho thấy, quá trình tiếp xúc, đối thoại, tiếp biến văn hóa phải có một khâu trung gian để biến đổi, hay nói rõ hơn, quá trình tiếp biến văn hóa chính là quá trình tiếp xúc – nhân tố trung gian – biến đổi… Đối thoại giữa các nền văn hóa chính là tiến trình diễn ra theo chuỗi logic: tiếp xúc – tương tác (khâu trung gian) dẫn đến biến đổi các giá trị văn hóa. Quá trình hội nhập văn hóa thường diễn ra trước, trong thậm chí sau quá trình tiếp biến. Trong chuỗi nhân quả đó, từ tiếp xúc đến biến đổi văn hóa, tức tiếp biến văn hóa, đối thoại là khâu trung gian đóng vai trò tác nhân quy định nội dung, hình thức, phương thức, mức độ và cấp độ chuyển hóa giữa các giá trị văn hóa nội sinh và ngoại sinh của các bên tham gia đối thoại. Cũng cần lưu ý thêm là, văn hóa của các nhóm xã hội, tộc người, cộng đồng tôn giáo, nghề nghiệp… trong nội bộ quốc gia là sự thống nhất trong đa dạng (3).

Bên cạnh đó, sự tiếp xúc kinh tế xã hội giữa các nhóm người đã tạo ra sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa. Qua tiếp xúc, một số yếu tố văn hóa của cộng đồng người này có thể lan truyền đến cộng đồng người kia. Tùy theo các mức độ khác nhau, các yếu tố văn hóa này có khi rời rạc, cá biệt, khi lại kết thành hệ thống chặt chẽ, có khi kết dính với những yếu tố văn hóa truyền thống, bị truyền thống hóa, có khi lại làm đổi mới mạnh mẽ các yếu tố văn hóa cũ…

Tiếp xúc và giao lưu văn hóa là sự tiếp nhận những yếu tố bên ngoài của những dân tộc chủ thể. Mỗi dân tộc có những thành tựu văn minh riêng độc đáo của mình, đóng góp vào nền văn minh nhân loại những thành tựu đặc sắc của dân tộc mình, đồng thời cũng tiếp thu kế thừa những nét đặc sắc của các nền văn minh khác, làm phong phú thêm cho nền văn minh của dân tộc mình.

Là quốc gia giữ vị trí cầu nối giữa các trung tâm văn hóa lớn, văn hóa Việt Nam đã sớm chịu ảnh hưởng, tiếp nhận nhiều di sản văn hóa của khu vực và nhân loại. Những yếu tố văn hóa bên ngoài đã thường xuyên tác động đến sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Trải qua thời gian, những yếu tố văn hóa ngoại sinh đó đã được lọc chọn, hợp luyện với những giá trị tảng nền của văn hóa dân tộc, góp phần bổ sung, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc. Trong quá trình đó, tiếp biến văn hóa đã diễn ra, đem lại những giá trị sáng tạo mới, làm tăng thêm sức sống, chiều sâu và tầm cao văn hóa dân tộc Việt Nam.

3. Tác động của quá trình tiếp biến, hội nhập văn hóa và định hướng chính sách phát triển của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới

Cần khẳng định rằng, trong quá trình phát triển, cùng với việc bảo tồn văn hóa, coi trọng các giá trị văn hóa dân tộc, cũng cần có một thái độ coi trọng văn hóa của các dân tộc khác. Văn hóa của các dân tộc khác cần phải được nghiên cứu toàn diện thì mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình. Những nguyên tắc cơ bản mà Đề cương văn hóa của Đảng đã đề ra năm 1943 với ba phương châm: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa vẫn còn giá trị sâu sắc với chúng ta ngày nay. Đó chính là những phương châm chủ đạo, hướng đến một tư duy văn hóa cởi mở, hiện đại cho xã hội và con người Việt Nam trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa.

Nghiên cứu về chính sách văn hóa cũng đặc biệt chú ý đến một số ấn phẩm trong nước và quốc tế, của học giả hoặc giới chính trị, xuất bản công khai hay nội bộ, phản ánh thái độ chống đối hoặc phê phán thiếu khách quan đường lối chính sách, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề văn hóa, chính trị. Trước thực tiễn đó, một mặt các công trình nghiên cứu về đường lối, chính sách văn hóa vẫn cần phải tiếp tục bổ sung để bảo đảm tính hệ thống, chuyên sâu, khách quan, khoa học; mặt khác, cần tiếp tục khẳng định chính sách tôn trọng, bình đẳng văn hóa, đảm bảo tính đa dạng về văn hóa của Nhà nước ta. Trên cơ sở những cứ liệu lịch sử và khoa học, phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh chống lại các thế lực trong nước, quốc tế lợi dụng dân chủ, văn hóa, tôn giáo, nhân quyền… để gây nên những bất ổn về xã hội, văn hóa.

Một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu hiện nay là lĩnh vực phát triển văn hóa hay văn hóa và phát triển, mối quan hệ văn hóa và con người, sự phát triển văn hóa và đời sống con người. Phát triển là khái niệm dùng để khái quát những vận động theo chiều hướng tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện. Ở từng lĩnh vực cụ thể đều có những phạm trù riêng, như phát triển kinh tế là quá trình lớn lên, tăng tiến mọi mặt của nền kinh tế; nó bao gồm sự tăng trưởng kinh tế và đồng thời có sự hoàn chỉnh về mặt cơ cấu, thể chế kinh tế, chất lượng cuộc sống…(4)

Các nghiên cứu cũng đưa ra nhận thức lý luận về vai trò của những yếu tố phi kinh tế đối với sự phát triển, với thực tế phát triển ở nước ta, đưa ra nhiều luận giải sâu sắc về bản sắc văn hóa, đặc tính dân tộc, tâm lý của con người Việt Nam; các quan điểm và tư duy mới về các vấn đề thực tại; vai trò, chức năng của văn hóa đối với sự phát triển, xu thế biến đổi cũng như triển vọng của đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa, con người Việt Nam. Như vậy, quan điểm hội nhập văn hóa luôn được nhấn mạnh, là xu hướng tất yếu trên cơ sở xây dựng nền tảng văn hóa (bản sắc văn hóa) vững chắc, để văn hóa luôn trường tồn cùng dân tộc.

Kế thừa và phát triển đường lối văn hóa qua thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã không ngừng hoàn thiện quan điểm, chủ trương về văn hóa, khẳng định văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, hệ điều tiết của sự phát triển kinh tế xã hội, phát triển bền vững.

Cùng với các quan điểm của Đảng, trong nghiên cứu về văn hóa và sự tác động của những tiếp biến và hội nhập văn hóa, những tuyên bố, quan niệm về văn hóa của các tổ chức văn hóa có uy tín trên thế giới đều phải được coi trọng. Tuyên bố phổ quát của UNESCO về đa dạng văn hóa (2001) đã chỉ rõ rằng sự phổ biến rộng rãi của văn hóa và giáo dục vì công lý, tự do và hòa bình là không thể thiếu được đối với phẩm giá con người và tạo nên một nghĩa vụ thiêng liêng mà tất cả mọi quốc gia đều phải thực hiện với một tinh thần giúp đỡ và quan tâm lẫn nhau. Mặt khác, UNESCO cũng tái khẳng định rằng, văn hóa phải nên được nhìn nhận như một tập hợp các nét khác biệt về đời sống tinh thần, vật chất, trí tuệ và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm xã hội, bao gồm ngoài văn học nghệ thuật là lối sống, phương thức chung sống, hệ giá trị, truyền thống và tín ngưỡng trên tinh thần tôn trọng tính đa dạng văn hóa, sự khoan dung, đối thoại, hợp tác tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. UNESCO cũng mong muốn có sự đoàn kết chặt chẽ hơn dựa trên sự thừa nhận đa dạng văn hóa, ý thức về sự thống nhất của loài người và sự phát triển những trao đổi liên văn hóa… Bản Tuyên bố coi đa dạng văn hóa là nhân tố của phát triển, quyền con người là sự bảo đảm cho đa dạng văn hóa, những quyền văn hóa là một môi trường cho phép thực hiện đa dạng văn hóa, tiến đến đa dạng văn hóa cho tất cả mọi người, di sản văn hóa là ngọn nguồn của sáng tạo, chính sách văn hóa là chất xúc tác của sự sáng tạo.

Nghiên cứu về mô hình quản lý văn hóa, so sánh quá trình tiếp biến, hội nhập văn hóa để có được nhận thức đúng về chính sách văn hóa trong bối cảnh mới. Cần lưu ý là, trong quá trình tiếp biến văn hóa – văn minh, hiện tượng cộng sinh văn hóa là một tất yếu, là đặc trưng phổ quát. Thái độ khoan dung văn hóa do UNESCO đề xướng nhằm tạo ra ý thức tôn trọng những khác biệt.

Thế giới đã trở nên hết sức rộng lớn. Khác với các thời đại trước đây, văn hóa Việt Nam hiện nay không chỉ đối thoại, đối diện hằng xuyên với các nền văn hóa châu Á mà còn đối thoại, đối diện với các nền văn hóa đa dạng khác của nhân loại. Ngay cả những nền văn hóa xa xôi nhất cũng có thể mau chóng tác động trực tiếp đến Việt Nam. Không gian văn hóa đã trở nên hết sức rộng mở. Những thách thức, cơ hội và vận hội phát triển của văn hóa dân tộc cũng trở nên thường xuyên, mạnh mẽ, đa dạng hơn.

Song song với quá trình đó, sự xen cài giữa các mô hình, loại hình phát triển của văn hóa phương Đông với văn hóa phương Tây, giữa các quốc gia phát triển với các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển, giữa truyền thống văn hóa của các xã hội nông nghiệp với văn hóa của các xã hội công nghiệp, hậu công nghiệp… đều có thể tác động đồng thời đến văn hóa, xã hội và con người Việt Nam. Những tác động đồng thời của các dòng, khuynh hướng văn hóa đó đến văn hóa Việt Nam một cách tổng thể cũng như từng bộ phận hợp thành của cấu trúc văn hóa như thế nào là một trong những nội dung cần được quan tâm.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thật khó để có thể đưa ra những rào cản khiên cưỡng, duy ý chí về văn hóa để bảo tồn những giá trị thuần khiết của văn hóa dân tộc. Sức mạnh của công nghệ thông tin, truyền thông và các phương tiện giao thông hiện đại đã và đang nối kết các dân tộc, châu lục trên thế giới. Chính vì thế, cần làm rõ những đặc trưng của thời đại mới, của xã hội Việt Nam, vai trò của văn hóa và kinh nghiệm, khả năng ứng đối của con người Việt Nam trước những tác động của quá trình tiếp biến và hội nhập văn hóa.

Thực tế, tiếp biến và hội nhập văn hóa luôn diễn ra đan xen và chồng lớp, quan hệ tương tác, mật thiết với nhau nhưng bao giờ cũng có dòng chảy chính và xu thế chủ đạo. Việc hướng tới những nhận thức đúng, nắm bắt các khuynh hướng vận động, đặc tính cơ bản của văn hóa trong nước, khu vực và thế giới để từ đó đề ra các chính sách phù hợp, làm rõ cơ chế, năng lực hội nhập và thực tiễn đời sống văn hóa ở nước ta hiện nay; tác động của quá trình hội nhập, tiếp biến văn hóa với xã hội Việt Nam cũng như đối với toàn bộ cấu trúc và từng bộ phận hợp thành của cấu trúc văn hóa ấy là hết sức quan trọng.

Xu thế hội nhập – tiếp biến văn hóa có thể diễn ra một cách chủ động, tự nguyện nhưng cũng có thể là xu thế bị động, cưỡng chế, tiếp thu thiếu chọn lọc của một hay nhiều dòng văn hóa. Trong rất nhiều trường hợp, cả hai xu thế đó đều đồng thời diễn ra và đều có tác động đến Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khu vực. Hệ quả là, hiện tượng lệch chuẩn về văn hóa, theo đuổi những biểu hiện văn hóa mới, coi nhẹ các giá trị truyền thống… khiến xã hội Việt Nam hiện nay phải đối diện với những thách thức văn hóa, xã hội nghiêm trọng. Cuộc xung đột văn hóa giữa các thế hệ, nhu cầu thưởng thức, thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền, và giữa các tầng lớp xã hội… là một thực tế đang diễn ra. Trong một thời gian dài, người ta đã quá coi trọng các chiến lược phát triển, ưu tiên cho các mục tiêu kinh tế, coi nhẹ các giá trị văn hóa.

Trong quá trình nghiên cứu, ban hành, thực thi các chính sách phát triển, văn hóa luôn phải được coi là một trong những mục tiêu trọng tâm, gắn liền với sự phát triển. Hơn thế, chủ thể tiếp nhận cũng phải có một thái độ thực sự cầu thị trong việc tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm của các quốc gia khu vực, có trình độ phát triển và đặc trưng văn hóa gần gũi với Việt Nam.

Việc tiếp nhận các loại hình văn hóa mới, bao gồm các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các tư tưởng sáng tạo văn hóa mới, các công nghệ, kỹ thuật, phương pháp, cách thức biểu hiện văn hóa… đều phải được xem xét trong nền cảnh văn hóa dân tộc, xuất phát từ mục tiêu văn hóa và lợi ích dân tộc. Trong điều kiện của nước ta hiện nay, cần thống nhất quan điểm, phát triển nhanh phải luôn gắn liền với phát triển bền vững, yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Việt Nam.

Với một tinh thần cởi mở, việc học tập kinh nghiệm nước ngoài trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách văn hóa có thể rút ra nhiều kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam. Từ những đặc trưng của văn hóa Âu – Mỹ, về phương pháp luận, có thể rút ra những nguyên tắc chung cho việc giải quyết mối quan hệ giữa chính trị và văn hóa. Tuy nhiên, trong khi văn hóa châu Âu coi trọng những giá trị lý tính thì nền văn hóa phương Đông lại chăm lo đến các khía cạnh đạo đức, tình cảm và các giá trị cội nguồn (5).

Ở một khía cạnh khác, trên bình diện khu vực, dường như tương phản với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, như một số quốc gia đang đứng trước hai sức ép văn hóa: tác động của hội nhập văn hóa trong mối quan hệ với hội nhập kinh tế và chính trị tái cấu trúc kinh tế, thách thức của sự tăng trưởng cao… Vì thế, việc tiếp thu (có chọn lọc) những kinh nghiệm của nước ngoài cũng là điều cần thiết để vừa có thể tránh những sai lầm đáng tiếc, vừa có thể tăng trưởng kinh tế, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Trong sự phát triển của Việt Nam hiện nay, Đảng ta luôn coi trọng vấn đề văn hóa, gắn sự phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội và giáo dục. Văn hóa đã được xác định như là đích đến của sự phát triển xã hội, là mục tiêu cao nhất mà dân tộc và nhân loại hướng đến. Các học thuyết về sự phát triển đều coi văn hóa là yếu tố nội sinh đồng thời là động lực của sự phát triển. Như vậy, vượt lên và phát triển cao hơn của bất cứ một chủ thuyết phát triển nào, văn hóa là đích đến, mục tiêu cao nhất của sự phát triển nhân loại.

Để văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu trong toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển, con người phải trở thành trung tâm của chiến lược phát triển đồng thời là chủ thể của sự phát triển. Cùng với việc coi trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng cần khuyến khích sự sáng tạo văn hóa cũng như quyền thụ hưởng văn hóa của nhân dân.

Văn hóa phải thực sự trở thành những nhân tố gắn kết, thấm sâu trong toàn bộ đời sống xã hội, trở thành những nhân tố bền vững nhất của đạo đức, tư duy xã hội. Thấu hiểu văn hóa, văn hóa sẽ truyền dạy cho chúng ta những phương châm sống, hành động hiện tại cũng như trong tương lai.

_______________

1. Tiếp thu những thành quả nghiên cứu này và trong thực tiễn đất nước, các học giả Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc về văn hóa và bản sắc văn hóa Việt Nam như GS Đào Duy Anh, GS Nguyễn Văn Huyên, PGS Phan Ngọc, GS Trần Quốc Vượng…

2. Thấu hiểu vị thế và mối liên hệ giữa các nền văn hóa, văn minh khu vực Đông Bắc Á, trong công trình Nghiên cứu về lịch sử – Một cách thức diễn giải (2002) Arnold Toynbee đã suy tôn một số nền văn hóa khu vực lên thứ bậc văn minh. Theo ông: “Có một mối liên hệ gần gũi hơn nhiều giữa một bên là văn minh Trung Quốc với một bên là văn minh Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Ba nền văn minh này mô phỏng văn minh Trung Quốc, nhưng đã vay mượn văn minh Trung Quốc theo những con đường riêng biệt khá đặc trưng, khiến cho người ta có quyền coi chúng là những nền văn minh riêng biệt – thuộc vào một phân loại (sous-classe) mà chúng ta có thể gọi là những “văn minh vệ tinh” (civilisation satellites).

3. Phạm Xuân Nam, Sự đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa – một góc nhìn từ Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008, tr.85-87.

4. Phát triển xã hội hiện nay được hiểu theo ba quan niệm: 1. Đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế và sự phát triển khoa học, công nghệ; 2. Là sự phát triển của cá nhân và tổ chức xã hội mà cá nhân đó đang sống; 3. Là sự phát triển tổng hợp đời sống vật chất và tinh thần của cá nhân và cộng đồng…

5. T.L.Friedman: Chiếc Lexus và cây Oliu – Toàn cầu hóa là gì?, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005; F.Fukuyama, The End of History and the Last Man, Pree Press, 1992 Albert Einstein từng cho rằng nền văn hóa Âu – Mỹ tạo ra lượng của cải lớn nhưng nó lại xem nhẹ nền tảng đạo đức; hay ý kiến khác cảnh báo toàn cầu hóa chỉ là một quá trình Mỹ hóa, vì nó đẻ ra thứ văn hóa fastfood.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 356, tháng 2-2014

Tác giả : Nguyễn Văn Kim – Nguyễn Mạnh Dũng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *