Văn hóa việt nam đương đại, một góc nhìn

Công cuộc đổi mới đất nước đến nay đã có một khoảng thời gian gần 30 năm kinh nghiệm để từ đó Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhìn lại tiến trình xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Bước sang TK XXI, đặc biệt là từ năm 2014, đất nước ta bước vào giai đoạn tăng tốc cho sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, diện mạo văn hóa Việt Nam đã có những đổi thay đáng kể.

1. Diện mạo mới của văn hóa Việt

Những làn sóng giao lưu văn hóa tràn ngập đời sống xã hội

Vừa qua, gương mặt văn hóa Việt Nam đã khởi sắc trong quá trình giao lưu hội nhập văn hóa với quốc tế và khu vực. Không khí khoáng đạt cởi mở của sự nghiệp đổi mới đã tràn ngập trong đời sống văn hóa xã hội Việt Nam. Văn hóa nước ta đã phát triển cả bề rộng và bề sâu trên cơ sở phát huy những giá trị truyền thống, tiếp nhận và biến đổi những tinh hoa văn hóa nhân loại. Song song với điều đó, nền văn hóa Việt Nam cũng đang tự sản sinh ra những giá trị mới phù hợp với xã hội hiện đại và quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra sôi động khắp nơi trên thế giới.

Nếu như trong những thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước, giao lưu văn hóa Xô – Việt chiếm ưu thế tuyệt đối trên mảnh đất văn hóa Việt Nam thì vào những năm cuối TK XX đầu TK XXI, giao lưu văn hóa Việt – Hàn, văn hóa Việt – Trung, văn hóa Việt với văn hóa phương Tây ngày càng sôi động trên phạm vi toàn bộ đời sống văn hóa cả nước. Trong hàng thập kỷ, văn hóa thẩm mỹ, văn hóa nghệ thuật, văn hóa tiêu dùng của Hàn Quốc, Trung Quốc đã tác động rất mạnh đến Việt Nam. Kinh tế hàng hóa Hàn Quốc và Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam từ thành thị đến nông thông, từ miền núi đến hải đảo xa xôi, đâu đâu cũng có thể nhận thấy ảnh hưởng một lối sống tiêu dùng Hàn Quốc. Hàng hóa của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây đã trở thành kỷ vật bảo tàng thời bao cấp. Trong lĩnh vực nghệ thuật, giao lưu văn hóa bản địa với văn hóa bên ngoài diễn ra phong phú. Trên thực tế, phim Hàn Quốc đã tiến vào Việt Nam trước một bước để hàng hóa tiêu dùng vào sau, khi đã có được sự quảng cáo rầm rộ, khôn khéo. Hóa mỹ phẩm Hàn Quốc, cách làm đẹp theo kiểu Hàn, chụp ảnh Hàn Quốc, chăn đệm Hàn Quốc, thuốc Đông dược, nhân sâm xứ sở Kim chi tràn ngập thị trường Việt. Các vũ điệu Audition quay tít trên truyền hình lôi cuốn lớp trẻ 8X, 9X. Các thần tượng điện ảnh ca nhạc xứ Hàn lần lượt đến Việt Nam gặp gỡ các fan hâm mộ. Chưa bao giờ mà hóa mỹ phẩm Hàn Quốc lại tràn ngập thị trường Việt Nam như trong thời gian qua. Trên song truyền hình, điện ảnh phim Mỹ, Hàn Quốc… chiếm một thời lượng khá lớn và tác động đến thị hiếu thẩm mỹ của đông đảo công chúng trẻ tuổi. Việc du nhập bản quyền các chương trình, vui chơi giải trí nước ngoài như Bước nhảy hoàn vũ, Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn, Gương mặt thân quen… làm sôi động thị trường văn hóa Việt, nhen nhóm cảm xúc thẩm mỹ cho công chúng hiện đại cũng như những người sản xuất chương trình.

Sự đan cài giữa văn hóa đô thị và văn hóa nông thôn

Bước sang TK XXI, quá trình đô thị hóa diễn ra khắp nơi trên đất nước. Thành phố nhỏ thì quy hoạch lớn hơn để trở thành trung tâm đô thị của một tỉnh. Thị xã thì lên thành phố. Thị tứ thì lên thị trấn. Phố nhỏ thì thành thị tứ. Lối sống đô thị tràn về nông thôn. Người nông thôn bỏ ra đô thị để đô thị hóa thành người thành phố. Người thành phố thì về nông thôn để mua đất xây biệt thự nhà vườn, nhà nghỉ cuối tuần hoặc chờ thời cơ đất lên giá bán, kiếm lợi. Nông thôn biến đổi theo kiểu phố ở trong làng. Còn ở thành thị, những ngôi đình làng trên phố thường bị bao vây bởi vành đai chiếm dụng đất của những người dân xung quanh. Sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn thu hẹp dần. Người dân ở những chung cư cao tầng hiện đại vẫn có thói quen nông nghiệp, văn hóa làng quê trong ứng xử. Công tác quản lý đô thị ngày càng khó khăn bởi làn sóng di dân tự do lan rộng. Thành thị trở thành thị trường cho tầng lớp thị dân mới gốc nông thôn, ngày ngày hòa nhập vào dòng người đông đúc đi vào thành phố.

Văn hóa gia đình trước những thách thức mới

Hiện nay, văn hóa gia đình đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Trẻ em sinh ra và lớn lên không có nhiều cơ hội gắn bó với cha mẹ như trước đây. Tình trạng cha mẹ đi sớm về khuya, không biết con cái ăn uống và lớn lên như thế nào đang diễn ra phổ biến. Tất cả phó mặc cho nhà trường mầm non hoặc người giúp việc. Tình cảm của con cái đối với cha mẹ đã có những khác biệt. Xu hướng cá nhân, cá thể hóa của con người đang hình thành. Một đứa trẻ sinh ra có thể gắn bó với nhũ mẫu hoặc người giúp việc nhiều hơn với cha mẹ. Hiện tượng mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ đang dần trở thành phổ biến. Để giữ dáng đẹp cho bộ ngực, nhiều người mẹ trẻ đã nuôi con bằng rất nhiều loại sữa ngoại đắt tiền. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì ngày càng gia tăng ở trẻ em (do sự hiểu biết nông cạn, một chiều về chế độ dinh dưỡng). Tuy nhiên điều đáng lưu tâm hơn là sự giao cảm mẹ con không thể được như trước.

Theo một tổng kết triết lý của dân gian thì trong gia đình truyền thống Việt Nam xưa không thể thiếu được ba âm thanh quen thuộc: tiếng ho của người già, tiếng trẻ thơ nô đùa tiếng ru của người mẹ. Ngày nay trong xã hội hiện đại, người ta chăm sóc và nuôi dạy trẻ em khoa học hơn, tốt hơn về mặt thể chất, nhưng về mặt tâm hồn và trí tuệ đang có những thách thức mới. Trẻ em ở thành phố hiện nay đang bị bủa vây bởi lối sống hưởng thụ và phụ thuộc, cách biệt với thiên nhiên và chịu nhiều sức ép tâm lý.

Văn hóa nghệ thuật đang biến đổi theo xu hướng hiện đại

Văn hóa nghệ thuật nước ta trong gần 30 năm qua đã có nhiều biến động. Nghệ thuật và công chúng đã gắn bó với nhau hơn theo quy luật cung cầu điều tiết một cách tự nhiên. Trên thị trường âm nhạc, thị trường sách, công chúng đã bày tỏ thị hiếu của mình thông qua lượng băng đĩa nhạc, lượng sách xuất bản được tiêu thụ. Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ… bắt đầu sáng tạo căn cứ vào những vấn đề xã hội cần chứ không chỉ viết về những gì họ có, thậm chí họ sáng tác theo đơn đặt hành của nền thị trường văn hóa phẩm. Tác phẩm nghệ thuật ra đời vô cùng phong phú nhưng công chúng vẫn chờ đợi những tác phẩm tầm cỡ hơn.

Công tác in ấn xuất bản phát hành đã được tổ chức quy mô trên phạm vi cả nước, có tác dụng thâm nhập sâu rộng vào cộng đồng văn hóa đọc Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta đảm bảo tự do sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ, khuyến khích tìm tòi những phương pháp sáng tác có hiệu quả nhất để làm ra tác phẩm cập nhật với nhu cầu công chúng hiện đại. Văn hóa nghệ thuật đã có những chuyển biến theo hướng hiện đại hóa. Nhiều tác phẩm nghệ thuật là kết quả của giao lưu văn hóa nghệ thuật với nước ngoài. Điều đáng tiếc là vẫn còn khá nhiều hiện tượng sao chụp copy máy móc những gì ngoại lai chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc

Văn hóa thông tin đa dạng, phong phú, cập nhật với thế giới đương đại

Chưa bao giờ văn hóa thông tin lại phát triển rầm rộ cả về số lượng và chất lượng như trong gần 30 năm qua. Các loại hình thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản sách, internet, thông tin quảng cáo, băng đĩa hình âm thanh… tràn ngập trong đời sống văn hóa tinh thần của toàn xã hội. Văn hóa thông tin đã làm cho đời sống con người trở nên nhạy cảm hơn thế kỷ trước rất nhiều. Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng người sử dụng internet tăng rất nhanh trong một thời gian ngắn. Hiện nay nước ta có khoảng 31 triệu người thường xuyên sử dụng internet có đăng ký thuê bao (1).

Con người có nhu cầu chính đáng là nhu cầu thông tin bức thiết hàng ngày. Sự ra đời của hàng trăm tờ báo, hàng chục nhà xuất bản, của vô vàn nhưng bloger trên internet đã phản ánh điều đó. Xã hội hiện đại là xã hội thông tin, một xã hội thông tin mở đa chiều, có thể giúp người ta nắm bắt tình hình cuộc sống nhanh chóng. Con người Việt Nam TK XXI đang được phát triển theo hướng dân chủ hóa đời sống xã hội, trực tiếp tham gia đóng góp xây dựng đất nước, luôn cập nhật thông tin với thế giới hơn hẳn so với các thế hệ người Việt trong TK XX.

2. Những tác động của văn hóa đối với xã hội

Văn hóa tác động đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Giao lưu văn hóa trong quá trình toàn cầu hóa đã tạo ra một cú hích thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Trên toàn đất nước, quá trình đô thị hóa diễn ra rầm rộ. Nhiều thành phố mới được thành lập, quy hoạch tạo ra gương mặt mới của cuộc sống hiện đại. Trong mọi ngành nghề diễn ra quá trình chuyển giao công nghệ, thành lập những công ty, những tập đoàn kinh tế với những quy mô chiến lược lớn, đang vươn tới sự cạnh tranh với kinh tế thế giới ở hiều mức độ khác nhau. Sự đầu tư của nước ngoài, tác động của văn hóa kinh doanh trên phạm vi toàn cầu đã buộc kinh tế trong nước phải vươn lên, phải hiện đại hóa toàn bộ dây chuyền sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm về nội dung và hình thức với giá cả cạnh tranh. Cả đất nước là một công trường lớn. Đâu đâu cũng diễn ra hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

Văn hóa tác động đến sự nghiệp giáo dục đào tạo

Ngay từ sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhằm xây dựng một nước Việt Nam mới, Hồ Chí Minh đã đề ra phong trào diệt giặc đói, giặc dốtgiặc ngoại xâm, ba thứ giặc nguy hiểm đối với hành trình lịch sử của dân tộc. Đánh giặc dốt là một quá trình lâu dài gian khổ không kém gì đánh giặc đói, giặc ngoại xâm. Thậm chí ngày nay, khi giặc ngoại xâm đã bị đẩy lùi, quá trình xóa đói giảm nghèo đang được thực hiện một cách thuyết phục thì vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài vẫn đang ở trong lộ trình nhiều khó khăn thử thách. Phát triển giáo dục đào tạo là một sự nghiệp to lớn, đòi hỏi toàn Đảng toàn dân và toàn quân phải đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi thách thức do toàn cầu hóa, giao lưu hội nhập với quốc tế và khu vực đem lại.

So sánh văn hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo trên trường quốc tế và khu vực, kết hợp với tình hình yêu cầu thực tiễn cần chấn hưng phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước đã khiến cho các nhà quản lý giáo dục nước ta phải suy nghĩ tìm các giải pháp chiến lược xây dựng phát triển giáo dục nước nhà. Những mô hình giáo dục của các nước phát triển trở thành những gợi ý quan trọng cho việc hoạch định chiến lược phát triển lâu dài sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Văn hóa học đường của nước ta đang có những biến động lớn. Hoạt động dạy và học đang được đổi mới tích cực về chương trình và phương pháp giảng dạy. Mô hình giáo dục của nước ta đang có những biến động. Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục có những ý tưởng và chính sách mới để nâng cao chất lượng dạy và học. Gần đây Đảng và Nhà nước đã kiên quyết xóa bỏ bệnh vị thành tích trong giáo dục. Cuộc vận động Hai không đã bước đầu chấn chỉnh lại hệ thống giáo dục quốc dân. Ngành giáo dục và đào tạo cả nước đã tổ chức thi cử nghiêm túc, chất lượng, dám nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục những sai lầm thiếu sót, nhằm đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo chuyển hướng tích cực, đạt nhưng thành tựu mới.

Văn hóa tác động đến lĩnh vực y tế cộng đồng

Bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng dân tộc là một nhiệm vụ to lớn mà ngành y tế đảm nhiệm. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đang được xây dựng và thể nghiệm trên đất nước ta, ngành y tế đã đưa ra những vấn đề y đức cần thiết để củng cố uy tín và trách nhiệm của nhân viên y tế ở cơ sở và cộng đồng. Những điều y đức của thày thuốc luôn được tuyên truyền quảng bá rộng rãi có tác dụng nhắc nhở ngành y tế về đạo đức của thày thuốc, giúp cho hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân tăng thếm chất lượng và hiệu quả. Theo yêu cầu của cuộc sống hiện đại, chất lượng phục vụ của ngành y tế ngày càng được nâng cao cho phù hợp với tiến bộ khoa học y học thế giới. Các cơ sở khám chữa bệnh từ trung ương đến địa phương đã không ngừng được đầu tư về trang thiết bị y tế hiện đại. Nhằm đáp ứng nhu cầu chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho con người, đồng thời giảm tải cho y tế công lập, các mô hình bệnh viện bán công, dân lập, tư nhân đã xuất hiện. Đây là diện mạo rất mới của ngành y tế nước ta.

Văn hóa tác động đến thay đổi tâm lý và tập quán xã hội, hình thành lối sống, nếp sống mới

Sau Cách mạng tháng Tám, nhằm xây dựng một chế độ xã hội mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện đời sống mới trong cán bộ và nhân dân với phương châm: Cần, kiệm, liêm, chính, là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc (2). Đó là bốn chuẩn mực của đạo đức cách mạng, là mục tiêu tu dưỡng tư tưởng, đạo đức và lối sống của cán bộ và nhân dân ta thời kỳ này. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, cuộc vận động xây dựng đời sống mới được đổi thành công tác xây dựng nếp sống mới. Ban Nếp sống mới được thành lập từ trung ương đến các địa phương. Nội dung phong trào xây dựng nếp sống mới là thực hiện các việc cưới, việc tang, các ngày giỗ, ngày tết, ngày hội theo lối mới, đồng thời hướng dẫn cuộc đấu tranh chống các hiện tượng mê tín, đồi phong bại tục.

Để chuyển đổi cho phù hợp với tình hình xây dựng đất nước thời kỳ thống nhất cả hai miền Nam Bắc, Ban Nếp sống mới từ trung ương đến xã đã giải thể vào cuối những năm 80 TK XX trước thời kỳ đổi mới (1986). Từ đầu những năm 80 TK XX trở đi, trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng thường xuất hiện các cụm từ: Xây dựng đời sống văn hóa, lối sống văn hóa nếp sống văn hóa (3). Có thể hiểu từ văn hóa trong các cụm từ nêu trên là chỉ phẩm chất ưu việt : đời sống văn hóa có nghĩa là đời sống cao đẹp, là đời sống có giá trị văn hóa nhân văn.

Lối sống của xã hội nước ta trong khoảng 30 năm qua đã có những biến động. Từ cuộc sống của thời bao cấp thiếu thốn, con người Việt Nam bước vào nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Chưa bao giờ hàng hóa tiêu dùng lại phong phú như bây giờ. Hàng ngoại, hàng nội tràn ngập đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cả xã hội.

Ngoài những ảnh hưởng tích cực như nâng cao đời sống cho con người, nền kinh tế hàng hóa đã làm hình thành một tâm lý tiêu dùng, làm xuất hiện văn hóa tiêu dùng. Khách hàng là thượng đế, được phục vụ đến tận nhà và theo yêu cầu. Đi mua sắm là một thói quen, một sở thích phổ biến trong xã hội. Điều đáng chú ý là thói quen sử dụng đồng tiền như một uy lực trở thành quan niệm sống của một bộ phận nhóm người trong xã hội. Thói quen xa hoa lãng phí cũng bắt đầu xuất hiện ở một bộ phận con người phất lên giàu có nhờ những biến động ăn may của kinh tế hàng hóa. Nhiều loại thị trường xuất hiện đa dạng: thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, thị trường bất động sản, thị trường chăm sóc sức khỏe, thị trường chứng khoán, thị trường lao động việc làm… Phân cực giàu nghèo diễn ra ngày càng rõ rệt trong cộng đồng xã hội. Sau khi gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam gắn bó sâu sắc hơn với kinh tế thế giới về nhiều mặt. Nguyên tắc bình thông nhau đã làm cho kinh tế nước ta cùng sôi động cùng thế giới. Lối sống cạnh tranh, tiêu dùng hưởng thụ của phương Tây có dịp tràn lan ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần con người Việt Nam.

Văn hóa tác động đến việc chống tiêu cực và tệ nạn xã hội,đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội

Văn hóa với những vẻ đẹp chân, thiện, mỹ có vai trò to lớn tác động đến tư tưởng tình cảm của con người, từ đó điều chỉnh hành vi của con người và toàn xã hội. Văn hóa thông tin truyền thông của nước ta có vai trò to lớn trong việc tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với từng người dân từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đất liền đến hải đảo xa xôi. Công tác phát thanh truyền hình, báo chí và xuất bản đã phát triển rầm rộ, đảm bảo dòng thông tin chủ lưu, hình thành dư luận xã hội và công luận. Văn hóa thông tin đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng. Nhiều nhà báo đã dũng cảm đấu tranh chống các tệ nạn xã hội. Báo chí, phát thành truyền hình đã đóng góp tích cực vào việc xây và chống trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, có tác dụng giáo dục và xây dựng con người trong tình hình mới.

Văn hóa nghệ thuật đương đại đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng tình cảm, thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ, nhất là thế hệ 8X và 9X. Phim ảnh thế giới và Việt Nam được trình chiếu trên thị trường đã tác động nhiều đến đến quan niệm thẩm mỹ, quan niệm hôn nhân và hạnh phúc gia đình của công chúng hiện đại.

Văn hóa ẩm thực, văn hóa ăn, văn hóa mặc… của người Việt hiện đại mang nhiều sắc màu văn hóa Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Hiện nay, tại thị trường phim ảnh Việt Nam có ba dòng phim mà bất cư người dân nào cũng biết. Đó là phim tâm lý tình cảm Hàn Quốc, phim dã sử chiến tranh phong kiến của Trung Quốc và phim hành động của Mỹ. Trên phim ảnh, văn hóa y phục, văn hóa ẩm thực nước ngoài thâm nhập một cách tự nhiên vào lối sống của lớp trẻ hiện nay. Thêm nữa, văn hóa thông tin quảng cáo thông qua các hình thức tuyên truyền vận động rất phong phú như phát thanh, truyền hình, tranh cổ động, băng rôn, khẩu hiệu, quảng cáo… đã đưa rất nhiều thông tin về những ảnh hưởng xấu của tệ nạn xã hội có tác dụng nhắc nhở cảnh báo cho con người. Đây là việc làm rất tốt trong lĩnh vực văn hóa tuyên truyền vận động, có tác động tích cực trong đời sống cộng đồng, góp phần không nhỏ đến việc ngăn ngừa đại dịch HIV, nghiện hút ma túy đã làm suy yếu cộng đồng xã hội.

Văn hóa tác động đến vấn đề lao động việc làm

Hệ giá trị văn hóa doanh nhân đất Việt đã đánh thức lương tri của các doanh nhân nước nhà trong suy nghĩ và hành động. Giờ đây nhiều doanh nhân đã không ngại ngần bộc lộ khát vọng cao cả của họ. Việc kinh doanh không chỉ thuần tuý là làm giàu cho cá nhân mà con đem lợi ích đến cho con người, cho cộng đồng dân tộc, cho nhân dân. Tổ chức kinh doanh là tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần ổn định kinh tế xã hội, xây dựng đất nước.

Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam được thành lập và hoạt động rất tốt nhằm xây dựng và định hướng cho tầng lớp doanh nhân nước ta những mục đích trước mắt cũng như lâu dài. Bên cạnh lợi ích vật chất kinh tế là những lợi ích văn hóa xã hội, góp phần xây dựng tổ quốc. Văn hóa nghệ thuật nước ngoài đã quảng bá hình ảnh thị trường lao động của các nước đó đã góp phần tạo ra một xu hướng đi lao động xuất khẩu nhằm tìm kiếm cơ hội làm giàu đối với nhiều người.

Văn hóa tác động đến nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là nền kinh tế thị trường văn minh, lấy mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh để phấn đấu, luôn chú trọng đến lợi ích của con người, lợi ích của dân tộc, đất nước, chứ không chỉ đơn thuần cạnh tranh thuần túy. Phải nói ngay rằng văn hóa không đẻ ra kinh tế thị trường, nhưng văn hóa có vai trò là bà đỡ cho nền kinh tế thị trường văn minh ra đời trên cơ sở hoàn thiện hệ thống đạo lý và pháp lý trong xã hội. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, con người được tự do phát triển tài năng trí tuệ, phát huy các sáng kiến trong lao động, trong kinh doanh, phát triển sản xuất. Nhiều tấm gương doanh nhân đất Việt vượt khó, xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều cơ hội công ăn việc làm cho con người, làm giàu cho bản thân và cũng là làm giàu cho xã hội, làm giàu cho tổ quốc. Tiêu biểu là các doanh nhân Tổng giám đốc tập đoàn Viettel, Tổng giám đốc cà phê Trung Nguyên, Tổng giám đốc tập đoàn Hannaka, Tổng giám đốc tập đoàn FPT… đã đi lên từ gian khó, xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế, đem hình ảnh Việt Nam ra thị trường quốc tế, đem lại lợi ích cho đất nước.

Văn hóa đã tác động đến việc hình thành nhân cách cho con người, xây dựng đạo lý và những hiểu biết pháp lý cho con người Việt Nam trong quá trình giao lưu hội nhập kinh tế quốc tế.

Văn hóa tác động đến hoạt động vui chơi, giải trí

Hoạt động vui chơi giải trí là một nhu cầu bức thiết trong xã hội hiện đại. Với nhịp độ căng thẳng của cuộc sống ngày nay, hầu như con người bị chóng mặt bởi guồng quay của nền sản xuất cũng như sức ép công việc. Chính vì thế, con người có nhu cầu nghỉ ngơi giải trí, qua đó được thư giãn, giải tỏa tinh thần, góp phần tái sản xuất ra sức lao động. Hiện nay theo pháp luật quy định, người lao động được nghỉ hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Đó là hai ngày nghỉ cuối tuần. Sử dụng hai ngày này như thế nào là vấn đề mà ngành văn hóa giải trí phải đi tìm câu trả lời. Trên thực tế, ngành công nghiệp văn hóa đã có những tác động mạnh mẽ đối với việc nâng cao đời sống cho con người. Những tụ điểm vui chơi giải trí như công viên cây xanh, công viên nước, công viên vườn thú, công viên danh lam thắng cảnh do con người tạo ra đã xuất hiện phong phú trên địa bàn cả nước. Tại miền Nam đã xuất hiện những trung tâm vui chơi giải trí như công viên Đầm Sen, Suối Tiên, Đại Nam. Miền Bắc có công viên nước Hồ Tây, công viên Thủ Lệ, công viên Thống nhất, Thiên đường Bảo Sơn gần đại lộ Láng Hòa Lạc, Royal city…

Văn hóa du lịch phát triển rất mạnh trong mấy năm qua. Du lịch Việt Nam xuất hiện trong những vẻ đẹp tiềm ẩn đối với thế giới. Việt Nam là điểm đến an toàn hấp dẫn với du khách nước ngoài. Chưa bao giờ hoạt động vui chơi giải trí được phát triển phong phú hấp dẫn như thời gian qua, tiêu biểu là Festival Huế, Carnaval Hạ Long, thi hoa hậu hoàn vũ ở Vinpearl Land Nha Trang… Trên các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh truyền hình, báo ảnh, rạp hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc, tụ điểm ca nhạc… xuất hiện nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật thiết thực giúp cho việc giải trí của con người.

Đời sống văn hóa tinh thần được xã hội chú trọng khiến con người được tiếp xúc nhiều hơn với tinh hoa văn hóa trong và ngoài nước. Chưa bao giờ con người Việt Nam lại được cập nhật với thế giới sâu và rộng như ngày nay. Văn hóa thông tin đã thiết thực nâng cao thị hiếu cho công chúng hiện đại trong việc giải trí. Truyền hình kỹ thuật số và truyền hình cáp đã tạo ra phông văn hóa vô cùng rộng lớn của thế giới, giúp cho con người Việt Nam không còn xa lạ hay mặc cảm với văn hóa nước ngoài như trong TK XX. Ngày nay, ở nước ta, hầu như không còn hiện tượng người Việt Nam nhòm ngó, nhìn tò mò, quan sát người nước ngoài một cách khiếm nhã như trước đây.

Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển của đất nước trong hơn 30 năm qua, chúng ta nhận thấy, văn hóa luôn có tác động đến việc giải quyết các vấn đề xã hội. Tác động lớn nhất của văn hóa là tác động đến lương tri đạo đức của con người, hình thành đạo lý xã hội, hoàn thành hệ thống hành lang pháp lý cho xã hội, tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. Văn hóa có thể làm thay đổi hành vi con người một cách tự nguyện, tự giác, tự nhiên từ bên trong, bồi dưỡng cho con người những tình cảm cao đẹp, nhân văn trong sáng. Văn hóa xây dựng niềm tin, tình yêu và khát vọng cho con người hướng về những gì cao cả nhân văn tốt đẹp, thánh thiện. Văn hóa xây dựng cho con người niềm tự hào về quá khứ anh hùng của ông cha ta, về những phẩm chất tốt đẹp của người Việt được hun đúc kết tinh và tỏa sáng trong mấy ngàn năm lịch sử vĩ đại. Từ đó văn hóa xây dựng cho các thế hệ con người Việt Nam lòng tự trọng danh dự về dân tộc, giống nòi.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế đang được xây dựng trên đất nước ta, văn hóa không còn là kết quả thụ động thuần túy của kinh tế. Trong văn hóa có kinh tế, trong kinh tế có văn hóa. Muốn giải quyết các vụ việc phát sinh trong đời sống xã hội, rất cần tận dụng sức mạnh của văn hóa để đấu tranh chống những tiêu cực trong xã hội, nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Muốn văn hóa phát huy được các chức năng xã hội, điều chỉnh hành vi con người, cần phải kể đến vai trò của các chủ thể văn hóa. Trước hết là chủ thể định hướng: đó chính là vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý nhà nước và các cơ quan chức năng. Văn hóa có mối quan hệ gắn bó với chính trị. Sự phát triển của văn hóa rõ ràng rất cần đến vai trò của chủ thể định hướng. Để giao lưu và tiếp biến với văn hóa nhân loại, rất cần đến tầm đón nhận của các chủ thể văn hóa, đặc biệt là vai trò của chủ thể định hướng. Tuy nhiên, lựa chọn tiếp nhận, biến đổi, phát triển tinh hoa văn hóa nhân loại như thế nào còn tùy thuộc và trình độ tiếp nhận của chủ thể văn hóa trong một quốc gia dân tộc. Bên cạnh chủ thể định hướng còn có vai trò của chủ thể tiếp nhận và sáng tạo các giá trị văn hóa trên cơ sở giao lưu với văn hóa nước ngoài. Đây là vai trò của quần chúng nhân dân, chủ nhân của một nền văn hóa, liên tục tham gia thưởng thức và sáng tạo các thành quả văn hóa. Khi nhân dân tiếp nhận và quảng bá văn hóa thì văn hóa mới thấm sâu vào các cộng đồng dân cư, thấm sâu vào tâm hồn và trí tuệ con người Việt Nam. Và như vậy văn hóa Việt sẽ sống mãi trong ký ức cộng đồng xã hội cùng thời gian vô tận của lịch sử, định vị một cách vững chắc hệ giá trị văn hóa dân tộc đến mai sau.

_______________

1. Theo báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 26-12-2013, số lượng người Việt Nam sử dụng internet là 31 triệu người.

2. Hồ Chí Minh, Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr.231.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1981.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 362, tháng 8-2014

Tác giả : Nguyễn Toàn Thắng

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *