An ninh văn hóa ở các tỉnh trung du, miền núi phía bắc

Trong hệ vấn đề về phát triển hiện nay, tầm quan trọng của văn hóa được nhân loại nói chung và các quốc gia nói riêng ghi nhận là mục tiêu, động lực, hệ điều tiết phát triển. An ninh văn hóa là vấn đề được tiếp tục đặt ra trong các vấn đề về an ninh con người. An ninh văn hóa cần được xem xét từ tất cả các khía cạnh xây dựng nội lực, cũng như xử lý các nguy cơ nhằm triệt tiêu các mối đe dọa, giảm thiểu mức độ tổn thương của quốc gia, cộng đồng trên phương diện văn hóa. Trong đó, lấy vấn đề xây dựng nội lực làm chính và dài lâu nhằm đảm bảo các mục tiêu tầm gần, tầm xa, từ các vấn đề nội tại bên trong đến việc xử lý các vấn đề từ bên ngoài; lấy sự phát triển của con người là vấn đề chính trong xây dựng các điều kiện đảm bảo an ninh văn hóa cộng đồng.

 

         1. Những kết quả đạt được về an ninh văn hóa tại các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc hiện nay

Khái quát về các tỉnh trung du miền núi phía Bắc

Vùng trung du miền núi phía Bắc nước ta gồm 15 tỉnh là Phú Thọ (vùng trung du), Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái (vùng Tây Bắc), Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Quảng Ninh (thuộc vùng Đông Bắc). Tổng diện tích tự nhiên là 95.339km2, dân số 11,17 triệu người, chiếm 28,8% về diện tích tự nhiên và 12,9% về dân số cả nước. Phần biên giới nước ta trải dài trên 7 tỉnh miền núi phía Bắc bao gồm Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La.

Địa hình khu vực trung du miền núi phía Bắc gồm một hệ thống đồi núi và cao nguyên rộng lớn như Mộc Châu, Sơn La và các thung lũng, bồn địa như Than Uyên, Mường Lò, Mường Thanh…, các bãi bồi ven sông, suối có độ phì nhiêu cao thích hợp cho việc trồng lúa nước. Đồng thời, các thung lũng, thềm sông cũng là những điểm tụ cư tự nhiên trong quá trình di cư từ vùng núi cao xuống vùng châu thổ. Toàn bộ khu vực trung du miền núi phía Bắc nằm trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa. Thời tiết chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô.

Các tỉnh trung du miền núi phía Bắc có mật độ tộc người hết sức dày đặc. Ngoài người Kinh, có 30/53 tộc người thiểu số (bằng 56,6% số tộc người sinh sống trên đất nước Việt Nam). Không gian tộc người ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc chia thành 3 vùng khá rõ rệt. Vùng rẻo cao (đỉnh núi) là nơi cư trú của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Mông – Dao gồm các tộc người Mông, Dao, Pàthẻn; nhóm ngôn ngữ Tạng Miến gồm các tộc người Hà Nhì, Phù Lá, La Hủ, Lô Lô, Cống, Si La. Vùng rẻo giữa (sườn núi) là nơi cư trú của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme bao gồm các tộc người Khơmú, Xinhmun, Mảng, Kháng. Vùng thung lũng (chân núi) là nơi sinh sống của các nhóm ngôn ngữ Việt – Mường bao gồm các tộc người Việt, Mường, Chứt, Thổ; nhóm Tày – Thái bao gồm các tộc người Tày, Thái, Nùng, Sán Chay, Giáy, Lào, Lự, Bố Y; nhóm ngôn ngữ Kađai gồm các tộc người Cờ Lao, La Chí, La Ha, Pu Péo; nhóm ngôn ngữ Hán bao gồm các tộc người Hoa, Sán Dìu và Ngái. Riêng người Hoa sinh sống ở cả nông thôn và thành thị. Người Ngái sống phân tán ở các tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên. Người Sán Dìu sống tập trung ở vùng trung du Bắc Bộ, phía đông tả ngạn sông Hồng.

Về mặt lịch sử văn hóa – xã hội, sự xuất hiện tộc người và tổ chức tộc người các tỉnh miền núi phía Bắc là hệ quả yếu tố tự nhiên (chủng tộc) và xã hội (ngôn ngữ – văn hóa). Việc hình thành các nhân chủng Mông – Dao, Tạng Miến, Môn – Khơme, Việt – Mường, Tày – Thái, Kađai, Hán gắn với ngôn ngữ, văn hóa, địa vực cư trú ở miền núi phía Bắc là quá trình phức tạp, liên tục từ những con đường khác nhau. Các phương thức sống khác nhau đã hình thành nên những lối sống, cách thức sinh hoạt và dạng thức đặc trưng văn hóa khác nhau. Từ đó, các cộng đồng tộc người được hình thành với tư cách là một thiết chế, tổ chức xã hội đặc trưng có ngôn ngữ và văn hóa riêng được biểu hiện ở hệ giá trị bao gồm văn hóa sản xuất (phương thức sản xuất, công cụ, các nghề truyền thống), văn hóa vật chất (nhà ở, trang phục, ẩm thực…), văn hóa xã hội (phong tục, tập quán, hôn nhân và gia đình…), văn hóa tinh thần (các giá trị văn chương, sử thi, tôn giáo, tri thức, tín ngưỡng, tôn giáo…). Đây cũng là vùng có nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng, các địa danh nổi tiếng có tiềm năng để phát triển du lịch như Điện Biên Phủ, nhà tù Sơn La, hang Pắc Bó, Tân Trào, hồ Núi Cốc, Ba Bể, Cẩm Sơn, Thác Bà, Sa Pa, Tam Đảo, Đại Lải…

Về tâm linh, tín ngưỡng, những tộc người thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của hệ thống triết lý âm dương (về phương pháp tư duy), các hệ lịch (những tri thức trong ứng xử với thiên nhiên) và những triết lý sống trong đối nhân xử thế (những tri thức trong ứng xử xã hội) thể hiện rõ tính chất nông nghiệp Đông Nam Á. Những quan niệm có tính phổ biến, chi phối sâu sắc đời sống của hầu hết các tộc người thiểu số miền núi phía Bắc là tin vào thế giới thần linh, cho rằng vạn vật hữu linh, có rất nhiều thần, hồn người, hồn lúa, ma quỷ… Hiện nay, về cơ bản, hệ thống triết lý âm dương vẫn có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống của đồng bào.

Về phát triển kinh tế xã hội, bên cạnh những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, trong quá trình đổi mới, giai đoạn 2006-2010 tăng trưởng GDP của vùng đạt 10,5%; giai đoạn 2011-2015 dự kiến đạt 7,5%. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, kinh tế các tỉnh trung du miền núi phía Bắc sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trên 8%, GDP bình quân đầu người khoảng 2.000 USD. Cơ cấu kinh tế cần được chuyển dịch để đảm bảo đến 2015 tỷ trọng nông lâm thủy sản trong GDP của vùng là 27%, công nghiệp – xây dựng 34% và dịch vụ 38,9%. Về xã hội, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3-4%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65% vào năm 2020. Củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở, phấn đấu phủ sóng truyền hình mặt đất cho 100% dân cư vào năm 2015… Hàng loạt các dự án giao thông lớn như đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lào Cai và Hà Nội – Lạng Sơn đã và đang được hoàn thành, thúc đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước nói chung.

Sự đảm bảo an ninh trên phương diện văn hóa – tư tưởng

An ninh văn hóa – tư tưởng là phần cốt lõi cơ bản nhằm bảo đảm sự ổn định chính trị xã hội và đời sống cộng đồng. Trải trên một địa bàn rộng bao gồm nhiều vùng biên giới và cửa khẩu, các địa phương đã ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của những thế lực thù địch, phần tử xấu, kiềm chế được hoạt động tội phạm về ma túy, buôn bán người, di cư tự do, xuất cảnh trái phép; không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ hay các điểm nóng về an ninh, trật tự. Thế trận an ninh nhân dân và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc luôn được củng cố, tạo nền tảng vững cho khối đại đoàn kết các dân tộc. Hệ thống chính trị cơ sở luôn được kiện toàn, phát huy với cơ cấu cán bộ hợp lý.

Sự đảm bảo an ninh hệ giá trị văn hóa

Nhìn chung, gần 30 năm qua, vùng trung du miền núi phía Bắc đã có những bước phát triển, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Quyền bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được tăng cường; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được chú trọng đầu tư; kinh tế phát triển theo hướng nhiều thành phần và hình thành sản xuất hàng hóa; giáo dục, y tế… có nhiều tiến bộ; văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện, nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Các tỉnh trung du miền núi phía Bắc đã có chủ trương, biện pháp gắn nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa – thông tin với phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng. Việc triển khai thực hiện các đề án trong chương trình hành động của Chính phủ theo mục tiêu coi trọng, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hóa nghệ thuật của các tộc người, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, mở rộng mạng lưới thông tin ở vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa – thông tin ở vùng cao, biên giới, vùng khó khăn, nhất là các xã nằm trong khu vực 3 được xem trọng.

Bảo tồn di sản văn hóa là hành động thiết thực nhất của các cộng đồng trong việc tạo ra sự ổn định, trao truyền và phát triển bản sắc liên tục giữa các thế hệ. Với 30 dân tộc anh em, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc đã có sự quan tâm sâu sắc trong công tác giữ gìn, phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa và truyền thống văn hóa, cũng như góp phần vào việc sưu tầm, nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo, tư liệu hóa các di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu. Nhiều di tích, không gian văn hóa, đặc biệt là những di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, đã được bảo tồn, khai thác hiệu quả, vừa khơi dậy, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương, đồng thời giới thiệu, khẳng định các giá trị văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế…

Việc kiểm kê di sản văn hóa tới tận thôn bản đã được tiến hành ở tất cả 15 tỉnh trung du miền núi phía Bắc nhằm ghi nhận bản sắc của các dân tộc, đồng thời làm rõ đặc trưng văn hóa từng tiểu vùng như Đông Bắc, Tây Bắc, và nhóm ngành địa phương. Việc tiến hành phân loại và đề nghị xếp hạng di sản cũng được các tỉnh tiến hành hàng năm, tạo một lượng hồ sơ khoa học phong phú. Các di sản phi vật thể đã được kiểm kê, phát hiện là rất phong phú, với 7 loại hình lớn, bao gồm: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian (truyện thần thoại, ngụ ngôn, truyện thơ, truyện cười; đồng dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố, ca dao; nhóm trường ca, sử thi; nhóm văn cúng, lời khấn; nhóm dân ca, hát ru); nghệ thuật trình diễn dân gian (âm nhạc, hát, múa, trò chơi dân gian và các hình thức trình diễn dân gian khác); tập quán xã hội (luật tục, hương ước, quy ước; các chuẩn mực đạo đức, nghi lễ ứng xử trong gia đình, cộng đồng; các quy định ứng xử với thiên nhiên, vật dụng; việc cưới, việc tang; các phong tục sinh đẻ, ốm đau…); lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống (dệt, đan lát, rèn…); tri thức dân gian (y học dân gian liên quan đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng; ẩm thực dân gian; trang phục truyền thống; kiến trúc dân gian; tín ngưỡng dân gian; lịch pháp, số đếm…).

          Sự đảm bảo an ninh văn hóa trong xây dựng môi trường văn hóa

Sự vận hành phong tục, tập quán, lối sống, đạo đức, pháp quyền, dân trí, tính năng động xã hội… là điều kiện, cơ sở cho sự hình thành nhân cách, phát triển cá nhân, phát triển nhóm hoặc cộng đồng. Sự hình thành hay tha hóa nhân cách, sự phát triển hay thụt lùi của cá nhân, sự tiến bộ hay lạc hậu của nhóm xã hội hoặc cộng đồng phụ thuộc vào môi trường văn hóa rất lớn. Vì vậy, môi trường văn hóa cũng chính là hạt nhân cơ bản của sự phát triển xã hội.

Môi trường văn hóa các tỉnh trung du miền núi phía Bắc được hình thành trên cơ sở những điều kiện đặc trưng của một vùng, bao gồm nhiều tiểu vùng có đông cộng đồng thiểu số với một bức tranh đời sống văn hóa đa sắc tộc. Việc vận hành các yếu tố phong tục, tập quán, lối sống, đạo đức, pháp quyền, dân trí, tính năng động xã hội nhằm tạo môi trường văn hóa đảm bảo cho các tiểu cộng đồng đủ điều kiện tồn tại và phát triển được thực hiện bởi nhiều chủ thể, bao gồm bộ máy chính trị, cơ quan chuyên môn, các đoàn thể, cộng đồng dân cư.

         Công tác tuyên truyền cổ động đã kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị, cũng như tuyên truyền làm rõ đến đồng bào các dân tộc về chủ trương, đường lối xây dựng, phát triển. Những hoạt động trang trí khánh tiết các sự kiện chính trị, chương trình nghệ thuật… tạo bầu không khí văn hóa trong cộng đồng. Hầu hết các tỉnh có Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được biên tập, đăng tải nhiều tin, bài, video, ảnh, tư liệu… có hiệu quả, chất lượng, đảm bảo tính thời sự, hỗ trợ công tác thông tin, tuyên truyền.

         Các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp cũng được tổ chức thường xuyên gắn với những sự kiện kinh tế chính trị của các địa phương. Tính riêng ở Điện Biên năm 2014, với sự kiện tổ chức kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đã có rất nhiều chương trình nghệ thuật được biểu diễn, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân và du khách.

         Hoạt động điện ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, chào mừng các ngày lễ lớn, chiếu bóng lưu động lồng ghép với các nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông, chương trình và các biện pháp phòng, chống ma túy, mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình, nuôi con bằng sữa mẹ, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, tuyên truyền chính sách pháp luật và bảo vệ chủ quyền biển đảo, cũng được các tỉnh duy trì thường xuyên. Năm 2014, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Hòa Bình tổ chức được 1.350 buổi chiếu phim ở 137 xã, 558 thôn, bản với trên 110.000 lượt người xem. Bên cạnh đó, rạp Hoà Bình cũng thực hiện được 150 buổi chiếu với 12.000 lượt người xem. Các buổi chiếu đã góp phần nâng cao kiến thức, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến với người dân trong tỉnh (1).

         Hoạt động thư viện và công tác phục vụ bạn đọc được các tỉnh tổ chức thường xuyên và theo chủ đề. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nguồn kinh phí địa phương, việc tiếp nhận các quỹ tài trợ như Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam do Quỹ Bill & Melinda Gates (BMGF) cũng đã góp phần nâng cấp thiết chế thư viện tại một số địa phương. Hệ thống tủ sách cơ sở phần nào được hình thành, đáp ứng nhu cầu của người dân tới tận đơn vị cơ sở.

Những kết quả tổ chức thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại vùng trung du miền núi phía Bắc đã được tổ chức theo các tiêu chí, tiêu chuẩn công nhận danh hiệu văn hóa phù hợp với với đặc điểm, điều kiện kinh tế xã hội từng vùng, trên cơ sở lấy ý kiến tham khảo từ các địa phương. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện đã đảm bảo sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Ban chỉ đạo phong trào các cấp đã nhanh chóng được thành lập, kiện toàn, đi đôi với bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở.

Việc ký kết giao ước thi đua thực hiện có hiệu quả 3 nội dung chủ yếu, 6 phong trào cụ thể; gắn triển khai phong trào với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cơ quan, đơn vị; lựa chọn một số địa phương, khu dân cư mang nét đặc trưng của các vùng miền, dân tộc, tôn giáo để xây dựng điểm chỉ đạo, rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện phong trào. Công tác tuyên truyền được đa dạng hóa, từ tuyên truyền trực quan đến tổ chức hội nghị, qua các phương tiện thông tin đại chúng, giao lưu văn hóa, văn nghệ và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Phong trào giúp nhau xóa đói, giảm nghèo phát triển kinh tế với nhiều hình thức thiết thực, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, làm giảm tỷ lệ hộ nghèo và thu hút được sự tham gia của các hội đoàn thể mang lại hiệu quả cao. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện với phương châm động viên toàn cộng đồng chấp hành, lấy các gia đình văn hóa làm nòng cốt. Các xã phường đều có quy hoạch và dành quỹ đất để làm nghĩa trang. Các lễ hội truyền thống được tổ chức lành mạnh, tiết kiệm tạo niềm tin trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần trong nhân dân. Cùng với đó, các hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn được hoạt động theo đúng quy định của Nhà nước. Các địa điểm thờ tự, sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân thường xuyên được tu bổ và phục dựng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh… Các đội văn nghệ quần chúng được xây dựng và nâng cao chất lượng ở nhiều cơ sở làm hạt nhân thúc đẩy các hoạt động văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu của sinh hoạt văn hóa cộng đồng tới tận làng bản, từ đó hình thành những điểm sáng văn hóa tại khắp các tỉnh. Đặc biệt, việc duy trì các đội chiếu bóng, đội tuyên truyền văn hóa lưu động với nhiều chương trình phục vụ đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa cũng đã tạo những dấu ấn đặc biệt trong việc mang ánh sáng văn hóa đến đồng bào. Các trung tâm văn hóa – thông tin – thể thao, thư viện, hiệu sách, trạm phát lại truyền hình, đài truyền thanh ở cấp huyện của các tỉnh trung du miền núi đã có nhiều cải tiến trong quản lý và cơ bản đã phát huy hiệu quả. Các trạm văn hóa – thông tin ở các trung tâm cụm xã miền núi, đặc biệt là khu vực 3 được xây dựng gắn với các chợ, nông – lâm trường, trạm trại, trường phổ thông bán trú, đồn biên phòng đã phát huy hiệu quả tốt trong việc phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số.

2. Hạn chế về an ninh văn hóa và vấn đề đặt ra tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc

Một số điểm hạn chế dẫn đến nguy cơ về an ninh văn hóa

Phải nói rằng, cố gắng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc là rất lớn, nhưng cũng không thể tránh thực tế văn hóa tộc người bị mai một cũng như bị phá vỡ cấu trúc truyền thống. Điều này xảy ra bởi sự phát triển kinh tế khá nhanh dẫn đến phân hóa giàu nghèo, và hệ quả là sự phân hóa, phân tầng sâu sắc trong văn hóa. Hơn nữa, việc mất rừng do khai thác bừa bãi với tốc độ nhanh đã phá vỡ sự đa dạng sinh học và môi trường sống truyền thống của vùng các dân tộc thiểu số. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phá vỡ cấu trúc truyền thống văn hóa các dân tộc thiểu số ở nhiều nơi, dẫn tới tình trạng cào bằng văn hóa. Hậu quả của nó là làm suy giảm tính đa dạng văn hóa từng tộc người, cũng như làm suy giảm cảnh quan, lãnh thổ văn hoá, hoặc diễn ra tình trạng bắt chước nhau một cách máy móc, nghèo nàn, đơn điệu về hình thức. Trong khi sự đa dạng văn hóa tộc người bị mai một thì sự thống nhất lại diễn ra ở mức độ hỗn tạp giữa tự nguyện, tự phát với tính chất cố kết có phần duy ý chí dưới sự tác động của các chính sách kinh tế, văn hóa, nhất là ở những vùng có di dân và tái định cư lớn như Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Thực tế sắc thái văn hóa dân tộc thiểu số với các đặc trưng chính là ngôn ngữ, trang phục, kiến trúc nhà ở, phong tục, tập quán, phương thức sản xuất đang chịu tác động sâu sắc của các yếu tố hiện đại và mất đi tính nguyên sơ, bản sắc độc đáo…

Xét cho cùng, đời sống văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số bắt nguồn từ không gian văn hóa gắn với rừng, song rừng đang ngày một xa cộng đồng dân cư. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh những lợi ích to lớn, cũng là nguyên nhân khiến cho sự phân hóa trong kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số diễn ra quyết liệt hơn. Điều này không chỉ tác động đến chất lượng đời sống vốn rất thấp của đồng bào mà còn tiềm ẩn những nguy cơ gây biến động xã hội bởi những vấn nạn. Từ điều kiện kinh tế lạc hậu, lối sống thuần phác bước vào hội nhập với một thế giới có trình độ công nghệ cao, sự choáng ngợp sẽ dẫn tới thái độ sùng ngoại, xem nhẹ những giá trị truyền thống của dân tộc, hoặc sẽ tạo ra sự tự ti, mặc cảm. Văn hóa ngoại nhập qua các kênh thông tin đại chúng đang có những tác động không nhỏ tới đồng bào, đặc biệt là bộ phận thanh niên, chủ thể của hoạt động sinh hoạt, văn hóa, nghệ thuật truyền thống vùng dân tộc thiểu số. Đây là nguy cơ tiềm ẩn đầy những bất cập dẫn tới những lệch lạc trong vấn đề nhận thức – nhân tố quyết định đối với việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số.

Mặt khác, thực tế cho thấy, qua nhiều năm, số lượng chính sách và nguồn vốn đầu tư bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đều tăng lên, nhưng việc tổ chức thực hiện còn rất nhiều bất cập. Đối với nhiều địa phương, không ít xã được giao làm chủ đầu tư, do năng lực chuyên môn kém nên công tác kiểm tra, theo dõi, cập nhật số liệu, nghiệm thu không tốt, do năng lực quản lý, vận hành kém nên nhiều công trình văn hóa sau một thời gian sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp nhưng không được sửa chữa. Nhiều địa phương chưa cụ thể hóa hướng dẫn thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng sau đầu tư và không bố trí ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này theo quy định. Hầu hết các địa phương chưa xây dựng được quy chế hoặc cam kết về quản lý tài sản hình thành từ các chương trình cho các nhóm hộ dân được thụ hưởng, dẫn đến việc quản lý và sử dụng còn nhiều bất cập. Đội ngũ cán bộ làm văn hóa dân tộc quá thiếu về số lượng và không đáp ứng về trình độ chuyên môn sâu gắn với thực tiễn các vùng miền địa phương cụ thể. Đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số chưa nhiều, sự chênh lệch về lực lượng giữa các dân tộc, vùng miền còn khá lớn, đặc biệt là sự thiếu hụt lực lượng văn nghệ sĩ trẻ, bổ sung cho đội ngũ rất đông văn nghệ sĩ cao tuổi hiện nay. Hiện tại, những người làm công tác du lịch còn chú ý khai thác, ít quan tâm đầu tư trở lại để bảo tồn và phát huy. Phần lớn người làm công tác bảo tồn của ngành văn hóa thông tin tuổi đời còn trẻ, không am hiểu nhiều về văn hóa dân tộc. Những nghệ nhân am tường bản sắc dân tộc ngày càng thưa vắng, do tuổi cao, sức yếu. Cùng với sự ra đi của họ là quá trình mai một những giá trị văn hóa truyền thống trong sinh hoạt thường ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tất cả những yếu tố trên đều có thể được xem là những nguyên nhân trên thực tiễn đưa đến nguy cơ về an ninh văn hóa.

Tình trạng dân trí thấp và việc lợi dụng truyền đạo trái phép gây diễn biến hòa bình tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc là một thực tế tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh văn hóa lớn nhất tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Mặc dù đã có sự nâng cao rõ rệt nhưng mức hưởng thụ về giáo dục, văn hóa tại vùng các dân tộc thiểu số vẫn còn quá chênh lệch so với các nơi khác. Tình trạng dân trí thấp, phần lớn người lao động trong độ tuổi không có trình độ đào tạo hoặc nghề nghiệp mang lại thu nhập ổn định trong cơ chế kinh tế thị trường khiến đời sống văn hóa xã hội của các dân tộc thiểu số diễn ra không ít những biến động. Ở phần lớn những bản, làng xa xôi, người dân có điều kiện vật chất và tinh thần khó khăn, còn duy trì các tập tục lạc hậu, nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng kích động. Trong tang lễ, không ít dân tộc thiểu số còn mời thày tào, thày mo, thày cúng yểm bùa, trừ ma và con cháu lăn đường, đội mũ rơm. Nhiều bản, làng, thôn, ấp còn tình trạng trọng nam, khinh nữ; em dâu, con dâu không được ngồi ăn cơm chung mâm với anh chồng, bố chồng; con gái không được học lên lớp trên. Vẫn còn hiện tượng một số gia đình có người đau ốm đã làm then, cúng ma để giải hạn mà không đưa tới trạm y tế xã. Tập quán dùng thuốc phiện vẫn còn lưu cữu ở vùng cao. Ðồng bào ở nhiều bản, làng vẫn giữ cách nghĩ, nếp sống, thói quen sử dụng nhà vệ sinh, nhà tắm ngoài trời; ít trồng rau xanh trong khi đất rừng rộng; uống nhiều rượu làm bê trễ sản xuất. Tục tôn thờ đạo giáo ngoại nhập tăng lên cao bởi việc truyền đạo trái phép lan rộng ở hầu khắp các tỉnh miền núi phía Bắc. Những điểm nóng trong các năm qua ở Sa Pa, Lào Cai, nhất là ở Mường Nhé, Điện Biên cho thấy tính phức tạp của hiện tượng này.

         Những vấn đề đặt ra về an ninh văn hóa tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc

         Nguyên nhân khách quan của những tồn tại và nguy cơ về an ninh văn hóa là do khó khăn vốn có của vùng miền núi dân tộc thiểu số, cộng thêm tình hình phức tạp do những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại công cuộc xây dựng đất nước ta. Mặt khác, kinh tế thị trường cũng như sự xâm thực của văn hóa và tôn giáo ngoại lai cũng dẫn tới nguy cơ đồng hóa tự phát, không kiểm soát được về ngôn ngữ, văn hóa, làm lu mờ tính tự giác tộc người, suy giảm và bào mòn bản sắc dân tộc thiểu số. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bên cạnh việc đưa lại những sự phát triển đất nước nói chung, cũng là nguyên nhân đẩy nhanh sự phân hóa trong kinh tế xã hội giữa các vùng miền và các tộc người.

Nguyên nhân chủ quan trước hết là do nhận thức của các cấp ủy, chính quyền còn chưa được sâu sắc, triệt để, thiếu năng động sáng tạo trong việc xử lý tình huống, hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Điều đó dẫn đến việc thể chế hóa các quy định ở nhiều địa phương còn bất cập, đầu tư còn dàn trải, chạy theo hình thức nên hiệu quả chưa cao, nhiều nơi mới chỉ cố gắng để bảo tồn mà chưa có sự định hình phát triển rõ nét. Lãnh đạo các địa phương, do còn chịu nhiều sức ép về phát triển kinh tế, nên nhiều khi còn chưa thực sự quan tâm, chưa đưa ra được những giải pháp kịp thời để có thể tránh được những tổn thương về tinh thần trong môi trường văn hóa. Tổ chức Đảng, chính quyền cơ sở ở nhiều nơi chưa thực sự mạnh, chưa phát huy được vai trò lãnh đạo.

Với quan điểm tập trung vào xây dựng môi trường văn hóa đậm đà bản sắc là chính để tạo ra nội lực đảm bảo an ninh văn hóa của cộng đồng, thực tế trên đặt ra những vấn đề cần quan tâm tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nhằm đảm bảo an ninh văn hóa:

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể, người dân về văn hóa và nhiệm vụ bảo tồn, phát triển đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc rất ít người.

Nghiên cứu xây dựng, bổ sung hoàn thiện các chính sách ưu tiên bảo tồn, phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới và tình hình thực tiễn ở các dân tộc. Ưu tiên về vốn đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở ở miền núi, ưu đãi cho các nghệ nhân và những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để phát huy vai trò của họ trong việc xây dựng đời sống văn hóa, cũng như bảo tồn, phát huy các giá trị của văn hóa truyền thống.

Đảm bảo ổn định chính trị, an toàn xã hội, giải quyết tốt tình hình tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy tối đa vai trò của các lực lượng công an, bộ đội biên phòng trong việc đảm bảo trật tự an ninh, giảm thiểu tối đa những hậu quả phức tạp của việc truyền đạo trái phép.

         Nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo các cấp, đặc biệt cấp huyện, xã, thôn bản, quan tâm việc sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trưởng thành từ cơ sở, từ các phong trào quần chúng, được quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng hợp lý và có tầm nhìn xa.

Cần lồng ghép nhiều chương trình, dự án để tăng hiệu quả đầu tư cho các thôn, bản. Tích cực tìm kiếm nguồn lực từ các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, tư nhân đầu tư, hỗ trợ cho mục tiêu bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc rất ít người, đồng thời huy động sức dân trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở. Khuyến khích mọi người dân, mọi tổ chức tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa để các dân tộc rất ít người chủ động tham gia các hoạt động văn hóa, góp phần phát triển bền vững trên địa bàn.

Xây dựng chính sách văn hóa trong đó có nội dung ưu tiên bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc rất ít người. Đầu tư có trọng điểm, quản lý giám sát chặt chẽ để đạt hiệu quả, kiên quyết khắc phúc sự dàn trải chạy theo thành tích. Bảo tồn và phát triển văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số theo hướng bền vững, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc bảo tồn văn hoá truyền thống các dân tộc. Cùng với việc hoàn thiện công tác quy hoạch, cần tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ, tôn tạo nguồn tài nguyên nhân văn nhằm khai thác một cách hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số với những nét đặc sắc trong lối sống, ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà cửa, trò chơi dân gian, lễ hội, tôn giáo… Bên cạnh đó, các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cũng cần được đẩy mạnh bài bản và thiết thực hơn. Đặc biệt, phải hỗ trợ tăng cường năng lực của các chủ thể văn hóa, đưa đồng bào vào tham gia trực tiếp các hoạt động văn hóa du lịch, tạo điều kiện cho họ được hưởng lợi thỏa đáng từ các hoạt động này để giúp họ thấy được những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người mình mà có những hành động thiết thực để bảo tồn. Đề cao các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng để họ nhận thức, tham gia với vai trò then chốt trong việc tự bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc mình thông qua các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, tập trung hỗ trợ công tác truyền dạy, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc của cộng đồng, nghệ nhân.

Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cấp xã, chủ nhiệm nhà văn hóa, câu lạc bộ văn hóa, đội trưởng các đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn xã, thôn, bản các dân tộc thiểu số đế từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa tại các địa phương.

Tóm lại, về cơ bản, an ninh văn hóa tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc có sự ổn định. Việc triển khai các vấn đề nhằm đảm bảo an ninh hệ văn hóa và môi trường văn hóa được các địa phương triển khai với nhiều nỗ lực, thể hiện sự vào cuộc tích cực của bộ máy chính trị, toàn thể cộng đồng. Những nguy cơ về an ninh văn hóa nêu trên là điều khó tránh khỏi do điều kiện chủ quan và khách quan, đòi hỏi phải nhận thức, giải quyết lâu dài những kế hoạch, quyết sách lớn cùng các phương án cụ thể, phù hợp với từng địa phương, thậm chí là từng trường hợp cụ thể.

 

 _______________

1. Hương Lan, Dấu ấn chiếu bóng vùng cao, baohoabinh.com.vn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 379, tháng 1-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ TUYẾN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *