Vai trò của nhà nước trong tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trưởng

Loài người bước vào thiên nhiên kỷ thứ ba, đang đứng trước những thách thức có tính toàn cầu. Biến đổi khí hậu cùng với suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường sinh thái (MTST) là mối quan tâm lớn nhất của thế giới đương đại. Tình trạng ô nhiễm MTST làm thay đổi toàn diện, sâu sắc các hệ sinh thái tự nhiên, ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của nền kinh tế cũng như toàn bộ đời sống xã hội, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh môi trường, năng lượng, lương thực trên phạm vi toàn cầu. Phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ MTST trong thời gian tới có ý nghĩa sống còn, là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp.

Bước vào thời kỳ hội nhập phát triển với sự tham gia toàn diện các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, sự ảnh hưởng của nó tới văn hóa truyền thống dân tộc là điều không thể tránh khỏi. Do đó, tăng cường vai trò của nhà nước trong phát triển toàn diện các lĩnh vực là rất cần thiết, đặt ra như là một bài toán cần giải quyết ngay để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhà nước, trụ cột trong hệ thống chính trị có vai trò quan trọng trong việc điều tiết, đề ra hệ thống những cơ chế, chính sách cho các ngành, các lĩnh vực, trong đó gắn tăng trưởng kinh tế với bảo đảm môi trường văn hóa sinh thái bền vững được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Vai trò của Nhà nước được biểu hiện ở việc xây dựng hệ thống luật pháp cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp, trong quá trình phát triển luôn quan tâm, chú trọng tới vấn đề MTST không chỉ cho doanh nghiệp, nhà máy, mà còn cho người dân. Hoàn thiện, tăng cường cơ chế tổ chức bộ máy nhà nước để bảo vệ MTST, gắn với tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa quan trọng để MTST vẫn được bảo vệ mà kinh tế lại không bị giảm sút. Để làm được điều này, Nhà nước cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ MTST.

Bộ máy quản lý nhà nước về môi trường dù đã được kiện toàn nhiều lần song cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa các ngành, các cấp. Việc phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn phân tán, chồng chéo, thiếu tính hợp lý, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Các vấn đề liên ngành, liên vùng, xuyên quốc gia chưa được giải quyết hiệu quả; chưa ngang tầm với yêu cầu bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trước bối cảnh khí hậu, MTST có những biến đổi phức tạp như hiện nay. Lực lượng cán bộ chuyên trách về môi trường tại các doanh nghiệp tuy đã được bổ sung, phát triển nhưng nhìn chung chưa đáp ứng đủ, do đó công tác giám sát nội bộ, thực thi pháp luật bảo vệ môi trường ở các doanh nghiệp còn nhiều yếu kém. Những hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác bảo vệ MTST.

Trong thời gian tới, để khắc phục những hạn chế đó, Nhà nước cần tập trung vào việc kiện toàn, tăng cường hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường (TNMT) từ trung ương đến địa phương theo hai hướng chuyên môn, chuyên sâu, theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang. Theo chiều dọc, đối với bộ máy quản lý nhà nước về TNMT ở cấp tỉnh phải được tăng cường cả về cơ cấu tổ chức lẫn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Đối với những nơi chưa có chi cục bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên môi trường, Nhà nước cần khẩn trương đôn đốc, tổ chức thành lập, giao quyền quản lý nhà nước về TNMT ở địa phương cho các chi cục bảo vệ môi trường.

Còn đối với bộ máy quản lý nhà nước về TNMT ở cấp huyện, xã, Nhà nước cũng cần phải xúc tiến thành lập Phòng Tài nguyên môi trường ở những nơi chưa có, thiết lập bộ phận chuyên trách quản lý môi trường ở cấp xã, thậm chí nếu cần phải thiết lập thêm ở cấp thôn, làng, bản. Tránh tình trạng thừa hoặc thiếu giữa các vùng miền, địa phương, đồng thời khắc phục tình trạng kiêm nhiệm không chuyên trách của cán bộ làm công tác quản lý TNMT. Theo chiều ngang, cần thành lập các bộ phận chuyên trách quản lý TNMT ở mọi nơi, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các tổng công ty, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Thực tế cho thấy, cùng với quá trình thúc đẩy kinh tế tăng trưởng thì những nơi này thường gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều nhất, với cấp độ nặng nhất. Do đó, tăng cường bộ phận chuyên trách quản lý TNMT ở các cơ sở này sẽ giúp Nhà nước phát hiện sớm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, từ đó có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Hai là, tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực của các lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ MTST.

Kiện toàn, tăng cường hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về TNMT từ trung ương đến địa phương là rất quan trọng, song nó chỉ có ý nghĩa khi các lực lượng tham gia công tác bảo vệ MTST biết nâng cao vai trò, trách nhiệm mà Nhà nước giao phó. Thực tế cho thấy, nếu ở nơi nào bộ máy quản lý nhà nước về TNMT được đảm bảo, cán bộ, công chức thực thi

nhiệm vụ quản lý, bảo vệ TNMT có ý thức trách nhiệm đối với công việc được giao thì ở nơi đó MTST sẽ ngày càng được cải thiện theo chiều hướng tích cực và ngược lại.

Để tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực của các cơ quan làm nhiệm vụ bảo vệ MTST, trước hết Nhà nước phải tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ, đặc biệt là trình độ chuyên môn, quản lý cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo vệ MTST.

Tăng cường công tác đào tạo có thể thông qua nhiều biện pháp từ đào tạo dài hạn đến ngắn hạn, tập huấn, hội thảo, hội nghị… Nội dung đào tạo phải được thể hiện ở mọi lĩnh vực về quản lý, bảo vệ TNMT, phương pháp phải đảm bảo gắn lý thuyết với thực tiễn, tránh việc đào tạo chỉ mang tính hình thức. Việc làm này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có hệ thống đối với tất cả các cán bộ làm công tác TNMT ở mọi cấp, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ MTST còn được thể hiện ở việc Nhà nước phải tiến hành rà soát, đánh giá, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ MTST. Đảm bảo tính thống nhất đối với công tác quản lý môi trường, khắc phục tình trạng thực hiện các tác nghiệp quản lý TNMT theo nhiều cấp, hạn chế việc phân tán chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo các ngành quản lý kinh tế, xã hội như hiện nay. Đây là việc vô cùng quan trọng, sẽ giúp Nhà nước biết rõ vai trò của từng lực lượng trong quản lý, bảo vệ TNMT. Từ đó khắc phục tình trạng bỏ trống hoặc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan với nhau trong quản lý, bảo vệ TNMT, đồng thời giúp Nhà nước dễ quy trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận khi có sự cố môi trường xảy ra.

Ba là, giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho các lực lượng cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên, môi trường.

Tiếp tục rà soát trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ các đơn vị trực thuộc, kể cả cán bộ lãnh đạo để đề xuất bố trí, phân công công việc bảo đảm sự hợp lý về năng lực với trọng trách được giao. Không chỉ chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xây dựng các tiêu chí chức danh chuyên môn nhằm nâng cao vai trò của cán bộ trong quá trình thực thi công vụ mà còn thực hiện cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời để kích thích tinh thần, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức làm công tác quản lý TNMT và bảo vệ MTST. Giáo dục, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường năng lực, trách nhiệm cho các lực lượng cán bộ làm công tác quản lý TNMT.

Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định, đó đang là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ, tạo kẽ hở cho sự hình thành các mối quan hệ lợi ích theo kiểu đường dây, cục bộ địa phương… Do đó, Nhà nước cần có những biện pháp để giáo dục ý thức đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức công tác trong ngành TNMT. Các biện pháp đó là tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tiến hành nêu gương người tốt, việc tốt; dùng biện pháp hành chính, pháp luật để kiên quyết loại trừ những cán bộ không có phẩm chất đạo đức ra khỏi ngành TNMT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ MTST.

Bốn là, tăng cường học hỏi, giao lưu hợp tác quốc tế về bảo vệ MTST gắn với tăng trưởng kinh tế.

Để phòng chống ô nhiễm MTST, Nhà nước khẳng định cần phải phối hợp hành động, tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Việt Nam là một trong những nước tham gia hợp tác khá nhiều với các tổ chức quốc tế như: UNDP, UNEP, FAO, WTO, UNICEP, IUCN và chính phủ các nước Thuỵ Điển, Phần Lan, Pháp, Canada, Hà Lan, Cộng hòa liên bang Đức, Nhật Bản, Đan Mạch, ký kết nhiều công ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Các tổ chức quốc tế, chính phủ đã hợp tác, giúp đỡ Việt Nam dưới các hình thức viện trợ, trợ giúp kỹ thuật trong công tác quản lý, bảo vệ TNMT. Có sự giúp đỡ, hợp tác đó, Việt Nam đã nâng cao năng lực, có được nguồn vốn trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường. Do đó, quá trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ MTST thời gian qua ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, để đáp ứng tốt những đòi hỏi của tiến trình phát triển bền vững, Nhà nước cần có những giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác quốc tế về gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ MTST, cụ thể là các giải pháp sau:

Duy trì mối quan hệ hợp tác truyền thống, tích cực hơn nữa trong các hoạt động nghiên cứu, ký kết, cam kết thực hiện đầy đủ các công ước quốc tế, nghị định thư quốc tế về bảo vệ MTST.

Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý, bảo vệ MTST qua các tiêu chuẩn ISO, nhiều tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn lương thực, thực phẩm.

Mở rộng hợp tác hơn nữa với các quốc gia, các tổ chức quốc tế khác để thu hút, khai thác hiệu quả các nguồn hỗ trợ vào công tác bảo vệ MTST ở nước ta hiện nay.

Có những chính sách khuyến khích, hợp tác với các tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong nước. Nhà nước cần tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng này đầu tư, hỗ trợ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, bảo tồn thiên nhiên và các hoạt động khác trong lĩnh vực bảo vệ MTST.

 Nhà nước cần nhanh chóng sửa đổi, tiến tới dần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác bảo vệ MTST.

Trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội nói chung, tăng trưởng kinh tế nói riêng đã nảy sinh nhiều vấn đề về tài nguyên, môi trường, bảo vệ MTST. Các vấn đề này chính là những trở ngại, thách thức của quá trình phát triển. Nếu chúng ta vượt qua được các trở ngại, thách thức đó, gắn chặt sự tăng trưởng kinh tế với bảo vệ MTST, đất nước sẽ đạt tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực cố gắng của toàn xã hội, các cấp, ngành, từ trung ương đến địa phương, mà trước hết là vai trò quản lý của Nhà nước trong kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ MTST. Vai trò ấy của Nhà nước thông qua khả năng điều tiết, chi phối các hành vi của các cá nhân, tổ chức trong các hoạt động kinh tế, nhờ đó MTST sẽ được bảo vệ, phục hồi.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017

Tác giả : PHẠM THỊ LÊ NGỌC

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *