Thể chế đảm bảo tiếp cận và hưởng thụ văn hóa của nhân dân

Thể chế là những quy định tạo thành khuôn khổ trật tự, định vị cơ chế thực thi và giới hạn các quan hệ xã hội giữa các bên tham gia tương tác; là ý chí chung của cộng đồng xã hội trong việc xác lập những quy tắc, những ràng buộc và các chuẩn mực, giá trị chung. Nói cách khác, thể chế là những nguyên tắc xác định mối quan hệ xã hội; định hình cách thức ứng xử của các thành viên trong xã hội và điều chỉnh sự vận hành xã hội, trong đó bao hàm những quy tắc chính thức, các quy định không chính thức hay những nhận thức chung có tác động kìm hãm, định hướng hoặc chi phối sự tương tác của các chủ thể trong những lĩnh vực nhất định.

1. Thực trạng thể chế đảm bảo tiếp cận và hưởng thụ giá trị văn hóa của nhân dân

Quan điểm, định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam về dân chủ xã hội chủ nghĩa đảm bảo việc tiếp cận và hưởng thụ giá trị văn hóa của nhân dân trong thời kỳ đổi mới được khẳng định ngay từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VI (1987) với yêu cầu thỏa mãn những nhu cầu văn hóa ngày càng tăng của nhân dân; Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII (1993) cũng đề ra việc các hoạt động văn hóa, văn nghệ phải được phát triển lành mạnh, phong phú, đa dạng, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu về đời sống tinh thần của nhân dân; Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) yêu cầu khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X (2008) cũng khẳng định: phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa  tinh thần ngày càng cao của nhân dân; Nghị quyết số 33, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam (2014) chỉ rõ thực tế nghèo nàn, đơn điệu của đời sống tinh thần và việc chậm rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân. Từ đó đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, giữa các giai tầng xã hội, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa, xây dựng, hoàn thiện đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng… Đây cũng là một trong những yêu cầu về xây dựng và phát triển văn hóa mà Đại hội XII đặt ra.

Dù không được ghi nhận một cách trực tiếp nhưng quyền hưởng thụ văn hóa ở Việt Nam trước năm 2013 vẫn có các cơ sở pháp lý để bảo hộ. Trên thực tế, quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa của các dân tộc được khẳng định tại Điều 5, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980. Một phạm vi quan trọng của quyền được thụ hưởng các giá trị văn hóa là quyền sở hữu trí tuệ, cũng được quy định trong bộ luật dân sự nước ta từ năm 1995 và nếu tính theo quy định của của Hiệp định bảo vệ sở hữu trí tuệ (TRIPS) khi chúng ta gia nhập WTO thì khía cạnh pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam được ghi nhận từ năm 2007.

Trong hệ thống luật được hình thành trước năm 2013 như: bộ luật dân sự (1995), luật di sản văn hóa (2001), luật điện ảnh (2006), luật xuất bản (2004), luật khoa học và công nghệ (2000)… cũng có nhiều điểm xoay quanh vấn đề tiếp cận và thụ hưởng văn hóa của người dân. Mới đây nhất, luật tiếp cận thông tin (2016), có hiệu lực từ 1-7-2018, là một phần thể chế tiếp tục luật hóa trình tự, thủ tục và cách thức tiếp cận thông tin. Điều này sẽ giúp người dân được bảo vệ quyền lợi chính đáng trong khi một số cơ quan nhà nước, một số tổ chức có xu hướng muốn thu hẹp diện công bố thông tin rộng rãi.

Về phương diện chính sách, hệ thống chính sách văn hóa ở nước ta được hình thành như một chỉnh thể trong quá trình tác động lẫn nhau của 3 nhóm cộng đồng: cộng đồng người làm văn hóa (các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà hoạt động văn hóa, nhà sáng tạo nghệ thuật, người làm phim, xuất bản…); cộng đồng công chúng và cộng đồng chính trị (các cơ quan Đảng, cơ quan chính quyền ở trung ương và địa phương). Hệ thống chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa như: chương trình mục tiêu về phát triển hoạt động nghiên cứu văn hóa dân gian, sáng tạo văn học nghệ thuật; chương trình mục tiêu nghiên cứu, sưu tầm, bảo lưu di sản văn hóa phi vật thể; chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích; chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 – 2015…

Nhìn chung, các chính sách đều khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật theo quy định của pháp luật; đầu tư cho việc sưu tầm, nghiên cứu, giữ gìn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa nghệ thuật thế giới; tài trợ, đặt hàng sáng tác, dàn dựng và biểu diễn tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, tác phẩm nghệ thuật phục vụ thiếu niên, nhi đồng; đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật trẻ…

Có thể nói, về cơ bản, hệ thống văn bản pháp lý đã đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến quyền hưởng thụ giá trị văn hóa của con người, hòa hợp với sự phát triển của pháp luật thế giới, góp phần nâng cao vị thế của con người trong việc thực hiện quyền văn hóa, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người dân Việt Nam thực hiện quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa ở Việt Nam được công nhận bằng pháp lý lần đầu tiên tại Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2013, tập trung vào các khía cạnh sáng tạo, tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần xã hội. Cụ thể, điều 24 quy định: mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Điều 39 quy định: công dân có quyền và nghĩa vụ học tập. Điều 40 quy định: mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó. Điều 41 quy định: mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa. Điều 42 quy định: công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.

Như vậy, Hiến pháp năm 2013 coi quyền tự do tín ngưỡng là một nhu cầu và là quyền tất yếu của người dân cần phải được tôn trọng, bảo vệ và tạo điều kiện để họ thực hiện tốt nhất quyền đó. Quy định về việc cấm xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật (điều 24) của Hiến pháp tạo sự bình đẳng, khắc phục các hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo… Về thụ hưởng các giá trị văn hóa, thì điều 42 là một điểm mới quan trọng, không chỉ trong việc thể hiện và lưu giữ các giá trị văn hóa ngôn ngữ của dân tộc, mà còn đáp ứng một nhu cầu thực tiễn của việc lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp, mở rộng khả năng giao lưu, hội nhập giữa các dân tộc hiện nay.

Có thể nói, lối sống với các chiều cạnh chủ quan của văn hóa, là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người. Xuất phát từ nguyên tắc bảo trợ thực hành lối sống văn hóa, Hiến pháp 2013 đã tạo điều kiện cho việc áp dụng tuân thủ và trao truyền nhiều phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp cũng như tiếp cận và thụ hưởng các giá trị tinh hoa ngoại nhập, là cơ sở quan trọng để điều chỉnh những mối quan hệ cụ thể xảy ra trong cộng đồng.

Hưởng thụ là nhu cầu chính đáng, quyền cơ bản của con người. Các giá trị mà con người hưởng thụ như văn hóa nghệ thuật (sân khấu, điện ảnh, ca múa nhạc, điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh…); phong tục, tập quán, tín ngưỡng đã được hình thành, kết tinh, hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, là thành quả lao động sáng tạo của nhiều thế hệ. Được quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa là biểu hiện nhân văn, tiến bộ của một nền văn hóa. Trong điều kiện hiện nay, mỗi công dân Việt Nam không chỉ có quyền nghiên cứu, tiếp cận các giá trị văn hóa của dân tộc mình, mà còn được tiếp cận, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các dân tộc trên thế giới.

Như vậy, về cơ bản, hệ thống thể chế đảm bảo quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa ở Việt Nam đã đáp ứng những yêu cầu cơ bản đặt ra. Các nội dung hưởng thụ, tiếp cận, tham gia, sử dụng các giá trị văn hóa của Hiến pháp năm 2013 thể hiện những quyền căn bản nhất của quyền con người ở lĩnh vực văn hóa, cho thấy tính nhân văn sâu sắc.

2. Những vấn đề đặt ra về hoàn thiện thể chế đảm bảo việc tiếp cận và hưởng thụ giá trị văn hóa của nhân dân

Trên thực tế, vấn đề tiếp cận và hưởng thụ văn hóa được thể hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống, vì vậy, hệ thống thể chế hiện hành còn bộc lộ một số hạn chế như: bảo đảm quyền thực hành lối sống văn hóa, mặc dù luật di sản văn hóa có quy định nhà nước và xã hội bảo vệ, phát huy những thuần phong mỹ tục trong lối sống, nếp sống của dân tộc, bài trừ hủ tục có hại đến đời sống văn hóa của nhân dân… song các quy định này cũng mới đề cập đến phạm vi lối sống mang tính truyền thống, còn về lối sống mới, hiện đại, hội nhập thì chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh. Hoặc đối với vấn đề tri thức y, dược học cổ truyền và các tri thức dân gian khác cũng chưa có văn bản pháp luật nào cụ thể hóa các quy định. Nhìn chung, chưa thực sự có đủ sự gắn chặt quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa trong mối quan hệ với tổng thể quyền con người, cũng như chưa có được các biện pháp đảm bảo một cách hệ thống và đa chiều đáp ứng với đời sống thực tiễn. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa hiện còn nhiều bất cập do hạn chế ngay từ nội dung các văn bản pháp luật, chưa rõ ràng, thống nhất, chưa có các điều khoản có tính dự báo và phạm vi có thể bao sân được những hiện tượng văn hóa xã hội mới xuất hiện; đó là chưa kể một số quy định đặt ra nhưng không gắn liền với các biện pháp đảm bảo thực hiện, các chế tài áp dụng chưa phù hợp. Những tồn tại trên đòi hỏi cần phải tìm ra các giải pháp để hoàn thiện pháp luật về quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa.

Có thể nói, việc xây dựng và phát triển văn hóa mới tiến hành chủ yếu trong lĩnh vực hoạt động của văn hóa, chưa gắn kết chặt chẽ, chưa xuất phát được từ trong kinh tế và chính trị, cũng chưa có được các giải pháp giám sát, điều chỉnh cần thiết, hữu ích, kịp thời nên hiệu quả đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống còn chưa cao. Tình trạng phân hóa trong hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, giữa các tầng lớp, nhóm xã hội và vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập… Vì vậy, phải cải cách thể chế văn hóa.

Với vai trò điều hành và quản lý vĩ mô, nhà nước cần có những chính sách thích ứng kịp thời theo nhu cầu phát triển của xã hội, giao quyền chủ động cho các cấp quản lý văn hóa trong tổ chức thực hiện nhiều hoạt động văn hóa theo chuyên môn và pháp luật, có chính sách thị trường, đầu tư, lưu thông vốn, chính sách ưu đãi để phát triển công nghiệp văn hóa, hình thành cơ chế giám sát chỉ đạo thực thi tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm từ cơ quan quản lý nhà nước cho tới hiệp hội cũng như các cộng đồng tự quản; tạo điều kiện để người dân tham gia tổ chức các hoạt động nhằm thụ hưởng các giá trị văn hóa từ trong vấn đề làm chủ tiếp nhận văn hóa.

Đổi mới thể chế văn hóa cần phải phù hợp với đổi mới của chính bản thân văn hóa. Thể chế về hưởng thụ văn hóa phải xuất phát từ nhu cầu văn hóa thực tiễn và tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, ổn định xã hội và chế độ chính trị ở Việt Nam.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 – 2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ TUYẾN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *