Bạch Linh – nối nhịp nghề đàn ca


Hà Nội những ngày này đang trong giai đoạn giãn cách, đường phố chẳng mấy tiếng còi xe, lâu rồi cũng vắng vẻ các sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Những người chân đi lúc này chắc bồn chồn dữ lắm, anh chị em bạn bè nghệ sĩ của tôi thì bấy lâu nay cứ thấp thỏm mong chờ. Nhấc máy hỏi thăm một người anh ở xa, nhớ trước đây, mỗi lần gọi nhau là ông anh lại chuẩn bị tinh thần vác đàn lên đường chứ chẳng nghĩ có ngày ngồi buôn chuyện dài dòng như này. Vốn dĩ tôi tưởng, anh sẽ than thở bằng cái giọng chóp chép nhai trầu sau khi tôi hỏi: “Dịch dã thế này, ở dưới đấy có đàn hát được gì không anh?” Thế mà nghe anh nói vẫn dí dỏm lắm: “Ôi dào, lâu ngày chiếu Xẩm không tập trung sinh hoạt, đàn cứ treo ở đấy, thỉnh thoảng thấy bụi mang xuống lau rồi đàn hát cho mình nghe, cho đỡ quên, hết dịch thì lên đường hành nghề tiếp chứ có gì đâu.” Tôi bất chợt như tỉnh ngộ, tinh thần Xẩm là đây chứ đâu, chẳng phải trong lúc rong ruổi, mưu sinh vất vả, các cụ ta ngày xưa cũng tràn đầy lạc quan đấy thôi…

Nghệ nhân Hà Thị Cầu đang hướng dẫn học trò Đào Bạch Linh hát xẩm

Niềm đam mê nhen nhóm

Đối với những người yêu mến hát Xẩm thì cái tên Đào Bạch Linh có lẽ không quá xa lạ. Từ một cậu thanh niên năm thứ 3 Đại học vô tình nghe hát trên radio mà anh trót tơ vương, nặng lòng với hát Xẩm đến bây giờ cũng ngót nghét 20 năm. Khi ấy, anh không biết có một loại hình ca hát gọi là Xẩm và cũng không hề biết đến cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, chỉ biết rằng, bà cụ với cách hát thủng thẳng, thủ thỉ từng lời, lúc thì sang sảng, khi thì da diết ấy đã khiến cho anh cứ bị ám ảnh mãi không thôi. Từ đó, Đào Bạch Linh bắt đầu tìm kiếm những thông tin về bộ môn này, góp nhặt từng đồng tiết kiệm để mua đĩa hát Xẩm của nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu. Nghe và nghiền ngẫm, anh nhanh chóng thuộc hết các bài mà cụ đã hát trong 2 đĩa CD. Cuối năm 2003, anh chàng sinh viên mang theo niềm háo hức và say mê ấy về Yên Mô, Ninh Bình, tìm gặp thần tượng hát Xẩm của mình, với mong muốn được cụ chỉ dạy thêm. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như anh nghĩ, anh có thể nhanh chóng học được cách hát, cách nhấn nhá trong câu chữ nhưng không thể nào học theo được ngón đàn của cụ. Anh chia sẻ: “Bà cụ không biết chữ, chưa bao giờ làm cô giáo, cứ đàn hát một mạch, mình không có kiến thức gì về âm nhạc, chẳng biết nốt nhạc nào, khó mà chạy theo được. Khi ấy, hát Xẩm còn chưa có nhiều tư liệu, dễ tiếp cận như bây giờ nên nghĩ đến việc học cũng nản”.

Nghĩ thì như vậy, nhưng khi quay trở lại Hà Nội, Bạch Linh vẫn vừa học ở Trường Ðại học Quốc gia Hà Nội, vừa tranh thủ thời gian tìm hiểu về hát Xẩm, cách chơi đàn Nhị. Anh tích cực tham gia các diễn đàn về âm nhạc, học hỏi anh em bạn bè. Cuối năm 2005-2006, anh tìm đến Trung tâm Phát triển Âm nhạc Việt Nam để học đàn Nhị, nuôi dưỡng quyết tâm kéo được đàn để hát Xẩm. Cuối tuần, anh lại đi xe máy về Yên Mô để học nghệ nhân. Giai đoạn bắt đầu học hỏi hát Xẩm cứ như vậy cho đến những năm 2009-2010, anh trở về Hải Phòng lập nghiệp và xây dựng cuộc sống gia đình. Khi được hỏi, điều gì ở hát Xẩm khiến anh đắm chìm đến thế, Bạch Linh kể: “Anh là con nhà Nho có truyền thống nhiều đời, từ bé đã thích tìm hiểu về chữ nghĩa. Nhớ hồi 6-7 tuổi, anh ở cùng ông nội, có nhiều người đến nhà xin chữ, đứng bên cạnh mài mực cho ông, nghe ông nói về chữ nghĩa rất hay. Cho đến khi nghe hát Xẩm, thấy cách hát, cách thể hiện vô cùng mộc mạc, nhưng ẩn chứa trong đó là lớp ngôn từ ý nghĩa, sâu sắc nên mình cứ bị cuốn hút. Càng hát càng thấm thía, mỗi lần đàn hát anh vẫn thấy xúc động bởi những ca từ của Xẩm, muốn hát làm sao để truyền tải được những giá trị nhân văn đó đến mọi người”. Lắng đọng một chút rồi anh lại nhớ ra, hóa ra bà nội anh còn là người thích ăn trầu giống như “bà thầy mình” (cách gọi cố nghệ nhân Hà Thị Cầu). Bạch Linh thường nhai dập trầu giúp bà (khi đó bà đã rụng hết răng), đến giờ thì “nghiện” luôn món đó. Quả thật, ở Ðào Bạch Linh có nhiều dấu ấn của người xưa còn lại, những hạt giống tình yêu với văn hóa truyền thống đã có sẵn trong anh, để đến khi có duyên giao chạm với hát Xẩm thì bùng cháy như ngọn lửa.

Đào Bạch Linh được Hội Văn nghệ dân gian trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Việt Nam, 2016

Những hành trình lan tỏa

 

Trở về Hải Phòng, Đào Bạch Linh bắt đầu tìm kiếm các đội nhóm, Câu Lạc bộ (CLB) để sinh hoạt, thỏa mãn niềm đam mê ca hát. Thời gian đó ở Hải Phòng chưa phát triển bộ môn Hát Xẩm, anh tìm đến những CLB dân ca, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương, thành phố. Nhân cơ hội giao lưu, biểu diễn, anh có TÁC GIẢ – TÁC PHẨM thể chia sẻ về hát Xẩm đến mọi người. Dần dần, hát Xẩm và cái tên Đào Bạch Linh được biết đến nhiều hơn, mọi người yêu quý gọi anh là Linh Xẩm. Anh tham gia sinh hoạt Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng, truyền dạy cho nhiều lứa học sinh của trường Trung cấp Khiếm thị Hải Phòng và đến đầu năm 2013 thành lập CLB Hát Xẩm Hải Thành (thường gọi là Chiếu Xẩm Hải Phòng, để ghi nhớ về một hình thái tổ chức sinh hoạt của nghề hát Xẩm thời xưa). Anh kể tiếp về người vợ của mình, nửa đùa nửa thật, rằng khi quen nhau anh chỉ biết đàn hát Xẩm, chị có chịu theo anh không. Ấy vậy mà chị bằng lòng, rồi cũng học hát theo anh. Ở chiếu Xẩm Hải Phòng, nếu như anh chăm chút cho các thành viên tập đàn hát thì chị sẽ lo hậu cần chu đáo. Có chị ở nhà vẹn toàn gia đình, con cái, anh yên tâm đi nhiều hơn: Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Sài Gòn,… ở đâu có thể hát Xẩm, cần hát Xẩm là anh có mặt, vừa để giao lưu sinh hoạt trong các hội nhóm Văn hóa – Nghệ thuật cổ truyền, vừa biểu diễn và truyền dạy cho những người có nhu cầu tìm hiểu. Tôi biết đến Linh Xẩm cũng trong các cuộc giao lưu văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội. Theo dõi các chia sẻ của anh trên mạng xã hội, tôi ngồi một chỗ cũng thấy chóng mặt, bởi vừa thấy anh dạy cho nhóm học sinh khiếm thị ở Gia Lâm (Hà Nội), thoắt cái đã về Yên Mô (Ninh Bình) dạy cho một nhóm trẻ em, rồi hôm sau lại hoạt động cùng chiếu Xẩm Hải Phòng, cứ đều đặn như vậy trong nhiều năm. Nhiều cá nhân, lứa tuổi, đội nhóm hát Xẩm được anh truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm đàn hát, nhiều người vững vàng tiếp tục lan tỏa niềm đam mê, góp phần phát triển hội nhóm những người yêu hát Xẩm, đẩy mạnh các hoạt động tìm hiểu, thực hành hát Xẩm vô cùng ý nghĩa. Nhiều người gọi anh là Thầy, nhưng anh thường chỉ nhận mình có màu giọng đặc biệt, còn về đàn hát thì phải cố gắng nhiều: “Mọi người tôn trọng gọi thế nhưng không có nghĩa là mình hát hay hơn, chỉ biết chắc chắn, mình chia sẻ toàn tâm toàn ý bằng tình yêu Xẩm chân thành”. Bằng sự chân thành ấy, anh đã có thêm nhiều anh em, tri kỷ, học trò kề vai sát cánh trong các hoạt động.

Một buổi hát xẩm của thày trò Đào Bạch Linh

Nặng lòng nghề đàn ca

 

Linh Xẩm cùng một số anh em, học trò của mình hay có những cuộc tìm kiếm thông tin, tư liệu về những người hành nghề hát Xẩm. Bất cứ ở đâu, dù chỉ là manh mối nhỏ nhặt, anh cũng tìm đến tận nơi, với hy vọng được biết thêm điều gì về quá khứ của hát Xẩm. Hành trình ấy có thể kể đến từ năm 2014, khi anh phát hiện ra cụ Lý Văn An, vốn thuộc lớp đàn em, cùng phường hát với cụ Trùm Mậu (chồng của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu), người Yên Mô nhưng lưu lạc sang Vĩnh Bảo, Hải Phòng kiếm sống. Hầu hết các cụ đều đã lớn tuổi, có những cụ thì đã qua đời, chỉ tìm được con cái trong gia đình và nghe kể lại chuyện, có người còn không muốn kể, không muốn lộ thân là con nhà Xẩm. Hành trình nào cũng đầy ắp gian nan, nhưng cứ thế ròng rã, không quản xa xôi hay mưa nắng, cứ có thông tin là anh lại lên đường. Anh chia sẻ hai câu chuyện đáng nhớ trong rất nhiều cuộc tìm kiếm của mình. Câu chuyện thứ nhất là khi anh tình cờ xem được một bài báo về chùa Bái Đính, trên góc ảnh minh họa thấy một ông cụ ngồi kéo đàn Nhị, anh tìm về với đầy hy vọng đó là một người hát Xẩm, tuy nhiên ông cụ chỉ biết đàn một số thể loại nhưng không biết hát Xẩm, còn nhờ anh dạy hát… Câu chuyện thứ hai liên quan đến một học trò bây giờ của anh, người gốc Tứ Kỳ, Hải Dương. Khi ấy, anh học trò muốn tìm thầy dạy đàn Nhị để có thể kéo đàn và hát mấy bài bà nội hay hát ở nhà, còn nhầm là hát ru. Trực giác mách bảo, Bạch Linh nhận lời và xin về thăm cụ, hỏi chuyện thì biết cụ là người hát Xẩm thực thụ, theo chân bố mẹ đi hát từ năm 9-10 tuổi cho đến khi lấy chồng. Đến nay cụ đã ngót trăm tuổi, sau gần 80 năm bỏ nghề nhưng vẫn còn hát sang sảng những bài Xẩm xưa. Niềm vui sướng, xúc động trong anh trào dâng mãnh liệt khi được gặp những bậc tiền nhân, càng thôi thúc anh phải làm được điều gì đó để giữ gìn và phát triển những điều quý giá của Xẩm.

Ban đầu, việc đi hát đối với Bạch Linh chỉ là đam mê bên cạnh công việc thường ngày, sau đó dường như đã trở thành trách nhiệm mà anh cảm thấy mình cần gánh vác. Trước khi dừng lại tất cả để chuyên tâm với hát Xẩm, anh đã từng là giảng viên, công chức nhà nước, chủ doanh nghiệp… Bây giờ, anh hạnh phúc khi được theo đuổi nghề hát Xẩm, hơn nữa lại được cả gia đình: bố mẹ, vợ con ủng hộ. Trong sự phát triển phong phú của hát Xẩm hiện nay, Ðào Bạch Linh định vị mình sẽ là người giữ được một nét cổ và luôn hy vọng hát Xẩm sẽ ngày càng phát triển cả về con người, làn điệu, có thêm nhiều lời hát mới với ca từ hay, xuất sắc.

Tác giả: Đinh Thảo

Nguồn: Tạp chí VHNT số 472, tháng 8-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *