Bài tập tình huống phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên đại học

Một trong những biểu hiện thành công của công cuộc cải cách giáo dục trên thế giới hiện nay là sự phát triển toàn diện của đội ngũ cán bộ viên chức vừa giỏi chuyên môn, vừa thành thạo kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm trong hoạt động nghề nghiệp. Một trong những kỹ năng đó là xây dựng tình huống nhằm tạo động lực, hứng thú, khơi dậy khả năng nhận thức, sáng tạo ở người học. Trước mục tiêu đó, các trường đại học đã và đang chú trọng lồng ghép phương pháp xây dựng bài tập tình huống vào giảng dạy nhằm hình thành, phát triển hiệu quả các kỹ năng mềm cho sinh viên.

1. Đặc điểm và bản chất của quá trình dạy học đại học

Quá trình dạy học đại học là một hệ thống cân bằng động gồm ba thành tố cơ bản: tri thức khoa học, hoạt động dạy và hoạt động học. Chúng tương tác với nhau, thâm nhập vào nhau và quy định lẫn nhau để cùng thực hiện nhiệm vụ của quá trình dạy học. Từ đó hình thành, phát triển nhân cách người học theo yêu cầu của phát triển kinh tế, xã hội trong lĩnh vực nghề nghiệp của mỗi giai đoạn cụ thể.

 Về thực chất, quá trình dạy học đại học là bồi dưỡng cho người học trình độ học vấn nhất định, giúp họ trở thành những người lao động, công dân có kiến thức, có kỹ năng hoạt động nghề nghiệp, hoạt động thực tiễn sáng tạo. Quá trình dạy học đại học là một hoạt động phức tạp, chịu sự tác động qua lại của nhiều nhân tố cấu trúc, tạo thành một hệ thống: mục đích, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức dạy học, hoạt động của người dạy và người học. Mỗi nhân tố có vị trí, chức năng, vận động theo quy luật riêng nhưng chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại trong môi trường đại học – xã hội, môi trường khoa học – kỹ thuật của thời đại.

Trong các nhân tố cấu trúc của quá trình dạy học đại học, hoạt động phối hợp chặt chẽ giữa người dạy và người học được coi là nhân tố trung tâm, quyết định chất lượng, hiệu quả đào tạo. Giảng viên với vai trò là chủ thể của hoạt động giảng dạy, được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ sư phạm, nắm vững kiến thức khoa học chuyên ngành, phát huy phẩm chất, năng lực sư phạm để tổ chức thành công các hoạt động. Chất lượng đào tạo của nhà trường phụ thuộc phần lớn vào trình độ năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của giảng viên. Bởi lẽ, giảng viên giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ quá trình dạy học đại học, là chủ thể tác động vào mọi nhân tố, chi phối các nhân tố, nhằm phát huy sức mạnh của các nhân tố khác. Còn sinh viên với vai trò là người học, người tiếp nhận thông tin từ phía người dạy, quyết định chất lượng của hoạt động đào tạo. Như vậy, mối quan hệ phối hợp tích cực giữa người dạy và người học là nhân tố cốt yếu, quyết định chất lượng của quá trình giảng dạy.

2. Những ưu điểm và hạn chế của phương pháp giảng dạy tình huống

Giảng dạy tình huống là một phương pháp đặc thù của dạy học giải quyết vấn đề theo tình huống, ở đó, các tình huống là đối tượng chính của quá trình dạy học (1). Đây là một phương pháp mới mẻ, với nhiều ưu điểm nó tạo ra xung lực thúc đẩy sự hình thành, phát triển những kỹ năng thực hành cho người học như: nâng cao tính thực tiễn của môn học; giúp người học dễ hiểu, dễ nhớ các vấn đề lý thuyết phức tạp; nâng cao tính chủ động, sáng tạo, khả năng tư duy độc lập của người học; các tình huống có tính liên kết lý thuyết cao giúp người học có cơ hội để kết nối và vận dụng các kiến thức đã học một cách linh hoạt; giúp người học rèn luyện, nâng cao một số kỹ năng mềm và làm tăng sự hứng thú của sinh viên trong quá trình học… Tuy nhiên, trong quá trình dạy và học có một số thách thức đặt ra:

Thứ nhất, đối với giảng viên, phương pháp giảng dạy tình huống đòi hỏi giảng viên phải luôn tích cực, đổi mới, cập nhật thông tin, kiến thức, văn bản pháp quy, kỹ năng mới. Để có những tình huống thực tế, giảng viên phải đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ để tiếp cận với các doanh nghiệp, thu thập, xử lý thông tin, xây dựng tình huống. Thực tế này làm tăng đáng kể khối lượng công việc của giảng viên.

Hơn nữa, khó khăn trong việc xây dựng các tình huống giảng dạy là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới khả năng thực tiễn của phương pháp mới này. Một số giảng viên sử dụng tình huống có sẵn ở các tài liệu nước ngoài. Các tình huống này đều được chuẩn bị hết sức chuyên nghiệp nhưng đa phần đều rất xa lạ với thực tế nước ta, do đó nếu chỉ đơn thuần dịch lại các tình huống trong sách nước ngoài, sẽ gây khó khăn cho cả thày và trò.

Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy tình huống đòi hỏi những kỹ năng phức tạp hơn như: cách thức tổ chức lớp học, bố trí thời lượng, đặt câu hỏi, tổ chức sinh viên thảo luận, khuyến khích các thành viên nhóm đều tham gia thảo luận, dẫn dắt mạch thảo luận để đạt được mục tiêu đặt ra khi viết tình huống, nhận xét, phản biện ý kiến của sinh viên… Nếu giảng viên chưa được trang bị tốt những kỹ năng này, phương pháp mới sẽ trở thành gánh nặng đối với sinh viên. Nhiều trường hợp, thày “nghỉ ngơi”, trò phải làm việc mà không có bất kỳ sự định hướng, dẫn dắt nào, nên người học thực chất chẳng thu được lợi ích gì.

Thứ hai, đối với sinh viên, thách thức lớn nhất thuộc về tính năng động, tinh thần ham học hỏi, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo. Phương pháp giảng dạy tình huống chỉ thật sự phát huy giá trị khi có sự tham gia chủ động và sự yêu thích của sinh viên, và sinh viên phải biết cách quản lý tốt thời gian học, biết phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Tuy nhiên, do đã quá quen thuộc với cách tiếp thu kiến thức thụ động, một bộ phận sinh viên không quen với tư duy độc lập nên sẽ khó thích ứng với phương pháp này. Kết quả dẫn đến một số sinh viên năng động sẽ tiếp thu được rất nhiều kiến thức, một số khác chỉ đến lớp vì nghĩa vụ.

Một số thách thức thuộc điều kiện khách quan như môi trường học tập, điều kiện cơ sở vật chất có ảnh hưởng đáng kể đến thành công của phương pháp giảng dạy tình huống. Trong đó bao gồm các yếu tố về trang thiết bị dạy và học như kiểu bàn ghế linh động, projector, overhead, cách thức bố trí bàn ghế, âm thanh, ánh sáng, quy mô lớp học, thư viện, phòng tự học, internet…

Ngoài ra, để buổi thảo luận có chất lượng, sinh viên phải mất nhiều thời gian để tự trang bị các kiến thức lý thuyết và thông tin liên quan trước khi đến lớp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay sinh viên vẫn phải học quá nhiều môn học trong một học kỳ nên không đủ thời gian cần thiết cho việc tự tìm tòi, nghiên cứu; hệ thống thư viện còn nghèo nàn, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo cũng hết sức thiếu thốn. Mặt khác, việc bố trí không gian phòng học như hiện nay với kiểu bàn ghế cố định, phòng học chật chội cũng gây khó khăn nhất định trong quá trình tổ chức buổi thảo luận.

3. Các cách tổ chức giảng dạy bằng tình huống

Tình huống dùng trong lớp học là một trong hai cách sử dụng tình huống giảng dạy. Việc thảo luận tình huống có thể bắt đầu khi sinh viên nhận được tình huống. Đây là cách tiếp cận truyền thống của đại học Harvard. Người hướng dẫn yêu cầu sinh viên trả lời một số câu hỏi, có thể cung cấp thêm cho sinh viên một vài kỹ thuật dùng để phân tích các dữ liệu liên quan trong tình huống. Người hướng dẫn tình huống trực tiếp sẽ kiểm soát quá trình thảo luận, đặt câu hỏi cho một vài sinh viên với mục đích hướng các câu trả lời về vấn đề cần được làm sáng tỏ, có thể kết thúc buổi thảo luận bằng một gợi ý về hướng giải quyết vấn đề. Người hướng dẫn tình huống gián tiếp thông thường bắt đầu bằng câu hỏi: “Các bạn nghĩ vấn đề ở đây là gì?”. Sau đó, sẽ làm chủ buổi thảo luận, yêu cầu các sinh viên làm rõ việc họ đồng ý hay không đồng ý với phát biểu được đưa ra ban đầu. Tuy nhiên, người hướng dẫn gián tiếp sẽ không can thiệp vào nội dung thảo luận. Một bài tiểu luận cá nhân hoặc nhóm sẽ được yêu cầu sau khi kết thúc buổi thảo luận hoặc một vài ngày sau đó. Với cách tiếp cận này, sinh viên sẽ học được kiến thức cũng như kỹ năng phản biện, bảo vệ chính kiến của bản thân thông qua quá trình tranh luận.

Một cách tiếp cận khác của phương pháp tình huống dùng trong lớp học là yêu cầu cá nhân hoặc nhóm thuyết trình về những phân tích và đề xuất liên quan đến tình huống. Sau đó thảo luận chung trong lớp để làm rõ vấn đề. Phương pháp này dễ dàng và mềm dẻo hơn cho ngưòi dạy trong việc kiểm soát lớp học, quản lý thời gian thảo luận hơn là cách thảo luận mở trong lớp, đồng thời cũng giúp sinh viên phát triển kỹ năng giao tiếp, trình bày trước đám đông.

Cuối cùng, người dạy có thể dùng tình huống trong kỳ kiểm tra hết môn. Trong một số trường hợp, tình huống được đưa trước ngày kiểm tra để sinh viên phân tích. Sau đó, vào ngày thi, sinh viên có thể được yêu cầu trả lời một số câu hỏi. Ở những trường hợp khác, người học được yêu cầu phân tích một tình huống ngắn mà họ chưa có kinh nghiệm trước đó ngay trong phòng thi.

Nói chung, phương pháp giảng dạy tình huống là một phương pháp hay, phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra cho ngành dạy học. Nắm vững ưu điểm cũng như hiểu rõ những thách thức mà người dạy, người học cần phải vượt qua sẽ giúp cho việc vận dụng phương pháp này ngày càng phổ biến, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học trong thời gian tới (2).

____________

1. Phương pháp nghiên cứu tình huống phân vai, wordpress.com.vn.

2. Nghiên cứu được tài trợ bởi nguồn kinh phí khoa học và công nghệ của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên trong đề tài mã số T2016-80.  

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 – 2018

Tác giả : NGÔ MINH THƯƠNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *