Bản sắc văn hóa nhìn từ giao lưu văn học


 

1. Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam, dù ở góc độ nào, từ cách tiếp cận liên ngành hay chuyên biệt, người nghiên cứu luôn phải trả lời những câu hỏi hóc búa: Văn hóa dân tộc sẽ, nên, phải được hiểu như thế nào, biểu hiện của nó ra sao, và cái gì là cốt lõi, nền tảng, tương đối ổn định trong suốt quá trình tiến hóa của dân tộc, làm thành bản tính dân tộc, như một phẩm chất đặc thù của dân tộc Việt Nam?,… Nhu cầu nhận thức luận ấy luôn làm đau đầu những nhà nghiên cứu. Bởi lẽ, văn hóa hiện diện ở khắp nơi nhưng không phải là một yếu tố tự nó mà là một khách thể tinh thần chỉ có được khi trừu suất qua các biểu hiện của sự vật hiện tượng. Đó là cái khó thứ nhất khi người nghiên cứu phải đối mặt với tất cả những biểu hiện phong phú và phức tạp của văn hóa. Cái khó thứ hai là văn hóa luôn vận động, nghiên cứu văn hóa là nghiên cứu cái giá trị vừa bền vững vừa biến đổi. Nên chính ở chỗ này, người ta đã tìm được chỗ “né” hợp lý khi hướng sự chú ý vào một nhiệm vụ khác của khoa văn hóa học: đi tìm văn hóa ở phương thức tồn tại của chúng, rồi từ mảnh đất cắm rễ bền chặt ấy, chọn lấy những gì khả thủ nhất, quật vu hồi vào cái vô cùng tận của văn hóa. Hẳn nhiên cách lựa chọn “hai trong một” này sẽ thủ đắc được nhiều hơn so với tình trạng “tay không” tiến hành một cuộc thám phá chay. Trong khi khoa nghiên cứu văn hóa Việt Nam còn non trẻ, cái cách đi từ “thửa ruộng phần trăm” (chữ dùng của Đỗ Lai Thúy) để tiến vào cánh đồng văn hóa như thế còn phát huy được những nghiệm trải suốt quá trình nghiên cứu các lĩnh vực chuyên biệt làm nên sở trường của các nhà nghiên cứu. Vì thế, vẫn theo lối ví von trên thì văn hóa học, xét đến cùng, là sự nhích lên một cấp độ, là cấp độ siêu thăng của các khoa học chuyên biệt, dạng như “siêu” dân tộc học, “siêu” xã hội học, “siêu” ngữ văn học… Con đường đó nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam như Từ Chi, Trần Quốc Vượng, Đặng Nghiêm Vạn, Tô Ngọc Thanh, Đỗ Lai Thúy… đã đi và đã thành công. Đến lượt mình, Nguyễn Bá Thành ít nhiều đã được hưởng những kinh nghiệm ấy. Vì vậy, trong tất cả tính đa dạng và phức tạp của văn hóa, lại từng “thâm canh” ở mảnh đất văn học, dễ hiểu vì sao Nguyễn Bá Thành đã lựa chọn góc nhìn bản sắc văn hóa từ giao lưu văn học như một hướng nghiên cứu chính, tối ưu so với sở học của mình.

Khẳng định văn học là “một trong những bộ môn chính yếu của nghệ thuật, một hiện tượng văn hóa – xã hội có giá trị cao”, Nguyễn Bá Thành đã chỉ ra tính chất song hành của nó: là phương tiện của văn hóachứa đựng nội dung văn hóa, tức vừa là thành tố vừa là thành phẩm của một nền văn hóa. Bởi một mặt, văn học có chức năng bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, mặt khác, trực tiếp tái tạo, sáng tạo cuộc sống. Nói cách khác, văn học ghi nhận những biểu hiện văn hóa và trực tiếp tham gia kiến tạo văn hóa. Qua giao lưu, văn học góp phần xác lập nét đặc trưng, khu biệt cái cốt lõi đặc thù của mỗi nền văn hóa – bản sắc văn hóa (hay bản tính dân tộc, bản sắc dân tộc, dân tộc tính, tính cách dân tộc…). Chính điều này đã khiến việc nghiên cứu văn hóa dưới giác độ văn học, lại là nghiên cứu văn hóa trong một đất nước mà văn học nghệ thuật luôn được xem trọng như Việt Nam, luôn hứa hẹn nhiều thành công, nhất là ở việc đúc rút những thuộc tính bản chất của văn hóa dân tộc.

2. Song, như đã nói, bản sắc văn hóa xét đến cùng lại không phải là một hằng số nhất thành bất biến. Trong sự phát triển tự thân của mỗi nền văn hóa (đặc biệt là một nền văn hóa biệt lập), bản sắc văn hóa luôn được bồi tụ và biến đổi theo suốt diễn trình phát triển của cộng đồng dân tộc đó. Còn thường khi, các nền văn hóa luôn có sự giao lưu và ảnh hưởng lẫn nhau, để lại dấu vết lên nhau (nhất là của nền văn hóa già với nền văn hóa trẻ) qua quá trình tiếp biến, tiếp thu hay đồng hóa. Bản sắc văn hóa, vì vậy, chỉ là một giá trị tương đối ổn định và bền vững theo suốt quá trình vận động tự thân của mỗi nền văn hóa và qua giao lưu văn hóa nhưng lại là chất keo cố kết các thành phần văn hóa, làm thành cấu trúc nội tại của mỗi nền văn hóa. Hình thức bề mặt của cấu trúc này là những mô hình văn hóa dân tộc mà sự phát triển của nó, xét ở mặt những biểu hiện, là sự thay thế của những mô hình văn hóa trong những thời đoạn khác nhau trong tương quan với bản tính dân tộc và diễn trình phát triển của cộng đồng dân tộc ấy.

Tìm hiểu văn hóa Việt Nam qua giao lưu văn học, Nguyễn Bá Thành cho rằng: “Ta có thể nhìn thấy các chặng đường vận động và thay thế nhau của các mô hình văn hóa do sự chọn lựa của người Việt Nam. Văn hóa khởi nguyên, Văn hóa theo mô hình Trung Hoa, Văn hóa theo mô hình phương Tây, và Văn hóa dân tộc tự chủ là bốn mô hình, bốn kiểu văn hóa, bốn thời đại văn hóa của Việt Nam” (tr.135). Ở mỗi chặng đường, mỗi mô hình văn hóa đều là kết quả của sự tiếp nối, kế thừa và biến đổi của văn hóa dân tộc trong giao lưu và hội nhập. Hẳn nhiên sẽ có một sợi dây xuyên suốt các mô hình văn hóa làm thành bản sắc Việt Nam bên cạnh một cái nền cơ bản làm nảy sinh văn hóa Việt Nam, như cái tính duy nông nghiệp nhiệt đới ẩm gió mùa mà cương vực lãnh thổ đã quy định. Nhìn một cách khái lược về bốn thời kỳ đó, Nguyễn Bá Thành viết: “Thời đại thứ nhất chúng ta đã có nhiều tư liệu khảo, nhiều bằng chứng về một nền văn hóa nông nghiệp đã phát triển. Tuy vậy, về phương diện văn học, văn tự là chưa có gì để chúng ta có thể đi sâu. Thời đại thứ hai, giai đoạn Bắc thuộc, chúng ta cũng rất ít tài liệu, tư liệu về văn học, văn tự. Chúng ta chỉ có thể đi vào giai đoạn quốc gia độc lập trở về sau, nghĩa là từ khi có chính thể riêng biệt, tách khỏi sự thống trị của người Trung Quốc. Thời đại này cũng kéo dài hàng ngàn năm. Thời đại thứ ba diễn ra trong khoảng một trăm năm, kể từ năm 1858, khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta. Thời đại thứ tư là từ khi nước nhà độc lập, thống nhất, mà rõ rệt nhất là từ khi bước vào công cuộc Đổi mới. Một nền văn hóa mới được xây dựng theo phương châm độc lập tự chủ, bình đẳng với các nền văn hóa khác của nhân loại” (tr.135). Có thể coi đó là những nét cơ bản của mô hình văn hóa và vị trí của văn học ở mỗi chặng đường phát triển của dân tộc ta.

3. Quan niệm bản sắc văn hóa chỉ được thể hiện sáng rõ qua giao lưu và hội nhập, Nguyễn Bá Thành đã đi sâu phác dựng “bản sắc Việt Nam” trên hai phương diện: Quá trình giao lưu và hội nhập của văn hóa Việt Nam; Văn học cách mạng Việt Nam nhìn từ góc độ giao lưu và hội nhập. Ở phương diện thứ nhất, văn học được coi như thành tố văn hóa. Ở phương diện thứ hai, văn học được coi như thành phẩm văn hóa. Thống nhất ở cả hai phương diện, văn học được nhìn nhận nhất quán là một phương tiện sáng tạo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cách thức đặt vấn đề như vậy là hợp lẽ. Bởi tác giả đã ý thức tới việc không tuyệt đối hóa vai trò của văn học mà đặt cách tiếp cận văn hóa bằng văn học bên cạnh các cách tiếp cận khác. Tính chất bổ trợ cũng như mặt mạnh của phương pháp tiếp cận qua (và bằng) văn học chính là ở chỗ nhiều tác phẩm đã kết tinh sâu sắc được cái “quốc hồn quốc túy” của dân tộc trong những hoàn cảnh nhất định mà không phải thành tố văn hóa nào cũng vươn tới được. Thêm nữa, cái khả năng kiếm tìm và xác tín bản sắc dân tộc trong văn học (hẳn nhiên là mang dấu vết tập quán sinh hoạt, ứng xử; thói quen sinh ngữ; và cả phần hữu thức lẫn vô thức trong cá tính sáng tạo của nhà văn; sự quy chiếu của tâm lý, thị hiếu độc giả…) là một nét đặc thù không dễ thay thế. Văn học vì vậy, là một nguồn tư liệu không thể không bàn tới khi nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc. Nó là lý do để khẳng định, ở việc đặt vấn đề, với Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn học, Nguyễn Bá Thành là người đi tiếp ở địa hạt này, bên cạnh phương pháp dân tộc học trong Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người của Từ Chi; địa – văn hóa – lịch sử trong Việt Nam, cái nhìn địa văn hóa Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm,… của Trần Quốc Vượng; cấu trúc – chức năng trong Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm; mẫu người văn hóa trong Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa của Đỗ Lai Thúy;… Cũng cần nói thêm, một điểm khả thủ của Nguyễn Bá Thành khi chọn văn học làm điểm phát xuất của việc tìm hiểu bản sắc Việt Nam chính là ở chỗ tác giả không chỉ dừng lại ở việc coi giao lưu văn học (như là một biểu hiện đầy đặn của giao lưu văn hóa) là đích đến, mà quan trọng hơn, qua đó tìm ra “cơ chế tiếp thu” của văn hóa Việt Nam. Đọc chuyên luận, người ta không chỉ thấy văn hóa Việt Nam đã tiếp biến cái gì của văn hóa nước ngoài, mà quan trọng hơn, thấy được cái cách tiếp biến ấy.

4. Với cách đặt vấn đề như thế, tìm hiểu văn học trong tổng thể văn hóa theo từng thời kỳ phát triển là một thao tác cần thiết. Khi văn học Việt Nam còn nằm trong quỹ đạo văn học Đông Á, Nguyễn Bá Thành đi tìm những nét tương đồng và dị biệt của văn hóa Việt Nam với văn hóa Trung Hoa thông qua văn học. Ít nhiều tranh biện với ý kiến đi trước, nhất là ở những học giả chú tâm đi tìm sự khác biệt của văn hóa Việt Nam trong so sánh với văn hóa Trung Quốc, tác giả cho rằng về cơ bản văn hóa chính thống Việt Nam thời trung đại mang mô hình Trung Hoa. Trong văn học là sự bứng trồng từ hệ tư tưởng, quan niệm nghệ thuật đến hệ thống thi pháp, thể tài và ngôn liệu. Nét dị biệt, có thể chỉ thấy rõ ở hào khí dân tộc (trong cách thể hiện lòng yêu nước), cảm hứng trữ tình và trào lộng như một nét tiêu biểu của tính cách Việt Nam. Thực ra, nếu tiếp tục đẩy sâu hướng khảo sát văn hóa trung đại từ giác độ văn học, ta còn thu được nhiều kết quả thú vị. Chẳng hạn như con đường từ Phật sang Nho và dấu ấn Tam giáo đồng nguyên thời Lý – Trần được thể hiện khá rõ nét trong ngôn liệu văn học là một thí dụ. Ngôn thuyết tư tưởng trong các tác phẩm Phật học hầu như đều có sự dung nạp chất liệu ngôn ngữ của kinh điển Nho gia. Có điều đó là do các tăng đồ đương thời rất quảng bác, tư tưởng lại chuộng hòa đồng và tinh thần khai phóng. Có lẽ chính lớp trí thức ưu tú này đã góp phần gây dựng nền tảng và bản lĩnh văn hóa dân tộc, làm cho suốt nhiều thế kỷ về sau, khi tư tưởng Nho giáo trở thành độc tôn, văn hóa Nho giáo được đón nhận rộng rãi, Việt Nam vẫn không bị Trung Quốc đồng hóa.

Ở chặng đường tiếp theo, khi văn học Việt Nam hòa vào quỹ đạo thế giới, Nguyễn Bá Thành tiếp tục dành nhiều sự chú ý cho quá trình khẳng định bản sắc dân tộc theo suốt hành trình hội nhập. Trực diện với văn hóa Pháp và Âu Tây, hình như ý thức phản vệ được tạo lập từ ngàn đời phải toan lo với ách thống trị phương Bắc đã tỏ ra phát huy được tác dụng. Một lần nữa văn hóa Việt Nam không bị đồng hóa, thậm chí, có được sự phát triển vượt trội. Riêng trong văn học, mượn lời Vũ Ngọc Phan, đã đạt được thành tựu “một năm bằng ba mươi năm của người”. Có thể nói, nếu như ở giai đoạn trước, ngoài cách lý giải cơ chế tiếp biến như là một nhu yếu tự vệ văn hóa (G. Devereux) đã làm nên một Việt Nam “phi Hoa phi ấn”, thì ở đây, quan niệm xúc tiếp văn hóa giữa các nền văn hóa khác biệt của Lévi Strauss tỏ ra soi rọi được nhiều vấn đề thú vị. Nó góp phần cắt nghĩa cho ta hiểu tại sao văn hóa, văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX lại có tốc độ phát triển nhanh mạnh và có nhiều thành tựu đến vậy.

Cọ xát với văn hóa phương Tây, như một nhu yếu hiện đại hóa, văn học Việt Nam mang trong mình hai tiếng gọi: dội vọng từ quá khứ và thức nhận từ hiện tại. Giữa thời đại kỹ trị và sục sôi đấu tranh cách mạng, nhân vật trung tâm trong văn học Việt Nam đã nhanh chóng vận động từ “kẻ cùng đinh hay chân quê” sang “người anh hùng cứu nước”. Hai mẫu hình ấy là kết quả của sự dính kết vào quá khứ, cũng vừa tượng trưng cho quy luật phát triển và là lời đáp trả thực tại đấu tranh cách mạng. Văn nghệ Việt Nam thời hiện đại, vì vậy, hầu như đã đi trên hai chân quan niệm: là hình thái ý thức thẩm mỹ và là hình thái ý thức xã hội. Văn học muốn chuyên chú ở chính nó nhưng cũng không ngại ngần biến mình thành phương tiện để đấu tranh vì lẽ tồn vong của dân tộc. Để đến khi đất nước hòa bình thống nhất, đặc biệt từ khi nhà nước thực hiện đường lối đa phương hóa, cũng là lúc nền văn minh nhân loại đang đứng trước ngưỡng cửa hậu hiện đại, văn học Việt Nam hòa chung vào “tâm thức” mới, đồng hành cùng văn hóa nhân loại. Đã có một quá trình ly tâm, và ở mức độ nào đó, cái ngoại biên và cái trung tâm sẽ bị cào bằng về mặt vị thế, sự khác biệt chỉ còn ở khía cạnh cái “bản sắc” mà mỗi dân tộc nêu ra như bản lai diện mục của mình trước cộng đồng thế giới. Và trong một “thế giới phẳng” như vậy, hoạch định một đường hướng cho sự bảo tồn và phát triển văn hóa càng trở nên cấp thiết. Ở “hoàn cảnh” ấy, văn học ít nhiều sẽ đảm lãnh trách nhiệm như một thứ thuốc thử trong giao lưu và hội nhập.

5. Chọn văn học và giao lưu văn học (trong tập hợp các thành tố của nền văn hóa) để tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, Nguyễn Bá Thành đã có được một hướng đi hợp lý và phần nào đó, có thể tạo được nhiều cơ hội chỉ ra nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam kết tinh trong văn học. Chọn bản sắc văn hóa (trong chỉnh thể văn hóa dân tộc) để tìm hiểu văn hóa Việt Nam, Nguyễn Bá Thành đã dám dấn thân vào mảng có thể nói là gai góc nhất của nghiên cứu văn hóa. Bởi cho đến nay, dù đã có nhiều ý kiến tỏ ra xác đáng về bản sắc dân tộc Việt Nam nhưng hầu như vẫn chưa cách tiếp cận nào lột tả được một cách tương đối “vẻ đẹp tiềm ẩn” của văn hóa Việt. Trong khi đó, dù không thể phủ nhận khả năng của văn học trong việc kết tinh “quốc hồn quốc túy” của dân tộc, trong việc xây dựng những điển hình nhân cách và lối sống của người dân,… nghiên cứu văn hóa từ góc độc văn học vẫn không thể “bao sân” cho những cách tiếp cận từ góc độ khác. Chưa kể, khảo sát bản tính dân tộc từ góc độ văn học còn đánh mất đi một phần nền tảng khá quan trọng là thời kỳ nước ta chưa có văn tự, nhưng lại ghi nhiều dấu mốc quan trọng trong việc định hình tộc người, dân tộc. Trong khi, ở phần tác giả có thể khảo sát được, là từ khi có văn tự, thì phải đối diện với một khối lượng tư liệu khổng lồ và thiếu hoàn chỉnh (nhất là phần trung đại do ngành văn bản học của chúng ta chưa phát triển). Thêm nữa, dù đã đặt vấn đề ở khía cạnh thao tác nhưng nhiều khi (phải chăng để chỉ ra bản sắc Việt Nam có bằng này hay bằng kia những dấu hiệu có thể đo đếm sờ nắm được ?) mà tác giả vẫn chưa dứt khoát thoát khỏi thói quen định tính… Nói như vậy để thấy cái khó khăn của việc tiếp cận văn hóa Việt Nam, trong sự chi phối của cả tư liệu nghiên cứu và quán tính nghiên cứu.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 297, tháng 3-2009

Tác giả : Đoàn Ánh Dương

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *