Bảo tàng ngoài công lập với vai trò bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Hà Nội


Bảo tàng ngoài công lập góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Hà Nội. Mặc dù, số lượng bảo tàng ngoài công lập còn ít so với bảo tàng công lập nhưng lại có những nét đặc sắc riêng, thu hút được lượng lớn khách tham quan, góp phần phát triển du lịch địa phương. Bài viết đề cập đến vai trò của các bảo tàng ngoài công lập trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Hà Nội, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập trong xu thế hội nhập và phát triển của thủ đô trong tương lai.

 

Lịch sử phát triển bảo tàng thế giới cho thấy, loại hình bảo tàng tư nhân ra đời rất sớm, không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng với nhiều loại hình, quy mô lớn nhỏ khác nhau. Nhiều bảo tàng nổi tiếng ở Châu Âu cũng được phát triển trên cơ sở của bảo tàng ngoài công lập, các bộ sưu tập cổ vật, nghệ thuật của cá nhân hay dòng họ lớn. Tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, tình hình kinh tế, thể chế chính trị và nhiều yếu tố khác mà hệ thống bảo tàng tư nhân ở mỗi quốc gia có sự khác biệt. Ở các nước phát triển, bảo tàng ngoài công lập phát triển mạnh với sự đỡ đầu của các tập đoàn, công ty lớn (1). Theo số liệu của Cục Di sản văn hóa, đến tháng 6 – 2019, cả nước có 39 bảo tàng ngoài công lập ở nhiều tỉnh và thành phố, trong đó, Hà Nội có tới 15 bảo tàng, với số lượng hiện vật phong phú, đa dạng.

1. Bảo tàng ngoài công lập với vai trò bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Hà Nội

Công cuộc đổi mới đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế những năm gần đây đã làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Sự ra đời của các bảo tàng ngoài công lập, sưu tập tư nhân theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các loại hình bảo tàng, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Trong hơn 10 năm trở lại đây, các bảo tàng ngoài công lập được thành lập và đi vào hoạt động đã góp phần đáng kể trong công tác quản lý di vật, cổ vật của Hà Nội. Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của bảo tàng tư nhân, điều kiện để thành lập bảo tàng có nêu rõ: “các hiện vật trong sưu tập hiện vật phải được đăng ký tại Sở Văn hóa – Thông tin theo quy định của pháp luật” (2). Do đó, các nhà sưu tập muốn thành lập bảo tàng ngoài công lập sẽ phải đăng ký với cơ quan quản lý số lượng, thành phần, loại hình hiện vật mà mình hiện sở hữu.

Tại 15 bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phần, số lượng và các sưu tập hiện vật rất phong phú, đa dạng về loại hình, chất liệu, kỹ thuật chế tác… Tiêu biểu như Bảo tàng Mỹ thuật họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ hiện lưu giữ gần 4.000 hiện vật là tác phẩm tranh, điêu khắc, đồ gốm… của các hoạ sĩ nổi tiếng trong nước. Bảo tàng Tiền tệ gây ấn tượng mạnh với một số lượng tiền cổ phong phú: 10.300 kg tiền kim loại của các triều đại phong kiến ở Việt Nam, 5 triệu tờ tiền giấy của 185 nước trên thế giới. Bảo tàng lưu niệm GS.TS Nguyễn Văn Huyên lưu giữ khoảng 5.000 tài liệu hiện vật bao gồm: ảnh tư liệu, văn bản gốc liên quan đến quá trình ông làm luận án ở Paris, công trình nghiên cứu ở Trường Viễn Đông Bác cổ (Pháp), thư từ, máy nghe nhạc, thẻ thư viện, các tài liệu hành chính thời kháng chiến chống thưc dân Pháp, chiến tranh chống Mỹ…, kỷ vật của bà Vi Kim Ngọc: nhật ký viết về chồng, con, cháu, những bản vẽ, tài liệu khi bà làm kỹ thuật viên ở Đại học Y Hà Nội, thư từ và cả những cuốn sổ chi tiêu hàng ngày… Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày, nơi lưu giữ và trưng bày hơn 4.000 hiện vật và sưu tập hiện vật về đề tài lịch sử cách mạng, trong đó có nhiều sưu tập quý là những bằng chứng tố cáo tội ác dã man của kẻ thù đế quốc đã tra tấn các chiến sĩ cộng sản là hiện vật về tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sỹ cộng sản tại các nhà tù Phú Quốc, Pleiku…

Sự tồn tại của các bảo tàng ngoài công lập song hành cùng hệ thống bảo tàng công lập sẽ tạo ra sự đa dạng, phong phú trong các hình thức hoạt động do có sự giao lưu, trao đổi, hợp tác, thậm chí cả sự cạnh tranh, giành thị phần công chúng… giữa hai loại hình bảo tàng này. Điều này thúc đẩy các bảo tàng hoàn thiện, phát triển hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Như trường hợp bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, ngoài hình thức hướng dẫn tham quan, bảo tàng đã bước đầu xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với một số trường trên địa bàn thành phố, đề ra kế hoạch tham quan đối với học sinh, gồm các hoạt động: diễn kịch, thảo luận, khám phá hoạt động khoa học và sự nghiệp của GS Nguyễn Văn Huyên. Bảo tàng cũng rất thành công trong việc sử dụng phương tiện truyền thông để giới thiệu hình ảnh đến công chúng. Từ những hoạt động này, bảo tàng đã bước đầu thu hút được nhiều khách tham quan, xây dựng được một lượng công chúng tiềm năng.

Tại Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày, ngoài tham quan trưng bày tại chỗ, bảo tàng còn tổ chức các buổi trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động nhằm giới thiệu với công chúng ở xa. Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đã tổ chức thành công sưu tầm tài liệu hiện vật và trưng bày về các anh hùng, liệt sĩ làng Lai trong trưng bày chuyên đề Ký ức về Liệt sĩ Làng Lai nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7. Ngoài ý nghĩa tưởng niệm các liệt sĩ làng Lai, cố kết các gia đình trong cộng đồng làng Lai Xá, buổi trưng bày còn giúp công chúng biết đến bảo tàng hơn.

Bảo tàng ngoài công lập ra đời phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huy động mọi nguồn lực xã hội vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, gắn kết văn hóa với kinh tế và du lịch. Các di sản văn hóa được lưu giữ rất nhiều trong nhân dân, khi chưa có văn bản luật cho phép thì các di sản ấy mới chỉ được giới thiệu giới hạn thông qua một số các cuộc triển lãm, trưng bày. Luật Di sản văn hóa được ban hành chính là cơ sở pháp lý để thành lập bảo tàng ngoài công lập. Loại hình bảo tàng này luôn cố gắng tạo những nét đặc sắc riêng, nhằm thu hút khách tham quan đến nghiên cứu và hưởng thụ những giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, các bảo tàng ngoài công lập phải hoàn toàn tự lực về vốn, kinh phí hoạt động và tổ chức hoạt động. Vì vậy, đòi hỏi họ phải thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn vốn từ các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân cho sự nghiệp phát triển văn hóa – bảo tàng trong xã hội.

2. Giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bảo tàng ngoài công lập trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Nội

 Nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của các bảo tàng ngoài công lập

Các bảo tàng công lập cũng như ngoài công lập đều có vai trò và trách nhiệm đối với xã hội, là những cơ quan giáo dục tồn tại bình đẳng và cùng có cơ hội thành công như nhau. Vì vậy, cần phải thể chế hóa rõ hơn các quy định về điều kiện thành lập bảo tàng ngoài công lập, cụ thể là quy định về hoạt động của bảo tàng.

Có chính sách khuyến khích việc thành lập bảo tàng ngoài công lập

Hiện nay, việc thành lập bảo tàng ngoài công lập đã được đơn giản hóa cả về quy trình và thời gian. Tuy nhiên, từ đó đến nay, số lượng bảo tàng ngoài công lập ở Hà Nội vẫn chưa có sự thay đổi lớn, vẫn chỉ thành lập được 15 bảo tàng trong giai đoạn dài 2006 – 2019.

Điều đó cho thấy sự cần thiết của chính sách đổi mới thủ tục hành chính và khuyến khích các chủ sưu tập thành lập bảo tàng. Sự đổi mới thủ tục hành chính không có nghĩa là giảm thiểu thủ tục, rút ngắn thời gian, điều quan trọng hơn là có sự hỗ trợ về chuyên môn trong việc thẩm định giá trị các sưu tập, định hướng về nghiệp vụ cho quá trình hoạt động.

Có chính sách khuyến khích việc kết nối hoạt động giữa bảo tàng công lập với bảo tàng ngoài công lập

Các bảo tàng ngoài công lập có thể tăng cường phối kết hợp với các bảo tàng công lập trên địa bàn tỉnh thành để trưng bày, nghiên cứu làm sáng rõ thông tin về hiện vật, giới thiệu các sưu tập hiện vật đến với công chúng. Đồng thời, các bảo tàng công lập tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên trong các bảo tàng ngoài công lập.

Cần có các cơ quan chức năng hỗ trợ cho hoạt động của hệ thống bảo tàng ngoài công lập

Nhu cầu giám định cổ vật là điều kiện cho việc thành lập và cũng là một trong những rào cản cho sự phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam. Do đó, cần phải sớm có các trung tâm chức năng, nghiệp vụ và chuyên môn trong lĩnh vực giám định cổ vật cũng như trung tâm bảo quản các tài liệu hiện vật (cả bảo quản thông thường và bảo quản kỹ thuật).

Tăng cường công tác đối ngoại và phát triển dự án – Kết nối để quảng bá

Hiện nay, nhiều bảo tàng công lập đã thực hiện tốt công tác đối ngoại nhằm nhận được sự hỗ trợ có hiệu quả về tài chính cũng như chuyên môn từ các bảo tàng, tổ chức quốc tế… Hơn nữa, thông qua các dự án này, các bảo tàng cũng tăng cường quảng bá hình ảnh của mình đến với bạn bè thế giới.

Các bảo tàng ngoài công lập có thể áp dụng mô hình này một cách phù hợp bằng cách xây dựng các đề xuất xin tài trợ. Việc đưa ra đề xuất sẽ vô cùng hữu ích kể cả khi không nhận được tài trợ bởi từ chính các hoạt động này, tên tuổi của bảo tàng sẽ được biết đến ở phạm vi quốc tế.

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Các bảo tàng ngoài công lập có thể phát triển công tác truyền thông của bảo tàng mình thông qua các phương tiện như: website, mạng xã hội, các ấn phẩm của bảo tàng, kết hợp tổ chức các chương trình quảng bá, phát triển công chúng và xã hội hóa hoạt động của bảo tàng; tổ chức lấy ý kiến đánh giá của công chúng về hoạt động của bảo tàng; xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động của bảo tàng ở trong và ngoài nước….

Tổ chức và thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ

Căn cứ vào điều kiện cụ thể, mỗi bảo tàng ngoài công lập đều có quyền tổ chức các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí; sản xuất các sản phẩm lưu niệm, xuất bản các ấn phẩm của bảo tàng; tổ chức các sự kiện văn hóa giáo dục, thể thao và du lịch; cung cấp thông tin, tư liệu, tư vấn kỹ thuật nghiệp vụ…

Có thể nói, bảo tàng ngoài công lập ra đời đã góp phần huy động nguồn lực xã hội vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Khi Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp quy được ban hành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà sưu tập tư nhân có cơ hội thành lập bảo tàng ngoài công lập, nhằm hạn chế tình trạng “chảy máu cổ vật ở các địa phương”. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các bảo tàng cũng gặp không ít khó khăn, bộc lộ những hạn chế. Vì vậy, cần có những giải pháp cả về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như chủ sở hữu trong chiến lược phát triển các bảo tàng ngoài công lập, giúp cho các bảo tàng này thể hiện được tốt hơn vai trò của mình trong bảo tồn và và huy giá trị di sản văn hóa ở Hà Nội.

_______________

1. Phạm Mai Hùng, Bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam – Nhìn từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, tập VIII, Cục Di sản văn hóa xuất bản, Hà Nội, 2018, tr.1.

2. Bộ VHTTDL, Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng, Số 18/2010/TT-BVNTTDL, ngày 31-12- 2010.

 

Tác giả: Hoàng Thanh Mai

Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *