Bảo tồn di sản trò chơi dân gian


 

Trò chơi dân gian là một bộ phận quan trọng và độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Nó phản ánh quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, chứa đựng những ý tưởng thẩm mỹ mang đậm dấu ấn, sắc thái của quá trình lịch sử tộc người, địa phương, vùng văn hóa. Không chỉ thăng hoa lên tầng ý nghĩa nhân văn, trò chơi dân gian còn thiết thực với đời sống tinh thần, thể chất của mỗi con người, mỗi cộng đồng trong chu trình sinh sống đời thường.

Xưa kia, trò chơi dân gian có ở hầu khắp các không gian và môi trường sinh sống của cư dân. Nó dành cho tất cả mọi người, từ con trẻ cho đến tuổi già, cho cả người no đủ lẫn người thiếu đói. Họ chơi trong lúc nông nhàn theo vụ, chơi cả trong các nghi thức được tin là linh thiêng, chơi hàng ngày trong nhà và ngoài sân, chơi cả nơi chợ phiên và lúc tránh nắng ngoài đồng. Cùng với các yếu tố văn hóa truyền thống khác, trò chơi dân gian đã từng là trang ký ức đậm nét về quê hương làng xóm trong mỗi tâm hồn, góp phần tạo nên lòng yêu nước, hun đúc thành ý thức rõ ràng về dân tộc như một nét tính cách không thay đổi của người dân nước Việt.

Đáng tiếc, vai trò của trò chơi dân gian nay không còn như xưa. Trong bối cảnh mới, các cấu trúc xã hội nông thôn truyền thống (môi trường tự nhiên, xã hội, văn hóa của trò chơi dân gian) đang bị phân rã và dần được thay thế bởi các quan hệ kiểu đô thị. Sở thích và cách thức giải trí cũng thay đổi. Nhiều trò chơi dân gian đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên.

Thực tế ấy khiến chúng ta nghĩ tới việc phục hồi, bảo tồn và phát huy các giá trị của trò chơi dân gian vừa với tư cách một di sản văn hóa phi vật thể vừa như một giải pháp cân bằng đời sống văn hóa giải trí theo hướng lành mạnh, bền vững và cho mọi người.

Để làm được việc này, cần thống nhất một số quan điểm và nguyên tắc.

1. Vừa bảo tồn nguyên bản vừa cách tân

Tính nguyên bản của trò chơi dân gian được hiểu như những dạng thức trò chơi được hình thành bởi trí tuệ dân gian, trở thành một truyền thống của cộng đồng sở hữu nó. Tính nguyên bản được nhận ra bằng sự công nhận của cộng đồng chủ nhân sở hữu trò chơi dựa trên trí nhớ dân gian và các thực hành của họ. Mặt khác cũng có thể căn cứ vào các ghi chép trong quá khứ xa hay gần. Sự làm “sai lệch” cần được hiểu như những hành vi vô trách nhiệm, bóp méo, thêm bớt cố ý trong miêu tả, thực hành, truyền bá hay lưu trữ nhưng lại với danh nghĩa của tính nguyên bản. Sự “sai lệch” xảy ra sẽ làm cho xã hội dễ ngộ nhận về giá trị của di sản. Bản thân di sản sẽ mất đi vĩnh viễn chân giá trị lịch sử và văn hóa của nó. Do vậy, việc phục hồi và bảo tồn trò chơi dân gian trước hết cần coi trọng nguyên tắc tính nguyên bản với tư cách một di sản văn hóa phi vật thể thuộc truyền thống dân tộc được pháp luật bảo vệ.

Cần thống nhất rằng việc bảo tồn với nguyên tắc bảo vệ tính nguyên bản, tránh làm “sai lệch” di sản, sẽ có ý nghĩa khác với các trường hợp sau:

Thứ nhất: tính sáng tạo liên tục của văn hóa dân gian như một tiếp tục của dòng chảy truyền thống. Khác với các di sản vật thể ổn định và có thể định lượng rõ ràng, những di sản phi vật thể được lưu giữ bởi trí nhớ dân gian và truyền miệng hay truyền tay, rất khó xác định tính nguyên bản đến từng yếu tố. Hơn nữa, quá trình của những sáng tạo dân gian không chỉ dừng lại ở thời xưa mà vẫn đang diễn ra bởi sự bổ sung thêm bớt những chi tiết từ đương đại. Khi đánh giá di sản, cần lường trước chi tiết mà dân gian đang tiếp tục sáng tạo để phân biệt với cái được gọi là làm “sai lệch”. Tuy nhiên, sáng tạo dân gian thường dựa trên cơ sở của một “khung” truyền thống nhất định đã được xác lập trước đó. Tính nguyên bản lúc này có thể coi như cái “khung” mà truyền thống đã xác lập.

Thứ hai: khai thác tinh hoa từ truyền thống văn hóa làm tốt đẹp hơn cuộc sống đương đại như một nhu cầu xã hội, phù hợp với luật pháp hiện hành. Bên cạnh việc bảo tồn tính nguyên bản thì việc cách tân, khai thác những yếu tố tinh hoa để xây dựng các giá trị mới mang cốt cách truyền thống là lối ứng xử mang tính quy luật, đúng đắn và trân trọng đối với di sản văn hóa phi vật thể. Tính nguyên bản sẽ được gìn giữ và bảo vệ với tư cách bảo tồn. Sự can thiệp gạn lọc từ nguyên bản những tinh chất sẽ là cách để giá trị của di sản được phát huy trong thực tiễn đời sống xã hội đương đại. Điều này khác về bản chất với làm “sai lệch” di sản.

2. Phát triển mang tính cạnh tranh mà không áp đặt

Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo rằng: không thể sử dụng sức mạnh hay ý chí để áp đặt văn hóa. Trong giai đoạn lịch sử nhất định (ví dụ như trong chiến tranh), có thể một kiểu lối sống, nếp sống được đặt ra cho toàn xã hội và được duy trì bởi ý chí với tư cách một phương tiện nhằm đạt mục tiêu của vận động xã hội đó. Tuy nhiên, khi giai đoạn lịch sử đó qua đi, tự bên trong xã hội sẽ khước từ kiểu lối sống, nếp sống bị áp đặt đó để trở về với cái muôn thủa của trật tự được lựa chọn do mưu cầu hạnh phúc trong những điều kiện và mong muốn của từng con người, từng nhóm và xã hội cụ thể. Khi ấy lối sống, nếp sống, nhu cầu, sở thích như là hệ quả của thực tiễn sống mà không phụ thuộc vào sức ép và khuôn mẫu nào.

Nước ta đang trong quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, quyền con người ngày càng được tôn trọng. Người dân nay đều có quyền tự do lựa chọn những gì mà luật pháp không cấm để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình. Với tốc độ phát triển của thị trường hiện nay, người ta có nhu cầu gì sẽ có cái để đáp ứng ngay nhu cầu đó. Thậm chí có quá nhiều sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh lẫn nhau, khiến người tiêu dùng không phải đi tìm mua sản phẩm hay dịch vụ mà bị đẩy vào thế băn khoăn trước sự lựa chọn trong điều kiện cho phép của hoàn cảnh. Đời sống văn hóa, giải trí và thị trường giải trí không đứng ngoài bầu không khí này. Trong bối cảnh đó, không thể áp đặt đưa trò chơi dân gian tái hội nhập vào đời sống văn hóa, giải trí đương đại theo cách duy ý chí. Không ai có thể bắt người khác chơi theo sở thích của mình.

Để làm sống lại và phát triển trò chơi dân gian, vấn đề cốt yếu là làm sao cho các sản phẩm trò chơi dân gian có sức cạnh tranh trong đời sống văn hóa giải trí ngày nay. Lợi thế cạnh tranh của hoạt động chơi bằng trò chơi dân gian chính là những tiện ích mà nó đem đến cho người tham dự như: tính hấp dẫn, tính đa dạng, rẻ tiền, ai cũng có thể tham gia, đơn giản về cách chơi, đồ chơi, thích hợp với cả các cuộc chơi cộng đồng cũng như nhóm hay cá nhân…

3. Kế thừa những đặc điểm phù hợp nhu cầu xã hội

Sự gần gũi và thân thiện tự nhiên của sân chơi: Trò chơi dân gian chủ yếu được hình thành trong không gian tự nhiên, luôn thân thiện với môi trường. Đặc điểm này của trò chơi dân gian đến nay vẫn còn có ý nghĩa lớn. Nó dẫn đến những nguyên tắc khi lựa chọn và chuẩn bị không gian, sân chơi cho trò chơi dân gian như: sân chơi cần phải phù hợp với loại trò, hoặc loại trò được lựa chọn phải phù hợp với sân chơi. Nếu nguyên tắc này không được tôn trọng, nhất là môi trường sân chơi ở các đô thị, sẽ dẫn đến làm sai lệch ý nghĩa văn hóa của trò chơi và làm hỏng cuộc chơi. Trường hợp thả đèn trời gây cháy nhà ở Hà Nội, vào dịp hội xuân 1990, làm hoảng loạn cả khu dân cư là một ví dụ. Nguyên tắc kế thừa đặc điểm gần gũi thiên nhiên và thân thiện môi trường còn có thể sử dụng để phát triển tiện ích và thương hiệu cho những trò chơi dân gian như: Trò chơi thân thiện môi trường.

Tính dành cho mọi người và do mọi người: Trò chơi dân gian nói chung do người dân sáng tạo để phục vụ cho chính họ. Không có trò chơi dân gian dành cho người giàu và trò chơi dân gian dành cho người nghèo mà chỉ có những trò chơi phù hợp với lứa tuổi hay văn cảnh cuộc chơi. Đây là một yếu tố tạo nên tính đại chúng và tính cộng đồng của trò chơi dân gian. Đặc điểm này dẫn tới nguyên tắc: khi tổ chức hoạt động chơi trò chơi dân gian tại một sân chơi nào đó cần lựa chọn những trò chơi phù hợp với mọi người ở sân chơi ấy. Việc đó sẽ tạo ra khả năng rộng rãi cho sự tham dự của cộng đồng. Mặt khác trò chơi dân gian xưa đều do người chơi tự tổ chức cho nên họ cảm thấy nó là cái của mình. Đó là một trong các yếu tố gây hào hứng với trò chơi. Kế thừa đặc điểm này để đưa ra nguyên tắc: người chơi vừa là người tổ chức vừa là người tham dự.

Tính sáng tạo thích ứng về qui tắc chơi: Quy tắc cho cuộc chơi mềm, thích ứng và đầy yếu tố ngẫu hứng trong cả tạo cảnh và luật lệ. Đặc điểm này sẽ kích thích tính chủ động và sáng tạo của người tham dự. Nó cũng tạo điều kiện sáng tạo những quy tắc phù hợp với sở thích và mục tiêu tổ chức cuộc chơi cũng như điều kiện kinh tế xã hội của cộng đồng tham dự trò chơi. Khai thác đặc điểm này như một lợi thế cho phổ biến rộng rãi trò chơi dân gian ở các sân chơi với điều kiện khác nhau theo nguyên tắc: không cứng nhắc về quy tắc trò chơi – cuộc chơi và luôn tôn trọng những sáng tạo thích ứng về cách chơi hay quy tắc chơi. Ví dụ với trò kéo song, có thể đào hố tựa, cũng có thể làm gờ, và cũng có thể không cần cả hố tựa lẫn gờ mà sử dụng một hỗ trợ bất kỳ nào phù hợp văn cảnh cuộc chơi.

Tính giản dị dễ làm, không tốn kém của đồ chơi, dụng cụ chơi của trò chơi. Trò chơi dân gian được tạo ra bởi tất cả những gì có thể ở xung quanh. Cũng có trò chơi mà vật chơi được tạo ra theo cách hết sức cầu kỳ và tinh xảo như cây cảnh, non bộ… tuy nhiên phần lớn trò chơi dân gian có đặc điểm sử dụng ngay hoặc tạo tác một cách đơn giản từ vật liệu có sẵn trong môi trường sống. Có thể kế thừa đặc điểm này trở thành một nguyên tắc: trên những “khung” trò đã có, hãy biết vận dụng tất cả những gì có thể để thiết kế hoạt động chơi phù hợp. Nguyên tắc này là cần thiết và có ý nghĩa trong quản lý hoạt động giải trí tại sân chơi của những người lao động có thu nhập thấp cũng như ở nông thôn.

Tinh thần chơi đầy hứng khởi trong không khí hội hè. Nhiều trò chơi dân gian truyền thống là những yếu tố chính thu hút người tham dự và tạo nên không khí của ngày hội. Đặc điểm này có thể khai thác để tạo nên trên những sân chơi cộng đồng những cuộc vui chơi có tính chất và không khí hội hè trong các chu kỳ điểm nhấn của cuộc sống đương đại như ngày lễ kỷ niệm sự kiện lịch sử, thành lập đơn vị hay tổ chức, tết tiết lịch, tổng kết cuối năm, khai trương, khánh thành… nhất là những kỳ dịp đã được xác lập thành truyền thống mang ý nghĩa dân tộc, địa phương, tộc người… Trong trường hợp này, trò chơi dân gian sẽ là một ưu tiên trong việc lựa chọn và khai thác nguồn lực có tính nguyên liệu cho quản lý sự kiện một cách hiệu quả.

Tính chưng cất từ thực tiễn sống và phản ánh đời sống. Trò chơi dân gian là cách người ta chơi phỏng theo những gì đáng quan tâm trong thực tiễn sống theo hướng lý tưởng hóa. Nó vừa giúp cảm nhận chiều cạnh khác nhau của cuộc sống, vừa phản ánh chính cuộc sống ấy. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng giúp tư duy sáng tạo những trò chơi dựa trên truyền thống dân gian mà vẫn đáp ứng nhu cầu đương đại. Ví dụ: kế thừa cách tạo trò từ trò thi dệt vải trong hội làng Bắc Bộ xưa ở một công ty giầy dép hiện đại nào đó có thể phát triển thành hoạt động chơi dưới hình thức cuộc thi kỹ năng (tay nghề) các công đoạn của quá trình sản xuất hay thành phẩm của sản xuất… Chắc chắn sự kiện ấy sẽ được công nhân tham dự như một hoạt động văn hóa và công ty sẽ đạt lợi ích kép.

4. Cách tân phải phù hợp sở thích và thẩm mỹ đương đại

Không thể làm sống lại hoạt động chơi trò chơi dân gian trong đời sống văn hóa ngày nay nếu không cho nó một sức sống mới hay tính cạnh tranh, trong bối cảnh hết sức đa dạng của nhu cầu – sở thích và sự sôi động của thị trường giải trí. Do vậy, cần nêu việc đáp ứng thị hiếu và xu hướng thẩm mỹ về hoạt động giải trí, nhất là cho giới trẻ, thành một nguyên tắc cho các dự án quản lý phát triển hoạt động chơi trò chơi dân gian.

Thứ nhất, cải tiến về hình thức như sử dụng những nguyên vật liệu mới đẹp hơn, bền hơn, tiện dụng hơn cho việc tạo dụng cụ hay đồ chơi. Ví dụ, thay vì diều sáo khung tre, người ta đã sử dụng hợp kim nhôm trong việc chế tạo khung diều nhằm đáp ứng nhu cầu về qui mô kích cỡ và sự hoành tráng ngoạn mục của thẩm mỹ đương thời.

Thứ hai, tạo cảnh mới cho cuộc chơi như thay đổi mục tiêu cuộc chơi, cải tiến qui tắc trò chơi… phù hợp với động cơ tham gia cuộc chơi và thói quen giải trí của người tham dự. Ví dụ: xưa trong các trò tranh đua, chiến thắng và thành tích cá nhân không phải là mục tiêu của trò chơi và cuộc chơi, nhưng ngày nay người ta có xu hướng muốn khẳng định cá nhân và nhóm của họ nhiều hơn, nên có thể đặt mục tiêu cuộc chơi giành phần thắng cho cá nhân hay nhóm lên hàng đầu. Hoặc như, sở thích trải nghiệm cuộc sống và văn hóa địa phương trong du lịch sinh thái đang kích thích sự thức tỉnh của nhiều truyền thống văn hóa tại các cộng đồng có hoạt động du lịch sinh thái. Đây như một cơ hội làm sống lại trò chơi dân gian theo cách tạo cảnh mới cho sự chơi trong hoạt động du lịch, đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho cộng đồng địa phương.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 296, tháng 2-2009

Tác giả : Cao Đức Hải

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *