Bảo tồn, duy trì hát trống quân Đức Bác từ góc nhìn thể loại và tín ngưỡng phồn thực

1. Hát trống quân Đức Bác

Xã Đức Bác thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương giàu truyền thống lịch sử cách mạng và văn hóa, đặc biệt nơi đây là cái nôi của hát trống quân – một hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo. Một số nghiên cứu cho rằng, hát trống quân Đức Bác là hát giao duyên cửa đình, hay còn là là hình thức hát đối đáp giao duyên nam nữ giữa trai Đức Bác và gái Phù Ninh (bên kia sông Lô – thuộc tỉnh Phú Thọ). Qua nghiên cứu, tìm hiểu về nội dung và thi pháp của loại hình hát này, chúng tôi thấy có nhiều điểm cần trao đổi thêm. Trước tiên, chúng tôi so sánh hát trống quân Đức Bác với loại hình dân ca giao duyên (dân ca tình yêu) và dân ca nghi lễ trên một số phương diện sau:

Hát trống quân Đức Bác có nhiều điểm giống với dân ca nghi lễ: từ mục đích diễn xướng, đặc điểm các đối tượng tham gia diễn xướng, yêu cầu về trang phục, trò diễn mang tính ma thuật… Còn đối với dân ca giao duyên, hát trống quân Đức Bác có rất nhiều điểm khác biệt, đặc biệt là về mục đích diễn xướng và nhân vật. Với dân ca giao duyên, mục đích là trao đổi tâm tình luyến ái lứa đôi nhưng với hát trống quân Đức Bác lại có mục đích cầu đinh (cầu con trai), cầu sinh sôi nảy nở (thực hành tín ngưỡng phồn thực).

Đối tượng tham gia diễn xướng của các loại hình này cũng không giống nhau. Mặc dù cùng là nam – nữ, nhưng trong dân ca giao duyên là những người có tình cảm, nhu cầu luyến ái thực sự, còn trong hát trống quân Đức Bác chỉ là sự diễn xuất mà không xuất phát từ tình cảm thật. Khi cất lên lời hát, người hát không nhằm mục đích trao gửi tâm tư, tình cảm, nỗi nhớ, niềm mong hay sự oán hận chân thực hoặc cũng không có mục đích biểu lộ ước nguyện “loan phượng một nhà” với người bạn hát đối đáp bởi họ không có tình cảm thật, hơn nữa lệ làng lại cấm họ lấy nhau (theo tục kết chạ, Đức Bác và Phù Ninh là anh em, trai gái hai làng không được kết hôn). Do đó, người hát chỉ đóng vai những người bạn tâm tình, mượn lời của dân ca tình yêu để diễn xuất, nhằm hướng tới mục tiêu là thực hành tín ngưỡng phồn thực: cầu đinh, cầu con, cầu sự sinh sôi, phát triển thịnh vượng cho dân làng. Cần hiểu những lời hát và hành động của họ không phải sự giao duyên bình thường mà là hành động ma thuật tượng trưng để gửi tới những thế lực siêu nhiên, với mong ước, các thế lực này sẽ thỏa nguyện cầu cho dân làng.

Có lẽ điểm giống nhau giữa dân ca giao duyên và hát trống quân chỉ là khung hình thức hát đối đáp và lời hát chủ yếu lấy chất liệu từ ca dao tình yêu hoặc ca dao trữ tình. Vì vậy, rất có thể từ điểm giống nhau này nên khá nhiều người đã cho rằng đây là môt loại hình hát giao duyên trai gái.

Từ sự so sánh trên, chúng tôi cho rằng: hát trống quân Đức Bác là loại dân ca nghi lễ gắn với lễ cầu đinh của làng Đức Bác. Đây là lối hát tổng hòa của hàng loạt loại hình diễn xướng dân gian, bao gồm các giá trị về âm nhạc, hát, múa, trò diễn…, đồng thời cũng là một trong những phương thức thực hành tín ngưỡng phồn thực được biểu hiện dưới hình thức hát đối đáp giao duyên nam nữ giữa trai Đức Bác và gái Phù Ninh.

2. Tìm hiểu yếu tố cặp đôi và tín ngưỡng phồn thực trong hát trống quân Đức Bác

Tín ngưỡng phồn thực là niềm tin, sùng bái sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật. Người Việt là một trong những cư dân có nguồn gốc từ nền văn hóa gốc nông nghiệp điển hình với nghề chính là trồng trọt. Trong xã hội khoa học kỹ thuật chưa phát triển, việc trồng trọt phụ thuộc nhiều vào mùa vụ, thời tiết và lao động thủ công của con người. Thuở xưa, nhà nào đông con thì nhà ấy có nhiều phước, lộc. Nếu nhà neo người, không kịp theo mùa vụ thì chẳng những không có nhiều nương, lắm ruộng để trồng cấy mà chuyện thất bát cũng xảy ra thường xuyên vì lỡ thời vụ, cây trồng không cho năng suất cao, thậm chí không cho thu hoạch… Vì vậy, sự phồn thịnh, sinh sôi của con người, cây cối và mùa màng vô cùng quan trọng, không chỉ đảm bảo sự sống hằng ngày mà còn là vấn đề sống còn để con người, dòng tộc duy trì giống nòi và phát triển thịnh vượng. Chính vì vậy, trong cuộc sống, con người luôn đề cao sự sinh sôi, nảy nở, trong đó, hát trống quân Đức Bác là một trong những cách thức thực hành tín ngưỡng này.

Tín ngưỡng phồn thực được biểu hiện thông qua triết lý âm dương, cặp đôi kết hợp

Trong tín ngưỡng phồn thực, quan niệm về triết lý âm dương có vai trò quan trọng. Theo triết lý này, mọi sự vật, hiện tượng đều được sinh ra từ sự kết hợp của những cặp đôi đối lập và cặp đôi gốc chính là trời – đất, cha – mẹ. Tìm hiểu hiện tượng cặp đôi trong hát trống quân Đức Bác cho thấy, yếu tố cặp đôi xuất hiện phổ biến trong mọi hoàn cảnh trên nhiều phương diện của cả quá trình diễn xướng, sơ bộ có thể kể đến các cặp đôi tiêu biểu sau:

Địa danh Đức Bác – Phù Ninh, hai làng định cư tại vị trí đối xứng nhau, ở giữa là dòng sông. Thành phần hát gồm: trai (Đức Bác) – gái (Phù Ninh). Về tính chất lời hát có: hát thiêng (tại đình) – hát tục (ngoài đình, bên bờ sông, hoặc trên đường). Cách thức hát, múa: hát đứng một chỗ (trước cửa đền) – vừa đi vừa hát (trên đường trai Đức Bác đi đón đào Phù Ninh), hát kết hợp với múa (tạo sự hấp dẫn), hát kết hợp với diễn trò (thực hành tín ngưỡng).

Hát trống quân Đức Bác – Ảnh: tác giả cung cấp

Về lời hát, có lời hát (hát trống quân) – điệu múa (múa dân gian), tạo sự hấp dẫn, liên hết, liên hoàn; hát đón đào – hát tiễn đào: diễn tả sự đầu cuối, trọn vẹn; lời ca nguyên tác (học thuộc) – ứng tác (sáng tác tức thời để đối đáp tức thời): ứng phó linh hoạt, mềm dẻo; cấu trúc hình thức lời hát (tĩnh) – lời hát (thay đổi do ứng tác): tạo điều kiện cho người ứng tác có thể ứng tác lời hát nhanh chóng, để các lượt hát được nối tiếp nhau mà không bị ngắt quãng trong quá trình diễn xướng; lời hát có câu lục – câu bát: tạo ra nhịp câu hát, tạo sự kết nối giữa các câu hát; lời hát giao duyên – mục đích diễn trò: để truyền tải ý niệm, thực hành tín ngưỡng; thể thơ lục bát – lục bát biến thể: giúp lời hát không quá bị gò bó về vần luật, tạo điều kiện cho người hát có thể ứng tác mà vẫn đúng luật, đúng vần. Hình ảnh thiên nhiên trong lời hát cũng luôn sóng đôi: trời – đất, trăng – sao, sương – gió, núi – sông, rồng – mây, cá – nước, trúc – mai, đào – mận, bút -nghiên, kim – chỉ… Các biện pháp tu từ xuất hiện dày đặc trong lời hát (ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng, thậm sưng, nhân cách hóa, ngoa dụ) khiến cho từ ngữ, câu chữ luôn sóng đôi nghĩa đen và nghĩa bóng: luôn ẩn ý về sự kết hợp hoặc sinh sôi, phát triển.

Các loại hát, có: hát đố – hát đáp giải đố: tạo tình huống để trò chuyện, tìm hiểu, thử thách làm quen và gắn kết; hát – nói (xen kẽ giữa các đoạn hát mang tính chất giáo đầu, dẫn dắt để kết nối).

Cách hiệp vần: vận đầu – vận cuối: tạo sự kết nối chặt chẽ, tuy hai lời hát nhưng lại thống nhất trong một chỉnh thể; vần chân (vần bằng) – vần lưng (vần trắc) phong phú lời hát.

Âm nhạc, nhạc cụ, đạo cụ: trống quân – dùi để gõ trống nhằm tạo âm thanh, đồng thời tạo tính giao; gái bưng (đeo) trống – trai đánh trống: tạo sự liên kết, tính giao; trống có 2 âm: âm trầm là “tầm” – âm cao là “vông” để tạo nhịp cho các lượt hát, trò diễn; mo cau thủng – gậy vông nhọn trong tục hèm tại đình: tạo tính giao; âm nhạc vui chơi giải trí giao duyên – nhạc nghi lễ cửa đình, phản ánh đặc trưng diễn xướng tín ngưỡng, sự hòa hợp.

Không gian diễn xướng tồn tại cả không gian không gian thực và không gian tâm tưởng, ý niệm. Trong đó, không gian thực được giới hạn trong một phạm vi nhất định, thường là từ bến sông, trên đường rước đào về đền. Không gian tâm tưởng, tâm lý, ý niệm là không gian thiêng, không gian của những vị thần linh, những thế lực siêu nhiên đang chứng kiến con người diễn xướng thực hành tín ngưỡng. Không gian này tuy không có hình hài, phạm vi cụ thể nhưng luôn có sức mạnh lớn lao, chi phối tới không gian thực và các hành động diễn xướng.

Thời gian diễn xướng tồn tại cả thời gian thực và thời gian tâm lý. Trong đó thời gian thực là thời gian bắt đầu tổ chức nghi lễ đón đào bên bến sông cho đến khi tiễn đào về bến sông. Thời gian tâm lý, thời gian ý niệm là thời gian thiêng, thời gian các thế lực siêu nhiên có thể xuất hiện để chứng kiến hay ban phát phúc lộc cho con người.

Xem xét mối quan hệ giữa các cặp đôi trên cho thấy, những cặp đôi trên thường kết hợp với nhau trong những mối quan hệ tương hỗ hay đối xứng để cùng tạo nên tính liên kết hay tính chỉnh thể của một sự vật, hiện tượng hoặc biểu hiện trọn vẹn một ý niệm về sự sinh sôi nảy nở…

Tín ngưỡng phồn thực biểu hiện qua các trò diễn tục hèm

Bên cạnh hiện tượng các cặp đôi xuất hiện dày đặc gắn kết, tín ngưỡng phồn thực cũng được biểu hiện ở các điệu múa, trò diễn, đặc biệt là tục hèm và trường đoạn hát mó cá.

Trong tục hèm, người ta làm một biểu tượng âm hộ bằng mo cau, một biểu tượng dương vật bằng cây tầm vông, lễ cầu âm dương hòa hợp, người hiếm muộn sinh được con cái, cây cối mùa màng tươi tốt, sau khi tắt hết ánh sáng thì bên nữ cầm mo cau, bên nam cầm tầm vông họ cho hai vật này đụng vào nhau ba lần và họ tin rằng đây là một hành động ma thuật biểu thị tính giao, sự kết hợp giữa các cặp đôi, các thế cực âm – dương, nhằm tác động đến thánh thần và mọi vật. Họ tin rằng, hành động này sẽ khiến thánh thần và mọi vật nảy sinh ý niệm giao hòa từ đó cộng hưởng tạo ra năng lực thiêng, kỳ vĩ được cộng hưởng từ thánh thần cho đến con người và vạn vật, tạo ra một sức mạnh siêu nhiên, có thể luân chuyển vũ trụ, làm thay đổi thế gian, đem lại những điều kỳ diệu, đáp ứng mong ước của con người.

Trong điệu hát cài huê và mó cá cũng thể hiện sự kết hợp giữa hai thế cực đối lập để tạo sự sinh sôi, phát triển. Các hành động trò diễn, sự bông đùa, gần gũi của nam nữ… đều là hành động tượng trưng có tính chất ma thuật nhằm cầu mong giá trị phồn thực về sự sinh sôi phát triển.

3. Bảo tồn hát trống quân Đức Bác xét từ góc độ loại thể và tín ngưỡng phồn thực

Hát trống quân mang giá trị nhân văn sâu sắc, bên cạnh việc thực hành tín ngưỡng phồn thực như đã nói ở trên, lời hát cũng hướng tới các giá trị nhân bản, đạo đức, nhân cách con người. Đó là lời ca ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, quê hương, đất nước,tình cảm gia đình, cha mẹ, sự yêu thương đồng loại, khát vọng về một cuộc sống bình yên, giản dị, mộc mạc, chan chứa tình con người, những phong tục tập quán, lối sống, tín ngưỡng của tộc người. Vì vậy, mỗi khi lời hát cất lên, con người như lại được một lần nhắc nhớ, một lần hướng về về cội nguồn dân tộc, công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, tình làng nghĩa xóm, để từ đó họ sống yêu thương, chia sẻ và cộng cảm hơn.

Việc bảo tồn, lưu truyền hát trống quân Đức Bác là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, bảo tồn như thế nào là phù hợp, luôn là câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý. Xét từ góc độ thể loại và tín ngưỡng cho thấy, muốn bảo vệ hát trống quân Đức Bác, cần phải bảo vệ và duy trì lễ cầu đinh, tín ngưỡng phồn thực của người dân Đức Bác và Phù Ninh. Bởi tín ngưỡng phồn thực là linh hồn, mục đích của hát trống quân Đức Bác và lễ cầu đinh chính là môi trường diễn xướng, thực hành của hình thức hát này. Nếu mất đi một trong hai yếu tố trên, hát trống quân Đức Bác sẽ không thể tồn tại hoặc sẽ bị biến dạng theo kiểu giải cấu trúctái cấu trúc lại trong một dạng thức khác. Mặt khác, nếu mất đi hai yếu tố này, hát trống quân Đức Bác sẽ rất dễ bị hiểu theo hướng dung tục. Có thể nói, giá trị của Hát trống quân Đức Bác là niềm tin khát vọng cháy bỏng về sự sinh sôi, nảy nở, sự phồn thịnh ấm no, hạnh phúc của con người. Đó chính là điều để người dân Đức Bác và Phù Ninh tự hào, bảo tồn và duy trì trong mọi thời đại.

Tác giả: Đặng Thị Oanh – Nguyễn Thị Lê Ngân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *