Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch


Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch là những gì mà Than Uyên, huyện cửa ngõ của tỉnh Lai Châu đã làm được thời gian qua, từ đó góp phần đẩy lùi những cái xấu, hủ tục lạc hậu và nhân lên những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi tộc người trên địa bàn.

Du khách về tham quan, trải nghiệm lễ hội đua thuyền hằng năm tại Than Uyên 

 

Được hòa mình cùng những điệu khèn, những bài hát giao duyên, tiếng khèn lá của các chàng trai, cô gái trong dịp Tết độc lập 2/9 tại huyện Than Uyên và thưởng thức những món ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú như: thịt sấy, cá bố vùi tro, rêu đá, thắng cố…  trong chính không gian văn hóa của những ngôi nhà truyền thống được phục dựng ngay tại khu trung tâm lễ hội đã giúp chúng tôi cảm nhận được sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa của mỗi tộc người nơi đây.

Để bắt nhịp với xu hướng phát triển, thời gian qua, Lãnh đạo huyện Than Uyên đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo nhằm thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Cùng với các chương trình, dự án đầu tư phát triển nâng cấp hạ tầng giao thông, thủy điện, xây dựng nông thôn mới…, Than Uyên đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhằm đưa ngày Tết Độc lập 2/9 hằng năm trở thành sự kiện quan trọng thu hút khách du lịch. Đặc biệt, huyện còn chú trọng phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; đồng thời thúc đẩy hình thành các điểm du lịch như: Hồ Thủy điện Bản Chát, Khu di tích lịch sử Bản Lướt, Đồi Thông thị trấn… hay sự kiện Tết độc lập 2/9 hằng năm.

Vui Tết Độc lập 2/9
 

Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên Trần Quang Chiến cho biết: “Để việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, Đảng ủy, chính quyền các cấp ở Than Uyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thông qua từng nội dung cụ thể như: phục dựng lễ hội Xòe chiêng, lễ hội Lùng tùng (Xuống đồng) của dân tộc Thái; thành lập các Câu lạc bộ Hát then; xây dựng các mô hình truyền dạy nhạc cụ dân tộc… qua đó, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và từng người dân trên địa bàn”.

Đến thăm bản văn hóa Thẩm Phé, xã Mường Kim với những đặc trưng riêng biệt của đồng bào dân tộc Khơ Mú, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Thái Sơn chia sẻ: “100% người dân trong bản là người dân tộc Khơ Mú luôn sống đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; bản có 9 năm liền được công nhận danh hiệu văn hóa. Chúng tôi đang tham mưu cho huyện xây dựng Thẩm Phé trở thành Bản du lịch cộng đồng để thu hút khách du lịch đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh quan trên bến dưới thuyền của bản. Món cá sấy đặc trưng, những ly rượu ngô thơm nức, đặc biệt là những bài hát điệu múa, lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú vẫn được bảo tồn, gìn giữ đến ngày nay”.

Sau khoảng 20 phút lênh đênh trên chiếc thuyền máy và cảm nhận vẻ đẹp nên thơ của Hồ thủy điện Bản Chát – được ví như Hạ Long thu nhỏ, chúng tôi có mặt tại Hợp tác xã thanh niên Thẩm Phé. Đây là mô hình Hợp tác xã sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương là cá. Đón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ cùng cái bắt tay thật chặt, chị Lò Thị Dung, Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: “Hợp tác xã hiện có khoảng 16 lồng cá, tổng diện tích nuôi cá trên mặt hồ vào khoảng trên 600m2. với các loại cá chủ yếu như: chép, trắm, rô phi…, bình quân mỗi thành viên thu nhập khoảng 50 đến 70 triệu đồng/năm”. Đến đây, ngoài việc được tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp sông nước hùng vĩ, thưởng thức những món ăn ngon từ cá, cũng như ẩm thực của đồng bào các dân tộc, du khách cũng sẽ có những ấn tượng khó quên với những bài hát, điệu múa đặc trưng của vùng đất này.

Du khách đến tham quan trải nghiệm tại Hợp tác xã thanh niên Thẩm Phé
 

Chị Nguyễn Thị Huyền, du khách đến từ Hà Nội có nhiều lần trải nghiệm, khám phá Than Uyên cho biết: “Được hòa mình vào không khí náo nhiệt trong ngày Tết Độc lập 2/9 của đồng bào các dân tộc nơi đây, trực tiếp tham gia chế biến các món ẩm thực với người dân; tìm hiểu về trang phục, nhạc cụ hay thưởng thức các món ăn dân dã, trò chơi dân gian… đó thực sự là những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn và khó quên đối với tôi, nhất là những món quà dành cho người thân mà chúng tôi rất thích như: thịt sấy, gạo Séng Cù hay những chiếc khèn, tính tẩu…”.

Điều đặc biệt trong công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Than Uyên không chỉ là bảo tồn sống những bài hát, điệu múa ngay tại cộng đồng, tộc người mà các hoạt động luyện tập, thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian của các dân tộc trên địa bàn luôn được duy trì, phát triển vào các dịp lễ, Tết, hội như: giã bánh giày, tù lu, ném còn, chơi tó mak lẹ… Những hoạt động này đã giúp tạo ra nét riêng, hấp dẫn tại các điểm du lịch cộng đồng ở Than Uyên.

Việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Than Uyên đang dần đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Chỉ tính riêng năm 2020 và 7 tháng đầu năm 2021, Than Uyên thu hút trên 27 nghìn lượt du khách. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt gần 27 tỷ đồng. Hướng đi này ngoài việc giúp nâng cao thu nhập cho nhân dân còn thiết thực góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

 

NHẬT MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *