Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và trách nhiệm của truyền thông

1. Vấn đề bảo tồn, phát huy di sản văn hóa hiện nay

Về khái niệm, có thể coi di sản văn hóa là tài sản của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, tồn tại dưới hai dạng thức cơ bản: vật thể và phi vật thể. Luật Di sản văn hóa (2001) quy định: Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất, bao gồm những di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân ca, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc, và những tri thức dân gian khác (1).

Về thực trạng, hiện nay, “cả nước có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê; trong đó có gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.486 di tích quốc gia; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới được UNESCO ghi danh” (2). Hiện có 61.669 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh/thành được kiểm kê, trong đó, có 301 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Ngoài ra, theo Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO, tính đến nay, Việt Nam đã có 7 Di sản Tư liệu được UNESCO ghi danh (gồm 3 Di sản Tư liệu Thế giới và 4 Di sản Tư liệu Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) (3). “Từ năm 2011 đến 2018, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp trên 1.560 tỷ đồng cho các địa phương trên cả nước để chống xuống cấp và tu bổ di tích. Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích… đã huy động được nguồn vốn không nhỏ từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và nguồn vốn viện trợ của UNESCO, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ cho bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích” (4).

Tuy nhiên, thực trạng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa hiện nay ở nước ta đang cho thấy nhiều vấn đề phức tạp. Chẳng hạn, một số nơi lấy danh nghĩa tôn tạo, trùng tu di sản, di tích văn hóa hoặc phát triển du lịch… khiến cho nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử bị xâm hại, biến dạng, thu hẹp, làm mất đi cấu trúc, bản sắc nguyên sơ. Không ít cổ vật giá trị ở đền, chùa, di tích bị đánh cắp và trở thành mặt hàng thu lại lợi nhuận kếch xù của bọn tội phạm. Không ít lễ hội truyền thống bị kịch bản hóa, mai một, lộn xộn, thiếu tôn nghiêm, thậm chí bị biến tướng thành nơi buôn thần bán thánh, tranh cướp lộc, mê tín dị đoan…

Do đó, việc cải thiện hiện trạng hoạt động văn hóa, việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quý giá mặc nhiên trở thành sứ mệnh và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi người dân Việt Nam, trong đó, truyền thông có vai trò không kém phần quan trọng.

2. Vai trò của truyền thông trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa

Trong những năm qua, truyền thông đã cho thấy sức mạnh vượt trội trong thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về văn hóa dân tộc, trong đó có vấn đề bảo tồn, phát huy di sản văn hóa; phản ánh đa chiều các sự kiện, hoạt động liên quan đến việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao trách nhiệm và hành động trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc. “Cùng với việc thông tin kịp thời các tin tức, sự kiện liên quan đến các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa quốc gia, di sản văn hóa thế giới, truyền thông cũng phản ánh chân thực các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ đặc sắc, các loại hình nghệ thuật truyền thống, các ngành nghề cổ truyền, các hương ước, quy ước… mang đặc trưng riêng của từng dân tộc, từng bản làng. Qua đó, góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa trong đời sống xã hội” (5).

Truyền thông đã tập trung tuyên truyền, phản ánh việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước đóng góp kinh phí để tu bổ di tích, hiến tặng hiện vật, xây dựng các thiết chế bảo tồn di sản văn hóa…

Truyền thông đã phát hiện, tôn vinh những người đang lưu giữ, bảo tồn nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một; tôn vinh những cơ quan, tổ chức và cá nhân có đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, phản ánh việc xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đóng góp kinh phí để tu bổ di tích, hiến tặng hiện vật, xây dựng thiết chế văn hóa…

Thông qua việc giới thiệu di sản văn hóa dân tộc, truyền thông đã quảng bá ra thế giới những đóng góp to lớn của văn hóa Việt Nam vào kho tàng văn hóa nhân loại, giúp các cơ quan, tổ chức và người nước ngoài biết đến giá trị của các di sản văn hóa Việt Nam, tăng cường quá trình giao lưu, trao đổi các hoạt động văn hóa; tạo cơ hội, điều kiện và kinh nghiệm để hợp tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Bên cạnh việc tuyên truyền giá trị của các di sản văn hóa, truyền thông đã bạch hóa mặt trái, nguy cơ đe dọa, hủy hoại di sản văn hóa, khuyến nghị cộng đồng ứng xử, bảo vệ, giữ gìn giá trị của di sản văn hóa. Thực tế những năm qua cho thấy, nhờ sự phát hiện, lên tiếng kịp thời của truyền thông mà chính quyền, các cơ quan quản lý về văn hóa quan tâm hơn đến việc bảo vệ, phục hồi những di tích bị hư hỏng, xuống cấp, xử lý nhanh những hiện tượng xâm hại di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, truyền thông đã lên tiếng phê phán mạnh mẽ hiện tượng lợi dụng lễ hội truyền thống để hoạt động mê tín, dị đoan, góp phần bài trừ các tệ nạn xã hội trong các lễ hội…

Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, truyền thông cũng còn những bất cập: dung lượng và thời lượng dành cho di sản văn hóa còn khiêm tốn; một vài cơ quan truyền thông chưa thực sự quan tâm trong việc bảo vệ di sản văn hóa hoặc bộc lộ khuynh hướng thương mại hóa, chiều theo thị hiếu người tiêu dùng; nhận thức, kiến thức của một số nhà báo về lĩnh vực văn hóa, di sản văn hóa còn hạn chế, phiến diện nên việc phản ánh, tác động chưa thực sự hiệu quả… Song một chút bất cập này không làm mờ nhòe những thành tựu to lớn, liên tục của truyền thông về bảo vệ, phát huy di sản văn hóa.

Nhận thức được sứ mệnh và trách nhiệm của một cơ quan truyền thông chuyên về văn hóa, trong 46 năm qua, đặc biệt là những năm đổi mới, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã tập trung phản ánh, tuyên truyền về tất cả các vấn đề văn hóa, từ lý luận đến thực tiễn, từ trong nước đến ngoài nước, đặc biệt nhấn mạnh các vấn đề văn hóa cổ truyền, văn hóa truyền thống, di sản văn hóa.

Ngoài Tủ sách Văn hóa Nghệ thuật với nhiều đầu sách về bảo tồn di sản văn hóa, qua 426 số tạp chí ra mắt bạn đọc cho đến thời điểm hiện nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã đăng tải hơn 13.000 bài viết, công trình khoa học về văn hóa, nghệ thuật, khoa học công nghệ, thể thao, du lịch, gia đình… trong đó đăng tải tối thiểu 2.600 bài viết, công trình khoa học trực diện về văn hóa dân gian, văn hóa cổ truyền, di sản văn hóa (chiếm tỉ lệ khoảng 20%). Trang thông tin điện tử vhnt.org.vn cũng đăng tải khối lượng bài viết, công trình tương tự. Con số này chưa tính tới những bài, vấn đề về nghệ thuật, khoa học công nghệ, thể thao, du lịch, gia đình… đề cập đến hoặc liên quan tới việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Trong điều kiện cụ thể, chúng tôi cho rằng, đây là một tỷ lệ cao. Trong những năm tới, tạp chí sẽ hoạt động theo mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm (ngoài tạp chí in: Văn hóa Nghệ thuật, còn có 2 chuyên đề khác cùng 1 tạp chí điện tử), chắc chắn, sự quan tâm cũng như hiệu quả truyền thông về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật sẽ đạt chất lượng và số lượng tốt hơn.

3. Giải pháp tăng cường truyền thông bảo tồn, phát huy di sản văn hóa

Nước ta có hệ thống di sản văn hóa phong phú, lâu đời, thu hút du khách khắp năm châu đến khám phá. Tuy nhiên, trong cơn lốc hội nhập quốc tế, những giá trị di sản đang dần mai một và biến dạng, đòi hỏi các giải pháp cấp bách để dung hòa giữa bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

Để làm được điều đó, trước hết và tiên quyết, đội ngũ làm công tác quản lý văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa cần tâm huyết, yêu nghề, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, am hiểu về di sản, có kiến thức về luật di sản đồng thời có tác phong làm việc chuyên nghiệp… để có thể làm tốt công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cần tăng cường chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin để truyền thông quảng bá, giới thiệu về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc một cách chính thống; kịp thời phát hiện, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tuyên truyền bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa với việc xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền về di sản văn hóa và Luật Di sản văn hóa đến mỗi người dân. Các cơ quan quản lý, nghiên cứu về văn hóa, các hội văn hóa nghệ thuật cần tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan truyền thông về các chương trình mục tiêu, đề án, dự án, kết quả nghiên cứu, các vấn đề liên quan… về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Kế tiếp, các cơ quan truyền thông cần đổi mới nội dung thông tin, quảng bá, phối hợp tổ chức hội thảo, tọa đàm, tập huấn, hình thành nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử văn hóa đối với các di sản văn hóa dân tộc, khơi dậy sức sáng tạo văn hóa và bảo tồn văn hóa của nhân dân trong từng gia đình, làng, bản, thôn, xóm. Hiện tại, truyền thông đã trở thành công cụ hiệu quả để quảng bá di sản văn hóa, đặc biệt là du lịch văn hóa. Do vậy, “cần xử lý hài hòa quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo vệ môi trường và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong bảo tồn, quản lý di sản” (6), truyền thông điệp có tác động lớn trong việc thu hút du khách đặt chân đến Việt Nam đồng thời có ý thức giữ gìn di sản văn hóa Việt Nam. Mỗi cơ quan truyền thông cần có chiến lược, loại hình, phương thức, nội dung truyền thông đặc thù về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc; về định hướng và phương thức khai thác các di sản văn hóa phục vụ phát triển nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới…

Trong bối cảnh ấy, với tư cách cơ quan ngôn luận của Bộ VHTTDL, cơ quan báo chí nhiều loại hình, nhiều ấn phẩm, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật coi trọng giải pháp phối hợp tự thân và liên kết truyền thông, tiếp tục chuyển đổi và bổ sung chiến lược, loại hình, ấn phẩm và mức độ truyền thông nhằm gia tăng hiệu quả truyền thông về các vấn đề văn hóa nghệ thuật, trong đó, đặc biệt và nổi bật là vấn đề bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Tin rằng, với sự phối hợp chặt chẽ văn hóa và truyền thông, sự tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa, sự đổi mới trong số lượng, chất lượng, hình thức, nội dung truyền thông trên phạm vi cả nước, sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa, phát triển nền văn hóa Việt Nam sẽ đạt nhiều thành tựu mới.

_______________

1. Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-6-2001; đã được sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 18-6-2009.

2, 3. Theo báo cáo của Cục Di sản văn hóa.

4. Theo K.T, Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 27-7-2018.

5. Đỗ Văn Trụ, Báo chí với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trao đổi với phóng viên Tạp chí Di sản văn hóa, Hoàng Vân (thực hiện).

 

Tác giả: Phạm Vũ Dũng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *