Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng tây nguyên

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với nền văn hóa đa dạng nhưng thống nhất. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc trên khắp vùng miền không chỉ làm cho nền văn hóa ngày càng phong phú, củng cố sự thống nhất, đoàn kết dân tộc mà còn tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn góp phần phát triển bền vững đất nước. Xét về phương diện địa chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, do đó, sự giao lưu, tiếp biến, biến đổi văn hóa tộc người trên mảnh đất này cũng diễn ra hết sức đa dạng, phức tạp. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách.

1. Chính sách của Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người

Từ năm 2001 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục phê duyệt các chiến lược, chương trình, kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tộc người. Ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt các chương trình và mục tiêu quốc gia giai đoạn 2001 – 2005, trong đó có Mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở.

Ngày 17-6-2003, Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc người thiểu số Việt Nam: “…Bảo tồn, kế thừa có chọn lọc và phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống, xây dựng và phát triển những giá trị mới về văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số… Tổ chức điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa – nghệ thuật…”.

Ngày 31-7-2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006 – 2010 trong đó có: “mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc; xây dựng và phát triển đời sống văn hóa thông tin cơ sở” và 9 dự án, trong đó có: “dự án sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam, dự án điều tra, nghiên cứu, bảo tồn một số làng, bản tiêu biểu và lễ hội đặc sắc của dân tộc thiểu số” (1).

Ngày 27-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1270/QĐ-TTg Phê duyệt đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020. Đề án đã xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể cũng như đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị tích cực trong văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Điểm mới của đề án là phương thức triển khai theo hướng từ dưới lên, chủ thể văn hóa đề xướng, thực hiện và thụ hưởng lợi ích từ đề án, tập trung cho các dự án hỗ trợ, tăng cường năng lực của các chủ thể văn hóa, không nặng về các dự án đầu tư. Nghiên cứu xây dựng (lượng hóa sự phát triển) để ban hành được bộ chỉ số về phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đề án có đối tượng là các dân tộc thiểu số Việt Nam, tập trung ưu tiên cho phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người, các dân tộc không có điều kiện tự bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình. Địa bàn để triển khai đề án là miền núi, vùng dân tộc thiểu số, ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, những vùng phải di dời để phát triển kinh tế, vùng có nguy cơ cao bị mai một bản sắc văn hóa, vùng dân tộc trọng điểm (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ).

Để thực hiện mục tiêu của đề án, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các bộ ngành có liên quan xây dựng, triển khai 6 dự án thành phần. Đó là: dự án 1 xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020. Tổng kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; dự án 2 bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; dự án 3 đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở vùng dân tộc thiểu số; dự án 4 gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; dự án 5 giới thiệu quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số và đưa giáo dục văn hóa truyền thống của các dân tộc vào trường học; dự án 6 chương trình hoạt động, lễ hội và biểu diễn văn hóa, nghệ thuật các dân tộc cấp tỉnh, vùng và quốc gia giai đoạn 2011-2020.

Đề án tổng thể và các dự án thành phần này là chính sách rất thiết thực của Nhà nước nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên. Việc triển khai đề án trong thực tế đã góp phần giữ gìn được nhiều giá trị văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa phi vật thể đang đứng trước nguy cơ mai một.

Cùng với đề án nói trên, để thực sự tạo một hành lang pháp lý cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2009 đến nay, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa đã được khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành, cụ thể là:

 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày  21-9-2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.

 Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 19-9-2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.

 Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30-6-2010 của Bộ VHTTDL quy định về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14-07-2011 của Bộ VHTTDL quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh.

 Thông tư số 18/2012/TT – BVHTTDL ngày 28-12-2012 của Bộ VHTTDL quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

 Có thể nói, Luật Di sản văn hóa Việt Nam (sửa đổi, bổ sung 2009) và những văn bản trên đã tạo cơ sở khách quan cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung và các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên nói riêng.

2. Những vấn đề đặt ra trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên

Nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số mà nhiều sản phẩm văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được gìn giữ, sưu tầm, phục dựng, tôn tạo góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, tăng cường ý thức đại đoàn kết dân tộc, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Với những nỗ lực của các nhà khoa học, các nhà quản lý cùng cộng đồng dân cư địa phương, năm 2005, Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, sử thi của các dân tộc Tây Nguyên được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014. Bên cạnh đó, hàng loạt các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác như lễ hội, văn học dân gian, các hình thức diễn xướng dân gian, ngôn ngữ, trang phục… của đồng bào các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên tìm lại được chỗ đứng trong đời sống cộng đồng. Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cũng đã nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tộc người. Một số tỉnh đã xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch rất thiết thực để bảo tồn văn hóa tộc người.

Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã mở hàng trăm lớp truyền dạy đánh cồng chiêng tại các buôn làng cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số, thành lập các câu lạc bộ, đội cồng chiêng trẻ. Tỉnh Đắc Lắc có kế hoạch đầu tư trên 48,8 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng. Ngoài việc làm tốt công tác truyền dạy đánh cồng chiêng cho thanh thiếu niên, tỉnh đã thành lập 700 đội cồng chiêng ở các buôn làng, trong đó có 330 đội cồng chiêng trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Đắc Lắc mua cấp cho mỗi nhà văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số một bộ cồng chiêng. Tỉnh Đắc Nông thành lập 9 câu lạc bộ cồng chiêng ở các buôn làng (2).


 Biểu diễn cồng chiêng tại làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam.Ảnh Huy Nam 

 Hàng loạt các bộ sử thi, luật tục của đồng bào các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên đã được sưu tầm, biên soạn, in ấn, phát hành. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên cũng còn nhiều bất cập, hạn chế.

 Mặc dù chính sách của Nhà nước đối với Tây Nguyên về các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng đã được ban hành và thực thi nhưng đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số có nguồn gốc tại chỗ ở đây nhìn chung còn nhiều khó khăn. Chiếm 25,52% dân số ở Tây Nguyên, đồng bào các dân tộc thiểu số có nguồn gốc tại chỗ có trình độ phát triển kinh tế xã hội tự thân thấp. Đồng bào vẫn lấy trồng trọt nương rẫy, du canh trên địa hình núi cao hoặc cao nguyên làm nguồn sống chính, các hoạt động sản xuất nhằm mục đích tự cung tự cấp, trao đổi hàng hóa thiên về vật đổi vật. Rừng vốn được coi là cội nguồn của đời sống tâm linh người dân đang bị tàn phá. Quy mô, không gian làng bản truyền thống ngày một thu hẹp, nhất là tại những khu định cư mới cho các công trình thủy điện, những nhà rông, nhà dài, nhà sàn cũng ít đi. Việc di dân, di cư ồ ạt làm tỷ lệ người dân tộc giảm sút, bản sắc văn hóa bản địa có phần bị phá vỡ, lai tạp. Trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, một bộ phận không nhỏ thanh niên ít quan tâm đến văn hóa của dân tộc mình, chạy theo lối sinh hoạt lai căng. Điều hết sức quan trọng là đời sống các dân tộc Tây Nguyên còn nhiều khó khăn nên đồng bào chưa có nhiều điều kiện gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống. Đến nhiều buôn làng Tây Nguyên hiện nay, thấy rất ít đồng bào còn sống tập trung trong những ngôi nhà rông, nhà dài truyền thống, thay vào đó là những ngôi nhà được xây dựng bằng bê tông, mái lợp tôn. Nhiều ngôi nhà cổ cả trăm năm tuổi bị đem bán cho người miền xuôi, thậm chí có thời gian, cồng chiêng còn bị đem đựng thức ăn gia súc, vứt lăn lóc hoặc bán giá rẻ. Những nghệ nhân kể khan cao tuổi lần lượt qua đời, trong đó không ít người mang theo kho báu sử thi vô giá chưa kịp truyền lại cho con cháu.

 Thực tế cho thấy, việc bảo tồn và phát huy văn hóa Tây Nguyên trong dòng chảy cuộc sống hiện đại là vấn đề gian nan. Việc phục dựng văn hóa Tây Nguyên truyền thống ở nhiều nơi mới chỉ dừng ở lại những hoạt động mang tính chất biểu diễn, phong trào như các festival, lễ hội, cuộc thi hay phục vụ du lịch, vào những ngày lễ, tết, kỷ niệm, giao lưu… ít được duy trì trong đời sống thường nhật. Làm thế nào để những âm hưởng sử thi, cồng chiêng, điệu múa thường xuyên vang ngân, rộn rã bên bếp lửa nhà sàn, các chàng trai, cô gái dân tộc không chỉ mặc trang phục truyền thống trong ngày lễ hội, khi biểu diễn, những lễ hội thiêng liêng như mừng lúa mới, cúng bến nước, bỏ mả, cầu mưa… được tổ chức đúng dịp, đều đặn. Chỉ tồn tại ngay trong môi trường lao động, sinh hoạt gắn với buôn làng, núi rừng, những hoạt động văn hóa, tinh thần của người Tây Nguyên mới thật sự mang đậm hơi thở, sức sống, vẻ đẹp hồn cốt tự bao đời.

Để chính sách của Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên đạt hiệu quả, cần chú ý vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên là điều kiện tiên quyết cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc có nguồn gốc tại chỗ ở vùng đất này. Ở Tây Nguyên hiện nay, để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào thì một trong những vấn đề căn cốt nhất chính là vấn đề đất đai, bao gồm đất ở và đất canh tác. Cần đổi mới công tác quản lý, sử dụng đất, giúp đồng bào định canh, định cư, có đất và giữ được đất. Các cấp chính quyền địa phương cần tập trung vào công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cần có kế hoạch cụ thể và thiết thực hơn cho công tác đào tạo nghề lao động vùng Tây Nguyên.

Thứ hai, các đề án, dự án được triển khai ở vùng Tây Nguyên phải huy động sự tham gia của người dân sở tại. Mục đích của các đề án, dự án được triển khai nhằm ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội bền vững Tây Nguyên, bảo tồn, phát huy được những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đối tượng hưởng lợi từ các đề án, dự án này cũng chính là đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Do đó, trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách, cần huy động sự tham gia của đồng bào một cách thực chất. Cộng đồng dân cư địa phương cần có tiếng nói chính thức trong những chính sách của nhà nước liên quan đến đời sống của họ.

Thứ ba, gắn việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên với phát triển du lịch bền vững. Không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, văn hóa voi, văn hóa cà phê và những phong tục tập quán của cộng đồng cư dân bản địa cần được tập trung đầu tư, khai thác trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, hình thành các trung tâm, điểm đến, chương trình, tuyến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, lan tỏa tới các vùng khác. Cần xây dựng kế hoạch liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ khác để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của Tây Nguyên. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ việc liên kết phát triển du lịch, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành nghiên cứu hình thành những chương trình du lịch mới, các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc nhằm thu hút khách đến và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành du lịch của vùng.

Thứ tư, có sự tổng kết, đánh giá hiệu quả các đề án, dự án phát triển vùng Tây Nguyên, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên để kịp thời phát huy, nhân rộng những thành tựu, giảm thiểu những hạn chế, bất cập của các đề án, dự án này. Việc đánh giá hiệu quả các đề án, dự án sẽ góp phần phản hồi chính sách để có thể điều chỉnh hoặc đề xuất, kiến nghị chính sách mới sát hợp với thực tiễn, khắc phục độ vênh giữa chính sách và thực tiễn.

_______________

1. Các quy định pháp luật đối với các dân tộc thiểu số, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.408.

2. vietnamtourism.com.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 – 2017

Tác giả : VŨ THỊ PHƯƠNG HẬU

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *