Bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống của các tộc người thiểu số Việt Nam


Lâu nay, người ta vẫn bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống của các tộc người thiểu số bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng hiệu quả chưa thực sự như mong muốn. Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trước tiên là do nhận thức về các giá trị văn hóa truyền thống chưa sâu sắc, sau đó là do sự phát triển xã hội, cuộc sống hiện đại khiến con người có nhiều sự lựa chọn trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Chính vì vậy, công việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có âm nhạc, luôn là việc làm cần thiết, cần thực hiện lâu dài, bền bỉ. Trong bài viết, chúng tôi đề xuất một số giải pháp thiết thực đối với công cuộc này.

    1. Đưa âm nhạc dân gian vào học đường

    Theo cố GS Trần Văn Khê, việc người Việt Nam xa dần nhạc truyền thống là một căn bệnh mãn tính: “Muốn trị dứt căn bệnh ấy, phải trị căn chứ không chỉ trị chứng. Trong tất cả những giải pháp thì hữu hiệu nhất là đem âm nhạc truyền thống vào học đường”. Việc đem âm nhạc truyền thống vào học đường phải bắt đầu từ cấp mẫu giáo, qua tiểu học, trung học rồi đến đại học.

    Tại các nước phát triển trên thế giới, môn giáo dục âm nhạc ngày càng được tổ chức cẩn trọng và đầy đủ, vì giáo dục âm nhạc không chỉ mang lại những kiến thức cho người học mà còn giúp các em nhận thức sự vật bên ngoài một cách nhạy bén, diễn đạt tình cảm bên trong một cách sâu sắc. Các em nhỏ cần tiếp thu vốn âm nhạc dân gian trước khi học âm nhạc của nước ngoài, cũng như trẻ con cần nói tiếng mẹ đẻ trước khi học ngoại ngữ.

   Qua nhiều năm nghiên cứu giảng dạy âm nhạc truyền thống ở nước ngoài, cố GS Trần Văn Khê đã đúc kết một số nguyên tắc, phương pháp trong dạy nhạc cho học sinh cấp tiểu học như sau:

   Học mà chơi, chơi mà học

   Đó là những bài học được giáo viên (hoặc người hướng dẫn) đưa ra dưới dạng trò chơi, có thể cùng tham gia với các em. Buổi học không phải là một cuộc độc thoại thày giảng trò nghe mà là một cuộc đối thoại. Học trò không chỉ ngồi nghe một cách thụ động mà phải tham gia trực tiếp và tích cực trong buổi học. Điều này giúp các em nhỏ trở nên chủ động và lanh lợi hơn trong học tập, cũng như thân thiện và thêm yêu thích môn học hơn.

    Giáo viên nên áp dụng phương pháp tuần tự nhi tiến trong buổi dạy, tức là: từ cụ thể đến trừu tượng, từ giản dị đến phức tạp, từ cái biết đến cái chưa biết, từ gần đến xa, từ độc tấu đến song tấu, tam tấu, hòa tấu (từ cá nhân đến tập thể). Vận dụng tất cả phương tiện, công nghệ có thể giúp học sinh nhớ những điều đã học. Cần nói đi nói lại những điều cần thiết để các em nhớ bằng tai nghe. Cho người học ghi lại lời ca của bài hát hoặc lời giảng của thày để nhớ bằng tay viết. Các em phải đọc lớn lên những điều đã ghi để nhớ bằng mắt thấy, miệng đọc và tai nghe (1).

    Có sách giáo khoa dạy âm nhạc dân gian cho riêng từng vùng

    Lâu nay, chúng ta vẫn đầu tư tiền bạc và công sức vào nhiều dự án, cũng như triển khai thực hiện chương trình đổi mới sách giáo khoa âm nhạc cho các lớp học phổ thông, nhưng chưa tìm ra con đường đi hiệu quả, cũng như để thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương về văn hóa dân tộc. Chúng ta vẫn còn giữ lối tư duy chung chung, cào bằng khi biên soạn sách giáo khoa dạy âm nhạc cho con trẻ.

    Đất nước ta có 54 dân tộc, cũng có nghĩa là có 54 nền văn hóa khác nhau. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa không thể được làm một cách đại trà. Các em nhỏ ở vùng này có thể tìm hiểu, giao lưu âm nhạc ở vùng kia, nhưng trước hết các em phải được giáo dục và trang bị về âm nhạc dân gian của dân tộc mình. Việc bảo tồn các di sản văn hóa, trong đó có âm nhạc, theo từng cộng đồng trong từng vùng là cách bảo tồn tốt nhất, đã được tổ chức UNESCO công nhận.

    Phải có sự chọn lọc trong việc đưa âm nhạc dân gian vào học đường

   Không phải chúng ta cứ đưa âm nhạc dân gian vào học đường càng nhiều càng tốt là được, mà phải biết chọn lựa, cân nhắc. Có nhiều hình thức, thể loại âm nhạc dân gian mà nếu đưa vào học đường sẽ không phù hợp và sẽ có hiệu ứng ngược. Từ đó sẽ dẫn đến sự rối loạn về bản thể và chức năng của các giá trị. Có khá nhiều hình thức, thể loại ca nhạc dân gian nằm trong trường hợp này, đó là: các hình thức hát cúng (cúng gà, cúng heo, cúng trâu,…), hát trong tang lễ, hát trong lễ bỏ mả…

    Tại Hội thảo Khoa học quốc tế Sự thay đổi đời sống kinh tế, xã hội và bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á (2009), các học giả đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề đưa âm nhạc cồng chiêng vào học đường. Theo tìm hiểu và khảo sát của chúng tôi, việc đưa âm nhạc cồng chiêng cũng như các loại hình âm nhạc dân gian khác vào giảng dạy tại các trường Đại học Âm nhạc ở các nước khu vực Đông Nam Á là chuyện bình thường và công việc này đã được làm từ rất lâu. Tôi còn nhớ vào khoảng năm 1990, chúng tôi cũng đã từng tham dự một buổi giao lưu giữa Trường Đại học Nghệ thuật Huế (nay là Học viện Âm nhạc Huế) với Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hoàng gia Thái Lan. Trong chương trình giao lưu, các sinh viên Thái Lan đã dành toàn bộ thời lượng chương trình biểu diễn các tiết mục cồng chiêng Piatti, các nhạc cụ dân gian và hát dân ca. Bên cạnh đó, Đại học Âm nhạc Maha Sarakham (Thái Lan) cũng là nơi tập trung đào tạo âm nhạc dân gian các sắc tộc thuộc 20 tỉnh vùng Đông Bắc của nước này. Họ cũng đã từng trình diễn âm nhạc dân gian nhiều nơi, trong đó có Việt Nam. Chúng ta cũng cần học hỏi ở các nước về vấn đề này.

    Theo chúng tôi, việc đưa âm nhạc cồng chiêng, cùng với một số giá trị âm nhạc khác vào đào tạo chính thức tại các trường nghệ thuật và âm nhạc trên cả nước là việc làm cần thiết. Theo đó, cồng chiêng của các dân tộc ở Tây Nguyên, Mường, Chăm, Khmer… sẽ được đào tạo chính quy tại các trường nghệ thuật ở các vùng tương ứng. Chẳng hạn, các thể loại dân ca, dân nhạc ở Tây Nguyên và Đông Trường Sơn sẽ được đào tạo ở Học viện Âm nhạc Huế, cũng như các trường văn hóa nghệ thuật thuộc các tỉnh Tây Nguyên… Thực ra, lâu nay một số trường trong nước đã tổ chức giảng dạy môn biểu diễn nhạc cụ dân gian, như: Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Nguyên… Chúng tôi rất mong muốn mô hình này sẽ ngày một phát triển cả chiều sâu lẫn chiều rộng, với nhiều hình thức đa dạng và năng động hơn nữa.

    Nhưng cũng có một số học giả không đồng tình với việc đưa cồng chiêng Tây Nguyên vào giảng dạy trong học đường. Một phần họ cho rằng, UNESCO công nhận Không gian văn hóa công chiêng Tây Nguyên Việt Nam là di sản văn hóa thế giới chứ không phải âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, cũng như chỉ công nhận những đặc trưng phức hợp, chức năng xã hội của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thôi. Điều này là hoàn toàn chính xác, song chúng ta cũng nên ngẫm xem, thực ra âm nhạc có tính tương đối độc lập của nó.

    2. Trên sóng phát thanh, truyền hình

    Việc đưa âm nhạc dân gian của các tộc người thiểu số lên sóng phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương đã có từ rất lâu, bằng các hình thức: phát sóng những bài bản dân ca, nhạc khí; truyền dạy; chân dung nghệ nhân; giới thiệu, quảng bá…

    Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn hoạt động này được đầu tư, tăng cường, mở rộng hơn nữa, nhất là về chất lượng và thời lượng. Các đài phát thanh, truyền hình địa phương nên chú trọng hơn các giá trị văn hóa ở địa phương, thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau của nghiệp vụ. Cũng nên giảm bớt phát sóng các bộ phim nước ngoài, có khi xa lạ với văn hóa, thuần phong mỹ tục của người dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Thay vào đó là những chương trình giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa và âm nhạc các sắc tộc ở địa phương.

    3. Vấn đề nghệ nhân

    Nghệ nhân là tinh hoa của nghệ thuật dân gian nói chung và âm nhạc nói riêng. Tổ chức UNESCO đã vinh danh và dành những ngôn từ trân quý nhất cho họ: Báu vật nhân văn sống. Ở Việt Nam, hầu hết các nghệ nhân tài năng đều đã tuổi cao, sức yếu và có cuộc sống hết sức nghèo khổ, phải làm lụng quanh năm vất vả với nghề nông để sinh sống.

     Trong nhiều năm qua, các hội, ngành cũng đã quan tâm đến việc này, như tổ chức tôn vinh bằng cách in sách, giới thiệu, công nhận nghệ nhân dân gian, hoặc tạo điều kiện để nghệ nhân phát huy, truyền dạy cho thế hệ sau hiệu quả nhất. Theo chúng tôi, nghệ nhân âm nhạc hiện nay rất hiếm, nghệ nhân giỏi càng quý hiếm hơn, nên rất cần có một khoản lương nhất định cho họ. Ở nhiều nước trên thế giới, nghệ nhân rất giàu có và nghề nghiệp rất phát triển. Sản phẩm nghệ thuật dân gian được khắc tên tuổi của họ, được bán chạy với giá rất cao, như ở Nhật Bản, Hàn Quốc…

     4. Chủ trương nghiên cứu chuyên sâu

    Thực ra lâu nay Nhà nước vẫn chủ trương nghiên cứu chuyên sâu, ít khi làm đại trà, song từng lúc, từng nơi, thực tế đã diễn ra ngược lại. Lĩnh vực nghiên cứu nào cũng vậy, muốn hiểu được đối tượng một cách thấu đáo và tường tận, cần phải có những người làm chuyên sâu. Chỉ có nghiên cứu chuyên sâu thì đóng góp mới có ý nghĩa, có độ tin cậy khoa học cao, góp phần đẩy ngành khoa học đó lên những bước tiến. Cũng không nên quá quan trọng vấn đề bằng cấp, học vị, học hàm của nhà nghiên cứu, mà nên để tâm lưu ý đối tượng nghiên cứu và kết quả nghiên cứu của họ, đó mới là sự công bằng trong khoa học. Trên thực tế, ở Việt Nam, không ít những nhà khoa học có đóng góp rất xuất sắc, song họ không có học vị cao.

    Nên chủ trương nghiên cứu theo cấp chuyên gia, theo các vấn đề đặt ra của âm nhạc dân gian các tộc thiểu số Việt Nam hôm nay, như: phương thức tư duy âm nhạc của từng tộc người, nguyên lý triển khai các nhân tố cấu thành… Các hình thức trao đổi cấp chuyên gia, như thông qua các nước trong khu vực để trao đổi về nhận thức, học thuật, cũng như triển khai âm nhạc tộc người, thực hiện đối sánh âm nhạc dân gian với các nước trong khu vực và trên thế giới.

    Trên đây là những vấn đề đáng được quan tâm trong quá trình bảo tồn và phát huy âm nhạc của các tộc người thiểu số ở nước ta. Để những nội dung này đi vào đời sống, được triển khai có hiệu quả rất cần sự nhận thức đúng đắn, sự nhìn xa trông rộng của chính quyền, bộ, ngành các cấp, cũng như các chủ thể sáng tạo và của xã hội.

_______________

1. Âm nhạc cổ truyền trong đời sống hôm nay, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế, Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2003, tr.23-25.

Tác giả: Nguyễn Thế Truyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *