Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên gắn với phát triển du lịch

Di sản thiên nhiên luôn được coi là tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác các di sản thiên nhiên trong hoạt động du lịch phải đảm bảo tăng trưởng du lịch mà không để lại những hậu quả tiêu cực cho văn hóa, thiên nhiên và môi trường bản địa. Bên cạnh đó, phát triển du lịch cũng là một biện pháp hiệu quả để bảo tồn, phát huy giá trị di sản thiên nhiên. Bởi vậy, cần cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị di sản thiên nhiên.

Di sản thiên nhiên gồm: “Các cấu tạo tự nhiên, bao gồm các thành tạo vật lý, sinh học hoặc các nhóm có thành tạo thuộc loại đó; các thành tạo địa chất, địa văn và các khu vực được khoanh vùng chính xác làm nơi cư trú cho các loài động vật và thảo mộc bị đe dọa; các di chỉ, khu vực tự nhiên, vẻ đẹp thiên nhiên có giá trị…” (1). Những loại hình này, xét theo quan điểm thẩm mỹ hoặc khoa học, có giá trị nổi tiếng toàn cầu.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản thiên nhiên phải đảm bảo không làm mất đi những nét đặc sắc, tính chất riêng biệt của nó, đồng thời làm cho những cái hay, cái tốt, cái đẹp ngày càng lan tỏa, phát triển trong điều kiện mới (2). Bên cạnh đó, những giá trị mang tính chất tiêu cực cần được loại bỏ, tăng cường đấu tranh chống những biểu hiện sai lầm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản thiên nhiên để phát triển du lịch.

Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, đa dạng, bao gồm tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn. Hiện nay, cả nước có 30 vườn quốc gia, rất nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, khu danh thắng nổi tiếng, trong đó, Vịnh Hạ Long và vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Đây chính là nguồn tài nguyên to lớn cho phát triển du lịch.

Du lịch là một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên một cách rõ rệt, hay nói cách khác, du lịch chỉ có thể phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên. Đứng từ góc độ này, các giá trị di sản thiên nhiên được xem là tài nguyên du lịch để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh.

Có nhiều phương thức tiếp cận để phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, tuy nhiên du lịch được xem là phương thức hiệu quả nhất, đặc biệt đối với bạn bè quốc tế. Qua hoạt động hướng dẫn du lịch, du khách có cơ hội được tận mắt nhìn và hiểu về giá trị các di sản văn hóa. Nhiều giá trị di sản chỉ có thể cảm nhận được trong những khung cảnh thực của tự nhiên, của nếp sống truyền thống cộng đồng mà những thước phim không thể chuyển tải được.


 Động Thiên Sơn. Ảnh Anh Tú 

Công tác bảo tồn các giá trị di sản thiên nhiên đòi hỏi cần có kinh phí cho hoạt động thu thập, bảo vệ, tu sửa, tôn tạo, nghiên cứu di sản… Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và hợp tác quốc tế cho các hoạt động này rất hạn hẹp so với nhu cầu thực tế. Trong bối cảnh trên, nguồn thu từ du lịch sẽ là đóng góp quan trọng cho hoạt động bảo tồn của chính những giá trị di sản thiên nhiên.

Như vậy có thể thấy mối quan hệ tương hỗ mật thiết giữa bảo tồn với phát huy giá trị di sản thiên với hoạt động phát triển du lịch. Đây là mối quan hệ biện chứng cần được nhìn nhận một cách khách quan và đầy đủ, nhằm định hướng khai thác có hiệu quả các giá trị di sản. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách phù hợp để du lịch có thể có những đóng góp tích cực, có trách nhiệm nhất cho hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản thiên nhiên.

Việt Nam luôn xác định, phát triển du lịch phải gắn liền với mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị di sản thiên nhiên góp phần phát triển bền vững. Tư tưởng này đã được cụ thể hóa  trong nội dung của Pháp lệnh Du lịch (1999), theo đó: “Nhà nước Việt Nam xác định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc…”, đồng thời “bảo đảm phát triển du lịch theo hướng du lịch văn hóa , du lịch sinh thái, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa , thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam”. Theo Luật Du lịch (2005), một trong những nguyên tắc cơ bản để phát triển du lịch là “phát triển có trọng tâm, trọng điểm theo hướng du lịch văn hóa – lịch sử… bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của tài nguyên du lịch”.

Dựa trên quan điểm về phát triển bền vững, kế thừa những tư tưởng và kết quả đạt được từ Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2001-2010, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã đưa ra một số quan điểm phát triển, trong đó nhấn mạnh: “Phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc… tôn trọng văn hóa trong mối quan hệ với cộng đồng điểm đến… Phát triển du lịch gắn với giảm nghèo…”.

Để thực hiện những quan điểm trên, chiến lược về tổ chức lãnh thổ du lịch trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào một số địa bàn trọng điểm, ưu tiên nơi có tiềm năng du lịch, văn hóa truyền thống đặc sắc. Với định hướng ưu tiên phát triển du lịch thiên nhiên trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua Chương trình hành động quốc gia về du lịch và nâng cấp hạ tầng du lịch, hoạt động phát triển du lịch thiên nhiên sẽ tiếp tục có cơ hội phát triển. Kết quả hoạt động của những mô hình về phát triển du lịch thiên nhiên ở Quảng Bình là minh chứng cụ thể cho nỗ lực bảo tồn di sản thiên nhiên thông qua hoạt động phát triển du lịch ở Việt Nam thời gian qua. Với ưu thế về hệ thống hang động và đa dạng sinh học, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã được khai thác với các loại hình du lịch đa dạng như khám phá hang động bằng xuồng, du lịch sinh thái, khám phá hệ động thực vật, leo núi mạo hiểm… Nhiều điểm du lịch được đưa vào sử dụng, khai thác có hiệu quả như động Phong Nha – Tiên Sơn, tuyến du lịch sông Chày – hang Tối, suối nước Moọc, khám phá Sơn Đoòng… Việc áp dụng những mô hình du lịch đa dạng đã đẩy mạnh hoạt động du lịch tại Quảng Bình, thu hút một lượng lớn khách tham quan, khám phá.

Để tạo tiền đề cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, mỗi địa phương đã thành lập đơn vị quản lý di sản. Hiện nay, mô hình quản lý di sản đều do các địa phương tự lựa chọn, chưa có sự quy định chung trên cả nước. Vì vậy, có đơn vị quản lý di sản trực thuộc cấp tỉnh, có đơn vị trực thuộc cấp huyện. Song song với sự thành lập đơn vị quản lý di sản, đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan quản lý di sản này cũng dần được tăng cường. Hiện nay, các đơn vị như Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng… là những cơ quan quản lý di sản thiên nhiên tương đối ổn định, có đội ngũ cán bộ chuyên môn đáp ứng được những yêu cầu của hoạt động quản lý di sản thiên nhiên trên các mặt đối nội và đối ngoại.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ nhân viên còn nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Nhiều khóa tập huấn, chuyên môn nghiệp vụ, hội thảo khoa học được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, góp phần làm tăng chất lượng đội ngũ cán bộ. Từ đó, họ có dịp tiếp cận trực tiếp với cách thức nghiên cứu, quản lý hiện đại, khoa học và cách làm việc của chuyên gia các nước bạn, dần dần đổi mới cách nghĩ, cách làm của cá nhân và cơ quan, đơn vị.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, các di sản thiên nhiên đã góp phần ngày càng quan trọng trong việc phát triển du lịch của đất nước. Tại các địa phương có di sản thiên nhiên, chúng ta đã có rất nhiều sáng kiến đối với hoạt động quảng bá di sản. Các hoạt động như Năm du lịch Hạ Long, Quảng Nam hành trình di sản, Con đường di sản miền Trung… đã trở thành hoạt động thường niên, được ngành du lịch rất quan tâm. Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến nhằm phục hồi các hoạt động văn hóa phi vật thể được thể nghiệm, những buổi trình diễn văn hóa truyền thống, văn nghệ dân gian được tổ chức. Nhiều sản phẩm thủ công truyền thống cũng có dịp được giới thiệu rộng rãi với công chúng.

Du lịch phát triển không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường các dịch vụ du lịch. Nhiều ngành nghề thủ công, hoạt động văn hóa truyền thống được phục hồi, phát triển phục vụ trở lại cho du lịch, qua đó, các giá trị di sản thiên nhiên được được bảo tồn và phát huy.

Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo của Nhà nước cùng với sự chủ động của địa phương, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên vẫn tồn tại những hạn chế. Những vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sinh thái vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc; chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay dành cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch sinh thái còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, quảng bá còn thiếu đồng bộ.

Từ thực trạng trên cho thấy, công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản thiên nhiên trong mối quan hệ với hoạt động du lịch ở nước ta cần có những định hướng và biện pháp cụ thể hơn. Trước hết cần nhìn nhận đánh giá lại các mặt tích cực và tiêu cực đối với những việc đã làm trong thời gian qua. Ngành văn hóa và chính quyền địa phương cần phải tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thống nhất tổ chức bộ máy quản lý, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Trong những năm tới, để di sản thiên nhiên phục vụ tốt hơn cho sự phát triển du lịch, cần tập trung vào một số điểm sau: tăng cường hợp tác giữa các cấp, các ngành ở trung ương và địa phương, trước hết là giữa ngành du lịch và bảo tồn di sản văn hóa; lồng ghép tốt giữa các chương trình mục tiêu quốc gia về chống xuống cấp và tôn tạo di tích, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, du lịch, môi trường, các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực về chuyên môn, cách thức ứng xử; tập trung đầu tư có trọng điểm cho việc bảo quản, tu bổ, phục hồi những điểm di tích, nghiên cứu, lập hồ sơ tư liệu và phục hồi các di sản văn hóa phi vật thể quan trọng tại các khu di sản thiên nhiên; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành giao thông vận tải, hàng không, xây dựng, lao động – thương binh và xã hội, an ninh… và các cơ quan địa phương đảm bảo cho môi trường di sản thiên nhiên được trong sạch. Những khuyến nghị trên góp phần tạo sự ổn định, bền vững cho di sản và sự an toàn cho khách tham quan du lịch, tránh chồng chéo, thiếu hiệu quả.

Trong quá trình phát triển đất nước, việc khai thác giá trị di sản thiên nhiên gắn với phát triển kinh tế du lịch là một hướng đi đúng, phát huy ưu thế của một đất nước có nhiều danh lam thắng cảnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước. Tuy nhiên, việc khai thác di sản thiên nhiên cũng tiềm ẩn nguy cơ làm xói mòn giá trị của các di sản đó. Chính vì vậy, đây là việc đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp của các cấp, các ngành, đặc biệt là người dân sở tại, nơi có các di sản thiên nhiên.                                                               

_______________

1. UNESCO, Công ước về di sản văn hóa và thiên nhiên, 1992.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 376, tháng 10-2015

Tác giả : VŨ THỊ SOI NGẦN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *