Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Lễ hội đền Cuông, Nghệ An


Đền Cuông là ngôi đền thờ An Dương Vương Thục Phán được nhân dân xây dựng, tọa lạc tại núi Mộ Dạ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đền Cuông được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào ngày 21-2-1975. Ngày nay, vào các ngày từ 12 đến 16-2 âm lịch hằng năm, nhân dân thường tổ chức lễ hội đền Cuông với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng và phong phú, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và lễ bái.

1. Lịch sử và lễ hội đền Cuông

Lịch sử đền Cuông

Chưa rõ đền Cuông được xây dựng tự bao giờ, nhưng vào đầu TK XIX, Phạm Đình Hổ đã nhắc đến trong sách Vũ Trung tùy bút. Các đời vua Nguyễn từ Gia Long đến Khải Định đều cho tu sửa lại đền (1).

Đền Cuông gắn liền với một huyền thoại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc – Thục Phán. Sau khi Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi, ông đã đoàn kết sức mạnh toàn quân đại phá quân Tần và lên ngôi vua lấy hiệu Thục An Dương Vương. Sau đó đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì đất nước trong 50 năm (từ năm 257 đến 208 trước CN). Năm 208 trước CN, do mất cảnh giác, Triệu Đà đem quân tấn công, buộc An Dương Vương phải rút quân về phương Nam và tuẫn tiết tại Cửa Hiền, phía Bắc chân núi Mộ Dạ, nay thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, người dân Diễn Châu đã lập miếu thờ ông ở Cửa Hiền. Theo truyền thuyết kể lại, tuy đã có miếu thờ, nhưng mỗi khi màn đêm buông xuống, trên núi Mộ Dạ thường xuất hiện những đốm lửa lập lòe. Nhân dân cho rằng đó chính là linh hồn của vua Thục Phán muốn yên ngự trên núi, người dân sau đó đã lập đền thờ và rước linh hồn ngài về thờ phụng. Đền thờ An Dương Vương trên núi Mộ Dạ có từ ngày đó.

Ngôi đền được gọi là đền Cuông nhưng ngụ ý nói đền Công (tiếng Nghệ An). Tương truyền, khu vực núi Mộ Dạ xưa có nhiều chim công (chim hạc) sinh sống, thế núi Mộ Dạ nhìn xa tựa một con chim công khổng lồ đang múa, đầu chim chính là nơi đền tọa lạc.

Kiến trúc đền Cuông

Dù chưa có tài liệu lịch sử nào ghi lại chính xác thời điểm khởi dựng đền Cuông, tuy nhiên dưới thời nhà Nguyễn, đền đã được trùng tu nhiều lần, đặc biệt vào năm Giáp Tý 1864, vua Tự Đức đã ban sắc chỉ xây dựng lại đền với quy mô như ngày nay. Đền Cuông có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên, tọa lạc ở lưng chừng núi Mộ Dạ, ngay sát quốc lộ 1A, cách thành phố Vinh khoảng 30km về phía Bắc. Trên núi Mộ Dạ là một rừng thông bạt ngàn xanh mướt, phía sau núi là biển cả mênh mông, sát chân núi về phía Bắc là biển Cửa Hiền bằng phẳng, cát mịn, sóng vỗ nhẹ trắng xóa.

Đền Cuông được xây dựng theo kiến trúc chữ “Tam” gồm tam quan, ba tòa: thượng, trung và hạ điện. Nhìn từ cổng chính vào, gần hai chục cột nanh đầu nghê chĩa lên tua tủa như đại pháo dựng. Cổng tam quan gồm ba cổng ra vào đồ sộ, cổ kính rêu phong. Cổng giữa ba lầu có những cành si bám vào theo thời gian làm cảnh quan thêm u tịch. Hai cổng bên có hai tầng, đều được thiết kế theo kiểu vòm cuốn. Tòa thượng điện là nơi đặt ban thờ của vua An Dương Vương có kiến trúc kiểu chồng diêm bốn mái. Tòa hạ điện cũng có kiến trúc tương tự tòa thượng điện. Tòa trung điện là nơi đặt ban thờ Cao Lỗ – vị tướng đã giúp vua Thục chế tác nỏ thần, nơi đây được thiết kế theo kiến trúc kiểu chồng diêm 8 mái. Hiện nay, trong đền Cuông còn có nhiều di vật quý như trống, chiêng, tượng thờ, đồ tế khí. Ngoài ra, trong đền còn lưu giữ nhiều tư liệu bằng chữ Hán trên các bức hoành phi, cột, trụ biểu như có ý nhắc nhở con cháu đời sau luôn ghi tạc ân đức vua An Dương Vương. Xung quanh khu vực đền Cuông có rất nhiều ngọn núi, tảng đá gắn liền với truyền thuyết và huyền thoại về ngài. Tảng đá bàn cờ được cho là nơi An Dương Vương ngồi đánh cờ với thần Kim Quy. Dưới chân núi Mộ Dạ có tảng đá gạo, tương truyền là nơi Thục Phán phát gạo cho dân và quân sĩ về nhà làm ăn sinh sống. Núi Cờ, núi Kiếm, núi Gươm, núi Đầu Cân là tên gọi của mỗi một vật được mang trên mình của Thục Phán khi còn sống (2).

Truyền thuyết đan xen lịch sử đã tạo nên một đền Cuông huyền thoại, là điểm di tích tâm linh thu hút nhiều du khách xa gần ghé thăm mỗi dịp xuân về.

Lễ hội đền Cuông

Xưa kia, triều đình quy định lễ hội đền Cuông là quốc lễ, quốc tế. Trên mặt chính của lầu từ cổng tam quan đền Cuông hiện vẫn còn lưu được dòng chữ Hán đắp nổi rất lớn “Quốc tế thượng từ” (Đền nhà nước tế). Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội do tổng Cao Xá gồm 4 thôn: Cao Ái, Cao Quan, Tập Phúc, Yên Phụ đảm nhận trực tiếp, bao gồm các việc chính như: cử ban lễ nghi, mổ trâu, bò, lợn, gà, soạn mâm cỗ hiến tế… Trước đây, đền Cuông chỉ có lễ tế thần, mỗi năm có một kỳ đại tế vào ngày rằm tháng 2 âm lịch. Tham gia tế lễ đều là quan chức (đã nghỉ hưu hoặc đương chức) mặc triều phục, người nào cũng có áo mũ cân đai. Trong các kỳ tế lễ, ban đêm đều có hát tuồng, chèo, đốt đèn bông, đèn hoa sáng đẹp. Ban lễ nghi của đền gồm có 35 người, chia thành 4 ban: Ban tế: gồm 1 chủ tế và 2 bồi tế; Ban chấp sự: 24 người luân phiên lo hương khói; Ban tri đồ: 4 người bảo vệ nội điện; Ban tri diện: 4 người bảo vệ vòng ngoài.

Lễ hội đền Cuông chính thức được tổ chức từ năm 1993, trước đó chỉ tồn tại dưới hình thức là lễ tế thần. Đến nay, lễ hội được tổ chức thường niên từ ngày 12 đến 16-2 âm lịch. Đây là một trong những lễ hội lớn, quan trọng trong năm của tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Diễn Châu nói riêng. Lễ hội đền Cuông không chỉ là một lễ hội nhằm tri ân, tưởng nhớ công đức của Thục Phán An Dương Vương trong buổi đầu dựng nước và giữ nước, mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân. Lễ hội có các phần nghi lễ chính như: lễ khai quang, lễ cáo trung thiên, lễ yết, lễ rước, lễ đại tế và lễ tạ. Trong đó, không thể không nhắc tới phần lễ rước linh vị Thục An Dương Vương, công chúa và các chư thần từ đình Xuân Ái về đền Cuông, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà sum vầy, nhân dân no ấm hạnh phúc.

Sau phần lễ chính là phần hội, diễn ra từ 15 đến tối 16-2 âm lịch với các trò chơi dân gian: chọi gà, cờ thẻ, cờ người, vật, đu dây; các môn thể thao: bóng chuyền, bóng bàn, kéo co, leo núi; các hoạt động văn hoá, văn nghệ: biểu diễn nghệ thuật, hát chầu văn, thi nét đẹp đền Cuông, chiếu phim video, trưng bầy triển lãm lưu động các chuyên đề về di tích danh thắng – lễ hội của Nghệ An (3). Trong những năm gần đây, Ban tổ chức lễ hội còn đưa vào phần hội những hoạt động sôi nổi như hội trại thanh niên, hội thi Thanh niên thanh lịch lần thứ 3 (năm 2019) thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong vùng.

Lễ hội đền Cuông hiện nay đã trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống của người dân địa phương. Lễ hội được tổ chức hằng năm như một sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người có công với đất nước, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà thế hệ trẻ ngày nay cần học hỏi và phát huy.

2. Giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc của lễ hội đền Cuông trong phát triển du lịch tâm linh ở Nghệ An

Hiện nay, du lịch văn hóa tâm linh là xu hướng đang được khách du lịch nội địa ưa chuộng. Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững, TS Dương Văn Sáu đã phát biểu: “Tâm linh là niềm tin, ước vọng của con người đối với đối tượng siêu hình mà người ta hướng tới đồng thời là những tác động từ các yếu tố siêu hình tới đời sống tinh thần của một số cá nhân trong những không gian và thời gian nhất định mà không phải khi nào chúng ta cũng giải thích được” (4).

 Các cơ sở tâm linh như đền, chùa, miếu là một trong những nơi con người muốn tìm đến để chiêm bái và thõa mãn nhu cầu tâm linh của họ. Và đền Cuông là một trong những địa chỉ quen thuộc mà người dân vùng biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu nói riêng và người dân Nghệ An nói chung thường lui tới để cầu mong những điều tốt đẹp. Ông Trần Thế Nam, du khách tham dự lễ hội đền Cuông cho biết: “Hằng năm, mỗi lần tổ chức lễ hội là gia đình tôi đều có mặt tại đền Cuông với những sản vật của biển để dâng lên An Dương Vương, bày tỏ lòng biết ơn, cầu mong năm mới may mắn, an lành, mong những chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió, cá bạc đầy khoang”.

Tuy lễ hội mới được phục hồi từ năm 1993, nhưng hằng năm, lượng khách về tham quan chiêm bái và tham gia lễ hội đền Cuông đã tăng lên đáng kể. Nơi đây được du khách biết đến như một điểm du lịch tâm linh đầu năm, trở thành nếp sống sinh hoạt không thể thiếu của người dân xứ Nghệ. Vì vậy, cần có những giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát triển được giá trị văn hóa của lễ hội đền Cuông.

Thứ nhất, chính quyền địa phương cùng phối hợp với tỉnh để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ lễ hội được tốt hơn nhằm bảo tồn không gian tâm linh linh thiêng của lễ hội đền Cuông. Năm 2017, đền Cuông được đầu tư nâng cấp một số hạng mục như lát sân đền, hệ thống đường điện. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng cho lễ hội hằng năm, các cấp chính quyền sở tại và tỉnh Nghệ An nên quan tâm đầu tư xây dựng thêm một số hạng mục cơ bản như: khu để xe cho khách tham quan, mở rộng sân bãi hay xây khu đón tiếp để đón tiếp khách du lịch nội địa và khách quốc tế khi đến du lịch Nghệ An. Cải tạo xây dựng một số khu vực lân cận để đáp ứng nhu cầu hành lễ của du khách.

Thứ hai, xây dựng nếp sống văn hóa lễ hội. Giải pháp này không những bảo tồn được nét đẹp văn hóa vốn có của lễ hội, mà còn phát huy được giá trị đối với sự phát triển du lịch của địa phương. Cần phát huy và nâng cao vai trò lãnh đạo của chính quyền địa phương trong công tác tổ chức, hướng dẫn và điều hành các hoạt động tại lễ hội đền. Lãnh đạo địa phương cần xác định, đây là một hoạt động lễ hội nghiêm túc, linh thiêng, có giá trị về mặt tâm linh đối với cư dân địa phương và khách du lịch. Vì vậy, cần xác định đúng vai trò chủ đạo trong công tác tham mưu của Ban Tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích. Công tác thanh tra, kiểm tra phải tổ chức thường xuyên, giải quyết những vấn đề phát sinh diễn ra trong lễ hội một cách nhanh nhất, tránh xảy ra những vấn đề đáng tiếc ảnh hưởng đến giá trị tâm linh của lễ hội. Cần xử lý nghiêm minh những sai phạm tại lễ hội như biến tướng cờ bạc, lừa bịp du khách hay các hiện tượng mê tín dị đoan để những trò chơi dân gian tổ chức ở lễ hội diễn ra lành mạnh, mang lại sự thoải mái cho du khách.

Tăng cường tuyên truyền nét đẹp văn hóa lễ hội đền Cuông cho du khách thập phương thông qua các trò chơi truyền thống như đánh cờ người, kéo co, đốt lửa trại, đu dây. Tăng cường tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội để nâng cao ý thức của người dân và du khách khi tham gia lễ hội trong việc dâng hương đúng nơi quy định, bảo vệ và gìn giữ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Thành lập các đội thanh niên tình nguyện để hướng dẫn, giúp đỡ du khách trong những ngày diễn ra lễ hội. Tuyên truyền để khách hạn chế sử dụng túi nilon trong quá trình tham gia lễ hội mà thay bằng túi vải, túi cói để đựng lễ vật dâng hương. Thu gom rác thải đúng nơi quy định sau khi lễ bái.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tổ chức phục vụ lễ hội đền Cuông. Hiện nay, lễ hội mới chỉ được khách trong tỉnh biết đến và tham gia với quy mô chưa rộng. Vì vậy, đội ngũ phục vụ du khách tham gia lễ hội còn hạn chế và chưa thật sự chuyên nghiệp. Nhưng trong thời gian tới, với sự phát triển của du lịch, số lượng du khách từ các vùng miền sẽ tăng lên, rất cần một nguồn nhân lực có tính chuyên nghiệp để đảm bảo chất lượng phục vụ cho lễ hội. Vì vậy, các nhà quản lý cũng nên có những chính sách đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực phục vụ tại đền. Đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên những kiến thức về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến di tích. Bên cạnh đội ngũ cán bộ quản lý, thuyết minh viên tại điểm, Ban Quản lý Khu di tích đền Cuông nên mời các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng dân cư đưa ra những góp ý để tổ chức lễ hội ngày càng có tính chuyên nghiệp hơn. Chính quyền huyện Diễn Châu nên kết hợp với Sở Du lịch Nghệ An để thường xuyên tổ chức những hội thảo liên quan đến việc tu bổ, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử của đền Cuông, nhằm thu thập những ý kiến của các nhà khoa học để tìm ra những giải pháp hữu hiệu trong việc khai thác và bảo tồn giá trị của nó trước những tác động tiêu cực.

Thứ tư, giải pháp về phát triển kinh tế du lịch. Nghệ An là một tỉnh có thế mạnh về di tích lịch sử và các lễ hội truyền thống. Đây cũng là điều kiện giúp Nghệ An có thể phát triển mạnh loại hình du lịch tâm linh. Để góp phần giới thiệu về nét đẹp của kiến trúc và lễ hội đền Cuông, chính quyền địa phương nên kết hợp với các công ty du lịch để xây dựng các chương trình du lịch tâm linh trong đó đền Cuông là một điểm đến. Chính sự phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch như vậy sẽ là điều kiện để du lịch Nghệ An sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Có thể nói, việc duy trì, tổ chức tốt lễ hội đền Cuông không chỉ nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về một điểm di tích tâm linh của huyện Diễn Châu nói riêng, của Nghệ An nói chung mà còn giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa, những nét đẹp của phong tục tập quán nơi đây cho du khách thập phương. Đồng thời còn tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp giao lưu hợp tác đầu tư, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản của dân tộc Việt Nam.

____________________________

1. Đền Cuông, vi.wikipedia.org, truy cập ngày 22-9-2021.

2. Anh Tuấn, Đền Cuông: Truyền thuyết và lễ hội, vanhoanghean.com.vn, 29-3-2012.

3. Nguồn: Sở Du lịch Nghệ An.

4. Dương Văn Sáu, Giáo trình Văn hóa du lịch, Nxb Lao động, Hà Nội, 2017.

PHAN THỊ BÍCH THẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *