Bảo tồn và phát huy làng nghề dệt lụa truyền thống Vạn Phúc, Hà Đông

1. Vài nét về làng nghề truyền thống

Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng “làng nghề là một làng tuy vẫn còn trồng trọt theo lối tiểu nông và chăn nuôi nhưng cũng có một số nghề phụ khác như đan lát, gốm sứ, làm tương… song đã nổi trội một nghề cổ truyền, tinh xảo với một tầng lớp thợ thủ công chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp”. Tác giả Trương Minh Hằng, trong cuốn Tổng quan về nghề và làng nghề truyền thống ở Việt Nam, đã nói về làng nghề như sau: “Theo cách định nghĩa trong dân gian, một nghề có “thâm niên” và tỷ lệ người làm nghề ở trong làng cao, thu nhập từ nghề là nguồn thu chính, tên làng dần dần gắn với tên nghề… thì được gọi là làng nghề”.

Trong bài viết Một số vấn đề về làng nghề ở nước ta hiện nay của tác giả Lưu Thị Tuyết Vân, có định nghĩa làng nghề truyền thống như sau: “trước hết phải là một làng nghề nhưng đã có lịch sử tồn tại lâu đời, đến nay vẫn sản xuất một hoặc nhiều mặt hàng truyền thống có giá trị trên thị trường trong nước và quốc tế”. Tác giả Dương Bá Phượng trong Bảo tồn và phát triển các làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã chỉ ra “làng nghề truyền thống là những làng nghề xuất hiện từ lâu đời trong lịch sử và còn tồn tại cho đến ngày nay, là những làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm”.

Ngày nay, nhiều làng nghề truyền thống vẫn tồn tại, song các nghề thủ công nói chung đã có những thay đổi về kỹ thuật, tổ chức sản xuất, loại hình sản phẩm… Sự thay đổi này đã tác động đến kinh tế, xã hội trong làng. Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong Thông tư số 116/2006/TT-BNN, ngày 18-12-2006, làng nghề được công nhận là truyền thống phải đạt 3 tiêu chí: xuất hiện tại địa phương trên 50 năm tính đến thời điểm được công nhận; tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc; gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.

Trên cơ sở đó, có thể hiểu làng nghề truyền thống là làng có nghề thủ công được hình thành lâu đời, vẫn duy trì và phát triển cho đến thời điểm hiện tại, là làng đang sản xuất một hoặc nhiều mặt hàng thủ công truyền thống, nhằm tạo ra các sản phẩm có tính riêng biệt, đặc thù; Trong đó, thời gian, nguồn thu nhập chính chiếm tỷ lệ cao so với các hoạt động kinh tế khác.

2. Làng nghề dệt lụa truyền thống Vạn Phúc, Hà Đông

Làng Vạn Phúc thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Hà Đông khi xưa có 7 làng La, 3 làng Mỗ, đều làm nghề dệt lụa nhưng chỉ có lụa Vạn Phúc là nổi tiếng nhất. Từ sản phẩm của làng, lụa, gấm Vạn Phúc đã vượt qua giá trị hàng hóa đơn thuần trở thành một sản phẩm của văn hóa. Qua các thư tịch cổ cho thấy, làng Vạn Phúc vốn có tên là Vạn Bảo, được hình thành từ khoảng năm 865 sau CN, sau đổi tên thành Vạn Phúc. Thuở ấy, trong một lần đi thuyền bên sông Nhuệ, tướng quân Cao Biền có nói “Đất Vạn Phúc núi sông uốn khúc, long hổ ôm quanh, hai bên giếng nước nuôi dưỡng tụ khí rồng xanh”. Sau này, vợ tướng quân Cao Biền là bà Lã Thị Nga đã dạy dân làng cách dệt lụa. Khi bà qua đời, nhớ công ơn của bà, dân làng Vạn Bảo đã tôn bà là Thành Hoàng làng và lập miếu thờ.

Trải qua các thời Lý, Trần, Hồ (gần 4 thế kỷ), nghề dệt lụa vẫn được duy trì để phục vụ cho việc may mặc của vua quan, dân chúng ở kinh đô. Tuy nhiên, dưới thời Lê, chỉ có làng Vạn Phúc là nơi duy nhất biết dệt gấm, lụa. Vì thế, đến cuối TK XIX, nhà Nguyễn chủ trương khuyến khích, ưu tiên hàng nội nên người thợ Vạn Phúc đã tìm tòi cải tiến, tăng năng suất và cho ra đời những loại lụa mới như the, vân, xa, quế với mẫu mã hoa văn đạt đến độ tinh xảo. Lụa Vạn Phúc từng được chọn là chất liệu chính để may lễ phục cho các đời vua nhà Nguyễn. Sau này, vua Khải Định, Bảo Đại đều sử dụng lụa, gấm, sa Vạn Phúc (Hà Đông) cho trang phục trong cung đình.

 Trước năm 1945, lụa Vạn Phúc nổi tiếng trên thị trường Đông Dương, tham gia nhiều hội chợ ở cả ba vùng Bắc, Trung, Nam Việt Nam. Tơ lụa Vạn Phúc có nhiều mẫu mã đa dạng, lên tới 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh với nhiều tên gọi khác nhau như: băng hoa, long phượng, mây bay, tứ quế, sa trơn, the trơn, đũi hoa, vân thọ đỉnh.

Hoa văn, họa tiết trên gấm, lụa Vạn Phúc được chia thành các nhóm sau: hoa văn động vật gồm tứ linh, lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long song phượng, long vân, rồng vàng cuốn thủy, phượng trong mây, phượng ngậm cuốn thư, phượng xòe chữ thọ, rùa ngậm cuốn thư, quy nhả ngọc vàng, song hạc, ngũ phúc, quần ngư vọng nguyệt. Họa tiết côn trùng, chim muông như chuồn chuồn, con cò, con bướm, dơi…; hoa văn thực vật gồm: cúc, trúc, mai, lan, hoa chanh, hoa hồng, hoa dâu…; hoa văn đồ vật, hình học mô phỏng: cuốn thư, đồng tiền, lẵng hoa, bình cổ, đèn lồng, chữ thọ (tròn và vuông), chữ triện, chữ vạn, chữ S, quả trám, hình vuông, hình thoi, ô gạch, ca rô, ba sọc.

Tất cả hình dạng hoa văn trên lụa Vạn Phúc được trí tưởng tượng phong phú, bàn tay tài hoa của nghệ nhân dệt thành sản phẩm độc đáo, thể hiện sức sáng tạo tinh tế, giàu thẩm mỹ của cộng đồng dân thị tứ Hà Nội cuối TK XIX, đầu TK XX. Thời điểm đó, làng Vạn Phúc có tới 1.500 khung dệt lụa. Trai gái trong làng từ 15, 16 tuổi đã biết điều khiển khung cửi làm ra sản phẩm. Vào thời kỳ này, người thợ dệt Vạn Phúc đã thành công trong việc cải tiến chuyển từ khung đạp chân năng suất thấp, khổ vải hẹp, thành khung giật tay, với năng suất từ 3 thước khổ nhỡ lên 8 thước khổ rộng. Lúc bấy giờ, ở Hà Nội xuất hiện nhiều cửa hàng bán lụa lớn ở Hàng Ngang, Hàng Đào.

Gấm, lụa Vạn Phúc đã từng theo chân những nghệ nhân vượt ra địa danh đất nước và được giới thiệu ở quốc tế lần đầu tại hội chợ Marseille (1931) và Paris (1938). Người Pháp đánh giá lụa Vạn Phúc là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương, được ưa chuộng tại các nước Pháp, Thái Lan, Indonesia…

Năm 2010, Vạn Phúc tăng cường trang bị thêm nhiều máy móc vào sản xuất. Người thợ không phải trực tiếp dùng tay dệt, mà tập trung nghiên cứu sáng tạo mẫu và kỹ thuật thể hiện trên gấm, lụa. Làng Vạn Phúc ngày càng phát triển nhiều sản phẩm gấm, lụa đẹp và tinh tế, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước.

3. Bảo tồn và phát huy làng nghề dệt lụa truyền thống Vạn Phúc

Nghề dệt cổ truyền Việt Nam được coi là di sản lịch sử, di sản văn hóa. Bàn về nghề dệt truyền thống Việt Nam, không thể không nhắc tới làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Nếu nhìn nghề dệt lụa dưới góc độ chủ thể, chúng ta càng phải chú ý hơn nữa quá trình sáng tạo, vấn đề bảo tồn và lưu giữ những di sản văn hóa phi vật thể như thế. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị của nghề dệt là đòi hỏi trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hiện nay. Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống chính là giữ gìn và phát huy những giá trị về văn hóa, kinh tế, xã hội và làm cho nó không bị mai một hay thất truyền.

Hiện nay, việc phát triển các làng nghề dệt truyền thống đang được chính quyền các địa phương quan tâm. Riêng làng lụa Vạn Phúc, từ năm 1998, đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng như quận Hà Đông chú ý đến các chính sách hay các biện pháp để bảo tồn và phát triển làng nghề. Tuy nhiên, khó khăn của làng lụa Vạn Phúc hiện nay chính là khâu nguyên liệu sản xuất. Do một số năm trước, giá tơ bấp bênh, không ổn định, người dân chuyển sang trồng các loại cây khác nên diện tích trồng dâu bị thu hẹp. Thời tiết nóng ẩm làm ảnh hưởng chất lượng trứng tằm, khiến lượng tơ gốc bị giảm. Đa số, nguồn nguyên liệu cung cấp cho các hộ gia đình tại Vạn Phúc hiện nay chủ yếu nhập từ Lâm Đồng. Thiếu thợ dệt, thiếu người phát triển có tâm huyết để khôi phục làng nghề. Trước đây, vào những giai đoạn phát triển nhất, làng Vạn Phúc có tới 1.500 máy dệt, nhưng đến nay chỉ còn hơn 200 máy dệt lụa. Hàng Trung Quốc tràn lan trên thị trường với mẫu mã đa dạng khiến cho sản phẩm lụa Vạn Phúc mất dần thị phần. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy nghề dệt lụa Vạn Phúc cần có những giải pháp cụ thể, kịp thời nhằm phát triển làng nghề dệt truyền thống Việt Nam như: phát triển và nâng cao tay nghề cho những người thợ dệt, các chính sách bảo trợ; kế thừa những kinh nghiệm dân gian trong các công đoạn dệt thủ công truyền thống, đổi mới công nghệ để sản xuất ra các loại tơ có chất lượng tốt; có cơ chế đãi ngộ và khuyến khích người dân dệt lụa, mở các lớp bồi dưỡng mang tính chất truyền nghề cho người dân trong làng, phát triển đội ngũ trẻ kế cận giữ gìn nghề dệt truyền thống; lưu giữ vốn nghề bằng cách thành lập bảo tàng nghề lụa tằm tang để giới thiệu các loại sản phẩm tơ lụa, màu sắc, hoa văn, chất liệu, kỹ thuật dệt cho những người yêu thích, quan tâm đến nghề dệt truyền thống, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, khách nước ngoài v.v…; có bài báo, tham luận, công trình nghiên cứu sâu về lụa về nghề dệt truyền thống Việt Nam nói chung và làng nghề dệt tằm tang canh cửi Vạn Phúc (Hà Đông) nói riêng; thúc đẩy sản xuất, nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ người dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu ra nước ngoài nhằm tăng thu nhập cho người dân làng toàn tâm hơn với nghề.

Bảo tồn và phát huy làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện đại. Phát triển làng nghề nói chung và làng nghề truyền thống Vạn Phúc nói riêng cần có sự linh hoạt ở bộ máy quản lý nhà nước, địa phương, cơ quan ban hành chính sách, cộng đồng, đặc biệt từ chính người dân làng nghề Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội, những người trực tiếp tham gia giữ nghề và phát triển.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Thái Dịch An, Tổng hợp hoa văn rồng phượng, Giang Linh dịch, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003.

2. Nguyễn Chí Bền, Văn hóa Việt Nam, mấy vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Văn hóa Thông tin, 2006.

3. Trần Lâm Biền, Trang trí mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004.

4. Trương Minh Hằng, Tổng quan về nghề và làng nghề truyền thống ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, tập 1, Hà Nội, 2012.

5. Lâm Bá Nam, Nghề dệt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1999.

6. Vũ Dương Ninh, Lịch sử văn minh nhân loại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.

7. Dương Bá Phượng, Bảo tồn và phát triển các làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.

8. Đoàn Thị Tình, Trang phục Thăng Long Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2010.

9. Thái Bá Vân, Tìm về bản sắc dân tộc của văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1993.

10. Lưu Thị Tuyết Vân, Một số vấn đề về làng nghề ở nước ta hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Hà Nội.

11. Trần Quốc Vượng – Đỗ Thị Hảo, Làng nghề, Phố nghề Thăng Long Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tác giả: Nguyễn Thị Quỳnh Mai

Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020

1/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *