“Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm trong xã hội đương đại”


Sáng ngày 7-12-2021, Hội thảo khoa học quốc tế về Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm trong xã hội đương đại do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Ninh Bình và Trường Đại học Temple Hoa Kỳ đồng tổ chức, đã diễn ra tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.

Bà Nguyễn Thị Mận (con gái của nghệ nhân Hà Thị Cầu) trình diễn hát xẩm trên sân khấu – Ảnh: Vân Anh

Đến dự có ông Tống Quang Thìn – Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình; ông Nông Quốc Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa; PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, cùng đông đảo các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa tham dự. Hội thảo được tổ chức tại hai điểm cầu là thành phố Ninh Bình và Đại học Temple Hoa Kỳ, là dịp các nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu thảo luận, trao đổi những vấn đề khoa học và thực tiễn nhằm đưa ra những giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình di sản hát xẩm trong xã hội đương đại.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn phát biểu tại Hội thảo – Ảnh: Vân Anh

Hội thảo có hai tiểu ban: Tiểu ban 1: Giá trị nghệ thuật, đặc trưng âm nhạc, quá trình hình thành – phát triển hát xẩm; Tiểu ban 2: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm. Hội thảo nhận được gần 40 tham luận của các học giả trong và ngoài nước, mang nhiều giá trị học thuật, có ý nghĩa thiết thực đối với công tác bảo tồn các giá trị của nghệ thuật hát xẩm trong xã hội hiện nay. Bên cạnh việc trình bày tham luận, các đại biểu tham dự đã có nhiều phát biểu, trao đổi thẳng thắn, sôi nổi xung quanh các vấn đề liên quan đến nhận diện giá trị nghệ thuật, cũng như công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm nói chung và hướng đi của tỉnh Ninh Bình nói riêng.

Tham gia thảo luận tại Tiểu ban 1, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn chia sẻ: Hiện nay, hát xẩm đã được đưa vào chương trình học tập của học sinh trong các trường học trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở hình thức giới thiệu, để các em hiểu về xẩm, còn cách thức, hình thức truyền dạy cụ thể hơn với loại hình này, cần phải nghiên cứu, tìm hiểu để có cách thức phù hợp nhất với các em. Ông khẳng định, việc đưa loại hình nghệ thuật hát xẩm vào chương trình học của học sinh các cấp là điều chắc chắn tỉnh Ninh Bình sẽ làm. Chúng ta không tính cho 5 năm hay 10 năm mà cho cả một chiều dài lịch sử về sau, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian của Việt Nam.

Tiểu ban 1 – Ảnh: Vân Anh

Về vấn đề truyền dạy nghệ thuật hát xẩm, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa mong muốn có một tiêu chí nhất định để lan tỏa, đào tạo hát xẩm một cách bài bản nhất. Cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, để tạo ra quy chuẩn riêng đối với môn nghệ thuật này, từ đó mở rộng đào tạo và tôn vinh di sản đúng với giá trị thực của nó.

PGS, TS Phạm Lan Oanh – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, qua hai tiểu ban, các tham luận đã nhận diện những giá trị đặc trưng, đánh giá thực trạng, nguyên nhân mai một của hát xẩm; đồng thời nêu lên một số giải pháp hết sức thiết thực đối với công tác bảo tồn và phát huy loại hình di sản văn hóa độc đáo này… Các tham luận được trình bày và thảo luận tại Hội thảo đã đưa ra những vấn đề khoa học quan trọng trong nghiên cứu về nghệ thuật hát xẩm. Những thành quả nghiên cứu này là đóng góp thiết thực trong khoa học nghiên cứu liên ngành và trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

PGS, TS Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tại Hội thảo – Ảnh: Vân Anh

Phát biểu bế mạc của TS Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Có thể nói, những nghiên cứu, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Ninh Bình, là cơ sở để tỉnh tiếp tục đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật hát xẩm đáp ứng nhu cầu văn hóa nghệ thuật của nhân dân địa phương, lan tỏa rộng rãi trong nước và ra thế giới, góp phần đưa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến với bạn bè khắp 5 châu.

VÂN ANH – MAI HƯƠNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *