1. Nguồn gốc hát xẩm
Nguồn gốc hát xẩm còn nhiều chính kiến khác nhau chưa thống nhất thời gian ra đời hình thức nghệ thuật hát xẩm, nhưng có thể khẳng định rằng: nghệ thuật hát xẩm ra đời dưới thời đại phong kiến làng xã Việt Nam, phát triển từ nông thôn lên thành thị, nó đã trở thành một truyền thống văn hóa nghệ thuật nhân học, sống trong môi trường xã hội của người lao động do nhân dân nuôi dưỡng, sáng tạo ra truyền từ đời này sang đời khác, tồn tại trên mọi miền đất nước. Nghệ thuật hát xẩm có truyền thống lâu đời đã trở thành di sản văn hóa dân tộc của người lao động khuyết tật, khiếm thị, phát triển khắp ba miền: Bắc – Trung – Nam, được nhân dân yêu thích mang bản sắc văn hóa, nghệ thuật nhân học ở mỗi địa phương Việt Nam.
Theo nhiều công trình, luận văn, các bài nghiên cứu của giới chuyên môn, và các nghệ nhân thường kể lại truyền thuyết, huyền thoại về con trai vua Trần Thánh Tông để dẫn giải nguồn gốc hát xẩm nhằm tôn vinh làm nghề tổ của hát xẩm: “Vào thời Trần Thánh Tông, nhà vua có hai người con trai là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Người em Trần Quốc Đĩnh tính nết hiền lành, một hôm vào rừng đi săn bắt được ngọc, bị anh trai chọc mù mắt bỏ lại trong rừng sâu… Từ đó, hoàng tử Trần Quốc Đĩnh được dân cưu mang, ông đã chế ra đàn từ cây song, cây mây và soạn các bài hát làm vui lòng mọi người, những bài hát ấy đã truyền tụng khắp nơi trong nhân gian. Một hôm vua Trần Thánh Tông đi vi hành, nghe được câu hát hay, ông sai quân đưa người hát rong vào cung vua. Sau khi nghe rõ lời tâu của con trai Trần Quốc Đĩnh, vua sai chém đầu Trần Quốc Toán, nhưng Đĩnh xin tha chết cho anh, nên nhà vua đã giáng Trần Quốc Toán xuống làm thứ dân, còn Đĩnh được ban thưởng. Từ đó, nhân dân trong nước học theo ngón đàn, điệu hát của hoàng tử làm nghề mưu sinh và suy tôn hoàng tử làm tổ nghề hát xẩm”.
Dựa theo huyền thoại, truyền thuyết này, nhiều bài nghiên cứu cho rằng hát xẩm ra đời vào TK XIV, nhưng đây là câu chuyện không có thật trong lịch sử, nên không có căn cứ để suy tôn. Còn theo nhiều bài nghiên cứu, cho rằng hát xẩm ra đời vào TK XIV là không đúng với niên đại của vương triều đầu nhà Trần. Nhà Trần là quốc gia phong kiến hưng thịnh, phát triển mạnh nghệ thuật ca múa nhạc, sân khấu, cùng nhiều thể loại nghệ thuật vùng đồng bằng sông nước từ dân gian lên cung đình biểu diễn được coi là nguồn gốc hình thành, ra đời các thể loại nghệ thuật ca múa nhạc vào cuối thời Lý sang đầu nhà Trần. Nhưng truyền thuyết này có nhiều điểm chưa tìm thấy tư liệu nào trong các sách Việt cổ:
Thứ nhất, truyền thuyết đã kể sai so với chính sử, theo nhiều sách lịch sử Việt Nam như Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim ghi: “Vua Trần Thánh Tông niên hiệu Kiến Trung 1225-1258, thiên ứng với 1251-1258. Vua Trần Thánh Tông năm 1240-1290, là vị hoàng đế thứ hai của nhà Trần thuộc nước Đại Việt, ông lên ngôi năm 1258 đến ngày 9-11-1278” (1). Nếu dựa theo truyền thuyết về hoàng tử Đĩnh là nghề tổ của hát xẩm, thì phải tính khoảng từ giữa và cuối TK XIII ra đời nghề hát xẩm mới đúng.
Thứ hai, truyền thuyết này không có ghi lại trong các sách chép về sử liệu với các huyền thoại, truyền thuyết dân gian của Việt Nam, như trong các cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, Vũ trung tùy bút, An Nam chí lược… Hơn nữa, chuyện kể sai so với chính sử, vua Trần Thánh Tông sinh ra hai người con trai là chuyện có thật, một tên là Trần Thái Khảm, người thứ hai tên là Tả Thiên Vương Đức (2) chứ không phải là Trần Quốc Đĩnh như trong truyền thuyết, nên truyền thuyết này không đáng tin cậy.
Việc tìm hiểu nguồn gốc niên đại chỉ là những con số đoán định tượng trưng mà giới âm nhạc chưa thể chứng minh xác thực sự ra đời hát xẩm có bằng chứng lịch sử rõ ràng. Nhưng có một thực tiễn lịch sử hát xẩm đã ra đời dưới xã hội nông nghiệp phong kiến Việt Nam, nó phát triển theo thời đại, và biến đổi từ nội dung đến hình thức tổ chức hoạt động biểu diễn.
2. Hình thức hoạt động của nghệ nhân hát xẩm
Tổ chức hát xẩm làng xã nông nghiệp
Hát xẩm đã tồn tại, phát triển ở ba miền đất nước: Bắc – Trung – Nam, mỗi vùng, miền có lề lối, hình thức ca hát tương đồng và khác biệt mang phong cách hát xẩm riêng. Nhưng dù hoạt động dưới hình thức nào, hát xẩm có thể chia thành các hình thức tổ chức, lề lối hát: thứ nhất, hát xẩm nông thôn, văn hóa nông nghiệp phong kiến làng xã; thứ hai, hát xẩm thành thị phong kiến, tư sản; thứ ba, hát xẩm hiện đại và hát xẩm đương đại. Trong ba hình thức hát xẩm, thì hát xẩm nông thôn, văn hóa nông nghiệp làng xã là bước hình thành hát xẩm đầu tiên dưới các triều đại phong kiến Việt Nam mang bản chất văn hóa nhân học, dân tộc, bản địa.
Về hình thức tổ chức, lề lối hát xẩm làng xã, ngày xưa gọi là xẩm quê, xẩm chợ, hát rong, xẩm rong, hát dạo, hát thờ, xẩm huê tình… Đa số những người hành nghề hát xẩm trong xã hội phong kiến do các quan chức địa phương tổ chức đưa họ vào theo phường hội để quản lý tuyên truyền văn hóa trong một kênh thông tin xã hội.
Vào thời Lý – Trần, họ đã tổ chức bộ máy cai trị thôn làng, gọi là “làng nước”, từ làng đến nước là một tổ chức của nhà nước phong kiến Việt Nam, đây là sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa mang tên gọi hành chính dưới các triều đại phong kiến Việt Nam. Từ đó, các tỉnh phía Bắc đặt hát xẩm tổ chức theo nhóm, gọi là “Ông Trùm”, có phong sắc cho các nghệ nhân như: Trưởng danh, Vị bô, Trùm ba… những người này có tên gọi riêng là Ông trùm, Ông trưởng, Bà ba. Các chức danh này do làng hội, là những người làm nghề bầu ra, hai năm bầu một lần, gần giống như phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ngày nay. Thứ tự bầu các chức danh do những nhóm hát xẩm đề xướng, hoặc người hát tự ra ứng cử. Tiêu chí người được bầu, hoặc ứng cử là:
Đàn ngọt, hát chín, có uy tín trong làng hát xẩm (nghệ nhân không gọi là hát hay mà là hát chín, tức là hát thuần thục một và nhiều điệu hát xẩm).
Người có đạo đức, hay giúp đỡ đồng nghiệp… (theo nghệ nhân NSƯT Nguyễn Văn Nguyên – ngõ Thịnh Hào II phố Hàng Bột và ông Thân Đức Chinh, ở Bắc Giang kể lại 1985).
Người tuổi cao, có tiếng trong làng hát và được công chúng yêu thích (theo phương thức truyền thống dân gian: “Tiếng lành đồn xa”…
Những chức sắc này thường đề cao suy tôn cho nam, còn nữ chỉ được bầu xếp hàng thứ ba (gọi là Trùm ba). Bậc cao thứ nhất, thứ hai thường bầu cho nam hát xẩm, gọi là Trùm nhất, Trùm hai. Những người được suy tôn có nhiệm vụ tổ chức những đêm hát hội làng, hoặc hát nghi lễ, các ông trùm đến liên hệ bàn công việc tổ chức hát với hương thôn, chánh, phó lý ở làng xã Việt Nam. Theo một số nghệ nhân kể lại: ở Hà Nội còn nơi ghi dấu trụ sở hát xẩm ở bãi Thuốc Lá, Yên Phụ; Hải Phòng có xóm Cầu Đá; Nam Định ở đường Goòng – thuộc phố Cổng Hậu; Bắc Giang trụ sở hát xẩm ở thôn Thùng Đấu, nay là phố Thùng Đấu…, nhưng hiện nay những địa danh kể trên đã bị biến đổi, không còn nữa. Trụ sở hát xẩm là nơi tập hợp người hát rong, cứ 2 năm họp lại vào ngày mồng 8 hoặc mồng 10 tháng 2 âm lịch, mọi người đến làm giỗ tổ.
Nghi lễ tổ chức hát xẩm
Mở lễ, điểm lễ vật, báo cáo trời phật, thần thổ địa, thần hoàng làng, các thần linh xin phép tổ chức lễ giỗ tổ.
Vào lễ, kiểm điểm ưu khuyết điểm, làm ăn hát xướng một năm qua ở đâu làm tốt, ở đâu sai lỗi như tranh đất hát, điểm hát, hoặc hát bài của người khác mà không xin phép, gọi là ăn cắp bài hát ở trong thôn, hoặc trong và ngoài tỉnh. Trong đó hai lỗi đại kỵ của người hát rong là:
Thông gian giữa các nhóm xẩm – nghĩa là đồng lòng ăn cắp bản quyền, không xin phép tác giả sáng tác bài hát.
Nghiêm cấm đi hát ăn cắp đồ vật của người xem, của gia chủ, của người bên nhóm hát khác.
Hình phạt cho những ai phạm hai lỗi đại kỵ kể trên là bị các nhóm hát xẩm tẩy chay, không quan hệ giao tiếp, cao hơn thì bị đuổi đi khỏi địa phương, đây là tội nặng nhất (là người phạm cả hai lỗi).
Theo tục lệ làng xã phong kiến Việt Nam xưa, ai bị đuổi ra khỏi làng hết nghiệp làm ăn, nếu bỏ làng đến nơi ở mới, có được ở thì dân làng nơi ấy họ coi khinh là người ngụ cư. Đây là tổ chức hát xẩm ở xứ A Nam thuộc Bắc Kỳ, còn hát xẩm miền Trung (Trung Kỳ), xẩm Nam Bộ (Nam Kỳ) có tự do tài tử hơn.
3. Đôi nét về hát xẩm ở miền Trung và Nam Bộ
Đối với hát xẩm ở Trung Kỳ và Nam Kỳ, người hát tự do, không tổ chức theo nghi thức làng xã như ở Bắc Kỳ. Hát xẩm từ Huế trở vào có nhóm hát từ hai đến ba người, nhóm hai người là hai vợ chồng, hoặc hai anh em… nhóm ba người, gồm có một con từ 5 đến 10 tuổi, hoặc một nhóm ba người, hai người khiếm thị, một người sáng mắt dắt nhau đi hát, đồ nghề là đàn nhị, sênh tiền, trống mảnh, hoặc đàn ghi ta, sáo, đàn bầu, đàn nguyệt… Nhìn chung, nhạc cụ hát xẩm thường có là một đàn, một nhạc gõ, họ hát ở chợ, bến sông, dưới thuyền trên sông Hương… Hát xẩm miền Trung có nét giống ngoài Bắc là hát ở những nơi đông người, hát nơi góc chợ, cuối phố… Ngoài ra, có một số nơi là một người tàn tật, hoặc khiếm thị chống gậy, hoặc lê gót đi hát.
Hát xẩm Nam Kỳ cũng tương tự, họ hát một người hoặc hát theo nhóm từ hai đến ba người, nhiều nhất là năm người, có nhóm là cả nhà, nhóm thì do gặp nhau, hợp nhau mà thành.
Về cơ bản, hát xẩm Trung Bộ và Nam Bộ không tổ chức như ở miền Bắc, mà hát đơn lẻ một người, cả gia đình, hay tập trung thành một nhóm hát xẩm. Những nhóm hát xẩm Trung Bộ và Nam Bộ hoạt động tự do, mang tính tài tử chuyên nghiệp, họ không theo khuôn mẫu và nghi thức tổ chức chặt chẽ như làng xã phong kiến ở Bắc Kỳ. Tuy nhiên, họ cũng có những hình thức hát xẩm mang nội dung, phong cách riêng của nghệ thuật nhân học mỗi vùng, miền.
Hát xẩm miền Trung: hát dân ca miền Trung, hát tuồng miền Trung, hát tân nhạc, hát những bài hát Pháp nổi tiếng, không hát dân ca Bắc Kỳ, hoặc những bài xẩm miền Bắc. Các nghệ nhân tạo dựng phong cách nghệ thuật hát xẩm nhân học có phong cách hát xẩm Trung Bộ của người dân miền Trung Kỳ.
Hát xẩm Nam Bộ: hát dân ca Nam Bộ, hát tài tử cải lương, hát xẩm cải lương, hát tân nhạc và những ca khúc Pháp đang thịnh hành, không hát những bài xẩm Bắc và miền Trung để bảo tồn phong cách ca nhạc xẩm Nam Bộ.
Hát xẩm Bắc – Trung – Nam đã tạo thành ba phong cách văn hóa hát xẩm, mang đặc trưng ca nhạc, diễn xướng dân gian dân tộc của mỗi vùng, miền. Đây là giá trị văn hóa nghệ thuật nhân học của hát xẩm dưới các triều đại phong kiến nông nghiệp, làng xã và đô thị ở Việt Nam. Hình thức hát xẩm này tồn tại đặc trưng văn hóa dân tộc, bản địa đến khi chế độ phong kiến Việt Nam tan rã chuyển sang thời kỳ tư sản phong kiến thuộc Pháp cai trị Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương.
Hát xẩm bắt đầu biến đổi gọi là thời kỳ hát xẩm thành thị phong kiến tư sản Việt Nam, tồn tại sang các thời đại sau. Đây là những giá trị văn hóa của nghệ thuật ca nhạc hát xẩm, diễn xướng dân gian đã biến đổi theo thời đại và cấu trúc xã hội Việt Nam, mà mỗi thời đại mang lại những giá trị văn hóa nghệ thuật nhân học riêng qua lời ca và giai điệu âm nhạc, nhịp điệu âm nhạc hát xẩm.
4. Nội dung văn học của hát xẩm
Văn học hát xẩm tồn tại trong dân gian truyền miệng, qua người hát rong của thời kỳ phong kiến làng xã Việt Nam, có nội dung phong phú và phương thức sáng tạo dân gian còn ghi chép lại đến ngày nay do các nghệ nhân hát xẩm để lại.
Nghiên cứu hát xẩm miền Bắc có thể coi là một trung tâm văn hóa nghệ thuật hát xẩm dân gian chuyên nghiệp, bởi đây là nơi mở đầu để phát triển nghệ thuật hát xẩm dân gian, chuyên nghiệp, mang đặc trưng văn hóa làng xã phong kiến Việt Nam còn lưu giữ nhiều bài hát xẩm dân gian, nhưng hát xẩm miền Bắc lại là nơi pha tạp nhiều phong cách hát dân gian, chuyên nghiệp.
Nói đến hát xẩm, thì cả ba miền đều có nét tương đồng giống nhau, đó là nội dung những bài hát xẩm mang phong cách dân gian, nó thường dựa theo các thành tố dân gian, chuyên nghiệp sau:
Thứ nhất, nghệ nhân hát xẩm thường lấy những lời ca từ thơ, ca dao, tục ngữ, phong dao…
Thứ hai, lấy lời hoặc cả nhạc và lời những bài hát của nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp như chèo, tuồng, cải lương và dân ca.
Thứ ba, những bài hát, hay điệu xẩm sáng tác dựa trên sự tích quê hương, sự kiện lịch sử, hoặc gương người anh hùng dân tộc để ngợi ca, hay đề cao những người con hiếu thảo với ông bà, cha mẹ…Tiếp đến là hát giao duyên, tình yêu trai gái, phê phán thói hư, tật xấu các cá nhân, hoặc châm biếm, phê phán xã hội, và một số bài đả phá chế độ phong kiến, chống thực dân xâm lược…
Nội dung văn học hát xẩm chủ thuyết mang nặng tính ngợi ca, tính giáo lý theo thuyết đạo Phật, Nho giáo phong kiến Việt Nam. Nhiều bài hát tâm linh, hát thờ trong ngày giỗ tổ được các nghệ nhân sáng tác, hoặc đặt lời theo điệu hát có sẵn để hát nơi đình, chùa chốn tâm linh tôn kính. Bên cạnh những bài hát ngợi ca người có công với nước, với nhân dân, còn có những bài hát về tình yêu, những bài hát châm biếm khôi hài. Tổng quan nội dung lời ca hát xẩm đậm chất văn hóa con người nhân học như sau:
Những bài hát giao duyên, trai gái yêu nhau mang tính chọc ghẹo, ướm hỏi… theo điệu xẩm Chênh bong có lời ca như:
Không chồng khổ lắm đấy chị em ơi
Có chồng như đũa có đôi thiệt gì
Có chồng ngủ ngáy tỳ tỳ
Không chồng thức dậy có khi giật mình…
Những bài theo điệu Riềm huê, lời ca như:
Thiếp mới gặp chàng
Chàng lại gặp thiếp đôi đàng gặp nhau…
Em là con gái đường trong
Em đi thuyền dưới mếch lòng thuyền trên…
Ngợi ca có những bài hát theo các điệu hát xẩm như Chênh bong ngợi ca công đức cha mẹ như:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…
Hát xẩm miền Trung và Nam Bộ chưa được nghiên cứu, sưu tầm bài bản, tuy vậy nhìn lại xẩm miền Trung và xẩm Nam Bộ ít lai tạp phong cách, chủ yếu là xẩm dân gian, đan xen xẩm cung đình Huế và tuồng, cải lương là hai hình thức sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp ảnh hưởng vào hát xẩm, mà mỗi nơi mang phong cách hát xẩm dân tộc, bản địa riêng ở mỗi vùng, miền.
Xét trên văn bản học, hát xẩm chủ yếu trong bài viết này, xin đề cập đến nghiên cứu xẩm miền Bắc, nhưng xẩm miền Bắc cũng chỉ đề cập đến những văn bản hát xẩm dưới thời kỳ văn hóa nông nghiệp làng xã nông thôn Việt Nam ở đàng ngoài. Về phong cách lai tạp của hát xẩm Bắc là sự phong phú của hát xẩm như phong cách xẩm dân ca, xẩm chèo, xẩm sa mạc, và sáng tác làn điệu, bài bản xẩm mới. Những bài bản hát xẩm ấy đã tạo ra bề dày lịch sử văn hóa nhân học, hát xẩm diễn xướng dân gian chuyên nghiệp của nghệ thuật hát xẩm để tôn vinh thành di sản văn hóa âm nhạc dân tộc, bản địa Việt Nam.
5. Văn hóa nhân học
Tính văn hóa nhân học của nghệ thuật hát xẩm là nghệ thuật diễn xướng dân gian, chuyên nghiệp trong cấu trúc làng xã nông nghiệp Việt Nam. Người hát là người dân lao động nghèo khổ, mưu sinh bằng nghề đi hát để nuôi thân và nuôi các thành viên trong gia đình tồn tại, họ đã tạo ra một truyền thống văn hóa nghệ thuật nhân học hát xẩm từ cổ xưa đến thời đại ngày nay.
Bản chất đặc trưng của nghệ thuật văn hóa nhân học diễn xướng hát xẩm là: tính nhân dân (nghĩa là nó xuất phát từ dân gian, phổ biến lưu truyền trong nhân dân, là những bài hát nói về con người, xã hội và đời sống của nhân dân lao động), tính dân tộc văn hóa bản địa, tính truyền thống và đương đại.
Nghệ thuật diễn xướng dân gian hát xẩm mang đậm chất nhân học, bởi nội dung lời ca và những bản nhạc xuất phát từ dân gian nói về con người và đời sống của nhân dân. Vì vậy, cần bảo tồn, phát triển đúng bản chất văn hóa, nghệ thuật nhân học của nghệ thuật hát xẩm dân gian, chuyên nghiệp và đương đại
6. Phương thức bảo tồn, phát triển hát xẩm dân gian
Các nhà nghiên cứu cần nghiên cứu, sưu tầm hát xẩm miền Trung và hát xẩm Nam Bộ thời kỳ phong kiến tư sản để bảo tồn, phát triển nghệ thuật hát xẩm dân gian trên mọi miền đất nước theo phương thức sau:
Bảo tồn theo môi trường sống động xã hội hát xẩm dân gian truyền thống cổ xưa của làng xã phong kiến Việt Nam (xẩm quê, xẩm chợ, xẩm tàu điện, xẩm trên sông Hương, hát xẩm tài tử Nam Bộ, xẩm thành thị…).
Bảo tồn những giá trị hát xẩm ở các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là những bài bản làn điệu hát xẩm mà mỗi địa phương cần phát huy bản sắc văn hóa, nghệ thuật nhân học dân tộc, bản địa ở mỗi vùng, miền.
Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông: quảng bá, giới thiệu tuyên truyền về nghệ thuật hát xẩm, phòng chống thói quen coi thường, kỳ thị người hát xẩm trong cuộc sống mới để xây dựng nền văn hóa âm nhạc Việt Nam đa sắc màu văn hóa, nghệ thuật nhân học dân tộc, bản địa.
Việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm góp phần làm phong phú nền văn hóa âm nhạc, bên cạnh đó còn góp phần xây dựng tâm hồn, nhân cách lớp người mới trong thời đại khoa học công nghệ để hòa nhập và hội nhập toàn cầu hóa, mang bản sắc nhân học, dân tộc, bản địa Việt Nam và đương đại, tồn tại trong nhịp sống đa dạng văn hóa, nghệ thuật toàn nhân loại.
_____________
1. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn học, Hà Nội, 2015.
2. Nhiều tác giả, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990.
Tác giả: Đặng Kim Thoa
Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn