Bảo vệ, phát huy giá trị di tích Nhà tù Sơn La gắn với phát triển du lịch bền vững


Di tích lịch sử văn hóa được coi là tài nguyên, nguồn lực để phát triển du lịch. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các di tích lịch sử văn hóa thực sự trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn. Từ nhiều năm qua, câu hỏi này đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của những nhà quản lý, người làm công tác di sản văn hóa và du lịch… Góp phần đi tìm lời giải cho câu hỏi này với trường hợp di tích Nhà tù Sơn La, bước đầu bài viết điểm qua thực trạng bảo vệ, phát huy giá trị di tích, qua đó đề xuất một số giải pháp xây dựng di tích trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở Sơn La.

Để phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, cần giải quyết hài hòa mối quan hệ biện chứng giữa bảo vệ và phát huy giá trị di tích, giữa bảo tồn di tích với phát triển du lịch. Quanh vấn đề này, đã có nhiều nhà nghiên cứu trong nước đề cập đến như: Đặng Văn Bài (2001, 2008), Nguyễn Mạnh Hùng (2012), Hà Văn Siêu (2013), Dương Văn Sáu (2013), Dương Đình Hiền (2014), Nguyễn Thu Trang (2014), Nguyễn Thị Thu Hà (2016), Trần Hữu Sơn (2017) qua các bài báo khoa học. Về cơ bản, các nghiên cứu này đã đề cập đến vai trò, vị trí, giá trị của di tích, các mô hình xây dựng du lịch di sản, du lịch tâm linh… ở góc độ lý luận, nhưng chưa đề cập sâu đến một trường hợp di tích cụ thể. Riêng với trường hợp di tích Nhà tù Sơn La, một số nghiên cứu đã công bố, cũng chủ yếu đề cập đến giá trị lịch sử của di tích mà chưa đi sâu phân tích những giá trị du lịch.

Nhà tù Sơn La được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt năm 2014, hiện là một trong những điểm tham quan thu hút khách của thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Các tour du lịch của nhiều hãng lữ hành đều đặt di tích này là một điểm đến trong chương trình du lịch vùng Tây Bắc. Năm 2016, di tích đón 150.000 lượt khách, thu 1,3 tỉ đồng; năm 2017, di tích đón trên 200.000 lượt khách, thu 1,9 tỉ đồng. Đây là một di tích cách mạng, có nguồn thu vào loại cao nhất vùng miền núi trung du phía Bắc. Di tích được giao cho Bảo tàng Sơn La trực tiếp quản lý. Từ năm 2009, khi kiện toàn lại cơ cấu tổ chức, bảo tàng đã thành lập Phòng Tuyên truyền giáo dục, củng cố đội ngũ thuyết minh viên, bộ phận dịch vụ phục vụ du khách, xã hội hóa hệ thống dịch vụ bán đặc sản, đồ lưu niệm. Tuy nhiên, từ định hướng chung đến khâu quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với di tích còn có một số bước chậm được triển khai. UBND tỉnh Sơn La đã có chủ trương xây dựng di tích Nhà tù Sơn La trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và tích cực từng bước triển khai. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhưng cũng hết sức khó khăn. Trước hết, cần bám sát nguyên tắc phát triển du lịch Sơn La cũng như xây dựng điểm đến du lịch phải theo định hướng phát triển bền vững. Nhà tù Sơn La không chỉ là điểm tham quan mang tính chất giáo dục truyền thống, mà còn là một điểm đến quan trọng của du lịch Sơn La. Vì vậy, cần phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di tích, mối quan hệ giữa phát triển du lịch với bảo tồn di sản.

Hiện nay, du lịch thế giới đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ. Nếu như trước đây, khách đi du lịch chủ yếu nhằm thỏa mãn các nhu cầu về ăn, ngủ, xem những thứ khác lạ… thì hiện nay, du khách còn muốn khám phá, trải nghiệm cuộc sống đời thường của người dân vùng du lịch. Nhu cầu du lịch chuyển hướng từ nhu cầu cứng sang các nhu cầu mềm. Họ không chỉ muốn ăn, nghỉ, đi lại ở môi trường du lịch hấp dẫn mà còn muốn hòa mình vào đời sống văn hóa cộng đồng. Hơn nữa, họ còn muốn trải nghiệm, khám phá những giá trị mới sau mỗi chuyến đi. Vì thế, nhu cầu đi du lịch hiện nay mang tính đa dạng, thiên về khám phá giá trị văn hóa. Khách đến khu di tích Nhà tù Sơn La không chỉ có nhu cầu tìm hiểu về truyền thống cách mạng, nuôi dưỡng lòng yêu nước mà còn muốn trải nghiệm cuộc sống của dân bản địa trong bối cảnh lịch sử những năm đầu TK XX. Họ muốn khám phá những giá trị di tích qua hình ảnh, hiện vật, câu chuyện của các nhà hoạt động cách mạng, qua đó, có cơ hội đúc kết những bài học mới cho cuộc sống hôm nay. Do đó, điểm đến du lịch phải đáp ứng được nhiều nhu cầu của du khách chứ không nên chỉ dừng ở việc tuyên truyền, giáo dục quần chúng. Trước sự biến đổi của nhu cầu du khách, cần nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch, cơ chế hoạt động mới cho di tích.

Định hướng chung của điểm đến du lịch mới là vấn đề phát triển du lịch bền vững, vừa tăng khả năng phục vụ du khách vừa góp phần nâng cao được ý thức bảo tồn, đảm bảo tính toàn vẹn của di tích. Theo đó, trong thời gian tới, di tích Nhà tù Sơn La không còn giữ vị trí “độc đắc” (hiện bất cứ du khách nào trên tuyến du lịch đường bộ – trục quốc lộ 6: Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên đều phải dừng chân ở Sơn La, tham quan di tích Nhà tù Sơn La) mà chỉ trong tương lai gần, khi trung tâm du lịch Mộc Châu phát triển, Sơn La sẽ không còn là điểm lưu trú, mà chỉ là điểm khách dừng chân. Vì vậy, vấn đề cấp bách đặt ra là cần sớm đổi mới hoạt động của di tích Nhà tù Sơn La, xây dựng di tích trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn hơn, theo hướng khai thác giá trị di tích phục vụ phát triển du lịch bền vững.

Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi phải có một hệ giải pháp mang tính chất tổng thể, trong đó, cần lưu ý mấy điểm sau:

Về quy hoạch

Quy hoạch là vấn đề quan trọng hàng đầu trong xây dựng điểm đến du lịch. Hiện nay, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó, có định hướng về tôn tạo, bảo vệ di tích. Trên nền tảng này, cần chú trọng đặc trưng của điểm đến du lịch, đó là xây dựng một không gian du lịch vừa có hạt nhân của điểm đến là di tích, vừa kết hợp với vành đai dịch vụ đón khách, phục vụ du khách. Theo đó, quy hoạch của di tích phải gắn liền với quy hoạch du lịch của thành phố Sơn La và toàn tỉnh Sơn La. Du khách đến Sơn La không chỉ có nhu cầu qua một điểm là Nhà tù Sơn La (dù đây là đơn vị hạt nhân) mà còn muốn khám phá văn hóa cộng đồng người Thái, muốn thăm các di tích khác trong thành phố, thậm chí muốn khám phá văn hóa Sơn La qua hệ thống trưng bày của bảo tàng tỉnh… Hiện nay, bảo tàng tỉnh nằm trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ của di tích, do đó, khi xây dựng mới, cần chú ý đến không gian liên kết giữa di tích (Nhà tù Sơn La) và bảo tàng nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu khám phá truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa vùng Tây Bắc của du khách.

Về tổ chức bộ máy

Hiện nay, bộ phận quản lý di tích vẫn trực thuộc bảo tàng tỉnh. Trong tương lai, cần nghiên cứu kiện toàn và xây dựng một ban quản lý di tích, với chức năng vừa bảo tồn di tích vừa xây dựng điểm đến du lịch, đảm nhiệm các nhiệm vụ: marketing – nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch; quảng cáo, quan hệ công chúng; bộ phận dịch vụ; thuyết minh. Bên cạnh đó, bảo tàng tỉnh cần chủ động hướng dẫn liên kết, định hướng thành lập câu lạc bộ gia đình các cựu tù chính trị. Câu lạc bộ này vừa là đối tác của bảo tàng, đồng thời cũng là nguồn lực cung cấp hiện vật, cung cấp “nguyên vật liệu” để sáng tạo các sản phẩm du lịch mới.

Về xây dựng cơ chế chính sách

Cơ chế chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề xây dựng điểm đến du lịch. Vì thế, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách cụ thể. Trước hết, cần xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, tín dụng đầu tư và thu hút các nguồn vốn tài trợ. Có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng mới tranh thủ kêu gọi được các nhà đầu tư trong và ngoài nước, xã hội hóa các hoạt động dịch vụ, xây dựng sản phẩm du lịch.

Về thuế

Có thể miễn các loại thuế sử dụng đất trong khu vực di tích, giảm thuế thu nhập đối với các nhà đầu tư từ hình thức sở hữu khác sang sở hữu nhà nước, giảm các phần đóng góp của các doanh nghiệp, cá nhân cho công tác bảo tồn, tôn tạo và khai thác di tích, đặc biệt là thực hiện giảm thuế sau đầu tư có thời hạn đối với các dự án khai thác giá trị di tích.

Về tín dụng đầu tư

Cần tạo điều kiện ưu đãi cho các cá nhân, các nhà kinh doanh được vay vốn tín dụng đầu tư cho các dự án bảo tồn, tôn tạo, khai thác giá trị di tích, sản xuất sản phẩm du lịch, tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch…

Về vấn đề liên kết xã hội hóa

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp. Sức mạnh của du lịch chính là sức mạnh của sự liên kết. Do đó, cần coi trọng liên kết giữa di tích với các đối tác khai thác, phục vụ du lịch, cụ thể là sự liên kết giữa ban quản lý di tích với các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn trong vùng với các hộ kinh doanh dịch vụ… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết theo hướng xã hội hóa trong việc tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Về mặt nhận thức, cần xác định rõ, di tích là một thành tố quan trọng trong tổng thể phát triển du lịch cả tỉnh Sơn La và rộng hơn là cả vùng Tây Bắc. Như vậy, phải chủ động có chiến lược liên kết với các di tích khác trong tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc, trong chiến lược phát triển du lịch Tây Bắc.

Đổi mới hệ thống trưng bày của bảo tàng

Nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về trải nghiệm, khám phá của du khách, bảo tàng tỉnh đã có phần trưng bày về văn hóa các dân tộc Sơn La từ năm 1994 nhưng đến nay, chưa được thay đổi. Khu di tích Nhà tù Sơn La cũng có các phần trưng bày theo kiểu biên niên lịch sử về một số chủ đề. Nhu cầu của du khách tham quan không chỉ muốn tìm hiểu về di tích Nhà tù Sơn La mà còn muốn khám phá bản sắc văn hóa các tộc người ở Sơn La cũng như không gian văn hóa gắn với nhà tù đặc biệt này. Vì thế, cần có kế hoạch đổi mới trưng bày bảo tàng và các chuyên đề trưng bày trong khu di tích. Khi tiến hành, cần đặc biệt chú ý kết hợp trưng bày chuyên đề với trưng bày theo tích truyện có liên quan. Đó là những câu chuyện về đồng chí Tô Hiệu cũng như nhiều gương sáng của các cựu tù nhân chính trị đã kiên cường đấu tranh với thực dân, phong kiến. Đó là những câu chuyện về sinh hoạt hàng ngày, như lao động khổ sai, điều kiện ăn ở, giam cầm, các thử thách, khó khăn. Đó là những câu chuyện về tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Du khách tham quan không chỉ muốn tìm hiểu về cuộc sống của các tù chính trị mà còn muốn tìm hiểu cuộc sống của người dân Sơn La những năm đầu TK XX… Các câu chuyện đó cần được thể hiện bằng nghệ thuật trưng bày hấp dẫn, mang tính tổng hợp, kết hợp trưng bày hiện vật với tài liệu khoa học phụ, nhưng trong đó, chú trọng các bản trích, lời giới thiệu câu chuyện gắn với các hiện vật. Có như vậy, nội dung trưng bày mới thực sự hấp dẫn…

Về xây dựng các sản phẩm đặc thù

Toàn bộ hiện vật, các câu chuyện gắn với trưng bày phải được xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc thù của di tích. Có thể là sự trải nghiệm, khám phá về “chuồng cọp”; chương trình dành riêng cho các cựu chiến binh, học sinh, thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, một phần du khách còn có nhu cầu thỏa mãn tâm linh. Đến với di tích, du khách như muốn được giao lưu, có mối liên hệ với những người đã khuất. Vì thế, cần xây dựng các sản phẩm mang tính văn hóa tâm linh trong di tích phục vụ du khách. Việc xây dựng sản phẩm đặc thù là vấn đề quan trọng của di tích nhưng cần kết hợp giữa các bộ phận hạt nhân của sản phẩm với các bộ phận bổ trợ, bộ phận hoàn thiện của sản phẩm du lịch. Ba bộ phận này tạo thành sản phẩm đặc thù có sức hấp dẫn của điểm đến du lịch. Tham gia xây dựng sản phẩm du lịch không chỉ riêng lực lượng của ban quản lý di tích mà cần có sự kết hợp với các doanh nghiệp liên quan. Vì thế, cần có sự liên kết giữa các nhà khoa học tư vấn, doanh nghiệp và ban quản lý di tích để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Vấn đề tuyên truyền, quảng bá về di tích

Khi di tích trở thành điểm đến du lịch, một vấn đề thiết yếu đặt ra là cần quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về di tích. Có quảng bá, du khách mới biết về di tích. Đặc biệt, trong xu thế phát triển du lịch hiện nay, vấn đề quảng bá, tuyên truyền giữ vai trò là chìa khóa thành công của sức hút điểm đến du lịch. Vì vậy, Bảo tàng Sơn La cần xây dựng một chiến lược truyền thông hiệu quả về di tích, dựa trên nhu cầu thông tin của du khách để lựa chọn các kênh tuyên truyền phù hợp. Trong đó, kênh tuyên truyền qua truyền thông đại chúng, mạng xã hội đang ngày càng chiếm ưu thế.

Như vậy, để xây dựng di tích Nhà tù Sơn La trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống tổng thể các giải pháp và từng bước triển khai bài bản. Trước hết, cần thống nhất trong nhận thức của lãnh đạo các cấp, ngành, Bảo tàng Sơn La, đối tác và cộng đồng liên quan rằng, bảo vệ, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững là một xu hướng phát triển tất yếu. Muốn xây dựng điểm đến du lịch hấp dẫn đòi hỏi phải nắm vững các nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị di sản theo định hướng phát triển bền vững. Phát triển du lịch nhưng vẫn bảo tồn được nguyên vẹn các giá trị vốn có của di tích, bảo vệ được cảnh quan, môi trường. Vì thế, trong định hướng phát triển không nên quá đề cao việc chạy theo số lượng khách mà cần nghiên cứu để chỉ ra một định mức thu hút khách nhất định, với chất lượng phục vụ cao, kết hợp cùng nhiều dịch vụ khác để tăng nguồn thu. Có nguồn thu, phải đầu tư thỏa đáng cho việc tôn tạo di tích, xây dựng, nâng cấp các sản phẩm du lịch văn hóa.

 

Tác giả: Lưu Hải Anh

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 – 2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *