Biến đổi văn hóa ở nông thôn Việt Nam hiện nay

1. Bối cảnh kinh tế, xã hội tạo ra biến đổi văn hóa ở nông thôn

Biến đổi văn hóa là sự thay đổi của văn hóa so với một tình trạng văn hóa hoặc một nền văn hóa có trước dưới tác động của những nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội. Đây là quy luật trong phát triển của văn hóa, trong đó diễn ra sự khuếch tán, vay mượn hoặc phát minh của con người nhằm tìm cách giải quyết vấn đề của thực tiễn.

Vốn là một không gian sống truyền thống của phần lớn người Việt, nông thôn Việt Nam được hình thành từ những đơn vị tụ cư lúc đầu chủ yếu theo huyết thống, sau là theo địa bàn cư trú (làng, bản, xóm ấp, phum sóc…), cao hơn nữa là cấp xã. Theo Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21-8-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, “nông thôn là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là ủy ban nhân dân xã”. Cho tới nay, nông thôn vẫn là vùng cư trú của 63.149.249 người Việt, chiếm 65,6% dân số cả nước.

Ở Việt Nam trong khoảng 10 năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đặt mục tiêu đặc biệt quan tâm tới phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, phấn đấu “xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(1). Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thực hiện trên toàn quốc từ năm 2010 đã huy động gần 700 huyện, gần 9.000 xã của 63 tỉnh, thành tham gia, hiện cả nước đã có 4.458 xã (50,01%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 4 địa phương là các tỉnh Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương và thành phố Đà Nẵng đạt 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế, bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội đã và đang trực tiếp tác động, làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn cũng như tạo ra những biến đổi văn hóa nông thôn theo cả hai chiều hướng đan xen tích cực và hạn chế.

2. Thực trạng biến đổi văn hóa nông thôn nước ta

Về tư duy và hoạt động sản xuất

Phương thức sản xuất không chỉ cho thấy năng lực tư duy, còn tạo nên những phong tục, tập quán, lối sống của từng cộng đồng. Khi phương thức sản xuất thay đổi sẽ dẫn đến những biến đổi quan trọng trong lối sống, văn hóa cộng đồng. Thay đổi tư duy sản xuất, từ khép kín, tự quản, kinh nghiệm đến học hỏi, chiếm lĩnh công nghệ khoa học, hợp tác sản xuất, nông dân Việt Nam đã thành công trong hàng loạt mô hình sản xuất mới.

Số liệu từ Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2017, cho thấy sự vào cuộc và thành công của nông dân nước ta ở khắp các địa phương: tại Ninh Bình, mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang rau theo chuỗi giá trị đã đạt giá trị kinh tế từ 300 đến 400 triệu đồng/ha/năm (sản xuất chuyên canh lúa trước đây chỉ đạt 60-70 triệu đồng/ha/năm); tại Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, mô hình sản xuất lúa lai F1 và lúa thuần chất lượng cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cho thu nhập đạt trên 80 triệu đồng/ha (tăng 218% so với sản xuất lúa lai thương phẩm tại địa phương…(2). Đặc biệt, trong những năm qua, hầu hết các tỉnh đã triển khai vận động, hỗ trợ sản xuất nông sản, thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo thống kê chưa đầy đủ của các tổ chức chứng nhận VietGAP, đến hết năm 2018, nước ta đã có gần 1.900 cơ sở trồng trọt có giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 81.500 ha, tăng gần 500 cơ sở (63.300 ha) so với năm 2017…(3). Bên cạnh VietGAP, còn có các loại thực hành nông nghiệp khác do các tổ chức quốc tế triển khai tại Việt Nam gồm GlobalGAP, 4C, UTZ Certifiled, Rain Forest, JGAP cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như chè, cà phê, ca cao, hồ tiêu, rau quả… thông qua các dự án đối tác công tư (PPP) các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của quốc tế đã hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất, chứng nhận GAP và tiêu thụ sản phẩm.

Khai thác thế mạnh nông nghiệp nông thôn, nhiều địa phương trong cả nước đã hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch gắn với khai thác du lịch cộng đồng. Tuy mới mẻ, nhưng mô hình homestay ở Việt Nam đã được Tổ chức UNWTO công nhận đạt kết quả tốt sau khi khảo sát 200 homestay ở Châu Á và 150 homestay ở Châu Mỹ La tinh. Nhiều homestay điển hình xuất sắc được khen thưởng và công nhận là của những nông dân dân tộc thiểu số miền núi như homestay A Chu (người Mông ở Hua Tạt, Vân Hồ, Sơn La), được vinh danh là homestay tiêu biểu nhất năm 2018…(4). Việc người dân tham gia vào hoạt động du lịch chứng tỏ lối nghĩ cởi mở, tạo nên một mô hình có thu nhập kinh tế mới góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, được cả chính quyền lẫn người dân tin cậy.

Có thể nói, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới khiến cho kinh tế thuần nông giảm, thay vào đó là sự chuyển dịch sang công nghiệp và dịch vụ làm năng suất lao động nông nghiệp tăng lên, đời sống của người nông dân được cải thiện. Chưa bao giờ sự thay đổi về phương thức hoạt động và mục tiêu kinh tế, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong sử dụng công cụ lao động, áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, phân phối nhằm tạo ra sự đổi mới hệ thống giá trị chủ đạo của hoạt động kinh tế ở nông thôn Việt Nam lại diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Sản xuất nông nghiệp Việt Nam giờ là chuyện của hệ thống lồng ghép đa mục đích, là cách tiếp cận cảnh quan nhằm khai thác hiệu quả lợi thế địa phương, liên kết vùng, cũng như xây dựng các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu ở quy mô lớn theo phương pháp tổng hợp, đa ngành, kết hợp giữa quản lý tài nguyên thiên nhiên với môi trường và sinh kế bền vững. Sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay cũng là chuyện của những tính toán đầu vào (giống cây, con, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phương thức sản xuất, công nghệ áp dụng, quy mô sản xuất, xử lý sản phẩm…) hướng tới đầu ra hữu ích và rộng mở (thuyết phục với người tiêu dùng trong nước; xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa xuất khẩu ra thị trường thế giới…). Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 35% tổng diện tích của cả nước và tạo ra khoảng 47% việc làm (FAO). Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 13 thế giới về xuất khẩu nông sản, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 năm (2008-2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu đạt 40,02 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 8,7 tỷ USD. Nông sản Việt Nam hiện đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, khẳng định được vị trí, vai trò và giá trị trên thị trường quốc tế, kể cả các thị trường khó tính nhất. Đây là kết quả có được do cơ cấu ngành nghề nông thôn có sự chuyển dịch từ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản sang các hoạt động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Sản xuất từng ngành được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước gắn với nhu cầu thị trường. Điều này đã đưa kinh tế nông nghiệp trở thành một trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam với đóng góp khoảng 14,57% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2018 (5).

Tuy nhiên, thực tế phần lớn lực lượng sản xuất nông thôn nước ta còn lại là doanh nghiệp nhỏ, lẻ, quy mô vừa và hàng triệu hộ nông dân cá thể chưa có đủ trình độ và thực lực kinh tế đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Các quan hệ kinh tế nông nghiệp thời kinh tế thị trường trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng khiến cho bức tranh nông thôn trở nên đa sắc bao gồm cả những khó khăn, bất cập về chuyển đổi nghề nghiệp, định hướng sản xuất, kinh doanh cũng như về công tác quản lý xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, những biến đổi về môi trường cư trú.

Về lối sống văn hóa, xã hội

Cơ chế thị trường và cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng công nghiệp – thương mại – dịch vụ đã dẫn đến những thay đổi cơ cấu tổ chức không gian làng xã. Trong phạm vi làng xã đã xuất hiện các khu chức năng mới đáp ứng yêu cầu phát triển như: trung tâm xã, trung tâm văn hóa – thể thao các thôn, khu dân cư mới, khu sản xuất – chăn nuôi – dịch vụ tập trung như cụm sản xuất làng nghề, khu chăn nuôi – chế biến, dịch vụ thương mại, du lịch… Các tuyến đường bộ, đường thủy, cầu nông thôn; hệ thống cung cấp điện; hệ thống cung cấp nước sạch đến tận hộ dân… được xây mới hoặc nâng cấp, đã cải thiện một cách cơ bản chất lượng sống của cư dân nông thôn. Các công trình công cộng, những thiết chế cảnh quan như không gian đặc trưng dấu mốc hay điểm nhấn cấu trúc (đê làng, cổng làng, đình làng,…); các di tích lịch sử văn hóa (đình, chùa, đền, miếu…); các sản phẩm văn hóa phi vật thể (lễ hội, phong tục tập quán, nghề truyền thống…) được nhiều địa phương quan tâm phục dựng, trùng tu, vận hành đáp ứng nhu cầu của cộng đồng làng xã. Nhà ở cũng được cải thiện rõ rệt nhờ các chính sách hỗ trợ về vốn và đất nền tại các cụm, tuyến dân cư. Nhiều khu vực nông thôn có những dãy “nhà phố” khang trang trên các tuyến đường giao thông nội xã, nội làng rộng rãi, nhất là những vị trí mặt đường gần chợ, trường học tiện cho dịch vụ, kinh doanh. Ngay cả trong lõi của làng, tại các khu vực đường xá thuận lợi, nhà chia lô cũng xuất hiện nhiều tạo nên những không gian phố trong làng khác với kiểu nhà truyền thống thường có sân, vườn, ao, cây cối, hàng rào xung quanh… Ở các khu vực nông thôn còn diện tích đất rộng rãi, gắn với sản xuất, ngoài kiểu nhà truyền thống theo mô hình kinh tế vườn và chăn nuôi quy mô nhỏ, có thêm các loại hình nhà ở đáp ứng sản xuất kinh tế hộ gia đình (nhà ở kinh tế trang trại, nuôi trồng thủy sản; nhà ở kết hợp sản xuất thủ công; nhà ở kết hợp làm dịch vụ, thương mại; nhà ở kết hợp với dịch vụ du lịch nông nghiệp); nhà ở đáp ứng kinh tế hợp tác xã (nhà ở nhóm gia đình lớn, nhà ở nông trang); nhà ở đáp ứng sản xuất kinh tế tập trung (nhà ở liên kết có sân vườn, nhà ở khối ghép, nhà ở chung cư, nhà ở tập thể…).

Xây dựng nông mới, các địa phương đã huy động sự tham gia của nhiều đoàn thể xã hội trong phong trào 5 không, 3 sạch, xây dựng nếp sống gia đình văn hóa, tích cực trong giữ gìn vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm. Sự chung tay của cộng đồng, sự vào cuộc của nhiều tổ chức xã hội đã góp phần mang đến những diện mạo mới đẹp đẽ, nhiều dấu ấn gợi nhắc và tạo cảm hứng nhân văn ở nông thôn Việt Nam.

Trong tổ chức đời sống văn hóa ở nông thôn nước ta, những giá trị tích cực như lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần cố kết cộng đồng… được khẳng định trong thực thi các hương ước cũng như quy định của luật pháp nhằm giữ gìn đạo đức và thuần phong mỹ tục. Cùng với những thay đổi trong chính sách tôn giáo, tín ngưỡng, các hoạt động tổ chức lễ hội cổ truyền ở nông thôn đã được phục hồi và phát triển nhanh chóng; các lễ hội hiện đại với tính chất sự kiện cũng được tổ chức với nhiều quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí, công tác tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được tổ chức ở nhiều trung tâm văn hóa cấp xã và nhà văn hóa tại các đơn vị cơ sở, tạo điều kiện cho người dân ở mọi lứa tuổi được giao lưu và tiếp thu kiến thức… hình thành môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Qua các hoạt động văn hóa, thể thao, nhiều địa phương đã bảo tồn được giá trị văn hóa truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân, đồng thời góp phần tích cực quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều nhân tố tích cực, vẫn còn hiện tượng các hộ nông dân cá thể có tư tưởng bảo thủ, trì trệ, làm ăn chụp giật hoặc chạy theo phong trào. Những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ở vùng bị lấy nhiều diện tích đất cho các khu công nghiệp, khiến cho một phần không nhỏ lực lượng lao động ở nông thôn rời quê đi tìm việc làm ở các thành phố, trung tâm công nghiệp, thậm chí là đi lao động xuất khẩu. Tâm lý bám làng bị phá vỡ, sự cố kết cộng đồng vốn chặt chẽ trong các làng quê nay cũng có nhiều biến đổi. Khoảng cách giàu – nghèo ở nông thôn là một thực tế dẫn tới sự phân biệt về lối sống giữa các thế hệ cũng như các nhóm xã hội dân cư, làm suy giảm sự đoàn kết, gắn bó, tình nghĩa… giữa những dòng họ, giữa các tầng lớp dân cư với nhau, đồng thời cũng khiến cho tính cục bộ địa phương trong lối sống tiểu nông Việt Nam không mất đi mà còn phát triển mạnh mẽ ở dạng những biến thể theo nhịp sống cơ chế thị trường. Lối suy nghĩ và hành xử vun vén tư lợi và nhóm lợi ích cũng đã làm ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của địa phương, quốc gia… Ở nhiều nơi, các thiết chế văn hóa cơ sở vẫn gặp nhiều khó khăn, hoạt động không có kinh phí nên không hiệu quả, chủ yếu là để hội họp và lễ hội; chưa tạo được phong trào sâu rộng, thường xuyên. Tác động của quá trình đô thị hóa tới cảnh quan nông thôn tạo ra nhiều biến đổi tích cực nhưng cũng đồng thời kèm theo các hoạt động làm suy giảm giá trị tự nhiên và văn hóa của cảnh quan nông thôn…

Sự biến đổi văn hóa dưới tác động của những nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội ở nông thôn nước ta là một biểu hiện rõ nét. Tuy không phải là biến đổi trong cấu trúc văn hóa, nhưng thực trạng trên cho thấy một trạng thái mới trong đời sống văn hóa cộng đồng nông thôn Việt Nam.

Về cơ bản, những biến đổi rõ nét thể hiện trong tiếp nhận và chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại. Điều này dẫn tới những chuyển đổi theo hướng mở cửa, hội nhập của lối sống – xã hội nông thôn và đi liền theo đó là những hệ lụy xã hội đặt ra trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở nông thôn. Để giải quyết các vấn đề của thực tiễn, quan trọng nhất vẫn là nhận thức nhằm thay đổi thói quen nếp nghĩ và sự chủ động tiếp nhận của con người. Điều này trước hết phải bắt đầu từ bộ máy chính trị, quan trọng là sự làm gương và quyết tâm thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, cơ quan, đoàn thể, cộng đồng người dân ở nông thôn nhằm phát huy các hành động đổi mới, tích cực và giải quyết những vấn đề hạn chế, đan xen, tác động nhiều chiều trong bức tranh văn hóa nông thôn ở nước ta.

_______________

1. Thủ tướng Chính phủ, Số: 800/QĐ-TTg ngày 04-6-2010, Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.

2, 4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Chương trình phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Kỷ yếu Hội thảo Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam, Chuyên đề phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, 2019, tr.58, 91.

3. Bộ NNPTNT, Chương trình phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Báo cáo tổng kết công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm năm 2017, kế hoạch trọng tâm năm 2018 của Bộ NNPTNT, Kỷ yếu Hội thảo Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam, Chuyên đề phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, 2019, tr.80

5. Theo Tổng cục thống kê năm 2019.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Tuyến

Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11 – 2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *