Lào là quốc gia nằm hoàn toàn trong lục địa Đông Nam Á, không có biển nhưng có hệ thống sông ngòi dày đặc từ Bắc tới Nam. Nước giữ vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân nông nghiệp, gắn bó với cuộc sống của người dân bản địa. Vậy nên, văn hóa của họ cũng mang đậm yếu tố nước và trở thành mẫu gốc trong tư duy sáng tạo văn hóa nghệ thuật, trở thành bản sắc văn hóa đặc trưng quốc gia. Từ một biểu tượng nguồn đến biểu tượng văn hóa, nước phản ánh sâu sắc, toàn diện đời sống sinh hoạt và tâm linh của người Lào.
1. Biểu tượng và biểu tượng nước
Theo Jean Chevalier & Alain Gheerbrant: “Biểu tượng là sự mã hóa các giá trị tinh thần của loài người theo suốt chiều dài thời gian. Ở đó, những người đi sâu khám phá nhận được lối tư duy và những giá trị tinh thần hàm ẩn của những người đi trước, đến lượt họ lại tiếp tục đắp bồi thêm các lớp nghĩa mới” (1). Từ ký hiệu trở thành biểu tượng là cả quá trình biến đổi. Vậy nên, “biểu tượng rộng hơn ý nghĩa được gán cho nó một cách nhân tạo, nó có một sức vang cốt yếu và tự sinh” (2). Biểu tượng luôn chứa đựng những giá trị đã được đúc kết trong thời gian dài, là một thực thể sống động, luôn luôn có sự luân chuyển, đắp đổi nghĩa liên tục.
Cấp độ đầu tiên của biểu tượng là mẫu gốc. Khi đi vào đời sống văn hóa, mỗi mẫu gốc có thể sản sinh những biểu tượng văn hóa khác nhau, dấu vết của nó có thể được tìm thấy trong các thần thoại, truyền thuyết, nghi lễ, phong tục. Biểu tượng có khả năng mở rộng nghĩa theo thời gian với nhiều dạng thức khác nhau như biểu trưng, biểu hiệu, phù hiệu, dấu hiệu… Vì vậy, giải mã biểu tượng là hành trình tìm ra cái ẩn chìm đằng sau những biểu tượng.
Biểu tượng nước được quy định bởi nhiều yếu tố từ địa lý, văn hóa quốc gia và khu vực. Bên cạnh lửa và đất, nước được xem là bản nguồn của vũ trụ, trở thành biểu tượng trong đời sống tinh thần loài người. Nước tác động lớn tới đời sống con người như sự gột rửa tâm hồn, chữa bệnh, cải lão hoàn sinh. Vì thế, nước tồn tại vĩnh viễn và trở nên thiêng liêng. Nước được dùng trong các nghi lễ tắm gội, có hiệu lực xóa bỏ mọi lỗi lầm, mọi vết nhơ, làm hồi sinh con người trong cõi tối tăm. Đối với các quốc gia có nền văn minh lúa nước ở Đông Nam Á, nước được coi là biểu tượng phổ biến về sự phì nhiêu và khả năng sinh sản dồi dào. “Nước còn là nguồn gốc và phương tiện chuyển tải sự sống, là hình tượng của hơi thở loài người” (3).
Lào là quốc gia có nhiều sông lớn chảy qua, tiêu biểu là sông Mê Kông, được người dân gọi là sông Mẹ, nơi cung cấp nguồn nước, nguồn thủy sản lớn cho đời sống hằng ngày của nhân dân. Chính vì thế, họ xem nước sông là nước của trời ban, là yếu tố chính sinh sản ra thóc lúa. Ngoài ra, người Lào rất coi trọng chức năng tái sinh của nước, coi nước là vị thuốc, là đồ uống trường sinh bất tử. Nước trở thành vật thiêng, biểu tượng liên kết nhiều yếu tố tinh thần trong cuộc sống con người. Hình ảnh sông nhỏ, sông lớn đã trở thành hình tượng tâm linh bộc lộ ước muốn và cảm xúc của con người.
Khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm và sự thừa hưởng nguồn nước từ dòng Mê Kông vĩ đại đã tạo cho người Lào điều kiện phát triển nền nông nghiệp lúa nước cách đây hàng nghìn năm. Nền văn hóa bắt nguồn từ văn minh lúa nước đã trở thành một yếu tố quan trọng, góp phần hình thành đời sống của người dân trên đất nước này. Như vậy, nước sinh ra đất nước và sự sống của cư dân Lào.
2. Biểu tượng nước trong văn hóa và đời sống người Lào
Từ xa xưa, vùng Đông Nam Á, trong đó có Lào, có nền văn minh lúa nước độc đáo và đa dạng. Trong không gian sinh tồn ấy, nước là khởi nguồn của sự sống và sinh sôi. Văn hóa làng xã ăn sâu bởi các tập tục nông nghiệp cũng gắn với hoạt động của nước. Và, nước xuất hiện trong lễ hội dân gian, văn học, nghệ thuật, các nghi lễ tôn giáo…
Đất nước triệu voi nằm ở khu giao thoa hai nền văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, nên người dân Lào đã có sự ảnh hưởng lớn. Trước hết, Lào có nền văn hóa Phật giáo xuất phát nguồn gốc từ Ấn Độ. Bên cạnh yếu tố tôn giáo, người dân Lào gắn liền hình ảnh nước trong các lễ hội. Nước là yếu tố quyết định mùa màng nên khi mở đầu vụ gieo cấy và cuối vụ thu hoạch, người dân thường tổ chức lễ hội. Lễ hội cầu năm mới Bun hốt nặm vào mùa mưa và lễ cầu mưa trong mùa khô Bun bặng phay là hai lễ hội lớn nhất của Lào trong năm. Nước được dùng để cầu mong một vụ mùa bội thu và dùng pháo thăng thiên bắn lên trời cầu mưa. Các lễ hội khác liên quan đến nước như Bun PhaVet , Bun VisakhaPuya (Phật Đản) vào tháng 4, Bun Khậu Phăn xả (mùa chay) vào tháng 7, Bun Khao Padapdin (tưởng nhớ người đã mất) vào tháng 9, Bun Suanghua (đua thuyền) vào tháng 10.
Bun Pimai (mừng năm mới), hay còn gọi là Tết té nước, diễn ra từ 13 đến 16 – 4 hằng năm, là Tết cổ truyền của người Lào. Bun Pimai gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ là phần nghi thức do chính con người đặt ra để giao cảm với thần linh, tưởng nhớ tổ tiên, còn phần hội là phần chủ yếu, dân chúng vui chơi với nhiều tục lệ chúc phúc, trò chơi dân gian. Lào là quốc gia có đến 95% dân số theo đạo Phật, từ lâu Phật giáo đã trở thành quốc giáo, vì vậy tục tắm Phật là nghi lễ chính trong lễ hội. Buổi sáng lễ chính, người dân trong làng tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo. Sau đó, người ta rước tượng Phật ra một gian riêng trong 3 ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để sức vào người làm phước. Xây tháp cát cũng là phần nghi lễ trong lễ hội này, cát được đưa đến sân chùa và trang trí trước khi dâng cho các nhà sư để tỏ lòng thành kính. Tháp cát được trang trí bằng cờ, hoa, dây vải trắng và vẩy nước thơm, tượng trưng cho núi Phoukaokailat nơi bảy con gái của Kabinlaphom thờ đầu cha mình và được dâng cúng để cầu sức khỏe, hạnh phúc trong năm mới. Xong lễ tắm Phật, mọi nhà làm lễ buộc cổ chỉ tay (pục khén), còn gọi là lễ gọi hồn vía (xù khoẳn) cho những người thân trong nhà, con cháu chúc ông bà, cha mẹ, bạn bè, gặp may mắn, hạnh phúc.
Tục té nước là nghi lễ nổi bật, đặc sắc, độc đáo nhất trong các nghi lễ. Bun hốt nặm còn có ý nghĩa về chuyện chuyển năm, chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa, báo hiệu một mùa làm ruộng, rẫy mới. Người dân té nước để cầu may, cầu bình yên cho cả năm, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trong những ngày này, mọi người thăm viếng, chúc tụng lẫn nhau, ăn uống vui chơi, múa hát cầu mong quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, người người ấm no… Với người Lào, những phong tục trong lễ hội Bun pimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc cho cuộc sống, là dịp để nuôi dưỡng và làm giàu giá trị nghệ thuật dân tộc.
Bun Bẵng phay thực chất là lễ hội pháo thăng thiên được tổ chức vào tháng 6 của Lào. Tháng 6 là một tháng quan trọng vì bên cạnh việc kỷ niệm ngày Phật đắc đạo, nhập niết bàn, còn có ngày lễ cúng Phỉ tổ tiên. Tháng 6 cũng có lễ hội Bẵng phay. Bẵng phay là một quả pháo bằng ống tre được nhồi thuốc nổ. Pháo đặt trên giá rồi được phóng lên không trung bằng cách đốt bùi nhùi ở đuôi ống tre, bùi nhùi cháy dẫn đến cháy thuốc nổ và đẩy cả đoạn pháo tre lên cao. Người ta cũng gọi lễ hội Bẵng phay là lễ hội tháng 6. Phong tục đốt Bẵng phay còn là hình thức cầu xin các then trên trời như then Lo, then Tèng… cho mưa xuống để con người có nước dùng và làm ruộng, làm nương.
Về nguồn gốc của lễ hội này, có ý kiến cho rằng, Bun Bẵng phay là lễ hội của đạo Bàlamôn ở Nam Ấn Độ, người ta phóng Bẵng phay giống như phóng linga của thần Shiva lên để hợp với yoni của nữ thần Kali. Việc làm Bun Bẵng phay được coi là sự dâng cúng lên Thêvađa, cầu người cho con người có cuộc sống no đủ, giàu có, mưa nắng thuận hòa. Để làm một Bẵng phay, người ta phải lấy một đoạn trong cây tre, phơi cho khô rồi mời thợ làm vào một ngày được xem là ngày tốt. Nếu không kiêng kỵ như vậy, có thể pháo không nổ hoặc bị xịt khi nổ.
Đối với người Lào, lễ hội này như một sự giao thoa giữa Phật giáo và Bàlamôn giáo, tạo nên một sắc thái Lào riêng biệt, nơi hội tụ của hai tôn giáo lớn của châu Á. Khi đạo Phật ra đời, người ta đốt Bẵng phay để kỷ niệm ngày Phật đắc đạo, ngày Phật nhập niết bàn. Nhưng đầu của Bẵng phay lại được làm màu đỏ giống như linga của thần Shiva vậy. Có lẽ vì vậy, khi đi dự lễ hội Bẵng phay, người ta làm thành hình linga và yoni để giả làm động tác giao hợp trong lễ hội bằng những vật đó. Hình thức này muốn làm cho thần Shiva và vợ của thần hài lòng, đó là những nghi lễ thuộc đạo Bàlamôn nhằm cầu mong sự phồn thực cho muôn loài.
Trong lễ hội Bẵng phay còn có tiết mục thi trống của các bản với nhau. Trống của bản nào có tiếng to và âm vang sẽ được hoan nghênh nhiệt liệt. Đây là tục lệ cổ của người Lào, có thể đánh trống để giả làm tiếng sấm gọi trời cho mưa xuống. Hình thức này cũng tồn tại ở những quốc gia, dân tộc sống dọc các triền sông, lấy sự biến đổi của dòng sông theo mùa làm vấn đề trị thủy cho nông nghiệp.
Bên cạnh vai trò trong những lễ hội, nước được thờ như một vị thần, gọi là thần sông Phạ Nha Nác, sống ở các đầu sông suối, cửa sông và các bến nước. Trong tâm thức của người Lào, biểu tượng Nác là thuồng luồng sống ở sông Mê Kông. Vị thần này vô cùng quan trọng đối với người Lào vì không chỉ cho nước đủ dùng trong cuộc sống, cho sản xuất lúa gạo… mà đây còn là vị thần cảnh báo trước các tai ương, giúp đỡ con người trong hoạn nạn. Hai lễ hội nhằm cảm ơn Phạ Nha Nác chính là lễ hội Lảy Hừa Phay và Bun Xuồng Hưa (lễ hội đua thuyền). Lễ hội Lảy Hừa Phay thường được tổ chức vào tháng 9 sau Bun Phạ cặp đin (tương tự như lễ Vu Lan của Việt Nam). Lễ được tổ chức vào ban đêm, người ta thường làm những chiếc bè bằng thân cây chuối đặt lên các lễ vật, hoa, thắp nến thả trôi sông như cung tiến thần nước và cầu mong thần nước phù hộ cho mọi việc thuận buồm xuôi gió. Lễ hội Bun Xuồng Hưa được tổ chức vào tháng 10. Người dân làm những con thuyền nhiều người chèo, bản này thi với bản khác, lễ hội này vừa là lễ hội cảm ơn thần nước nhưng cũng là những cuộc đua thể thao giải trí cho nhân dân, tiền được giải dùng để cúng chùa hay trùng tu chùa ở địa phương.
Biểu tượng nước trong các lễ hội văn hóa của Lào không tách riêng mà kết hợp với các nghi lễ tôn giáo, dân gian. Đây là nét đặc trưng của sự hội nhập, giao thoa và ảnh hưởng văn hóa quốc gia, khu vực. Trong nền văn học dân gian Lào, hầu như các bài lăm, khắp đều có nhắc đến biểu tượng nước, khuyên răn con người tránh xa cái xấu, hướng về cái thiện. Biểu tượng nước được nhắc đến một cách ẩn dụ dưới nhiều cách thức khác nhau, trong Xú pha xít Lào khuyên con người chăm chỉ làm ăn lao động và họ cũng lấy phương tiện sản xuất để khuyên nhủ:
Muốn ăn cơm phải đi làm ruộng
Muốn ăn cá phải đi vãi chài
Đặc biệt, sự gắn bó keo sơn trong tình yêu ở các điệu lăm cũng thấy xuất hiện phương tiện sản xuất mang hình tượng sông nước:
Anh ở trên sông, em ở dưới sông
Đóng chiếc thuyền đồng đón nàng về anh (4)
Nước trở thành biểu tượng mang tính giá trị, mang một quyền năng, sức mạnh đặc biệt đối với đời sống con người. Văn hóa người Lào, nhất là văn hóa của người Nam Lào, đều bắt nguồn từ dòng sông, mà ảnh hưởng lớn nhất, rõ nét nhất đó là sông Mê Kông. Hầu hết các cư dân đều sống dọc bên bờ sông, duy trì cuộc sống cũng bằng công việc liên quan đến nước. Trong đời sống hằng ngày, trong bữa ăn của người Lào đều xuất hiện món cá nước ngọt: cá nướng ăn với xôi, cá làm mắm chấm xôi nếp, cá là món lạp khai vị đầu bữa ăn… Cá sông Mê Kông được mệnh danh là nguồn thủy sản dồi dào cho cuộc sống của cư dân sống dọc sông. Biểu tượng nước đã hòa quyện với các sắc màu tôn giáo, tín ngưỡng bản địa tạo nên một sắc thái rất riêng biệt của đời sống văn hóa Lào.
Văn hóa bản mường của người Lào cũng bắt nguồn từ chính nền tảng chung của văn minh nông nghiệp lúa nước ở Đông Nam Á. Nhờ lòng nhân ái bao la và đời sống tâm linh phong phú, trong đó có những ảnh hưởng sâu đậm của đạo Phật, mà cách đối nhân xử thế của người Lào thường nêu cao những phẩm chất yêu thương và hướng thiện. Cùng với các nghi lễ nhà Phật, biểu tượng nước thường xuất hiện một cách uyển chuyển trong tất cả các nghi lễ vòng đời người Lào. Khi sinh ra, đứa bé được nhà sư tắm nước lá thơm cầu mong sự thanh khiết khi bước vào đời, đến khi trưởng thành, thành hôn trong nghi lễ cưới, đôi trai gái được nhà sư làm phép vẩy nước cầu mong hạnh phúc, đến khi về thế giới bên kia, người nhà lại lấy nước dừa lau mặt mong siêu thoát lên cõi cực lạc không còn gánh khổ trên trần gian.
3. Kết luận
Nước đã gắn với cuộc sống người nông dân các nước nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt, hái lượm thì hai trong số các phương thức sản xuất nông nghiệp gắn với nước. Đặc trưng khí hậu nóng ẩm nhiệt đới gió mùa và sự thừa hưởng nguồn nước từ dòng Mê Kong vĩ đại, đã cho người dân Lào một tài sản thiên nhiên trù phú phát triển nông nghiệp lúa nước – vốn được cho là đã hình thành tại khu vực Đông Nam Á từ cách đây hàng nghìn năm. Hơn nữa, hệ thống sông ngòi của Lào, nhất là dòng Mê Kông, giúp phát triển nghề đánh bắt thủy sản, cho một sản lượng cá lớn, tạo nguồn thức ăn cho người dân Lào từ bao đời nay. Biểu tượng nước thể hiện sự sống, sự sinh sôi nảy nở, sự phát triển của dân Lào nói riêng và người dân sống dọc các con sông lớn nói chung, từ đó hình thành nên những bản sắc văn hóa độc đáo, mà yếu tố nước là một trong những thành phần cấu thành quan trọng.
Nước là một quyền năng, một giá trị, là nguồn sống tự nhiên quan trọng bậc nhất của loài người. Chính vì thế, những dòng sông lớn trên thế giới luôn luôn là khởi nguyên của các nền văn minh lớn. Sự sùng bái nước là một hành vi mang tính cộng đồng và đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng. Đối với nền văn hóa Lào, nước lại càng đóng vai trò quan trọng vì phần lớn cuộc sống người dân đều phụ thuộc vào nước. Với hệ thống sông ngòi dày đặc từ Bắc xuống Nam và nhiều bản làng trù phú nằm dọc ven các sông, nhất là sông Mê Kông, nước trở thành biểu tượng thiêng liêng, đặc trưng văn hóa vật chất và tinh thần.
_______________
1, 2. Jean Chevalier & Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, 2002.
3. Hoài Nguyên, Lào – đất nước con người, Nxb Thuận Hóa, 1997.
Tác giả: Trần Thị Minh Giang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng
Vai trò của thư viện trong các cơ quan quản lý nhà nước
Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay