Biểu tượng và linh vật trong tín ngưỡng dân gian người hoa ở đồng nai


Đồng Nai là địa bàn có đông người Hoa sinh sống ở Việt Nam, chỉ sau TP.HCM, với dân số hiện nay là 112.217 người, chiếm tỷ lệ 4,1% dân số toàn tỉnh. Người Hoa đến Đồng Nai thành nhiều đợt, sớm nhất từ TK XVII. Cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai với đủ các nhóm phương ngữ như Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ, Hải Nam và Hoa Hải Ninh hay Quảng Ninh (còn gọi là Hoa Nùng di cư từ tỉnh Quảng Ninh vào Đồng Nai sau năm 1954).

Trong bài trí, kiến trúc đình, miếu cũng như sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, người Hoa thể hiện được vốn văn hóa nghệ thuật khá tiêu biểu, đặc sắc. Nghệ thuật thể hiện thông qua biểu tượng và linh vật đặc trưng của người Hoa theo quan niệm về phong tục tập quán, phong thủy và tín ngưỡng dân gian như màu sắc, con số, linh vật, động vật, thực vật… thường thấy trong gia đình và cơ sở tín ngưỡng dân gian.

Ý nghĩa về màu sắc

Theo quan niệm trong tín ngưỡng người Hoa, màu đỏ biểu hiện cho sự sung túc, giàu có, hạnh phúc; màu vàng là sự cao quý, sang trọng; màu trắng tượng trưng cho sự thanh khiết; màu đen thể hiện sự quý phái. Còn theo phong thủy, màu xanh tượng trưng sinh sôi, phát triển; màu đỏ nồng ấm, nhiệt huyết; màu vàng là uy quyền, niềm hân hoan, sự ổn định và vững chắc; màu đen gợi cảm giác huyền bí, sâu kín và màu trắng là sự khoan hòa, dễ chịu. Mặc dù phong thủy không phải là tín ngưỡng dân gian, tuy nhiên rất khó để tách bạch phong thủy và tín ngưỡng dân gian trong đời sống văn hóa xã hội của người Hoa (1).

Người Hoa đặc biệt ưa chuộng màu đỏ, được xem là màu sắc truyền thống đặc thù. Màu sắc đặc trưng truyền thống của đình, miếu người Hoa bao giờ cũng là màu đỏ với ý nghĩa tốt lành, may mắn. Những miếu Hoa xưa, hầu hết toàn cảnh kiến trúc từ ngoài vào trong với một màu đỏ hồng là màu sắc chủ đạo nổi bật. Bên trong chùa, miếu là những mảng trang trí với màu sắc sơn son thếp vàng làm cho không gian trang trí thêm rực rỡ và lộng lẫy. Điển hình như chùa Ông, miếu Quan Đế, Thiên Hậu cung, Phụng Sơn Tự, Thiên Hậu cổ miếu, Hộ Quốc miếu… ở Đồng Nai.

Ý nghĩa về linh vật

Trong văn hóa dân gian người Hoa, nhiều đ vật trở thành biểu tượng linh thiêng có ý nghĩa tốt lành, may mắn vì trùng với âm đọc hoặc mang ý nghĩa tương ứng. Những vật linh này được trang trí khá phổ biến trên các cơ sở tín ngưỡng dân gian người Hoa ở Đồng Nai.

Bình hoa: chữ bình trong bình hoa có âm bình trùng hợp với chữ bình trong bình an, vì vậy trong nhà bày bình hoa là tăng thêm sự bình an cho gia đình. Trong công ty, cửa hiệu kinh doanh bài trí bình hoa là hy vọng mọi nhân viên đều khỏe mạnh. Bình cũng là môtip chạm khắc đá trên bức phù điêu trước tiền điện Thất Phủ cổ miếu (chùa Ông).

Kiếm: là một trong những biểu tượng của bát bửu có ý nghĩa sâu sắc, thẳng thắn, cũng được trang trí trên bức phù điêu đá trước tiền điện Thất Phủ cổ miếu.

Hộp: hình ảnh chiếc hộp đồng âm với chữ hợp có ý nghĩa biểu trưng cho sự hòa hợp. Đây cũng là môtip trang trí trên bức phù điêu khắc đá dưới đà ngang trước tiền điện Thất Phủ cổ miếu.

Cuốn thư: là một trong những biểu tượng của bát bửu có ý nghĩa quý phái, sang trọng, cũng là môtip trang trí trên bức phù điêu đá trước tiền điện Thất Phủ cổ miếu cùng với môtip bình hoa, cây kiếm và chiếc hộp.

Bát quái: là tám quẻ càn, đoài, ly, chấn, tốn, khảm, cấn, khôn được biểu hiện bằng hình ảnh những vạch liền và những vạch nối. Người xưa cho rằng bát quái có khả năng hóa giải những điềm xui gở, chỗ nào phạm thì treo bát quái ở chỗ đó sẽ được hóa giải. Hình ảnh bát quái rất phổ biến được người Hoa Đồng Nai dán bằng giấy hoặc vẽ trên tấm kiếng treo trước nhà nhằm tẩy trừ tà ma, xui xẻo vào mỗi dịp năm mới.

Tranh bách thọ: là loại tranh chữ, trên đó viết đủ 100 chữ thọ theo các bút pháp khác nhau, làm quà tặng người lớn tuổi nhân dịp mừng thọ với ý nghĩa cầu mong người già sống lâu. Đề tài này được điêu khắc trang trí chạm thủng trên bao lam gỗ rất sắc sảo, mỹ thuật tại chánh điện Phụng Sơn tự thờ Quảng Trạch Tôn Vương của người Hoa bang Phước Kiến ở Đồng Nai.

Tiền cổ: một số người thường bày hoặc treo tiền cổ trong nhà, để cầu mong vượng tài, một số người khác lại đeo trên người, vì đồng tiền cổ đã qua tay hàng vạn người tiêu dùng, nên được vận dụng để cầu mong tài vận cho bản thân. Hình tiền cổ được trang trí trong các cơ sở tín ngưỡng, đặc biệt đắp nổi trên vách nhà nghĩa từ và một số ngôi mộ của người Hoa ở nghĩa địa bang Quảng Đông ở Đồng Nai.

Phúc đáo môn tiền: vào dịp tết, người ta hay dán bức tranh xuân, trên đó viết chữ phúc (福) trên cửa, nhưng lại dán lộn ngược, vì treo ngược là đảo mà chữ đảo lại gần giống với chữ đáo để mang ý nghĩa phúc đến trước cửa nhà.

Ý nghĩa về động vật

Ngoài ý nghĩa về linh vật, biểu tượng, người Hoa còn có những biểu tượng về động vật như: cá chép (dư dả), con cua (dư thừa, hoạnh phát), chim én hay chim yến (ân ái, yêu thương), con hổ (sức mạnh), con lân (may mắn), con rồng (đem lại mưa thuận gió hòa), kỳ lân (đàn ông thanh bạch, liêm chính, có sức khỏe), sư tử (mạnh khỏe, tinh khôn)… Một số động vật thường thấy trong biểu hiện tín ngưỡng dân gian người Hoa Đồng Nai như:

Chim khách (chim tước): người Quảng Đông gọi chim khách là hỷ tước, coi tiếng hót của nó là dự báo điềm tốt lành. Chim tước cũng là đề tài trang trí trên các bức bình phong gian tiền điện Thất Phủ cổ miếu ở Đồng Nai.

Cóc (thiềm thừ): người Hoa ở Đồng Nai thờ con cóc với nhiều loại như cóc ba chân miệng nhả ra tiền, cóc ngậm miệng ngồi trên đống tiền và cóc ngậm chuỗi hột cõng xâu tiền trên lưng ngồi trên hoa sen. Theo truyền thuyết, con cóc ba chân vốn là yêu tinh, sau được tiên ông Lưu Hải thu phục, cải tà quy chính, tỏa đi muôn ngả giúp đỡ người nghèo khổ bằng cách nhả tiền cho họ, về sau được người đời tôn xưng là con vật quý biểu tượng cho vượng tài. Trên trang thờ ông địa – thần tài (hoặc có khi bài trí cả trên bàn thờ tổ tiên) trong nhà người Hoa ở Đồng Nai phổ biến bài trí tượng cóc ở chính giữa mặt bàn thờ, đầu cóc hướng vào bên trong. Người Hoa quan niệm, khi bày con cóc thì phải hướng đầu của nó vào trong nhà ở, trong cửa hàng hoặc công ty, hoặc từ ngoài hướng vào trong cổng với ý nghĩa giữ lại tiền của trong nhà.

Tuy nhiên, cũng có những gia đình đặt tượng cóc đầu quay ra ngoài. Điển hình như cơ sở đá Đặng Hữu Lợi bang Hẹ (Biên Hòa) đặt tượng cóc miệng ngậm dây xâu tiền cõng trên lưng ngồi trên đống tiền, đầu cóc quay ra ngoài. Nhà ông Đặng Tự Du bang Hẹ (Biên Hòa) đặt tượng cóc miệng ngậm chuỗi hột cõng xâu tiền trên lưng ngồi trên hoa sen đầu quay ra ngoài nhằm che dấu xâu tiền cõng trên lưng vào phía trong nhà.

Tỳ hưu: những năm gần đây, người Hoa Đồng Nai cũng thường bài trí hoặc thờ cúng một con vật giống con kỳ lân, đầu có một sừng, mình to, mông to, đuôi dài có huyền thoại từ Trung Quốc gọi là tỳ hưu. Con vật này không ăn thức ăn bình thường mà chỉ ăn vàng, bạc và giữ luôn ở trong bụng. Người Hoa tín sùng coi như thần giữ của, vượng tài, may mắn. Trong gia đình, bên cạnh việc bài trí con cóc nhả vàng, người Hoa còn thờ cả tỳ hưu như thần tài nhằm giữ gìn của cải trong gia đình. Trong các cửa hàng kinh doanh, người Hoa đặt tỳ hưu vừa để trấn phong thủy vừa để chiêu lộc tài.

Con dơi: người Hoa quan niệm con dơi là loài thú tốt lành. Vì thế con dơi còn được gọi là “phúc thử” (tức là chuột phúc) vì hình dáng của nó giống con chuột. Ngoài ra, chữ phúc trong con dơi đồng âm với chữ phúc (福) trong tốt phúc, nên trong xã hội Trung Quốc, con dơi là biểu tượng của có phúc. Hình tượng con dơi được trang trí trên các mảng điêu khắc gỗ trong chánh điện và trên bệ thờ trong các sở tín ngưỡng người Hoa ở Đồng Nai.

Ngũ phúc lâm môn: là năm con dơi đậu bên cửa nghĩa là năm điều phúc đến nhà, hiểu là nhà luôn được phúc lành. Năm điều phúc là: thọ (sống lâu), phú (giàu có), khang (khỏe mạnh), đức (làm nhiều điều nhân nghĩa), khảo chung mệnh (sống đến già), hoặc còn được hiểu là: phúc, lộc, thọ, khang, ninh. Mặt khác, trong dân gian cho rằng năm điều phúc là: phúc, lộc, thọ, hỷ, tài. Dù với ý nghĩa khác nhau nhưng đều là sự may mắn, tốt đẹp; do đó hình ảnh năm con dơi là đề tài được sử dụng khá phổ biến trong trang trí mỹ thuật kiến trúc tín ngưỡng của Thiên Hậu Tự, trong các đồ thờ tự của gia đình người Hoa và trong thành ngữ đấu giá đèn lồng trong lễ hội người Hoa ở Đồng Nai (2).

Ý nghĩa về thực vật

Trên các cơ sở tín ngưỡng người Hoa ở Đồng Nai còn thể hiện nhiều yếu tố mỹ thuật, ý nghĩa tâm linh qua các họa tiết trang trí và lễ vật bài trí, thờ cúng trên các bàn thờ.

Củ tỏi: theo quan niệm tín ngưỡng dân gian, nhiều người cho rằng, tỏi có thể trừ được âm khí, tà ma. Do vậy, trên bàn thờ ông địa – thần tài của cả người Hoa và người Việt ngày nay thường thấy bài trí tháp củ tỏi có ba hoặc năm tầng. Về tính chất thực vật, tỏi có mùi thơm nồng đặc biệt, nên có tác dụng khử mùi tốt, do vậy người ta tin củ tỏi có thể trừ được tà khí, tẩy trừ xui xẻo, bệnh tật, đem lại vượng khí cho gia chủ, giống như bùa ngải…

Hoa mai: có ý nghĩa may mắn, hoa mai màu vàng cũng thể hiện sự sang trọng quý phái. Đặc biệt cây mai ở Nam Bộ còn có ý nghĩa bản lĩnh, kiên cường. Năm mới, những gia đình nào có cây mai nở vàng hy vọng năm mới sẽ có nhiều điều may mắn đến với gia đình. Hoa mai được trang trí trên kiến trúc chùa Ông cù lao Phố (Biên Hòa) và một số miếu người Hoa.

Cành hoa biểu hiện sự vui tươi, phú quý, hạnh phúc và an lành. Đây là đề tài trang trí khá phổ biến bằng gốm cùng với quần thể tiểu tượng trên mặt tiền đình Tân Lân, chùa Ông và Thiên Hậu cổ miếu ở Đồng Nai.

Cây mía hay đường cục, đường bánh: tượng trưng cho sự ngọt ngào yêu thương. Tuy nhiên, các vật này được sử dụng trong nhiều tục lệ cũng có ý nghĩa khác nhau theo quan niệm của người Hoa. Cây mía, đường cục, đường tán thường được sử dụng trong đám cưới của người Hoa Triều Châu với ý nghĩa là ngọt ngào, hạnh phúc.

Trái quýt (đại kiết): nghĩa là quý phái, sang trọng. Trái quýt (tắc) còn có nghĩa là đắc lợi, tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành. Trong lễ hội người Hoa, mâm trái cây cúng vía thần linh luôn có quýt; đặc biệt lộc của chùa, miếu gởi lại cho bá tánh dự lễ bao giờ cũng có trái quýt, bánh bao…

Trái đào: người ta gọi quả đào là thọ đào với ý nghĩa trường thọ, sống lâu, bền vững. Cây đào, trái đào cũng là đối tượng được trang trí khá phổ biến trong các chùa, miếu người Hoa ở Đồng Nai (phù điêu trước Thiên Hậu cổ miếu). Đặc biệt, bức tranh ở chùa Ông với giai thoại Đào viên kết nghĩa trong Tam quốc diễn nghĩa.

Phật thủ: là một loại trái cây thuộc họ cam bưởi, nhưng hình dáng giống như một bàn tay với các ngón hơi duỗi ra, dân gian gọi là phật thủ (tức là bàn tay Phật). Phật thủ được trang trí trên bức phù điêu bằng đá trước Thiên Hậu cổ miếu và là lễ vật cúng trong chùa miếu và gia đình người Hoa.

Thạch lựu: hình quả lựu ở đây được bổ làm đôi, lộ ra một nửa quả có rất nhiều hạt, mang ý nghĩa lựu khai bách tử (tức là lựu nở nhiều con). Trong đám cưới, người ta tặng bức tranh lựu khai bách tử cho đôi vợ chồng mới cưới, được coi là lời cầu chúc tốt đẹp. Trái thạch lựu được điêu khắc trên mảng phù điêu bằng đá xanh trước Thiên Hậu cổ miếu (miếu Tổ Sư).

Nải chuối: trong nhà ở hoặc nơi buôn bán kinh doanh, người Hoa thường bày lễ vật cúng trên trang thờ ông địa – thần tài với nải chuối tiêu vàng hoặc chuối sứ (màu hoàng kim). Chữ tiêu có âm gần với chữ chiêu, có ý nghĩa là chiêu tài. Vì vậy, khi cúng thần phật hoặc thổ địa, người ta thường cúng nải chuối để cầu tài lộc.

Lá bưởi: được xem là vật thiêng có ý nghĩa thanh tẩy, vì vậy trong các nghi lễ người Hoa luôn có tô nước lá bưởi để pháp sư rẩy trừ tà khí, thanh tẩy không gian thiêng và các vật phẩm cúng lễ. Lá bưởi có mùi thơm dịu thường được người Hoa dùng trong các lễ hội và vệ sinh trên bàn thờ gia đình.

Tùng bách: trong các lễ mừng thọ, người Hoa thường chúc câu sống lâu như cây tùng cây bách đủ cả phúc thọ khang ninh. Cây thông có sức chịu đựng giá tuyết, mùa đông quanh năm xanh tốt xum xuê, biểu thị sống lâu. Trong tín ngưỡng dân gian, cây bách còn có khả năng dùng để vẩy rượu trừ tà ma. Lễ làm chay ở Thiên Hậu cổ miếu luôn có có tô nước nhúng chùm lá dương + lá bưởi, nghi vật trên sàng gạo trước chánh điện, trên mễ đẩu đều cột chùm lá dương thuộc họ tùng bách cùng với lá bưởi để thanh tẩy, trừ tà khí.

Có thể nói, trong tín ngưỡng dân gian người Hoa, nhiều biểu tượng, vật linh đã trở thành đặc trưng, văn hóa biểu tượng đặc sắc trong phong tục tập quán và sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Tùy từng bang nhóm ngôn ngữ người Hoa lại có những quan niệm về những biểu tượng, vật linh, hoặc ý nghĩa của những con số khác biệt nhau được thể hiện thông qua việc trang trí và thực hành trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, tạo nên nét đặc trưng văn hóa nghệ thuật trong đời sống dân gian của người Hoa ở Đồng Nai.

_______________

1. nhaxuan.vn.

2. lyhocdongphuong.org.vn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 360, tháng 6-2014

Tác giả : Nguyễn Thị Nguyệt

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *