Chùa Đông Phù có tên chữ là Hưng Long tự hay còn gọi là chùa Long Hưng, chùa Hưng Hóa, chùa Nhót, chùa Phù Liệt, là ngôi chùa thuộc làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Tương truyền vào đời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072), có hai vị công chúa con gái nhà vua là Lý Từ Thục và Lý Từ Huy cùng hai thị tì là Quỳnh Hoa và Quế Hoa đã xuất gia, từ bỏ lầu son gác tía chốn kinh kỳ về tu ở chùa Đông Phù rồi sau đó thu thần thị tịch tại Lăng Liên Hoa (cách chùa Hưng Long 1 km) nhằm ngày 15 – 3 năm Ất Hợi, niên hiệu Hội Phong thứ 4 (1095) đời vua Lý Nhân Tông với đạo hiệu Đại thánh Bồ tát Lý Từ Thục và Đại thánh Bồ tát Lý Từ Huy, trở thành hai vị sư tổ của chùa (nhân dân địa phương thường gọi là Nhị vị Bồ tát).
Chùa Đông Phù – Ảnh: Phan Duy
Để tưởng nhớ công đức to lớn của Nhị vị công chúa, nhân dân Tổng Nam Phù xưa (gồm 10 làng: Tự Khoát, Tương Trúc, Đông Phù, Đông Trạch, Việt Yên, Mỹ Liệt, Văn Uyên, Chanh Khúc, Ninh Xá và Mỹ Ả) và nay là 4 xã Đông Mỹ, Ngũ Hiệp, Duyên Hà, Ninh Sở tổ chức mở hội tri ân công đức vào các ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch.
Lễ hội chùa Đông Phù cứ 5 năm lại tổ chức lễ hội tổng, là dịp để nhân dân các làng, xã có điều kiện giao tiếp với nhau và tìm đến giá trị văn hóa truyền thống. Lễ hội cũng là nơi diễn ra sự cộng cảm, bao dung, những truyền thống quý báu về đạo lý, mỹ tục khi khát vọng của con người hướng về chân, thiện, mỹ. Lễ hội làm cho mỗi người tìm lại ký ức, cố kết và củng cố tinh thần cộng đồng, tình yêu quê hương và lòng tự hào dân tộc.
Là hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tổng hợp cao, biểu đạt những sáng tạo văn hóa được tích lũy và trao truyền qua nhiều thế hệ, lễ hội không đơn giản chỉ là tái hiện những mô thức văn hóa cổ xưa mà qua đó, thể hiện một khát khao của con người hiện tại được tiếp nối và phát huy sức mạnh, sự toàn năng của thiên nhiên, thần linh, hay các anh hùng trong lịch sử… Bản chất của việc tổ chức lễ hội là hoạt động sinh hoạt tinh thần của cộng đồng với vai trò chủ thể là cộng đồng dân cư địa phương. Sức mạnh tâm linh của cộng đồng được hội tụ qua các nghi thức hành lễ, mọi người cùng gửi gắm niềm tin – tín ngưỡng của mình vào đối tượng thờ cúng để nguyện cầu, ước vọng về những điều tốt đẹp: mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt… Tại lễ hội, nhiều sinh hoạt văn hóa diễn ra với sự tham gia chủ động của cộng đồng, những tài năng “quần chúng” từ đây được bộc lộ, có cơ hội thể hiện mình, các tuồng tích dân gian, các trò diễn… do cộng đồng tự tổ chức và tự đánh giá, điều chỉnh. Nhiều trò chơi dân gian từ đây mà sản sinh và phát triển. Chính những sinh hoạt cộng đồng này giúp con người gần gũi nhau hơn, hiểu biết lẫn nhau, đây chính là biểu hiện giá trị văn hóa của cộng đồng. Trong lễ hội, vai trò của cộng đồng đã được chứng minh qua quá trình lịch sử. Việc đề cao vai trò của cộng đồng, của nhân dân địa phương trong tổ chức và quản lý lễ hội, đặc biệt đối với các lễ hội truyền thống, là hết sức cần thiết. Cộng đồng cần được tạo điều kiện tốt nhất để tham gia tổ chức các lễ hội ở địa phương mình, từ đó có điều kiện phát huy bản sắc, đặc trưng văn hóa, góp phần giới thiệu, quảng bá những nét đẹp về vùng đất, con người địa phương.
Lễ hội truyền thống chùa Đông Phù là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, xuất phát từ tâm niệm của người dân nơi đây tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của Nhị vị công chúa thời Lý, cầu mong cho dân làng được bình yên ấm no, nhân khang vật thịnh, công việc được suôn sẻ thuận hòa, luôn cầu mong cho mùa màng tươi tốt, đơm hoa kết trái được mùa, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân. Mỗi kỳ lễ hội được tổ chức thành công luôn tạo thêm khí thế, động lực mới, sức sống mới, hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp trong công việc và đời sống của mỗi người dân và của cả cộng đồng. Góp phần tạo nên sự thành công của lễ hội chùa Đông Phù, bên cạnh sự quản lý của chính quyền địa phương còn có các hoạt động tự quản và sự tham gia của người dân nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội. Điều này thể hiện trước hết ở việc người dân tham gia với tư cách là ủy viên trong Ban tổ chức lễ hội gồm hơn 20 thành viên, trong đó có 1 trưởng ban, các phó ban, đại diện các đoàn thể, mặt trận, hội, cán bộ thôn và một số thành viên khác… Tùy theo tình hình cụ thể của mỗi kỳ tổ chức lễ hội, các thành viên trong Ban tổ chức lễ hội cũng có sự thay đổi.
Vai trò tự quản của cộng đồng còn được thể hiện qua việc người dân tham gia thực hiện các nghi thức, nghi lễ, tham gia đoàn rước, biểu diễn văn nghệ… Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, tại buổi lễ khai mạc và các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ được tổ chức trong khuôn viên chùa đều có các tiết mục văn nghệ do người dân của các thôn trong xã tham gia biểu diễn. Đội hình đoàn rước trong 3 ngày diễn ra lễ hội cũng do những người dân của các thôn trong xã tham gia. Để chuẩn bị nhân sự cho đội hình đoàn rước, các thôn lựa chọn các nam thanh nữ tú, có sức khỏe tốt, chưa vợ chưa chồng, gia đình không có tang…để đăng ký với Ban tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, người dân còn trực tiếp tham gia trong các tiểu ban phục vụ lễ hội như: tiểu ban hậu cần tiếp tân, tiểu ban tiếp lễ…
Lễ hội là trung tâm thể hiện ý thức cộng đồng làng xóm và là trung tâm tích tụ văn hóa nghệ thuật của cộng đồng làng xã, xuất phát từ nhu cầu sống, từ sự tồn tại và phát triển của làng. Với cộng đồng làng xã, lễ hội không chỉ là môi trường cộng cảm văn hóa mà còn là môi trường nhập thân và trao truyền văn hóa giữa các thế hệ để không những đảm bảo sự cộng cảm văn hóa của các thành viên mà còn là đảm bảo sự thống nhất văn hóa cộng đồng giữa thế hệ này và thế hệ khác. Lễ hội do dân làng định ra, do dân làng tổ chức và chính họ tham gia vào tất cả các quá trình của lễ hội. Do cơ chế đó cho nên lễ hội truyền thống có sức lan tỏa mãnh liệt. Và để lễ hội được tổ chức thành công không thể thiếu sự chuẩn bị chu đáo về tài chính. Cũng giống như phần lớn các lễ hội truyền thống khác, nguồn tài chính để chi cho việc tổ chức lễ hội chùa Đông Phù chủ yếu là do đóng góp tự nguyện của người dân. Như vậy, người dân đóng vai trò chủ thể của lễ hội, họ vừa là người góp công nhưng cũng là người góp của. Việc kêu gọi xã hội hóa và để người dân được tham gia vào tổ chức các hoạt động lễ hội cũng chính là đưa lễ hội trở về giá trị ban đầu, bởi lễ hội được hình thành từ nhân dân, nên phải sống trong cộng đồng và phục vụ cho chính lợi ích của người dân. Xã hội hóa, ngoài việc tạo được nguồn kinh phí, đây còn là cách thức để phát huy cao độ trí tuệ, sức sáng tạo và sự tham gia một cách tự nguyện của đông đảo nhân dân, qua đó góp phần phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống, các tập tục cổ truyền tốt đẹp.
Việc tổ chức lễ hội truyền thống chùa Đông Phù đòi hỏi nguồn kinh phí không nhỏ. Vì vậy, các khoản đóng góp của người dân, của các tổ chức và cá nhân là một nguồn kinh phí quan trọng giúp Ban tổ chức để đảm bảo lễ hội diễn ra hiệu quả, thành công. Để ghi nhận công đức và đảm bảo minh bạch số tiền thiện nguyện của nhân dân, du khách, tiểu ban tiếp nhận công đức, do nhà chùa đảm nhiệm, ghi tên người công đức vào sổ và mỗi người sẽ nhận một phiếu ghi nhận.
Lễ hội chùa Đông Phù là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân cư Tổng Nam Phù xưa và nay là 4 xã Đông Mỹ, Ngũ Hiệp, Duyên Hà, Ninh Sở. Việc xã hội hóa lễ hội thực hiện trên tinh thần tự nguyện, tự giác của người dân. Nhân dân tham gia không chỉ đóng góp bằng công sức, trực tiếp biểu diễn, mà còn trong vai trò khán giả thưởng thức, hưởng ứng. Đến với lễ hội, người dân được tham gia quá trình tổ chức lễ hội, được trao quyền tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không coi nhẹ việc quản lý của nhà nước đối với lễ hội thông qua việc giám sát, theo dõi diễn biến của lễ hội để nắm bắt những thay đổi trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân nhằm đảm bảo không có hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng để thực hiện hình thức mê tín dị đoan hoặc xuyên tạc, truyền bá phản cách mạng, đảm bảo trật tự, an ninh xã hội trong thời gian tổ chức lễ hội, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa lễ hội…
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội chùa Đông Phù với mô hình tổ chức quản lý của chính quyền kết hợp với cộng đồng tự quản đã và đang từng bước vào nề nếp bằng việc thực hiện vận dụng các văn bản của nhà nước. Xuất phát từ thực tế để đề ra các biện pháp quản lý phù hợp vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa đồng thời thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc tổ chức lễ hội.
Để nâng cao hiệu quả quản lý lễ hội chùa Đông Phù hiện nay, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp một cách thiết thực cụ thể. Trước hết, cần chú trọng tuyên truyền các văn bản pháp quy, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đối với việc quản lý, tổ chức lễ hội, tuyên truyền việc chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế sinh hoạt lễ hội. Thứ hai, giáo dục ý thức chấp hành nếp sống văn minh cho các cá nhân, cộng đồng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động tổ chức tham gia quản lý và sinh hoạt lễ hội. Thứ ba, ưu tiên nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa cấp huyện, xã theo hướng tăng cường chất lượng và đảm bảo về số lượng để có thể đáp ứng nhiệm vụ tham mưu cho UBND cấp huyện, xã trong công tác quản lý lễ hội chùa Đông Phù và các lễ hội khác trên địa bàn huyện, xã nói chung. Thứ tư, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành tại địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tiến hành thường xuyên, liên tục công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời và nghiêm minh những hành vi vi phạm trong hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật. Thứ năm, tăng cường công tác xã hội hóa, đề cao vai trò của cộng đồng, của nhân dân địa phương trong tổ chức và quản lý lễ hội góp phần gìn giữ, phát huy lễ hội truyền thống của quê hương.
_____________
1. Nguyễn Quang Lê, Khảo cứu văn hóa dân gian làng cổ Đông Phù, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2010.
2. Huyện Thanh Trì – Thành phố Hà Nội, Thanh Trì, di tích lịch sử – văn hóa và lễ hội truyền thống, 2014.
3. Đỗ Thị Phương, Quản lý lễ hội truyền thống Quán Giá, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Quản lý Văn hóa, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội, 2017.
4. Lịch sử Đảng bộ và đấu tranh cách mạng xã Đông Mỹ (1930 – 2009), Nxb Chính trị – hành chính, Hà Nội, 2010.
5. Vũ Ngọc Khánh, Lễ hội Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2008.
Tác giả: Lê Thị Hồng Phương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%