Các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ di sản văn hóa thành văn tại các thư viện tỉnh đồng bằng sông Cửu Long


Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ bàn đến bảo quản di sản thành văn ở các thư viện đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chủ yếu là sách dạng giấy. Đây là loại hình tài liệu đang được lưu trữ, gìn giữ nhiều nhất ở các thư viện tỉnh ĐBSCL hiện nay. Tuy nhiên, nguồn vốn tài liệu này đang dần bị hư hỏng do các yếu tố ảnh hưởng đến độ bền của tài liệu trong thư viện, đó là điều kiện môi trường kho (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, bụi bẩn, các loài vật gây hại, nấm mốc…), an ninh, thiên tai, sự tự lão hóa của tài liệu. Các yếu tố này cần được khắc phục giúp cho công tác bảo quản tài liệu thư viện được thuận lợi hơn.

 

     1. Thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của di sản văn hóa thành văn tại các thư viện tỉnh ĐBSCL

     Trong điều kiện môi trường kho tài liệu, việc kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, chất lượng không khí, các loài vật gây hại, nấm mốc cần được các thư viện quan tâm, thực hiện. Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của tài liệu.

     Về kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, do điều kiện khí hậu vùng ĐBSCL có hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Đây là điều kiện khí hậu không thuận lợi cho việc bảo quản lâu dài vốn tài liệu trong thư viện. Do vậy, nhằm giảm thiểu nhiệt độ, độ ẩm tăng cao, đối lưu không khí, hầu hết các thư viện tỉnh ĐBSCL thường tiến hành mở hệ thống cửa sổ, quạt máy trong kho để tiếp nhận không khí tự nhiên từ bên ngoài, giảm nhiệt độ, độ ẩm, loại bỏ các khí thải khi thời tiết bên ngoài dịu nhẹ. Thời gian mở cửa sổ thường kéo dài từ 2 – 4 giờ. Cán bộ thư viện theo dõi quá trình mở hệ thống cửa kho nhằm tránh sự xâm nhập của các loài vật gây hại.

     Về ánh sáng, cường độ ánh sáng trong kho tài liệu ở các thư viện tỉnh ĐBSCL chưa được đảm bảo. Hệ thống đèn trong kho tài liệu rất thấp, không sử dụng hộp bảo vệ nhằm ngăn chặn bớt ánh sáng chiếu trực tiếp lên tài liệu. Bên cạnh đó là nguồn ánh sáng tự nhiên, ánh sáng mặt trời xuyên qua các cửa sổ, chiếu trực tiếp vào tài liệu trong kho lưu trữ ở các thư viện tỉnh Cà Mau, Tiền Giang. Nguồn ánh sáng này không chỉ gây tác hại cho tài liệu như mờ chữ mà còn làm nhiệt độ trong kho tăng lên rất nhiều. 70% các thư viện tỉnh ĐBSCL đều lắp rèm ở các cửa sổ trong kho tài liệu để che ánh nắng mặt trời bằng các chất liệu vải.

     Về chất lượng không khí, chế độ thông gió trong kho tài liệu ở các thư viện tỉnh ĐBSCL đảm bảo 5m/giây đối với những thư viện có lắp quạt thông gió. Đối với những thư viện chưa có hệ thống quạt thông gió việc lưu thông không khí chủ yếu bằng cách mở cửa sổ, cửa chính trong trường hợp kho tài liệu quá ẩm, ô nhiễm. Theo kết quả khảo sát, các tài liệu trong các thư viện tỉnh ĐBSCL vẫn còn bị nhiễm bụi bẩn, bị ẩm, nấm mốc cao.

     Qua kết quả khảo sát tài liệu bị nấm mốc, côn trùng cho thấy nhóm thư viện có tài liệu bị nhiễm nấm mốc, côn trùng ở mức trên 20% chiếm tỉ lệ 15%. Nhóm thư viện có tài liệu bị nhiễm nấm mốc, côn trùng ở mức từ 10-20% chiếm tỉ lệ 77%. Nhóm thư viện có tài liệu bị nhiễm nấm mốc, côn trùng ở mức dưới 10% chiếm tỉ lệ 8%.

     Có thể nói, một trong những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến độ bền của tài liệu chính là sự tự lão hóa của tài liệu. Chuyên gia về giấy có phân tích: “Lão hóa là quá trình thay đổi về thành phần hóa học, giấy trở nên vàng, giảm độ bền cơ lý, các xơ sợi trở nên giòn, dễ gãy vụn. Những loại giấy làm từ bột vô cơ, ví dụ như giấy báo thì sự lão hóa xảy ra rất nhanh, giấy bị vàng đi chỉ sau vài giờ tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời” (1). Do đó, sự tự lão hóa của tài liệu là do chất lượng của giấy in, mực in, bìa, kỹ thuật đóng tài liệu.

     Về chất lượng giấy in tài liệu, qua kết quả khảo sát cho thấy, có 31% nhóm thư viện có chất lượng giấy in tài liệu tốt, đạt tỉ lệ từ 30 – 40%. Với chất lượng giấy in tài liệu tương đối tốt, có 15% nhóm thư viện đạt tỉ lệ từ 40 – 50%. Có 31% nhóm thư viện chiếm tỉ lệ trên 60%. Ngoài ra, có đến 85% nhóm thư viện có tỉ lệ giấy chưa tốt dưới 20%, 15% nhóm thư viện có tỉ lệ 20 – 30% như thư viện Tiền Giang, Bến Tre.

     Về chất lượng mực in tài liệu, tình trạng mực in của tài liệu ở các thư viện tỉnh ĐBSCL như mực in trong tài liệu còn tốt có 76,9% nhóm thư viện đạt tỉ lệ trên 50%, 23,1% nhóm thư viện đạt tỉ lệ từ 40 – 50%, thư viện Hậu Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang đạt mức 50%.

     Về chất lượng bìa, nhóm thư viện có chất lượng bìa tốt đạt tỉ lệ từ 30 – 40% chiếm 69%, cao nhất có thư viện Long An, Kiên Giang. Có 31% nhóm thư viện có tỷ lệ 40 – 50% với các thư viện như An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Hậu Giang. Có 53,8% nhóm thư viện đạt tỉ lệ 20 – 30%, có đến 38,5% nhóm thư viện đạt tỉ lệ dưới 20% gồm các thư viện như An Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An. Đặc biệt, hầu hết các thư viện tỉnh ĐBSCL có chất lượng bìa tương đối tốt chiếm tỉ lệ từ 40 – 50%.

     Về chất lượng kỹ thuật đóng, ở các thư viện tỉnh ĐBSCL có đến 69% nhóm thư viện có chất lượng kỹ thuật đóng tốt, đạt tỉ lệ từ 30 – 40%, 31% nhóm thư viện có tỉ lệ từ 40 – 50% như thư viện An Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Long An, Sóc Trăng. Chất lượng kỹ thuật đóng tương đối tốt có 15,4% nhóm thư viện đạt tỉ lệ từ 30 – 40%, gồm các thư viện như An Giang, Cần Thơ; 62,5% nhóm thư viện đạt tỉ lệ 40 – 50% nhưng có đến 32,1% nhóm thư viện đạt tỉ lệ 50 – 60% như thư viện Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh. Chất lượng kỹ thuật đóng chưa tốt có đến 77% nhóm thư viện đạt tỉ lệ dưới 20%, 23% nhóm thư viện đạt tỉ lệ từ 20 – 30% gồm các thư viện như Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ.

     Về an ninh, thảm họa trong thư viện, trong các thư viện tỉnh ĐBSCL mặc dù còn tình trạng mất tài liệu nhưng an toàn an ninh trong thư viện được đảm bảo khi mỗi thư viện đều có nhân viên bảo vệ thực hiện nhiệm vụ này. Người dùng tin vào, ra thư viện chỉ một lối đi duy nhất, nhằm thuận tiện cho việc kiểm soát, đảm bảo an ninh, an toàn cho thư viện.

     Ưu điểm

     Các thư viện tỉnh ĐBSCL có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế những yếu tố ảnh hưởng đến độ bền của tài liệu như cơ bản bảo vệ tài liệu tránh những tác nhân bên ngoài (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, không khí, các loài vật gây hại…). Cụ thể là các thư viện tỉnh ĐBSCL đã bố trí kho lưu trữ tài liệu ở tầng 2, 3. Kho phục vụ được bố trí ở tầng 1 hoặc tầng 2 nhằm thuận tiện cho phục vụ người dùng tin, phòng ngừa lũ lụt. Công tác vệ sinh trụ sở, kho lưu trữ, kho phục vụ, giá kệ trong kho được thực hiện định kỳ hằng năm. Các thư viện đều có phun thuốc phòng ngừa mối, côn trùng. Kho tài liệu được phòng chống ẩm bằng cách thông gió tự nhiên như mở cửa sổ kho, dùng quạt máy, quạt thông gió. Đồng thời, các thư viện thường xuyên khai thông đường ống nước, cống rãnh, phun thuốc trừ sâu cho cây xanh ở khuôn viên ngoài thư viện… Bên cạnh đó, các thư viện đều có nhân sự đảm bảo an ninh, trông coi tài sản của thư viện. Các khu vực dành riêng cho cán bộ thư viện, người dùng tin đều có biển báo, hướng dẫn. Việc phòng chống hỏa hoạn trong các thư viện được thực hiện nghiêm túc thông qua việc ban hành quy định về phòng cháy chữa cháy. Nội quy, biển báo chữa cháy, biển cấm được gắn ở khu vực hành lang thuận tiện cho cán bộ thư viện, người dùng tin thực hiện. Như vậy, ở các thư viện tỉnh ĐBSCL cơ bản đảm bảo điều kiện môi trường trong kho nhằm bảo vệ tài liệu, tránh những tác nhân bên ngoài như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, không khí, các loài vật gây hại… làm suy yếu, hư hỏng.

     Hạn chế     

     Ngoài những thành tựu cơ bản nêu trên, việc đảm bảo độ bền của tài liệu ở các thư viện tỉnh ĐBSCL còn có những tồn tại cần sớm được khắc phục. Việc đảm bảo kéo dài tuổi thọ của tài liệu trong các thư viện tỉnh ĐBSCL chưa tốt. Môi trường bảo quản vốn tài liệu chưa đạt các quy định. Những biện pháp nhằm đối phó khi có hỏa hoạn xảy ra vẫn chưa được các thư viện tỉnh ĐBSCL xem như vấn đề cấp bách. Các thư viện tỉnh ĐBSCL chưa xây dựng một phương án phòng chống tai họa khi có sự cố xảy ra; chưa xây dựng được một danh mục các tài liệu cần được ưu tiên bảo quản, sửa chữa, ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Hiện nay, nguồn tài liệu của các thư viện tỉnh ĐBSCL do bảo quản chưa tốt nên đang xuống cấp nhanh chóng. Hơn nữa, lượt người dùng tin đến thư viện ngày càng tăng, tỉ lệ thuận với cường độ phục vụ, mức độ hư hỏng của tài liệu cũng tăng cao. Vì vậy, đây cũng là đặc điểm cần quan tâm hàng đầu của các thư viện tỉnh ĐBSCL hiện nay.

     2. Một số giải pháp khắc phục các yếu tố ảnh hưởng đến độ bền của di sản văn hóa thành văn tại các thư viện tỉnh ĐBSCL

     Đảm bảo môi trường bảo quản tài liệu

     Việc thiết lập, duy trì một môi trường thuận lợi trong kho tài liệu không chỉ giúp phòng chống lại các loài vật, vi sinh vật gây hại, hạn chế ô nhiễm môi trường kho mà còn giảm bớt được sức lực, thời gian, tiền của trong việc sửa chữa tài liệu bị hư hỏng, cho phép thu thập tài liệu được tiến hành liên tục. Các thư viện nên thường xuyên kiểm tra, đảm bảo hệ thống nhiệt độ, độ ẩm trong kho được duy trì đủ, hợp lý, ổn định tránh dao động đột ngột, liên tục, đảm bảo mức dao động nhiệt độ không vượt quá 100C, độ ẩm không quá 5 – 10% so với tiêu chuẩn IFLA. Trường hợp kho tài liệu có lắp thiết bị điều hòa nhiệt độ, độ ẩm cần đảm bảo thiết bị hoạt động 24/24 giờ, đồng thời cán bộ thư viện nên thường xuyên kiểm tra để điều chỉnh kịp thời thông số trong hệ thống điều hòa bởi vì nhiệt độ trong kho thường có sự lên xuống bất thường do khí hậu bên ngoài hoặc do hệ thống máy điều hòa. Ngoài ra, việc kiểm soát điều kiện nhiệt độ, độ ẩm nêu trên chỉ mang tính tạm thời. Trong kế hoạch kiểm soát môi trường kho tài liệu, các thư viện cần có kế hoạch giảm điều kiện nhiệt độ, độ ẩm này đạt theo tiêu chuẩn của IFLA nhằm đảm bảo môi trường bảo quản lý tưởng nhất cho tài liệu để kéo dài nhiều hơn tuổi thọ của tài liệu. Trong trường hợp các thư viện tỉnh ĐBSCL chưa lắp máy điều hòa nhiệt độ thì có thể tạm thời sử dụng máy quạt, quạt thông gió hoặc thông gió bằng cách mở cửa sổ một cách hợp lý, tránh ánh sáng, bụi bẩn. Ngoài ra, thực hiện cải tạo nhà kho nhằm cách nhiệt, giảm độ ẩm bằng cách làm phông để che trần nhà, sử dụng các loại rèm để che bớt ánh sáng, giảm nhiệt độ. Sử dụng sơn chống nóng trên mái tòa nhà thư viện. Giữ nhà cửa, các phòng, kho đúng cách để tránh bị dột, bị thẩm thấu trong mùa mưa… Những biện pháp này giúp các thư viện tỉnh ĐBSCL kiểm soát điều kiện môi trường kho một cách chủ động trong điều kiện còn nhiều hạn chế như hiện nay.

     Hạn chế tác hại của ánh sáng

     Đối với ánh sáng tự nhiên (ánh sáng mặt trời) cần sử dụng màn che, các cửa sổ phải dán các giấy chống tia cực tím. Nếu cửa sổ có lắp kính thì nhất thiết phải là kính màu, có khả năng hấp thụ tia cực tím. Đối với ánh sáng nhân tạo như đèn, chúng ta nên đặt trong hộp kính để giảm bớt sự phát tán của các tia cực tím. Đèn sử dụng nhất thiết phải là đèn huỳnh quang bởi vì sử dụng đèn huỳnh quang có hộp, có ánh sáng trắng đảm bảo từ 30 – 50 lux; loại đèn này vừa chiếu sáng đều vừa tiết kiệm điện năng, ít nóng hơn đèn tròn. Xung quanh thư viện nên trồng cây xanh để che bớt ánh sáng mặt trời, giảm nhiệt, tạo không khí thoáng mát.

     Đảm bảo chất lượng không khí

     Không khí trong kho tài liệu phải được giữ sạch, không có các tác nhân gây hại đến tài liệu như bụi bẩn. Do vậy, các biện pháp loại bỏ khí bẩn rất khó, không thể loại bỏ một cách triệt để. Nên thường xuyên vệ sinh tài liệu, giá kệ. Đối với những tài liệu có bụi lọt vào giữa gáy có thể gây thêm tổn hại cho gáy tài liệu như đứt chỉ may, mất độ kết dính của hồ keo dán gáy tài liệu, thì phải lau chùi cẩn thận, tỉ mỉ.

     Các thư viện có thể sử dụng các phương tiện hiện đại như máy hút bụi, quạt thông gió… để làm sạch môi trường trong kho. Nếu không có các thiết bị hiện đại có thể áp dụng phương pháp đưa không khí bên ngoài vào trong kho tài liệu tại thời điểm không khí chứa ít tạp chất nhất.

     Bố trí kho, sắp xếp tài liệu trong kho

     Trước hết, việc bố trí kho tài liệu, các thư viện tỉnh ĐBSCL cần được bố trí ở tầng 2, không nên bố trí ở tầng 1 như hiện nay. Trong trường hợp trụ sở thư viện là nhà cấp 4, kho tài liệu cần đảm bảo hệ thống thoát nước nhanh chóng tránh tình trạng ngập úng, độ ẩm tăng cao. Hệ thống giá kệ ở các kho tài liệu cần được thiết kế ngăn cuối cùng của giá phải cao 15cm so với giá kệ bình thường (chỉ từ 5 – 10cm). Có thể không sử dụng ngăn cuối cùng của giá để xếp tài liệu. Bởi vì nếu ngăn cuối cùng của giá tài liệu quá gần với mặt đất thì nguy cơ bị ảnh hưởng độ ẩm cao, thậm chí khi ngập lụt thì tài liệu được xếp ở các kệ này bị ướt nhanh chóng.

     Các giá kệ trong kho lưu trữ cần có dụng cụ chắn tài liệu giúp tài liệu nằm ở cuối dãy trên kệ không bị gãy gáy, bìa. Đặc biệt là những giá kệ trong kho mở thường có khoảng trống rất rộng để xếp tài liệu mới nên cần có dụng cụ chắn tài liệu để bảo vệ tài liệu luôn thẳng.

     Công tác vệ sinh

     Bên cạnh kiểm tra hệ thống kho giá, môi trường bảo quản trong kho đòi hỏi các thư viện tỉnh ĐBSCL cần thường xuyên quan tâm, thực hiện thông qua công tác vệ sinh trong thư viện. Công tác vệ sinh được thực hiện cho cả tòa nhà thư viện, kho tài liệu, từng tài liệu. Đặc biệt giải pháp này phù hợp với các thư viện còn hạn chế kinh phí để trang bị các thiết bị bảo quản hiện đại như các thư viện tỉnh ĐBSCL. Các thư viện tỉnh ĐBSCL nên xây dựng lịch làm vệ sinh, phân bổ thời gian hợp lý.

     Phòng chống ẩm, các loài vật gây hại

     Các thư viện tỉnh ĐBSCL thường xuyên đối mặt với tình trạng độ ẩm cao trong kho tài liệu cũng như sự tấn công của các loài vật gây hại. Do vậy, các thư viện cần thường xuyên làm công tác phòng chống ẩm nhằm giảm thiểu tối đa tác hại này. Công tác phòng chống ẩm, các loài vật gây hại cần được xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể hằng năm. Đảm bảo môi trường ổn định trong kho tài liệu, không để kho tài liệu quá nóng, quá lạnh hoặc quá ẩm. Nhiệt độ, độ ẩm trong kho tài liệu không được thay đổi đột ngột. Hệ thống cửa sổ, cửa chính luôn đảm bảo không làm tăng nhiệt độ, độ ẩm trong kho tài liệu.

     Đối với phòng chống loài vật gây hại, các thư viện tỉnh ĐBSCL cần có lịch đặt bẫy tiêu diệt chuột, lịch phun thuốc phòng ngừa mối hoặc tiêu diệt mối định kỳ. Các hóa chất được sử dụng để phòng ngừa, tiêu diệt loài vật gây hại, nấm mốc cũng cần được cán bộ thư viện ghi chép để theo dõi, đảm bảo việc sử dụng hóa chất không gây ảnh hưởng đến bản thân tài liệu cũng như con người khi tiếp xúc với tài liệu.

     Lập phương án phòng chống an ninh, tai họa trong thư viện        

     Các thư viện cần tiến hành lập phương án trong đó yêu cầu đảm bảo trách nhiệm đối với nguồn tài liệu của thư viện, đối với cán bộ thư viện, người dùng tin. Nội dung phương án cần thể hiện các vấn đề như an toàn cho nguồn tài liệu thư viện gồm trụ sở thư viện, phạm vi tài liệu trong tòa nhà thư viện, an toàn trong phòng đọc, quá trình cho mượn hoặc di chuyển tài liệu trong, ngoài thư viện, trong trưng bày, triển lãm giới thiệu tài liệu trong thư viện nhất là các tài liệu quý hiếm, có giá trị cao, hệ thống máy tính, máy chủ lưu trữ tài liệu số, hệ thống mạng internet… Các lối đi trong thư viện cần đảm bảo có chỉ dẫn khu vực dành cho người dùng tin, khu vực chỉ dành cho cán bộ thư viện.

     Phòng chống hỏa hoạn

     Các thư viện ĐBSCL cần có danh mục các dụng cụ chữa cháy như bình chữa cháy dạng bột (bình CO2), bao cát, xô, chậu… Các dụng cụ này được đặt ở vị trí các cán bộ thư viện có thể tìm thấy dễ dàng để kịp thời ứng phó với sự cố. Số lượng các bình chữa cháy được bố trí trong thư viện cần được nêu rõ, đảm bảo đáp ứng việc ứng cứu khi có hỏa hoạn xảy ra. Sơ đồ vị trí đặt bình chữa cháy, cầu dao điện, cửa thoát hiểm… cũng được gửi đến các nhân viên thư viện, được dán ở vị trí nhiều người có thể nhìn thấy được.

     Ứng phó với lũ lụt

     Cần có một chương trình sẵn sàng đối phó với trường hợp khẩn cấp có hệ thống, toàn diện giúp giảm thiểu các thiệt hại ở mức thấp nhất. Những chương trình này có chức năng nhận biết, ngăn ngừa rủi ro, từ đó phản ứng một cách tích cực với các trường hợp khẩn cấp. Ở khu vực ĐBSCL, hằng năm lũ lụt diễn ra theo chu kỳ cho nên việc lập phương án phòng chống lũ lụt, những ảnh hưởng của chúng đến tài liệu vào thời điểm xuất hiện lũ lụt là vô cùng cần thiết. Trước khi xây dựng phương án phòng chống lũ lụt, các thư viện tỉnh ĐBSCL cần có kế hoạch chuẩn bị nhằm làm cơ sở lập phương án đối phó với lũ lụt. Nội dung của kế hoạch chuẩn bị đối phó với lũ lụt gồm nhận định các rủi ro, làm giảm nguy cơ, sự hợp tác giữa thư viện với các cơ quan khác như công an, cơ quan cung ứng thiết bị sửa chữa tài liệu sau bão lũ…; xác định các nguồn tài liệu được ưu tiên cứu chữa sau tai họa, lập phương án phòng chống tai họa bằng văn bản theo mẫu, duy trì phương án. Yêu cầu khi xây dựng kế hoạch chuẩn bị phương án đối phó với lũ lụt đòi hỏi phương án phòng chống lũ lụt phải được thể hiện bằng văn bản, là kết quả của nhiều hoạt động khảo sát đa dạng. Giám đốc của thư viện có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định kế hoạch này hoặc giao phó trách nhiệm này cho cá nhân khác, nhưng cần lưu ý muốn quá trình này mang lại hiệu quả thì nó phải nhận được sự hỗ trợ từ cấp lãnh đạo cao nhất của thư viện. Người hoạch định kế hoạch phải lập được một thời gian biểu cho dự án này, xác định phạm vi, mục tiêu của kế hoạch, chủ yếu dựa trên cơ sở những nguy cơ mà thư viện phải đối mặt.

     Tóm lại, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của di sản văn hóa thành văn tại các thư viện ở ĐBSCL. Để phòng ngừa, loại bỏ các yếu tố gây hại đến chất lượng của di sản, cần có sự chung tay góp sức của các cơ quan ban ngành, các cán bộ thư viện, người dùng tin… để bảo tồn, phát huy di sản, gìn giữ cho tương lai. Khắc phục những yếu tố này là phương thức tốt nhất để bảo quản, gìn giữ giá trị di sản thành văn của thư viện ĐBSCL.

_____________

     1. Cao Thị Nhung, Các yếu tố công nghệ và tính chất các loại giấy, Đại học Quốc gia TP.HCM, 2005, tr.321.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Thắm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *