Cách mở đầu và kết thúc trong “hai đứa trẻ” và “cố đô”


 

Kết cấu tác phẩm văn học là toàn bộ tổ chức tác phẩm nhằm phục tùng đặc trưng và nhiệm vụ nghệ thuật cụ thể mà nhà văn tự đặt ra cho mình để biểu hiện nội dung nhất định. Theo chiều dọc, kết cấu tác phẩm có hai cấp độ: kết cấu hình tượng và kết cấu văn bản nghệ thuật. Cách mở đầu và kết thúc tác phẩm là một phương diện nhỏ của nghệ thuật bố cục và thành phần của trần thuật thuộc cấp độ kết cấu văn bản nghệ thuật nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc làm nổi bật quan niệm thẩm mỹ, ý đồ nghệ thuật và chủ đề tác phẩm. Dưới đây chúng ta sẽ xem xét cách mở đầu và kết thúc tác phẩm của Thạch Lam với Hai đứa trẻ và Kawabata với Cố đô.

“Âm thanh là một tín hiệu của thế giới. Mặc dù âm thanh không phổ quát bằng màu sắc… nhưng âm thanh có sức vang động mạnh (người ta dễ dàng nhắm mắt để trốn ánh sáng nhưng không dễ dàng trốn được âm thanh. Báo hiệu bằng âm thanh hữu hiệu hơn báo hiệu bằng màu sắc”(1). Vậy nên Thạch Lam đã bắt đầu thiên truyện Hai đứa trẻ bằng tiếng trống thu không. Đây là tiếng trống báo an, báo hiệu đóng cổng thành. Nó vang lên thong thả từng tiếng một đủ để làm xao động mọi ngõ ngách làng quê, thấm vào không gian, ngấm vào lòng người để gọi hoàng hôn và nỗi buồn làm cho chiều tàn phố huyện như mênh mang, sâu thẳm với ba chiều kích: chiều cao của bầu trời phương tây đỏ rực, chiều rộng của những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn và chiều sâu ở nơi có những hàng tre dưới mặt đất. Hiện hữu trong không gian này, con người như nhỏ nhoi hơn, nhìn trời chỉ thấy ánh sáng ở cao, xa lại đang nhạt dần, còn bóng tối lại rất gần như đang đùn lên từ mặt đất. Bóng tối càng lúc càng tăng. Lúc đầu, là ở hàng tre, sau đó lan tỏa, bao trùm cửa hàng của Liên và cuối cùng “đôi mắt chị bóng tối ngập đầy”. Bóng tối ập về cũng là lúc dàn nhạc đồng quê vang lên “văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”(2). Dàn nhạc ấy càng lúc càng đông, càng lúc càng tới gần và dần dần ngự trị không gian sinh hoạt bé nhỏ, chật chội của con người khi “muỗi đã bắt đầu vo ve”(3). Tác giả đã lấy động để tả tĩnh, lấy xa để nói gần, lấy cái đẹp của thiên nhiên để nói về cuộc sống êm ả, bình lặng một cách đáng thương của con người, đặc biệt, lấy bóng tối vốn là quy luật của tự nhiên để thể hiện cuộc sống càng lúc càng tăm tối của người dân nơi phố huyện.

Nhẹ nhàng, kín đáo, Thạch Lam đặt Liên, một thiếu nữ mới lớn, vào vị trí nhân vật và vị trí khán giả của bức tranh chiều tàn để “ tự mình chìm đắm trong sự vật mà cũng làm cho sự vật đắm chìm trong bản thân mình”(4), nên cô không chỉ nhìn thấy cảnh chiều tàn mà còn đang trải lòng ra để hiểu và đồng cảm với hồn cảnh vật để cảm được“ cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ” của mình. Và dù không hiểu nhưng Liên “thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn” (5). Đặt từ thấm thía vào giữa hai cụm từ chỉ nỗi buồn (cái buồn của cảnh và nỗi buồn của lòng người), tác giả như muốn khẳng định: cảnh vật và con người đã thấu hiểu, đã thấm nỗi buồn của nhau trong cả tư tưởng và tình cảm. Cảnh và người thật đẹp, đẹp trong sự hài hòa tinh tế nhưng cũng gợi buồn biết bao nhiêu. Buồn vì những tâm hồn trẻ thơ dường như đang mất đi sự ngây thơ hồn nhiên, vì bình minh của tuổi trẻ, mùa xuân cuộc đời đang mờ đi, tàn đi trong cô quạnh và bóng tối.

Còn với Cố đô, một trong ba tác phẩm đã đem lại cho Kawabata giải thưởng Nobel năm 1968 đã được mở đầu bằng một bức tranh vô cùng gợi cảm, đầy xuân sắc, mang tên Hoa mùa xuân, nhưng không phải hoa anh đào, quốc hoa của xứ Phù tang, mà là hai khóm hoa tím khiêm nhường, bé mọn, vô danh lấp ló trong hai hốc của một cây phong cổ thụ. Cây phong cổ thụ, nơi sinh thành, nuôi dưỡng hai khóm hoa tím và cũng là một thứ phông nền cho hai khóm hoa tím đơn côi, có thân mình đầy rêu, phủ lớp vỏ chai sần, nứt nẻ. Vừa đúng ngang tầm eo lưng, cây phong hơi vẹo về bên phải. Đến đoạn cao hơn đầu nàng (Chieko) thoắt vươn sang phải, che phủ cả khu vườn. Cành dài trĩu xuống, chạm đầu cành tới đất. Và khi mùa xuân đến, những chồi non hồng hồng đã bắt đầu nứt ra. Bằng một thứ ngôn từ giàu chất họa, chất thơ, Kawabata đã vẽ ra một bức tranh thiên nhiên đậm đà phong vị Nhật Bản với nghệ thuật bonsai nhưng là một thứ bonsai thiên tạo. Chính điều này đã làm cho cây phong có được “sự nể trọng, một nét mỹ cảm riêng” (6) và trở thành khúc ngợi ca sự hùng vĩ. Thấp thoáng trong tán lá cây phong cổ thụ, bên hai khóm hoa tím nhỏ nhoi, dưới đàn bướm trắng chập chờn là một thiếu nữ, bông hoa tươi thắm của cuộc đời, đang hòa vào cảnh vật từ đường nét, màu sắc đến bố cục để làm nên một khu vườn xuân ngời lên vẻ đẹp xabi (cái đẹp gắn với tự nhiên), wabi (vẻ đẹp thường ngày, vẻ đẹp giản dị), xibui (đẹp tự nhiên kết hợp với sự giản dị) và yugen (đẹp u buồn, đẹp trong quá trình hoàn thiện).

Thiếu nữ Chieko khi hòa mình vào thiên nhiên không chỉ say mê, nâng niu cái đẹp “vì cả năm nay nữa các bạn cũng nở tuyệt vời đến thế”. Nàng còn tư lự, băn khoăn: “Liệu khi nào hai cây hoa tím trên dưới gặp được nhau không? Liệu chúng có biết đến sự tồn tại của nhau không?”(7). Với việc dùng từ gặp, biết người đọc nhận ra hai câu hỏi của Chieko đâu chỉ đơn thuần là những thắc mắc, băn khoăn cho ngoại giới mà còn là cách giãy bày mong ước gặp gỡ thầm kín của lòng mình trong một niềm tin sâu thẳm như chính quy luật của tự nhiên: “Nhưng dù sao cứ xuân sang, trong hai hốc nhỏ bé trên thân cây phong, chồi mới lại nhú lên, hoa lại nở”(8). Đây là sự chuẩn bị cho mạch truyện về thân phận đứa con bị bỏ rơi trong một xã hội Nhật Bản văn minh song vẫn còn lưu giữ những hủ tục và niềm tin mù quáng.

Sau những giây phút tư lự, suy tưởng về thân phận, Chieko ngạc nhiên về “kiếp sống” khác thường của loài hoa tím vô danh đôi lúc xen lẫn cảm giác đơn côi để rồi cuối cùng phát hiện ra “chính đây là nơi chúng đã lớn lên… rồi sống…”(9). Mảnh đất Nhật Bản là nơi sinh thành, nuôi dưỡng thiên nhiên, con người Nhật Bản. Và thiên nhiên, con người Nhật Bản luôn sống mạnh mẽ, mãnh liệt trong mọi hoàn cảnh. Đây chính là dụng ý nghệ thuật để nhà văn khơi nguồn cho một mạch chuyện khác, chuyện về thành phố Kyoto sau chiến tranh, trong thời đại công nghiệp: “Bản thân thành phố thật sự là một nhân vật quan trọng…” (10)

Từ tìm hiểu trên, chúng ta thấy hai nhà văn dường như đã có sự gặp gỡ, tương đồng trong ý đồ sáng tác và quan niệm thẩm mỹ. Bởi cả hai đoạn văn mở đầu đều được hai tác giả chú tâm vẽ ra những bức tranh thiên nhiên đẹp, vừa là không gian sống, là bối cảnh cho câu chuyện, lại vừa là một người bạn đồng hành, nâng đỡ tinh thần cho con người trong suốt cuộc đời. Điều này cho thấy, hai tác giả, nói rộng ra cả hai dân tộc, đều yêu chuộng thiên nhiên, coi thiên nhiên là một phần quan trọng của đời sống con người, đặc biệt là đời sống tinh thần, tình cảm. Cả hai nhà văn đều say mê phác họa hình ảnh thiếu nữ có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, sâu sắc trước thiên nhiên và cuộc đời trong cảm thức chung về cái đẹp con người.

Song do hai tác giả thuộc hai dân tộc và có những ý đồ riêng trong sáng tạo nghệ thuật nên thiên nhiên được dụng công xây dựng khác nhau.

Ở đoạn văn mở đầu tác phẩm Hai đứa trẻ, Thạch Lam triệt để sử dụng nghệ thuật tương phản đối lập (âm thanh – màu sắc, bầu trời – mặt đất, màu đỏ – màu đen, thiên nhiên – con người) để tạo sự phân cực, phân mảnh trong bức tranh lắp ghép theo chủ nghĩa ấn tượng. Cùng với đó là nghệ thuật tăng tiến, ẩn dụ để cực tả bóng tối, Thạch Lam đã vẽ ra một bức tranh chiều quê mang đậm phong vị, thần thái, cảnh sắc của làng cảnh Việt Nam (nói chung), ở thời thuộc Pháp (nói riêng), mà trong đó con người đang phải sống cuộc sống tối tăm vì nghèo đói, đơn điệu và nhàm chán.

Còn trong Cố đô, Kawabata lại sử dụng hiệu quả nghệ thuật miêu tả chi tiết cận cảnh kết hợp bút pháp chấm phá đơn sơ và biện pháp hòa hợp để vẽ nên một khu vườn vào xuân dồi dào sức sống, tươi trẻ khi “trên cây phong chồi non hồng hồng đã bắt đầu nứt ra”(11). Đây chính là nơi người Nhật thể hiện lòng tôn kính thiên nhiên và cũng là nơi người Nhật “như được trở về với cội nguồn, với bản thể của chính mình, trở về với sự an bằng tự tại vốn có của tâm hồn, tìm Phật tính vốn có trong tâm” (12).

Kết thúc Hai đứa trẻ, hình ảnh đêm tối lại hiện ra sau khi đoàn tàu đi qua. Liên cúi xuống vực em vào gian hàng để ngủ và nằm bên cạnh em. Chị gối đầu lên tay nhắm mắt lại nhìn sâu vào tâm tưởng để thấy thế giới thực nhỏ bé, tù túng, tăm tối đang mờ dần đi, thay vào đó là thế giới mộng với biết bao sự xa xôi, rộng lớn. Đây chính là cách thức nhân vật thoát ra khỏi thực tại tăm tối mà đến với thế giới mộng ảo. Nhưng buồn thay, trong thế giới mộng ảo của những ước mơ xa xôi, hiện thực nghiệt ngã vẫn còn đó, nó là ngọn đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ. Hình ảnh ngọn đèn dầu leo lét nơi hàng nước chị Tí trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm được coi là một biểu tượng cho cuộc sống leo lét, tăm tối của người dân nơi phố huyện nghèo. Giờ đây, ngọn đèn ấy xuất hiện lần nữa nhưng không phải trong thế giới của cái thực mà là thế giới mộng ảo. Nghĩa là thứ ánh sáng mờ mờ chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ của chiếc đèn con đã đọng lại, đã ám vào cả trong giấc mơ của thiếu nữ mới lớn khiến cho giấc ngủ vì thế mà tĩnh mịch và đầy bóng tối như đêm của phố. Hình ảnh này đã tạo ra biểu tượng lồng trong biểu tượng: nỗi ám ảnh về cuộc sống tăm tối, quạnh hiu, không niềm vui, hạnh phúc ở thế hệ tương lai đất nước, bình minh cuộc đời. Khi bàn đến cách kết thúc này, tác giả Phạm Quang Trung đã viết: “Kết thúc tác phẩm là giấc ngủ của Liên trong tĩnh mịch và bóng tối giữa cuộc đời chật hẹp như chiếc đèn của chị Tí chỉ đủ chiếu sáng một vùng đất nhỏ. Cuộc sống đơn điệu buồn tẻ, in hằn lên nếp sống, nếp nghĩ của trẻ thơ. Cái nhìn của Thạch Lam thật tinh tường! Tấm lòng của Thạch Lam thật bao dung ! Tác phẩm vang lên lời kêu cứu. Vâng, hãy cứu tâm hồn nhỏ dại của trẻ thơ khi chưa quá muộn” (13).

Còn kết thúc tác phẩm Cố đô là cảnh Naeko, sau một đêm ngủ cùng chị em sinh đôi Chieko tại căn phòng tiện nghi, ấm áp và hạnh phúc, đã quyết định dậy sớm chia tay với chị để không ai nhìn thấy trong một buổi sáng đầu đông có tuyết rơi nhẹ. Hai mạch truyện được tác giả đặt ra ở đoạn văn mở đầu tác phẩm dường như đã được triển khai trọn vẹn ở phần nội dung và gói gém khéo léo trong đoạn kết. Chieko đã tìm gặp được người chị em sinh đôi Naeko của mình như mong muốn. Cố đô Kyoto đang sống thật mạnh mẽ, đang ngời lên vẻ đẹp tinh khôi, trong trẻo, tĩnh lặng của ánh ban mai và tuyết trắng. Nhưng trên thực tế, khi khép tác phẩm lại, người đọc vẫn còn vương vấn nỗi buồn, sự trăn trở, băn khoăn: Liệu hai chị em sinh đôi ấy có còn gặp lại nhau ? Cuộc đời họ sẽ ra sao? Chieko và Naeko sẽ lấy ai làm chồng ? Việc Naeko chia tay người chị em sinh đôi của mình ở một khu phố buôn bán ở Kyoto là biểu hiện của đức hy sinh cao cả hay còn là việc rời bỏ không gian đô thị để trở về với không gian nguyên sơ, trong sáng như một sự trở về với cội nguồn, với bản thể của mình? Trong tương lai, Kyoto có giữ được vẻ đẹp, sự trong trẻo, tinh khôi như buổi ban mai của ngày đầu đông này không?

So sánh hai cách kết thúc ở hai tác phẩm, chúng ta đều thấy đó là những kết thúc độc đáo, kết mà không phải kết, kết mà không hết chuyện. Theo tác giả Đào Thu Hằng: “Cuộc sống không bao giờ là hoàn thiện hoàn mỹ. Với những kết thúc mở, mơ hồ, người kể chuyện đã biết dừng lại đúng lúc để kích thích trí tưởng tưởng của độc giả, tạo cơ hội cho họ trở thành người đồng hành trên quá trình sáng tạo nghệ thuật”(14). Tuy nhiên, xem xét một cách cụ thể, chúng ta vẫn nhận thấy sự khác biệt đáng kể trong cách kết thúc mỗi thiên truyện. Ở Hai đứa trẻ, bóng tối đêm hè phố huyện là chủ đạo. Nó xâm chiếm không gian, len lỏi vào cả giấc ngủ làm cho con người như đang bị giam cầm trong ngục thất ngột ngạt, tăm tối. Đặt kết thúc này trong tương quan với đoạn văn mở đầu, người đọc nhận ra dù Thạch Lam chỉ kể những chuyện vặt vãnh đời thường, thậm chí còn mơ hồ, chưa định hình trong một khoảng thời gian rất ngắn ở một phố huyện nhỏ, nhưng đã khái quát được những vấn đề lớn của xã hội trong cả một gian đoạn lịch sử, đó là vấn đề về quyền con người, bao gồm quyền được sống, được tự do và được sung sướng.

Còn ở Cố đô, Kawabata lại lấy ánh sáng tinh khôi, thanh sạch của ban mai, của tuyết rơi làm phông nền cho cuộc chia tay không hẹn ước của hai chị em sinh đôi khiến cho khung cảnh hiện lên thật đẹp và cũng thật buồn. Đặt kết thúc này trong quan hệ với đoạn văn mở đầu, người đọc thấy diễn tiến câu chuyện không gói gọn trong ngày mà kéo dài từ mùa xuân tới mùa đông. Mùa xuân ấm áp, dịu dàng với màu tím ngát của hoa dại, còn mùa đông lạnh lẽo, tinh khôi với tuyết trắng đang vương và tan trên tóc Naeko. Đây sẽ là hai hình ảnh góp phần làm nên cảm thức thiên nhiên ở người Nhật (hoa –trăng –tuyết) và sẽ mãi đọng lại trong tâm hồn người đọc, trong đó “Tuyết tượng trưng cho bốn mùa thay đổi và thời gian trôi qua…Hoa là hiện hữu của từng mùa và từng thời” (15). “Tuyết trước hết với Kawabata, đó là tự nhiên (shizen), là thế giới vô thần, nhưng nó cũng chinh là thần thánh (kami), nó tạo được ra một cõi an lạc vô biên, dù là khoảng khắc rơi cũng hiện thân được sự vĩnh hằng và tượng trưng cho vẻ đẹp tinh khiết của người con gái… . Dù ở trạng thái nào, tuyết vẫn tỏa ra sự tinh khiết, thanh sạch” (16). Xem xét ý nghĩa biểu tượng của hoa và tuyết, nhất là tuyết trong đoạn văn cuối, chúng ta nhận ra Kawabata đã đặt con người Nhật Bản, cố đô Kyoto vào một thế giới thiên nhiên huyền bí, sâu thẳm và diễm lệ trong sự vận hành, đắp đổi của bốn mùa để con người được giao cảm với thiên nhiên theo tinh thần “thiên văn giao cảm với nhân văn….thiên nhân hợp nhất” (17). Đây chính là cách ông đưa ra vấn đề giữ gìn, phát huy vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp con người, vẻ đẹp văn hóa của một dân tộc duy mỹ, duy tình bằng cách “truyền đạt một nhận thức văn hóa có tính thẩm mỹ và đạo đức bằng một phong cách nghệ thuật độc đáo” (18).

Có thể nói, qua việc tìm hiểu cách thức mở đầu và kết thúc tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Cố đô của Kawabata, chúng ta không chỉ khâm phục tài năng của hai nhà văn trong việc lựa chọn, sắp xếp chi tiết, ngôn từ để gây ấn tượng và tạo dư ba cho người đọc, mà chúng ta còn hạnh phúc vì được du ngoạn, đắm mình trong dòng chảy mát lành của hai nền văn hóa để thêm hiểu mình và hiểu người, hiểu ý đồ nghệ thuật và quan niệm thẩm mỹ của hai nhà văn để từ đó có thêm nhiều hứng thú trên hành trình đồng sáng tạo với nhà văn.

_______________

1. Trần Đình Sử, Thi pháp học, Nxb Thống nhất, 1993, tr.93.

2, 3, 5. Thạch Lam, Ngữ văn lớp 11, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1988, tr.95,96.

4. Phương Lựu, Lý luận văn học phương Tây hiện đại, Nxb Văn học, Hà Nội, 1995, tr.105.

6, 7, 8, 9, 11. Y.Kawabata, Cố đô, Nxb Lao động, Hà Nội, 2004, tr.1.

10, 18. Diễn văn trao giải Nobel văn học của tiến sĩ Anders Osterling năm 1968, nhatban.net

12. Nguyễn Thị Mai Liên. Sự phân cực không gian nghệ thuật trong sáng tác của Kawabata, vanhocviet.org

13. Bốn góc nhìn về Hai đứa trẻ của Thạch Lam, vanvn.net

14. Đào Thị Thu Hằng, Văn hóa Nhật Bản và Y.Kawabat, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.83.

15, 17. Nhật Chiêu, Cảm thức thiên nhiên của người Nhật và người Việt, vanchuongviet.org

16. Phạm Thị Khánh Liêm, Biểu tượng trong bộ ba Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô của Y. Kawabata (Luận văn thạc sĩ. Mã số 60.22.30), doko.vn 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 362, tháng 8-2014

Tác giả : Nguyễn Thị Huân

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *