Cảm nhận về minh triết và minh triết việt


 

Thế giới hiện nay đang sống văn hóa hậu hiện đại. Trong khi chống lại các đại tự sự, nhất là chủ trương thay thế lý thuyết hệ thống, cấu trúc bằng lý thuyết mạng lưới hay thân rễ, thì việc hô hào phục hưng minh triết, như là cái đối lập với triết học, cũng là dễ hiểu, vì điều đó, vô tình hay hữu ý, nằm trong chiến lược chung của hậu hiện đại. Việt Nam là một đất nước chủ yếu còn ở tình trạng tiền hiện đại, còn đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nên ứng xử với hậu hiện đại nói chung và minh triết nói riêng không thể giống như ứng xử của một nước đã trải qua hiện đại và giờ đây đang đối mặt với hậu hiện đại. Bởi thế, một mặt chúng ta cập nhật với các trào lưu của thế giới, để biết người (rồi mới) biết mình (1), mặt khác phải ý thức được độ chênh giữa ta và thế giới, để có sự nhận biết thực sự, tránh thái độ vồ vập thái quá cũng như sự quy kết chối bỏ.

Việt Nam là một đất nước, theo Trần Quốc Vượng, nông dân, nông nghiệp, nông thôn, nhất là những cái nông ấy lại đều là tiểu nông, nên rất chuộng thực tế, thậm chí trở thành thực dụng, chưa có sự phát triển của ý thức cá nhân, óc duy lý và tư duy tư biện. Bởi thế, nó không có tôn giáo bản địa, nói gì đến tôn giáo lớn, và, do đó, không có triết học. Các tôn giáo ngoại như Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, Kitô giáo, cũng như các học thuyết triết học khác nhau, một khi nhập cảnh vào Việt Nam, thì phần triết lý, duy niệm, hình nhi thượng ít nhiều đều bị giữ lại ở cửa khẩu, đi qua được chỉ là phần thực hành, nghi thức, duy thực, hình nhi hạ. Bởi thế, tất cả các cụ, không trừ một ai, Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử, Jésus, Marx… đều nhanh chóng bị tinh thần làng xã biến thành các vị thần bảo trợ, ban phúc giáng họa. Còn các học thuyết triết học thì cũng sớm rơi vào tình trạng chưa chín đã nẫu. Câu nói đầy trực giác của Vũ Trọng Phụng, tôi nghĩ, không phải là không có hạt nhân hợp lý: “Đại Cồ Việt ta là cái đất cằn cỗi, những lý thuyết và tư tưởng ở đâu đâu, tốt đẹp thế nào mặc lòng, cũng cứ đến đây là thối nát”(2).

Việt Nam ta, do không có sự phát triển triết học như vậy, lại càng không nói đến sự phát triển đã thành một hệ thống quá duy lý, chặt chẽ đến mức không thở được, nên chưa có nhu cầu thực sự, bên trong trở về hay đi đến minh triết như ở phương Tây. Còn phong trào trở về với minh triết, nhất là minh triết Việt, hiện nay, tuy không phải là nhu cầu giả, nhưng, theo tôi, chủ yếu xuất phát từ sự phản ứng, bức xúc nào đó với những lý thuyết nẫu do người bứng trồng không mát tay, hay nó không hợp thủy thổ, hay có sự lộn sòng mục đích – phương tiện. Bởi thế, thay vì phủ nhận triết học nói chung để thay thế nó bằng minh triết, Việt Nam cần phải đi bằng hai chân: vừa về với minh triết như một cái gì đó quen thuộc, của ta, vừa tìm hiểu nền triết học thế giới để tiến tới xây dựng lấy một triết học cho ta. Đi bằng một chân, tức chuyển từ sự mê sảng lý thuyết này sang sự mê sảng lý thuyết khác, thì không thể đi lâu và, quan trọng hơn, đi xa được, và, xét cho cùng, thì khập khiễng cũng không phải là minh triết.

Hơn nữa, minh triết Việt, nhìn từ thực chất, chủ yếu là minh triết dân gian (indigenous mind), minh triết thực tiễn (đối lập với minh triết lý thuyết theo khái niệm của Aristote)(3). Minh triết gắn liền với kinh nghiệm, đúng hơn chính là kinh nghiệm, nên nó cũng gắn với chủ thể của kinh nghiệm đó. Người tiểu nông Việt, mà người Việt Nam nào, lại vẫn theo Trần Quốc Vượng, lại chả mang một căn tính nông dân, dù có phát triển đến đâu thì vẫn là người tiểu kỷ (thuật ngữ của Trần Đình Hượu), nên thế giới kinh nghiệm của họ phần lớn là nghèo nàn, hạn hẹp, tính phổ quát không cao, nhất là hiện nay, khi chúng ta bước vào thế giới công nghiệp và hậu công nghiệp thì điều ấy càng lộ rõ. Cho nên thứ minh triết trong đời sống thường ngày này thường chỉ thể hiện ở chỗ biết “suy tính những gì là tốt, là thiết thực… cho mình để có được một cuộc sống tốt” (định nghĩa minh triết thực tiễn của Aristote, dẫn theo Hoàng Ngọc Hiến). Nhưng, điều quan trọng là những quan niệm “tốt”, “thiết thực”, “cuộc sống tốt” lại bị quy định bởi tính tiểu nông và tinh thần làng xã. Còn, cụ thể hơn, muốn nói “cuộc sống tốt” của minh triết Việt là “sống tử tế”, “sống hẳn hoi” thì liệu chúng ta, do đòi hỏi của trạng thái nhân thế hôm nay và nhu cầu lý thuyết hóa, có “gán nghĩa” cho nó không. Minh triết, phần nào cũng giống như vô thức, một khi đã được/ bị lý thuyết hóa, thì nó không còn là minh triết nữa?

Phần minh triết bác học trong minh triết Việt lại chủ yếu rút ra từ triết lý của các tôn giáo lớn du nhập vào Việt Nam và có phần nào được bản địa hóa. Triết lý phương Đông, theo Kim Định, mang những đặc điểm của tư duy minh triết, bởi nó tồn tại như là những lời giáo huấn dưới dạng vắn tắt kiểu châm ngôn, lời nói còn gắn liền với nhân thân người nói, thậm chí lời nói (vô ngôn) chính là nhân cách người nói, một khi anh ta trở thành tấm gương. Như vậy, mục tiêu của triết Đông là xiểm dương chân lý qua con đường thể nghiệm, trực giác, chứ không phải là tri thức qua con đường phân tích, phê phán như triết Tây. Minh triết bác học Việt, vì thế, là một tập hợp những câu châm ngôn thiên về đạo lý, đạo đức, cách ứng xử… đã tách rời khỏi hệ thống xuất thân của nó để cho người Việt tự do diễn giải và tự do vận dụng. Khi nó phù hợp với kinh nghiệm của người Việt, được kinh nghiệm đó lấp đầy, thì nó sống. Còn khi nó trái với kinh nghiệm thực tiễn, thì nó trở thành khẩu hiệu, lời nói suông: nó chết, hoặc, đúng hơn, nó sống cái đời sống ký hiệu của nó để phục vụ một quyền lực nào đó. Minh triết bác học Việt, như vậy, là đã bị dân gian hóa.

Việt Nam hiện nay tụt hậu về cả kinh tế, trình độ xã hội lẫn tư tưởng. Những nước đi sau thường rơi vào hai trường hợp: 1) nếu bị động, hoặc tự bịt mắt mình, không nhận rõ được mình hiện nay đang ở đâu trong tiến trình của thế giới, thì rất dễ có nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ và thùng rác tư tưởng, và, do đó, khoảng cách với thế giới sẽ ngày càng nới rộng, thậm chí không bao giời đuổi kịp, dần dần sẽ trở thành một khúc ruột thừa; 2) nếu chủ động và tỉnh táo thì sẽ rút kinh nghiệm được từ những sa sẩy của người đi trước, tiết kiệm được mồ hôi nước mắt, thậm chí xương máu, tránh được những luồng sóng dư lực từ những con tàu đi trước, tìm ra cây gậy rút đường (chứ không phải đi tắt đón đầu, hoặc chờ sự lộn lại lấy đuôi làm đầu như trò chơi rồng rắn của trẻ con) để thu dần khoảng cách với thế giới.

Việt Nam hiện nay, ở lĩnh vực chúng ta đang bàn tới, tôi nghĩ, một mặt phải vừa phát triển triết học vừa phát huy minh triết, mặc dù điều này rất khó khăn, còn lấy minh triết thay cho triết học thì quá dễ dàng bởi lẽ chúng ta còn chưa có triết học, mặt khác phải xây dựng một xã hội công dân, có trình độ xã hội hóa và cá nhân hóa cao, có dân chủ tham gia (chứ không chỉ là dân chủ đại diện) và dân chủ vì cá nhân (chứ không phải dân chủ đám đông, dân chủ vì cộng đồng), để làm môi trường (4) phát huy minh triết, để minh triết không trở thành những lời ma mị, suông.

Hà Nội, 9-2009

_______________

1. Trước đây, chúng ta đã quá quen với lối tư duy biết mình biết người, nội chủ ngoại khách, Đông học vi thể, Tây học vi dụng… Giờ đây, có lẽ, trong một thế giới liên lập, liên chủ thể, các phạm trù khách quan, chủ quan đều đã bị thay thế bằng các phạm trù khách – chủ quan, chủ – khách quan, thì cũng nên “đổi mới tư duy”. Bởi nếu chỉ lấy cái tôi làm thước đo, mà cái tôi ấy lại đầy hạn chế, thậm chí khuyết tật, “một mình mình nói, một mình mình nghe” như vậy, thì làm sao đo nổi thế giới.

2. Vũ Trọng Phụng, Truyện ngắn, Hội nhà văn, 1996, tr.327, dẫn theo Hoàng Ngọc Hiến.

3. Thực ra, thuật ngữ minh triết lý thuyết của Aristote, theo tôi, là khá mâu thuẫn vì khi nói đến lý thuyết minh triết thì nó đã là triết học rồi. Bởi, minh triết tự nó là không có lý thuyết, nó chỉ là kinh nghiệm, còn khi đã nâng lên thành lý thuyết, hoặc lấy một lý thuyết nào đó để soi rọi nó thì nó đã không còn là nó rồi!

4. Hoàng Ngọc Hiến có nói: “Một hiện tượng quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân loại là những gì không được người ta nhớ đến thì dần dần sẽ biến mất. Xã hội không quan tâm đến “sự tử tế”, “sự hẳn hoi” thì dần dần những người hẳn hoi, tử tế sẽ biến mất; ngược lại, xã hội còn nhớ đến những phẩm hạnh này, thì những người hẳn hoi, tử tế sẽ xuất hiện khắp nơi”. Tôi cho rằng không phải nghĩ đến, nhớ đến, mà phải xây dựng được một cơ chế xã hội như thế nào đó để những người hẳn hoi, tử tế được tôn trọng, có quyền lợi phù hợp, thì người hẳn hoi tử tế mới tồn tại được và sau đó ngày càng đông đảo.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 310, tháng 4-2010

Tác giả : Đỗ Lai Thúy

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *