Cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần quân đội mãi khắc sâu lời Bác dặn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư, đến thăm hỏi, căn dặn cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần quân đội – những người thay mặt Đảng và Chính phủ săn sóc bộ đội, góp phần xây dựng quân đội ta ngày càng hùng mạnh. Những ngày đầu mới thành lập, quân đội nhân dân Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn về vũ khí, quân trang và lương thực. Khi quân đội chưa có hậu cần, tự tay Bác đã trao cho đồng chí Đội trưởng Đội tuyên truyền giải phóng quân 50 đồng, số tiền đầu tiên do nhân dân đóng góp để nuôi bộ đội với những lời căn dặn kỹ càng. Có thể coi đó là bước đầu tiên, công tác hậu cần nhận trách nhiệm trước quân đội do Bác giao cho, rồi từ đó về sau lớn dần lên và trưởng thành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Người.

Để đưa quân đội ngày càng đi vào chính quy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 121/SL (11-7-1950), ấn định các cơ quan chức năng của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam; quy định tổ chức và nhiệm vụ Bộ tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp. Việc Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) được thành lập đã làm tăng thêm sức mạnh, góp phần làm nên nhiều chiến công vang dội, những kỳ tích của quân đội ta trong hai cuộc kháng chiến, đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ cùng bè lũ tay sai của chúng.

Sau ngày thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho lớp cán bộ Cung cấp đầu tiên (tiền thân của Học viện Hậu cần). Tháng 3-1951, Người đến thăm và nói chuyện với Đoàn xe vận tải đầu tiên của quân đội tại núi rừng Việt Bắc. Tháng 6-1952, Người nói chuyện với Hội nghị Cung cấp toàn quân lần thứ nhất. Ngày 19-12-1958, Bác đến thăm Hội nghị sơ kết phong trào thi đua của các cơ sở thuộc Tổng cục Hậu cần… Những lời Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần quân đội thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

1. Trách nhiệm và bổn phận của cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần

Nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần quân đội là bảo đảm cho bộ đội ăn no, mặc ấm và có đủ vũ khí để đánh thắng giặc. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác này. Người nói: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như công việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận; cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận” (1). Trách nhiệm của Tổng cục Cung cấp cũng như cán bộ cung cấp là phải chịu trách nhiệm trước Đảng và Chính phủ, trước nhân dân và bộ đội, có bổn phận phục vụ chiến sĩ đi đánh giặc và những người dân công đi giúp chiến dịch: “Đối với chiến sĩ, phải săn sóc họ, làm sao cho họ đủ ăn, đủ mặc, đủ súng, đủ thuốc”, “… Phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ” (2). Nếu không làm được như vậy, thì không chỉ ảnh hưởng đến công việc bảo đảm hậu cần phục vụ bộ đội mà còn ảnh hưởng đến cả chiến dịch.

Có người cho rằng cung cấp là một công việc tầm thường, không được nêu danh như ra trận đánh giặc nên muốn chuyển sang công tác khác. Theo Bác, như vậy là không đúng, vì “cách mạng cũng như một bộ máy, phải có phân công, người làm việc này, người làm việc khác, nhưng việc nào cũng cần thiết, cũng quan trọng” (3). Bởi, nếu mọi người đều ra mặt trận, thì bộ đội lấy gì mà ăn, lấy gì mà đánh? Bác còn khẳng định: “Không có việc sang, hèn. Công việc gì làm tròn, bổ ích cho kháng chiến, cho nhân dân đều là công việc sang, công việc gì bên ngoài có vẻ lòe loẹt mà không làm tròn là công việc xấu” (4).

2. Phải hết lòng thương yêu chiến sĩ

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ và trường kỳ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần cho binh sĩ, phải coi binh sĩ như anh em ruột thịt của mình. Đối với công nhân các nhà máy, với anh em lái xe, với dân công phục vụ chiến dịch và anh em thương binh đều phải như vậy. Cán bộ hậu cần “Phải thương yêu săn sóc người binh nhì. Cán bộ cung cấp như là người mẹ, người chị của người binh nhì” (5). Người “cán bộ cung cấp phải biết rõ số người mình phụ trách cung cấp. Phải có kế hoạch đầy đủ, sổ sách rành mạch. Phải thấy trước, lo trước. Phải có sáng kiến và phải tháo vát” (6), khéo áp dụng những điều đã học và những kinh nghiệm đã có.

Trụ sở Học viện Hậu cần – Ảnh: Hồng Hân

Bác còn đề cập tới một trong nhưng nhiệm vụ mà cán bộ quân đội nói chung và cán bộ hậu cần nói riêng không được coi nhẹ: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt” (7). Nhận được sự chăm sóc, thương yêu, chia sẻ và cảm thông của cán bộ chỉ huy đối với mình, người chiến sĩ sẽ có thêm sức mạnh và nghị lực để vượt qua khó khăn, làm tròn nhiệm vụ được giao dù đó là ở hậu phương hay trên chiến trường.

3. Tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu

Bên cạnh sự đóng góp to lớn về vật chất của nhân dân để quân đội ta ngày càng lớn mạnh, ngoài công tác chuyên môn, các cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần phải tích cực tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là chính sách chung của Đảng, Chính phủ, nhân dân và bộ đội. Theo Bác: “Các cơ quan trong quân đội phải cố gắng trồng trọt chăn nuôi để tự túc phần nào lương thực, thực phẩm, để giảm bớt gành nặng cho nhân dân” (8). Trách nhiệm của Tổng cục Hậu cần từ trên xuống dưới là toàn tâm, toàn lực phục vụ bộ đội. Không để vật chất cám dỗ, không bị sa ngã do lòng tham sai khiến, hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để mưu cầu lợi ích cá nhân, “chớ tham ô, chớ lãng phí một đồng tiền, một bát gạo, một ngày công của nhân dân đóng góp cho bộ đội” (9). Năm 1952, trong thư gửi đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, Bác viết: “Về vấn đề Cục Cung cấp tăng gia sản xuất, Bác có ý kiến: Cục mua lợn con (cũng có thể là bò con), gửi cho dân nuôi. Đến khi lợn to, thì Cục hoặc chia cho dân một nửa thịt, hoặc chiếu giá chợ của con lợn mà trả cho dân một nửa số tiền. Như thế thì sau 7, 8 tháng sẽ có thịt lợn cho bộ đội. Nếu vận động khéo, thì ý kiến ấy rất có thể thực hành, vì nó cũng lợi cho dân. Cố nhiên, Cục vẫn tăng gia sản xuất, nhất là các loại rau đậu!” (10).

Sức khỏe của bộ đội là vấn đề cần quan tâm hàng đầu, bởi có sức khỏe tốt thì sức chiến đấu mới được nâng cao, vì thế Bác rất chú ý đến bữa ăn hằng ngày của người chiến sĩ. Người thường nhắc bộ đội dù thường xuyên di chuyển vẫn cần tranh thủ tăng gia để có thêm thức ăn, góp phần cải thiện đời sống. Mình không ăn thì để đơn vị khác ăn, nhân dân ăn. Tăng gia sản xuất phải đi đôi với tiết kiệm. Tiết kiệm sức người, tiền vốn, thời gian, lương thực và nguyên, vật liệu. Nếu tăng gia mà không tiết kiệm thì vô ích. Tiết kiệm mà không tăng gia thì không có gì mà tiết kiệm? Vì, “Mục đích của tiết kiệm không phải là ăn bớt, mà là thêm ăn, làm cho bộ đội ăn nó” (11).

Muốn tăng gia sản xuất và tiết kiệm có hiệu quả thì biện pháp quan trọng nhất cần thực hiện, đó là chống tham ô, lãng phí và quan liêu. Làm việc phải có kết quả, trong phạm vi số tiền đã định, thu chi đúng mức. Bởi lương thực, vũ khí không phải tự nhiên có được, mà là mồ hôi nước mắt của đồng bào, xương máu của bộ đội, vì vậy, phải quý trọng và sử dụng cho hợp lý. Chính sách của chúng ta từ trước tới giờ là giành của địch để đánh địch. Bộ đội đánh thắng giặc, thu được nhiều chiến lợi phẩm cũng là tăng gia. Có thể dùng những chiến lợi phẩm đã thu được của địch để trang bị cho bộ đội, như vậy, quân y có thêm thuốc, quân nhu có thêm quần áo, chăn màn, quân giới có thêm máy móc, quân khí có thêm súng đạn, vận tải có thêm xe, một mặt góp phần làm tăng công quỹ của Chính phủ, một mặt tăng cường sự trang bị cho bộ đội và giảm nhẹ đóng góp của nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ “càng phải làm mẫu cần, kiệm, liêm, chính. Các cơ quan cung cấp cần phải thực hành kiểm tra, phê bình và tự phê bình, để cải chính dư luận rằng: “Cán bộ cung cấp thường hủ hóa” (12). Phải là người có tinh thần trách nhiệm cao, vượt mọi khó khăn, thực sự yên tâm công tác và kiên quyết gạt bỏ tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, vì cá nhân chủ nghĩa đẻ ra nhiều cái xấu như lười biếng, tham ô, đòi hưởng thụ, kèn cựa, địa vị… Kiên quyết chống nạn tham ô, lãng phí và quan liêu. Bởi tham ô là trộm cướp, là hành động ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm của riêng cho địa phương mình, đơn vị mình. Còn lãng phí không lấy của công đút túi, nhưng kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân và Chính phủ. Có tham ô và lãng phí là vì mắc bệnh quan liêu.

Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam trong sự nghiệp xây dựng quân đội và lớp lớp cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần hôm nay và mai sau. Vì vậy, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần quân đội phải quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn hoạt động công tác bảo đảm hậu cần, đặc biệt là xây dựng ngành Hậu cần quân đội vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Để làm hiện thực hóa điều đó cần làm tốt những vấn đề cơ bản sau:

Một là, tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” gắn với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn ngành Hậu cần, xây dựng cơ quan hậu cần, đơn vị hậu cần các cấp trong toàn quân vững mạnh toàn diện.

Hai là, đẩy mạnh việc xây dựng ngành Hậu cần quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ba là, tăng cường quản lý, rèn luyện đạo đức cách mạng gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần các cấp có đủ đức và tài, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bốn là, xây dựng phong trào thi đua sôi nổi để phát huy tính tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời thường xuyên quan tâm huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần quân đội.

_____________

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.179, 433, 180, 434, 180, 180, 76, 431, 432, 180.

9. Sđd, tập 8, tr.131.

10. Thư gửi đồng chí Trần Đăng Ninh, lưu trữ Tư liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, ký hiệu: H4C2/20, 1952. 

Tác giả: Nguyễn Trọng Tiến

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *