Cành vàng và các huyền thoại về vua thiêng


Cành vàng, cuốn bách khoa thư về văn hóa nguyên thủy, được biên soạn từ đầu TK XX, là một bức tranh rộng lớn, trong đó James George Frazer (1854-1941) đối chiếu sự gần nhau của hàng trăm huyền thoại và nghi thức ở tất cả các lục địa. Tác giả muốn soi sáng điều bí ẩn về việc giết hại “vua thiêng” và, bằng cách đó, ông tin là đã tìm ra chiếc chìa khóa cho tư duy ma thuật của các sắc dân “hoang dã”. Cành vàng đã được tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức dịch và Nxb Văn hóa Thông tin in năm 2007.

Cành vàng của J.G. Frazer mở đầu bằng một truyện kể dưới vẻ bí ẩn. Đó là câu chuyện về một huyền thoại lạ lùng có từ thời La Mã cổ xưa. Trên bờ Nemi, gần La Mã, có một giáo sĩ – vua thờ nữ thần Diane. Khi bắt đầu già, vị vua này phải bị thay thế theo một nghi thức kỳ lạ và tàn nhẫn: ông sẽ bị giết bởi người ngấp nghé kế vị ông, một người nô lệ bỏ trốn. Nhưng người này chỉ có thể phạm tội ác ấy sau khi đánh cắp được một cành cây thiêng gần vị giáo sĩ – vua kia. “Đó là luật của ngôi đền. Kẻ nào khao khát giáo chức Nemi chỉ có thể chiếm chức vụ này sau khi tự tay mình giết kẻ tiền nhiệm; sau vụ giết người được thực hiện, người đó nắm giữ chức vụ ấy cho tới khi một kẻ khác, khôn ngoan hơn và quyết liệt hơn, lại giết ông ta”.

 

1. Tại sao phải giết vua?

 

J.G.Frazer tìm hiểu ý nghĩa của huyền thoại này, một huyền thoại sau đó còn được kể lâu dài ở đế quốc La Mã văn minh. Tại sao phải giết vua khi sức lực của vua bị suy yếu? Và tại sao phải lấy được cành cây quý giá kia trước đã?

Hai câu hỏi này tạo nên tình tiết của một câu chuyện làm cốt lõi xuyên suốt Cành vàng. Tác phẩm thật đồ sộ. Lúc đầu nó được công bố năm 1890 dưới hình thức hai tập dầy. Nhưng sau đó, J.G.Frazer, một người làm việc đơn độc và là một nhà bách khoa không biết chán, đã không ngừng làm phong phú và triển khai chủ đề của mình. Lần xuất bản thứ ba, năm 1911 và 1915, gồm không dưới 12 tập! Vì để kể câu chuyện này, tác giả đề nghị chúng ta làm một cuộc thăm dò rộng lớn các huyền thoại của các cư dân cổ đại và các xã hội nguyên thủy. Bí ẩn của vụ giết “vị vua các khu rừng”, rồi bí ẩn của “cành vàng”, đối với J.G.Frazer, vẫn là duyên cớ để tìm hiểu sự vận hành của tư duy nguyên thủy và để chọc thủng bí ẩn về các nghi thức ma thuật.

Công trình mở đầu bằng một nghiên cứu dài về đề tài “Ông vua ma thuật trong thành bang nguyên thủy”. Trong nhiều xã hội, từ các nhà vua Ai Cập đến các vương quốc cổ châu Phi, vua được trao cho những quyền lực thiêng liêng. Vua không phải là một con người như những người khác, mà là một kiểu nửa thần linh nắm giữ những quyền năng thần diệu. Chính ông gọi mưa về, chủ trì các nghi lễ nông nghiệp và chịu trách nhiệm về mùa màng. Là vua – giáo sĩ, vua – thần linh hay vua ma thuật, vương quyền thiêng liêng của ông là hiện thân của cộng đồng và những sức mạnh tự nhiên. Bằng những sức sống của mình, nhà vua bảo đảm sự thống nhất, sự sống còn của nhóm, và cho phép tự nhiên tái sinh. Chính vì thế mà sự sống và sức khỏe của ông là rất quý giá trong con mắt của các xã hội tôn thờ ông. Nhưng các nhà vua, dù có được nâng lên ngang hàng thần linh đi nữa, thì đến một ngày nào đó cũng chết. Và cái chết của quốc vương luôn luôn là một giai đoạn gay go đối với một cộng đồng.

Trong tập tiếp theo đó, Cái chết của vị vua – thần, J.G.Frazer xem xét những huyền thoại và nghi thức gắn liền với việc nhà vua mất. Để đối phó với nguy cơ bệnh tật và cái chết của nhà vua đang đe dọa sự thịnh vượng của cộng đồng, chỉ còn có một cách. Một cách triệt để: giết chết vị vua – thần ngay khi xuất hiện những dấu hiệu thể chất suy tàn, nhằm chuyển “linh hồn” ông cho một người kế vị mạnh khỏe. Đề tài cái chết và phục sinh của thần được J.G.Frazer liên kết với các nghi thức nông nghiệp theo các chu kỳ của tự nhiên. Ở nhiều cư dân, hàng năm người ta cúng “những linh hồn của lúa mì và của các khu rừng” (được J.G.Frazer dành cho một tập dày).

Rồi trong một tập khác, J.G.Frazer chú trọng tới đề tài “con vật hy sinh”, tức việc giết chết một vị thần hay một con vật thiêng liêng (con cừu). Nghi thức ấy có mục đích thanh lọc xã hội khỏi cái xấu đang rình rập nó. Cành vàng kết thúc với chuyện cổ tích scandinave Balder Huy hoàng. Huyền thoại này nhằm trả lời câu hỏi đặt ra ở đầu cuốn sách: tại sao người muốn kế vị vua – giáo sĩ trước tiên phải hái một cành vàng trước khi giết nhà vua đang tại vị?

 

         2. Cái chết của Balder Huy hoàng

Trong huyền thoại phương Bắc, Balder có tên gọi Huy hoàng, con trai của Odin, thủ lĩnh tối cao cả các vị thần, là người vừa đẹp vừa giỏi nhất, vị thần tốt nhất trong các vị thần. Để che chở và làm cho ông xa cách với mọi nguy hiểm, mẹ ông đã giành được một đặc quyền: Balder sẽ làm cho tất cả các đồ vật có thể làm mình bị thương hay bị giết không thể gây tổn thương cho mình. Vì không thể bị thương, các anh chị em của Balder đùa chơi bằng cách ném đá, bắn tên vào người ông nhưng ông không cảm thấy gì hết.

Nhưng Loki, một vị hung thần, lại biết rằng Balder không phải không bị tổn thương bởi mọi thứ. Có một thứ cây, cây gui, mà Balder không thể được bảo vệ khỏi nó. Loki bẻ một cành cây gui và bẻ thêm một cành cho Hother, một thần mù và rất hùng mạnh. Hother cầm lấy cành gui và dùng dây cung bắn cành cây ấy vào Balder. Ông ngã xuống và chết ngay. Đó là nỗi khủng khiếp và rụng rời của thần linh và con người. Thân thể Balder được mang tới bờ biển để thiêu. Huyền thoại kể với chúng ta rằng, vợ ông điên lên vì tuyệt vọng khi nhìn thấy thi hài chồng mình, rồi cũng lao mình vào ngọn lửa.

Thần Balder như vậy là đã chết, đã bị giết bởi một cành gui. J.G.Frazer nối mẩu huyền thoại này vào sơ đồ của Cành vàng. Tìm hiểu ý nghĩa của huyền thoại này có nghĩa là làm sáng tỏ những lý do tồn tại của cành cây thiêng liêng ấy.

Sự lý giải của J.G.Frazer về huyền thoại này là như sau. Balder bị giết bởi một cành cây thiêng mà cây gui là “linh hồn bên ngoài”. Cây gui biểu hiện “linh hồn” của cây sồi. Do đó, đầu tiên phải tước bỏ linh hồn này trước khi hạ sát cây sồi. Cái chết của Balder, được đồng hóa với cây sồi, việc thiêu tử thi ông trên một đống lửa sẽ là sự hiến tế cần thiết để phục sinh tự nhiên và cộng đồng. Huyền thoại ấy biện minh cho những nghi thức đốt lửa hằng năm diễn ra gần như khắp nơi trong các xã hội nông nghiệp. Những nghi thức này kêu gọi trở về với tự nhiên. Huyền thoại Balder, do đó, được liên kết với những nghi thức bẻ cành cây gui và những nghi lễ đốt lửa.

Đối với J.G.Frazer, huyền thoại là truyện kể kèm theo một nghi thức; chính nghi thức đó là một cử chỉ ma thuật nhằm tác động tới tự nhiên và những sức mạnh chi phối chúng. Do đó, nó phải giải quyết hai điều bí ẩn: việc giết nhà vua và việc hạ sát cành vàng. Phải giết nhà vua và thay thế ông ta để tránh cho linh hồn thiêng liêng khỏi bị thoái hóa. Cành vàng là véc tơ của linh hồn này, nguồn sống truyền đi từ thế hệ này sang thế hệ khác ở con người, và từ mùa này sang mùa khác trong tự nhiên. Đó là lẽ tại sao người sẽ kế vị danh hiệu giáo sĩ – vua không thể là một kẻ thoán đoạt dưới bất cứ hình thức nào. Trước hết, ông ta phải chiếm đoạt sức sống, phải được thiêng hóa trước khi thay thế nhà vua suy yếu.

 

         3. Lý thuyết Frazer về ma thuật

Trong tư duy ma thuật, tự nhiên được cai quản bởi những linh hồn và những sức mạnh mà con người nguyên thủy tôn thờ và tìm cách hòa giải. Hằng năm, sự phục sinh của tự nhiên được thực hiện bằng sự can thiệp của một ông vua – ma thuật, người tái tạo ra thế giới cây cối. Nhưng nghi thức thiêng liêng được ông vua này thực hành là nhằm đem lại sự sống cho cây cối, để cầu mưa, để xa lánh bệnh tật. Đối với J.G.Frazer, ma thuật vận hành theo một nguyên lý “đồng cảm”, nghĩa là làm cho giống thật và bắt chước. Chẳng hạn, khói bốc cao hơn ngọn lửa gợi lên những đám mây che khuất mặt trời. Để cầu mây, bão và mưa tới, do đó, người Zunis (người da đỏ ở Tân Mehicô) phải đốt lên một đống lửa nghi lễ.

Tính nhân quả ma thuật dựa vào một định luật loại suy, gọi là homéopathique (phương pháp trị liệu bằng cách tạo ra ở người mạnh khỏe những triệu chứng giống như của người bệnh – N.D), “lửa giống với mặt trời, mây giống với khói, và vậy là mọi cái giống nhau mới gọi cái giống nhau”. Tư duy ma thuật cũng dựa vào một định luật khác, luật lây nhiễm, cho rằng những sự vật đã tiếp xúc với nhau vẫn tiếp tục tác động từ xa. Chẳng hạn, vua – ma thuật không được để tiếp xúc với đất, nếu không ông sẽ bị suy đồi, thoái hóa… Chính vì thế mà trong nhiều xã hội có sự trị vì của các vua – thần linh, từ các pharaons Ai Cập đến các hoàng đế Nhật Bản, người ta cẩn thận tránh cho nhà vua không đụng đến đất để sức mạnh của họ không suy yếu đi khi tiếp xúc với đất. Đó là lẽ tại sao phải khiêng nhà vua trên vai những kẻ hầu hạ hoặc phải trải một tấm thảm dưới chân ông ta. Để tác động tới tự nhiên và để bảo đảm mùa màng phồn vinh, để tránh điều xấu cho xã hội, phải thực hành cả một loạt nghi thức thiêng liêng. Bởi vì, đối với J.G.Frazer, nghi thức là chiều kích thực tiễn của huyền thoại. Huyền thoại duy trì quan hệ với nghi thức giống như khoa học duy trì quan hệ với kỹ thuật. Dần dần, theo J.G.Frazer, tư duy ma thuật được thay bằng tôn giáo (khi con người hiểu rằng có một thế giới thần linh khác với thế giới của tự nhiên. Rồi tư duy ấy lại được khoa học thay thế. Quan niệm tiến hóa luận ấy về ba thời đại của tư duy – ma thuật, tôn giáo, khoa học – là quan niệm thịnh hành vào thời đó. Về điểm này, J.G.Frazer chỉ lấy lại những tư tưởng của những tiền bối của ông. Nhưng ông nêu ra quan niệm tiến hóa luận này ngay vào lúc các nhà nhân học đang từ bỏ nó.

Tác phẩm của J.G.Frazer có tiếng vang đặc biệt. Các lần xuất bản nối tiếp nhau của Cành vàng đã thành công to lớn, nhất là nhờ hoạt động tích cực của vợ ông, người đã dành cả cuộc đời để giới thiệu và dịch tác phẩm của chồng mình. Cành vàng đã gây cảm hứng cho các nhà phân tâm học như Sigmund Freud và Geza Roheim, các nhà văn như Ezra Pound, James Joyce, Davi H.Laurence, Thomas S.Eliot. Ở các nhà nhân học, trái lại, sự đón nhận lạnh nhạt hơn nhiều. Trên thực tế, J.G.Frazer khởi đầu công việc của mình vào những năm 1880, vào một thời kỳ mà nhân học bị chi phối bởi thuyết tiến hóa. J.G.Frazer chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của giáo sư Robertson Smith, mà sau đó trở thành người bạn tốt nhất của ông. Một phần lớn sự cấu tạo trí tuệ của J.G.Frazer là nhờ có sự giúp sức của R.Smith. Nhưng khi ông kết thúc tác phẩm của mình vào những năm 20, nhân học không còn lập luận một cách giống nhau và những sự phê phán bắt đầu dồn lại. Từ 1902, Marcel Mauss (1) đã phê phán lý thuyết J.G.Frazer về ma thuật đồng cảm và quan niệm tiến hóa luận của ông về các thời đại tư duy. Arnold Van Gennep trách cứ J.G.Frazer là đã kết nối những liên hệ tùy tiện giữa các huyền thoại bắt nguồn từ những địa điểm và những thời đại khác nhau, tạo ra những chùm huyền thoại giả tạo. Robert Lowie (2) có những lời lẽ rất cứng rắn đối với J.G.Frazer và cấu tạo trí tuệ của ông: “Đó là một nhà thông thái nhưng không phải là một nhà tư tưởng”. Nhưng chính các nhà nhân học Anh mới đưa ra những phê phán kịch liệt nhất. Bronislaw Manilowski lúc đầu tuyên bố họ bị “chìm đắm, thu hút” bởi tác phẩm của J.G.Frazer, trước khi giữ những khoảng cách “trước một số điều ngây ngô về lý thuyết của Cành vàng“. Edmund Leach giới thiệu ông như một nhà thông thái nhân văn chủ nghĩa nhưng lại là một nhà bác học trong phòng chỉ xào xáo những tư liệu đã soạn lại và đem lại cho chúng một hình thức văn chương cốt để lôi cuốn công chúng. Về căn bản, ông viết một cách hung dữ, “những năng lực của J.G.Frazer chỉ còn là những năng lực của một con chuột trong thư viện, háu ăn và cần mẫn một cách phi thường”. Người ta có thể tra cứu những tác phẩm của J.G.Frazer để có thư mục tham khảo của chúng, ông nói thêm, “còn những gì còn lại thì chất đống thành bụi”(3).

 

         4. Một hậu thế nghịch lý

Vinh quang của Cành vàng trong công chúng đông đảo dường như không thể ngang với đôi chút trọng thị của các giới chuyên môn.

Thế nhưng, có một vài nhà xã hội học không tán thành ý kiến đó. Đề tài chủ yếu của Cành vàng, đề tài về “vương quốc thiêng liêng”, vẫn được một số chuyên gia quan tâm, nhất là những người nghiên cứu nền tảng tượng trưng của quyền lực. Đó là trường hợp của nhà nhân học Bỉ Luc de Heusch, người tự coi mình là thuộc phái “Frazer mới”. Là chuyên gia về khu vực văn hóa của người Congo ở Trung Phi, L.de Heusch noi theo những luận điểm của J.G.Frazer để lý giải những hệ thống tư duy gắn với các vương quốc thiêng liên có mặt trong nhiều thế kỷ ở Trung Phi. Vì “việc sát hại theo nghi thức” đối với ông vua ở hồ Nemi không chỉ là một huyền thoại La Mã cổ. Chỉ mới cách đây ít lâu, người ta vẫn còn tiến hành việc giết vua theo nghi thức ở một vài vương quốc châu Phi, như ở người Nyakysua xứ Tanzanie. Một ông vua thiêng sống ẩn mình tại đó và được giao cho sứ mệnh bảo đảm sự thịnh vượng của xứ sở bằng sức mạnh trong thân thể của ông ta. Ông vua có quyền năng làm mưa rơi xuống, tạo ra thức ăn, sữa và trẻ em. Chính vì thế, “theo nghi thức, ông bị bóp cổ và chôn sống khi ốm nặng”(4).

Tượng trưng của quyền lực, những cấm kỵ của nhà vua, những nghi thức hiến tế, những nghi thức nông nghiệp… đó là những lối đi huyền thoại được J.G.Frazer thăm dò vẫn tiếp tục kích thích sự suy nghĩ của một số nhà huyền thoại học về ma thuật huyền thoại và tư duy hoang dã. Đối với công chúng, Cành vàng luôn luôn là một cuộc du hành qua các huyền thoại của loài người. Đó là mục đích chủ yếu của tác giả (5).

_______________

1. Marcel Mauss nhà xã hội học lớn người Pháp, tác phẩm nổi tiếng của ông Khảo về quà tặng (1928) đã được Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức dịch và sẽ in cuối năm 2009.

2. Robert Lowie, nhà nhân học Mỹ, tác phẩm kinh điển của ông Không gian văn hóa nguyên thủy đã được Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức dịch và in năm 2008.

3. E.Leach, L’unité de l’homme. Et autres essais (Sự thống nhất của con người. Và những tiểu luận khác), Gallimard, 1982.

4. L.de Heusch, Le roi de Congo et les Monstres sacrés (Vua Congo và những quái vật thiêng), Gallimard, 2000.

            5. Ở Tây Nguyên Việt Nam, các ông vua Nước, vua Lửa cũng bị giết cùng một nghi thức như Frazer mô tả.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 305, tháng 11-2009

Tác giả : Jean Francois Dortier (Thụy Khuê dịch)

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *