Nằm cách TP Lào Cai 70km về phía Nam, đền Bảo Hà được xây dựng ở nơi có địa thế đẹp, lưng tựa đồi Cấm, mặt hướng ra sông Hồng. Đền được xây dựng vào cuối đời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng), thờ danh tướng Hoàng Bảy họ Nguyễn, có công bảo vệ và xây dựng tổ quốc ở cửa ải Lào Cai. Đền Bảo Hà là khu di tích lịch sử cấp quốc gia được nhà nước xếp hạng vào tháng 11-1997. Kiến trúc nguyên thủy của đền được giữ lại gần như toàn bộ cho đến ngày nay, thể hiện sự uy nghi và trang nghiêm nhưng không quá cầu kỳ.
1. Về danh tướng Hoàng Bảy
Theo sử sách chép lại, cuối đời nhà Lê (1740 – 1786), các châu Thủy Vĩ, Văn Bàn và nhiều nơi khác thuộc phủ Quy Hóa luôn bị giặc tràn sang cướp phá. Trước tình hình đó, triều đình cử danh tướng họ Nguyễn đưa quân tiến dọc sông Thao đánh đuổi bọn giặc cỏ, giải phóng Khau Bàn và xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, danh tướng Hoàng Bảy đã tổ chức các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sĩ…, sau đó thống lĩnh quân thủy bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa (Yên Bái, Lào Cai ngày nay). Trong một trận đánh không cân sức, danh tướng Hoàng Bảy đã anh dũng hy sinh. Giặc bỏ xác ông xuống sông Hồng và trôi đến Bảo Hà thì dừng lại. Nhân dân trong vùng vớt xác ông lên chôn cất và lập đền thờ. Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã tặng ông danh hiệu Trấn an hiển liệt và đền thờ ông được cấp sắc phong là Thần vệ quốc. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc vùng Tây Bắc, ngày giỗ chính vào 17-7 âm lịch và được thờ cúng trong các lễ hội lồng tồng vào ngày Thìn tháng giêng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng nơi đây.
Về sự hy sinh của ông Bảy, người dân tại Bảo Hà và nhiều địa phương vẫn còn lưu truyền những câu chuyện thiêng hóa. Khi ông bị giặc sát hại, trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã (ngựa), từ thi thể ông phát ra một đạo hào quang, phi lên thân ngựa, đến Bảo Hà thì dừng lại, trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội. Sau này, khi hiển linh, ông được giao quyền trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong dinh Bảo Hà, nổi tiếng không chỉ giỏi kiếm cung mà còn rất ăn chơi, phong lưu, ông cũng luôn khuyên bảo nhân dân phải ăn ở có nhân có đức, tu dưỡng bản thân để lưu phúc cho con cháu.
2. Cúng bái ở đền Bảo Hà hiện nay
Khi nhắc tới địa danh Lào Cai, nhiều người hình dung ra một vùng miền núi xa xôi, hẻo lánh, nơi sinh tụ của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu tính từ trung tâm TP Hà Nội đến đền Bảo Hà sẽ có khoảng cách 290km. Đền thờ ông Hoàng Bảy ở một nơi vùng sâu, vùng xa nhưng lại có sức hút đến kỳ lạ. Nhiều người ở các thành phố lớn, thậm chí ở cả trong miền Nam cũng hành hương đến lễ đền.
Đối tượng và mục đích cầu cúng
Hàng năm đền Bảo Hà thu hút hàng vạn lượt du khách đến viếng thăm và lễ đền. Phương tiện được lựa chọn nhiều nhất của những khách hàng hương từ xa đến có lẽ là tàu hỏa, bởi đền Bảo Hà chỉ cách ga Bảo Hà khoảng 800m. Nếu đi tàu du lịch SP từ ga Hà Nội đến ga Bảo Hà, khách đi lễ mất khoảng 5 giờ, nếu đi bằng tàu LC sẽ mất khoảng 6,5 tiếng. Nhiều người còn mang theo cả nhu yếu phẩm dự phòng và ngủ ở những nhà trọ ngay cạnh đền. Đa số những người đến lễ đền ông Hoàng Bảy không phải vì biết ông là một vị công thần của tổ quốc, người có công dẹp giặc, giữ yên bờ cõi nước nhà, mà vì những câu chuyện được truyền tai nhau hoặc những lời đồn thổi của những người thờ cúng ở những địa phương xung quanh đền. Tiếng tăm linh thiêng của ông Hoàng Bảy đã bay xa khắp mọi nơi, nó xuất hiện trong những câu chuyện của gia đình, hàng xóm láng giềng, bạn bè, đồng nghiệp,… Đi lễ ông Bảy đã trở thành một việc không thể thiếu trong lịch trình hàng năm của nhiều người.
Có thể thấy số lượng người đi lễ ông Bảy tăng theo thời gian. Nếu như trước 1986, số lượng người đi lễ không nhiều thì sau đó và đặc biệt khoảng chục năm trở lại đây, số lượng người đi lễ ông Bảy gia tăng rất nhanh. Thường thì cứ vào dịp đầu năm người đi lễ lên đền xin lộc ông Bảy, cuối năm lại đến gặp ông để trả lễ.
Những người đi lễ thuộc nhiều thành phần khác nhau như: con nhang đệ tử của đạo Mẫu, quan chức, doanh nhân, người buôn bán vừa và nhỏ, những người dân trong và ngoài vùng biết đến ông Bảy, nông dân, sinh viên, đặc biệt là những người buôn gian, bán lậu, trộm cắp, chơi lô đề, cờ bạc, đỏ đen cũng đổ xô đến để xin lộc. Chính đối tượng đi lễ này đã làm cho đền Bảo Hà ngày càng nổi tiếng.
Mỗi đối tượng đi lễ lại có những mục đích cầu cúng khác nhau, quan chức thì cầu lộc công danh, thăng tiến, cầu sức khỏe, bình an cho gia đình; những người kinh doanh buôn bán thì cầu lộc làm ăn; những người nông dân cầu được mùa, có tiền để sắm sửa trang bị, dụng cụ sản xuất, xây dựng nhà cửa; sinh viên thì cầu đỗ đạt,… còn đối tượng lô đề, cờ bạc thì lại cầu lộc phù du, được trúng lô, đề. Tuy nhiên, mục đích chính vẫn liên quan đến làm ăn kinh tế.
Một điều có thể nhận thấy ở những người đi lễ là họ đang có vấn đề về kinh tế. Những năm gần đây, khi kinh tế càng suy thoái thì việc đi lễ tại đền các đền, chùa nói chung và tại đền ông Hoàng Bảy nói riêng ngày càng trở nên phổ biến. Đi lễ không có lợi ích kinh tế thực sự nhưng người đi lễ tin rằng họ được sự che chở, bao bọc bởi một thế lực quyền năng. Niềm tin vào mức độ thiêng ứng của ông Bảy đối với những lời cầu nguyện cũng củng cố lòng tự tin vào bản thân mỗi người, nó cũng giúp con người thêm vững tin vào cuộc sống, chịu đựng được những rủi ro, bấp bênh về kinh tế mà họ vấp phải.
Như vậy có thể thấy ông Hoàng Bảy đã trở thành một sức mạnh vô tận có thể cầu xin mọi thứ, thỏa mãn được nguyện vọng của tất cả mọi người, ai cũng có thể cầu xin ông từ những chuyện nhỏ đến những chuyện quan trọng của cả một đời người.
Chính những người chơi lô đề, cờ bạc, đỏ đen đổ xô đến lễ đền trong những năm gần đây đã gây nên những sự hiểu lầm trong việc thờ cúng ông Hoàng Bảy. Không biết từ bao giờ, dân đỏ đen từ các nơi thường kéo về đây để dâng lễ, cầu lộc lô đề. Những câu chuyện linh thiêng của những người đi lễ được truyền tai nhau đã trở thành một phần nguyên nhân tạo nên sức hút ở đền Bảo Hà. Ở đây, mọi người vẫn còn nhắc đến câu chuyện của ông ở TP Lào Cai. Được biết, năm 1998, ông P lên đền khấn vái ông Hoàng Bảy để xin lộc, đêm về ông mơ thấy một vị tướng mặc áo giáp nhưng tay lại cầm quạt lông gà đến mách cho ông 3 con số khác nhau. Hôm sau, ông đem cắm cả sổ đỏ đi đánh bạc và trúng lớn trong 3 ngày liền. Từ đó, tin đồn lan xa càng làm cho đền ông Hoàng Bảy trở nên tấp nập với đủ loại người đến khấn lễ cầu tài, xin lộc.
Đi lễ ông Bảy chúng ta không khó nghe được những câu chuyện linh thiêng liên quan đến ông như: “hôm qua vừa đi lễ ông Bảy về, rút lộc xin ông mấy số để đánh lô không ngờ lại trúng hết”, hay “đầu năm ngoái có cậu em đến xin lộc ông Bảy 2 tỉ, cuối năm làm ăn tổng kết lại đúng được như thế thật”, “năm nay làm ăn lớn nhất định phải xin ông Bảy vài tỉ”,… Rồi chuyện ngay chính tôi có dịp về đền Bảo Hà cũng được rất nhiều người hỏi thăm và nhờ xin số để đánh lô, đề. Điều này làm tôi vô cùng ngạc nhiên nhưng khi đến đền ông Bảy thì những thắc mắc của tôi phần nào đã được giải đáp. Những chuyện liên quan đến việc xin số ông Bảy đã trở thành chuyện thường ngày tại đây. Mọi việc đều diễn ra ông khai ngay tại khu vực điện thờ.
Việc đánh lô đề ở Việt Nam là việc làm phạm pháp, không ít gia đình đã phải chịu cảnh trắng gia bại sản vì chơi lô đề, cờ bạc. Không chỉ có vậy, lô đề, cờ bạc còn kéo theo nhiều tệ nạn xã hội khác như trộm cắp, ma túy,… Chính vì lợi nhuận cao nên mặc dù là phi pháp vẫn có rất nhiều người tổ chức ghi và chơi lô đề. Do đó, việc cúng lễ xin số để trúng lô đề tại một nơi được cho là linh thiêng như thế cũng hoàn toàn dễ hiểu.
Vì việc chơi lô đề là vi phạm pháp luật nên những người ghi và chơi lô đề dùng mọi thủ thuật để trốn tránh pháp luật, họ ẩn danh dưới những bàn bán vé số của nhà nước hay các quán cóc bán trà đá tại vỉa hè. Hoạt động ghi lô đề diễn ra mạnh nhất là vào buổi chiều giờ tan tầm khoảng 4 – 5 giờ chiều đến trước khi có kết quả khoảng 10 phút tức là khoảng 6h hay 6h5’. Người đánh lô đề cũng không cần trực tiếp đến các địa điểm ghi số để chơi mà dao dịch chủ yếu được sử dụng qua điện thoại, phổ biến nhất là qua tin nhắn điện thoại, do vậy các hoạt động ngầm này vẫn diễn ra hàng ngày và qua mắt được nhiều cơ quan chức năng.
Việc chơi lô đề mang nhiều tính chất may rủi cho nên những người chơi lô đề cờ bạc đều tin rằng đã dính đến việc này thì đều phải đi lễ ông Bảy Bảo Hà. Có đi lễ ông thì họ mới gặp nhiều may mắn, thuận lợi.
Việc xin số đề ở đền Bảo Hà cũng có nhiều cách thức khác nhau. Khách thập phương đến dâng hương cúng lễ mở các giá đồng rồi thụ lộc. Người ngồi hầu xung quanh khi nhận được lộc là tiền thì đều soi xem số sê ri là bao nhiêu, rồi lầm rầm khấn vái xin số; có những người mang vài con số đến lễ xin lộc ông Bảy và về đánh theo. Còn thường thì họ lễ xong, đêm về nằm mơ ông báo số nào thì đánh theo số đó. Cũng có người nói đi lễ, xin lộc ông thấy thích số nào thì đánh số đó vì đã xin lộc thì chắc chắn sẽ được,… Hơn nữa đi lễ đền ông Bảy thì cả năm đó sẽ được ông che chở, phù hộ cho gặp nhiều may mắn.
Lễ vật
Những người đi lễ tại đền ông Bảy Bảo Hà đều cho rằng, để được ông ban phát lộc thì họ phải thực sự thành tâm dâng cúng. Với quan niệm trần sao âm vậy, để thể hiện lòng thành kính với ông, các đối tượng cầu cúng đã không tiếc công bỏ thời gian và công sức để sắm đồ lễ diện kiến ông Bảy. Nhiều người đã bỏ ra cả chục triệu đồng để sắm lễ. Ngoài những đồ lễ hết sức phổ biến như hoa vàng, bánh kẹo, xôi, thịt, rượu,… thì người ta còn dâng ông Bảy nào là ngựa, 12 tiên nàng, thuốc lá, bật lửa, bài chắn,…
Điều đáng nói hơn là đã có thời gian, đền Bảo Hà trở thành một trong những điểm nóng về tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy. Sở dĩ có chuyện như thế bởi vì nhiều dân anh chị đồn rằng ngày còn sống, ông Hoàng Bảy nghiện thuốc phiện. Thế nên cứ dâng lễ thuốc phiện là ông Bảy cho lộc. Ban quản lý đã phải cho nhân viên kiểm soát đồ lễ mang vào đền và treo biển cấm từ ngoài cổng đền để giải quyết tình trạng này. Hiện nay, việc đặt thuốc phiện trong mâm lễ hay tẩm thuốc phiện trong thuốc lá dâng ông Bảy trong các giá hầu đồng đã không còn phổ biến nhưng vẫn chưa được loại bỏ triệt để.
Tình trạng lộn xộn trong cúng lễ
Hoạt động cúng lễ ở đây diễn ra quanh năm nhưng đông nhất là dịp đầu năm, cuối năm và những ngày lễ hội (17-7). Những người làm ăn lớn quan niệm đi lễ đầu năm để xin lộc cho cả năm và cuối năm thường là dịp trả lễ ông Bảy. Điều này không có gì lạ bởi hầu hết những công trình tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đều xảy ra điều này. Đến đền Bảo Hà vào dịp đầu năm hay lễ hội thật khó có thể chen chân để đặt lễ ban ông Bảy. Hiện tượng ùn tắc, quá tải thường xuyên xảy ra với không gian thần điện chật hẹp. Vì vậy những người có kinh nghiệm đi lễ đều phải đội mâm lễ lên đầu và cố gắng để càng cao càng tốt thì mới mong chen được đặt lễ trên ban ông Bảy. Nhiều người không có kinh nghiệm chen được vào đến nơi thì mâm lễ đã xộc xệch hoặc bị rơi một vài đồ lễ trên đường đi nên lại đành phải chen ra ngoài để sắp lại lễ.
Các mâm lễ chồng lên nhau mặc dù Ban quản lý đền đã bố trí những giá bằng sắt, nhiều tầng để khách dâng cúng đồ nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của hàng nghìn người tới lễ ông Bảy. Có người đặt được mâm lễ lên ban thờ ông Bảy khi muốn hạ lễ lại không thể hạ được do đã bị mâm lễ khác đặt chồng lên. Ai cũng muốn chen vào đặt mâm lễ của mình lên trên để được thánh thần chứng giám. Tiền lẻ được đặt vô tội vạ, mặc dù Ban quản lý đã đặt những hòm công đức ở nhiều vị trí khác nhau nhưng rất ít người chịu bỏ tiền vào đó. Cảnh chen chúc, lộn xộn như vậy nên Ban quản lý đã phải bố trí nhân viên bảo vệ đứng trong khu vực đền để đảm bảo trật tự. Một không gian linh thiêng đáng lẽ ra rất cần sự yên tĩnh nhưng lại bị náo loạn bởi quá nhiều người đi lễ.
Nếu so sánh việc cúng lễ ở đền Bảo Hà nói riêng và các khu đền chùa ở miền Bắc nói chung với khu vực miền Trung mà lễ hội tháp Bà Nha Trang, Khánh Hòa (ngày 20 đến 24-3 âm lịch) là điển hình thì sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt. Mặc dù thời tiết nóng bức, số lượng người đi lễ rất đông nhưng tại đây không hề xảy ra sự lộn xộn trong cúng lễ. Những người đi lễ xếp thành hàng dài chờ đến lượt mình, họ xếp hàng cả ngày, đêm để vào cúng lễ. Mỗi đoàn khách hành lễ sẽ có khoảng 15 phút để chuẩn bị các lễ vật và hành lễ. Mọi người đều tuân thủ tuyệt đối theo nguyên tắc đã được ban quản lý di tích đề ra, điều này cũng thể hiện sự thành kính với vị nữ thần mà họ thờ phụng. Đây là vấn đề cần cho các nhà quản lý chú tâm xem xét để có những biện pháp thích hợp nhất giải quyết vấn đề lộn xộn trong cúng lễ tại các cơ sở thờ tự trong cả nước.
Các loại hình dịch vụ phát sinh
Cùng với việc quy mô cúng lễ ngày càng được mở rộng thì hàng loạt dịch vụ cũng nhờ đấy mà phát triển như: viết sớ, đổi tiền lẻ, bán đồ lễ, nhà nghỉ, khấn lễ thuê thậm chí ăn xin cũng trở thành một nghề thịnh hành tại đây. Viết sớ có 2 loại, loại viết bằng chữ nho, loại viết bằng chữ quốc ngữ, viết bằng chữ nho thì giá đắt hơn một chút. Những người viết sớ cũng thuộc nhiều thành phần khác nhau như: thày cúng, nhà sư, sinh viên làm thêm, thậm chí những người dân bình thường cũng có thể viết sớ bằng chữ quốc ngữ.
Ngoài giấy sớ, người đi lễ còn mua thêm lệnh của ông Hoàng Bảy. Sau khi lễ xong, mang lệnh này về, lệnh lớn bằng vải thì để trên bàn thờ, lệnh nhỏ thì để trong ví hoặc xe ô tô để được ông vuốt ve, che chở (khi tôi đi lễ ở đền ông Bảy đã được một người tư vấn cho như vậy).
Dựa vào thời điểm những người đi lễ đông nên đối tượng hành nghề ăn xin cũng được dịp làm ăn. Họ ngồi dọc 2 bên đường vào đền, khu vực đường lên chùa để xin tiền. Ăn xin đã trở thành một nghề kiếm bộn tiền tại đây.
Do thành phần đi lễ hết sức phức tạp nên có những lúc đền Bảo Hà nổi tiếng là nơi tụ tập của nhiều dân anh chị xã hội. Những người này chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự cho khu vực đền và xử lý các tình huống phát sinh.
Nguyên nhân
Hiện nay tình trạng lộn xộn trong cúng lễ tại các cơ sở thờ tự đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Một số điểm nóng về việc cúng lễ được nhiều người nhắc đến như đền Bà Chúa Kho, chùa Hương, đền Trần, phủ Giầy,… trong đó không thể không nhắc đến đền Bảo Hà. Tuy nhiên, khi nhắc đến đền Bảo Hà điều mà mọi người quan tâm nhất chính là tại sao ngôi đền lại có sức hút với dân cờ bạc, đỏ đen như vậy.
Trước tiên có thể thấy, điều đặc biệt trong sự tích và lai lịch về ông Hoàng Bảy có liên quan đến việc ông thích chơi tổ tôm, xóc đĩa, hút thuốc phiện. Người đi lễ tin rằng, những việc mà ông thích làm khi còn sống thì ông sẽ phù hộ cho những người trần khi cầu cúng ông và làm vui lòng ông bằng những đồ mà ông thích. Những câu chuyện như thế cứ được truyền tai nhau mãi và đền Bảo Hà đã trở thành nơi thu hút rất đông những người chơi lô đề, cờ bạc đến xin lộc.
Có thể thấy, tất cả những hiện tượng trên đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống. Con người, cần gì cầu nấy và khi mọi chuyện không được như ý họ thương nhờ đến các lực lượng siêu hình trợ giúp. Tuy nhiên xét ở một góc độ sâu xa hơn thì nguyên nhân cơ bản của vấn đề là ở kinh tế xã hội. Dưới sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường nhiều giá trị văn hóa đã bị biến đổi không còn mang đúng ý nghĩa nhân văn của nó.
Sự tác động của kinh tế thị trường tới tín ngưỡng tâm linh cũng có những mặt tích cực. Những người đến lễ, họ đã phát tâm công đức để tu sửa lại di tích làm cho di tích ngày càng khang trang và được mở rộng hơn. Sự khang trang của di tích cũng một phần bày tỏ được lòng thành kính của thế hệ con cháu tới vị công thần của đất nước. Lễ hội hàng năm cũng được tổ chức quy mô và đầy đủ hơn.
Tuy nhiên có thể dễ nhận thấy những tác động của kinh tế thị trường tới tín ngưỡng tâm linh hàm chứa trong đó nhiều giá trị tiêu cực. Kinh tế thị trường ngày càng phát triển, giá trị của đồng tiền ngày càng được chú trọng thì việc kiếm lợi nhuận cũng được đặt lên hàng đầu. Người ta tìm đủ mọi cách để có được lợi nhuận và khi những biện pháp mà họ thực hiện dường như không hiệu quả thì họ bắt đầu nghĩ đến chuyện tâm linh. Quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” vẫn phổ biến trong suy nghĩ của người Việt. Cúng lễ giống như một lá bài để bảo đảm bình an và may mắn cho mọi người.
Người đi lễ không nhằm mục đích hướng về cội nguồn, tưởng nhớ, tạ ơn những người có công với đất nước mà chỉ nhằm mục đích cho chính bản thân họ. Dâng lễ thật nhiều với hy vọng nhận được thật nhiều lộc thánh ban. Và như vậy cứ chỗ nào linh thiêng là họ đến lễ. Những nơi linh thiêng cần sự thành kính người ta vẫn có thể chen lấn, xô đẩy, thậm chí là cãi vã nhau để thực hiện cho được mục đích của mình.
Hàng loạt các dịch vụ mọc lên, tình trạng chặt chém khách cũng nhờ đó mà gia tăng do nhu cầu của những người đi lễ. Người ta nói, có cung thì có cầu và điều này hoàn toàn thỏa đáng.
3. Một vài suy ngẫm
Trên cuộc hành trình về Bảo Hà, tôi đã gặp rất nhiều người cùng đi lễ ông Hoàng Bảy. Họ đi thành từng đoàn, sắm đủ các mâm lễ lớn nhỏ. Tuy nhiên, khi được hỏi về sự tích ông Hoàng Bảy thì không một ai biết. Họ chỉ biết nghe tiếng ông thiêng thì đến lễ chứ không quan tâm đến ông là ai. Thậm chí còn có người hiểu sai cho rằng ông là trùm lô đề, cờ bạc vậy nên mới có nhiều người chơi lô đề, cờ bạc đến xin ông như vậy. Việc này đáng để cho chúng ta xem xét lại thái độ thành kính khi đi lễ hiện nay của nhiều người.
Truyền thống uống nước nhớ nguồn từ bao đời nay đã không còn mang ý nghĩa tốt đẹp như nó vốn có, tín ngưỡng tâm linh đã bị lợi dụng vào những mục đích kiếm lợi bất chính. Suy nghĩ của nhiều người đi lễ đã vô tình biến ông Hoàng Bảy từ một vệ quốc công thần trở thành một ông trùm lô đề, cờ bạc danh tiếng, gắn ông song hành với những việc làm phi pháp trong thời đại ngày nay.
Không chỉ có đền ông Bảy, gần đây dân đỏ đen còn truyền tai nhau một địa chỉ mới rất linh thiêng để xin lộc số đề đó là Bia Bà ở La Khê, Hà Đông. Dân chơi lô đề thường đến xin bà lộc phù du. Không thấy có mối quan hệ nào giữa việc chơi lô đề với Bia Bà, có lẽ cứ nơi nào linh thiêng thì người ta đều đổ xô đến để cúng lễ, xin lộc.
Tự do tín ngưỡng là quyền của mỗi người nhưng khi quyền đó bị đẩy đến mức thái quá lại trở thành vấn nạn của xã hội. Đó là tình trạng lộn xộn trong cúng lễ, mang đồ quốc cấm vào trong đền,… là những việc làm cần phải xem xét đúng mực để đảm bảo sự linh thiêng và thành kính đối với các đối tượng được thờ cúng.
Vấn đề cúng lễ tại các cơ sở thờ tự, các dịp lễ hội hiện nay vẫn đang là vấn đề nóng và làm đau đầu nhiều nhà quản lý văn hóa. Để thay đổi cả một hệ tư tưởng đã ăn sâu nào nếp nghĩ của con người quả thực là một việc làm khó khăn vì vậy cần có những giải pháp lâu dài để khắc phục những tình trạng trên.
Hiện tượng thương mại hóa trong lễ hội cũng là vấn đề cần được xem xét. Xin nhấn mạnh rằng, thương mại hóa trong lễ hội không chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần mà nó bao gồm nhiều hình thức biến tướng khác như khấn vái thuê, bán hàng hóa chặt chém khách du lịch, đặt hòm công đức một cách bừa bãi, lợi dụng tín ngưỡng để buôn thần bán thánh,… nhìn chung là tất cả các hành động nhằm mục đích kiếm tiền bất chính,…
Trước tình trạng trên, cần có những nghiên cứu tổng thể và chi tiết về các vấn đề liên quan đến việc thờ cúng ông Hoàng Bảy tại Bảo Hà, đặc biệt là việc biến tướng trong tín ngưỡng thờ cúng. Phải để cho người dân hiểu đúng tín ngưỡng thờ cúng – truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Các nhà quản lý văn hóa cũng cần phải nghiêm khắc hơn nữa trong việc đưa ra các giải pháp để giải quyết tình trạng lộn xộn trong việc cúng lễ.
Tài liệu tham khảo
1. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Đạo Mẫu và các hình thức shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu Á, NXb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.
2. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu ở Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2012.
3. Lê Hồng Lý, Sự tác động của kinh tế thị trường vào lễ hội tín ngưỡng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008.
4. Philip Taylor, Mấy vấn đề về phương pháp luận nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo qua thực tiễn quan trắc hiện tượng hành hương miếu Bà Chúa Xứ, Tạp chí Dân tộc học, số 5, 2004, tr.46.
5. Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng (chủ biên), Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1994.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 350, tháng 8-2013
Tác giả : Vũ Thị Uyên
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai