Tuy còn rất non trẻ so với lịch sử truyền thống mấy trăm năm của thế giới, nghệ thuật âm nhạc giao hưởng Việt Nam ngày nay đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Nhạc sĩ Việt Nam ở các thế hệ, khi sáng tác giao hưởng đều cố gắng tạo nên bản sắc dân tộc cho tác phẩm của mình. Một nhân tố quan trọng của việc thể hiện bản sắc dân tộc trước hết là chất liệu xây dựng chủ đề. Nền âm nhạc cổ truyền dân tộc đã và đang là kho tàng quý giá để các nhạc sĩ khai thác nhằm xây dựng các chủ đề trong tác phẩm.
Âm nhạc giao hưởng được coi là đỉnh cao của nghệ thuật sáng tác âm nhạc. Trong nền âm nhạc mới Việt Nam, nếu các thể loại ca khúc đã được hình thành và phát triển từ cuối những năm 30 TK XX, mở đầu bằng ca khúc của phong trào âm nhạc cải cách, thì âm nhạc giao hưởng mãi đến những năm 60 TK XX mới có tác phẩm đầu tiên. “Những tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng là biểu diễn trong một phòng hòa nhạc lớn và số thính giả đông hơn. Đó là một trong những thể loại âm nhạc thuộc những đỉnh cao của loại hình nghệ thuật này” (1). Sự ra đời của âm nhạc giao hưởng Việt Nam là kết quả của quá giao lưu, tiếp thu những tinh hoa âm nhạc chuyên nghiệp – bác học châu Âu, đồng thời nó cũng thể hiện sự lớn mạnh cả về chất và lượng của đội ngũ nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn của Việt Nam. Chúng ta biết rằng, để có một nền âm nhạc giao hưởng thật sự chuyên nghiệp, đòi hỏi một số điều kiện đó là trình độ của: nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn cũng như hoạt động của các đơn vị tổ chức biểu diễn (các dàn nhạc, nhà hát giao hưởng) và trình độ thưởng thức âm nhạc của công chúng.
Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, các nhạc sĩ vừa được tôi luyện trong cuộc chiến tranh cách mạng lại được đào tạo chuyên môn một cách chuyên nghiệp ở các trường âm nhạc trong nước và ngoài nước. Họ đã sáng tạo nên những tác phẩm giao hưởng đầu tiên như giao hưởng thơ Lửa cách mạng (Trần Ngọc Xương), Thành đồng tổ quốc (Hoàng Vân), Đồng khởi (Nguyễn Văn Thương)… Hay liên khúc giao hưởng Quê hương (Hoàng Việt), Giao hưởng số 1 (Vĩnh Cát)… Các nhạc sĩ đã kế thừa những nguyên tắc hình thức và thể loại của âm nhạc kinh điển châu Âu, kết hợp với việc xây dựng ngôn ngữ âm nhạc dựa trên chất liệu khai thác từ nền âm nhạc cổ truyền. Với nhiều tìm tòi, sáng tạo họ đã sáng tác được nhiều tác phẩm giao hưởng thể hiện nội dung, hình tượng âm nhạc mang đậm bản sắc dân tộc.
Sau năm 1975, sự giao lưu với âm nhạc nước ngoài được mở rộng phạm vi. Ngoài các nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta còn quan hệ với các nước tây Âu, bắc Mỹ và các nước châu Á, Đông Nam Á… Âm nhạc giao hưởng ở giai đoạn này vừa kế thừa và phát huy những thành tựu của giai đoạn trước, vừa phát triển với các yếu tố, khuynh hướng của thời đại mới.
Cùng với lớp nhạc sĩ đã sáng tác giao hưởng từ giai đoạn trước, lực lượng nhạc sĩ ở giai đoạn này được bổ sung đội ngũ nhạc sĩ trẻ rất tâm huyết với sáng tác khí nhạc nói chung và nhạc giao hưởng nói riêng. Họ đã được đào tạo bài bản từ nhiều con đường, nhiều trường phái âm nhạc khác nhau. Các tác phẩm giao hưởng ở giai đoạn này có sự phong phú về nội dung, đa dạng về thủ pháp sáng tác và phức tạp về ngôn ngữ âm nhạc. Trong các tác phẩm âm nhạc nói chung và đặc biệt là trong tác phẩm giao hưởng, “chủ đề âm nhạc là tư duy chính, làm cơ sở cho sự phát triển của tác phẩm âm nhạc…, chứa đựng tính hoàn thiện về tư duy, sự trình bày về cấu trúc và sự độc đáo về hình tượng…, là những yếu tố chính dẫn dắt và chỉ đạo bước phát triển trong tác phẩm âm nhạc” (2). Do vậy, nguồn chất liệu để xây dựng các chủ đề đóng một vai trò hết sức quan trọng. Một trong những khuynh hướng thường gặp trong các sáng tác giao hưởng giai đoạn này là khai thác các chất liệu trong nền âm nhạc cổ truyền dân tộc. Cách làm này đã có trong các tác phẩm giao hưởng của giai đoạn trước, tuy nhiên ở giai đoạn này, việc khai thác chất liệu phong phú và nhiều vẻ hơn.
Dân ca, dân nhạc được sản sinh ra từ cuộc sống lao động, hay từ các cuộc đấu tranh với thiên tai, địch họa để sinh tồn, hoặc từ những sinh hoạt tín ngưỡng, thờ cúng và trong mối quan hệ cộng đồng, gia đình… Dân ca, dân nhạc với những hình tượng phong phú, đa dạng đã thể hiện những nét điển hình cùng tính cách độc đáo của từng dân tộc. Nền âm nhạc chuyên nghiệp thế giới từ TK XVIII đặc biệt là TK XIX cho đến nay, việc sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống trong sáng tác âm nhạc đã trở thành một đặc điểm phố biến ở các trường phái, khuynh hướng, trào lưu. Trong sáng tác của nhạc sĩ F. Chopin (Ba Lan), F. Liszt (Hungari), E. Grieg (Na Uy), M. Glinka (Nga)… luôn thấm đượm chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống của dân tộc mình.
Ở nước ta cũng vậy, chất liệu trong âm nhạc cổ truyền được nhiều nhạc sĩ dùng để xây dựng chủ đề của các tác phẩm giao hưởng. Có thể điểm qua một số phương thức khai thác chất liệu dân gian trong việc xây dựng chủ đề âm nhạc như sau:
Thứ nhất, sử dụng một làn điệu dân ca để phát triển thành một chủ đề hoàn chỉnh. Các bài dân ca với vẻ đẹp và sức hấp dẫn vốn có của giai điệu, lại quen thuộc, gần gũi với người nghe luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho người nhạc sĩ. Với 54 tộc người cùng chung sống trên dải đất Việt Nam, mỗi tộc có một nền âm nhạc mang màu sắc, đặc điểm riêng. Đây chính là kho tàng vô cùng phong phú và quý giá để các nhạc sĩ khai thác nhằm xây dựng nên các chủ đề cho tác phẩm. Mặc dù sử dụng một làn điệu dân ca, nhưng để phù hợp với tính chất khí nhạc cũng như tính cô đọng, súc tích của chủ đề tác phẩm giao hưởng, các nhạc sĩ thường có sự thay đổi về giai điệu, tiết tấu hay nhịp điệu. Tuy nhiên, dù có thay đổi thế nào thì người nghe vẫn nhận ra được nét giai điệu chính của bài dân ca. Chẳn hạn, tổ khúc giao hưởng Non sông một dải của nhạc sĩ Nguyễn Xinh gồm 3 chương, mỗi chương đều sử dụng các làn điệu dân ca để xây dựng chủ đề.
Chương 1 với tiêu đề Ngày hội viết ở hình thức sonate, có hai chủ đề tương phản. Chủ đề 1 mang âm hưởng vui tươi, hân hoan ở tốc độ nhanh, được phát triển từ giai điệu bài dân ca Bắc Bộ Lý cây đa; chủ đề 2 là nét giai điệu chậm, mềm mại, trữ tình lấy chất liệu từ bài dân ca quan họ Bắc Ninh Người ơi người ở đừng về.
Chương 2 có tiêu đề Hồi tưởng, là chương tốc độ chậm, tính chất trữ tình có chủ đề phát triển từ giai điệu bài dân ca Nam Bộ Lý chiều chiều.
Chương 3: tốc độ nhanh (allegro vivace) với tiêu đề Trở về, chủ đề được xây dựng từ âm điệu bài dân ca Nam Bộ Lý ngựa ô.
Trong bản giao hưởng Nghe âm điệu quê hương tôi ở GrandRapids của nhạc sĩ Đỗ Dũng, chương 3 có tiêu đề Cây tre Việt Nam gồm hai phần. Phần đầu do dàn nhạc diễn tấu. Phần hai có sự tham gia của dàn hợp xướng hỗn hợp cùng giọng soprano lĩnh xướng kết hợp với dàn nhạc giao hưởng. Trong phần hai, nhạc sĩ đã để giọng soprano lĩnh xướng giai điệu chủ đề phát triển từ bài Cò lả, dân ca đồng bằng Bắc Bộ.
Nguyễn Văn Nam là một nhạc sĩ có nhiều thành công trong sáng tác giao hưởng. Chủ đề trong các tác phẩm của ông đậm đà âm hưởng dân tộc. Bằng nhiều thủ pháp khác nhau để khai thác chất liệu, trong đó việc dùng một làn điệu dân ca để xây dựng chủ đề cũng được ông dùng trong tác phẩm. “Trong nhạc đàn của Nguyễn Văn Nam không thiếu vắng những nét nhạc quen thuộc của dân ca. Ông lượm những mảnh nhỏ từ Bắc kim thang để ghép nên bức tranh nô đùa nhộn nhạo của bầy trẻ nhỏ, mượn làn điệu Lý rẫy lý vườn vùng Sông Bé để bộc lộ cái chân chất lạc quan ở người dân Nam Bộ, dùng dân ca miền Trung Lý thương nhau gợi nên vẻ dí dỏm linh hoạt, một khía cạnh không thể thiếu khi miêu tả tính cách con người Việt Nam” (3).
Chủ đề chính của chương 1 bản giao hưởng số 6 Sài gòn 300 năm của Nguyễn Văn Nam phát triển trên giai điệu bài dân ca Lý rẫy lý vườn:
Đỗ Hồng Quân là nhạc sĩ rất quan tâm đến việc sử dụng các làn điệu dân ca để xây dựng chủ đề trong các tác phẩm khí nhạc. Ngay những năm đầu là sinh viên Nhạc viện Tchaikovsky, ông đã viết tác phẩm Chủ đề và biến tấu cho đàn piano với phần chủ đề là bài dân ca quan họ Bắc Ninh Người đi đâu.
Trong các tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đặc biệt chú ý đến việc khai thác chất liệu từ nền âm nhạc cổ truyền, không những để xây dựng chủ đề mà còn đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc cũng như phương thức phát triển của tác phẩm.
Bản giao hưởng fantasie Mở đất của nhạc sĩ, cả hai chủ đề đều phát triển từ các bài dân ca Nam Bộ. Chủ đề 1 tính chất mạnh mẽ, phóng khoáng phát triển từ bài Lý con cua; chủ đề 2 trữ tình, mênh mang sông nước là âm điệu của bài Lý bông trang. Hay trong tác phẩm Trổ một, nhạc sĩ đã dùng hầu như nguyên dạng nét giai điệu bài dân ca quan họ Bắc Ninh Ba mươi sáu thứ chim để xây dựng chủ đề.
Thứ hai, các nhạc sĩ chỉ lấy một môtip âm nhạc hay một nét âm điệu đặc trưng của một bài dân ca để phát triển thành một chủ đề hoàn chỉnh. Phương thức này, các nhạc sĩ thường cố gắng giữ lại những nét đặc trưng nhất về tiết tấu cũng như cao độ của giai điệu bài dân ca. Thông thường trong cấu trúc chủ đề một tác phẩm, âm điệu mở đầu bao giờ cũng tạo ấn tượng mạnh nhất đến người nghe. Do vậy khi xem xét các chủ đề tác phẩm giao hưởng khai thác chất liệu từ dân ca, các nhạc sĩ rất quan tâm đến điều này. Hầu như nét nhạc mở đầu ít biến đổi nhất so với giai điệu dân ca, sự phát triển, thay đổi chủ yếu ở phần sau của chủ đề.
Bản giao hưởng Nghe âm điệu quê hương tôi ở GrandRapids của nhạc sĩ Đỗ Dũng, chương 2 có tiêu đề Ngày hội Hùng Vương chủ đề chính phát triển trên nét nhạc mở đầu của bài Trống cơm dân ca Bắc Bộ:
Ở chủ đề này chỉ có bảy nốt đầu tiên là giai điệu của bài dân ca, sau đó tác giả tiếp tục phát triển, biến tấu dựa trên những âm điệu đặc trưng của bài Trống cơm.
Trong giao hưởng Ngàn năm khoảng khắc, nhạc sĩ Vĩnh Cát đã xây dựng một chủ đề trữ tình xuất hiện trong phần phát triển, dựa trên âm hưởng của bài Ru con dân ca Nam Bộ. Nhạc sĩ đã biến đổi cả giai điệu và tiết tấu của bài dân ca, nhưng người nghe vẫn cảm nhận được nét giai điệu trữ tình mà buồn da diết của bài Ru con.
Ngoài khai thác chất liệu trong dân ca, nhiều nhạc sĩ còn sử dụng các nhân tố khác trong âm nhạc truyền thống như nhạc chèo, tuồng, chầu văn… để xây dựng chủ đề. Chẳng hạn, bản rhapsodie Hào khí Tây Sơn viết cho dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Phan Ngọc sử dụng chất liệu trong nhạc tuồng để xây dựng chủ đề. Chủ đề 1 khai thác từ điệu Tẩu mã, âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ; chủ đề 2 tính chất nhẹ nhàng, say đắm được lấy từ âm điệu của làn điệu Quỳnh tương. Hoặc bản Ballade giao hưởng Huyền tích Trường Sơn của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính, chủ đề 1 được hình thành từ Lưu không nhịp bốn trong nhạc chèo…
Thứ ba, sáng tác phỏng theo dân ca. Phương thức này các nhạc sĩ không dựa hẳn vào nét giai điệu của một bài dân ca cụ thể nào, mà chỉ sử dụng những âm điệu đặc trưng của một vùng, miền hay của tộc người nào đó để sáng tạo nên chủ đề của tác phẩm. Khi nghe những chủ đề sáng tác theo phương thức này, người nghe không thể nhận ra tác giả đã dùng chất liệu của bài dân ca nào, nhưng vẫn cảm nhận được những nét nhạc gần gũi, thân thuộc của từng vùng, từng miền đất nước. Ví dụ, chủ đề chương 2 bản giao hưởng Trở về Điện Biên của Trần Trọng Hùng được hình thành từ những âm điệu, tiết tấu của dân ca dân tộc Thái. Hay chủ đề 2 trong chương 1 bản giao hưởng Một thời để nhớ của nhạc sĩ Phan Ngọc mang âm hưởng dân ca miền Trung. Đây là một giai điệu trữ tình, say đắm nhưng đượm sắc thái bi thương diễn tả quê hương Quảng Ngãi dưới thời lửa đạn. Khi xây dựng chủ đề, một trong những yếu tố âm nhạc được các nhạc sĩ dùng nhiều, đó là âm điệu quãng 4. Trong cuốn Dân ca người Việt nhà nghiên cứu âm nhạc Tú Ngọc đã đưa ra tỷ lệ của âm điệu quãng 4 trong dân ca người Việt là 65,3%. Đây là âm điệu chiếm một vị trí lớn trong các âm điệu đặc trưng, nó được coi như điểm tựa chủ yếu trong sự phát triển các tuyến giai điệu của hệ thống điệu thức năm âm. “Âm điệu đặc trưng là những môtip, những nét nhạc được cấu tạo theo những hình thái nào đó và được dùng phổ biến trong các bài hát” (4). Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Tú Ngọc, những âm điệu dựa trên trục quãng nào thì mang tên quãng đó, chứ không chỉ biểu hiện là bước nhảy quãng thông thường.
Khi xây dựng chủ đề trong giao hưởng Mặt trời và niềm tin, nhạc sĩ Ca Lê Thuần đã sử dụng nhiều âm điệu quãng 4:
Một trong những phương thức thường gặp nhất, là các nhạc sĩ sử dụng một số dạng thang âm – điệu thức trong nền âm nhạc cổ truyền để xây dựng chủ đề. Thang âm – điệu thức là một trong những phương tiện biểu hiện của ngôn ngữ âm nhạc, nó là yếu tố chi phối không những đến sự phát triển của giai điệu mà còn đến màu sắc của hòa âm. Bản giao hưởng Trở về Điện Biên của nhạc sĩ Trần Trọng Hùng, chương 2 được xây dựng trên thang 5 âm, điệu La nam (a – c – d – e – g). Hay chủ đề chương 4 bản giao hưởng số 7 Chuyện nàng Kiều của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam được xây dựng trên điệu La oán biến thể (a -cis – d – e – f) mang đậm âm hưởng Nam Bộ.
Để màu sắc âm điệu của chủ đề thêm phong phú, các nhạc sĩ thường kết hợp nhiều dạng thang âm với nhau. Có thể gặp cách kết hợp giữa các dạng thang 5 âm, hay thang 5 âm với các dạng thang 3, 4 âm hoặc giữa thang 5 âm với các dạng điệu thức 7 âm phương Tây…
Chủ đề mở đầu trong giao hưởng Mở đất của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân diễn tả hình tượng Lê Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh – người có công lãnh đạo công cuộc mở rộng bờ cõi về phía Nam. Chủ đề mạnh mẽ với các bước nhảy quãng 4, quãng 5, được xây dựng trên 2 thang 4 âm (c – g – a – b và c – f – g – b). Hay, chủ đề 2 trong giao hưởng Giai điệu quê hương của nhạc sĩ Ca Lê Thuần được xây dựng trên điệu Đô oán kết hợp với Đô bắc (c – es – f – g – a và c – d – f – g – a).
Khi xây dựng chủ đề cho tác phẩm giao hưởng, các nhạc sĩ ngoài việc khai thác chất liệu trong nền âm nhạc cổ truyền, họ còn nhiều nguồn chất liệu phong phú khác như từ giai điệu của các bài ca khúc, âm điệu tiếng nói, hay chất liệu mới từ nền âm nhạc đương đại… Chủ đề trong một tác phẩm là yếu tố chính dẫn dắt và chi phối sự phát triển của tác phẩm. Âm điệu của chủ đề là một nhân tố quan trọng để hình thành ngôn ngữ âm nhạc và có vai trò quyết định thể hiện bản sắc dân tộc của tác phẩm. Do vậy, ngay từ khi mới hình thành nền âm nhạc mới Việt Nam cho đến nay, đa số các nhạc sĩ đã đưa việc sử dụng âm nhạc cổ truyền dân tộc thành một nguyên tắc thẩm mỹ quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của mình.
_______________
1. Nguyễn Thị Nhung, Thể loại âm nhạc, Nxb  m nhạc, Hà Nội, 1996, tr.69.
2. Nguyễn Thị Nhung, Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.30.
3. Nguyễn Thị Minh Châu, Tổng tập âm nhạc Việt Nam, tác giả – tác phẩm, tập 1, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2010, tr.726.
4. Tú Ngọc, Dân ca người Việt, Nxb  m nhạc, Hà Nội, 1994, tr.192.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014
Tác giả : Vũ Tú Cầu
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Nhận diện âm điệu bài chòi (p2)
Những giá trị trong nội dung hát ghẹo