Chính sách học ngoại ngữ dưới triều nguyễn


 

Ngoại ngữ là cầu nối không thể thiếu trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế của mỗi quốc gia. Nhờ việc học ngoại ngữ mà quan hệ ngoại giao, giao lưu văn hóa, kinh tế đều phát triển. Do vậy, chính sách học ngoại ngữ luôn là ưu tiên hàng đầu, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Ở nước ta, không phải đến ngày nay, trong quá trình quốc tế hóa, toàn cầu hóa, việc học ngoại ngữ mới được đề cao mà ngay từ thời phong kiến, đặc biệt dưới thời nhà Nguyễn, các vua triều Nguyễn đã rất quan tâm đến vấn đề này.

Quyết định đóng đô tại Huế, triều Nguyễn xây dựng một đế quyền vững mạnh, chặt chẽ từ trung ương đến tận làng xã, hải đảo và biên giới. Thông qua việc tổ chức hành chính, triều Nguyễn có một phương thức quản lý kết hợp giữa xã hội, kinh tế, tài chính, lãnh thổ, chính quyền, luật pháp và ngoại giao tốt nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Để củng cố quốc gia thống nhất và một chính quyền vững mạnh, các vua Nguyễn hết sức chăm lo tới việc mở mang trường học, đào tạo nhân tài. Quốc Tử Giám ở Huế trở thành trung tâm giáo dục của cả nước, nhưng không phải là trường duy nhất dưới triều Nguyễn. Nhà nước còn tổ chức một số nhà học như: Dưỡng Tâm điện là nhà học của vua, Tôn Học đường giành cho con em hoàng tộc, Tứ Dịch quán là một trường chuyên ngữ nhằm đào tạo thông ngôn cho các sứ đoàn ngoại giao của triều Nguyễn.

Khi đất nước đang trong tình hình ổn định sau chiến tranh, vua Gia Long đã xúc tiến quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng. Với mong muốn triều đại bền vững, nước Đại Nam trở nên hùng mạnh, phú cường, Minh Mạng, vị vua thứ hai của triều Nguyễn, đã quan tâm đến mọi lĩnh vực, định ra nhiều chính sách xây dựng và phát triển đất nước, trong đó có chính sách đối ngoại với các nước phương Tây. Do đó, trong thời gian này, các nước như Mỹ, Anh, Pháp… đến gửi thư xin thông thương, vua Minh Mạng đều sẵn sàng đón tiếp. Các văn thư gửi cho vua Minh Mạng viết bằng tiếng Anh, như sự kiện tháng 8-1832, ông Ednum Robert, trưởng đoàn ngoại giao thương mại của Mỹ, mang quốc thư của Andrew Jackson, vị tổng thống Mỹ gửi vua Minh Mạng là một minh chứng. Có lẽ qua những lần như vậy, vua Minh Mạng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc biết ngoại ngữ. Đặc biệt trong hoàn cảnh khi quan hệ Đông – Tây đã và đang đẩy mạnh thì lối văn cử nghiệp với học vấn kinh điển của Nho giáo không còn hiệu quả như trước, muốn trở thành một nước văn minh thì phải biết tiếng nước ngoài.

Vào năm 1834, vua Minh Mạng truyền Bộ Lễ rằng: “Xưa Lý Bạch nhà Đường, biết dịch thư nước Phiên; nếu không học thì dịch làm sao được? Ta muốn đặt 4 nhà dịch quán ở kinh đô, chọn những người am hiểu tiếng nói các nước Phiên, hậu cấp tiền, lương, sai dạy người trong nước, học tiếng nói và chữ viết các nước, đề phòng khi phải thông dịch. Trừ những tiếng nói chim muông, còn thì nên hiểu biết cả, để trở thành một nước đại văn minh. Như thế thì việc đối ngoại không lầm lỡ, mà quốc thể được tôn trọng” (1). Như vậy, việc dạy và học ngoại ngữ đã được vua Minh Mạng hết sức quan tâm và từ đây, vua đã xây dựng nhiều chính sách học ngoại ngữ.

Đến năm 1835, vua Minh Mạng cho thành lập Tứ Dịch quán, đảm nhận công việc giảng dạy và thông dịch tiếng nước ngoài cho các đoàn sứ. Tứ Dịch quán dạy các tiếng Xiêm (Thái Lan), Ai Lao (Lào) và tiếng Tây dương (Pháp). Năm 1836, vua Minh Mạng cho mở khóa học Tứ Dịch quán, học tập văn tự ngoại quốc. Nhận thấy thanh âm và từ ngữ Tây dương khó hơn tiếng Xiêm, Lào nên Bộ Lễ mới ra quy định rằng: “Những người mới học, trong 3 tháng, chữ Tây mỗi ngày 2, 3 chữ; chữ Xiêm, Lào mỗi ngày 7, 8 chữ; ngoài 5, 6 tháng, chữ Tây mỗi ngày 4, 5 chữ đến 6, 7 chữ, chữ Xiêm, Lào mỗi ngày 8, 9 chữ đến 11, 12 chữ. Nếu có người thông minh thì không câu nệ theo hạn định này. Cứ 3 tháng 1 kỳ, viên bộ lễ và viên nội các sẽ đến nơi học, sát hạch xem ai thông tinh, chuyên cần thì khen thưởng; ai xao lãng lười biếng, dù là người dạy hay người học đều bị trừng phạt” (2).

Việc học ngoại ngữ luôn được vua Minh Mạng chú trọng. Nhà vua tiếp tục giao cho các tỉnh Bình Thuận, Hà Nội chọn con em kẻ sĩ và nhân dân cho đi học chữ và tiếng nói người Chiêm, Ni, Thanh, Thổ… Có lần vua đi chơi cửa biển Tư Dung, lên xem núi Linh Thái, thấy tháp đá và cột hoa biểu có khắc chữ Man, các thông ngôn ở kinh thành đều nói không phải chữ tiếng Xiêm, cũng không phải chữ tiếng Lào và chẳng ai phiên dịch được. Vua truyền cho Bình Thuận chọn một người thông thạo chữ Chiêm Thành đến. Khi đến, người đó nói rằng thổ nhân có hai thứ văn tự là Chiêm Thành và Bà Ni không dịch được. Vua ra lệnh cho Tuần phủ Dương Văn Phong tìm ai hiểu chữ ấy và dịch được thì tâu ngay với vua. Tiếp đó, vua còn yêu cầu chọn 1 đến 2 người am tường chữ Chiêm, chữ Ni, lại biết cả chữ Hán và 5, 6 người con em sĩ, dân, tư chất thông minh, để cùng dạy bảo nhau văn tự ấy. Riêng ở Hà Nội, phải chọn từ 2 đến 3 người nhà Thanh (người Hoa) trong tỉnh thành và 10 con em sĩ dân để dạy và học tiếng Trung Quốc.

Đến triều Tự Đức, trong khi bối cảnh đất nước gặp nhiều thử thách thì lúc này trên thế giới, khoa học và công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh buôn bán ngày càng gay gắt, đình thần quanh vua chỉ chăm lo việc văn chương, bảo thủ nên việc học ngoại ngữ diễn ra chưa thật tích cực. Đến khi đất Gia Định rơi vào tay Pháp, vua có cách nhìn mới, muốn thay đổi, cải cách mọi mặt để chấn hưng đất nước thì phải thông thương và chống bảo thủ nên cử người đi học nước ngoài. Chính từ nhận thức đó, vua Tự Đức dời Tứ Dịch quán ra khỏi Kinh thành và đổi thành Thương Bạc tòa, đồng thời cho xây dựng Thương Bạc đình. Vị trí của Thương Bạc tòa chính là trên nền đất của hiệu sách Phú Xuân bây giờ và Thương Bạc đình vẫn bên bờ sông Hương như hiện nay.

Là vị vua thứ tư của triều Nguyễn, năm 1864 vua Tự Đức định lệ cho học chữ Tây, tiếng Tây. Mỗi ngày phải học ít nhất 10 chữ, cứ 3 tháng 1 kỳ, nội các cùng với bộ Lễ sẽ sát hạch. Người nào đọc thuộc lòng, thông hiểu, viết ám tả, chữ tốt, ngay ngắn, được 100 chữ thì xếp vào hạng ưu, thưởng 6 quan tiền; 50 chữ thì xếp hạng bình, thưởng 4 quan tiền. Nếu ai học tập trễ nải, không đủ 10 chữ thì phạt 10 roi, cứ 10 chữ lại tăng lên một mức phạt.

Năm 1869, vua định lại điều lệ thưởng phạt sát hạch những người học tiếng Tây, chữ Tây. Mỗi năm sát hạch 2 lần, lấy các bài trong sách học ngày thường cho viết ám tả, rồi đọc thuộc lòng, soạn một văn bản và dịch ra tiếng Pháp. Trước hết phải đạt yêu cầu phiên dịch dễ hiểu, ám tả đúng, đọc thuộc lòng lưu loát, rồi sau đó mới xét đến cả kỳ học được bao nhiêu chữ, bao nhiêu câu. Nếu nhiều hơn 200 câu trở lên thì được xếp vào hạng ưu, thưởng cho 12 quan tiền; được hơn 100 câu thì xếp vào hạng bình, thưởng cho 8 quan tiền, ít hơn thì vào hạng thứ, không được thưởng.

Năm 1872, vua Tự Đức định lại chương trình học chữ và tiếng Pháp, mỗi ngày học từ 3 đến 4 câu và cứ đến tháng 6 và tháng 12 thì lấy trong sách học ngày thường và yêu cầu đọc thuộc lòng từ 1 đến 2 câu. Đồng thời, một bản tờ trát được soạn ra và yêu cầu dịch ra tiếng Pháp. Nếu phiên dịch dễ hiểu, chữ viết ngay ngắn, học thuộc trơn tru, và dựa trên số câu, chữ đã học từ đó sẽ xét tiền thưởng. Người nào học được nhiều đến 200 câu trở lên thì thuộc hạng ưu, được thưởng 20 quan tiền. Người nào học100 câu trở lên được thưởng 8 quan tiền, thuộc hạng bình, còn người nào không được 100 câu thì không được thưởng.

Năm 1878, vua xem nhật báo Hương Cảng tân văn, thấy bàn đến việc muốn nước mạnh và phát triển thì phải thông thương, đóng tàu và cử người đi nước ngoài. Qua đó, vua tuyển những tú tài, cử nhân và con em các quan viên trên dưới 20 tuổi, người nào thông nghĩa sách, biết chữ mà tình nguyện đi học thì đều được đi Hương Cảng, sang Tây, cấp cho tiền lệ phí, nhưng hạn cho 5 năm về sát hạch nếu thành tài, thì được bổ nhiệm làm quan.

Đến thời vua Đồng Khánh (1885-1889), triều đình Huế rơi vào bối cảnh lịch sử đầy biến động, thực dân Pháp đã chiếm đoạt hầu hết chủ quyền của Nam triều. Năm 1888, vua chọn 5 người thông minh, nhanh nhẹn, tuổi từ 15 đến 22 trong số con em quan viên, rồi cấp cho kinh phí (mỗi người 100 đồng), cho sang thành Ba Lê bên Pháp học tập chữ Tây.

Như vậy, các vua triều Nguyễn dù ở những hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng đều nhận thức việc học ngoại ngữ là điều cần thiết, phục vụ cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế đất nước. Từ đó, nhiều chính sách dạy và học ngoại ngữ được xây dựng. Đây là một định hướng hoàn toàn đúng đắn, một bước tiến vượt bậc, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Dưới triều Nguyễn, việc đào tạo những người giỏi ngoại ngữ đã giúp cho công việc mở mang bang giao với nước ngoài thuận lợi hơn. Sự giao lưu giữa nước ta với các nước khác không chỉ giới hạn trong khu vực mà đã mang tính toàn cầu. Chính vì vậy, những chủ trương, chính sách về dạy và học ngoại ngữ nhằm xây dựng một đội ngũ giỏi ngoại ngữ là một điều thiết yếu để mở rộng giao thương quốc tế. Tuy nhiên, việc mở trường và giảng dạy ngoại ngữ dưới triều Nguyễn phần lớn nhằm mục đích đối phó với người phương Tây khi họ đến thông thương, chứ chưa chú trọng tới việc phát triển giao lưu văn hóa Đông – Tây, do vậy, chưa mang tính phổ biến rộng rãi, đôi lúc vẫn còn duy trì tính bảo thủ lỗi thời.

_______________

1. Đại Nam thực lục, tập V, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001, tr.372.

2. Sđd, tập IV, tr.962-963.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 357, tháng 3-2014

Tác giả : Nguyễn Văn Tưởng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *