Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu

1. Bối cảnh Việt Nam thời kỳ 1945-1954

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu sự hình thành một hệ thống chính trị cách mạng ở nước ta. Chính quyền Cách mạng ra đời chưa có thời gian củng cố, đã phải đương đầu với hàng loạt khó khăn thách thức như “giặc đói”, “giặc dốt, “giặc ngoại xâm”. Đảng và Nhà nước ta đã bắt tay ngay vào giải quyết những khó khăn cấp bách của đời sống nhân dân, tăng cường thực lực cách mạng trên tất cả các phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội… Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã diễn ra vào ngày 6-1-1946. Ngay sau đó, Hiến pháp đầu tiên đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua (9-1-1946).

Với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp bội ước, nổ súng đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và đổ bộ hàng nghìn quân vào Đà Nẵng (20-11-1946). Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng ta thể hiện trong Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng (12-12-1946), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh (19-12-1946) và đã giải thích cụ thể trong tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Trường Chinh (9-1947). Đường lối kháng chiến của Đảng là đường lối chiến tranh nhân dân, là ngọn cờ cổ vũ, dẫn dắt cả dân tộc Việt Nam đứng lên kháng chiến, là xuất phát điểm cho mọi thắng lợi của nhân dân.

Nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến đầy gian khổ nhưng rất anh hùng. Cùng với nhiệm vụ thực hiện cuộc kháng chiến chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, chúng ta đã thực hiện chuyển nền kinh tế tàn tích thực dân phong kiến và thấp kém thành nền kinh tế dân chủ, độc lập phục vụ nhu cầu kháng chiến và kiến quốc.

Trong thời kỳ này, kinh tế nông thôn và sản xuất nông nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng, nên cùng với việc động viên nông dân tích cực tăng gia sản xuất, Chính phủ đã từng bước thực hiện các chính sách về ruộng đất, giảm tô, giảm tức. Năm 1949, Sắc lệnh giảm tô, giảm tức được ban hành, đồng thời tạm cấp ruộng đất thu được của thực dân Pháp và địa chủ bỏ chạy vào vùng địch tạm chiếm chia cho nông dân nghèo. Nhờ đó, trong các vùng giải phóng, sản xuất nông nghiệp phát triển. Sản lượng lương thực năm 1954 đạt gần 3 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946. Tốc độ tăng giá trị sản lượng nông nghiệp ở miền Bắc trong 9 năm kháng chiến đạt 10%/ năm. Nhiều cơ sở công nghiệp quan trọng phục vụ quốc phòng và sản xuất hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân được khôi phục và mở rộng. Công nghiệp và thủ công nghiệp kháng chiến được xây dựng, đặc biệt là công nghiệp quốc phòng đã góp phần không nhỏ đáp ứng nhu cầu chiến đấu và tiêu dùng. Cùng với nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, sự nghiệp giáo dục chống giặc dốt được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, đi đôi với chống giặc ngoại xâm, giặc đói. Từ năm 1946 đến năm 1954 có 10,5 triệu người thoát nạn mù chữ (1).

Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, kiệt quệ vì sự bóc lột lâu dài của đế quốc và phong kiến, dân tộc ta đã đứng lên kháng chiến 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Thời kỳ này, văn hóa Việt Nam phát triển trong chiến tranh chống Pháp, vì vậy, nhiệm vụ lớn lao của thời đại khiến văn nghệ sĩ phải dấn thân, nhập cuộc với tư cách như một chiến sĩ. Hệ tư tưởng Mác – Lênin đã hiện diện trong đời sống văn hóa. Nhà nước dân chủ nhân dân xây dựng nền văn hóa trên cơ sở tiếp thu tinh hoa văn hóa truyền thống.

2. Các chính sách văn hóa thời kỳ 1945-1954

Thời kỳ này, quan điểm đường lối, chính sách văn hóa, nghệ thuật được thể hiện trong các chỉ thị, cương lĩnh của Đảng và các sắc lệnh của Chính phủ, nguyên tắc và biện pháp thực hành nhằm thực hiện mục tiêu đề ra về văn hóa, nghệ thuật.

Khẩu hiệu xuyên suốt giai đoạn này là: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Vì vậy, công tác văn hóa tập trung tuyên truyền cổ động cho các nhiệm vụ kháng chiến, chính sách văn hóa tập trung cho nhiệm vụ tất cả để chiến thắng. Giá trị nhân văn, yêu nước luôn được đặt lên vị trí cao nhất. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng ta luôn quan tâm đến phát triển văn hóa nước nhà.

Để bảo vệ và củng cố những thành quả cách mạng đã đạt được, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã bắt tay ngay vào quá trình quản lý đất nước trước sự đe dọa của thù trong giặc ngoài và đối mặt với muôn vàn khó khăn về nhiều mặt, bằng cách ban hành kịp thời các sắc lệnh, điều chỉnh nhiều mối quan hệ khác nhau. Công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cụ thể hóa bằng việc ban hành Sắc lệnh số 65/SL ngày 23-11-1945, hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành độc lập. Đây là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta, đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Tập Sắc lệnh gồm 117 Sắc lệnh của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành từ ngày 30-8-1945 đến ngày 28-2-1946 đã được công nhận Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2496/QĐ-TTg ngày 22-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Sắc lệnh 65/SL khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam” (khái niệm “cổ tích” trong Sắc lệnh ngày nay được gọi là di sản văn hóa, gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể) (2). Sắc lệnh đã đánh giá cao vai trò của di sản văn hóa, đặc biệt trong công cuộc kiến thiết nước nhà.

Tiếp đó, ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc. Chỉ thị vạch rõ những khó khăn trong việc giữ chính quyền, đề ra những nhiệm vụ cho từng mặt công tác như nội chính, quân sự, ngoại giao, tuyên truyền, kinh tế tài chính, cứu tế và văn hóa. Cụ thể, về tuyên truyền, kêu gọi đoàn kết chống thực dân Pháp xâm lược, phản đối chia rẽ, nhưng chống sự thống nhất vô nguyên tắc với bọn phản quốc, chống âm mưu phá hoại và chia rẽ của bọn phản động, Việt gian, chống thực dân Pháp xâm lược. Không công kích nhân dân Pháp, chỉ công kích bọn thực dân Pháp xâm lược. Về văn hóa, chống nạn mù chữ, cải cách giáo dục theo tinh thần mới, mở đại học và trung học, xây dựng nền văn hóa mới theo ba nguyên tắc: khoa học hóa, dân tộc hóa, đại chúng hóa (3).

Ngày 3-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 44 về việc lập Ban Trung ương vận động đời sống mới. Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Thực hiện lối sống cần, kiệm, liêm, chính (4). Ngày 20-8-1946, Người ra Sắc lệnh số 159, đặt ra sự kiểm duyệt các thứ ấn loát phẩm. Sắc lệnh này sẽ áp dụng cho các thứ ấn loát phẩm, sách, tranh vẽ, bản đàn, địa đồ, ảnh, quảng cáo… bất cứ in bằng cách nào dù để bán hay phát miễn phí. Trước khi ấn hành, các nhà xuất bản, ấn loát hoặc tác giả phải đệ đơn lên Sở Kiểm duyệt (5).

Ngày 24-11-1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức. Đây là một trong những sự kiện lớn, quan trọng về văn hóa trong thời kỳ này với sự tham dự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn cùng hơn 200 đại biểu là các nhà văn hóa trên toàn quốc. Trong Hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài phát biểu dài 40 phút. Người tha thiết mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Hãy học tập cái hay của văn hóa Đông – Tây để tạo ra một nền văn hóa thuần túy Việt Nam, để hợp với tinh thần dân chủ. Phải làm thế nào cho văn hóa thấm sâu vào trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Người đã khẳng định: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ” (6). Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành Văn hóa và Thông tin. Người nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.

Ngày 16-7-1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai chính thức khai mạc tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Trong Hội nghị này, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc bản báo cáo Chủ nghĩa Mác – Lênin và văn hóa Việt Nam. Đây có thể xem là bản Cương lĩnh văn hóa được phát triển từ Đề cương văn hóa năm 1943 của Đảng. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được coi là Hội nghị Thi đua ái quốc của trí thức, các văn nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Mục tiêu của Hội nghị là vạch ra đường lối, nhiệm vụ và phương châm công tác văn hóa; đoàn kết những hoạt động văn hóa thành một mặt trận nhằm động viên các hoạt động văn hóa, văn nghệ kháng chiến, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Trước ngày khai mạc (15-7-1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng. Trong thư, Người nhấn mạnh: “Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”. Trước đó, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Nhiều Hội nghị thi đua ái quốc đã được triển khai ở các ngành, các giới, các cấp, từ Trung ương xuống địa phương (7).

Công tác thông tin, tuyên truyền lúc này chiếm vị trí hàng đầu trong năm bước công tác cách mạng với khẩu hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai và Hội nghị Cán bộ văn hóa lần thứ nhất vào tháng 2-1949: “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Ngày 10-7-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 30/SL sáp nhập Nha Thông tin thuộc Bộ Nội vụ vào Thủ tướng Phủ và Sắc lệnh số 83/SL hợp nhất Nha Thông tin thuộc Thủ tướng Phủ và Vụ Văn học, nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục thành Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng Phủ do đồng chí Tố Hữu phụ trách.

Ngày 10-10-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia, có nhiệm vụ: thống nhất tổ chức và quản lý các nhà in của Chính phủ; điều chỉnh và đảm bảo việc in sách báo, tài liệu của Chính phủ và các đoàn thể nhân dân; phổ biến lưu thông các sách báo, tài liệu trong nhân dân; giúp đỡ và hướng dẫn việc in và phát hành của các nhà xuất bản tư nhân. Nhà in quản lý cả ba ngành Xuất bản, In, Phát hành và đã tổ chức được các chi nhánh đến Liên khu V.

3. Những thành tựu văn hóa, văn nghệ thời kỳ 1945-1954

Văn hóa Việt Nam phát triển trong bối cảnh kháng chiến chống thực dân Pháp, khiến các văn nghệ sĩ phải dấn thân, nhập cuộc với tư cách của một chiến sĩ. Mỗi nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Điều quan trọng là hệ tư tưởng Mác – Lênin đã hiện diện trong đời sống văn hóa, tạo ra một xã hội của những người làm chủ mà nguồn gốc xuất thân của họ là nông dân, công nhân. Nét chủ đạo của văn hóa kháng chiến là phong trào văn nghệ quần chúng. Các phong trào này đã dấy lên không khí phấn khởi, tươi vui trong nhân dân, đồng thời là nguồn cổ vũ lớn lao đối với các phong trào cách mạng như: thi đua yêu nước, giết giặc lập công, tăng gia sản xuất… phục vụ tiền tuyến, góp phần vào những thắng lợi to lớn của dân tộc Việt Nam. Việc thực hiện những quan điểm đường lối, chính sách văn hóa, nghệ thuật của Đảng và Chính phủ trong thời kỳ này đã đem lại những thành tựu nhất định: hình thành lối sống mới, phong trào văn nghệ quần chúng, báo chí, xuất bản phát triển mạnh mẽ, và nền văn học nghệ thuật cách mạng hình thành, phát triển.

Một lối sống mới hình thành và phát triển. Ngay trong năm đầu giành được độc lập, cuộc vận động đời sống mới do Ban Trung ương vận động đời sống mới triển khai đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các phong trào được phát động mạnh mẽ lúc bấy giờ như: “Hũ gạo cứu đói”, “Lá lành đùm lá rách”, “Tuần lễ vàng”… thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta. Đồng thời, hầu khắp các địa phương đều phát động phong trào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin, bài trừ ma túy, rượu chè, cờ bạc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nếp sống lành mạnh, tốt đẹp, lối sống cần kiệm liêm chính vẫn được tiếp tục xây dựng và phát triển ở khắp mọi nơi. Từ năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào Thi đua yêu nước và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. Phong trào thi đua đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, trí tuệ và năng lực sáng tạo vốn có của mọi người dân Việt Nam lên một tầm cao mới (8).

Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ. Ở khắp các địa phương trong cả nước, những thuần phong mỹ tục được bảo tồn và phát huy, phong trào văn nghệ quần chúng sôi nổi, tạo nên một bầu không khí mới ở các vùng quê. Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức. Trong hai năm 1951, 1952, có 501 tác phẩm dự thi với 289 tác giả, trong đó có nhiều tác giả mới là nông dân, công nhân hoặc người dân tộc thiểu số. Các tác giả này viết về đời sống nông thôn, ruộng đất, sản xuất tiết kiệm, dưới nhiều thể loại như ca dao, hò, vè, kịch, truyện ngắn… Mạng lưới các tổ chức văn hóa, văn nghệ phát triển rộng khắp ở các địa phương. Từ tháng 4-1947, các cấp thông tin, tuyên truyền ở tỉnh, huyện, xã được chấn chỉnh và có tổ chức chặt chẽ. Các Ty Thông tin ở cấp tỉnh đã được xây dựng các ban chuyên môn như: hội họa, ấn loát, phát hành các bản tin.

Báo chí, xuất bản phát triển. Trong giai đoạn này, sách báo và các ấn phẩm trở thành công cụ đắc lực để tuyên truyền cho các phong trào Bình dân học vụ, Hũ gạo cứu đói, Tuần lễ vàng, Bầu cử… Báo chí được xuất bản công khai. Các cơ sở xuất bản trong thời kỳ trước cách mạng được duy trì, cải tổ và phát triển. Sự xuất hiện của hàng trăm tờ báo ở khắp các địa phương trong cả nước, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn đã phản ánh bầu không khí sôi động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Đặc biệt, sự ra đời của Tạp chí Tiền phong, cơ quan ngôn luận của Hội Văn hóa cứu quốc, đã có tác dụng định hướng cho giới văn nghệ sĩ, tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phản ánh sinh động đời sống văn hóa của dân tộc trong những năm đầu giành được độc lập. Công tác xuất bản và phát hành các tờ báo gặp không ít khó khăn nhưng vẫn không ngừng phát triển. Tại Nam Bộ, từ năm 1951-1954, Nhà in Trần Phú đã liên tục in và phát hành báo chí cách mạng như: Tạp chí Nghiên cứu, Báo Nhân dân miền Nam, Báo Kinh nghiệm tuyên truyền, Văn nghệ miền Nam, Lá lúa. Đặc biệt, Nhà in Trần Phú còn in ấn nhiều tác phẩm lý luận cách mạng như: Mấy vấn đề quân dân (Lê Duẩn), Cách mạng dân chủ mới (Nguyễn Kim Cương)… “Giai đoạn 1945-1954, đã có tổng số 8.574.400 bản sách được xuất bản, gồm nhiều mảng chủ đề khác nhau, trong đó nhiều nhất và quan trọng nhất là sách chính trị, tuyên truyền, vận động quần chúng và sách quân sự để đáp ứng trực tiếp nhu cầu của cuộc kháng chiến” (9).

Nền văn học nghệ thuật cách mạng hình thành và phát triển. Nền văn học, nghệ thuật Việt Nam đã đi những bước đầu tiên để chuyển sang một giai đoạn mới với phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, phản ánh cuộc sống hiện thực theo một quá trình phát triển có tính chất cách mạng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong kháng chiến chống Pháp, khẩu hiệu “kháng chiến hóa văn hóa – văn hóa hóa kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phán ảnh mục tiêu và đi kèm với nó là phương pháp chi phối văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng. Về phong cách, để có thể kháng chiến hóa văn hóa, văn học phải nhắm đến đối tượng quần chúng đông đảo mà chủ yếu là nông dân. Do vậy, văn học giai đoạn này được hướng đến phong cách hiện thực, đại chúng. Những tác phẩm tiêu biểu như: Việt Bắc (Tố Hữu), Đôi mắt (Nam Cao), Làng (Kim Lân), Truyện Tây Bắc (Tô Hoài), Đồng chí (Chính Hữu)… Về thơ có các tác giả tiêu biểu như: Xuân Diệu, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Tế Hanh, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông… Hàng ngàn sáng tác mới về thơ, ca, nhạc, họa xuất hiện khắp các chiến trường.

Trong lĩnh vực hội họa, Hội Văn hóa Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm. Cuộc triển lãm lần thứ nhất được tổ chức vào cuối năm 1946 tại Hà Nội. Cuộc triển lãm lần thứ hai được tổ chức tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 7-1948 với 53 bức tranh của nhiều tác giả như: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sỹ Ngọc, Tô Ngọc Vân, Phạm Văn Đôn, Phan Kế An… Các tác giả tuy mới tham gia kháng chiến nhưng đã lấy cảm xúc từ cuộc kháng chiến để hình thành những tác phẩm hội họa với mục đích tuyên truyền.

Lĩnh vực âm nhạc phát triển và trở thành một hình thức cổ vũ mạnh mẽ, tích cực cho cuộc kháng chiến. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, các tác phẩm âm nhạc sáng tác trước cách mạng hoặc mới sáng tác từ chiến khu đã lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc, như: Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam (Văn Cao), Diệt Phát xít (Nguyễn Đình Thi)… Đặc biệt, sau khi được thành lập và phát sóng, Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành nơi chuyển tải những giai điệu hùng tráng của các ca khúc cách mạng trên khắp cả nước.

Kịch – một loại hình nghệ thuật có khả năng biểu hiện sự đấu tranh mãnh liệt, sinh động của cuộc sống đã được dàn dựng và biểu diễn. Ngày 7-4-1946, vở kịch Bắc Sơn của tác giả Nguyễn Huy Tưởng đã được công diễn. Vở kịch ca ngợi sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, phản ánh hiện thực cuộc sống, đã gặt hái nhiều thành công và sau đó còn tiếp tục công diễn ở Huế, Nghệ An, Thanh Hóa… (10).

Sắc lệnh Thành lập doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 15-3-1953, đây được coi là ngày khai sinh ngành điện ảnh Việt Nam. Thời kỳ này, có nhiều bộ phim thời sự, tài liệu được sản xuất như Chiến thắng Tây Bắc, Giữ làng giữ nước, Điện Biên Phủ. Các đội chiếu bóng, các đoàn văn công ở Trung ương, ở một số địa phương và trong quân đội được thành lập.

Cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm diễn ra ác liệt, song ở đâu có kháng chiến, ở đó có văn hóa. Những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” trong thời kỳ cách mạng đã tổ chức công tác tuyên truyền thành một nghệ thuật, đồng thời biết cách đưa nghệ thuật vào công tác tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị, “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Đây là một thành tựu lớn của nền văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền của nước nhà.

4. Kết luận

Trong bối cảnh đặc biệt của thời kỳ 1945-1954, văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Thực tiễn của quá trình xây dựng và hoạt động văn hóa minh chứng cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Trên cơ sở kế thừa những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc, một nền văn hóa dân chủ nhân dân, kháng chiến kiến quốc căn bản đã được xác lập và từng bước phát triển với các nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng. Ý chí tự cường, tinh thần đấu tranh không chỉ thể hiện trong đời sống mà còn trong các sáng tác văn học, nghệ thuật. Những chủ trương, đường lối, chính sách và thành tựu văn hóa, nghệ thuật của thời kỳ đã nối dài những thành tựu văn hóa, văn nghệ cách mạng, góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa trên đất nước Việt Nam.

__________________

1. Một vài nét về kinh tế – xã hội Việt Nam, chinhphu.vn.

2. Cao Thanh Huyền, Sắc lệnh 65 (23-11-1945) – Sắc lệnh đầu tiên về bảo tồn di sản văn hóa, bvhttdl.gov.vn, 18-11-2021.

3. Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến, kiến quốc, dangcongsan.vn, 20-4-2020.

4. Sắc lệnh số 44 của Chủ tịch nước: Sắc lệnh lập Ban trung ương vận động đời sống mới, vanban.chinhphu.vn.

5. Sắc lệnh số 159 về đặt ra sự kiểm duyệt các thứ ấn loát phẩm của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thuvienphapluat.vn, 20-8-1946.

6, 7. PV, Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, toquoc.vn, 24-11-2021.

8, 10. Trần Thanh Giang, Sự phát triển các lĩnh vực văn hóa trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, số 3, 2013, tr.61, 60-66.

9. Hà Minh, Xuất bản – In và Phát hành: Hành trình từ thô sơ đến điện tử hóa, infonet.vietnamnet.vn, 29-8-2016.

TS NGUYỄN THỊ ANH QUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *