Chùa kim liên


LTS: Kể từ số 315, tháng 9-2010, VHNT trân trọng giới thiệu với bạn đọc chùm bài khảo cứu lại một số địa danh chùa và đình nổi tiếng quanh Hà Nội của nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền. Chị đã dành rất nhiều thời gian trở lại với những nơi này, tìm hiểu từng chi tiết kiến trúc, mỹ thuật và đặt chúng trong những nghiên cứu so sánh tương ứng để từ đó nhận diện và khẳng định sự độc đáo riêng có của chúng. Đó không hẳn chỉ là các công trình mang ý nghĩa lịch sử mà còn là nơi thể hiện đậm nét chiều dày văn hóa, đặc biệt là sự tinh tế trong cách thức tạo dựng và ứng xử dành cho chúng của người Kinh kỳ xưa. Âu cũng là những thông tin giúp người Hà Nội nay thêm suy ngẫm về các giá trị văn hóa một thời và mãi mãi của ông cha.

 

Làu làu gác nọ rèm phong nguyệt

Văng vẳng chiều kia dõi tiếng kình 

Lần trải mấy sương đà mấy độ Kim Ngưu dấu cũ hãy rành rành(1) 

Chúa Trịnh Sâm

Chùa Kim Liên hay còn có tên chữ là Đại Bi tự nằm phía bắc hồ Tây thuộc làng Nghi Tàm, xã Quảng An, quận Tây Hồ. Đời Trần, đất này được gọi là phường Tích Ma. Theo bia Đại Bi tự bi ký (2) niên đại Thái Hòa (1443), chùa được xây dựng vào thời Lê Nhân Tông, có tên là Đại Bi. Đến đời Lê Thánh Tông, theo truyền thuyết, có công chúa Quỳnh Hoa ở thiên đình giáng xuống đầu thai vào họ nhà Trần (3) và sau trở thành bà chúa tằm tang do có công giúp dân làm nghề này. Rất có thể tên Nghi Tàm bắt đầu có từ giai đoạn này. Sau khi qua đời, bà được dân lập đền thờ tại đây (4). Một số bia khác ghi chùa đã được tu sửa vào các năm 1639, 1736. Có lẽ, niên đại quan trọng nhất liên quan đến diện mạo của ngôi chùa Kim Liên hiện nay, được ghi lại trên tấm bia lớn dựng trong tòa tiền đường, là năm Nhâm Tý 1792 dưới thời Tây Sơn, khi chùa được dựng lại. Trên thượng lương thượng điện và tiền đường cũng ghi niên hiệu này (5).

Kim Liên là một trong hai ngôi chùa độc đáo nhất miền Bắc bởi lối kiến trúc hình chữ tam, và được xem như là một cặp song sinh, tuy cách nhau có 2 năm (1792 và 1794), với chùa Tây Phương ở núi Câu Lậu, Thạch Thất, Hà Tây cũ. Tuy nhiên niên đại này có lẽ chỉ là niên đại cho sự hoàn thiện ngôi chùa mà thôi, còn toàn bộ kiến trúc chạm khắc của hai ngôi chùa này thực tế đã được dựng và tái thiết từ năm 1736-1771 cách thời điểm trên khoảng 56 năm. Theo ghi chép trong Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ), “… khoảng thời Cảnh Hưng, Thánh tổ Thịnh vương sai nhặt nhạnh vật liệu ở chùa Bảo Lâm để làm, rồi ban tên Kim Liên tự. Ông Phan Trọng Phiêu phụng chỉ soạn văn bia”. Sách Tây hồ chí có chép thêm là năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771), chúa Trịnh Sâm đã sai Phan Huy Đĩnh và Nguyễn Khắc Tuân dỡ bỏ chùa Bảo Lâm ở phía tây thành về làm chùa. Sự kiện này cũng được bia Tự Đức năm 1867 ghi: “chúa Trịnh Sâm sai chuyển vật liệu từ chùa Bảo Lâm đến để làm trên nền cũ của chùa Kim Liên” (6). Đáng chú ý là cho đến thời điểm năm 1771, cả chùa Tây Phương lẫn chùa Bảo Lâm (7) đều chưa hoàn thiện, và theo như Đại Việt sử ký tục biên, chúng đã bị ngừng vào năm Vĩnh Hựu 6 (1740). Như vậy, việc ghi chép về việc hưng công tu sửa và làm thêm tiền đường chùa Kim Liên trên bia 1792, đã khẳng định niên đại cuối cùng trong quá trình hoàn thiện ngôi chùa này. Tuy nhiên, tính thống nhất của kiểu dáng kiến trúc cũng như nghệ thuật chạm khắc cho phép ta suy đoán rằng, chùa Kim Liên khi được hoàn thiện vào năm 1792 đã tuân thủ hoàn toàn theo mẫu hình của chùa Bảo Lâm còn đang dang dở trước đó. Và tương tự như thế hai năm sau, chùa Tây Phương cũng được tựu thành. Do vậy, có thể nói phong cách nghệ thuật của hai ngôi chùa này là sản phẩn thời Lê Trịnh, chứ không phải là phong cách kiến trúc thời Tây Sơn như niên đại kể trên.

 

Kiến trúc

 

Chùa Kim Liên tọa lạc trên mảnh đất hình con rùa nằm ở phía bắc hồ Tây. Toàn bộ kiến trúc của chùa mang biểu tượng của một bông sen khổng lồ. Từ tam quan cho đến kiến trúc chính điện, với những tàu đao vút lên, các lớp mái đan nhau san sát liên tục, khiến cho ngôi chùa như một bông sen nổi trên mặt nước hồ Tây.

Có lẽ, việc xác định chính xác phong cách kiến trúc không những giúp chỉ ra những giá trị nghệ thuật đỉnh cao mà còn lý giải về sự hội tụ những điểm độc đáo trong cùng một di tích, những biểu tượng triết học và việc không phải ngẫu nhiên mà chúng được mang dạng thức chữ tam.

Trước tiên là tam quan, một trong những tác phẩm kiến trúc độc nhất vô nhị so với vô số các tam quan chùa Việt. Tam quan chùa Kim Liên có dạng thức kết cấu vì kèo một hàng chân cột. Để tạo độ vững chắc cho toàn bộ kiến trúc đồ sộ này, thay vì đặt các chân trụ lên trên những chân tảng hoa sen, người thợ xưa đã đục sâu những chân tảng đó làm thành móng cho toàn bộ tam quan và dựa trên hệ thống các giằng mái để tạo nên tính cân bằng trong kiến trúc. Đôi cột cái ở giữa cao hơn, nâng mái giữa vươn lên tạo thành cổng lớn rộng hơn so với hai bên. Điều đặc biệt là tuy tam quan chỉ có ba hàng chân cột nhưng lại có tới sáu bộ vì. Bốn bộ được ăn mộng vào các cột cái theo kết cấu phía dưới là những con sơn, phía trên là những xà rường. Trên hai thanh xà nối hai cột cái chính giữa với hai cột cái ở hai bên, người ta lại tạo ra hai bộ vì lửng dựa sát vào đôi cột chính giữa. Bộ vì này là những thanh gỗ lớn dạng thức chồng rường hình thang giật cấp. Hệ thống vì kèo lửng này còn được liên kết một cách chặt chẽ bởi xà nối hai đầu cột cái giữa kéo dài ra thành thượng lương của hai nóc mái hai bên, khiến cho các bộ vì thấp, vì cao này có thể hỗ trợ nhau để nâng hệ thống tàu đao mái lá của ba mái riêng biệt cong vút và thanh thoát. Không chỉ vậy, trên các bộ vì này, các nghệ nhân xưa đã biến chúng thành lãnh địa cho những chạm khắc tung hoành. Đáng chú ý là việc tạo ra hệ thống các trụ đấu giả tưởng được chạm xen lẫn với môtip hổ phù đội hoa sen, ly vẫn (8) và hoa lá đã làm cho các bộ vì trở nên cầu kỳ mà vẫn khúc triết. Ngoài ra, hệ thống các đầu dư được tạo nên từ các xà và giằng có chạm trổ đầu rồng tỉ mỉ, kết hợp với tám đầu mái cong bè làm tam quan càng thanh thoát, bay bổng hơn.

Các biểu tượng và lối thức kết cấu độc đáo này khiến tam quan chùa Kim Liên như đượm vẻ kiểu thức kiến trúc cung đình. Một số học giả cho rằng, chúng có dáng vẻ giống hệt với dạng bài lầu trong kiến trúc cổ Trung Hoa (9). Điều này càng giúp khẳng định thêm phong cách thời Lê Trịnh cho các thành phần kiến trúc ở đây, đặc biệt vào thời Trịnh Giang, khi hai công trình kiến trúc chùa Bảo Lâm và chùa Tây Phương cùng được khởi dựng, là giai đoạn cực kỳ thịnh vượng. Chùa Bảo Lâm vốn là ngôi chùa được dựng phía bắc của Phủ Trịnh, nên kiến trúc ắt phải được tạo hình một cách tương thích với lầu các, cung, tẩm của phủ chúa.

Chùa chính là một cụm kiến trúc gồm ba tòa chồng diêm hai tầng tám mái đặt song song. Tiền đường và thượng điện đều có 5 gian, trung đường có 3 gian. Chùa Trung hơi thụt vào so với 2 nhà trước sau tạo thành hình chữ tam. Có lẽ mặt bằng hình chữ tam này đã chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn tất thảy những công trình kiến trúc từ xưa đến nay ở các đình chùa Việt. Chữ tam với ba nếp nhà song song đã tạo nên một mô hình tam tài: thiên – địa – nhân ứng với ba nếp nhà. Nếp nhà ngoài cùng tiền đường, hay còn gọi là chùa Hạ, ứng với nhân, mang ý nghĩa gần gũi với cõi tục. Thượng điện trong cùng ứng với địa, tức cõi của thần linh. Trung đường, mặc dầu hẹp hơn so với hai tòa trong và ngoài nhưng cũng là nếp nhà cao nhất, ứng với thiên, cũng chính là vũ trụ. Và mô hình này lại được nối với nhau bởi lớp tường bao, đóng thành một khối kín, tạo cho không gian nội ngoại thất trở nên thống nhất, đồng thời nối liền ba nét ngang của chữ tam thành hình chữ vương. Đây có lẽ đây là ẩn ý sâu xa của những nhà kiến trúc cung đình xưa dưới thời Trịnh Giang, bởi lẽ, các chúa Trịnh thời bấy giờ lúc nào cũng trong ngôi vị phi đế, phi bá. Do đó biểu tượng hình chữ tam – vương này chính là một biểu tượng đầy hàm nghĩa đối với một ngôi chùa ở hàng quốc tự.

Không chỉ vậy, các nếp nhà tiền, trung, thượng đều được dựng theo kiểu thức chồng diêm hai tầng, còn mang biểu tượng của Dịch học và Phật giáo, hai tầng mái là lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. Mỗi tầng mái của ngôi chùa với bốn đầu đao cong vút lên đã tạo ra biểu tượng của một bông hoa sen. Như vậy, cũng có thể xem chúng chính là những bông sen được sinh ra trong hoa sen. Sự chồng diêm liên tiếp của các nếp nhà chính như ngụ ý sự biến hóa khôn lường, hay sự vi diệu của Phật pháp.

Bước vào chùa, trong thế giới hoàn toàn tách biệt, thứ ánh sáng nhẹ, lan tỏa dìu dịu như vẽ ra một bức tranh nhiều sắc độ. Ánh sáng này đã kiến tạo nên một không gian tĩnh lặng và huyền ảo nhờ sự tính toán công phu khi dựng chùa. Sự tài tình của các nhà kiến trúc dân gian xưa là đã biết sử dụng nghệ thuật đối lập ngay ở trong một công trình kiến trúc. Chỉ tiền đường là có 9 cửa nối thông với không gian bên ngoài, còn nếp chùa trong chỉ là kết cấu bởi những hàng cột rỗng, khiến chúng liên thông với nhau tạo nên nội thất chùa rộng và thoáng. Khác với chùa Tây Phương, giữa các nếp nhà chùa Kim Liên không có sân thiên tỉnh mà được làm sát lại với nhau nên để lấy ánh sáng, người ta thiết kế hệ thống các cửa sổ mang biểu tượng sắc sắc, không không hoặc với những chấn song con tiện được tạo ra ở phần cổ diêm mỗi tòa. Ưu điểm của hệ thống cửa sổ này là ánh sáng dường như chỉ chiếu lên những pho tượng Phật đặt trên các ban thờ, còn không gian xung quanh lại như mờ tỏ, khiến cho cõi thiền trở nên tĩnh lặng, như cái lý của sắc không vậy.

Có lẽ biểu tượng hoa sen không chỉ được thể hiện ra trong hình thức của bộ mái chồng diêm, mà còn được thể hiện trên từng chạm khắc cũng như trên những chi tiết nhỏ nhất của kiến trúc. Toàn bộ hệ thống chân cột của cả ba tòa nhà đều được đặt trên các chân tảng hình hoa sen. Hệ thống các cột trốn đặt trên các xà ngang xà góc của chùa cũng được tạo ra dưới dạng thức của một bông sen. Đặc biệt hơn nữa, trên những tàu góc của bộ mái, người ta cũng chạm khắc hình bông sen. Rồi đến các đấu kê nâng mái cũng được chạm biểu tượng này. Tất cả hợp lại như tạo nên một thế giới cực lạc lung linh.

Bên cạnh các biểu tượng về hoa sen, biểu tượng lá sen cũng được xuất hiện trên các xà. Đan xen vào đó là các biểu tượng lá cúc, với những gân ba nhánh, tạo nên sự đa dạng và phong phú. Để ý kỹ hơn vào các biểu tượng trang trí, ta có thể dễ dàng nhận ra các motip trang trí của tòa trung đường đa dạng hơn. Nếu ở tòa hạ và thượng, phần lớn các motip trang trí là hoa lá, thì tòa trung đường lại được trang trí rồng phượng, hổ phù trên nóc mái, ván lá gió cũng như trên các xà ngang. Hình thức trang trí này đã nhấn mạnh thêm cho ý nghĩa biểu tượng thiên trong mô hình tam tài. Đồng thời nó cũng cho thấy tính chất thống nhất trong kiểu cách trang trí, như việc tạo ra các trụ đấu giả trên các ván lá gió xen giữa các biểu tượng hoa sen và lá cúc từ tam quan cho đến các tòa chùa. Biểu tượng hổ phù đội thượng lương, ly vẫn ngoàm các con rường.

Có thể nói, kiến trúc chùa Kim Liên là sự hội tụ của những giá trị kiến trúc và nghệ thuật đỉnh cao, kết giữa cái phức tạp của trang trí trên các vì kèo và sự đơn giản của kết cấu mặt bằng; sự đối lập tĩnh tại của các đường thẳng và sự sinh động của các mái cong. Nó thừa hưởng thành tựu kiến trúc của các thế kỷ trước, như kết cấu chồng diêm hai tầng tám mái, hệ thống tàu đao mái lá của kiến trúc đình làng; đồng thời học tập, vận dụng một cách linh hoạt nghệ thuật kiến trúc Trung Hoa, như kiến trúc bài lầu và hệ thống các con sơn. Tất cả những yếu tố đó đã được kết hợp hài hòa để tạo nên một giá trị mới.

 

Điêu khắc

 

So với chùa Tây Phương, các tác phẩm điêu khắc ở chùa Kim Liên không đồ sộ cũng như không tinh xảo bằng. Điện Phật ở đây được hình thành cũng khá muộn và có cách thức bài trí dựa theo bố cục của kiến trúc. Ban tam bảo của chùa được đặt ở thượng điện với ba hàng tượng gồm: Tam Thế Phật với tượng Adiđà, ngực đeo dây anh lạc, tay kết ấn tam muội, và hai tượng bồ tát, một tượng cầm mây báu, một tượng cầm mani pháp; hàng cuối cùng là hai pho Ca diếp và A nan. Tòa trung đường, thờ Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ở ban cao nhất, dưới là tượng Phật thế tôn kết ấn chuẩn đề, hai pho tượng đứng hai bên là tượng Thế Chí bồ tát (hiện nay đã bị mất cuốn sách cầm tay) và Quan Âm cam lồ. Lớp dưới cùng là tượng Thích Ca sơ sinh và tượng Nam Tào, Bắc Đẩu ở hai bên. Đa phần các tượng Phật ở đây đều có niên đại thuộc TK XVIII.

Đặc sắc nhất trong hệ thống tượng Phật này có lẽ là hai pho tượng đứng, Anan và Ca diếp. Cả hai được tạc từ khối gỗ nguyên. Tượng Anan đứng chắp tay theo lối kết ấn liên hoa hợp chưởng ấn, những nếp áo buông chùng thanh mảnh, và hơi nhẹ bay sang một bên, khiến cho pho tượng trở nên sống động một cách lạ kỳ. Tượng Ca diếp, chắp tay cuộn tay lại với nhau, gương mặt thư thái nhưng hiện vẻ từng trải của một người trung niên, các nếp áo cũng được tạo hình một cách mềm mại. Mặc dầu những tác phẩm này không đạt đến độ điêu luyện như những tác phẩm điêu khắc ở chùa Tây Phương, nhưng chúng cũng rất đặc trưng cho nghệ thuật điêu khắc TK XVIII.

Bên cạnh hệ thống tượng Phật, chùa Kim Liên hiện lưu giữ một tác phẩm rất độc đáo là tượng Dụ tổ Thuận Vương Trịnh Giang. Pho tượng này, theo ghi chép trong Vũ Trung tùy bút, từng được đặt trước tòa Tam Bảo, sau đó được di xuống hậu đường. Nhìn từ góc độ về mặt nghệ thuật, tác phẩm này mang đậm yếu tố đặc tả chân dung. Tượng đội mũ cổn, mặc áo cổ chéo, chân đi hài, hai tay cầm ngọc khuê một cách thành kính. So với hệ thống tượng hậu được thờ ở các đình chùa Việt, có thể xem đây là tác phẩm tượng đứng duy nhất. Không chỉ vậy, tác phẩm này còn giúp xác nhận về lịch sử của ngôi chùa, cũng như ghi lại chân dung một vị chúa có nhiều công trạng thời hậu Lê.

Hai pho tượng công chúa Từ Hoa và Quỳnh Hoa được đặt trong hai khám cũng là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Công chúa Từ Hoa mặc áo trắng, còn Quỳnh Hoa mặc áo đỏ. Cả hai đều được dân tôn là Bà Chúa nghề tằm của phường Nghi Tàm xưa. Hai pho tượng này có niên đại khá muộn, khoảng cuối TK XIX, đầu TK XX, nên rất có thể đã được làm theo những ghi chép sai lạc về lịch sử của ngôi chùa (10).

 

Văn bia

 

Ngoài những giá trị nghệ thuật được hiện diện trên kiến trúc, điêu khắc, hệ thống văn bia của chùa Kim Liên có thể được xem là những tác phẩm nghệ thuật trên đá. Đáng chú ý là tấm bia dựng năm Thái Hòa, nguyên niên đời Lê Nhân Tông (1443); đây là tấm bia cổ nhất trên đất Hà Nội. Mặc dầu, văn bia này hiện nay đã mờ hầu như hết chữ, nhưng đôi rồng chầu chữ Phật khắc trên trán bia và những con rồng cuộn khắc trên cạnh bia đã cho thấy sự xảo hoạt của nghệ thuật trang trí. Đôi rồng chầu chữ Phật là một trong những motip độc đáo duy nhất chỉ tìm thấy trên văn bia chùa Kim Liên. Đôi rồng này ít nhiều phỏng theo nghệ thuật trang trí rồng thời Lý, nhưng đầu và thân đã thay đổi về nhịp điệu. Rồng tạc theo lối vặn thân, đuôi vắt ngược lên phía trên theo nhịp điệu hình sin, hòa nhịp với tiết điệu hình sin của chiếc bờm bay ngược lên. Hàm trên của rồng vẫn được biến tướng thành chiếc mào hình lá đề. Hình tượng rồng cuộn trong hình tròn được chạm ở cạnh bia cũng cho thấy nét độc đáo của tạo hình. Khác với những biểu tượng rồng kế thừa motip nghệ thuật Lý trên các tấm bia ở Lam Kinh, những con rồng được tạc ở đây không hề khô cứng, thậm chí nó cho thấy trình độ điêu khắc điêu luyện, mà rất có thể với những tấm bia có niên đại muộn hơn ở Lam Kinh, người ta đã ít nhiều học tập mô thức này để biến đổi thành phong cách cho nghệ thuật trang trí văn bia thời Lê sơ.

Tấm bia có niên đại Thái Hòa đời Lê Nhân Tông này không chỉ có giá trị về mặt tạo hình mà còn cho thấy chùa Đại Bi – Kim Liên thời Lê sơ đã có một vị thế quan trọng ở kinh thành Thăng Long. Bởi lẽ, thời kỳ này, việc thịnh hành của Nho giáo và sự chế định đối với các công trình Phật giáo đã khiến cho hầu như không có ngôi chùa nào được xây dựng vào thời gian này, vậy mà chùa Kim Liên vẫn được khởi dựng.

Mang biểu tượng độc đáo của một bông sen và hoa sen sinh ra trong hoa sen để kiến tạo nên một cực lạc thế giới, từ kiến trúc cho đến điêu khắc và nghệ thuật trang trí trên các văn bia nơi chùa Kim Liên đã góp thêm nét độc đáo riêng biệt cho nghệ thuật tạo hình Thăng Long xưa.

_______________

1. Bài thơ Vịnh cảnh Hồ Tây của chúa Trịnh Sâm (1767-1782), một trong những người có công trong việc trùng tu và dựng lại chùa Kim Liên.

2. Tấm bia này hiện được dựng bên tay phải của tam quan chùa.

3. Nguyễn Vinh Phúc, Một bà chúa nghề dâu tằm, in trong sách Mặt gương Tây hồ, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2004.

4, 10. Một số tài liệu thì cho rằng chùa được xây dựng trên nền cũ của cung Từ Hoa từ thời Lý, vốn là nơi ở của công chúa Từ Hoa, con gái của vua Lý Thần Tông (1128-1138), đem theo các cung nữ dời bỏ cung điện ra đây để trồng dâu chăn tằm kéo tơ, rồi truyền nghề cho dân. Tuy nhiên, điều này không chính xác mà có sự nhầm lẫn giữa lịch sử của ngôi chùa Trấn Quốc và chùa Kim Liên, giữa cung Từ Hoa và Thúy Hoa. Hơn nữa, trong những ghi chép về hoàng tộc, Lý Thần Tông cũng không có công chúa nào tên là Từ Hoa.

 

5. Chữ khắc trên thượng lương chùa Hạ: “Tháng trọng thu năm Nhâm Tí, dân cả phường chữa lại ngôi chùa và làm thêm nhà tiền đường”.

 

6. Đọc thêm Trần Thị Kim Anh, Thêm tư liệu cho việc xác định niên đại kiến trúc chùa Kim Liên và chùa Tây Phương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

7. Chùa Bảo Lâm xưa vốn ở phía tây Phủ chúa, phía bắc gần chùa Báo Thiên. Thời Dụ Tổ Thuận Vương cho trùng tu, viên hoạn quan là Tiêu Trung Hầu coi xét công việc. Tiêu Trung Hầu cũng là người giám sát việc xây dựng chùa Tây Phương cùng thời gian này. Phạm Đình Hổ cũng cho biết, chùa Tây Phương đại hưng công tu sửa suốt 3 năm chưa xong, phải ngừng lại. Theo Đại Việt sử ký tục biên, năm Vĩnh Hựu 6 (1740) đã có lệnh bãi việc xây dựng ở các chùa Bảo Lâm, Tây Phương.

8. Ly vẫn là một trong chín con của rồng, thường được chạm ngậm diềm mái, nhưng ở đây được sử dụng để chạm hai ngạm hai đầu của con rường trên bộ vì.

            9. Thức kiến trúc bài lầu là một dạng cửa phụ trong tổng thể cả một công trình. Ở Di Hòa Viên (Trung Quốc) người ta thường bắt gặp Bài lầu đứng đơn độc (chú thích của Nguyễn Mạnh Cường, Đặng Hữu Tuyền, Kiến trúc chùa Kim Liên với triều đại Tây Sơn, Tạp chí Khảo cổ học).

Nguồn : Tạp chí VHNT số 315, tháng 9-2010

Tác giả : Trang Thanh Hiền

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *